DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở VÙNG ATK - ĐỊNH HÓA
(THÁI NGUYÊN)
NGUYỄN GIA BẢO Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên
Vừa qua, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát điều tra văn hóa phi vật thể ở vùng ATK - Định Hóa. Tại 23 xã, 1 thị trấn của huyện đã sưu tầm được rất nhiều tư liệu lịch sử văn hoá, trong đó có nhiều tư liệu Hán Nôm. Chúng tôi đã ghi âm được 80 bài hát dân ca, thống kê 90 nghệ nhân, 48 cuốn sách hát ví, hát lượn và hát páo dung, 700 cuốn sách cổ Hán Nôm, chụp 200 ảnh tư liệu, sưu tầm được 50 văn bản chủ yếu là thơ ca cách mạng. Trong số 7 dân tộc anh em chung sống, ở huyện Định Hóa, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng, dân tộc Mông và Hoa là hai dân tộc du canh ở các nơi khác chuyển về, trong đợt khảo sát này chưa phát hiện vốn văn hóa phi vật thể.
Trong số những làn điệu dân ca chúng tôi đã ghi âm được, tiêu biểu là những bài hát ví của hầu hết các dân tộc. Ngoài ra, còn có hát then, lượn, sli, phong slư của người Tày - Nùng, hát đối của người Cao Lan - Sán Chí, hát Páo dung của người Dao. Tuy chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về các làn điệu dân ca của từng dân tộc, song chúng ta thấy nét đặc trưng là cây đàn tính của người Tày - Nùng; giai điệu của những bài hát mang âm hưởng của vùng rừng núi Việt Bắc, gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Những người nông dân lao động họ vừa là người gìn giữ và sáng tác vừa là người thể hiện vốn văn nghệ dân gian. Bằng những làn điệu then kể về nguồn cội của dân tộc mình; bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống và ca ngợi cảnh đẹp quê hương. Đó là nội dung những bài hát then trong đêm kỳ yên. Những bài ví, lượn, sli, phong slư chủ yếu về chủ đề tình yêu đôi lứa của các dân tộc đã góp phần làm phong phú thêm những làn điệu dân ca trong vườn hoa văn hoá, văn nghệ của dân tộc. Đa phần là những bài hát về chủ đề tình yêu nam nữ. Ví dụ như bài hát ví của dân tộc Tày :
"Đôi ta đã chót thì liềuĐã cấy thì gặt bỏ điều cho ai"…"Ước gì lấy được anh khônCũng như vàng cốm mà chôn chân giườngVàng cốm còn có khi raChồng khôn trong nhà như của giời cho"…"Người khôn tiếng ví cũng khônCũng như cá vượt vũ môn hoá rồng"…"Người ngoan tiếng nói cũng ngoanCũng như tiếng đàn nhịp bảy, cung ba"…Bài hát giao duyên dân tộc Sán Chí:"- Anh hỏi cây thông xanhCao vút tầng mây có mấy cành?Cao vút tầng mây bao nhiêu láEm đi lấy chồng có mấy cha?- Em cũng hỏi cây thông xanh?Cao vút tầng mây cành tiếp cànhCao vút tầng mây vô vàn láEm chưa lấy chồng có một cha!"
