ĐỔI MỚI NHẬN THỨC VÀ CHÍNH SÁCHVỀ TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
[ 23/06/2013 14:40 PM | Lượt xem: 6902 ]

ĐỔI MỚI NHẬN THỨC VÀ CHÍNH SÁCHVỀ TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 


GS, TS ĐỖ QUANG HƯNG*


Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay đã hai thập kỷ. Trong những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, không thể không kể đến những thắng lợi về tư duy lý luận và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết này xin được phác hoạ lại quá trình đổi mới nhận thức đến đổi mới chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.Hiện nước ta có trên 20 triệu người có tôn giáo, sinh hoạt trong 15 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Trong quá trình đấu tranh giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đổi mới hiện nay, bằng chính sách đúng đắn, linh hoạt, Đảng ta đã thu hút, tập hợp đông đảo đồng bào tôn giáo yêu nước tham gia, góp phần làm nên những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình đó, chính sách tôn giáo của Đảng có nhiều bước tiến, đặc biệt từ những năm 90 của thế kỷ XX trở về đây. Với sự đổi mới đó, đời sống tôn giáo ở Việt Nam ngày càng ổn định, có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta bằng việc lợi dụng tôn giáo. Nghiên cứu quá trình nhận thức và phát triển tư duy của Đảng về tôn giáo cũng góp phần đánh bại âm mưu của kẻ thù chống phá cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị (Khoá VI) về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới", được coi là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức về tôn giáo của Đảng ta. Nghị quyết này có hai luận điểm mang "tính đột phá" là: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới.

Phải đặt hai luận điểm này trong khung cảnh lúc đó ta mới hiểu rõ ý nghĩa. Đó là một thời điểm lịch sử đặc biệt. Lúc đó, bộ phận các nước XHCN Đông Âu đã sụp đổ, nhưng những quan điểm tả khuynh về tôn giáo vẫn còn chế ngự.

quần chúng (có văn bản còn nói là một bộ phận quan trọng) và nó hoàn toàn có thể đồng hành với CNXH1. Riêng luận đề mới mẻ về văn hoá tôn giáo đã khơi dậy trực tiếp những suy nghĩ, hành động tích cực của quần chúng, người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo. Khi các giá trị văn hoá đạo đức của tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của văn hoá dân tộc, một mặt đã thừa nhận sự đa dạng của văn hoá dân tộc, mặt khác tạo thêm một con đường đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Khai thác tốt giá trị văn hoá, đạo đức của tôn giáo là cách tốt nhất để cho nhiều tôn giáo thuận lợi hơn trong quá trình "Tìm về dân tộc"...Kể từ sau Nghị quyết 24, Đảng ta còn nhiều văn kiện khác khẳng định và phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo, cụ thể: Chỉ thị 37/CT-TW ngày 2 - 7 - 1998 của Bộ Chính trị về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” - một văn kiện quan trọng lần đầu tiên được đăng tải trên báo Nhân Dân và một số tờ báo khác. Và lần đầu tiên vấn đề tôn giáo được đưa ra bàn bạc, quyết định ở cấp BCH Trung ương, đó HNTƯ7 (Khoá IX), còn quen gọi là Nghị quyết 25 (12 - 3 - 2004) với tên gọi “Về công tác tôn giáo”. Đến nay Nghị quyết 25 vẫn được coi là kim chỉ nam cho công tác tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.Từ năm 1990 đến năm 2003, Đảng ta đã có 13 văn kiện về các vấn đề tôn giáo trong đó gồm 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 9 thông báo (Ban Bí thư: 1 chỉ thị, 7 thông báo; Bộ Chính trị: 1 nghị quyết, 1 chỉ thị và 2 thông báo; BCHTƯ: 1 nghị quyết...)

Điều quan trọng hơn cả là đến nay nhận thức về vấn đề tôn giáo của cán bộ, đảng viên và quần chúng đã có bước tiến khá dài. Một bầu không khí xã hội mới mẻ lan toả, sự phân biệt "Lương - Giáo" mà các thế lực đế quốc thực dân, phong kiến trước đây cố tình khoét sâu mâu thuẫn, nay đã được gỡ bỏ căn bản, tạo nên những điểm sáng trong quan hệ “Đạo - Đời”.

