DI SẢN HÁN NÔM MỚI PHÁT HIỆN TẠI HUYỆN PHỔ YÊN (THÁI NGUYÊN)
[ 29/09/2013 23:31 PM | Lượt xem: 3372 ]

DI SẢN HÁN NÔM MỚI PHÁT HIỆN TẠI HUYỆN PHỔ YÊN 

(THÁI NGUYÊN)


NGUYỄN GIA BẢO Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Thái Nguyên

Huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là một trong bảy huyện, châu xưa, thuộc phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Nằm ở vị trí là cửa ngõ của phía bắc của kinh thành Thăng Long, cho nên mỗi khi có chiến tranh huyện Phổ Yên là một trong nơi hứng chịu nhiều truân chuyên nhất của xứ. Chiến tranh đã kéo theo bao hậu quả làm ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, trong đó có truyền thống văn hóa.

Theo số liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hoá mới nhất của ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, cho thấy huyện Phổ Yên có 18 xã và thị trấn, có 57 điểm di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trong đó, nổi bật là các di tích lịch sử và văn hóa. Đặc biệt là các di tích đình, đền, chùa, nghè, miếu. Các di tích ở các làng, xã tuy không còn nguyên vẹn nhưng còn gìn giữ được tài liệu, hiện vật và một phần của di tích. Sự phân bố di tích của huyện Phổ Yên, có thể chia ra làm 2 miền. Miền đông - nam và tây - bắc của huyện. Miền đông - nam gồm các xã chạy dọc sông Cầu, trong thời kỳ phong kiến, miền đất này có 3 tổng là Tiên Thù và Gia Định thuộc huyện Hiệp Hòa, Tiểu Lễ thuộc huyện Tiên Phúc, Thiên Phúc, Đa Phúc, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Do đó có ảnh hưởng lớn về truyền thống văn hoá. Đặc biệt truyền thống văn hoá đó được thể hiện qua các công trình văn hoá tín ngưỡng, trong đó có di sản Hán Nôm. Ở miền tây - bắc còn ít di tích lịch sử văn hoá do đời sống của nhân dân miền này kém phát triển, cho nên phần lớn các di tích thuộc loại đình, đền, chùa, nghè, miếu không còn bảo tồn được là bao.

Trong gần 60 di tích, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 25 di tích (9 đình làng, 6 đền, 7 chùa, 4 nghè miếu), sưu tầm và thống kê được 37 bia đá, 15 cột đá có văn khắc, chép được 54 câu đối, 27 sắc phong, 5 bản thần tích còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm như ở: đền Vân Dương, chùa Mồi, xã Hồng Tiến, còn 3 sắc phong, 1 thần tích, đình Thanh Thù, xã Đồng Tiến, quê hương của Tiến sỹ Nguyễn Cấu (1463), còn 1 bia, bài vị, 1 bản thư mục thần tích, thần sắc, đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Cấu còn 1 bài vị, 2 câu đối, 1 hoành phi, đình Thù Lâm, còn 13 sắc phong, 3 bia, 4 câu đối, đình và chùa Giã Thù còn 3 sắc phong, 1 bia, 2 câu đối, 2 cột đá có văn khắc, đình Yên Trung, đình làng Nguyễn Hậu 2 bia, đình và chùa Xuân Trù 1 thần tích, xã Tiên Phong, đình Phù Hương, 1 bài thơ, 7 bia, 5 câu đối, 3 hoành phi, đình Phúc Duyên 2 sắc phong, 1 bia, 2 câu đối, chùa Đôi Cao, xã Tân Hương còn 4 bia, 9 cột đá có văn khắc, 4 câu đối, 2 hoành phi, đình Trà Thị (chợ chè), 2 sắc phong, 2 câu đối, đền Giá, đình Tiểu Lễ, xã Đông Cao còn 2 sắc phong, 4 câu đối, 3 hoành phi, 1 thần tích, chùa Tây Phúc, còn 3 bia, 3 cột đá có văn khắc, 4 câu đối, 2 hoành phi, nghè Vân Trai, xã Tân Phú còn 4 bia, 3 sắc phong, 1 câu đối, chùa Phù Lôi, còn 1 chuông, đền Đồng Thụ, xã Thuận Thành còn 4 bia, 1 sắc phong, 1 bài vị có văn khắc, 4 câu đối, 2 hoành phi, 1 bài kệ, đền Lục Giáp, xã Đắc Sơn còn 2 câu đối, 1 thần tích, đền Đỗ Cận, xã Thống Thượng (nay là xã Minh Đức) quê hương Tiến sỹ Đỗ Cận (1434 - ?) 2 bia, đền Đan Hà, xã Thành Công còn 5 bia, 3 sắc phong, 1 thần tích và thần sắc.

