Văn minh và đế chế nhìn lại con đường phát triển của các quốc gia Đông Á
[ 26/02/2013 23:56 PM | Lượt xem: 3241 ]

 

VĂN MINH VÀ ĐẾ CHẾ NHÌN LẠI

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á

 

Sau một thời kỳ liên kết, kiến lập giữa các thủ lĩnh liên minh bộ lạc, đến cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên sự xuất hiện của nhà Hạ (TK XXI-XVII TCN) rồi nhà Thương (XVII-XI TCN), nhà Chu (XI - 256 TCN)... là những minh chứng đầy sức thuyết phục về sự trưởng thành của văn minh Trung Hoa trong nền cảnh văn hóa khu vực. Từ lưu vực Hoàng Hà, các triều đại đó đã không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng để rồi hình thành nên Trung tâm văn hóa Hoa Hạ. Trung tâm văn hóa này đã lan tỏa đến các “vùng ngoại vi”, kết tụ với Trung tâm văn hóa Hoa Nam để tạo nên nền Văn minh Trung Hoa tiêu biểu của khu vực Đông Á, phương Đông và thế giới. Như vậy, lịch sử của một quốc gia thống nhất bao giờ cũng là sự tích hợp nhiều truyền thống, đặc tính văn hóa chung, riêng của các vùng, miền[1]

