Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn
Lịch sử Đản Cộng sản Việt Nam
Đại hội IX của Đảng (4-2001) khẳng định: “Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ XX, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ”1.
Những năm đầu thế kỷ XXI, công cuộc đổi mới tiếp tục phát triển với chất lượng, hiệu quả mới và nhìn lại 20 năm đổi mới đất nước đã có được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Có thể khẳng định thời kỳ đổi mới là một trong những chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam và của lịch sử ĐCS Việt Nam cần được nghiên cứu tổng kết một cách sâu sắc, toàn diện và học tập một cách nghiêm túc.
Công cuộc đổi mới thành công là kết quả của sự đổi mới tư duy lý luận, đổi mới toàn diện các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đối nội và đối ngoại của ĐCS Việt Nam. Đổi mới diễn ra trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. ĐCS và Nhà nước Việt Nam đã tận dụng có hiệu quả cơ hội đó. Ngay từ Đại hội VI (12-1986) Đảng đã chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Đại hội VII (6-1991) đề ra chính sách đối ngoại rộng mở: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới. Mỗi bước phát triển và thắng lợi của công cuộc đổi mới cũng phản ánh bước đi tích cực, chủ động của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Đại hội X của ĐCS Việt Nam (4-2006) đã khẳng định lại chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”2.
Lịch sử ĐCS Việt Nam là quá trình Đảng lãnh đạo thực hiện 2 chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (CMDTDCND), giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
CMDTDCND đã hoàn thành với đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) kế thừa và phát triển những tổng kết của Đại hội II (2-1951), Đại hội III (9-1960) trước đây và đã có sự tổng kết rất quan trọng quá trình lãnh đạo CMDTDCND với những kinh nghiệm và bài học có giá trị lý luận. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã có sự chỉ đạo tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đại hội VII và Đại hội IX của Đảng đã tổng kết và khẳng định tầm vóc thời đại, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, đồng thời khẳng định xu thế phát triển tất yếu từ CMDTDCND lên cách mạng XHCN.
Những tổng kết cơ bản và quan trọng đó cũng có sự đóng góp của các nhà khoa học lịch sử, nhất là chuyên ngành Lịch sử ĐCS Việt Nam, Lịch sử quân sự, Lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Những tổng kết đó cần được quán triệt sâu sắc trong giảng dạy và nhất là trong học tập bộ môn Lịch sử ĐCS Việt Nam. Phải học tập và nắm được có hệ thống những giá trị lý luận và thực tiễn của CMDTDCND và chiến tranh nhân dân cách mạng Việt Nam và giá trị truyền thống, sự chuyển biến phát triển sâu sắc của tiến trình lịch sử dân tộc nhờ Đảng đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó.
Đảng lãnh đạo cách mạng XHCN ở miền Bắc từ năm 1954, trên cả nước từ năm 1975 và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới vì CNXH từ năm 1986. Đó không chỉ là những cột mốc thời gian của quá trình lịch sử mà còn phản ánh đặc điểm, sự phát triển về đường lối, về nhận thức, tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Nếu học tập môn Lịch sử Đảng về CMDTDCND cần phải nắm vững quá trình hình thành, phát triển đường lối và thắng lợi, bài học của chiến lược cách mạng đó, thì học tập phần cách mạng XHCN phải nắm được quan điểm, đường lối cách mạng XHCN, nhất là đường lối đổi mới, thành tựu thực tiễn và nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu đòi hỏi sự nghiệp giáo dục, đào tạo phải nâng cao chất lượng và hiệu quả, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng ngày càng cao, đạt tới trình độ của khu vực và thế giới. Đại hội X của Đảng chủ trương tạo được chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục và đào tạo: “Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ”3. Đại hội X nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà truờng, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại”4.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo khác, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị thuộc Đại học quốc gia Hà Nội đã coi trọng đào tạo cơ bản, bồi dưỡng chuẩn hoá giảng viên lý luận chính trị trong đó có đội ngũ giảng viên giảng dạy Lịch sử ĐCS Việt Nam. Điều đó rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học cao đẳng, đại học về bộ môn Lịch sử ĐCS Việt Nam. Dạy và học những gì trong môn học quan trọng này, dạy và học như thế nào để có chất lượng và hiệu quả là điều cần có quan niệm thống nhất trong sự đa dạng, sáng tạo về phương pháp để đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Có một thực tế là, Lịch sử ĐCS Việt Nam là một trong các môn học lý luận chính trị hiện nay sinh viên không hứng thú học tập. Một trong những căn nguyên dẫn đến tình trạng đó là đội ngũ giảng viên chưa thực sự nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học.
