VỀ MỘT NGUỒN TÀI LIỆU MỚI CỦA SỬ HỌC - TÀI LIỆU INTERNET
[ 16/08/2016 00:00 AM | Lượt xem: 5482 ]
 
VỀ MỘT NGUỒN TÀI LIỆU MỚI CỦA SỬ HỌC
- TÀI LIỆU INTERNET
 
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Huệ

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
 
Khoa học Lịch sử ra đời cách đây hàng ngàn năm và ngày càng phát triển nhờ sự không ngừng bổ sung, hoàn thiện của phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn sử liệu. Trong khoảng trên dưới 15 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ, một nguồn tài liệu mới của Sử học cũng xuất hiện ở nước ta, đóng góp vào sự phát triển của Sử học - đó là nguồn tài liệu internet.

Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân, và các chính phủ trên toàn cầu (http://vi.wikipedia.org/wiki).
Như vậy, khái niệm internet có nội dung rất rộng, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những tài liệu liên quan đến Lịch sử được công bố trên mạng internet.

Có thể nói, đây là một nguồn tài liệu rất phong phú, đa dạng của Sử học; nhưng, việc sử dụng nó để nghiên cứu Lịch sử một cách hiệu quả không phải là đơn giản. Với bài viết này, chúng tôi xin được nêu lên những suy nghĩ bước đầu của mình về nguồn tài liệu internet với tư cách là một nguồn tài liệu của Sử học trên các khía cạnh: Ưu điểm, hạn chế của nó và những yêu cầu để sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài liệu này phục vụ cho việc nghiên cứu Lịch sử; sau cùng là một vài nhận xét.

1. Ưu điểm

1.1. Nguồn tài liệu internet có thể góp phần giúp người đọc hiểu một cách toàn diện, đa chiều, sâu sắc vấn đề mình nghiên cứu

Nguồn tài liệu cho Sử học trên internet là một nguồn tài liệu rất rộng, rất phong phú với nhiều kênh, nhiều phía, nhiều quan điểm, chính kiến… khác nhau; trong đó, có những phía, những quan điểm đối lập nhau, những ý kiến trái với sự thật. Ưu điểm của nguồn tài liệu như vậy là giúp người đọc hiểu một cách toàn diện, đa chiều, sâu sắc vấn đề mình nghiên cứu, tránh được lối nhận thức một chiều, đơn giản.

1.2. Có thể truy cập tài liệu bất cứ khi nào, ở đâu

Đặc điểm và cũng là ưu điểm của việc khai thác nguồn tài liệu này mà ở các nguồn tài liệu khác không có được là chúng ta có thể truy cập, khai thác tài liệu bất cứ khi nào, ở đâu nếu chúng ta có những phương tiện cần thiết như: máy tính, nối mạng internet. Với những phương tiện đó, chúng ta có thể truy cập tài liệu lúc nào chúng ta muốn và bất cứ ở đâu: tại phòng ngủ, khách sạn, nhà ga… Đây là một trong những lợi thế, ưu điểm mà khó có thể tìm thấy ở bất cứ nguồn tài liệu nào.  

1.3. Có thể thu thập tài liệu một cách nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, công sức và tiết kiệm

Chỉ cần biết địa chỉ tài liệu, ngồi trong phòng làm việc, với vài thao tác đơn giản, chúng ta có thể lấy được tài liệu mình cần mà không phải đi đến thư viện, làm các thủ tục mượn tài liệu, ghi chép tài liệu đối với tài liệu viết hay đi xuống thực địa để quan sát, mô tả đối với tư liệu điền dã, thực tế… Đây cũng là một ưu điểm nổi bật nữa của nguồn tài liệu internet so với các nguồn tài liệu khác.     

Ngoài ưu điểm là đỡ tốn thời gian, công sức; sử dụng nguồn tài liệu này, nhà nghiên cứu còn tiết kiệm được cả giấy, mực nữa. Đặc điểm của việc sử dụng nguồn tài liệu này là chúng ta lấy tài liệu từ “trên trời” và dán vào “giấy cũng ở trên trời”, không cần đến giấy, mực thông thường như khi sử dụng các nguồn tài liệu khác.

1.4. Tài liệu mang tính cập nhật rất cao

Tài liệu trên internet luôn luôn cập nhật - thông tin có thể thay đổi đến từng giờ, từng phút; vì thế, khai thác nguồn tài liệu này cho Sử học, chúng ta sẽ có một nguồn tài liệu cập nhật về vấn đề mình quan tâm. Với ưu thế này, nhà nghiên cứu sẽ rất thuận lợi khi nghiên cứu những vấn đề, sự kiện đang diễn ra ở trong nước hay trên thế giới.

Đó là một số ưu điểm chính theo nhận thức của chúng tôi đối với nguồn tài liệu mới mẻ này.

2. Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, nguồn tài liệu này cũng có những hạn chế của mình. Theo chúng tôi, nó có những hạn chế chính sau:

2.1. Người đọc dễ bị mất phương hướng trong quá trình khai thác tài liệu

Trên internet, với nhiều quan điểm khác nhau, đúng có, sai có, thậm chí có tài liệu bị xuyên tạc làm cho người đọc, trong đó có những nhà nghiên cứu trẻ với kiến thức còn có hạn, kinh nghiệm nghiên cứu còn ít, dễ bị mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai, không chọn được những tài liệu tin cậy để sử dụng cho việc nghiên cứu. Nếu sử dụng nguồn tài liệu sai sẽ có hại cho khoa học, thậm chí có khi có hại cho cách mạng, cho Tổ quốc.

2.2. Tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh “sao chép” phát triển

Bệnh “sao chép” - một căn bệnh nhức nhối và khó chữa trong nghiên cứu khoa học nói chung và trong Sử học nói riêng đã tồn tại trong nhiều năm nay và dường như nó được tiếp thêm sức mạnh để phát triển từ khi có internet. Chúng tôi nói như vậy vì những lí do sau:

Thứ nhất, chỉ cần một vài lần nhấc “con chuột” với những thao tác đơn giản vào “tài liệu”, người ta đã có thể tăng thêm vào công trình nghiên cứu của mình (tiểu luận, luận văn…) hàng trang, việc mà đánh máy có khi mất tới hàng giờ, thậm chí hàng buổi. Đây là điều mà rất nhiều sinh viên hay những nhà nghiên cứu trẻ đã lựa chọn và lạm dụng khi làm tiểu luận, luận văn, viết báo cáo khoa học.

Thứ hai: Trong nhiều năm nay, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều tiểu luận, luận văn của sinh viên mà những công trình khoa học đó mắc bệnh “sao chép” từ internet rất nặng. Trong nhiều luận văn, tiểu luận của sinh viên, liên tục trong nhiều trang là tập hợp các đoạn cắt từ tin internet, dẫn tới bệnh “chất đống tài liệu” - làm cho người đọc bị ngập trong đống tài liệu mà không thấy được sợi dây logic. Sẽ không chủ quan khi cho rằng, “sao chép” là căn bệnh khá phổ biến hiện nay trong giới sinh viên, không riêng một ngành nào, trường nào.

Căn bệnh này ngày càng phát triển sẽ làm thui chột khả năng tư duy sáng tạo của con người, làm cho khoa học không thể phát triển được.

2.3. Khó xác định được nguồn gốc của tài liệu

Tài liệu trên internet, có khi do tác giả đưa lên, có khi do người khác đưa lên cho nên ở một số tài liệu, chúng ta thật khó xác định nguồn gốc của nó, mà trong nghiên cứu Lịch sử, việc làm rõ nguồn gốc của tài liệu là điều bắt buộc.

3. Những yêu cầu để sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài liệu này

Trước những ưu điểm và hạn chế trên của nguồn tài liệu internet (chắc chắn là chúng tôi nêu chưa đủ), để sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài liệu này cho việc nghiên cứu Lịch sử, theo chúng tôi, chúng ta cần:

3.1. Người sử dụng nguồn tài liệu này cần có trình độ tương đối cao về kiến thức và nắm vững phương pháp luận Sử học.

Như đã nói ở trên, do nguồn tài liệu này rất phong phú với nhiều kênh, nhiều phía, nhiều quan điểm… khác nhau, trong đó có những phía, những quan điểm đối lập nhau, những ý kiến trái với sự thật. Vì vậy, để sử dụng được nó, đòi hỏi người sử dụng phải đạt tới trình độ tương đối cao về kiến thức, trước hết là kiến thức lĩnh vực mình nghiên cứu - một trình độ đủ để giúp họ phân biệt được đâu là tài liệu đúng, sai, sự thật hay xuyên tạc, để không bị tài liệu đánh lừa; đồng thời nắm vững phương pháp luận Sử học mới có thể phân tích, đánh giá tài liệu và sử dụng được những tài liệu chính xác.

3.2. Cơ sở để xác định độ tin cậy, chính xác của tài liệu là sự thực lịch sử

Đối với Sử học, tiêu chuẩn để xác định độ tin cậy của tài liệu là tài liệu đó phải phù hợp với sự thực lịch sử, với chân lý khách quan.

