BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
Tháng 8 năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc; Phát xít Đức, Ý đã đầu hàng Đồng minh, hồng quân Liên Xô giành thắng lợi. Nhận thấy thời cơ cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13-15/8/1945, tại Tân Trào, đã nhận định Đảng phải phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật. Dưới ngọn cờ của Đảng, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, triệu người như một đều nhất tề vùng lên Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi trong cả nước.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta: Đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc với ý nghĩa to lớn là ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao đã đọc Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng chính từ đây, một bản Tuyên ngôn đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa về quyền con người trong điều kiện của Việt Nam đã được xác lập.
1. Tuyên ngôn độc lập là kết quả của việc kế thừa truyền thống Việt Nam khẳng định quyền dân tộc
Sự ra đời của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là sự kiện quan trọng đánh dấu dân tộc Việt Nam, sau gần 100 năm chịu ách đô hộ, thống trị tàn bạo của nước ngoài bằng cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, chấp nhận những hy sinh, mất mát to lớn giành lại được giang sơn gấm vóc, giành lại được độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo theo sự phân công của Thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 27/8/1945, tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đọc Tuyên ngôn độc lập trước đồng bào cả nước khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến. Từ quyền bình đẳng của mọi người, Bác suy rộng ra quyền bình đẳng của dân tộc và tuyên bố quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Bản Tuyên ngôn độc lập đã long trọng tuyên bố với thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay ”...; Vì vậy, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập ”.
Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 là kết quả của Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI (1077) trong chiến thắng chống xâm lược Tống; Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thế kỷ XIII trước họa xâm lăng của giặc Nguyên Mông; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV sau khi đánh đổ ách thống trị của triều Minh... Đó là những áng văn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam có một truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, cũng là kết quả của những bản tuyên ngôn khác của các vị tiền bối: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu… thông qua những sách, báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt trong hơn 80 năm đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.
Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 một lần nữa nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc, đồng thời khẳng định từ nay chính quyền về tay nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là sự kế thừa, phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự nghiệp của các dân tộc phải đấu tranh để tự giải phóng, giành quyền sống của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định về mặt nguyên tắc pháp lý, quyền của các dân tộc khác mà còn khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, các quyền dân tộc thiêng liêng đó.
2. Tư tưởng nhân quyền và dân quyền của các dân tộc bị áp bức và đặc biệt quyền của con người được khẳng định
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến quyền con người cần được đảm bảo, đó là quyền tối thiểu mà con người sống phải được hưởng. Chính vì thế ngay những câu đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập, Người đã trích dẫn lời nói bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ”. Tiếp dẫn bản Tuyên ngôn về sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng về quyền con người và quyền công dân của Cách mạng Pháp (1791), khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo vận dụng ngay những tinh hoa của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người trước đây hơn một thế kỷ, để làm cơ sở cho những điều kết luận mới khẳng định của mình: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Nhân dân Việt Nam gần một thế kỷ rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và hàng ngàn năm bị đè nén trong chế độ phong kiến nên đã nhận thức rõ quyền con người và quyền công dân không thể có được nếu dân tộc không được độc lập và tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập là sự phát triển và kết quả gần nhất của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị hòa bình Vécxây năm 1919, là sự phát triển chương trình Việt Minh năm 1941 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó kết tinh quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam, nói lên tâm hồn và khí phách hào hùng của nhân dân ta. Do đó, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do ”. Như vậy, các quyền cơ bản của con người “không ai chối cãi được”- quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, đã làm cơ sở cho những kết luận mới của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo vận dụng, nâng lên thành “quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của các dân tộc trên thế giới”. Đó là những kết luận hợp lôgic, và là điểm sáng tạo của Người. Ngoài ra, nhắc đến những câu bất hủ của Tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam cũng có tư tưởng gắn liền với tư tưởng tiến bộ trong lịch sử nhân loại, những tư tưởng đã trở thành giá trị tinh thần chung của thế giới. Nước Việt Nam hoàn toàn tán thành và cùng ý tưởng với nhân loại tiến bộ về tính pháp lý về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.