Bên cạnh hát ví còn có hát ru. Đây cũng là một trong những làn điệu dân ca được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm, bởi nó đang bị mai một trong đời sống hiện nay nhất là đối với các dân tộc thiểu số. Bài hát Ru em của dân tộc Sán Chí sau đây:
"Ru em ngủNgủ chờ mẹChờ mẹ đi suối bắt con cáĐợi cha đi nương bắt con muỗm… Đan xoóng, đan làn đựng quả gắmQuả gắm còn chưa chín, quả bòng còn chưa chuaGiết con gà mái ghẹ, cho em ăn với cơmGiết trâu, giết bò cho em uống rượuCắt đầu, cắt tai đem đi bungChặt cái đuôi đem đi ướp khôLớp một, lớp hai để đợi kháchLớp bốn để đợi bạn KinhLớp chót để ru em ngủ…"
Đặc biệt trong đợt sưu tầm văn hóa phi vật thể này, chúng tôi còn tìm được những bài hát có sử dụng làn điệu dân ca Tày dùng để tuyên truyền, cổ động tinh thần cách mạng được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như : Dân Nam kháng chiến, Cộng sản ru con, Ca biệt ly Việt Bắc, Phụ nữ Việt Nam đứng dậy, Oán thù… kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống kẻ thù, khí thế sôi sục, tinh thần yêu nước xả thân vì độc lập dân tộc, như bài: Dân Nam kháng chiến của cụ Triệu Văn Luân - cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Bảo Linh:
"Dân Nam đâu nàoGiơ tay lên thềThù vong quốc quyết chết không quênToàn dân kháng chiếnTrên đường quên mìnhHăng hái tung hoành như chiến binhBao phen tung hoànhDân ta không lùiCùng nhau tiến tới quyết xung phongDiệt tan Pháp ác mang lại hoà bìnhCho nước Nam mình danh tiếng thơm…"
Một số loại hình văn hóa phi vật thể khác như: rối Tày Thẩm Rộc (xã Bình Yên), trò tắc kè, Pú Cấy ở làng Du Nghệ (xã Đồng Thịnh) mang ý nghĩa bản địa của địa phương còn được lưu giữ. Phong tục tập quán khác của nhân dân gắn với tục thờ cúng tổ tiên, thờ cây to, núi cao, thần đá…
Di sản Hán Nôm chiếm phần nhiều trong số những tư liệu ở huyện Định Hóa. Những tư liệu này chủ yếu được lưu trữ tại các gia đình người dân tộc có ông cha biết chữ Hán Nôm, một số nơi còn đình, chùa có sắc phong, bia đá như các tấm bia sau:
1. Bia đình làng Quặng (xã Định Biên), bia khá lớn có tên là Linh Già tự thạch bi ký (bài ký khắc trên đá ở chùa Linh Già) khắc chữ 2 mặt, nội dung ghi việc các dòng họ như dòng họ Ma ở địa phương làm công đức tu sửa chùa, cắt cử người trông nom việc thờ phụng Phật. Bia dựng năm Gia Long thứ 10 (1811). Hiện chùa không còn, tấm bia vẫn được dựng tại nền chùa cũ.
2. Bia chùa Bản Cái (xã Thanh Định), có tên Linh Tiên tự thạch bi ký (bài ký ghi việc hưng công tu sử chùa Linh Tiên) khắc 1 mặt, nội dung bài ký luận về đạo Phật, ghi tên các gia đình ở địa phương làm công đức dựng chùa Linh Tiên vào năm Gia Long thứ 10 (1811). Hiện nay, chùa không còn nhân dân đem bia về bảo quản tại UBND xã Thanh Định.
3. Bia chùa Hang (thị trấn Chợ Chu) trước đây để ở ngoài vườn chùa, nay đã được đem vào chùa để bảo vệ. Bia có tên là Hậu phật bi ký (bài ký ghi việc bầu Hậu phật) dựng năm Duy Tân (1908).
Về Sắc phong, tại xóm Khang Hạ (xã Bình Yên) còn bảo tồn được 3 sắc phong của đình chất lượng còn tốt, ở xã Thanh Định cũng lưu giữ 5 đạo, đặc biệt tại nhà ông Phạm Đình Thắng ở xóm Thẩm Quẩn còn bản sắc phong phong cho Bá hộ Phạm Đình Hội ở thế kỷ XVIII, niên hiệu Cảnh Hưng (1784). Gia đình ông Thắng, nguyên quán ở thôn Quan Bác, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình di cư lên huyện Định Hóa để xây dựng kinh tế mới từ những năm trước đây. Cho đến nay đã mấy chục năm trời. Qua lời kể của ông Thắng thì bản Sắc phong này là đồ gia bảo của dòng họ. Vì ông là trưởng họ nên được giữ bản sắc phong. Văn bản Sắc phong này được gia đình ông Thắng bảo quản rất cẩn thận. Nguyên bản văn bản này là giấy tốt nhưng ông Thắng đã bồi thêm đằng sau một lớp vải lụa cổ, sau đó nẹp 2 bên lề bản Sắc phong bằng 2 cái nẹp rất chắc chắn, mục đích để bảo quản được lâu dài. Văn bản Sắc phong còn khá nguyên vẹn, chất liệu làm bằng giấy Bưởi - một làng cổ chuyên làm giấy sắc, nay thuộc thành phố Hà Nội. Trên mặt sắc phong có trang trí hoa văn là những cụm mây hình xoắn và con rồng rất đẹp. Đặc biệt là hình tượng con rồng được nhũ sắc vàng óng ánh - thể hiện uy quyền của nhà vua. Toàn bộ nội dung văn bản Sắc phong có tổng số có 92 chữ. Sắc phong có kích thước rộng 60cm, dài 120cm. Nói chung, đây là một bản sắc phong còn khá nguyên vẹn, chữ viết đẹp, hình thức mỹ thuật phong phú, có niên đại rõ ràng, tuyệt đối. Nguyên văn sắc phong được phiên âm như sau:
“Sắc Trực Định huyện, Hà Truyền xã, Bá hộ Phạm Đình Hội vi dĩ hỷ trung đội xạ lại thông hậu phủ môn. Nhâm Dần niên đồng dữ nội ngoại chư quân dực tải hữu công kỷ kinh chỉ duy ứng long nhất thứ Phó thiên hộ tải khả vi xã tiết tướng quân hiệu lệnh khả thứ kim xã sỹ khâm thời phong Phó thiên hộ trung liệt.