Trong các văn bản riêng về tôn giáo, tín ngưỡng có thể xem Nghị định số 69/NĐ-HĐBT ngày 21-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng "Quy định về các hoạt động tôn giáo" là văn bản mở đầu. Năm 1993, Chính phủ ra Nghị định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan có tầm quan trọng bậc nhất về quản lý nhà nước về tôn giáo: Ban tôn giáo của Chính phủ. Sau đó là một số văn bản khác: Nghị định 26 ngày 19-4-1999 của Chính phủ "Về các hoạt động tôn giáo", Quyết định số 125 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-6-2003 "Về việc phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá IX) về công tác tôn giáo"... Đặc biệt, tháng 7-2004, dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến sự kiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được ban hành. Nghị định "Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo" của Chính phủ ban hành tháng 3-2005. Về mặt vĩ mô, sự đổi mới mạnh mẽ của chính sách tôn giáo cũng được bắt nguồn từ tinh thần của Nghị quyết 24 nói trên. Trong đó, lần đầu tiên công tác tôn giáo của Nhà nước ta từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945) lúc đó được coi chủ yếu là công tác đánh địch lợi dụng, nay được coi chủ yếu là công tác vận động quần chúng (phạm trù công tác dân vận) với luận đề quan trọng: "Thực chất công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng".

Chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc thể chế hoá các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Cũng là lần đầu tiên từ 1991 đến nay, Nhà nước ta thể hiện quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trên lĩnh vực quản lý tôn giáo bằng việc ban bố hàng loạt quy định, nghị định, chỉ thị, thông tư... và đỉnh cao nhất đến nay là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể nói hàng loạt các văn bản pháp lý ấy đã thể hiện sinh động sự đổi mới về tư duy đến chính sách tôn giáo. Có thể khái quát một số điểm sau đây:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa Nhà nước và các tôn giáo, nói đúng hơn là các tổ chức tôn giáo (Giáo hội, Hội thánh, Ban trị sự, Hội đồng Giáo xứ...) đã được cải thiện căn bản theo hướng pháp quyền. Một mô hình nhà nước thế tục mác xít, về bản chất là nhà nước thế tục vô thần do Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế từ Sắc lệnh 234 (1955), nay đã hiện ra rõ. Mô hình này tỏ ra thích hợp với đời sống tôn giáo ở Việt Nam2, được đông đảo đồng bào có đạo và quần chúng nói chung hoan nghênh và bước đầu được thế giới ghi nhận. Trên cả 3 khâu theo đạo, hành đạo và quản đạo đã được thể chế hoá và cơ bản đã phù hợp với thực tiễn.

- Thứ hai, về mối quan hệ giữa "hoạt động tôn giáo" và "công tác tôn giáo" cũng được giải quyết tốt hơn. Mối quan hệ này vốn không hề đơn giản vì các "hoạt động tôn giáo" vốn là lợi ích sống còn của các chủ thể tôn giáo, trong khi đó " công tác tôn giáo" lại là vấn đề thuộc phạm trù quản lý Nhà nước.

Nhà nước ta hiểu rõ những kinh nghiệm quá khứ, khi mà sự tương tác giữa hai chủ thể "hoạt động tôn giáo" và "công tác tôn giáo" diễn ra có lúc không thuận lợi, dẫn đến xung đột, triệt tiêu lẫn nhau.Ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các quan điểm của Đảng ta về sự khai thác các điểm tương đồng, đồng thuận xã hội có ý nghĩa lớn. Đường hướng "Giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đến nay vẫn là ngọn đèn pha soi rọi cho công tác tôn giáo.

