Các khuynh hướng sử học trong thế kỷ XIX và XX
[ 21/09/2013 22:12 PM | Lượt xem: 2563 ]

CÁC KHUYNH HƯỚNG SỬ HỌC TRONGTHẾ KỶ XIX VÀ XX


PGS.TS. Hoàng Hồng


Bài viết giới thiệu những luận điểm cơ bản về phương pháp luận sử học và triết học lịch sử của các khuynh hướng sử học chính đã xuất hiện và chi phối sử học thế giới trong thế kỷ XIX và XX.

1. Khuynh hướng Sử học khách quan

Nửa đầu thế kỉ XIX, những luận điểm của nhà sử học Đức Leopold von Ranke (1795-1886) về phương pháp luận sử học và triết học lịch sử đã có ảnh hưởng to lớn tới các nhà sử học ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Pháp. Từ những luận điểm của ông, hình thành một khuynh hướng sử học tồn tại suốt nửa đầu thế kỷ XIX đó là khuynh hướng sử học khách quan.

Trong cuộc đời viết sử của mình, Ranke luôn nhấn mạnh đến sự “khách quan”. Nhà sử học - theo ông - không phải phán xét lịch sử mà nhiệm vụ của họ là tái tạo được các sự kiện lịch sử “như là nó đã xảy ra trong thực tế”.

Để thực hiện điều đó, Ranke đề ra 5 qui tắc viết sử:

1- Nhà sử học không đánh giá quá khứ cũng không dạy dỗ người đương thời. Nhiệm vụ của nhà sử học chỉ là mô tả khách quan các sự kiện.

2- Không có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chủ thể nhận thức (nhà sử học) với đối tượng nhận thức (sự kiện lịch sử). Nhà sử học cần thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, điều đó sẽ cho phép họ khách quan khi mô tả các sự kiện.

3- Lịch sử là toàn bộ những sự kiện tồn tại khách quan trong bản thân nó. Nó có một hình dáng cho trước, một cấu trúc đã xác định và tiếp cận trực tiếp với tri thức.

4- Mối quan hệ nhận thức phù hợp với một khuôn mẫu máy móc. Nhà sử học ghi nhận sự kiện lịch sử một cách thụ động, như chiếc gương phản chiếu hình ảnh của một vật, như chiếc máy ảnh định hình cho một cảnh nào đó.

5- Nhiệm vụ của nhà sử học là tập hợp một số lượng đầy đủ các sự kiện dựa trên các tài liệu đáng tin cậy. Từ những sự kiện đó mà lịch sử được cấu tạo nên và để cho người đọc tự diễn giải. Nhà sử học không nên đưa vào bất cứ một suy diễn lý thuyết nào.

Những sự kiện lịch sử Ranke chọn lựa để mô tả “khách quan” là những sự kiện mà ông cho rằng “vượt lên trên mức bình thường”. Sau này các học trò của ông xác định bằng thuật ngữ “Những hoạt động quan trọng mang tính quốc gia”.

Ranke rất chú trọng đến những sự kiện mang tính quốc tế vì ông quan niệm “cuộc đấu tranh vì tồn tại lãnh thổ, vì ảnh hưởng chính trị chính là cái làm thành nội dung cơ bản của lịch sử”[1]. Ngay sự phát triển bên trong của một dân tộc, ông cho rằng cũng bị chi phối bởi mức độ lớn của những ảnh hưởng bên ngoài. Chẳng hạn ông lý giải cách mạng Pháp nổ ra không chỉ do tình trạng bên trong nước Pháp mà chủ yếu bởi những biến đổi đã diễn ra từ thế kỷ XVIII trong quan hệ của Pháp với các nước khác.

Đối với tiến trình phát triển của lịch sử, Ranke không thừa nhận có một sự tiến bộ không ngừng như các nhà sử học thời Ánh sáng quan niệm. Theo ông, tiến bộ không xuất hiện thường xuyên và không phải là quy luật chung. Không thể cho rằng thời đại sau cao hơn thời đại trước hay một thời đại là tiền thân của một thời đại khác hoặc là một bậc thang để đi tới thời đại khác. Ông khẳng định trong lịch sử từng có những đỉnh cao mà các thời đại sau không thể đạt được, chẳng hạn nghệ thuật thời Phục hưng hoặc ngày nay không có sử thi nào cao hơn Homer, không có sử gia nào cao hơn Thucydydes, không có triết gia nào cao hơn Platon.

Phủ nhận sự phát triển không cùng của lịch sử, lại chỉ miêu tả các sự kiện một cách rời rạc với tinh thần khách quan không tưởng, Ranke đã không thể tạo dựng được bộ mặt lịch sử “như là nó đã xảy ra trong thực tế”. Để giải thích sự vận động tổng quát của lịch sử, Ranke phải viện đến những luận điểm của thuyết bất khả tri thần học. Ông viết “Về quan điểm thần học, tôi cho rằng tự bản thân nhân loại có một sự đa dạng vô tận của các quá trình, sự đa dạng này được thể hiện theo những qui luật chung mà người ta không biết, qui luật bí ẩn mà vĩ đại hơn nhiều so với người ta nghĩ”[2] và vì thế, nhà sử học “không thể nhận thức chiều sâu của lịch sử, phải khuất phục trước cái bí ẩn, không thể nghiên cứu cơ sở sâu xa của quá trình lịch sử mà chỉ nghiên cứu cái nổi lên trên bề mặt lịch sử mà thôi”[3].

2. Khuynh hướng Sử học lãng mạn

Cũng trong nửa đầu thế kỷ XIX, hình thành một khuynh hướng sử học lấy thuyết tiến hóa làm cơ sở. Đó là khuynh hướng Sử học lãng mạn. Đại biểu cho khuynh hướng này là các nhà sử học Pháp như Michelet, Thiery Mignet, Guizot, Sismondi...

