Bùi Xuân: "Những nét đặc sắc của Đà Nẵng trong tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975"
[ 07/07/2013 15:26 PM | Lượt xem: 1562 ]

NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC CỦA ĐÀ NẴNGTRONG TỔNG TIẾN CÔNG

 VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 


BÙI XUÂN*


Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân 1975 đã kết thúc một chặng đường dài chống xâm lăng, là đỉnh cao của 30 năm chiến tranh giải phóng và 21 năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân thành phố Đà Nẵng anh hùng.

Đến nay, 32 năm đã qua kể từ ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, bằng các nguồn tư liệu lịch sử được phát hiện, thu thập và lưu giữ ngày càng nhiều, với phương pháp luận của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận thức rõ hơn thắng lợi to lớn cùng những nét đặc sắc của Đà Nẵng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

1. Thời gian là lực lượng

Sau ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), Mỹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ cho chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựa vào sự viện trợ của Mỹ ra sức đôn quân, bắt lính; trắng trợn tuyên bố không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử. Quân nguỵ ồ ạt triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xoá thế “da báo”, đẩy lực lượng của ta ra xa và tiến tới xóa bỏ vùng giải phóng.

Tuy âm mưu của địch thâm độc, hành động của chúng điên cuồng, nhưng cục diện chiến trường vẫn không bị đảo ngược. Quân Mỹ phải rút. Quân chủ lực của ta vẫn đứng chân ở miền Nam. Khí thế cách mạng của quân dân ta vẫn tiếp tục tăng cao. Hội nghị Bộ Chính trị họp tháng 10-1974 và tháng 1-1975 đã khẳng định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Hội nghị Bộ Chính trị dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Đến ngày 25-3-1975, Hội nghị Bộ Chính trị họp nêu quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 10-3-1975, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột và sau đó ta lần lượt giải phóng Tây Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi... Đà Nẵng bị bao vây và trở thành chiếc “túi đựng” tàn quân của địch.

“Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên - Huế đánh vào và từ Nam - Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy để co cụm về Sài Gòn

Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay. Các anh cần sử dụng ngay lực lượng của Quân khu và của tỉnh đánh ngay vào Đà Nẵng. Phải có biện pháp đặc biệt để hành quân nhanh nhất, kịp thời khống chế, chiếm lĩnh các sân bay, bến cảng, bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch”1.

Đoạn trích dẫn trên đây là nội dung cốt lõi của bức điện Gửi Anh Năm Công và Anh Hai Mạnh2 vào lúc 18 giờ ngày 27 - 3 - 1975 của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng, chuyển tải một cách ngắn gọn và rõ ràng nhất kế hoạch giải phóng Đà Nẵng của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tại cuộc họp ngày 25- 3- 1975.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý hai điểm mấu chốt:

Một là, Chiến thắng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Bởi vậy, để giải phóng Đà Nẵng, vấn đề chủ yếu là tận dụng thời gian, thời gian là lực lượng, bởi “chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn nhảy vọt”3; chớp lấy thời cơ nghìn năm có một, tranh thủ và tận dụng thời gian là điểm mấu chốt để giải quyết bài toán Đà Nẵng ;

Hai là, Giải phóng Đà Nẵng là nhiệm vụ kép, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giải phóng thành phố Đà Nẵng, nhiệm vụ quan trọng là phải tiêu diệt địch, chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu, không cho địch co cụm về Sài Gòn (nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiếp theo, tức chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn - Gia Định).

Xuất phát từ chủ trương và chỉ đạo tài tình này, trên cơ sở phân tích “bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa bị đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi tử thủ, nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp”, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà “cần nắm vững phương châm: “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”, khẩn trương tiến công, bao vây tiêu diệt địch, khống chế sân bay, hải cảng, chú ý làm tốt việc tiếp quản thành phố một triệu dân này, thực hiện tốt chính sách tù, hàng binh và chính sách chiến lợi phẩm”4. Diễn biến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975 đã theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

2. Tìm phương án tối ưu để giải phóng Đà Nẵng

Từ sau “đòn đánh trúng huyệt” Buôn Ma Thuột (10-3-1975), tin tức chiến thắng và sức tấn công thần tốc của quân ta, sự bối rối, hoang mang, dao động của quân địch, đã làm nức lòng nhân dân ta. Trong tập hồi ức Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trước thảm hoạ ở Tây Nguyên và nguy cơ Huế, Đà Nẵng bị uy hiếp, ngày 18-3, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập các cố vấn thân cận ra Đà Nẵng họp cấp tốc, nói là để bàn giải quyết vấn đề người tị nạn. Thực ra, cuộc họp đã chuyển sang đối phó với vấn đề khủng khiếp hơn: nên bỏ hay nên giữ Quân khu I. Nghe Ngô Quang Trưởng báo cáo cuộc tiến công của “Việt cộng” vào Huế và Đà Nẵng sắp nổ ra, cử tọa đều sởn tóc gáy! Đất đã bỏng dưới chân”5. Sau đó, cuộc họp được chuyển vào Dinh Độc lập tại Sài Gòn, theo đề nghị của Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Thiệu quyết định tổ chức 3 điểm phòng thủ là Huế, Đà Nẵng và Chu Lai. Nhưng khi Trưởng vừa về đến Đà Nẵng đã nhận ngay bức điện của Cao Văn Viên chuyển lệnh của Thiệu với nội dung: Quân đoàn I triển khai lực lượng để phòng thủ Đà Nẵng; lữ đoàn không quân được lệnh chuyển vào Sài Gòn.

