BỐI CẢNH QUỐC TẾ CỦA BA BẢN HIỆP ĐỊNH TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC (1945 - 1975)
BỐI CẢNH QUỐC TẾ CỦA BA BẢN HIỆP ĐỊNH TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC (1945 - 1975)
GS. Vũ Dương Ninh
Cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã lập nên nhiều chiến công trên các chiến trường trong cả nước. Trong cuộc đấu tranh ngoại giao, thời kỳ lịch sử hào hùng ấy cũng ghi nhận nhiều thành tựu, nhiều khúc quanh co, được đánh dấu bằng ba bản hiệp định ký với đối phương: Hiệp định sơ bộ năm 1946, Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và Hiệp định Pari năm 1973.
Trước nay, đã có nhiều cuốn sách, nhiều bài nghiên cứu viết về hoàn cảnh lịch sử, nội dung và ý nghĩa của từng bản hiệp định. Chuyên đề này nhằm phân tích việc ký kết các văn kiện đó từ một khía cạnh khác, nhìn từ bối cảnh quốc tế để thấy rõ hơn những nhân tố bên ngoài tác động vào tiến trình đấu tranh của nhân dân ta cũng như đối sách của Đảng và Nhà nước ta trước những tình huống cực kỳ khó khăn. Hy vọng rằng chuyên đề này sẽ góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế.
I
BỐI CẢNH QUỐC TẾ DẪN TỚI VIỆC KÝ
HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ VIỆT- PHÁP NĂM 1946
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là văn kiện đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký kết với đại diện nước Cộng hòa Pháp.
Chỉ trong khoảng thời gian 10 tháng tính từ tháng 5.1945 khi phát xít Đức đầu hàng đến tháng 3.1946 khi Hiệp định sơ bộ được ký kết, tình hình thế giới đã chuyển xoay không ngừng, có thể nêu lên vài nét chính sau đây.
1. Quan hệ quốc tế - từ đồng minh trở thành đối thủ
Ngay trước khi cuộc Thế chiến 2 kết thúc, các cường quốc Đồng minh đã có nhiều cuộc gặp giữa ba vị nguyên thủ quốc gia Mỹ, Anh và Liên Xô ở Têhêran (Iran 1943), Ianta (Liên Xô 2.1945), Pôtxđam (Đức 7.1945). Nội dung thảo luận nhằm vào 2 vấn đề chủ yếu là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít và giải quyết các vấn đề thời hậu chiến. Về các vấn đề sau chiến tranh, ngoài việc đề ra biện pháp xử lý các nước bại trận và tổ chức Liên Hiệp Quốc thì thực chất của mối quan tâm là sự phân chia khu vực ảnh hưởng giữa các nước lớn, thực chất là giữa hai khối TBCN và XHCN. Việc chia xẻ bản đồ thế giới phụ thuộc vào sự dàn xếp giữa các thế lực quốc tế, tạo nên những vùng lãnh thổ được hoạch định theo một trật tự thế giới mới đang hình thành, thường được gọi là Trật tự Ianta.
Theo đó, châu Âu bị chia thành hai mảng: Tây Âu do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng, Đông Âu do Liên Xô quản lý. Nước Đức cũng bị chia thành hai miền tương tự - Tây Đức và Đông Đức. Và ngay thành phố thủ đô Beclin cũng bị phân đôi – Tây Beclin và Đông Beclin. Chính vì thế mà nơi đây được coi như một điểm nóng rất gay cấn, rất dễ biến thành ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh mới.
Trong bối cảnh như vậy thì mối quan tâm của Nhà nước Xô viết sau chiến tranh là tập trung khôi phục nền kinh tế bị tàn phá nặng nề ở trong nước và viện trợ xây dựng các quốc gia phía Đông châu Âu vừa được Hồng quân giải phóng. Đông Âu là địa bàn chiến lược có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền của Liên Xô, đồng thời là khu vực làm cho CNXH bước đầu trở thành một hệ thống, điều mà trước đây chưa từng có.
Ở Châu Á - Thái Bình Dương, dưới danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, Mỹ được quyền chiếm đóng Nhật Bản; bán đảo Triều Tiên bị chia đôi theo vĩ tuyến 38: Liên Xô đóng ở phía Bắc, Mỹ đóng ở phía Nam; Việt Nam bị chia theo vĩ tuyến 16: quân Trung Hoa ở phía Bắc, quân Anh ở phía Nam.
Như vậy có thể thấy việc phân vùng ảnh hưởng đã được hoạch định, bóng dáng của Trật tự hai cực đã bắt đầu xuất hiện. Ngày 5.3.1946, thủ lĩnh đảng Bảo thủ, nguyên là Thủ tướng Anh Sơcsin đi cùng Tổng thống Mỹ Truman đến Phuntơn (bang Mitsuri – Hoa Kỳ) đọc bài diễn văn chống Liên Xô. Ông ta cho rằng đã có một “bức màn sắt” buông xuống, nằm vắt ngang đại lục châu Âu, từ bờ biển Bantich cho đến bờ biển Ađriatich mà phía sau đó là các quốc gia Trung Âu và Đông Âu “tất cả họ đều nằm trong phạm vi thế lực của Liên Xô, chịu sự khống chế nặng nề ngày càng tăng của Matxcơva”. Sơcsin kêu gọi: “Điều mà nước Nga muốn là giành lấy những thành quả của chiến tranh và bành trướng vô hạn độ về quyền lực và học thuyết của họ. Nhưng ở đây, ngay hôm nay, khi còn có thời gian, chúng ta phải xem xét các biện pháp để ngăn chặn cuộc chiến tranh luôn đe doạ, và thiết lập trong tất cả các nước một cách nhanh chóng, với tất cả khả năng của mình những mầm mống của tự do và dân chủ”[1]. Bài diễn văn này được coi như lời kêu gọi mở đầu cho “Chiến tranh lạnh” mà một năm sau, nó được chính thức xuất hiện trong Học thuyết Truman công bố ngày 12.3.1947 tại Quốc hội Hoa Kỳ. “Thế là một ván bài Go (một lối chơi cờ của Nhật) đã bắt đầu diễn ra trên quy mô hành tinh, mỗi siêu cường quốc đặt ra các quân cờ của mình tăng cường các vùng do nó chi phối, đe doạ những vùng mà phía bên kia tỏ ra yếu kém, với những thời kỳ đặc biệt căng thẳng khiến cho cả hai bên phải áp dụng những biện pháp để không đi được quá xa”[2].