Mối quan tâm lớn nhất của các nhà sử học thuộc khuynh hướng lãng mạn là cố gắng trình bày con đường tiến hóa của nhân loại đồng thời đi tìm căn nguyên của sự tiến hóa ấy.

Những thành tựu rực rỡ của chủ nghĩa tư bản trên mọi lĩnh vực ở đầu thế kỷ XIX đã khiến họ tin tưởng rằng chủ nghĩa tư bản chính là đích cuối cùng của nhân loại. Nền tự do dân chủ tư sản là mô hình tiên nghiệm cho mọi dân tộc.

Nghiên cứu quá trình vận động của lịch sử, các nhà sử học lãng mạn đã phát hiện ra các khái niệm cơ bản của lịch sử như: giai cấp, đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp bắt nguồn từ quan hệ sở hữu tài sản.

Họ đã nhận thấy rằng trong xã hội có những tập đoàn người có lợi ích và địa vị khác nhau, hình thành nên các giai cấp khác nhau. Thiery chia xã hội hiện tại thành ba đẳng cấp: đẳng cấp quý tộc, đẳng cấp tăng lữ và đẳng cấp thứ ba bao gồm toàn bộ số nhân dân còn lại mà những người tư sản đóng vai trò trung tâm. Đẳng cấp quý tộc và tăng lữ là giai cấp thống trị, đẳng cấp thứ ba là giai cấp bị trị.

Về nguồn gốc giai cấp, các nhà sử học lãng mạn đưa ra lý luận duy tâm chủ nghĩa về sự chinh phục, coi chinh phục là yếu tố quyết định sự hình thành giai cấp. Chẳng hạn họ lấy việc người Giéc manh chiến thắng người Ga lô La Mã để giải thích sự hình thành giai cấp phong kiến. Những người đi chinh phục hợp thành quý tộc phong kiến và những người bại trận hợp thành đẳng cấp thứ ba. Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống quý tộc phong kiến là cuộc đấu tranh của người bản địa chống người chinh phục.

Trong cuốn Mười năm nghiên cứu lịch sử Thiery coi cuộc đấu tranh tôn giáo giữa phái trưởng lão hội và phái công giáo là cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị và lợi ích vật chất của các giai cấp khác nhau. Trong cuốn Tiểu luận về lịch sử nước Pháp khi phân tích thời đại sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, Guizot cho rằng quan hệ ruộng đất là cơ sở của lịch sử. Trong cuốn Lịch sử cách mạng Pháp Mignet đã kết luận rằng những nguyên nhân dẫn đến cách mạng 1789 nằm trong lợi ích vật chất của các giai cấp.

Các nhà sử học lãng mạn luôn tìm mọi cách để biện hộ cho sự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Là những nhà tư tưởng của giai cấp tư sản tự do, họ hiểu biết tính tất yếu của cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống chủ nghĩa phong kiến và thừa nhận đẳng cấp thứ ba có quyền xóa bỏ sự thống trị của quý tộc và tăng lữ. Nhưng họ lại phủ nhận những mâu thuẫn tồn tại trong đẳng cấp thứ ba. Họ thừa nhận tính chất tiến bộ của đấu tranh giai cấp trong quá khứ, đồng thời lại phủ nhận tính tất yếu của đấu tranh giai cấp dưới sự thống trị của giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh giai cấp - theo họ - đã chấm dứt cùng với sự chiến thắng của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản là đại biểu cho quyền lợi của cả dân tộc. Cách mạng 1848 đã làm rung chuyển toàn bộ thế giới quan lịch sử của họ. Sự kiện tháng 6 năm 1848 đối với họ như là một sự lầm lẫn của lịch sử.

3. Khuynh hướng Sử học thực chứng

Nửa sau thế kỷ XIX đánh dấu những biến động to lớn trong xã hội Châu Âu. Chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ngày càng gay gắt. Cách mạng 1830-1848, Công xã Pari 1871 đã làm đảo lộn những học thuyết chính trị tin vào nền hòa bình vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, những thành tựu rực rỡ của khoa học tự nhiên trong thế kỷ XIX đã ảnh hưởng to lớn tới phương pháp luận khoa học dẫn tới xu hướng muốn tìm hiểu xã hội con người trên bình diện sinh lý sinh vật học. Từ bối cảnh ấy, xuất hiện trào lưu triết học Thực chứng, đại biểu lớn nhất là A. Comte.

Chủ nghĩa thực chứng cho rằng chỉ có thể xác định là có thực những sự kiện và những hiện tượng nhìn thấy được, cảm thấy được và được kiểm nghiệm bằng khoa học tự nhiên. Chỉ có thể thấy bề ngoài của sự vật, không thể tìm hiểu bản chất của sự vật. Không thể dựa vào những suy lý trừu tượng mà phải dựa vào những sự việc thực chứng, lấy sự vật làm chủ yếu.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng, hai khuynh hướng sử học hình thành trong nửa đầu thế kỷ XIX: Khuynh hướng khách quan và khuynh hướng lãng mạn đã mau chóng tiếp nhận những yếu tố thực chứng dẫn đến sự ra đời khuynh hướng Sử học thực chứng vào nửa sau thế kỷ XIX.

Xuất hiện một loạt tác phẩm sử học mang tinh thần thực chứng như các tác phẩm của E. A. Frecman, P. Lacoinbe, L. Halphen, G. Monod và phổ cập nhất là những tác phẩm của Langlois và Seignobos - Hai nhà sử học được coi là góp phần quyết định xác lập khuynh hướng Sử học thực chứng.