Gần đây đã có kết quả nghiên cứu về địa lý và lịch sử của của các nhà nghiên cứu(1) như: Đinh Văn Nhật, Minh Tú, Nguyễn Hữu Khánh về một số địa danh, di tích ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây và xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tại cụm di tích đền Giang Xá, đình Giang Xá, đình Lưu Xá, chùa Lưu Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) đã phát hiện thần tích Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền (ghi chép về thân thế và sự nghiệp của vua Lý Nam Đế) được khắc vào bia đá và các hoành phi, câu đối ở di tích cho biết những thông tin về quê hương của vua Lý Nam Đế là ở châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc (theo thần tích khắc vào bia đá, do Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội phiên âm và dịch nghĩa). Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thì ấp Thái Bình, châu Giã Năng xưa là thuộc vùng đất huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Việc phát hiện tài liệu Hán Nôm liên quan tới Lý Nam Đế ở tỉnh Hà Tây, chúng tôi thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu và Hội thảo khoa học về quê hương của ông để góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề nêu trên.

Thông qua việc sưu tầm và thống kê di sản Hán Nôm ở huyện Phổ Yên cho thấy đây cũng là vùng đất có nhiều người đỗ đạt. Tỉnh Thái Nguyên có 9 vị Tiến sỹ đỗ đại khoa thời phong kiến, huyện Phổ Yên có 2 người. Đó là 2 vị Tiến sỹ Nguyễn Cấu và Đỗ Cận. Hai vị Tiến sỹ này đều đỗ đạt dưới triều Lê sơ, một triều đại có “vua sáng, tôi hiền”, được sử sách ca ngợi là một thời đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của nước ta. Như chúng ta biết, Tiến sỹ Nguyễn Cấu là một võ quan, làm đến chức Đô đốc, cầm quân bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về văn nghiệp, chưa phát hiện ông để lại tác phẩm nào nhưng trong võ nghiệp ông được nhân dân suy tôn là một trung thần của nhà Lê và được nhân dân thờ ở đình Thanh Thù, xã Đồng Tiến. Còn Tiến sỹ Đỗ Cận thì văn nghiệp vẻ vang hơn có nhiều tác phẩm văn thơ thuộc hàng trứ tác trong kho tàng của văn học cổ điển của nước nhà. Tương truyền, Đỗ Cận còn là tác giả của tác phẩm Kim lăng ký viết về chuyến đi sứ ở Trung Hoa của Đỗ Cận (1483), truyện Nôm Phan Trần, 2 bài thơ Thái Thạch vãn bạc và Xuân yến chép trong cuốn Toàn Việt thi lục. Đỗ Cận làm quan tới chức Thượng thư (tương đương chức Bộ trưởng của 1 Bộ ngày nay nhưng chưa rõ ông giữ chức ở Bộ nào). Phát huy truyền thống khoa cử của các vị đi trước, đất Phổ Yên cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX không có vị nào đỗ đại khoa nhưng cũng có những vị như ông Phạm Quang Vinh, người làng Phù Lôi đỗ Hương cống được bổ dụng làm quan Tri huyện, ông Trần Mộng Khải, quê làng Vân Trai đỗ Hương cống, làm quan Tham biện trong triều, ông Phạm Xuân Sắc ở làng Phù Lôi đỗ Tam trường ở làng dạy học cho dân. Hiện nay cả huyện có đến vạn người tốt nghiệp phổ thông, có đến trăm người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và trung học, trên 20 người có bằng Tiến sỹ (xã Thuận Thành có 5 người, Đồng Tiến có 3 người), điều đó chứng tỏ vùng đất này là vùng đất hiếu học.

Di sản Hán Nôm ở huyện Phổ Yên không thấy ghi lại bút tích hoặc văn khắc của các vị Tiến sỹ Nguyễn Cấu, Đỗ Cận nhưng qua nghiên cứu thực tế ở các di tích vẫn còn các tư liệu Hán Nôm nói về việc công đức, tôn tạo di tích thờ phụng các vị. Di sản Hán Nôm còn được bảo tồn nhiều vẫn là những di văn phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Văn bia tiêu biểu có bia Đôi Cao tự ký (1698) chùa Đôi Cao (ngày 25/10/2009 khảo sát lại bia mới tìm được niên đại của bia), bia Hậu thần bi ký (1736) nghè Vân Trai, bia Hậu thần bi ký (1784) đình Nguyễn Hậu, bia Thái Sơn Hoàng Hà (1802) đình Thù Lâm, Hậu thần bi ký (1808) đình Triều Lai, Hậu thần bi ký (1830) đền Đồng Thụ, có đề thơ ca ngợi cảnh đẹp của di tích, lòng tự hào dân tộc. Cột đá cũng có văn khắc như ở chùa: Tây Phúc, Đôi Cao, chùa Di và ở nhiều đình, chùa khác trong huyện.