Để có được nguồn tài liệu chính xác, tin cậy, đối với nhiều tài liệu trên internet, chúng ta cần phải phân tích, đánh giá tài liệu - đánh giá bên ngoài, đánh giá bên trong, xem tài liệu đó do ai viết, có khách quan không, có bị xuyên tạc để phục vụ cho ý đồ của họ không… Đây là điều cần làm khi sử dụng nguồn tài liệu internet - một nguồn tài liệu rất phức tạp mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

3.3. Cần phải kết hợp tài liệu internet với các nguồn tài liệu khác trong nghiên cứu Lịch sử

Trong nghiên cứu Lịch sử, kết quả nghiên cứu càng có giá trị khi sử dụng được tài liệu tin cậy và phong phú (một công trình Sử học được coi là sử dụng tài liệu phong phú được hiểu là nó sử dụng tài liệu từ nhiều nguồn). Tài liệu càng phong phú, kết luận khoa học càng có tính khách quan cao. Một công trình Sử học khó có những kết luận, nhận định khách quan khi chỉ sử dụng một nguồn tài liệu. Đối với nguồn tài liệu internet, với tính phức tạp như đã nói, chúng ta lại càng không thể chỉ dựa vào một mình nó để nghiên cứu và đưa ra những kết luận. Sẽ là sai lầm về mặt phương pháp luận nếu như nhà nghiên cứu Lịch sử nào đó chỉ dựa vào nguồn tài liệu internet để nghiên cứu. Nguồn tài liệu này cần phải được kết hợp và so sánh với các nguồn tài liệu khác trong nghiên cứu Lịch sử. Có như vậy, chúng ta mới sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài liệu internet trong nghiên cứu Lịch sử.

4. Một vài nhận xét

Từ những trình bày ở trên, chúng tôi đi đến một số nhận xét bước đầu như sau:

4.1.Tài liệu internet là nguồn tài liệu phức tạp và mang tính tổng hợp với việc bao gồm nhiều kênh, nhiều phía, nhiều quan điểm, chính kiến khác nhau; bao gồm nhiều hình thức in ấn như sách, báo, tạp chí...; nhiều cấp độ: tài liệu bậc 1, 2, 3… Đối với nước ta, càng đẩy mạnh quá trình hội nhập thế giới thì nguồn tài liệu này càng được mở rộng, càng phong phú, đa dạng, phức tạp.

4.2. Là nguồn Sử liệu mới nhất trong gia đình các nguồn Sử liệu

Trong “đại gia đình” nguồn Sử liệu như: tài liệu di tích, hiện vật, truyền miệng - dân gian, chữ viết, internet... thì tài liệu internet là trẻ nhất và như đã nói là tuổi đời của nó mới trên dưới 15 năm đối với ở nước ta, quả thật là quá trẻ so với những nguồn tài liệu khác có hàng chục ngàn năm tuổi như tài liệu di tích, tài liệu hiện vật, tài liệu dân gian... Vì mới xuất hiện nên nguồn tài liệu này theo chúng tôi là đang vận động và chưa thực sự định hình một cách rõ ràng, hoàn chỉnh như những nguồn sử liệu khác.

4.3.Sự xuất hiện nguồn tài liệu này tạo thêm nhiều cơ hội cho Sử học phát trển nhờ những ưu điểm của nó nhưng cũng đặt ra cho giới Sử học những khó khăn, thách thức mới do những hạn chế của nó (mà chúng tôi đã nêu ở trên). Những khó khăn, thách thức đó càng lớn đối với những nhà nghiên cứu trẻ.

4.4. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế và phát huy những ưu điểm của nguồn tài liệu này, chúng tôi cho rằng, Nhà sử học cần có một trình độ văn hóa, khoa học nhất định và nắm vững phương pháp luận Sử học. Đối với giới sử học mác-xít Việt Nam, chúng ta cần nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là nắm vững chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đứng trên lập trường tích cực, tiến bộ và chống lại quan điểm phản động, sai trái. Có như vậy, chúng ta mới sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài liệu internet, không bị lệch lạc, mất phương hướng trong quá trình nghiên cứu, hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, vừa phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa thúc đẩy Sử học phát triển thêm một bước. Đồng thời, có như vậy, chúng ta mới có cơ sở đập lại những thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử trên internet, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cách mạng, của dân tộc.

*

Như vậy, nguồn tài liệu internet trong nghiên cứu Lịch sử có tính hai mặt: vừa có những ưu điểm, vừa có những hạn chế. Trách nhiệm của những Nhà sử học chân chính, trong đó có giới sử học mác-xít Việt Nam là khai thác tối đa những ưu điểm và tránh được tối đa những hạn chế, cố gắng gạn lọc từ trong “rừng tài liệu internet” để có những tài liệu tin cậy, phục vụ cho việc nghiên cứu Lịch sử, thúc đẩy một bước sự phát triển của Sử học.

Là bài viết đầu tiên về một vấn đề còn mới mẻ - tài liệu internet - và có thể nói vấn đề đang vận động để định hình; mặt khác, do nhận thức của bản thân còn có hạn, bài viết khó tránh khỏi những hạn chế, rất mong các nhà khoa học góp ý để chúng tôi có dịp nâng cao hơn nữa chất lượng bài viết của mình.

< khoalichsu.edu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 23