Mối quan hệ đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít đã nhanh chóng tan rã để thay thế bằng quan hệ đối địch kéo dài và chi phối thế giới suốt 45 năm (1946-1991). Như vậy, ngay sau khi tiếng súng Thế chiến kết thúc, mọi sự việc trên chính trường thế giới đều diễn biến dưới tác dộng của tư duy Chiến tranh lạnh, nhìn từ cả hai phía TBCN và XHCN. Thực ra, đây chỉ là sự tiếp nối mối mâu thuẫn vốn có giữa hai hệ thống chính trị - xã hội, giữa CNTB và CNXH từ khi ra đời nhà nước Xô viết năm 1917. Đến những năm 30, quan hệ quốc tế chuyển động xoay quanh 3 đỉnh tam giác là Liên Xô - Khối Đức, Ý, Nhật – Khối Anh, Pháp, Mỹ. Giữa 2 khối Liên Xô và Anh, Pháp, Mỹ bên nào cũng muốn mượn tay lực lượng phát xít để đánh bại đối thủ rồi sau đó mới tiêu diệt phát xít. Nhưng chiến tranh thế giới do chủ nghĩa phát xít phát động đã lần lượt khai chiến với cả hai đỉnh tam giác còn lại: tháng 9.1939 Đức mở mặt trận chống các nước Tây Âu, tháng 6.1941 Đức tấn công Liên Xô, tháng 11.1941 Nhật tấn công Mỹ. Trong tình hình đó, hai đỉnh tam giác nói trên phải liên kết với nhau, Đồng minh chống phát xít ra đời nhằm tập hợp lực lượng chống lại khối Trục. Như vậy, khối Đồng minh được hình thành là do tác động từ nhân tố bên ngoài, từ mối đe doạ của thế lực phát xít nên khi nguy cơ này không còn nữa thì mâu thuẫn vốn có giữa hai chế độ xã hội, hai hệ tư tưởng lại bộc lộ ở mức độ lan rộng hơn và sâu sắc hơn. Cũng có học giả cho rằng Chiến tranh lạnh thực chất đã bắt đầu từ năm 1917 giữa nhà nước Xô viết với thế giới TBCN[3]. Đương nhiên đó là cách nói để chỉ rõ tính liên tục của mối mâu thuẫn cơ bản này, nó không hề biến mất khi loài người phải đương đầu với cuộc chiến tranh phát xit.
2. Sự xuất hiện các quốc gia độc lập và thái độ của các cường quốc
Trong thời gian Thế chiến 2, phong trào giải phóng dân tộc đã có một bước phát triển mạnh mẽ. Nhất là ở vùng Đông Á và Đông Nam Á, cuộc đấu tranh chống ách thống trị thực dân gắn kết với cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật đã thu hút đông đảo quần chúng, tập hợp nhiều đảng phái chính trị tham gia nhằm giải thoát khỏi tình trạng thuộc địa và phụ thuộc. Với những tên gọi khác nhau, mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật đã ra đời ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai, Inđônêxia…đều nhằm mục đích chung là giành độc lập, tự do. Bước đột phá là ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng (15.8.1945), ba nước Inđônêxia, Việt Nam và Lào đều lần lượt tuyên bố độc lập vào các ngày 17.8, 2.9 và 12.10 năm đó. Có thể coi đây là những quốc gia độc lập đầu tiên trên thế giới thoát khỏi hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc sau Thế chiến 2. Còn ở các nơi khác, mặc dầu phong trào đấu tranh chống phát xít kết hợp với yêu sách độc lập khá sôi nổi nhưng các đế quốc lại trở về làm chủ thuộc địa cũ của mình: Mỹ trở về Philippin; Anh trở về Ấn Độ, Mã Lai, Mién Điện, Xingapo; Pháp trở về Campuchia …
Thực ra, ngay trong thời gian chiến tranh, việc giải quyết vấn đề thuộc địa đã được đặt ra với nhiều quan điểm khác nhau. Tướng Mỹ Mac Actơ từng bỏ chạy khi quân Nhật đổ bộ lên Philippin nay trở về lại được tôn vinh như “Người giải phóng” cho quần đảo. Nước Anh – “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” - coi việc khôi phục chế độ cai trị thực dân là điều đương nhiên. Trên thực tế, họ đã làm được việc đó với sự chiếm lĩnh các thuộc địa cũ, trấn áp các lực lượng yêu nước, đặc biệt là tìm cách tiêu diệt Đảng Cộng sản. Đồng thời lo ngại tác động của sự thành lập các quốc gia mới giành độc lập, chính phủ Luân Đôn đã giúp các nước đế quốc tiến hành kế hoạch tái chiếm sau khi phát xít Nhật quy hàng: quân Hà Lan trở về Inđônêxia, quân Pháp trở về Đông Dương. Riêng đối với Pháp, năm 1944 Anh đã cho chính phủ Đơ Gôn đặt một phái bộ quân sự trong Bộ chỉ huy mặt trận Đông Nam Á đóng ở Xâylan và hứa hẹn sẽ giúp đỡ Pháp khi quân Anh vào Đông Dương giải giáp Nhật.
Tình hình nước Pháp khá phức tạp. Tháng 6.1940, quân Đức tấn công Pháp, chính giới Pháp bị phân hoá thành 2 phái: một do Thống chế Pêtanh đứng đầu chấp nhận sự chiếm đóng của Đức, di chuyển chính phủ từ Pari về Visi (nên thường gọi là Chính phủ Visi); một do Tướng Đơ Gôn lãnh đạo đã lánh nạn sang Anh, kêu gọi tiến hành kháng chiến chống phát xít. Sau đó, ông thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Pháp (ở Angiêri – 1943) có vai trò như một chính phủ lâm thời, liên hệ với lực lượng bí mật trong nước để đấu tranh chống Đức. Tình hình đó tác động tới Đông Dương: tướng Đơcu theo phái Pêtanh được cử sang làm Toàn quyền thay thế Catơru, ông này khi trở về đến Xingapo đã bay sang Luân Đôn gia nhập phe kháng chiến của Đơ Gôn. Vì chính phủ Pêtanh đã đứng về phe Trục nên khi tấn công Việt Nam (Lạng Sơn - 9.1940), Nhật không loại bỏ bộ máy cai trị của Pháp như đã xoá sổ các chính quyền thực dân Âu Mỹ ở các nước Đông Nam Á, mà vẫn duy trì chính phủ Toàn quyền Đơcu cho đến tháng 3.1945. Đối với ngời Pháp, tướng Đơ Gôn là hiện thân của tinh thần dân tộc đã tiến vào thủ đô Pari giải phóng tháng 6.1944. Nhưng về vấn đề thuộc địa, Đơ Gôn vẫn mang nặng tư tưởng thực dân, vẫn đặt các dân tộc thuộc địa dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Ngay từ tháng 12.1943, trong thông cáo của Uỷ ban giải phóng dân tộc Pháp về vấn đè Đông Dương có đoạn viết:“Nước Pháp thoả thuận ban hành, trong nội bộ khối cộng đồng Pháp, một quy chế chính trị mới, theo đó, trong khuôn khổ của tổ chức Liên bang (Đông Dương), những quyền tự do của các nước trong Liên bang sẽ được nới rộng và khẳng định; tính chất tự do rộng rãi của các tổ chức sẽ được nổi bật mà không hề mất đi dấu hiệu của nền văn minh và truyền thống Đông Dương...“[4] . Đằng sau những lời lẽ hoa mỹ đó lộ ra ý đồ là sẽ nới rộng một số quyền tự do nhưng “nền văn minh và truyền thống“ của chế độ cai trị Pháp ở Đông Dương là không hề thay đổi, “không hề mất đi“. Âm mưu này được cụ thể hoá trong Tuyên bố Brazavin ngày 24.3.1945, vừa đúng nửa tháng sau khi Nhật đảo chính Pháp, với một kế hoạch khá chi tiết. Đó là sẽ thành lập chính phủ Liên bang Đông Dương bao gồm đại biểu các quốc gia Đông Dương và đại biểu của những người Pháp cư trú ở Đông Dương do một Toàn quyền Pháp đứng đầu, được hưởng một số quyền nội trị và kinh tế, còn công việc đối ngoại thuộc về quyền hạn của chính phủ Liên hiệp Pháp mà Liên bang Đông Dương là một thành viên. Như vậy âm mưu thực dân sẽ tái chiếm Đông Dương và tái lập ách thống trị thực dân là điều quá rõ ràng!