Phải khẳng định rằng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị là rất cần thiết và cần được không ngừng phát triển, hoàn thiện. Phải bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thực tiễn đồng thời phải góp phần nâng cao trình độ tư duy và năng lực vận dụng vào thực tiễn, nâng cao cả trí tuệ, phẩm chất chính trị và đạo đức của người học.
Quán triệt những quan điểm cơ bản của Đại hội X của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo hiện nay, việc dạy và học môn Lịch sử ĐCS Việt Nam cần phải có sự đổi mới quan trọng cả về nội dung và phương pháp.
Thứ nhất, cả nguời dạy và người học phải nắm vững hơn đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của môn học Lịch sử ĐCS Việt Nam. Là một ngành của khoa học lịch sử, bộ môn Lịch sử ĐCS Việt Nam nghiên cứu hệ thống các hiện tượng, biến cố và sự kiện lịch sử ra đời, lãnh đạo và đấu tranh của ĐCS Việt Nam vì mục tiêu giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, xây dựng thành công CNXH vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Nghiên cứu hệ thống tổ chức của Đảng, những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng với tư cách là đội tiên phong của GCCN, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Quá trình lãnh đạo của Đảng (cả khi đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền và cả khi trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền) cần được nghiên cứu trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Nghiên cứu, làm rõ những thắng lợi, thành công và cả những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng.
Bộ môn Lịch sử Đảng có chức năng nhận thức và chức năng giáo dục. Từ nhận thức quá khứ để suy nghĩ, hành động hiện tại và góp phần dự báo sự phát triển trong tương lai. Nhận thức hiện thực khách quan của lịch sử lãnh đạo, đấu tranh của ĐCS Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt để đi tới phát hiện, nhận thức quy luật và những vấn đề có tính quy luật của quá trình vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam. Nhận thức đúng đắn và hành động theo quy luật có ý nghĩa quyết định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí trong hoạch định đường lối, cương lĩnh và tổ chức, chỉ đạo thực tiễn. Phải nhận thức rõ quy luật và những vấn đề có tính quy luật của CMDTDCND, của chiến tranh cách mạng Việt Nam cũng như của cách mạng XHCN, của thời kỳ quá độ, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Tất cả nội dung đó làm nên tri thức lịch sử Đảng.
Lịch sử ĐCS Việt Nam có vai trò đặc biệt trong giáo dục lý tưởng CSCN, giáo dục lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc, nhân dân; giáo dục đạo đức cách mạng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị và nhân cách, tư cách của người cách mạng Việt Nam; giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao niềm tin, bồi đắp chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện ĐCS Việt Nam, nhiều kỳ đại hội và hội nghị Trung ương, trên cơ sở tổng kết lịch sử, nắm vững phương pháp luận khoa học đã có những dự báo đúng đắn cho sự phát triển, những dự báo đó là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng đề ra chiến lược phát triển, đường lối, chủ trương thích hợp.
Môn học lịch sử Đảng có nhiệm vụ tái hiện có hệ thống toàn bộ tiến trình hoạt động, lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của GCCN, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Các biến cố, hiện tượng, sự kiện lịch sử Đảng cần được nhận thức, trình bày khách quan, rõ ràng trên cơ sở những tư liệu, tài liệu tin cậy và được thẩm định. Cần xác định rõ sự kiện lịch sử Đảng để không lẫn với sự kiện lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự hay lịch sử một chuyên ngành khác. Nhận thức và hiểu biết sâu sắc hiện thực lịch sử lãnh đạo và đấu tranh của Đảng gắn liền với hiểu biết về hệ thống tổ chức của Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên và vai trò của họ là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là yêu cầu trước hết trong học tập lịch sử Đảng.
