Dấu ấn của văn minh Angkor qua sưu tập hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia
[ 26/05/2016 07:00 AM | Lượt xem: 2346 ]

Dấu ấn của văn minh Angkor qua sưu tập hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia


Phải đến cuối thế kỷ 19, những ngôi đền kỳ diệu của văn minh Angkor mới được các nhà khảo cổ học phát hiện và khám phá. Họ thực sự bàng hoàng sửng sốt trước một kiến trúc kỳ vĩ và độc đáo của một trong những nền văn minh sớm nhất Đông Nam Á này. Những quần thể kiến trúc tháp này đồ sộ kỳ vĩ, những đề tài nghệ thuật chạm khắc đá tinh xảo, chúng được đánh giá là một trong những kỳ quan của nhân loại, không thua kém gì những Tháp cổ Ai Cập hay ngôi đền Borobodur và công trình kiến trúc Loro Jonggang của Indonesia hay khu chùa hang Ajanta của Ấn Độ...

 

Trong quá  trình tồn tại và phát triển của mình, văn minh Angkor đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, với sự tôn sùng  Hindu giáo, Phật giáo kết hợp với sự sáng tạo của mình đó là tục thờ Thần Vua hay còn gọi là các vị vua trời devaraja. Những mảng phù điêu miêu tả, những bức tượng thần, tượng Phật ẩn chứa một kho tàng văn hóa phong phú, một không gian thần thoại huyền ảo, phản ánh tư duy trừu tượng, lãng mạng của cư dân nông nghiệp lúa nước khi lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ. 

Hiện nay trong kho của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ một sưu tập hiện vật độc đáo của nền văn minh này, vốn được người Pháp đưa về Bảo tàng Louis Finot từ những năm đầu thế kỷ XX. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu:

Phù điêu chạm tiên nữ Apsara

Số đăng ký: LSb.21227

Kích thước: Cao: 89cm; Dày: 19cm; Niên đại: TK 10

Mô tả và chú giải: Bức chạm hai thiếu nữ Khmer tư thế đang nhảy múa. Thiếu nữ chân phải co lên, chân trái nhún trên một bông hoa sen nở. Tóc búi cao đội mũ Kirita có miện trang sức bằng những hình lá nhọn kết hợp với hạt ngọc. Nét mặt tươi sáng, mắt dài hình hạnh nhân có mí to rõ, hai hàng lông mày dài, mảnh uốn cong. Sống mũi thẳng thanh tú, miệng như đang hé cười. Tay phải uốn cong đưa lên cao đầu như theo nhịp múa, tay trái đặt ngang hông. Thiếu nữ mặc trang phục mền mại, khắp trên thân có đeo trang sức là những hạt ngọc tròn và hoa lá, khắp bề mặt của phù điêu đều được chạm hoa lá nhiều cánh.

Theo thần thoại Ấn Độ, tiên nữ Apsara là từ tiếng Phạn có nghĩa là dòng suối mát. Có khi là thần cũng có khi là người. Thường xuất hiện để gây cảm hứng tình yêu, cám dỗ các nhà tu hành khổ hạnh. Các tiên nữ Apsara xuất hiện từ cuộc khuấy biển sữa lấy thuốc trường sinh của các thần và các nữ thủy thần. Hay Apsara cũng là những người vợ của á thần ở trên trời, họ có thể mang lại cho đàn ông vận đỏ đen trong cờ bạc. Đôi khi Apsara có thể thay đổi ngoại hình theo ý muốn. Trong Phật giáo, Apsara vào điện thờ như các tiên nữ để dâng hoa cúng Phật.

Bức phù điêu này chính là một trong những cột hành lang của khu đền Bayon, Angkor Thom.