Thứ ba, vận dụng kinh nghiệm của lịch sử dân tộc và quốc tế về Luật pháp tôn giáo, để thể chế hoá về quyền hạn và nghĩa vụ của toàn dân, trước hết là cộng đồng các tôn giáo ngày càng thích hợp hơn.Đây cũng là nét mới trong chính sách tôn giáo của Nhà nước ta hiện nay, trực tiếp tạo nên bầu không khí phấn khởi trong các chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

Trong những năm gần đây, không chỉ đối với Công giáo, Phật giáo - những tôn giáo lớn có vị trí đặc biệt trong hệ thống tôn giáo ở nước ta, Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách đúng đắn, mà với nhiều tôn giáo khác chúng ta cũng có chính sách linh hoạt phù hợp thực tiễn: với Đạo Cao Đài đã công nhận tư cách pháp nhân cho 9 tổ chức hệ phái; với Phật giáo Hoà Hảo cũng có những quyết sách mạnh dạn công nhận mô hình cơ cấu tổ chức Ban Trị sự (cấp Trung ương - Toàn đạo và cấp cơ sở). Với Hồi giáo cũng tương tự. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta đã có những quyết sách táo bạo, liên tục để giải quyết cơ bản "vấn đề Tin lành" trong những năm gần đây ở nước ta. Đó là chính sách từng bước “bình thường hoá” vấn đề đạo Tin lành ở Việt Nam.

Có thể nói, sự đổi mới tư duy đến chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc góp phần quyết định tạo ra sự ổn định xã hội và bức tranh sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam ngày càng có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, trong những năm tới và còn lâu dài, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Nhưng có thể nói, xu hướng tôn giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và CNXH là không thể đảo ngược.

Để tiếp tục đổi mới tư duy về tôn giáo và công tác tôn giáo theo chúng tôi có một số vấn đề dưới đây:

Chúng ta đã thừa nhận tôn giáo còn là một thực tại xã hội, thậm chí nó có thể đồng hành với dân tộc và với CNXH. Tư duy lý luận của chúng ta phải tiến thêm một bước quan trọng khác, một luận đề có tính "đột phá" khác là, để tôn giáo có thể thích ứng với CNXH phải tạo cho nó khả năng và quyền hạn (pháp lý nhân sự) tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước và thoả mãn nhu cầu chính đáng của đời sống tôn giáo - những nhu cầu phù hợp với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tôn giáo nước ta hiện nay đã và đang có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên mọi phương diện. Muốn tiếp tục đổi mới tư duy về vấn đề tôn giáo phải thích ứng hơn nữa với điều này. Cần khắc phục lối nhìn tôn giáo "kiểu thế kỷ XIX đầu XX" trong đó thường đồng nhất tôn giáo và chính trị. Tư duy về tôn giáo hiện nay cần mở rộng hơn, hướng đến những phương diện nhân văn, văn hoá và tâm linh của con người. Hơn thế nữa, còn phải thấy được những động thái mới của tôn giáo trong khung cảnh toàn cầu hoá, trước hết là sự thay đổi của hệ thống tôn giáo, trong đó đã xuất hiện những loại hình tôn giáo mới chưa từng có của những “tôn giáo bên lề”, "tôn giáo cá thể", "tôn giáo của những niềm tin song song"...

Với các tôn giáo lớn đã trở thành truyền thống, chúng ta cũng cần nghiên cứu các khuynh hướng thần học mới tiến bộ, khai thác những mặt tích cực của nó, đồng thời hạn chế đi đến loại bỏ xu hướng lợi dụng tôn giáo vào các mưu đồ chính trị thù địch: khuyến khích xu hướng thế tục hoá đi liền với sự cảnh giác trước xu thế giải thế tục.

Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội. Trong những năm qua, chúng ta có rất nhiều thành tựu về vấn đề này, do Đảng ta đã sớm quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc đặc điểm dân tộc, yếu tố dân tộc của cách mạng Việt Nam, tránh được phần lớn những sai lầm thiếu sót của khuynh hướng tả khuynh về vấn đề tôn giáo trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đặc biệt từ năm 1990, lần đầu tiên Đảng ta đã chuyển vấn đề tôn giáo từ phạm trù nội chính, qua phạm trù công tác dân vận, tạo nên một cục diện mới, được đồng bào các tôn giáo đón nhận, tạo nên bầu không khí phấn khởi, thuận lợi hơn cho quan hệ Nhà nước với các tổ chức tôn giáo.

vấn đề then chốt để tiếp tục đổi mới về tôn giáo là phải đặt mối quan hệ này trong vấn đề Nhà nước pháp quyền. Cùng với việc đổi mới tư duy nhận thức, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp tôn giáo, triển khai có hiệu quả hơn đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Việc ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh này và đặc biệt là chính sách đổi mới rất táo bạo về vấn đề Tin lành (Chỉ thị 01 của Chính phủ, đầu năm 2005) đã tạo ra sự thông thoáng, cởi gỡ nhiều ách tắc của công tác tôn giáo và trong các quan hệ quốc tế.