Từ những kết luận được đưa ra về quyền con người ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án chính sách thống trị tàn bạo về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, giáo dục, ngoại giao của thực dân Pháp tại Việt Nam hơn 80 năm, đồng thời kết tội bọn thực dân, đế quốc xâm lược, cụ thể là thực dân Pháp và phát xít Nhật, đã xâm phạm quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Nhận xét về tư tưởng quyền dân tộc, quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập, nguyên Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, tiến sĩ Luật Ngô Bá Thành có nhận xét: “Mang tính cách mạng, tính khoa học và tính lịch sử sâu sắc, Tuyên ngôn độc lập đã góp phần tích cực đặt nền tảng cho một trật tự pháp lý quốc tế mới ”... “Trên mặt trận đấu tranh pháp lý quốc tế, thì ở hàng loạt Hội nghị luật gia thế giới, ngọn cờ quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam đã được công nhận trên lãnh vực pháp lý quốc tế từ thực tiễn đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam” .
3. Bản Tuyên ngôn đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa về quyền con người trong điều kiện của Việt Nam
Khi đất nước giành được độc lập, chính quyền đã về tay nhân dân, thì các quyền con người, quyền của công dân phải được đảm bảo bằng một cơ chế dân chủ. Cơ chế đó chính là bộ máy nhà nước đủ mạnh; thật sự dân chủ được lập ra thể theo nguyện vọng của nhân dân và phục vụ nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới, một nhà nước mới cho nhân dân Việt Nam: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà được độc lập, để giữ vững và khẳng định tính hợp pháp của chính quyền cách mạng, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh một trong “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là phải sớm Tổng tuyển cử và định ngày Tổng tuyển cử: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu ”. Sắc lệnh số 76 ấn định ngày Tổng tuyển cử trong cả nước là ngày 6/1/1946 và lời kêu gọi, khuyên đồng bào đi bỏ phiếu trên báo Quốc hội, số ra đặc biệt ngày 5/1/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những nỗ lực to lớn của Người để lần đầu tiên nhân dân Việt Nam thực hiện quyền công dân của mình: “Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v..” đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên ở nước ta. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thực hiện quyền công dân của mình tại điểm bỏ phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Đây là một ngày đặc biệt quan trọng và là “một ngày vui sướng của đồng bào ta..., là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” .
Tiếp đó là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946, khẳng định quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong điều kiện một nhà nước mới, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã được hình thành.
Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người với nhau. Cùng với thực tiễn cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển thành khái niệm mới gọi là quyền dân tộc cơ bản. Trong đó, "quyền dân tộc cơ bản này bao gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” .
Quyền của con người không tự nó đến mà phải trải qua đấu tranh kiên cường, bền bỉ mới có được. Do đó, đối với một dân tộc không có chủ quyền thì không thể có con người tự do. Khẳng định chủ quyền của dân tộc để khẳng định quyền con người của dân tộc Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ quyền con người gắn liền với các mục tiêu lớn của loài người: Hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Các quyền cá nhân của con người gắn liền với sự phát triển của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, những điều kiện bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện. Người dân cần có ý thức tự mình tạo ra những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội để các quyền đó ngày càng được củng cố và phát triển, phù hợp với những yêu cầu của cuộc sống xã hội với tự do chân chính của cá nhân, trong khuôn khổ của một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Kết thúc, tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” . Như thế, bằng pháp luật quốc gia và luật quốc tế, chúng ta đã bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của mình, đồng thời góp phần giữ vững hòa bình và bảo vệ các quyền cơ bản của các dân tộc khác trên thế giới.
Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì lý tưởng nhân đạo cao cả nhất của loài người: Giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Người đã chiến đấu quên mình cho sự chiến thắng của một nền pháp lý và công lý mới của nhân loại văn minh, biến lý tưởng cách mạng thành hiện thực cuộc sống, biến những nguyên lý cách mạng thành thực tế pháp lý của xã hội, góp phần thiết lập một trật tự pháp lý mới xóa bỏ áp bức bóc lột và quyền của con người.
Điều này càng thể hiện rõ hơn qua thử thách của thực tiễn đấu tranh cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền các quyền dân tộc cơ bản với các quyền cơ bản của con người trong Tuyên ngôn độc lập. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính, bảo vệ quyền con người. Chỉ với hơn một nghìn từ với nội dung ngắn gọn, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã vượt qua thời gian, không gian và được coi là tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc, văn minh và loại bỏ mọi bất công, bất bình đẳng. Cũng chính vì vậy, Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 có thể được coi là bản Tuyên ngôn đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa về quyền con người, quyền công dân trong điều kiện của Việt Nam lúc bấy giờ.
Th.S Trần Thị Thanh Hằng
Bảo tàng Hồ Chí Minh