Sử học thực chứng dựa trên nguyên tắc khảo cứu sự kiện lịch sử giống như khảo cứu những sự kiện quan sát được của tự nhiên. Do vậy Sử học thực chứng cũng chỉ công nhận có một loại sự kiện đó là sự kiện lịch sử tồn tại độc lập khách quan với nhà sử học, không có sự kiện do nhà sử học cấu tạo nên.

Để tái tạo sự kiện lịch sử, nhà sử học làm nhiệm vụ của một nhà tự nhiên học, giám định, khảo cứu, trình bày theo phương pháp của khoa học tự nhiên. Nhà sử học - theo Langlois và Seignobos - “không hơn gì nhà tự nhiên học, phải xem xét nghiên cứu nguyên nhân đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng”.

Nền tảng để tái tạo lịch sử đó là tài liệu vì vậy “tìm tòi, tập hợp tài liệu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà sử học”[4]. “Lịch sử được tạo ra từ các tài liệu” đó là định nghĩa nổi tiếng của Langlois và Seignobos về sử học.

Vậy thế nào là một tài liệu lịch sử? Các ông cho rằng đó là những tài liệu viết tay, những sắc lệnh, thư tín, những bản thảo mà ở đó để lại dấu ấn liên quan đến lịch sử.

Những tài liệu ấy nhất thiết phải được kiểm nghiệm qua hai bước của công tác phê phán sử liệu: Bước một, phê phán bên ngoài sử liệu tức kỹ thuật đi tìm bản gốc. Môn cổ văn tự học cho phép nhận biết tính chân thực của tài liệu. Bước hai, phê phán bên trong sử liệu hay là chú thích học, thực chất là nghiên cứu ngôn ngữ xác định ý nghĩa của từ hay câu.

Các nhà Sử học thực chứng đã tạo ra được một khối lượng sự kiện lịch sử to lớn, đẩy trào lưu thông thái của sử học đạt mức độ cao nhất.

Tuy nhiên, trong khi đạt được tính chính xác cao trong việc xác định sự kiện theo phương pháp của khoa học tự nhiên, Sử học thực chứng đã từ bỏ con đường dẫn tới việc nhận thức tính biến đổi và phát triển của lịch sử là những nguyên tắc cơ bản trong sử học. Những cố gắng của các nhà sử học thời Ánh sáng trong việc tìm tòi căn nguyên phát triển của lịch sử, quy luật tổng quát của lịch sử đều bị Sử học thực chứng loại bỏ.

Với cách miêu tả đơn điệu sự kiện, các sự kiện lại không được đặt trong một cấu trúc vận động, các nhà Sử học thực chứng không thể tạo ra được bức tranh sinh động và chân thực của lịch sử.

Mô hình thực chứng không làm thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu của nhà sử học, do vậy cuối thế kỷ XIX, những tư tưởng phản thực chứng trong sử học đã xuất hiện.

4. Khuynh hướng Sử học phản thực chứng

Cuối thế kỷ XIX, các nhà sử học phương Tây, với phương pháp của sử học thực chứng, đã tỏ ra bất lực khi phải mô tả những sự kiện lịch sử phức tạp mà bản thân nó hàm chứa những mối quan hệ chằng chéo. Từ thực tế đó, đã xuất hiện sự hoài nghi những nguyên lý của Sử học thực chứng: Hoài nghi về thực chứng lịch sử; hoài nghi về sự khôi phục chính xác lịch sử; hoài nghi về quan niệm cho rằng tri thức của nhân loại tăng tỉ lệ thuận với số lượng các sự kiện được xác định một cách độc lập... Sự hoài nghi như vậy đã thúc đẩy các nhà sử học tìm cách mô tả lịch sử trong một tổng thể, theo một hệ thống mà ở đó các sự kiện lịch sử được liên hệ với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ đó hình thành tư tưởng cấu trúc trong sử học với đặc điểm là phủ nhận yếu tố khách quan, đề cao yếu tố chủ quan trong sử học (phản thực chứng).

Có thể nêu các đại diện tiêu biểu cho Sử học phản thực chứng như sau:

- Rickert (1863-1936), một người theo chủ nghĩa Căng mới, cho rằng những nhận thức không có khả năng cho ta “bản sao” và nói chung là hình ảnh của hiện thực bởi vì “hiện thực đối với chúng ta là cả một sự đa dạng không bao quát nổi”. Sao chụp mô tả sự đa dạng đó là điều không thể làm được, vì thế nhận thức là quá trình hoàn toàn chủ quan. Trong quá trình ấy diễn ra không phải là sự phản ánh mà là sự “biến đổi”, “giản lược” hiện thực. Chủ thể nhận thức bằng những cảm giác của mình, bằng các khái niệm và các suy luận hoàn toàn không có gì chung với hiện thực khách quan, đã “thay đổi” và “sắp xếp” lại hiện thực. Như vậy chủ thể nhận thức có quyền lựa chọn những quan điểm khác nhau đối với thế giới xung quanh và có nghĩa là được quyền lựa chọn những phương pháp nhận thức khác nhau. Phương pháp trong sử học là phương pháp cá thể hóa vì sử học tái hiện lại thực tế vốn không bao giờ mang đặc tính chung mà chỉ có đặc tính cá biệt.