Thái độ của Mỹ phải được xem xét qua 2 giai đoạn tương ứng với 2 đời tổng thống, từ Rudơven đến Truman. Trong một thông điệp đầu năm 1944, Tổng thống Rudơven tuyên bố:“Hơn một năm qua tôi đã bày tỏ ý kiến rằng Đông Dương không thể trả lại cho Pháp mà cần được thác quản quốc tế. Về vấn đề này, tôi được Thống chế Tưởng Giới Thạch và Nguyên soái Xtalin hoàn toàn ủng hộ…Nước Pháp đã vắt sữa Đông Dương 100 năm rồi. Người Đông Dương có quyền được hưởng điều tốt đẹp hơn như thế“. Sau này, ông nhấn mạnh với Bộ Ngoại giao Mỹ: Tôi muốn không có một người Pháp nào được trở lại Đông Dương[5]. Chủ trương này có lợi cho sự hợp tác của những người Mỹ ở Côn Minh với lực lượng Việt Minh trong các Khu giải phóng Việt Bắc vào cuối 1944 - đầu 1945. Nhưng sau khi Rudơven qua đời (12.4.1945), Phó Tổng thống Truman lên thay thì lập trường của Mỹ thay đổi. Nước Mỹ giữ thái độ im lặng, thậm chí sau này đã giúp đỡ quân Pháp trở lại Đông Dương.
Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đương nhiên đồng tình với Rudơven, không phải vì quyền tự do của người Đông Dương mà vì giải pháp đó phù hợp với tham vọng của giới cầm quyền Trùng Khánh. Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã từ lâu nằm trong tầm nhìn của các nhà nước Trung Hoa. Đây chính là thời cơ thuận lợi nhất để chính quyền Tưởng thực hiện ý đồ của mình.
Còn Liên Xô vẫn tuyên bố nguyên tắc chung là ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc nhưng vì không có lợi ích về vấn đề thuộc địa nên không có thái độ rõ ràng ngoài lời kể của Rudơven là Xtalin đồng ý không nên để người Pháp quay lại Đông Dương.
Nhưng nhìn chung trên bình diện quốc tế trong thời gian này, khả năng có được lực lượng thực sự ủng hộ nền độc lập Việt Nam vẫn còn là điều xa vời, chưa hiện thực.
3. Sự thoả hiệp giữa các cường quốc mở đường cho thực dân Pháp quay lại Việt Nam
Ngày 19.8.1945, Tổng khởi nghĩa bùng nổ ở Hà Nội đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Ngày 2.9, cùng ngày với việc đại diện chính phủ quân phiệt Nhật Bản ký Hiệp ước đầu hàng không điều kiện trên chiến hạm Mỹ Mitsuri ở Vịnh Tokyo thì tại Hà Nội, lễ tuyên bố Độc lập được long trọng cử hành. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ đây, Việt Nam giữ vị thế là quốc gia có chủ quyền trong quan hệ với các nước ngoài và chính phủ Hồ Chí Minh là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.
Việc xuất hiện Nhà nước Việt Nam độc lập là một thực tế không thể phủ nhận, song các thế lực đế quốc không muốn thừa nhận, ngược lại tìm mọi cách để bóp chết nó. Do vậy, đã diễn ra nhiều sự thoả hiệp, nhân nhượng và câu kết giữa các nước lớn để thực dân Pháp trở lại Việt Nam.
Trước tiên phải kể đến nước Anh là nước có nhiều thuộc địa ở Đông Nam Á. Lo ngại ảnh hưởng cách mạng từ Việt Nam sẽ lan rộng sang các nước trong khu vực, chính phủ Luân Đôn đã chấp thuận cho một trung đội lính Pháp được trà trộn vào đơn vị số 136 của quân Anh tiến vào Nam bộ giải giáp quân Nhật. Trung đội này sẽ bắt liên lạc với lính và dân thường Pháp còn tản mát ở Việt Nam sau ngày Nhật đảo chính, cùng với đội quân lê dương được cử sang để gây hấn ở Sài Gòn đêm 23.9.1945, mở đầu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Ngày 8.10 tại Luân Đôn, Anh và Pháp ký Tạm ước về việc giao cho Pháp quyền quản lý hành chính và tư pháp ở phía Nam vĩ tuyến 16. Hôm sau, thủ tướng Anh là Atli công khai tuyên bố chính sách về Đông Dương gồm 3 điểm chính là chính phủ Anh sẽ yểm trợ Pháp tái chiếm Việt Nam, công nhận chính quyền Pháp tại Sài Gòn và giao quyền cai trị ở Nam vĩ tuyến 16 cho Pháp quản lý. Như vậy, sự câu kết Pháp Anh đã khởi động trên thực tế cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Có thể nói người Mỹ là người nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Hà Nội sau ngày Tổng khởi nghĩa theo đoàn quân cách mạng từ chiến khu về. Thậm chí, theo lời kể của thiếu tá A.Patti, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đọc bản thảo Tuyên ngôn Độc lập trước khi văn bản này được công bố ngày 2.9. Đó là hệ quả của mối quan hệ thân hữu và hợp tác chống Nhật trong thời gian Thế chiến. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, lập trường của chính phủ Mỹ đã thay đổi. Ngày 22.8 tướng Đơ Gôn bay sang Oasinhtơn hội đàm với Tổng thống Truman[6]. Đơ Gôn tuyên bố sẽ thiết lập một chế độ mới ở Đông Dương, chính phủ gồm người bản xứ và kiều dân Pháp do đại diện chính phủ Pháp đứng đầu và quân Pháp sẽ vào Đông Dương tước vũ khí quân Nhật. Kế hoạch này không được Oasinhton hưởng ứng. Cuộc gặp lộ rõ quan hệ hai nước khi đó chưa hẳn thuận lợi vì Đơ Gôn cảm thấy nước Pháp không được Mỹ đối xử như một cường quốc hạng nhất, còn Truman thì nghi ngờ Pháp đang tìm kiếm quan hệ với Liên Xô. Trong bức điện của Bộ ngoại giao Mỹ gửi Đại sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh có thông báo:“Mỹ không phản đối mà cũng không ủng hộ việc thiết lập lại quyền cai trị của người Pháp ở Đông Dương“[7]. Do vậy, chính phủ Oasinhtơn chỉ thị là “đại diện Mỹ ở Việt Nam phải tuyệt đối trung lập“[8].Đây là một bước lùi so với kế hoạch quản thác Đông Dương của Rudơven. Trong buổi tiếp bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch ngày 30.8, khi được hỏi về vấn đề Đông Dương, Truman cũng thận trọng trả lời là nước Mỹ chưa có quyết định gì cả[9] . Tuy vậy trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn ra quá trình phân hoá hai cực mà Liên Xô là đối thủ thì các nước đế quốc tuy còn có điểm bất đồng nhưng đã xích lại và câu kết với nhau để phòng ngừa Liên Xô. Thế là Hoa Kỳ “đã ký bản thoả thuận với nước Pháp về việc cung cấp xe cộ và trang thiết bị cho quân Pháp ở Đông Dương. Điều đó hầu như biểu lộ sự tán thành của nước Mỹ đối với việc tái chiếm của Pháp“[10]. Và cùng ngày 22.8, nghĩa là chỉ 4 ngày sau Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, máy bay Mỹ chở thiếu tá Patty từ Côn Minh về Gia Lâm đã cho nhân viên tình báo Pháp là Xanhtơny (sau trở thành đại diện của Pháp với chức danh Uỷ viên Cộng hoà) đi cùng, lén lút vào Hà Nội trong khi trước đó, một nhân vật khác là Metxme bí mật nhảy dù xuống vùng Hải Phòng bị rơi vào tay du kích. Thật nực cười khi Xanhtơny sau này thổ lộ :“Trong khi máy bay lướt thấp trên vùng trời, chúng tôi nhìn thấy những chùm hoa lạ màu đỏ nở rộ rất nhanh trong thành phố như để đón chào chúng tôi. Máy bay hạ xuống thấp hơn nữa, lúc đó chúng tôi mới phân biệt được đó là những lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi nhìn nhau, kinh ngạc, hiểu rằng đây không phải là sự đón tiếp mà chúng tôi hy vọng từ đáy lòng”[11].
