Nghi lễ vòng đời của người Thái Đen ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái
Đối với mỗi dân tộc đều có những phong tục cũng như tập quán riêng, còn người Thái Đen ở Mường Lò – Nghĩa Nghĩa Lộ - Yên Bái các tập tục về nghi lễ vòng đời vẫn được lưu truyền qua các thế hệ, chính điều đó đã góp phần làm phong phú và đậm đà thêm bản sắc văn hóa đa sắc màu, của cộng đồng các Dân tộc Việt Nam.
Nghi lễ vòng đời được quan niệm là những nghi lễ liên quan đến cá nhân, từ khi sinh ra đến lúc đi sang thế giới bên kia. Đó là cách ứng xử của cộng đồng người với một cá nhân hay xã hội bởi lẽ đó là nghi lễ mà gia đình, dòng họ, tổ tiên cộng đồng làng bản tổ chức cho người đó.
Theo quan niệm của người Thái Đen, vòng đời của con người có ba giai đoạn: Thứ nhất là sinh ra, thứ hai là trưởng thành và thứ ba là chết đi. Tất cả ba giai đoạn đó đều là do số trời đã định, đầu thai lúc nào, đẻ giờ nào, rồi đến khi trưởng thành lấy vợ như thế nào… tất cả họ tin ở “ trời và đất ”. Ngay cả đến khi chết đi và sang thế giới bên kia họ cũng tin là được định sẵn. Điều đặc biệt là, khi có ai đó chết những người ở lại sẽ cảm thấy thoải mái chứ không chỉ là đau khổ, vì họ nghĩ người chết đi sẽ sang đất tổ, sẽ nuôi nhiều hy vọng lớn hơn, coi như trời cho xuống trần gian nay đã hoàn thành nhiệm vụ mà trở về quê cũ. Do vậy mà khi sinh ra hay chết đi thì con người đó đều mang theo niềm vui, sinh ra mang đến một sự sống mới, khi mất đi cũng là sự tiếp tục cho cuộc sống ở một thế giới mới
Một số kiêng kỵ liên quan đến nghi lễ một vòng đời của người Thái Đen ở Mường Lò – Nghĩa Lộ. Mỗi con người khi sinh ra là khi linh hồn bắt đầu tồn tại, người Thái Đen rất tin vào linh hồn, do đó luôn có những kiêng kỵ nhất định để không làm ảnh hưởng xấu đến linh hồn trong suốt quá trình trưởng thành đến khi lìa đời, khi linh hồn rời xa thể xác. Những kiêng kỵ đó được đặt ra không chỉ đối với một cá nhân, một gia đình mà nó đã trở thành một tập tục phải tuân theo của cả cộng đồng người Thái Đen tại nơi đây. Những kiêng kỵ biểu hiện rõ nhất trong nghi lễ vòng đời là sinh đẻ và tang ma.
Đầu tiên trong sinh đẻ, khi thấy gia đình có treo cành lá xanh – co nát hoặc mác quạnh (cây cà dại) buộc cùng mẩu củi cháy dở trước cổng hay cầu thang là điềm báo trong gia đình có sản phụ mới sinh con, phải ở cữ - sưởi lửa để trừ ma, trừ tà, phòng bệnh tật và cầu cho đứa con lớn nhanh khỏe mạnh nên người. Khi sinh con trai thì sưởi lửa bảy ngày, còn nếu sinh con gái phải sưởi lửa chín ngày ứng với số vía của trẻ là “ Trai bảy - gái chín ”. Trong thời gian này cấm những người bị ốm, người vía nặng, vía xấu lên nhà, nếu người lạ muốn lên nhà chơi trong lúc bước lên cầu thang phải ý tứ nói: “Nha chắp nha pét nơ/ E nọi ơi! – có nghĩa là: Đừng giống như tôi nhé, bé ơi! ”. Đây là kiểu nói khiêm nhường mong đứa trẻ hậu sinh khả úy. Khi đó người nhà sẽ vui vẻ trả lời: “ Ơ/ chắp pét nhăng lì lo! – Nghĩa là: được giống như cô bác, chú,… thì càng tốt, càng may mắn ”.
Thứ hai trong quá trình trưởng thành, người lạ tuyệt đối không được xoa đầu trẻ nhỏ. Bởi vì theo quan niệm thì linh hồn trẻ nhỏ cư ngụ trên đỉnh đầu, do đó khi người lạ xoa đỉnh đầu trẻ sẽ làm cho linh hồn sợ và bỏ chạy, làm đứa trẻ bị ốm. Nếu muốn thể hiện tình yêu trẻ thì nên hôn nhẹ lên má trẻ, không được cấu, véo vào má hoặc có hành động nào khác trên đầu trẻ. Khi gia đình có người bị ốm – chếp hại, thầy cúng – một lao dùng “co nát và mác quạnh ” treo ở trước cổng nhà hoặc trước đầu cầu thang để trừ tà ma, thấy dấu hiệu này thì người lạ không được lên nhà từ hai đến ba ngày.
Thứ ba trong tang ma, người Thái Đen đặt ra những khoảng cách đối với người con dâu như: không được tham gia vào quá trình tắm rửa cho người mất, không được mặc bộ đồ trắng mà mặc “ sửa co long – áo cổ rồng ” màu đen có pha các màu khác, khi đưa ma lên gian hóng để thờ, người con dâu tuyệt đối không được vào gian thờ đó. Khi trong nhà có người qua đời, hồn chủ trên đầu sẽ biến thành “ma nhà – phi hươn ”, ban ngày ma nhà ngủ trên xà nhà nơi gian thờ – hỏng hóng vì vậy người Thái Đen tuyệt đối không mang thịt, cá tươi qua gian thờ kẻo ma nhà ngửi thấy sẽ đòi ăn, chủ nhà sẽ đau ốm. Ngoài ra cũng không đem cành lá xanh qua gian thờ, vì ma nhà sẽ ngỡ đó là rừng cây, ma nhà sẽ hỏi chủ nhà làm chủ nhà bị ốm. Khi đi đưa đám ma về, trước khi lên nhà bao giờ cũng phải dùng “co nát” và “mác quạnh” dúng nước chải từ đầu đến chân, vứt về phía mặt trời lặn hoặc xuống dòng nước chảy mới được lên nhà với tác dụng xua đuổi những cái xấu bám theo mình.
Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, nhiều tín ngưỡng, phong tục, cũng như tập quán đang dần bị mai một nhưng cộng đồng người Thái Đen – Nghĩa Lộ vẫn tiếp tục lưu giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống từ ngàn đời nay.
Hoàng Nguyên