Để xác định sự kiện lịch sử, Rickert đề ra nguyên lý “xếp hạng các giá trị văn hóa”. Theo Rickert, trong quá trình lịch sử, khác với quá trình tự nhiên, đã nảy sinh “những giá trị văn hóa” nhất định: Nhà nước, pháp luật, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ... Chính những cái đó cung cấp cho nhà sử học nguyên lý chọn lựa sự kiện lịch sử, tiêu chuẩn để đánh giá mức độ tiên tiến hay lạc hậu của chúng. Nhờ tiêu chuẩn này, từ đại dương bao la các sự kiện, nhà sử học chỉ chọn những sự kiện mà trong quá khứ hay trong hiện tại đã có hay đang có quan hệ tới “giá trị văn hóa”, từ đó nhà sử học xây dựng “dãy tiến hóa” của mình. Sau đó, bằng cách so sánh những mắt xích riêng biệt của “dãy tiến hóa” với “giá trị văn hóa” đã được thừa nhận, nhà sử học sẽ đánh giá các sự kiện quá khứ.

- Weber (1869-1920) đồng tình với những kết luận của Rickert về tính chủ quan của nhận thức và thừa nhận “có giá trị văn hóa” như là tiêu chuẩn để bình giá các sự kiện. Tuy vậy Weber cho rằng sử học cần có các khái niệm chung và phương pháp khái quát hóa khi mô tả sự kiện cá biệt. Theo đó, Weber đã xây dựng những mô hình tổng quát mà ông gọi là các “Điển hình lý tưởng” hay “Không tưởng lô gích”. Các mô hình này được hình thành không phải từ sự phản ánh phức tạp của hiện thực mà là quá trình tách những thành phần hay những mặt riêng biệt ra khỏi các sự kiện lịch sử cụ thể tương ứng với quan điểm về giá trị mà nhà sử học lựa chọn. Điển hình lý tưởng là phương tiện, là chuẩn mực để nhà sử học xác định giá trị các sự kiện lịch sử.

- Dilthey (1833-1911) là người theo chủ nghĩa phi lý tính. Ông cho rằng nhận thức lịch sử không thể bằng lý tính mà phải căn cứ vào kinh nghiệm cá nhân (sự thể nghiệm). Không thể nhận thức được lịch sử nếu như không có một sự xúc cảm tương ứng trong nhận thức. Như vậy, nhận thức lịch sử là tương đối và phụ thuộc vào tính chất của sự xúc cảm đó. Thông qua lăng kính của những giá trị hiện tại, nhà sử học tạo ra hình ảnh chủ quan về quá khứ. Dilthey nêu phương pháp “thể nghiệm và lý giải”, thể nghiệm để đi đến lý giải. Thể nghiệm ở đây là sự xúc cảm của cá nhân nhà sử học. Chỉ bằng sự xúc cảm của mình mới hiểu được sự xúc cảm của người khác. Nhận thức lịch sử là đem cái chủ quan của người nghiên cứu xâm nhập vào sự kiện và nhân vật để lý giải, vì thế kinh nghiệm cá nhân là điều kiện quan trọng của nhận thức lịch sử.

- Croce (1866-1952) là người theo chủ nghĩa Heghen mới. Ông nhấn mạnh tới sự thống nhất biện chứng trong lịch sử của cái chung và cái riêng. Tuy vậy, ông lại coi sự phát triển của tinh thần được phản ánh ở những sự kiện và hiện tượng riêng biệt trong quá khứ là hiện thực chủ yếu của quá trình lịch sử. Nhiệm vụ của sử học là nghiên cứu đời sống tinh thần và tư tưởng của xã hội.

Vì đối tượng của sử học là tinh thần tư tưởng nên Croce cho rằng nhận thức lịch sử phải bằng trực giác. Trực giác (kinh nghiệm, tâm lý của người nhận thức) là hình thức biểu thị của tinh thần, hình thức này tạo ra hình ảnh (những điều tưởng tượng) chứ không phải là những khái niệm. Lịch sử, đó là sản phẩm chủ quan của một bộ óc, làm sống lại sự kiện, rung động cùng sự kiện. Như vậy là lịch sử luôn mang dấu ấn của đương thời và Croce kết luận: “Mọi lịch sử đều là lịch sử hiện đại”.

óm lại, trong mấy chục năm đầu của thế kỷ XX, các nhà triết học và sử học tư sản đã cố gắng tìm kiếm một thứ phương pháp luận vừa thay thế cho những nguyên lý thực chứng vừa chống lại chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lịch sử được thể hiện thông qua tâm lý chủ quan của người nghiên cứu. Quá khứ được tái tạo dựa vào khả năng cảm xúc của nhà sử học. Phương tiện chủ yếu để nhận thức là trực giác. Để khắc phục nhược điểm của sử học thực chứng, họ đã xây dựng các cấu trúc lịch sử, nhưng trong các cấu trúc, sợi dây liên hệ giữa các sự kiện thường là yếu tố tâm lý, tinh thần, do vậy các cấu trúc được xây dựng cũng là các cấu trúc tâm lý, tinh thần. Trong các cấu trúc này, lịch sử tuy được thể hiện như một tổng thể nhưng các sự kiện tác động hỗn loạn, ngẫu nhiên không lặp lại. Đó là những cấu trúc tĩnh, không vận động, không biến chuyển, không có qui luật chi phối các cấu trúc. Các sử gia phản thực chứng cho quá trình lịch sử với nhận thức lịch sử của con người là một, cái chủ quan của con người chính là cái khách quan của lịch sử. Phần lớn đều qui lịch sử thành lịch sử tinh thần, tư tưởng mà lịch sử tinh thần tư tưởng, theo họ - tồn tại ngay trong quá trình suy nghĩ lại và thể hiện lại nên nhà sử học tạo ra lịch sử đúng với mức độ mà lịch sử tạo ra nhà sử học.

5. Khuynh hướng Sử học mới

Từ những năm 30 của thế kỷ XX, xuất hiện thuật ngữ “Sử học mới” (new history). Sử học mới bắt đầu từ nước Pháp, qua sự khởi xướng của trường phái “Biên niên sử”, sau đó trong những năm 50-60 ảnh hưởng tới một số nước châu Âu, châu Mỹ và trở thành một trào lưu.