Theo dõi sát diễn biến chiến trường, trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Khu uỷ V và Bộ Tư lệnh Quân khu V đã kịp thời điều chỉnh sự chỉ đạo trên toàn chiến trường. Vào lúc 24 giờ, ngày 18- 3- 1975, trên cơ sở phân tích tình hình địch - ta, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu uỷ V, đã gửi điện cho Bộ Chính trị đề nghị mở cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng. Nội dung bức điện như sau: “Có hiện tượng địch rút Huế, lực lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tiến công Đà Nẵng còn phía trong chúng tôi sẽ làm theo điện vừa báo cáo với các anh”6. Ngày 20-3-1975, đồng chí Võ Chí Công điện cho Bộ Chính trị và đồng chí Văn Tiến Dũng: “Ở Đà Nẵng, ta dùng pháo binh đánh ngay, lấy lực lượng Quảng Đà và 771 (304) triển khai bao vây tiến công. Đề nghị Quân uỷ điều ngay cho Khu một sư nữa tiếp cho Đà Nẵng”7.

Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu uỷ V trực tiếp thông báo với Thường vụ Đặc Khu uỷ Quảng Đà về diễn biến tình hình chung trên chiến trường và nhận định khả năng giải phóng Đà Nẵng. Thường vụ Khu uỷ đưa ra 3 phương án :

- Khi Huế và Tam Kỳ được giải phóng, địch bên trong Đà Nẵng bị rối loạn, quân chủ lực của ta chưa đến kịp thì Quảng Đà phải huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, chính trị tại chỗ, kịp thời tấn công, nổi dậy giải phóng thành phố.

- Sau khi đánh giải phóng thị xã Tam Kỳ, lực lượng của Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu sẽ tiến ra Đà Nẵng và Sư đoàn 304 đứng chân ở Thượng Đức sẽ từ phía Tây Nam đánh xuống.

- Giải phóng Đà Nẵng bằng lực lượng chủ lực cơ động của Bộ Tổng, phải chờ sau giải phóng Huế mới tiến vào giải phóng Đà Nẵng, phương án này phải có thời gian chuẩn bị để bảo đảm công tác hậu cần.

Tuy nhiên, dù thực hiện phương án nào, Quảng Đà cũng phải làm thật tốt 3 việc:

- Phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để địch co cụm về phía Nam (phía Sài Gòn).

- Không để địch cưỡng ép dân đi vào Nam.

- Phải bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ cho dân, không để dân bị đói.

Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Khu uỷ, ngày 24-3-1975, tại căn cứ Hòn Tàu (xã Xuyên Hiệp, Duy Xuyên), Ban Thường vụ Đặc Khu uỷ Quảng Đà họp bàn kế hoạch tổ chức huy động quần chúng bên trong nổi dậy làm chủ thành phố khi các cánh quân chủ lực tiến vào Đà Nẵng:

- Nhanh chóng sắp xếp lực lượng chính trị và vũ trang bên trong với tư thế sẵn sàng nổi dậy; đẩy mạnh tiến công chính trị và binh vận, tạo không khí tiền khởi nghĩa làm tan rã quân ngụy.

- Thành lập các Ủy ban khởi nghĩa (mỗi Ủy ban khởi nghĩa phải lập thêm 1, 2 ban dự bị để khi vỡ thì thay ngay).

- Toàn bộ lực lượng vũ trang và chính trị của Quảng Đà phải dồn sức cho giải phóng Đà Nẵng. Thành lập ban chỉ huy tiền phương bám sát thành phố để chỉ đạo trực tiếp cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố

- Ngoài Trung đoàn 96, thành lập thêm Trung đoàn 97 và thành lập thêm ở mỗi huyện trên địa bàn Quảng Đà 1 đại đội bộ đội địa phương.

Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.

Chính sự thống nhất về chủ trương và kế hoạch từ Trung ương đến địa phương và sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện đã góp phần tạo nên thắng lợi giòn giã và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975.

