Giỗ Tổ Hùng Vương - Nơi giữ gìn truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam
[ 14/04/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1324 ]

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nơi giữ gìn truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam


Giỗ Tổ Hùng Vương - từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại trong đời sống tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ như hướng về cội nguồn. Và từ ngàn đời nay, Đền Hùng (Phú Thọ) là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Cả nước gọi nơi đây là Đất Tổ, nơi tô đậm thêm truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân sâu sắc của các thế hệ cháu con đến các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, đúng như câu ca dao xưa:

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Nhẩm trong tim câu ca “Con người có tổ có tông – Như cây có cội, như sông có nguồn” đoàn đại biểu đại diện cho các doanh nhân từ Thủ đô Hà Nội lên đường hành hương về đất tổ. Trong những ngày tháng 3 âm lịch, khi tiết Thanh minh đang lan tỏa khắp đất trời, vạt mưa xuân còn vương lại trên những cánh hoa xoan mới nở, đến với Đền Hùng bao cảm xúc ùa về. Không ai nói với ai, nhưng tất thảy mọi thành viên trong đoàn đều chung một tình cảm với mảnh đất đã từ lâu trở nên thân thuộc. Sau phần lễ dâng hương và báo công các Vua Hùng được tổ chức trang trọng tại cả đền thượng, đền trung và đền hạ, đoàn đại biểu chúng tôi được theo gót các nhà sư, các chức sắc thuộc hội phật giáo Việt Nam hành hương, tham quan khu di tích. Lần theo những bậc đá, chúng tôi tìm về với cội nguồn lịch sử để thêm hiểu về các Vua Hùng và mảnh đất tổ thiêng liêng.



 


Đoàn đại biểu các doanh nhân Hà Nội và đại diện Hội Phật giáo Việt Nam làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.

Quần thể di tích đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh giữa bao la là các ngọn núi hùng vĩ với những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn…, thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc. Từ ngàn xưa, trên các cỗ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới. “Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch ) hàng năm”. 

Những năm hội chính thì phần lễ gồm: Tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng trong tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ... và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo - hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong.

Theo dòng lịch sử, chúng ta hẳn không quên, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập - là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Theo lời kể của một vị cao niên trong đoàn thì năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng – lúc đó là Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại.

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 19/9/1954, trên đường hành quân về tiếp quản thủ đô, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Người đã trở thành lời hứa quyết tâm chung của cả đất nước, dân tộc. Lời hứa đã được thực hiện vào mùa xuân 1975, sau 30 năm kháng chiến gian khổ hy sinh, nhân dân ta hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi ngoại xâm, giang sơn thống nhất vẹn toàn, nối liền một dải. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.



Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong ngày trên đường hành quân về tiếp quản thủ đô, tại Đền Hùng, 19/9/1954.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - Thể thao ngày đó đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

"Năm chẵn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "0"; Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

"Năm tròn" là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là "5"; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

"Năm lẻ" là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.



Lễ vinh danh và đón Bằng của UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ngày 13/4/2013.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, qua bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

“Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Đó là một trong số vô vàn dòng lưu bút còn chưa khô màu mực được du khách quốc tế viết lại khi về thăm đền Hùng. Qua những câu chữ lắng đọng tình cảm ấy có thể thấy rằng, không chỉ chúng ta tự hào về đất tổ, mà cả bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng và các di tích trên đỉnh Nghĩa Lĩnh đều cúi đầu nể phục ý thức hướng về cội nguồn dân tộc của bao thế hệ người Việt Nam.

Ths. Nguyễn Hữu (P. Truyền thông)
< baotanglichsu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 14