Tiếp tục đổi mới về luật pháp tôn giáo, theo chúng tôi, trước mắt cần tập trung vào 2 điểm sau đây:

Một là, phải hoàn thiện hơn mô hình nhà nước thế tục và phát huy hơn hiệu năng của mô hình này.

Trước mắt cần hướng đến cả 2 mục tiêu của sự thể chế hoá là: vừa phải tiếp tục hoàn thiện vấn đề pháp nhân cho các tôn giáo "được thừa nhận", đồng thời từng bước giải quyết mệnh đề "tôn trọng các tôn giáo khác", nghĩa là phải tính đến việc công nhận tư cách pháp nhân cho những tôn giáo còn lại... Hơn nữa, bên cạnh việc thể chế hoá các quyền hạn tự do tôn giáo cho công dân và các tổ chức tôn giáo, cần có những quy định rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của các tổ chức tôn giáo và cá nhân tôn giáo.

Hai là, cần hoàn thiện hơn luật pháp nhân tôn giáo. Những gì đã có của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo dù là bước tiến quan trọng, nhưng chưa thể nói là đã giải quyết xong vấn đề cơ bản phức tạp này.- Việc công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo - nhất là với một nước đa tôn giáo như nước ta - có ý nghĩa xã hội, pháp lý nhiều mặt. Qua hai cuộc bạo loạn chính trị vừa qua ở Tây Nguyên (tháng 2-2001 và 4-2004) có liên quan đến "vấn đề Tin lành" cho thấy địa phương nào làm tốt chuyện "pháp nhân" thì chính ở đó yếu tố lợi dụng vấn đề đạo Tin lành ("Tin lành Đêga") lại không có đất phát triển.

Giải quyết tốt hơn quan hệ quốc tế của các tôn giáo. Trong bối cảnh "toàn cầu hoá tôn giáo", yếu tố quốc tế càng đậm nét và đa dạng (xoá bỏ các ranh giới cũ, tạo ra các ranh giới mới). Hơn nữa, tôn giáo nước ta từ sau năm 1975, yếu tố quốc tế càng đậm nét trong số người Việt (ở nước ngoài hiện có khoảng 50 vạn tín đồ Phật giáo với trên 200 ngôi chùa, khoảng như thế tín đồ Công giáo với hàng chục tờ báo, nhà xuất bản...). Trước hết là giải quyết các vấn đề quan trọng như quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican, với các tổ chức hệ phái Tin lành quốc tế, với việc hội nhập các nước Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với Phật giáo các nước láng giềng và cộng đồng tín đồ tôn giáo người Việt Nam ở nước ngoài.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý về tôn giáo cần được tăng cường hơn nữa và có sự đồng bộ và thông thoáng. Đồng thời, quan tâm đến khu vực đào tạo cán bộ làm công tác quản lý về tôn giáo. Cần đầu tư, quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu cơ bản về Tôn giáo học, Lịch sử tôn giáo cũng như các vấn đề luật pháp tôn giáo, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Vì chỉ có sự nghiên cứu tốt về cơ bản mới có luận cứ khoa học chắc chắn cho sự tiếp tục đổi mới về chính sách tôn giáo. Cần có chính sách thích hợp hơn với việc thông tin xuất bản có liên quan đến các vấn đề tôn giáo, đặc biệt các sinh hoạt học thuật mang tính quốc tế về tôn giáo.

Những giải pháp cụ thể đó cùng với sự đổi mới tư duy, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo trong những năm qua sẽ là điều kiện tiên quyết để tôn giáo Việt Nam phát triển tốt đẹp, hài hòa giữa Đạo - Đời, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, phồn thịnh.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8