Tái hiện và hiểu biết tri thức lịch sử Đảng là cần thiết nhưng chưa đủ. Giảng dạy và học tập lịch sử Đảng còn nhằm hiểu rõ những kinh nghiệm, những bài học quý giá trong sự lãnh đạo của Đảng được tổng kết từ thực tiễn lịch sử. Những kinh nghiệm đó được tổng kết sâu sắc hơn, phát triển thành lý luận của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”5. Người nhấn mạnh: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”6. Tổng kết thực tiễn, hiện thực lịch sử thành lý luận là nhiệm vụ lớn của khoa học Lịch sử Đảng. Vai trò và vị trí của môn học nằm ở chính nhiệm vụ to lớn đó. Lịch sử Đảng còn có nhiệm vụ tổng kết những giá trị truyền thống vẻ vang của ĐCS Việt Nam. Đó là truyền thống độc lập tự chủ, sáng tạo; truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, vì nước, vì dân; truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng; truyền thống gắn bó mật thiết với dân tộc, nhân dân; truyền thống của chủ nghĩa quốc tế trong sáng; truyền thống rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng v.v. Những truyền thống đó có giá trị và ý nghĩa sâu sắc cho sự lãnh đạo của Đảng, cho nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay. Đó cũng là vị trí nổi bật của khoa học và môn học Lịch sử ĐCS Việt Nam.
Thứ hai, phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học môn học Lịch sử ĐCS Việt Nam. Muốn đổi mới phương pháp cần phải nắm vững và vận dụng thành công hệ thống các phương pháp trong nghiên cứu khoa học lịch sử nói chung và trong khoa học Lịch sử Đảng nói riêng. Phương pháp lịch sử hướng vào trình bày sự kiện, hiện thực Lịch sử Đảng theo quá trình hình thành, phát triển của nó nhằm cung cấp và tìm hiểu những tri thức cần thiết về lịch sử lãnh đạo, đấu tranh của Đảng trên tất cả lĩnh vực. Sự kiện lịch sử Đảng, thời gian, không gian và diễn biến của các sự kiện cần được tái hiện như nó đã diễn ra một cách khách quan, trung thực. Phương pháp lịch sử để tiếp cận gần tới cái khách quan nhất của hiện thực lịch sử. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để nhận thức đúng đắn hiện thực lịch sử của Đảng. Phương pháp lôgíc là trên cái nền của hiện thực lịch sử, với tư duy khoa học tổng kết thành những kết luận để hiểu được bản chất, giá trị và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện lịch sử. Phương pháp lôgíc đòi hỏiphải không ngừng nâng cao năng lực tư duy lôgíc, năng lực phân tích, tổng hợp, tổng kết thực tiễn lịch sử.
Trong dạy và học lịch sử Đảng thường có biểu hiện nặng về phương pháp lịch sử, nghĩa là chỉ chú trọng mô tả diễn biến của các sự kiện lịch sử Đảng để rồi phải nhớ một cách máy móc ngày tháng xảy ra các sự kiện đó; ít chú trọng phương pháp lôgíc để giúp người học hiểu được bản chất, quy luật vận động và ý nghĩa, giá trị của các sự kiện lịch sử. Ngược lại, cũng có xu hướng coi nhẹ trình bày các sự kiện lịch sử hoặc hiểu các sự kiện lịch sử chưa thật sâu sắc và chính xác, nặng về khái quát, kết luận có sẵn trong sách giáo khoa làm cho bài học ít tính hấp dẫn, sinh động. Như vậy, sự kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp lịch sử và phương pháp lôgíc là tuyệt đối cần thiết trong cả dạy và học lịch sử Đảng.