Thực ra, ngay trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, ngày 11.8 Bộ Ngoại giao Pháp đã gửi thư cho các cường quốc Mỹ, Anh, Trung Hoa và Liên Xô đề nghị được có đại diện trong Uỷ ban đình chiến của Đồng minh, có đại diện quân sự bên cạnh các tư lệnh Đồng minh và được quyền tước khí giới quân Nhật tại Đông Dương. Đề nghị này không được chấp thuận, Pháp lo ngại việc một số nhân vật cao cấp ở Mỹ muốn giúp Trung Hoa chiếm đoạt Đông Dương khỏi tay Pháp. Ngày 14.8 Đại sứ Pháp tại Trùng Khánh Pechkôp xin cử 5000 lính Pháp tham gia giải giáp quân Nhật, ba hôm sau được trả lời “sẵn sàng cho 5000 lính Pháp trở lại Đông Dương nhưng phải đặt dưới quyền chỉ huy của tướng lĩnh và sĩ quan Quốc dân đảng Trung Hoa“. Quả là liều thuốc khó nuốt nên ngày 28.8 Đại sứ Pháp tại Oasinhtơn đưa ra đề nghị để người Anh tước vũ khí quân Nhật trên toàn cõi Đông Dương; hoặc là tướng lãnh Nhật ở phía Bắc làm lễ đầu hàng tại một địa điểm trên lãnh thổ Trung Hoa, còn ở miền Nam thì Pháp tiếp nhận lễ đầu hàng dưới danh nghĩa của Anh (!). Ngày 30.8 Ngoại trưởng Mỹ trả lời là không thể đi ngược lại Tuyên bố Pôtxđam nhưng Pháp có thể dàn xếp với Anh. Cùng hôm đó, Đại sứ Mỹ tại Trùng Khánh nhận được thông báo từ Bộ ngoại giao Mỹ là Mỹ hoàn toàn đồng ý nếu Pháp và Trung Quốc có thể đi đến thoả hiệp. Những sự kiện trên cho thấy Mỹ có thái độ lập lờ, đẩy “quả bóng“ vào chân Anh và Trung Hoa, nhưng trên thực tế đã để ngỏ cửa cho Pháp trở lại Đông Dương. Ngày 28.10, Tổng thống Truman đọc diễn văn về chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong đó nhắc đến vấn đề Đông Dương với những lời lẽ chung chung về quyền tự quyết dân tộc và quyền bình đẳng như đã ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Cựu Kim Sơn.
Chính phủ Pháp rất lo ngại về ý đồ của Trung Hoa Quốc dân đảng đối với Đông Dương. Để làm yên lòng Pháp, Thủ tướng chính phủ Trùng Khánh Tống Tử Văn đã cam kết với Đơ Gôn trong buổi gặp tại Pari ngày 19.9 rằng Trung Hoa không có tham vọng lãnh thổ ở Đông Dương và nếu có thể thì sẵn sàng yểm trợ Pháp trở lại Đông Dương[12]. Ngày 10.10, trong buổi tiếp Cao uỷ Pháp tại Đông Dương Đacgiăngliơ ở Trùng Khánh, Tống Tử Văn cũng nhắc lại lời cam kết này. Nội dung trên còn được Tưởng Giới Thạch tuyên bố và được Tướng Lư Hán nhắc lại trong buổi lễ ra mắt tại Hà Nội. Bài toán của giới cầm quyền Trung Hoa ban đầu là sử dụng đám tay chân Việt Quốc và Việt Cách để nắm quyền lực mà không công khai chiếm đóng Việt Nam.
Nhưng tình hình ở Trung Quốc biến chuyển rất khẩn trương. Sau khi cuộc Thế chiến kết thúc, Mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật nhanh chóng tan vỡ. Nguy cơ cuộc nội chiến giữa lực lượng của đảng Quốc dân và đảng Cộng sản ngày càng đến gần (chính thức bùng nổ ngày 16.6.1946). Chính phủ Tưởng ráo riết chuẩn bị để đối phó với đảng Cộng sản nên muốn dồn lực lượng vào cuộc đấu tranh này, sẵn sàng thoả hiệp với Pháp trong vấn đề Đông Dương. Mặt khác Trung Hoa muốn đòi lại những quyền lợi trước đây đã phải nhường cho Pháp theo những hiệp ước của nhà Thanh ký hồi 1900-1903. Sau một quá trình thương thuyết từ tháng 10.1945 tại Trùng Khánh, ngày 28.2.1946 hiệp ước Pháp Hoa được ký kết giữa Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt và Đại sứ Pháp Giăccơ Mâyriê. Có thể tóm tắt trong 3 điểm chính sau đây: 1. Pháp trao trả Trung Hoa các tô giới và vùng ảnh hưởng ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông (kể cả Quảng Châu Loan); cắt trả lại Trung Hoa phần đường sắt Hải Phòng – Vân Nam chạy qua lãnh thổ Trung Hoa (từ Hà Khẩu đến Côn Minh), hàng hoá Trung Hoa nhập hoặc xuất qua cảng Hải Phòng được miễn thuế; 2. Pháp đưa quân vào phía Bắc Việt Nam thay quân Trung Hoa sẽ rút khỏi Việt Nam từ ngày 15.3 đến 31.3 (trên thực tế đến tháng 10 mới rút hết). Pháp ứng trước số tiền trả cho việc chuyển quân Trung Hoa mỗi tháng 60 triệu đồng tiền Đông Dương (tổng cộng là 7 tháng tính từ 1.9.1945 đến 31.3.1946); 3. Trung Hoa sẽ vũ trang cho 5000 thường dân Pháp đang ở Hà Nội (văn kiện về việc này được ký bí mật, không công bố)[13]. Như vậy là quan hệ Pháp Hoa đã được giải quyết không tính gì đến lợi ích của nhân dân Đông Dương. Nhưng sự tồn tại của chính phủ Hồ Chí Minh được quần chúng ủng hộ là một thực tế buộc Pháp phải tiến hành thương lượng nếu muốn thực hiện Hiệp ước Trùng Khánh, đặt chân lên miền Bắc nước ta.
