CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, từ một nước nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Năm 1884, với Hiệp ước Patenôtre, về cơ bản Pháp đã xác lập quyền thống trị trên toàn cõi Việt Nam, tuy hình thức thống trị khác nhau giữa các vùng: Nam kỳ là xứ Thuộc địa, Bắc kỳ là xứ Bảo hộ, Trung kỳ là xứ nửa Bảo hộ (vì ở đó vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn). Dưới nền thống trị Pháp, Việt Nam không những không còn chủ quyền, mà thậm chí cũng không còn là một quốc gia.
Các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình xã hội Việt Nam. Sự phân hoá giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc hơn, bởi chính sách thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam và cả Đông Dương là chính sách thống trị chuyên chế về chính trị, bóc lột nặng nề về kinh tế nhằm đem lại lợi nhuận tối đa về kinh tế, kìm hãm và nô dịch về văn hóa, giáo dục, chứ không phải đem đến cho nhân dân một sự "khai hoá văn minh" - một sự khai hoá và cải tạo thực sự theo kiểu phương Tây. Bản chất của "sứ mạng khai hoá" đó chính là sự khai thác thuộc địa diễn ra dưới lưỡi lê, họng súng, máy chém, v.v... Trong lòng chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam đã hình thành những mâu thuẫn đan xen nhau, song mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phản động. Sự thống trị, áp bức và bóc lột càng tăng thì mâu thuẫn đó càng sâu sắc, sự phản kháng và đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc càng phát triển mạnh mẽ, gay gắt về tính chất, đa dạng về nội dung và hình thức. Hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam khao khát độc lập, thoát khỏi cảnh thống trị của thực dân Pháp.
Do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp, các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên chỉ sau một thời kỳ phát triển đã bị kẻ thù dập tắt.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) ra nước ngoài, bắt đầu đi tìm con đường cứu nước. Người bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động, vừa học tập, quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình như cách mạng tư sản Pháp, Mỹ.
Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) nổ ra và thắng lợi đã có nhiều ảnh hưởng đến Nguyễn Ái Quốc. Người rất ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục V.I. Lênin và đã tham gia nhiều hoạt động ủng hộ và bảo vệ cách mạng Nga; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Những hoạt động cách mạng phong phú đó đã giúp Người từng bước rút ra những bài học quý báu và bổ ích cho sự lựa chọn con đường cách mạng của mình.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở. Từ đây, Người đã tìm ra con đường cứu dân, cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” . Người đã xác định những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc. Đó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp.
Sau một thời gian ngắn tham gia học tập ở Liên Xô và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh (1927)… nhằm tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Người tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Từ ngày 06/01 đến 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản (An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) dưới sự chỉ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đó là một mốc lớn, một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc.
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí bí mật về nước. Từ ngày 10 đến 19-5-1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Hội nghị đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc.
Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với việc thành lập Mặt trận dân tộc mà thời kì trước đó đã tiến hành với nội dung hình thức thích hợp, Hồ Chí Minh đã đóng góp lớn vào việc quyết định và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Từ đầu tháng 5-1945, sau khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, quân phiệt Nhật đã lần lượt thất bại ở nhiều nơi. Thời cơ cách mạng đã hình thành. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa (tháng 8-1945), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” .
Hồ Chí Minh kêu gọi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa khi thời cơ cách mạng đến. Điều này chứng tỏ Người đã thực hiện lời chỉ dẫn của Mác và Lênin. Mác đã nêu rõ: Nghệ thuật lãnh đạo của một đảng cách mạng là nắm đúng được thời cơ.
Ngày 14-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh trên các làn sóng phát thanh. Sự đầu hàng của Chính phủ Nhật đã đẩy quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương vào tình thế tuyệt vọng như rắn mất đầu, hoang mang dao động đến cực độ. Chính phủ Trần Trọng Kim rệu rã. Tin Nhật đầu hàng đã nhanh chóng lan truyền trong nhân dân. Khắp nơi trên đất nước ta, Việt Minh tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình thị uy vũ trang, có tới hàng nghìn quân tham gia. Hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Nhiều lính trong quân đội phát xít và lính bảo an, cảnh sát, các công chức trong chính quyền bù nhìn ủng hộ Việt Minh giành độc lập. Thời cơ để nhân dân ta giành chính quyền đã tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi to lớn, cách mạng cũng đứng trước những khó khăn không nhỏ. Mặc dù chính phủ Nhật đã đầu hàng Đồng minh nhưng đến ngày 21-8 quân Nhật ở Đông Dương mới được lệnh ngừng bắn. Vì thế quân Nhật ở Hà Nội vẫn đi tuần, canh gác nghiêm ngặt. Các tổ chức phản động cũng tìm cách phá phong trào cách mạng của nhân dân ta.