Đặc điểm chung của Sử học mới là phê phán trào lưu Sử học thực chứng, một trào lưu đã chi phối nền sử học phương Tây từ nửa cuối thế kỷ XIX. Sử học mới phê phán sử học truyền thống ở 3 khía cạnh:

- Phê phán quan niệm coi lịch sử chính trị là đối tượng quan trọng nhất của sử học.

- Phê phán phương pháp nghiên cứu lịch sử mang tính kỹ thuật thuần túy.

- Phê phán chủ nghĩa khách quan tuyệt đối trong sử học.

Từ đó, Sử học mới đặt ra mục tiêu xây dựng nội dung nghiên cứu mới, cơ chế phương pháp luận và nhận thức luận mới cho sử học. Sử học mới đề xuất nội dung nghiên cứu lịch sử rất rộng rãi. Theo đó, lịch sử bao gồm tất cả những yếu tố liên quan đến hoạt động của con người. Những yếu tố này phải được biểu hiện trong bình diện rộng lớn của không gian và xuyên suốt về thời gian. Diện mạo lịch sử được tái tạo là một kết cấu bao gồm nhiều tầng lớp và ở tầm vĩ mô.

Lucien Febve, người sáng lập trường phái Biên niên sử cho rằng: “Lịch sử là do tất cả các yếu tố liên quan đến hoạt động của loài người cấu thành. Đó là các yếu tố thuộc về loài người, thể hiện loài người, thuyết minh sự tồn tại, tình yêu và mọi phương thức hoạt động của loài người” và “nguyên nhân sâu sắc thực sự của phát triển lịch sử không phải nằm trong tính cách của “nhân vật lớn” hoặc “trong hoạt động của đối kháng ngoại giao” mà “tồn tại ở trong nhân tố địa lý, nhân tố kinh tế, nhân tố xã hội, nhân tố tri thức, nhân tố tôn giáo và nhân tố tâm lý”[5].

Các sử gia trường phái Biên niên sử không phủ nhận sự cần thiết phải đề cập đến các sự kiện chính trị, quân sự, ngoại giao khi mô tả lịch sử. Nhưng những sự kiện này, theo họ chỉ phản ánh “thời kỳ ngắn” mà trong lịch sử còn có “thời kỳ dài”. Muốn làm rõ ‘thời kỳ dài” cần phải khảo cứu những “kết cấu” và “hình thái” phát triển chậm chạp và liên tục trong một thời gian dài, có thể hàng trăm năm hoặc hơn nữa.

Để mô tả những kết cấu và hình thái như trên, các sử gia trường phái Biên niên sử đã chia lịch sử thành ba tầng bậc: 1) Kinh tế - nhân khẩu; 2) Trạng thái và xu thế xã hội; 3) Sự phát triển về tinh thần văn hóa, tôn giáo, chính trị. Tầm quan trọng của ba tầng bậc đó giảm dần theo thứ tự. Do đó trong nghiên cứu lịch sử, tầng đầu tiên được coi trọng hơn cả.

Các sử gia của trường phái Sử học xã hội học của nước Anh cũng có quan niệm tương tự về phạm vi nghiên cứu lịch sử. P. Burke đã liệt kê những bộ phận cấu thành của Sử học xã hội học theo trình tự sau: 1) Quan hệ của xã hội đối với môi trường tự nhiên. 2) Các cấu trúc xã hội và những quan hệ xã hội. 3) Lịch sử đời sống thường nhật. 4) Lịch sử đời sống riêng tư. 5) Lịch sử các cộng đồng xã hội và các xung đột xã hội. 6) Lịch sử các giai cấp xã hội. 7) Lịch sử các nhóm xã hội với tư cách là các đơn vị độc lập và trong các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau[6].

A. Marwick chia Sử học - xã hội học thành 10 bộ phận: 1) Địa lý xã hội - bao gồm môi trường thiên nhiên, nhân khẩu, dân cư, sự phát triển thành thị, ven đô, phân bố công nghiệp... 2) Những biến đổi về kinh tế và công nghệ bao gồm sự đổi mới về khoa học kỹ thuật cũng như những thay đổi về tính chất của lao động. 3) Các giai cấp và các cấu trúc xã hội. 4) Liên kết xã hội. 5) Phúc lợi xã hội và chính sách xã hội, các điều kiện vật chất. 6) Các phong tục và phép ứng xử. 7) Gia đình. 8) Sự ủng hộ và chống đối của xã hội đối với trật tự, luật pháp. 9) Những thay đổi trong lĩnh vực trí tuệ và sự phát triển của nghệ thuật. 10) Các giá trị xã hội và chính trị, những quy chế và tư tưởng.[7]

Do quan niệm lịch sử là toàn bộ những hoạt động của con người nên khi đưa ra các yếu tố cấu thành lịch sử, các sử gia Sử học mới đã mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các lĩnh vực của Kinh tế học, Xã hội học, Nhân loại học, Nhân khẩu học, Tâm lý học, Văn hóa học... từ đó hình thành nên phương pháp nghiên cứu đặc trưng nhất của Sử học mới là phương pháp liên ngành. Theo các sử gia Sử học mới, chỉ bằng phương pháp liên ngành mới có thể tạo dựng bức tranh hoạt động đa dạng và phức tạp của con người.