Cố sắc.
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên lục nguyệt sơ thất nhật”.
Vì khả năng có hạn, chúng tôi chưa thể dịch hết nghĩa của nội dung bản Sắc phong nhưng về đại thể có thể hiểu: Đây là bản Sắc phong cho Bá hộ Phạm Đình Hội ở xã Hà Truyền, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương được phong chức Phó thiên hộ. Do có công trạng với chính thể nhà nước mà ông được ban sắc phong. Qua nghiên cứu bản sắc phong trên cho chúng ta biết được thêm về một nhân vật lịch sử của tỉnh Thái Bình, tuy là một nhân vật trong một dòng họ. Về tên nhân vật lịch sử, chúng tôi đã nghiên cứu, tham khảo thêm một số cuốn sách viết về các danh nhân của tỉnh Thái Bình, như: Danh nhân Thái Bình do Sở VHTT tỉnh Thái Bình xb 2002, không thấy nhân vật lịch sử Phạm Đình Hội. Về địa danh cổ xưa, chúng tôi dựa vào cuốn Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Các tổng, trấn, xã danh bị lãm) của Dương Thị The và Phạm Thị Thoa do Nxb. KHXH năm 1981 và cuốn Di tích lịch sử văn hóa Thái Bình (trang 91) do Bảo tàng tỉnh Thái Bình xb 1999, cho thấy địa danh huyện Trực Định xưa thuộc phủ Kiến Xương, xứ Sơn Nam Hạ nay một phần thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Việc phát hiện bản sắc phong này của triều đình nhà Lê phong cho ông Phạm Đình Hội là để tuyên dương công trạng của ông với dòng họ, với dân, với nước. Chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu thêm về dòng họ của gia đình ông Phạm Đình Thắng ở địa bàn tỉnh Thái Bình còn lưu giữ được các tài liệu khác nữa không? Nhưng rõ ràng bản sắc phong này là nguồn tư liệu bổ sung thêm cho phần thân thế, sự nghiệp của ông Phạm Đình Hội. Mặt khác, bản Sắc phong này còn ghi lại tên địa danh làng xã xưa kia và niên đại cụ thể, có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa ở địa phương, đồng thời nó có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật thư pháp.
Về sách cổ nói chung, hầu hết các xã trước đây và bây giờ dân tộc nào cũng có thầy cúng, thầy lang, thầy đồ còn lưu giữ rất nhiều sách cổ, có gia đình còn lưu giữ được hàng trăm cuốn sách như gia đình cụ Nguyễn Công Thượng, xóm Thẩm Quẩn, xã Thanh Định, cụ Hoàng Trọng Nhân, xóm Nà Mùi, xã Phú Đình, cụ Bàng Văn Tu, xóm Bản Giáo, xã Sơn Phú, cụ Trần Văn Biên, xóm Cây Coóc, xã Bình Thành… Trong số sách này, đáng lưu ý có những cuốn chép về địa lý, xem phong thuỷ, hát then, hát ví, hát lượn, hát shi, hát páo dung, gia trạch, giờ tốt là những cuốn sách có giá trị. Phần lớn số sách cổ này dùng để cúng lễ trong dịp vào nhà mới, tang ma, cầu yên, tạ mộ.