Còn lại một vấn đề bấy lâu bỏ ngỏ chưa có đủ tài liệu minh chứng. Đó là câu hỏi về thái độ của Liên Xô đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong khi có thể tìm thấy những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ thì quá hiếm hoi những tài liệu nói lên quan hệ Việt Nam - Liên Xô hồi đó. Trong thư gửi Đại Nguyên soái Xtalin ngày 22.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:“Chúng tôi thông báo cho quý Ngài biết rằng Chính phủ lâm thời của Cộng hoà Việt Nam đã được thành lập dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoàng đế Bảo Đại đã thoái vị ngày 25.8 và chuyển giao chính quyền cho Chính phủ mới được toàn dân tộc ủng hộ“[14]. Sau đó, còn có bức công hàm chính thức gửi chính phủ Liên Xô ngày 21.10.1945 và điện văn gửi Xtalin và ngoại trưởng Grômicô ngày 14.1.1946. Cùng thời gian đó, Đại sử Liên xô tại Pari là A.E. Bôgômôlôp gửi về Matxcơva nhiều báo cáo về tình hình Đông Dương. Cũng lưu ý rằng trong phái bộ các nước Đồng minh đến Hà Nội có cả phái bộ Liên Xô do đại tá Xtêphan Xôlôiep đại diện[15] thì không thể không có báo cáo gửi về Matxcơva. Và từ cuối tháng 10.1946 đến đầu tháng 3.1947 (nghĩa là khi chiến tranh đã xảy ra ở Nam Bộ và bùng nổ trong cả nước) có một phái đoàn quân sự Xô viết đến Sài Gòn (sau còn đi Nha Trang, Đà Lạt và Phnom Penh) để hồi hương những người có quốc tịch Nga đã tham gia quân đội viễn chinh Pháp. Hơn thế nữa, trong thời gian ở thăm nước Pháp, ngày 21.7.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp một số chuyên gia quân sự Xô viết và Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình Liên xô – nhà văn I. Êrenbua. Do vậy, lý do biện minh là vì Việt Nam quá xa, Liên Xô không nắm được tình hình là điều rất không thoả đáng.
Xét bối cảnh quốc tế hồi đó, có thể giải mã bằng mấy lý do sau đây: 1) Mối quan tâm hàng đầu liên quan đến an ninh của Liên Xô là những biến động ở Tây Âu mà điểm nóng là nước Đức và thành phố Beclin. Nói đến Viễn Đông thì tầm nhìn của Matxcơva cũng chỉ tới vùng Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc) và bán đảo Triều Tiên mà không quan tâm đến vùng Đông Nam Á. 2) Sự can thiệp của Liên Xô vào vấn đề thuộc địa của Anh và Pháp có thể gây ra xung đột với lợi ích của 2 nước đó mà không đáp ứng lợi ích tối cao của Liên Xô trong lúc này. Nhất là “Hiệp ước liên minh và tương trợ „ giữa Chính phủ Liên Xô và Chính phủ lâm thời Pháp ký tại Maxcơva ngày 10.12.1944 càng xác định thái độ của Liên Xô không can thiệp vào vấn đề thuộc địa của các nước đế quốc, cũng có nghĩa là thờ ơ đối với phong trào giải phóng dân tộc. 3) Tin tức về chính phủ Hồ Chí Minh có thể gợi lên trong giới lãnh đạo Kremli mối nghi ngại từ những năm 1930 về lập trường cộng sản hay lập trường quốc gia của Đảng Cộng sản Đông Dương nên họ có ý chờ xem. Việc tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11.1945) càng làm tăng điều băn khoăn này.
Theo tài liệu lưu trữ mới công bố sau khi nhà nước Liên Xô tan rã thì Bộ ngoại giao Liên Xô hồi đó đã tiếp nhận những văn kiện của chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945-1946 “một cách dè dặt„ chủ trương “không trả lời„ và “đưa vào lưu trữ „.
Dù cho vì lý do gì chăng nữa thì sự im lặng của Matxcơva cũng có lợi cho việc Pháp rộng tay trở lại xâm lược Việt Nam.
4. Hiệp định sơ bộ – giải pháp sách lược “Hoà để tiến”
Có thể đánh giá chung rằng bối cảnh quốc tế đầu năm 1946 rất bất lợi đối với cách mạng Việt Nam. Và tình hình trong nước cũng hết sức khó khăn do những di sản của thời kỳ thuộc địa (giặc đói, giặc dốt), là hệ quả khó tránh của một chính quyền dân chủ mới xây dựng và đặc biệt hiểm nguy là sự phá hoại của các tổ chức phản động tay sai nước ngoài. Song sức mạnh của cách mạng bắt nguồn từ tinh thần yêu nước và quật khởi của quần chúng nhân dân, từ niềm tin tuyệt đối vào Chính phủ Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng niềm tin vốn là yếu tố tinh thần, khi được khơi dậy, được động viên vì mục tiêu cao cả Độc lập – Tự do thì niềm tin ấy biến thành sức mạnh vật chất của hàng triệu đồng bào đứng lên bảo vệ non sông. Chính dựa vào sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân mà Đảng đã chèo lái con thuyền Tổ quốc vượt qua sóng ghềnh đầy thử thách.
Tình hình cuối 1945 - đầu 1946 thực ra đối với Đảng ta không phải hoàn toàn bất ngờ mà đã được dự tính trước. Tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào (13-15.8.1945), chính sách đối ngoại đă đề ra đối sách thích hợp, có thể tóm tắt như sau: 1). Lợi dung mâu thuẫn trong nội bộ Đồng minh (Mỹ Tưởng với Anh Pháp) nhưng đề phòng tình huống vì mâu thuẫn với Liên Xô mà các nước trên đứng về một phía, nhân nhượng cho Pháp trở lại Đông Dương; 2). Hết sức tránh trường hợp ta phải đối phó cùng một lúc với nhiều lực lượng Đồng minh tràn vào nước ta và dựng chính phủ tay sai của họ, tranh thủ sự đồng tình của Mỹ và Liên Xô; 3). Khẳng định rằng chỉ có thực lực của ta mới quyết định thắng lợi cho ta; 4). Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước nhược tiểu, nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc[16].
Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng nh dự đoán. Các nước đề quốc đã thoả hiệp để ngỏ cửa cho Pháp trở lại Đông Dương. Trớ trêu là ở chỗ Liên Xô, vì lợi ích quốc gia, đã giữ thái độ im lặng trước một dân tộc đang chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Song có 2 điều cơ bản trong sự chỉ đạo làm cho đất nước thoát khỏi hiểm nguy. Đó là tránh tình huống cùng một lúc phải đối phó với nhiều đối thủ và khẳng định sức mạnh của ta mới quyết định thắng lợi cho ta. Chính dựa trên cơ sở đó, ngày 6.3 Hiệp định sơ bộ được ký kết nhằm chọn một đối thủ duy nhất là thực dân Pháp và tạo thời cơ để toàn dân tích cực chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Những nhân nhượng sách lược trong Hiệp định chính là bước tạm hoà để tiến lên đánh thắng kẻ thù: “Chúng ta hoà với nước Pháp để dành thời gian, bảo toàn thực lực, giữ vững lập trường càng mau tiến tới độc lập hoàn toàn”[17].