.3  Kết hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố

Sau ngày giải phóng có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng trong mùa Xuân năm 1975. Có thể phân thành 3 loại ý kiến:

- Đà Nẵng có tiến công và nổi dậy;

- Đà Nẵng chỉ có tiến công, không có nổi dậy;

- Cá biệt có ý kiến cho rằng Đà Nẵng chỉ có tiếp quản, nghĩa là không có cả tiến công và nổi dậy.

Thực tế, sau khi xác định kế hoạch giải phóng Đà Nẵng, Đặc Khu uỷ Quảng Đà đã quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương và cử một đồng chí Uỷ viên Thường vụ đi gặp Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 để bàn kế hoạch phối hợp tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Khu ủy và Quân khu, như Võ Chí Công, Chu Huy Mân cùng với bộ phận chỉ huy tiền phương của Khu ủy và Quân khu về Quảng Đà trực tiếp theo dõi và chỉ đạo. Các mũi công tác thành phố gồm đấu tranh chính trị, binh vận... đều tổ chức ra quân phối hợp hành động. Các Ban cán sự được thành lập trước đây, nay chuyển thành Ủy ban khởi nghĩa. Toàn thành phố thành lập được 27 Ủy ban khởi nghĩa, các khu phố ở quận 1 đều có 1 đến 2 Ủy ban khởi nghĩa. Các Ủy ban khởi nghĩa hướng dẫn cơ sở may cờ, phát triển lực lượng tự vệ, phân công chốt giữ các vị trí... Các cơ sở như nhà máy điện, bệnh viện, liên hiệp nghiệp đoàn đều có Ủy ban khởi nghĩa. Phụ nữ thành phố thành lập được 20 Ủy ban khởi nghĩa, huy động được hàng chục xe cơ giới các loại chuẩn bị đón bộ đội vào thành phố.

Từ ngày 25-3, tàn quân địch ở phía Nam dồn về và từ Trị Thiên tràn vào, nâng tổng số quân địch ở Đà Nẵng lên 10 vạn, nhưng đều ở trong tình trạng hỗn loạn. Nguyễn Văn Thiệu cho chuyển gấp 20.000 khẩu súng ra Đà Nẵng, kêu gào “tử thủ Đà Nẵng”. Mỹ lập cầu hàng không, đưa máy bay lên thẳng và Boeing chuyển cố vấn, sĩ quan cao cấp ngụy và gia đình di tản vào Sài Gòn. Việc di tản gia đình sĩ quan nguỵ càng gây thêm sự rối loạn trong hàng ngũ địch. Tinh thần quân ngụy suy sụp đến cực điểm. Trước tình thế đó, Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo Quân khu V: “Không chờ lực lượng trên tăng cường. Vấn đề then chốt là diệt Quân đoàn I ngụy và sư lính thủy đánh bộ, không cho chúng rút chạy về co cụm ở Sài Gòn”8. Ngày 25-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân Khu V làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ đạo các cánh quân giải phóng Đà Nẵng phải quán triệt tư tưởng “5 nhất”: kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng nhất. Trong bức điện Gửi Anh Năm Công và Anh Hai Mạnh, ngày 27 -3- 1975, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo rất cụ thể: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở, kho tàng nhà máy, thành lập chính quyền cách mạng và sáp vào vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân nguỵ.

Các binh đoàn chủ lực phía Bắc đã có kế hoạch hành quân nhanh nhất để kịp thời hợp đồng với cánh quân phía Nam. Các anh hành động ngay, không để chậm trễ.

Bộ Chính trị khen ngợi những chiến thắng giòn giã của quân, dân Khu V và chờ tin đại thắng của mặt trận Đà Nẵng”9.

Ngay trong đêm 27-3-1975, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Binh vận Quảng Đà, cơ sở binh vận của ta ở Trung tâm huấn luyện Hoà Cầm đã vận động binh lính nổi dậy làm binh biến, giải thoát cho hơn 3000 binh sĩ. Các cánh quân giải phóng từ các hướng như gọng kìm siết chặt lấy Đà Nẵng.

Sáng sớm ngày 29, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà phát lệnh khởi nghĩa trong nội thành. Uỷ ban khởi nghĩa các quận, khu phố và các cơ sở của ta nhanh chóng tổ chức đưa quần chúng xuống đường chiếm lĩnh các cơ quan, công sở của nguỵ quyền. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Ủy ban khởi nghĩa, lực lượng khởi nghĩa các quận I, II và III đã chiếm lĩnh các mục tiêu; vận động binh lính địch hạ vũ khí. Một số cơ sở nội thành được sự vận động của Ban công vận Quảng Đà đã tổ chức đưa ôtô ra ngoại thành đón bộ đội giải phóng thành phố.