M. Bloch - một sử gia trường phái Biên niên sử cho rằng, để đào tạo được một nhà sử học thực thụ cần phải học các môn bổ trợ như Văn tự học, Cổ văn tự học, Ngoại giao, Khảo cổ học, Thống kê học, Nghệ thuật học. Ngoài ra còn phải biết đến các khoa học gần gũi như Địa lý học, Dân tộc học, Nhân khẩu học, Xã hội học, Ngôn ngữ học và “nếu không thể đạt tới nhiều khả năng trong cùng một con người (nhà sử học) thì có thể tính đến việc kết hợp các kỹ năng mà các học giả đã ứng dụng”.

M. Bloch luôn nhấn mạnh đến đặc tính chung của các ngành khoa học xã hội, theo ông, sử học không thể nghiên cứu tách rời các ngành khoa học khác vì chúng đều có chung một đối tượng là hoạt động của con người và mục đích cuối cùng là hiểu về con người. Ông viết rằng: “Chỉ có một khoa học về con người trong thời đại không ngừng đòi hỏi phải kết hợp nghiên cứu người chết với việc nghiên cứu người đang sống”. Cuốn Nghề viết sử (Matien d’historien) mở đầu bằng câu hỏi của con trai Bloch: “Cha ơi, cha hãy giải thích cho con lịch sử dùng để làm gì hả cha?”. Câu trả lời của Bloch chỉ có một từ nhưng thể hiện mục tiêu rất rộng rãi của sử học, đó là “hiểu”[8].

Sử gia Mỹ Harry Barnes cũng cho rằng: Lịch sử là ghi chép về sự phát triển của con người trong môi trường xã hội, nếu không có đủ tri thức của các ngành khoa học như Xã hội học, Tâm lý học hành vi, Phân tâm học, Nhân loại học, Kinh tế học, Chính trị học, Luật học, Luân lý học... thì không thể đưa ra được sự lý giải hợp lý đối với những ghi chép đó. Ngoài ra sử gia Sử học mới còn cần phải hiểu biết tri thức của một số khoa học như Sinh lý học, Bệnh học... Bởi vì không biết thấu đáo cơ sở chất tiết dịch trong hành vi của con người thì không hiểu và giải thích rõ được hành vi của con người.

Phương pháp toán học dùng để xử lý những số liệu trong sử liệu học được các sử gia Sử học mới áp dụng rộng rãi. Phương pháp này đã thu được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực lịch sử kinh tế, lịch sử nhân khẩu. Nội dung lịch sử được rút ra từ việc lượng hóa thông tin rõ ràng có sức thuyết phục hơn so với cách miêu tả truyền thống. Ở Mỹ, trong những năm 50-60, phương pháp định lượng trong sử học được coi là một trường phái khoa học. Ở Anh, phương pháp xã hội học, phương pháp nhân chủng học là những phương pháp cơ bản của Sử học mới.

Đặc trưng chủ yếu của Sử học mới về mặt phương pháp luận là chống lại chủ nghĩa khách quan tuyệt đối của Sử học thực chứng. Họ cho rằng, trên thực tế nhà sử học không thể nào đứng tách riêng và hoàn toàn trung lập với sự kiện lịch sử (sự thực lịch sử). Nhân tố chủ quan trong sử học thể hiện ở chỗ nhà sử học được quyền lựa chọn sự kiện lịch sử để đưa vào sử học. Như vậy là chỉ có sự kiện lịch sử nào được nhà sử học lựa chọn thì mới có cơ hội thể hiện, còn những sự kiện không được nhà sử học lựa chọn thì mãi mãi câm lặng. Chính vì thế mà công đoạn lựa chọn sự kiện của nhà sử học trở nên quan trọng bậc nhất trong các thao tác sử học.

Nhà sử học người Anh Edward Hallett Carr đã phân chia những cái đã diễn ra trong quá khứ của nhân loại thành “sự thực thông thường” là sự việc bất kỳ nào nảy sinh trong quá khứ và “sự thực lịch sử” là sự việc đã được sử gia lựa chọn từ trong “sự thực thông thường” để làm tư liệu cho luận đề của họ. Nhà sử học lấy hoặc bỏ “sự thực” nào không phải là tùy tiện mà là dựa vào quan niệm và tiêu chuẩn đã định sẵn nào đó, đó chính là nhân tố chủ quan.

Sử học mới thừa nhận có nhân tố khách quan trong sử học nhưng họ cho rằng đó không phải là tính khách quan của đối tượng nghiên cứu (sự thực lịch sử) mà chỉ là tính khách quan của quá trình nghiên cứu, của mối liên hệ giữa sự thực và giải thích, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. E.H. Carr định nghĩa: “Lịch sử là quá trình liên tục không ngừng tác động lẫn nhau giữa nhà sử học với sự thực lịch sử của họ, là sự đàm thoại qua lại, hỏi và trả lời không bao giờ ngừng giữa hiện tại và quá khứ”[9].

Nhưng sự thực lịch sử ở đây, theo Carr, không phải là chân lý vì nó đã qua lựa chọn chủ quan của sử gia, vì thế, cái gọi là khách quan trong sử học chỉ có thể hiểu là những tiêu chí lựa chọn sự kiện lịch sử có khách quan hay không và phương pháp để tái tạo sự kiện có đúng đắn hay không.

Trong khi nhấn mạnh đến tính khách quan tương đối của quá trình nghiên cứu lịch sử thì các nhà Sử học mới lại lãng quên tính khách quan tuyệt đối của sự thực lịch sử, bản thân nó, tồn tại độc lập khách quan với nhà sử học. Nó là đối tượng nghiên cứu của nhà sử học. Nhà sử học không thể thay đổi nó mà phải tìm cách tiếp cận và tái tạo nó. Sự tái tạo này đạt được mức độ chính xác như thế nào phụ thuộc vào nguồn sử liệu và khả năng của người nghiên cứu. Các sử gia Sử học mới chỉ nhấn mạnh đến quá trình tiếp cận đối tượng mà không bàn đến tính khách quan vật chất của đối tượng do đó đã dành chỗ cho chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa tương đối xâm nhập.