II
BỐI CẢNH QUỐC TẾ NỬA ĐẦU NHỮNG NĂM 50
DẪN TỚI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ VỀ ĐÔNG DƯƠNG
1. Cuộc kháng chiến trong thế trận hình thành Trật tự hai cực
Trong 5 năm đầu của nền Cộng hòa Dân chủ, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập mới giành được trong tình thế hầu như bị tách biệt với bên ngoài. Chưa có một quốc gia nào công nhận nước Việt Nam độc lập, không có một nguồn viện trợ quốc tế nào giúp đỡ. Nhưng vì lời nguyện thiêng liêng “quyết hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện một cách kiên cường và tự lực.
Từ cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. Khi đó, hình thái hai phe của cuộc chiến tranh lạnh đã hiện lên rõ nét. Ở châu Âu, sự phân chia Đông Âu XHCN và Tây Âu TBCN đã xuất hiện một “điểm nhấn” quan trọng với sự thành lập 2 nhà nước Đức (CHDC Đức và CHLB Đức) vào năm 1949. Và ở châu Á, sự hình thành 2 nhà nước trên bán đảo Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc) càng khơi sâu vết hằn của một thế giới đối đầu. Đặc biệt, sự thành lập CHND Trung Hoa năm 1949 do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã xoay chuyển tình hình thế giới, làm cho uư thế của CNXH trở nên nổi trội, một cục diện mới xuất hiện ở miền Đông Á.
Khi đó, ở khu vực này đang diễn ra 3 cuộc chiến tranh: 1. Cuộc chiến tranh Đông Dương chống thực dân Pháp âm mưu quay lại tái lập chế độ thuộc địa; 2. Đoạn kết của cuộc nội chiến ở Trung Quốc do Giải phóng quân tiến hành nhằm quét sạch tàn quân Quốc dân đảng; 3. Cuộc chiến tranh mới bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên giữa hai miền đất nước.
Cuộc chiến trên Đại lục Trung Hoa tạm kết thúc khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân tính toán khôn ngoan đã dừng chân bên bờ biển phía Đông, để lại Hồng Kông trong tay Anh, Ma Cao trong tay Bồ và Đài Loan cho chính quyền bại trận Quốc Dân đảng.
Đỉnh điểm của tình hình căng thẳng ở phương Đông bộc lộ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bị “quốc tế hóa”. Mỹ nhảy vào chiến trường dưới danh nghĩa đội quân Liên Hiệp Quốc cùng 13 nước đồng minh cứu nguy cho Hàn Quốc. Các đơn vị Chí nguyện quân Trung Quốc trực tiếp tham chiến, viện trợ cho Triều Tiên. Do vậy, cuộc chiến tranh đã vượt khỏi giới hạn nội bộ hai miền vì mục tiêu thống nhất đất nước mà bán đảo này bị biến thành bãi chiến trường đọ sức trực tiếp giữa 2 lực lượng Trung Quốc và Mỹ, đằng sau đó là sự ủng hộ của các nước thuộc hai phe: Liên Xô cùng các nước XHCN một bên và Anh, Pháp cùng các nước TBCN một bên. Nơi đây trở thành điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nửa của “Trật tự Yalta” mà mỗi bên đều muốn giành phần thắng.
Đến lúc này, cuộc chiến tranh Việt Nam đã vượt qua được chặng đường 5 năm đầy gian khổ nhưng không lùi bước: “5 năm chiến đấu đầu tiên giữ một vị trí đặc biệt trong chiến tranh giải phóng và giữ nước hiện đại của Việt Nam”, “là tiền đề và cơ sở đầu tiên của thắng lơị vĩ đại ấy”[18]. Thế “chiến đấu trong vòng vây” của quân dân Việt Nam dần dần được tháo gỡ với việc thiết lập quan hệ ngoai giao cùng các nước XHCN vào tháng 1.1950. Những tín hiệu sa lầy của đội quân Pháp xâm lược ngày càng nổi rõ: “Tình hình cuộc chiến tranh Việt Nam càng ngày càng tồi tệ đã nói lên rất rõ những thất bại về chính trị của chúng ta (Pháp) trong suốt bốn năm đó”[19]. Chiến dịch thu - đông năm 1950 đã nhổ những đồn bốt của quân Pháp trên vùng biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng, giáng một đòn quyết định vào cục diện chiến tranh. Đối với địch, “đến tháng mười một thì cuộc chiến tranh Đông Dương đã chuyển thành một cuộc tháo lui nhục nhã. Đó là sự bối rối không thể nào chịu được đối với người Pháp kiêu hãnh và làm dấy lên những hoài nghi nghiêm trọng ở Pháp cũng như ở Mỹ về việc quân đội Pháp có thể giành được thắng lợi quân sự như mong muốn”[20]. Thế là đã đến lúc người Mỹ phải vào cuộc: “Đứng trước khả năng Pháp có thể thất bại, đồng thời lúc đó cộng sản đã thắng lợi ở Trung Quốc, nên vào đầu năm 1950 Mỹ quyết định hỗ trợ cho Pháp ở Đông Dương, bước đầu trực tiếp dính líu vào Việt Nam”[21]. Việc Mỹ cứu giúp Pháp nằm trong một tính toán rộng lớn của chiến lược toàn cầu. Đó là sự ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc đang lan rộng ở vùng Viễn Đông cũng như lo ngại ảnh hưởng của Việt Nam sẽ lôi cuốn các nước Đông Nam Á vào trào lưu cách mạng, tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ nối từ Nhật Bản đến Ôxtrâylia sẽ bị suy yếu. Nguồn nguyên liệu phong phú và có tính chiến lược của khu vực này cũng là điều quan tâm của giới cầm quyền Oasingtơn. Hơn nữa, nếu Pháp đổ tiền của vào cuộc chiến tranh xa xôi này thì Pháp sẽ chậm hồi phục nền kinh tế, do vậy sẽ gặp rắc rối trong sự ổn định chính trị trong nước và giảm sự đóng góp vào việc tăng cường lực lợng của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà đó mới là điều quan tâm hàng đầu của Mỹ. Vì những lý do trên, các quan chức Mỹ nhất trí nhận định rằng “Đông Dương và đặc biệt Việt Nam là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á”[22].