 Mi cửa chạm thần Gajasimha

Số đăng ký: LSb.38291

Kích thước: Dài: 181cm; Dày: 43cm; Niên đại: TK 10

Mô tả và chú giải: Được tạo từ một khối đá lớn, trên bề mặt chính giữa có chạm mặt thần Gajasimha. Thần đội mũ có chóp, mắt mở to, trán rộng, mũi thẳng, hai tai đeo trang sức hình bông hoa chảy dài ngang vai, thân hình vạm vỡ, cổ tay, eo thon và ngực đeo trang sức. Ngang bụng mặc trang phục mềm mại, tay trái chống nạnh đặt đùi phải, tay phải cầm bông hoa sen ngang ngực. Trên đầu là thần Siva đang ngồi chân co chân duỗi. Thần Gajasimha trong tư thế dữ tợn 2 tay khuỳnh ra, miệng há phun ra hai dòng nước lớn, cuối dòng nước ở hai góc phù điêu là 2 Gajasimha. Khắp bề mặt phù điệu là những hoa lá hình xoắn móc, phía trên diềm của mi cửa chạm một hàng các nam thần tư thế đang nhảy múa. Thần Gajasimha có nghĩa đen là sư tử và voi, một con vật thần thoại có đầu là đầu của voi còn thân là thân của sư tử. Thần có nhiệm vụ bảo vệ các đền thờ Ấn độ giáo. Hai góc mi cửa cũng là thần đầu voi và thân sư tử đang phun ra những dòng cuốn nước.

Mi của chạm thần Shiva

Số đăng ký: LSb.21225

Kích thước: Dài: 130cm; Dày: 24cm; Niên đại: cuối TK 10

Mô tả và chú giải: Mi cửa được chạm từ một khối đá lớn hình chữ nhật. Chính giữa mặt có chạm một hoạt cảnh sư tử trong tư thế dạng hai chân, miệng phun 2 dòng nước cuộn. Khắp bề mặt của mi cửa có chạm nhiều vòng lá xoắn móc đao lửa. Ở hai đầu góc của dòng nước cuộn là hình tượng nam thần đó chính là thần Shiva đang trong tư thế nhảy múa. Đầu thần đội mũ miện, tay phải xòe giơ lên ngang đầu, tay trái đưa ngang ngực. Phía trên của hoạt cảnh này là một băng hóa lá đầu nhọn, phía dưới là hàng cánh sen kép. Hai bên cạnh có đục 2 lỗ tròn để có thể gá được vào kiến trúc trúc điện.

Tympan chạm thần Shiva và nữ thần Apsara

Số đăng ký: LSb.21219

Kích thước: Cao: 50cm; Rộng: 86cm; Niên đại: TK 12

Mô tả và chú giải: Tympan chỉ còn 2/3 được tạo từ một khối đá lớn, chạm 4 mặt vị thần Shiva. Khuôn mặt vuông, cằm bạnh, tóc thần búi cao hình viên trụ, có trang trí những hạt ngọc tròn, mắt xếch, lông mày nổi rõ, mũi thẳng, môi dầy, miệng hé như đang mỉm cười, quanh miệng có ria mép và râu dài. Tai đeo trang sức nụ hoa sen chạm xuống vai. Nữ thần Apsara tư thế như đang bay, 2 tay dang rộng cầm dải hoa, chân phải co lên, chân trái gập xuống. Nữ thần đầu đội mũ miện, nét mặt tươi cười rạng rỡ, mình để trần lộ cặp vú căng tròn đầy sức sống. Trên ngực, cổ tay, bắp tay và ngang hông của thần có đeo vòng trang sức. Phía trên diềm  được chạm những dải hoa lá xoắn móc. Tympan thường được dùng để trang trí cửa chính của tháp. Chiếc Tympan này được phát hiện trong một ngôi đèn giữa tỉnh Angkor Thom.

Nữ thần Apsara biểu tượng cho hạnh phúc thần tiên, thần Shiva tượng trưng cho sự hủy diệt, nhưng đôi khi thần cũng tỏ ra có lòng từ bi bác ái và đam mê tình dục.

Bệ thờ bốn mặt

Số đăng ký: LSb.21218

Kích thước: Cao: 61cm; Bệ: 40,5cm  x 40,5cm; Niên đại: TK 11 – 12

Mô tả và chú giải: Tạo từ một khối đá vuông được khắc tạc 4 mặt, mỗi mặt của bệ thờ được chạm các phép của thần Vishnu đó là: lợn rừng Varaha, sư tử Narasinha và dũng sĩ Parasu Rama cầm rìu. Thần Vishnu trong tư thế ngồi trên bệ, chân trái gập, mông ngồi lên bàn chân, chân phải co lên. Đầu thần đội mũ miện, mắt to nhìn thẳng hướng, mũi cao, môi dày miệng hé, hai tai to có đeo trang sức bông hoa. Cổ thần tạo 3 ngấn, mình để trần, ngực và bắp tay có đeo vòng trang sức hoa 4 cánh. Thân dưới quấn Saroong tạo những nếp gấp. Tay trái thần đặt lên đùi trái, tay phải cầm cành hoa giơ ngang vai.