Về thần tích, tiêu biểu có thần tích đền Đan Hà viết về vị: Cao Sơn, Quý Minh, Tam Tư Quá Giang, Trương Hống, Trương Hát, Nhất Lang, Nhị Lang, Ngộ Lão,… 3 xã thuộc tổng Hoàng Đàm có thần tích thờ Phạm Cự Lạng, Dương Tự Minh, Diên Bình, Thiều Dung.

Nghiên cứu nội dung những bản thần tích viết về sự tích Cao Sơn, Quý Minh, Tam Tư Quá Giang cho thấy đây là 3 vị thuộc tướng thời Hùng Vương do có công chiến thắng giặc Thục ở cuối thời Hùng Vương thứ 18. Tiêu biểu là thần tích của đền Đan Hà. Đây là bản thần tích chữ viết đẹp, chất liệu giấy dó còn tốt, lời văn trong thần tích rất hay, văn phong sáng sủa, xứng đáng được tuyển chọn được đưa vào cuốn Địa chí Thái Nguyên (2008). Các di tích khác thờ nhiều vị anh hùng có công chống giặc cứu nước như: Trương Hống, Trương Hát đã có công âm phù giúp Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương trên sông Nguyệt Đức, Phạm Cự Lạng có công giúp vua Lê Hoàn chống giặc Tống ở thế kỷ X, Dương Tự Minh có công có công giúp vua Lý Anh Tông chống giặc Tống ở thế kỷ XII(2).

Sắc phong ở các di tích đền, đình chủ yếu phong cho các nhân vật lịch sử được thờ phụng như: Cao Sơn, Quý Minh, Tam Tư Quá Giang, Dương Tự Minh. Đặc biệt, ở di tích đền Đồng Thụ, xã Thuận Thành thờ bà Đỗ Thị Mỹ Mai, con Tiến sỹ Đỗ Túc Khang (thế kỷ XVI) quan lại dưới thời Lê. Bà Đỗ Thị Mỹ Mai đã có công dẹp giặc loạn ở phía bắc kinh thành Thăng Long - khi bà cầm quân đánh nhau với giặc ở khu vực tổng Thượng Giã (nay thuộc huyện Phổ Yên).

Chuông đồng ở các di tích như: đền Lục Giáp, chùa Di, chùa Tây Phúc, chùa Phù Lôi còn lưu giữ được những quả chuông có hình thức đẹp, trên khắc bài minh có văn thơ hay, niên đại chủ yếu vào thời Nguyễn.