Tuy vậy, khác với bán đảo Triều Tiên, trên chiến trường Việt Nam chỉ có quân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp mà đứng về phía Việt Nam không có mặt lực lượng quân đội của nước nào khác ngoài một số cố vấn Trung Quốc. Bản chất của cuộc kháng chiến trước sau vẫn là cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ Quốc, bảo vệ chính quyền Dân chủ Cộng hòa. Song trong bối cảnh quốc tế phân hóa hai phe thì chiến trường Việt Nam cũng không tránh khỏi trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa hai hệ thống xã hội. Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam; Mỹ, Anh viện trợ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta chẳng những gắn kết với phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa mà còn mang sắc thái của cuộc đấu tranh vì thắng lợi của CNXH. Nói cách khác, nó đi vào quỹ đạo của cuộc đấu tranh giữa 2 hệ tư tưởng, 2 chế độ chính trị ngày càng lan tỏa khắp hành tinh. Frăngxoa Gioayô nhận xét: “Bộ chỉ huy Pháp không chỉ đối phó với một cuộc nổi dậy có tính dân tộc mà là chống đối một sự nghiệp, không phải không có lý do để có thể xem như một trong những biểu hiện của cuộc chạm trán Đông - Tây trong khung cảnh chiến tranh lạnh”[23]. Cho nên, những biến động trên chiến trường Việt Nam không thể không chịu tác động của tình hình thế giới và ngược lại, chiến cuộc ở Việt Nam cũng có ảnh hưởng đến tình hình chung của khu vực và thế giới.
2. Chiến cuộc Điện Biên Phủ trong toan tính của các nước đế quốc và phản ứng của nhân dân Pháp
Tháng 1 năm 1950, chuyến công tác ra nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở cánh cửa ngoại giao với thế giới, đạt được sự công nhận chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, của Liên bang Xô viết và các nước XHCN đối với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi ngoại giao đã chấm dứt 5 năm chiến đấu đơn độc, hầu như bị cách ly với bên ngoài và từ đó tiếp nhận sự đồng tình về chính trị và sự viện trợ về vật chất của các nước XHCN[24] .
Vội vã ứng phó với sự kiện trên, tháng 2 năm 1950, Mỹ, Anh và một số nước khác lên tiếng công nhận chính phủ bù nhìn Bảo Đại, được mang danh là “Quốc gia liên kết” của Pháp. Kèm theo đó là sự thành lập phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG ((8.1950) và khoản viện trợ tiền tài, vũ khí đầu tiên của Mỹ với hy vọng giúp Pháp đủ sức kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương. Nước Mỹ đã từ lập trường không can thiệp trước đây chuyển sang can thiệp thông qua viện trợ về quân sự và kinh tế ở Đông Dương. Như thế là đến năm 1950, “Hoa Kỳ đã dính líu vào chính sách kiềm chế tích cực ở châu Á cũng như ở châu Âu, ở Thái Bình Dương cũng như Đại Tây Dương”[25]. Nhưng sau 3 - 4 năm theo đuổi cuộc chiến với những viên tướng nổi danh như Đơlat đơ Tatxinhi, Hăngri Nava và khoản viện trợ của Mỹ từ 40% năm 1952 tăng lên đến 72% năm 1954 tổn phí chiến tranh ở Đông Dương, khoảng hơn 2,2 tỷ USD[26], thực dân Pháp vẫn không xoay chuyển được tình thế. Ván bài cuối cùng nhằm tạo nên thế mạnh đặt vào chiến cuộc Điện Biên Phủ hòng “nghiền nát Việt Minh” trong cái lòng chảo dày đặc cứ điểm.
Cũng từ đầu những năm 50, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ hai (2/1951) nhiệm vụ chính của cuộc kháng chiến khi đó là: “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới”[27]. Như vậy, “bọn can thiệp Mỹ” đã trở thành một đối thủ trên chiến trường Việt Nam.
Vậy chiến trận Điện Biên Phủ được tính toán trên bàn cờ quốc tế như thế nào? Về phía đối phương, đây là một bài toán nhằm 2 mục đích. Cả Pháp và Mỹ đều muốn đánh một đòn quyết liệt để giành phần thắng cuối cùng. Nếu đạt được mục đích này thì chẳng những đánh bại lực lượng kháng chiến Việt Nam mà còn ngăn chặn sự lan tràn của ‘làn sóng cộng sản” ở vùng Đông Nam Á và nhờ đó nâng cao uy thế của các cường quốc tư bản. Nhưng tình hình thực tế chiến trường không diễn biến theo chiều hướng đó. Kế hoạch 15 tháng của tướng Đơ Lat bị đổ vỡ thảm hại; tiếp theo, kế hoạch 18 tháng của tướng Nava hứa hẹn niềm hy vọng mới “sẽ đánh tan tổ chức cộng sản vào cuối năm 1955” (lời F. Đalet, sau này trở thành ngoại trưởng Mỹ) cuối cùng cũng phá sản. Mỹ ráo riết tăng cường viện trợ cho Pháp về các phương tiện chiến tranh, tài chính và cố vấn quân sự. Nhưng thực ra, chính giới Mỹ cũng còn nhiều tính toán. Mỹ không dám đưa quân tham chiến trực tiếp ở Đông Dương, không muốn lặp lại “một Triều Tiên thứ hai” mà sau 3 năm đổ quân, đổ của vào bán đảo này, Mỹ không giành được phần thắng, phải kết thúc bằng sự thỏa thuận trở lại vĩ tuyến 38 nh buổi ban đầu. Mỹ cũng lo ngại việc đụng đầu trực tiếp với Trung Quốc nếu quân đội nước này tham gia cuộc chiến Đông Dương. Nhiều lần, giới cầm quyền Nhà trắng và Lầu Năm góc nhấn mạnh “dù tình hình có diễn biến đến mức nào thì Mỹ cũng không thể đưa lực lượng quân sự vào Đông Dương”, “không thể đa lực lượng mặt đất vào Đông Dương”[28]. Nhưng với vai trò “ông chủ” chi tiền, Mỹ muốn nhúng sâu vào kế hoạch tác chiến và trực tiếp nắm lực lượng bù nhìn nên ép Pháp phải nới rộng cái gọi là “quyền độc lập” mà Pháp đã ký cho “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại[29]. Điều này là một trong những nguyên cớ làm cho Pháp khó chịu bởi vì Pháp muốn nhận viện trợ của Mỹ nhưng không để Mỹ can dự sâu vào công việc ở Đông Dương, nhất là việc nắm lực lượng “bản xứ”. Tuy thế, do chiến cuộc ngày càng diễn biến xấu, Pháp phải từng bớc nhượng bộ Mỹ, thay dần các chính khách bù nhìn để rồi sau thất bại ở Điện Biên Phủ phải chấp nhận Ngô Đình Diệm, con bài nuôi dưỡng của Mỹ, làm thủ tướng (6.1954) thay các phần tử thân Pháp.
Một câu hỏi lớn đặt ra đối với phe Mỹ là liệu Trung Quốc có đưa quân sang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Việt Nam không, nếu có thì sẽ phải đối phó như thế nào?
Ngay từ tháng 1.1951, trong cuộc họp giữa đại diện ba nước Mỹ, Anh, Pháp ở Oasinhtơn, Pháp đã đề nghị “cần làm một cái gì đó để Trung Quốc hiểu rằng một cuộc xâm lược vào Đông Dương sẽ gây nên một cuộc trả đũa tập thể”. Còn Mỹ thì đề nghị đưa ra một “lời cảnh cáo tập thể đối với Bắc Kinh” để tỏ rõ sự đoàn kết giữa ba nước, song Anh lại lo ngại Trung Quốc sẽ coi đó như một sự khiêu khích.