Trong khi đó các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa Quốc dân Đảng cũng có mưu đồ riêng đối với Đông Dương. Chính phủ Trùng Khánh của Tưởng Giới Thạch ráo riết chuẩn bị “Hoa quân nhập Việt” và ngày 9-8-1945 đã ra thông báo sẽ đưa quân vào giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương theo thỏa thuận giữa các nước Đồng minh chống phát xít.
Từ tháng 5-1945, thực dân Pháp đẩy mạnh việc thành lập đạo quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương, tăng cường hoạt động ngoại giao để Anh, Mỹ thừa nhận quyền trở lại Đông Dương của Pháp.
Các đảng phái phản động lưu vong ở Trung Quốc như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội cũng chuẩn bị núp bóng quân đội Tưởng về nước cướp chính quyền.
Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, ngày 12-8-1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 13-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Anh, quân Trung Hoa Quốc dân Đảng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và thực dân Pháp chưa kịp tập hợp tàn quân, điều lực lượng vào xâm lược nước ta một lần nữa. Hội nghị đề ra 3 nguyên tắc để chỉ đạo khởi nghĩa là tập trung, thống nhất, kịp thời và nêu phương châm hành động trong khởi nghĩa là phải đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng không kể thành thị hay nông thôn, phải phối hợp chặt chẽ chính trị và quân sự, phải thành lập chính quyền cách mạng ở những nơi đã giành quyền làm chủ.
Trong khi đề cao việc tranh thủ Đồng minh, Hội nghị nhấn mạnh khâu mấu chốt giành thắng lợi của cách mạng là “Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được thắng lợi giữa ta và Đồng minh” .
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, Đại hội Quốc dân cũng được tiến hành tại Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16 và 17-8-1945. Đại hội tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm Quốc kì, lấy bài hát Tiến quân ca làm Quốc ca.
Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển đến các tổ chức Đảng và Việt Minh, chiến sĩ và đồng bào.
Tuy nhiên, do tình hình phức tạp và những khó khăn về giao thông, thông tin, liên lạc, lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương đến một số nơi bị chậm hoặc không đến được. Nhưng ở những nơi đó, tổ chức Đảng và Việt Minh, do thấm nhuần các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trước đó, nhất là chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, đã căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, kịp thời phát động quần chúng khởi nghĩa.
Ở Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ phân công một số ủy viên trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa. Theo nghị quyết cuộc họp ngày 15-8-1945, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội) được thành lập ngày 16-8. Sáng ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng cách mạng nội và ngoại thành mang theo gậy, dao, mã tấu… rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát Thành phố tham dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn như Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát, Trại Bảo an binh… Quân Nhật án binh bất động, binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực. Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền.
Huế là nơi đóng đô của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, là một trung tâm chính trị của đất nước. Vì vậy, Huế có vị trí rất quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa của cả nước. Ngày 20-8, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập. Sáng ngày 23-8, kinh đô Huế tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Khoảng 15 vạn nhân dân Huế và các phủ, huyện ngoại thành biểu tình khắp các ngả đường, các khu phố. 16 giờ ngày 30-8, hàng vạn nhân dân Huế tập trung ở Ngọ Môn chứng kiến sự kiện vua Bảo Đại thoái vị. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận ấn, kiếm do Bảo Đại trao và tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ trên đất nước ta, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế đã động viên cổ vũ, tạo thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân các tỉnh Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ vùng lên.
Sài Gòn là một trong ba địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất của cả nước, là thủ phủ của Nam Kỳ thuộc Pháp, là nơi đặt đại bản doanh của quân Nhật đóng trên toàn bộ Đông Nam Á. Rạng sáng ngày 25-8, các đường phố Sài Gòn tràn ngập biển cờ, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vang dội trong thành phố. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn kết thúc bằng cuộc tuần hành khổng lồ chưa từng thấy. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn làm rung chuyển cả vùng nông thôn Nam Bộ, cổ vũ nhân dân Nam Bộ vùng lên khởi nghĩa thắng lợi.
Một số thị xã do lực lượng Trung Hoa Quốc dân Đảng và tay sai chiếm giữ từ trước như Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh), Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên vẫn chưa được giải phóng (sau khi Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 được ký kết, quân Trung Hoa Quốc dân Đảng mới trao trả cho ta). Như vậy, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Đảng ta lãnh đạo đã thắng lợi trên cả nước trong vòng nửa tháng, từ 14-8 đến 28-8-1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám. Đây cũng chính là thắng lợi của khát vọng giải phóng dân tộc./.
Trần Ngọc Trung
Bảo tàng Hồ Chí Minh