Lợn rừng Varaha tư thế đứng, đầu quay sang trái, có 4 tay, bị gẫy mất 1 tay, tay trái phía dưới cầm cây đinh ba chống xuống đất, tay phải cầm bánh xe Chakra giơ lên cao, tay cầm ốc tù và. Bên trái thần Vishnu là một nam thần đứng trên bông sen nở. Đầu để tóc viên trụ, mặt nghển cao, 2 tay đỡ lấy miệng của lợn rừng. Cổ và 2 tay được trang trí những vòng hoa. Mình để trần, dưới có quấn Sarông tạo dải phía dưới.

Sư tử Narasinha tư thế đứng, hai tay giơ cao, miệng há nhe răng dữ tợn. Đầu đội mũ miện, hai tai to. Mình để trần, thân dưới quấn Sarông, toàn thân đeo trang sức.

Dũng sĩ Rama cầm rìu. Thần trong tư thế đứng, mình để trần, dưới quấn Sarông tạo dải hình đuôi cá. Thần có 4 tay. Một tay trái phía dưới cầm Linga chống xuống đất, một tay cầm ốc tù và. Tay phải cầm bánh xe Chakra giơ ngang đầu, tay kia buông thõng ngang hông. Trên ngực, cổ tay và bắp tay của dũng sĩ đều được đeo trang sức những vòng hoa lá.

Bốn góc của bệ thờ được trang trí 4 tòa rắn Naga 7 đầu vươn lên ở 4 đầu góc của bệ. Đây là một bệ thờ được coi như một tác phẩm điêu khắc đặc biệt của nền nghệ thuật Khmer cổ đại, chúng thường  để đặt chính giữa lòng tháp.

Phù điêu nam thần đang cầu nguyện

Số đăng ký: LSb.19819

Kích thước: Cao: 25cm; Rộng: 21cm; Niên đại: TK 10

Mô tả và chú giải: Thần để tóc dài vắt ra sau 2 tai đeo trang sức hạt tròn rủ xuống vai, mặt to tròn, môi dày, miệng rộng hé như đang mỉm cười. Ngực để trần, hai tay úp vào nhau chắp trước ngực. Trong hệ thống các thần linh Ấn Độ giáo, ngoài ba vị tối thượng thần là Siva, Vishnu và Brahma còn có hệ thống các thần linh vô cùng phức tạp và mang một nội dung ý nghĩa tôn giáo của thời kỳ lịch sử, có các vai trò khác nhau trong tâm linh: như thần chiến tranh Indra, thần lủa Agni, thần mặt trời Surya, thần ánh sáng Uma, thần núi Parvati... theo thống kê có đến 33.333 vị thần khác nhau trong thần thoại Ấn Độ. Các vị thần cùng những nội dung liên quan là những đề tài bất tận được phản ánh trong mọi loại hình nghệ thuật trong đó có nghệ thuật điêu khắc đá.

Phù điêu thần gác điện

Số đăng ký: LSb.21222

Kích thước: Cao: 78cm; Rộng: 37cm; Niên đại: TK 12

Mô tả và chú giải: Thể hiện một nam thần tư thế đứng trong một khuôn hình lá đề. Nam thần trên đầu đội mũ viên trụ trang trí hạt ngọc tròn. Thần có khuôn mặt vuông, cằm bạnh, mắt mở to nhìn thẳng, mũi to, môi dày; tai to chảy dài ngang cổ; thân tượng để trần, 2 tay vạm vỡ cầm cây đinh ba chống phía trước. Trên cổ, hai bắp tay và 2 cổ tay đeo tràng hạt. Thân dưới thần quấn Sarông tạo nếp; hai đuôi dải cong thả về phía trước; khuôn hình lá đề, xung quanh diềm trang trí những hàng hoa xoắn đao lửa.

Mỗi một thời đại đã qua thường để lại dấu ấn cho riêng mình. Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đây là một phần di sản của văn minh Angkor, một trong những nền văn minh sớm và phát triển rực rỡ nhất của Đông Nam Á. Bên cạnh những đặc trưng riêng có, nền văn minh này còn chia sẻ những điểm chung với văn minh Phù Nam hay Champa ở Việt Nam, văn minh Dvaravati ở Thái Lan, hay các nền văn minh Srivijaya ở Malaysia và Medang ở Indonesia. Do đó, những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ là dấu ấn của văn minh Angkor nói riêng, mà còn là di sản lịch sử nghệ thuật của cả Đông Nam Á.



Bệ thờ chạm thần Vishnu và các hóa phép của ngài.



Phù điêu chạm tiên nữ Apsara.



Mi cửa chạm thần Gajasimha.
< baotanglichsu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 10