Đáng chú ý một số quyển sách có giá trị như: Cao Biền phụng thư soạn ghi chép vào năm Bảo Thái Tân Sửu (1721). Nội dung chép về địa lý, địa chí của tứ trấn thời Lê nước ta, xen kẽ có lời vịnh bằng thơ biến thể. Ngoài ra, có sách đối thơ truyện cổ của dân tộc Tày, truyện thơ Nôm khuyết danh nổi tiếng như: Tần Chu, Lưu Đài, Truyện Kiều, Nhị độ mai, Tống Chân- Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương - Dương Lễ, có truyện được các cụ phiên sang cả bằng tiếng Tày như: Truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa, Qua nghiên cứu bước đầu, các truyện thơ Nôm bằng chữ Hán - Nôm hầu hết do nhà xuất bản Quảng Thịnh đường khắc in năm Khải Định Kỷ Mùi (1919). Tuy vốn Hán Nôm của chúng tôi còn nhiều hạn chế chưa thể phiên dịch được hết những tập sách, truyện Nôm cổ nhưng chúng tôi cố gắng sưu tầm, tập hợp những tập truyện Nôm Tày - Nùng này tương lai để nhờ cơ quan Viện nghiên cứu Hán Nôm có điều kiện giúp đỡ trong một thời gian gần đây. Đây là một trong những phát hiện mới tại cuộc điều tra văn hóa phi vật thể ở vùng ATK- Định Hóa đã tạo nên "chỗ đứng" của nền văn học cổ điển ở vùng các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
Cuộc điều tra văn hóa phi vật thể ở ATK- Định Hóa đã tìm thấy nhiều di sản văn hoá, văn nghệ truyền thống rất quý giá, nó làm giàu có thêm kho tàng văn hóa dân gian của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời nó có tác dụng quan trọng đối với những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá. Còn rất nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật, bài ca dao, bài hát, bài thơ, giai thoại, chuyện kể… đã được thai nghén và ra đời tại nơi đây có tác giả hoặc khuyết danh ra đời trong thời kỳ này vẫn còn lưu truyền trong nhân dân đã được tìm thấy và chưa tìm thấy. Song, cuộc điều tra văn hóa phi vật thể đã được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ và nhân dân địa phương, dù thời gian rất ngắn, lực lượng tham gia còn mỏng nhưng chúng tôi thấy đây là một chủ trương cần thiết, trúng ý Đảng, hợp lòng dân, khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ và phát huy vốn văn nghệ dân gian truyền thống. Nhiều loại hình văn hóa như: rối Tày Thẩm Rộc đã từng được giới thiệu ra nước ngoài, nhiều di tích, địa danh ở Định Hóa đã được xây dựng cổng thông tin điện tử… mong nhiều vốn văn hóa phi vật thể mới sưu tầm sẽ được giới thiệu rộng rãi như thế. Trong đợt điều tra có nhiều cụ tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn có trí nhớ tốt, nhớ nhiều bài hát ví, hát lượn như cụ: Ma Thị Cọ (94 tuổi), dân tộc Tày ở xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên là một điển hình.
Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, thuộc vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954). Là nơi cư trú lâu đời của các dân tộc, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa rất phong phú, đa dạng. Chính sự phong phú và đa dạng ấy đã tạo nên sức mạnh tinh thần phi thường của các dân tộc chống lại sự nô dịch và đồng hoá của kẻ thù, nó đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại giành lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc.
Vấn đề chúng ta cần quan tâm hiện nay là vốn di sản văn hóa phi vật thể truyền thống nói trên đang có nguy cơ ngày bị mai một, chúng là loại hình văn hóa truyền miệng, được lưu giữ trong trí nhớ người già và có một số được ghi chép trên văn bản nhưng chỉ còn ít ỏi. Qua cuộc điều tra văn hóa phi vật thể ở các xã ATK, chúng tôi đề nghị các cơ quan liên quan hãy ủng hộ để vào cuộc góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy vốn văn hóa truyền thống “long lanh” như những viên ngọc quý của chính ông cha ta trên vùng quê hương cách mạng An toàn khu năm xưa ./.
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 10