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, lực lượng biệt động thành phố đã chiếm lĩnh và treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Toà thị chính Đà Nẵng. Các cánh quân của ta tiến vào Đà Nẵng và 15 giờ đã hội quân tại bán đảo Sơn Trà. Cũng ngay trong chiều hôm đó, các đồng chí lãnh đạo của Khu uỷ V và Đặc Khu uỷ Quảng Đà đã vào đến nội thành Đà Nẵng. 19 giờ 30, các đồng chí đã điện báo cáo Bộ Chính trị: “Đà Nẵng giải phóng rồi. Anh Năm Công và anh Phước (Hồ Nghinh) đã vào Đà Nẵng rồi”.

4. Giữ gìn thành phố nguyên vẹn và bình yên

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đà Nẵng vẫn được giữ nguyên vẹn và bình yên, cuộc sống của nhân dân sớm trở lại bình thường. Ngay trong đêm giải phóng đầu tiên, đèn điện vẫn được thắp sáng trên các đường phố, trong nhà dân. Nước sinh hoạt vẫn đảm bảo. Không có cuộc “tắm máu” nào như kẻ thù rêu rao. Đây có thể xem là một “hiện tượng Đà Nẵng” (và sau đó sẽ là hiện tượng Sài Gòn).

Chúng ta cắt nghĩa như thế nào về “hiện tượng” này?

Thứ nhất, đây là vấn đề được đặc biệt lưu ý trong xây dựng phương án giải phóng Đà Nẵng của Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương, của Khu uỷ V và Đặc Khu uỷ Quảng Đà, nhằm “bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ đừng để dân đói”10.

Thứ hai, do cách đánh thần tốc của lực lượng vũ trang của ta với tư tưởng “5 nhất”: kịp thời, nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng nhất và sự kết hợp chặt chẽ, tuyệt vời giữa tiến công và nổi dậy của quân dân ta.

Thứ ba, tư tưởng nhân nghĩa và chính sách khoan hồng của ta đã mở ra cho nguỵ quân, nguỵ quyền “con đường sống, không tiêu diệt sinh mạng họ một khi họ đã buông súng đầu hàng”11. Tư tưởng chỉ đạo của Khu uỷ V là lấy tan rã làm tiêu diệt.

Thứ tư, lực lượng của ta đông và có kinh nghiệm trong công tác đô thị. Uỷ ban Quân quản Đà Nẵng được thành lập và ra tuyên bố xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán các đảng phái phản động, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các phường, khóm; ra lệnh giới nghiêm trong thành phố từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Ta kịp thời chủ trương “tách súng ra khỏi lính, tách lính ra khỏi sĩ quan”; ra lệnh cho các sĩ quan, binh lính ngụy và nhân viên nguỵ quyền các cấp phải ra trình diện và nộp vũ khí cho chính quyền quân quản; chỉ 10 ngày đầu sau ngày giải phóng, số ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện lên tới 103.900 tên, đến ngày 10-6-1975 là 117.900 tên. Ta đồng thời tăng cường công tác an ninh - chính trị, giúp nhân dân tản cư về lại quê cũ và ổn định đời sống nhân dân thành phố.

Thứ năm, nhân dân Đà Nẵng có tinh thần yêu nước, vui mừng chào đón thành phố giải phóng, tham gia và ủng hộ cách mạng. Cùng với việc khôi phục lại trật tự và ổn định đời sống nhân dân, Đà Nẵng tiếp tục huy động sức người, sức của tiếp sức cho công cuộc giải phóng các tỉnh phía Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu: “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”. Thành phố huy động 300 xe chở bộ đội và các phương tiện chiến tranh thu được của địch hành quân thần tốc theo chiến dịch. Những binh đoàn từ miền Bắc ngày đêm qua thành phố được tiếp thêm súng đạn, lương thực, thực phẩm để đi về phía Nam, góp phần giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng oanh liệt của quân và dân Đà Nẵng đã đẩy thêm quân địch vào tình thế tuyệt vọng, tinh thần suy sụp, tổ chức tan rã, chiến lược chiến thuật lâm vào thế bế tắc như đi vào ngõ cụt; tạo điều kiện và góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

1, 9. Lê Duẩn: Thư vào Nam, ST, H, 1985, tr.381, 382

2. Anh Năm Công là đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu uỷ V; Anh Hai Mạnh là đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu V

3, 4, 5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng, CTQG, H, 2000, tr 242, 242, 233

6, 7. Phan Đấu: “Đồng chí Võ Chí Công với mùa Xuân năm 1975”. Dẫn theo: Trên quê hương trung dũng, NXB Thanh niên, 2000, tr. 498

8. Điện của Bộ Tổng tham mưu gửi Quân khu V ngày 25-3-1975

10. Trần Thận: “Từ Hiệp định Pari đến giải phóng Đà Nẵng (27-1-1973 - 29-3-1975)”. Dẫn theo: Trên quê hương trung dũng, Nxb Thanh Niên, 2000, tr 478

11. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb QĐND, H, 1976, tr221.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 10