Nội dung chủ yếu các di sản Hán Nôm ở huyện Phổ Yên phản ánh phong tục của nhân dân qua tập tục bầu hậu: hậu thần, hậu phật, mua hậu, tục bán hậu của nhân dân. Đồng thời qua văn bia các tác giả cũng thể hiện tình cảm yêu quê hương, đất nước, ý thức trân trọng và bảo vệ các di sản văn hóa của mình. Đặc biệt ý thức tự tôn dân tộc được thể hiện rất rõ qua nội dung của các văn bia, cột đá, câu đối ghi tên của hàng mấy trăm người công đức xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích. Hay nhất trong số di sản Hán Nôm của huyện Phổ Yên là thể loại Thần tích. Sở dĩ chúng tôi đánh giá như vậy là vì trong số 31 cuốn sách có tên tại thư mục Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi tìm thấy tới 5 bản thần tích, thần sắc. Đó là bản thần tích xã Hoàng Đàm (Thái Nguyên tỉnh, Phổ Yên phủ, Hoàng Đàm tổng các xã thần tích), gồm sự tích Phạm Cự Lượng (Hồng Thánh Khuông Quốc Trung Vũ tá trị đại vương), thời Lý Thái Tông và sự tích Trương Hống, Trương Hát (Đại Đương giang hộ quốc Khước Địch đại vương) triều Triệu Việt Vương, thần tích xã Xuân Hạc, 19 trang chữ Hán gồm sự tích Trương Hống, Trương Hát (Đại Đương giang hộ quốc Khước Địch đại vương), có chép 1 bài thơ lục bát bằng chữ Nôm, thần tích xã Cải Đan sao lại năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), về sự tích Dương Tự Minh(3), thần tích xã Xuân Trù, tổng Tiên Thù, phủ Phổ Yên chép sự tích Cao Sơn Hiển ứng đại vương, Quý Minh Hiển ứng đại vương và Diên Bình công chúa triều Hùng Duệ Vương do Nguyễn Bính soạn năm 1572, thần tích xã Phù Lôi, tổng Thượng Dã 12 trang chữ Hán, sao năm Tự Đức thứ 3 (1850) gồm sự tích Trương Hống (Như Nguyệt Khước Địch đại vương), Trương Hát (Nam Bình Giang uy địch đại vương) triều Triệu Việt Vương, thần tích xã Thượng Dã, 41 trang do Nguyễn Bính soạn năm 1572, về sự tích Quý Minh đại vương và bản thần sắc xã Sơn Cốt (Thái Nguyên tỉnh, Phổ Yên phủ, Hoàng Đàm tổng Sơn Cốt xã thần sắc) 1 bản chữ Hán 27 trang, phong cấp vào các năm Đức Long (3 đạo), Dương Hòa (1 đạo), Cảnh Trị (1 đạo), Dương Đức (1 đạo), Chính Hòa (1 đạo), Vĩnh Thĩnh (1 đạo), Vĩnh Khánh (1 đạo), Cảnh Hưng (2 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo) phong cho Ngộ Lão đại vương. Thực tế, hiện nay qua điều tra các di tích ở huyện Phổ Yên chúng tôi cũng đã phát hiện được tới gần chục bản thần tích tại các di tích. Có nơi di tích không còn như ở xã Đông Cao nhân dân vẫn lưu giữ bảo tồn được thần tích để khi có điều kiện xây dựng lại di tích để có cơ sở. Hoặc có nơi các cụ cẩn thận sao thần tích, thần sắc đến vài ba cuốn như ở đền Đan Hà, xã Thành Công. Bia cũng vậy rải rác các nơi còn bia đá, sắc phong, thần tích nhưng không còn di tích nhưng nhân dân đã có ý thức bảo vệ và gìn giữ các di sản Hán Nôm. Các loại tư liệu khác như: địa bạ, tục lệ, hương ước, câu đối, gia phả, sách vở ở các tư gia thuộc các dòng họ lớn, ví dụ như họ Trần ở làng Vân Trai, xã Tân Phú, họ Phạm làng Phù Lôi, xã Thuận Thành, họ Nguyễn làng Thanh Thù, xã Đồng Tiến, nếu tiến hành thống kê, sưu tầm được cũng có giá trị nghiên cứu về lịch sử và văn hóa.

Di sản Hán Nôm mới phát hiện được ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là những tư liệu quý có tác dụng làm cơ sở phục vụ việc tra cứu, nghiên cứu về phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, truyền thống hiếu học, ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc của ông cha xưa.


Chú thích:

(1) Xem thêm các bài:

- Minh Tú: Về Lý Nam Đế, Nghiên cứu Lịch sử số 1 (254) 1991;

- Minh Tú: Lý Nam Đế với nhà nước Vạn Xuân, báo Nhân dân cuối tuần - 1996.

- Nguyễn Hữu Khánh: Tìm hiểu thêm về châu Giã Năng và ấp Thái Bình thời Lý Bí - Nghiên cứu Lịch sử số VI (12/1997);

Nguyễn Hữu Khánh: “Ấp Thái Bình” thời Lý Bí trên đất Phổ Yên, Văn hóa Thái Nguyên tháng 11+12/2007, tr.30,31;

- Nguyễn Đình Hưng: Tìm hiểu về quê hương Lý Nam Đế qua các di tích ở huyện Hoài Đức, Văn hóa Hà Tây, số 40, tháng 12/2007, tr.30-31.

(2) Xem thêm: Thân thế và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử được ghi trong mục: Đền miếu, Nhân vật ở sách Đại Nam nhất thống chí - Thái Nguyên tỉnh chí (tr.167-169) do Nxb. KHXH, H. 1971. Bài: Phát hiện di tích thờ tướng quân Phạm Cự Lạng ở huyện Phú Bình và Phổ Yên của Nguyễn Đình Hưng, đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2008, Viện NC Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2009.

(3) Xem thêm bài: Giới thiệu sự tích Dương Tự Minh được chép bổ sung trong cuốn Liệt tỉnh phong vật phú - Thạc sỹ: Nguyễn Hữu Tâm và Tiến sỹ: Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học), in trong cuốn Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh - Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên, 2003, tr.197-204./.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 12