Đến năm 1952, Pháp đưa ra ý kiến về một tuyên bố của ba nước khẳng định sự giúp đỡ đối với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á chống lại “sự đe dọa bên ngoài và bên trong”, và hứa giúp các nước này xây dựng lại nền kinh tế. Về lâu dài sẽ tiến đến một hiệp ước tương trợ giữa các cường quốc với các nước Đông Nam Á, song trước mắt nên ra một văn bản gọi là “Hiến chương Thái Bình Dương”, lôi cuốn thêm 2 nước tham gia là Ôxtraylia và Niu Dilân. Mỹ và Anh tuy tán thành song có những đắn đo, tính toán riêng nên ý kiến đó chưa biến thành hiện thực. Trong khi đó, đối với Pháp thì tình hình chiến trường ngày càng trở nên ruỗng nát và dư luận trong nước đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh này. Pháp phải yêu cầu Oasinhtơn tăng cường viện trợ quân sự, nhất là máy bay và phi công.
Ngày 13.3.1954, cuộc tiến công của quân đội nhân dân Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. “Điện Biên Phủ từ những ngày đầu chiến sự đã làm các giới hữu trách trong chính phủ Pari ngạc nhiên. Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự, ở Pháp cũng như ở Mỹ và Anh, đều trải qua một cơn sốt đặc biệt”[30]. Ngay sau đó, tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp Pôn Êly phải sang Oasinhtơn gặp tổng thống Aixenhao, gặp ngoại trưởng Đalet và các tướng lĩnh, các quan chức cao cấp Mỹ để cầu cứu khẩn cấp, nhất là để đối phó với quân đội Trung Quốc nếu như họ xuất hiện. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra dự kiến về một hiệp ước an ninh tập thể ở Đông Nam Á. Trong lúc Aixenhao còn suy tính thì Nichxơn - phó tổng thống Mỹ hồi đó - khi nói về “Chiến lược cách nhìn mới và trả đũa ồ ạt” (Strategy of New Look and Massive Retaliaction) đã chủ trương “gửi lính Mỹ đến Việt Nam kẻo quá chậm”, đổ bộ một lực lượng vào khu vực Hà Nội - Hải phòng “dù có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Hoa Đỏ”, đồng thời có ý đe dọa về một “sức mạnh cơ động ghê gớm sẽ được sử dụng kín đáo để trả đũa ...”. Trong khi lên tiếng tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương, ngoại trưởng Mỹ đã ám chỉ “nguy cơ nghiêm trọng”, khiến cho “người ta đương nhiên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử”. Còn chính giới Pháp thì bàn nhiều về khả năng Mỹ sử dụng lực lượng hải quân và không quân, có lẽ cả sức mạnh nguyên tử nữa”[31]. Họ hy vọng rằng sự đe dọa đó sẽ là con chủ bài lớn của Pháp buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, trong giới chính trị và quân sự ở Mỹ cũng có thái độ dè dặt. Họ lo ngại một sự can thiệp sâu như vậy sẽ lôi cuốn Mỹ vào một cuộc chiến tranh kiểu Triều Tiên. Ngày 3.4.1954, những người đứng đầu Quốc hội Mỹ đã bác bỏ kế hoạch của Đalet, đưa ra ba điều kiện để Mỹ tham chiến là các nước đồng minh, nhất là Anh phải đồng tình và tham gia; Pháp phải trao trả độc lập thực sự cho các “Quốc gia liên kết” (tức là các chính quyền bù nhìn); và chính phủ Pháp phải cam kết duy trì quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Có nghĩa là Mỹ muốn đẩy mạnh việc quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương, không muốn đơn thương độc mã nhảy vào cuộc chiến mà phải giữ lại lực lượng quân Pháp và kéo theo quân Anh với sự yểm trợ quân sự của Mỹ. Đồng thời, Mỹ vẫn theo đuổi dự án thiết lập liên minh chống cộng gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Thái Lan, Philippin... (sau này trở thành Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á - SEATO). Nhng đến cuối tháng 4, nguy cơ thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ ngày càng đến gần. Trong thời gian họp của khối NATO ngày 21-22.4, ngoại trưởng ba cường quốc là Đalet (Mỹ), Biđôn (Pháp) và Iđơn (Anh) đã gặp nhau để bàn về tình hình Đông Dương và dự án “phòng thủ tập thể” ở Đông Nam Á. Biđôn kể lại trong cuốn “Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác” (D’une résistance à l’autre”) một chi tiết quan trọng tại cuộc gặp đó là Đalet hỏi riêng ông ta: “Ông tính sao nếu chúng tôi cho các ông hai quả bom nguyên tử?”[32].
Thái độ của Anh tỏ ra dè dặt hơn. Chính phủ Luân đôn chủ trương đi tìm biện pháp hòa giải, né tránh cuộc đối đầu với Bắc Kinh và Matxcơva, đồng thời không nên quá phụ thuộc vào Mỹ. Nước Anh cũng đang đối phó với cuộc chiến tranh du kích ở Mã Lai, phải chú ý đến thái độ của các nước trong Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth) nhất là Ấn Độ đối với vấn đề Đông Dương để tránh những phản ứng bất lợi.
Cũng trong tình hình này, nội tình nước Pháp không kém phần rối ren. Tình trạng kéo dài không chút hy vọng của cuộc viễn chinh đã làm chính giới Pháp mệt mỏi và chia rẽ. Tướng Nava đã chua chát tổng kết tình hình chính trị của nước Pháp như sau: “Chưa bao giờ các nhà cầm quyền của chúng ta (Pháp) có được thời gian làm việc liên tục. Đối địch với Hồ Chí Minh - lãnh tụ chính trị duy nhất, và tướng Giáp - tổng tư lệnh duy nhất từ đầu chiến tranh đến nay, 19 chính phủ kế tiếp của chúng ta đã đưa ra 5 cao ủy (ông Đơ Giăng là người thứ 6) và 6 tổng chỉ huy (mà tôi là ngời thứ 7). Chúng ta cha bao giờ có một đường lối chính trị nhất quán để theo đuổi”. Để bào chữa cho trách nhiệm về thất bại ở Đông Dương, ông ta than phiền: “ở Pháp, không khí tinh thần thật khủng khiếp: thờ ơ, lạnh nhạt nếu không nói là thù ghét, sự phản bội công khai phơi bày, vụ buôn lậu tiền bạc, vụ bê bối của các tướng lĩnh, v.v.”. Trong giới chính trị, người ta thường lấy vấn đề Đông Dương để tuyên truyền tranh cử hòng giành được nhiều phiếu bầu. Trong giới quân sự, cuộc viễn chinh được coi là một trở ngại cho việc tái lập lực lượng Pháp ở châu Âu, là một gánh nặng mà họ mong muốn rũ bỏ. Do vậy, “đối với các nhà chính trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải thanh toán đi cho rồi”[33].
Trong khi chính phủ Pari lúng túng trước những tin tức thất trận từ Đông Dương truyền về thì phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ngày càng sôi sục. Ngay từ năm 1949, trên đường phố Pari đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình quần chúng với những khẩu hiệu “Hòa bình ở Việt Nam”, “Điều đình với chính phủ Hồ Chí Minh”. Thương binh từ chiến trường trở về diễu hành qua các đường phố lớn với biểu ngữ “Chúng tôi là nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam”. Nhiều bà mẹ c
< khoalichsu.edu.vn >