Chính vì thế mà Sử học mới, mặc dù đã phát triển và đạt tới đỉnh cao trong thập niên 70 nhưng sang thập niên 80, những yếu tố của Sử học cách tân (the new new history) đã xuất hiện với xu hướng chuyển trọng tâm nghiên cứu từ môi trường khách quan của lịch sử sang thế giới chủ quan của con người và chuyển phạm vi nghiên cứu từ lịch sử vĩ mô sang lịch sử vi mô.

Sử học mới đã mất dần vai trò chủ đạo chi phối của nền sử học phương Tây.

6. Khuynh hướng Sử học mácxít

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hình thành khuynh hướng Sử học mácxít. Sử học mácxít ra đời dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa Mác và sau đó là những luận điểm của Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng, là nền tảng để các nhà sử học mácxít trình bày lịch sử và giải thích lịch sử.

1) Chủ nghĩa Mác coi lịch sử (quá trình phát triển của xã hội loài người) là một hiện thực (tính vật chất) đã diễn ra trong quá khứ, tồn tại độc lập khách quan, là đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học trong đó có sử học. Để xây dựng mô hình phương pháp nghiên cứu lịch sử, chủ nghĩa Mác đã kết hợp được hai luận điểm, một là, quá trình lịch sử được nghiên cứu giống hệt như quá trình tự nhiên và hai là, quá trình lịch sử được nghiên cứu hoàn toàn theo những đặc thù của xã hội loài người. Kết hợp hai luận điểm này, chủ nghĩa Mác chỉ rõ quá trình lịch sử vừa phải chịu sự tác động bởi những quy luật tổng quát của tự nhiên vừa phải chịu sự chi phối bởi các qui luật đặc thù của xã hội.

Trong tác phẩm Lút-vít Phơ-bách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức, Ăngghen đã lý giải vấn đề như sau: “Cái gì là đúng đắn khi áp dụng vào tự nhiên thì cũng đưa được vào lịch sử của xã hội trong tất cả các ngành của nó”. Lịch sử phát triển của xã hội lại khác về cơ bản với lịch sử của tự nhiên ở một điểm: Trong tự nhiên (nếu như chúng ta bỏ qua tác động ngược lại của con người đối với tự nhiên) chỉ có những nhân tố mù quáng vô ý thức tác động lẫn nhau và trong sự tác động tương hỗ của chúng hiện ra qui luật chung. Tất cả những gì xảy ra, vô số những cái dường như ngẫu nhiên cũng có thể nhận ra được ở bên ngoài cũng như những kết quả cuối cùng đều chứng tỏ là có tác động của những qui luật trong những cái ngẫu nhiên đó, đều xảy ra không phải như là một mục đích có ý thức định trước. Còn trong lịch sử của xã hội chỉ có hoạt động của con người, những con người có ý thức hoạt động theo lý trí hoặc say mê nhằm vào những mục đích nhất định. Ở đây không có cái gì xảy ra mà không có ý đồ, không có mục đích đã định một cách có ý thức. Nhưng sự khác biệt này mặc dầu là quan trọng đối với công tác nghiên cứu lịch sử nhất là trong việc nghiên cứu từng thời đại và từng sự cố, vẫn không thể làm thay đổi chút nào một sự thực là tiến trình lịch sử bị những qui luật chung nội tại chi phối[10].

Trong lời nói đầu của tác phẩm Tư bản, Mác cũng viết: “Tôi xem sự phát triển của hình thái kinh tế xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”.

2) Chủ nghĩa Mác đã khám phá ra cơ chế của sự phát triển, đưa ra mô hình giải thích sự phát triển của lịch sử qua việc diễn giải ba mâu thuẫn nội tại của xã hội và cũng có thể hiểu như là những qui luật cơ bản của sự phát triển xã hội.

Mâu thuẫn chủ yếu qui định sự phát triển của xã hội là mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên. Đó là mâu thuẫn của ý thức và vô thức. Con người, bằng lao động của mình, tác động vào tự nhiên, cải tạo tự nhiên, bắt các lực lượng này phải hoạt động theo ý muốn của mình. Giải quyết mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên làm lực lượng sản xuất phát triển.

Mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất là nhân tố động, phát triển không ngừng, đến một lúc nào đó không còn phù hợp với quan hệ sản xuất đang chi phối, mâu thuẫn gay gắt và phá vỡ quan hệ sản xuất cũ làm nảy sinh ra một quan hệ sản xuất mới phù hợp với lực lượng sản xuất phát triển.

Mâu thuẫn thứ ba xảy ra giữa các quan hệ sản xuất và thượng tầng kiến trúc xã hội. Khi quan hệ sản xuất cũ bị phá vỡ, quan hệ sản xuất mới được thiết lập, thượng tầng kiến trúc cũ không còn phù hợp. Mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất mới với thượng tầng kiến trúc cũ dẫn đến sự phá vỡ của thượng tầng cũ và hình thành thượng tầng kiến trúc mới phù hợp với quan hệ sản xuất mới.

Các hệ thống lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, thượng tầng kiến trúc hợp thành một cấu trúc xã hội mà Mác gọi đó là hình thái kinh tế xã hội. Mác và Ăngghen đã chứng minh, trong quá trình phát triển, xã hội loài người đã trải qua năm hình thái kinh tế xã hội: Chế độ công xã nguyên thủy; Chế độ chiếm hữu nô lệ; Chế độ phong kiến; Chế độ tư bản chủ nghĩa và Chế độ cộng sản chủ nghĩa. Như vậy toàn bộ thời kỳ lịch sử đã qua là sự phát sinh, phát triển và diệt vong của các hình thái kinh tế xã hội.