Các phương pháp đồng đại, lịch đại, so sánh, thống kê, phân tích, tổng hợp v.v. cần được sử dụng linh hoạt, sáng tạo. Không lĩnh vực nào đòi hỏi phải sáng tạo như trong phương pháp. Mỗi người có phương pháp dạy và học riêng nhưng cuối cùng được nhìn nhận ở kết quả, hiệu quả và chất lượng học tập, đó là: Người học được trang bị tri thức gì về lịch sử Đảng; nâng cao nhận thức, bản lĩnh, năng lực và phương pháp tư duy như thế nào; rèn luyện gì về phẩm chất chính trị, đạo đức và tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử Đảng cần đi vào trình bày lịch sử Đảng theo những chuyên đề được tổng kết từ lịch sử và có giá trị tổng kết. Giảng và học theo chuyên đề đòi hỏi trình độ cao của người thầy đồng thời cũng nâng cao trình độ, nhận thức và phương pháp tư duy của người học và do đó nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học trở lên.
Trong điều kiện hiện nay, cần đổi mới mạnh mẽ cả phương pháp dạy và học. Không nên giảng nặng về thuyết trình mà cần thiết đối thoại với người học, nêu câu hỏi để cùng tìm hiểu, học tập. Người học cũng không nên chỉ thụ động nghe mà cũng cần biết đặt ra các yêu cầu cần thiết trong khuôn khổ bài học và môn học. Cần chú trọng phương pháp liên hệ, vận dụng, từ quá khứ liên hệ, vận dụng vào hiện tại. Sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho việc sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong thực hiện bài giảng của giáo viên và quá trình học của học viên, sinh viên. Trong những năm gần đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều cơ sở đào tạo khác, đã sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy môn Lịch sử ĐCS Việt Nam.
Thứ ba, trong điều kiện hội nhập hiện nay, dạy và học Lịch sử ĐCS Việt Nam càng cần chú trọng nắm vững tính đảng và tính khoa học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tính đảng trong dạy và học lịch sử Đảng đòi hỏi phải đứng vững trên lập trường, quan điểm, lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để nhận thức đúng đắn lịch sử Đảng ta trong tiến trình ra đời, hoạt động và lãnh đạo của Đảng. Phải làm rõ quan điểm, đường lối, cương lĩnh của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Đảng ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể, làm rõ tính đúng đắn của đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng, góp phần thực hiện tốt đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng hiện nay. Tính đảng cũng thể hiện ở sự quán triệt những quan điểm, những kết luận của Đảng với những vấn đề đã diễn ra trong lịch sử, đồng thời thể hiện tính chiến đấu cao trong việc phê phán những nhận thức sai trái, những luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tính khoa học trong dạy và học lịch sử Đảng là nhận thức hiện thực lịch sử một cách khách quan, trung thực, không làm sai lệch hiện thực lịch sử, không được tô hồng cũng không được bôi đen, xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tính khoa học thúc đẩy tư duy sáng tạo, suy nghĩ tìm tòi sâu sắc để tiếp cận chân lý. Tính khoa học còn đòi hỏi rèn luyện, nâng cao tư duy lôgíc để tổng kết giá trị khoa học, những vấn đề lý luận trong lịch sử Đảng ta.
Tính đảng và tính khoa học là thống nhất và đều hướng tới nhận thức lịch sử đúng đắn, nâng cao vị trí, vai trò của môn khoa học Lịch sử ĐCS Việt Nam, vị thế của khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nâng cao và bồi dưỡng tính đảng cũng tức là nâng cao tính khoa học và ngược lại. Khoa học Lịch sử Đảng phải trở thành cơ sở quan trọng để Đảng ta tổng kết thực tiễn, hoạch định và thực hiện đường lối chính trị, thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH.
Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân và dân tộc Việt Nam đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Muốn đổi mới và hội nhập thành công, một trong những bài học của Đảng ta là biết phát huy nội lực đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Phải hiểu biết và đánh giá đúng về chính mình để có thể hội nhập thành công. Càng tăng cường hội nhập quốc tế, càng cần phải nêu cao truyền thống tự lực tự cường, độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng và dân tộc Việt Nam. Khoa học Lịch sử Đảng làm cho Đảng ta, dân tộc ta, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam hiểu rõ Đảng, dân tộc mình, tự hào và quyết tâm tiến lên mạnh mẽ và vững chắc trên con đường đã lựa chọn.
1. ĐCS Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, CTQG, H, 2001, tr.64
2, 3, 4. ĐCS Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, CTQG, H, 2006, tr.112, 206, 207
5, 6. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 2000, T. 5, tr. 272, 233.
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 9