Thời điểm cho sự chuyển biến từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác là các cuộc cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội nổ ra sau khi lực lượng sản xuất phát triển đến mức mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất cũ, buộc phải phá bỏ để mở đường cho lực lượng sản xuất mới phát triển.

3) Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Lênin đã tiến hành hoàn thiện nhận thức luận duy vật biện chứng. Ông đã xây dựng học thuyết mácxít về sự phản ánh. Theo học thuyết này, nhận thức con người luôn luôn là sự phản ánh của tồn tại, khái niệm là sự phản ánh của thực tế. Tuy nhiên, sự phản ánh này không phải là gương ảnh. Nó có thể “là sự sao chép gần đúng của tạo ảnh nhưng nói đến sự thống nhất hoàn toàn thì thật là vô lý. Bởi lẽ quá trình nhận thức là hoạt động phức tạp, chia hai, dích dắc, bao gồm khả năng tưởng tượng xa thực tế”.

Việc không có sự đồng nhất hoàn toàn giữa khái niệm và thực tế đã đem đến cho nhận thức con người yếu tố tương đối. Tuy nhiên, do cơ sở của nhận thức luôn luôn là sự phản ánh của tồn tại khách quan nên trong mỗi một khái niệm đều có chứa đựng những yếu tố khách quan của chân lý tuyệt đối.

Lênin đã đưa ra những nguyên tắc trong nhận thức lịch sử như sau: Thứ nhất là xem xét cái chung và cái riêng trong thể thống nhất biện chứng như là chúng vốn có trong thực tế. Thứ hai là thừa nhận thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý khách quan chủ yếu của bất kỳ mọi nhận thức bao gồm cả nhận thức lịch sử.

4) Nhận thức lịch sử, theo Lênin, phải dựa vào sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử được coi như vật chất, tồn tại khách quan với nhà sử học. Các sự kiện lịch sử cần được hiểu trong một tổng thể hay như một hệ thống vì tồn tại cá biệt chỉ là một mặt của chân lý, chân lý đòi hỏi nhiều mặt khác của hiện thực và trong mối quan hệ của chúng thì chân lý mới được thể hiện. Chỉ có thể nhận thức đúng đắn các sự kiện nếu xem xét chúng trong cái toàn bộ sinh động mà chúng là những bộ phận cấu thành. “Nếu chúng ta lấy các sự kiện trong cái toàn bộ của chúng thì các sự kiện đó không còn là “bướng bỉnh” mà hoàn toàn xác định được. Nếu lấy chúng ở ngoài cái toàn bộ, ở bên ngoài mọi liên hệ, nếu chúng chỉ là từng mảnh vụn và tùy tiện thì chúng chỉ là một thứ đồ chơi hay thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa”[11].

5) Lênin đã phát triển thêm một bước và cụ thể hóa quan điểm mácxít về vai trò quyết định của đấu tranh giai cấp trong lịch sử và cách tiếp cận các hiện tượng thông qua quan điểm giai cấp. Phê phán các nhà sử học tư sản muốn hoàn toàn thoát khỏi những quyền lợi và tình cảm của mình, từ bỏ giai cấp xuất thân của mình và nói về quá khứ hoàn toàn vô tư “dửng dưng nghe điều thiện và điều ác” để trình bày một cách chính xác các sự kiện và hiện tượng, Lênin đã chỉ rõ “không có một người nào đang sống mà lại có thể không đứng về phía giai cấp này hay giai cấp nọ (một khi họ đã hiểu được những quan hệ giữa những giai cấp đó), lại có thể không vui sướng trước thắng lợi của giai cấp ấy, đau buồn trước những thất bại của nó, tức giận đối với kẻ thù của nó, đối với những kẻ truyền bá những quan điểm lạc hậu làm trở ngại cho sự phát triển của nó”[12].

Lênin nhấn mạnh khoa học lịch sử là một khoa học có tính đảng, bản thân chủ nghĩa duy vật vốn bao hàm cái gọi là tính đảng. Chủ nghĩa duy vật buộc chúng ta khi đánh giá một sự kiện nào đó phải công khai và dứt khoát đứng hẳn trên lập trường của một tập đoàn xã hội nhất định. Khoa học lịch sử mácxít kết hợp được chặt chẽ tính đảng và tính khách quan vì quan điểm mácxít thể hiện lập trường của một giai cấp tiên tiến nhất của xã hội - giai cấp công nhân.


[1] G. Bourde, H. Martin, Les e’coles historiques, Paris, 1983, tr.4.

[2] G. Bourde, H. Martin, Les e’coles historiques, Paris, 1983, tr.6.

[3] G. Bourde, H. Martin, Les e’coles historiques, Paris, 1983, tr.6.

[4] G. Bourde, H. Martin, Les e’coles historiques, Paris, 1983, tr.145.

[5] Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Sử học những tiếp cận thời mở cửa, Hà Nội, 1998, tr.138-139.

[6] P. Burke, Sociology and History, L., 1980, tr.30.

[7] A. Marwick, British Society since 1945, L., 1982, tr.19.

[8] G. Bourde, H. Martin, Les e’coles historiques, Paris, 1983, tr.184.

[9] E. H. Carr, What is History, Macmillan, 1986, tr.24.

[10] Mác-Ăngghen, Tuyển tập, Tập VI, Nxb. Sự thật, H., 1984, tr.405.

[11] Lênin, Toàn tập, Tập 23, Bản tiếng Nga, tr.270.

[12] Lênin, Toàn tập, Tập 2, Bản tiếng Nga, tr.517.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8