Với các quốc gia Đông Á, trước khi ý thức về một cộng đồng khu vực xuất hiện thì mối quan hệ giữa các tộc người cổ, các vương quốc láng giềng đã được thiết lập. Vào thời hậu kỳ đá mới, đầu thời đại kim khí, trước nhiều biến chuyển về kinh tế và xã hội, mối quan hệ giữa các trung tâm văn hóa ngày càng được tăng cường. Sự hình thành, phát triển của các trung tâm nông nghiệp, các nền kinh tế sản xuất và sau đó là sự ra đời của nhà nước đã thúc đẩy sự giao lưu giữa các dân tộc[2]. Một số nhà nghiên cứu cho rằng từ khoảng thế kỷ II TCN đã có những mối liên hệ giữa vùng Hoa Nam với Ấn Độ, Tây Á[3]. Giả thuyết khoa học đó đến nay đã được chứng minh trên thực tế. Trong khi bằng chứng về mối quan hệ liên Á rất có ý nghĩa trong nhận thức về sự hình thành các không gian văn hóathì cũng nên thận trọng khi cho rằng sự hiện diện của các di sản văn hóa có nguồn gốc từ các vùng văn hóa, trung tâm kinh tế xa xôi là kết quả của mối tiếp giao trực tiếp giữa các quốc gia khu vực.
Trên phương diện văn hóa, trong khi chúng ta luôn trân trọng, đánh giá cao những phát triển mang tính bản địa và coi đó là những động lực nội tại, yếu tố nội sinh (endogenous factors) thì cũng không thể phủ nhận được một thực tế là, sự phát triển của hầu hết các nền văn hóa còn luôn chịu tác động của các trung tâm văn minh lớn khu vực và thế giới (exogenous factors). Những biểu hiện phát triển sớm của các nền văn hóa trên bán đảo Triều Tiên[4] hay sự xuất hiện của các nhà nước sơ khai Văn Lang, Âu Lạc... chính là kết quả nhiều mặt của các mối quan hệ, giao lưu văn hóa đa chiều[5]. Tích hợp nhiều nguồn năng lực sáng tạo văn hóa, trải qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, một số nền văn hóa trong khu vực (ví như văn hóa Đông Sơn) luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của nó[6]. Trong ý nghĩa đó, những tác động của môi trường văn hóa khu vực cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự tiến triển của các nhân tố kinh tế - xã hội cũng như sự định thành của các nhà nước cổ ở Đông Á.
Với phương Nam, quá trình hình thành và trỗi dậy mau chóng của Phù Nam (đại diện tiêu biểu của Đông Nam Á bán đảo) hay Srivijaya (Đông Nam Á hải đảo) và nhiều quốc gia khác trong khu vực từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên đến khoảng thế kỷ IX... chắc chắn không thể nằm ngoài những tác động quan trọng, mạnh mẽ của Trung tâm văn minh Tây Nam Á mà chủ yếu là từ nền Văn minh Ấn Độ[7]. Vào thời bấy giờ, dòng đối lưu và chuyển giao các sản phẩm kinh tế đồng thời là di sản văn hóa thường phải thông qua vai trò trung gian của nhiều quốc gia. Trong ý nghĩa đó, các quốc gia Đông Nam Á không chỉ là nơi tiếp nhận mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc luân chuyển các thành tựu kinh tế, kỹ thuật, văn hóa giữa các nền văn minh lớn là Trung Hoa - Ấn Độ và Tây Nam Á. Đến khoảng thế kỷ V-VI, mối giao lưu giữa khu vực Đông Bắc Á, mà Trung Quốc là đại diện tiêu biểu, với Đông Nam Á thông qua vai trò của các vương quốc đồng thời là các thể chế biển như Phù Nam, Champa, Srivijaya… đã xác lập nên mạng lưới giao thương châu Á với nhiều phạm vi, cấp độ khác nhau[8]. Trong khi Văn minh Ấn vẫn được coi là một nền văn minh lớn tiêu biểu của thế giới phương Đông và nền văn minh đó đã hình thành, phát triển trên “lục địa Ấn Độ” rộng lớn thì với Đông Nam Á những ảnh hưởng và đặc trưng văn hóa của Trung tâm văn hóa sông Hằng cùng không gian văn hóa vùng Đông Nam Ấn là thường xuyên, sâu đậm nhất[9].
Tương tự như vậy, ở khu vực Đông Bắc Á, tuy các quốc gia trong khu vực đều chịu ảnh hưởng của Văn minh Trung Hoa nhưng ảnh hưởng đó là rất khác nhau về thời gian, mức độ và tính chất. Điều chắc chắn là, hai nước Việt Nam, Triều Tiên do có lãnh thổ gần kề với Trung Hoa nên đã chịu những ảnh hưởng sớm, liên tục, mạnh mẽ  từ nền văn minh này. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, do sự biến thiên của các vòng tiếp giao văn hóa, biên giới chính trị cũng luôn có những chuyển dịch. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, thật khó có thể phân lập một cách rõ rệt đâu là những nhân tố văn hóa bản địa đâu là những yếu tố ngoại vi. Trải qua thời gian, do sự gần gũi về địa lý, môi trường văn hóa và nguồn gốc tộc người, sự giao hòa giữa các nền văn hóa đã diễn ra một cách tự nhiên bởi sự thiên di của các tộc người, quá trình cộng canh, cộng cư cùng biết bao mối tiếp giao xã hội, kinh tế. Do sự gần gũi về vị trí địa lý, ở Đông Bắc Á, ảnh hưởng của trung tâm văn hóa Hoa Hạ với Triều Tiên, Nhật Bản... là rất sâu đậm.
Trong khi đó, với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong cộng đồng Đông Nam Á, ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa chủ yếu là từ vùng Hoa Nam, mà trung tâm là lưu vực Trường Giang. Nhưng đó không phải là không gian văn hóa duy nhất ảnh hưởng đến Việt Nam. Nếu như có cái nhìn phân lập, có thể cho rằng, có ba vòng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa đến phương Nam là: 1. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Bắc, 2. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Nam, và 3. Ảnh hưởng từ trung tâm văn hóa Hoa Bắc nhưng đã được Hoa Nam hóa. Như vậy, vòng ảnh hưởng thứ hai và thứ ba là nhân tố hằng xuyên đối với các nền văn hóa phương Nam đồng thời là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hóa Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam cùng một số quốc gia khác trong khu vực.
Dấu ấn văn hóa Trung Hoa và sự hiện diện của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam như Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam. Có thể coi họ là những đại diện, hay sứ giả của văn hóa Trung Hoa ở Đông Nam Á. Nhưng, các đại diện và sứ giả đó chắc chắn từng đã đảm đương sứ mệnh và truyền tải thông điệp khác với những đồng bào của họ ở Hoa Bắc trong các cuộc “đối thoại văn hóa” với cư dân bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu... Như vậy, trong lịch sử nhìn chung các nền văn hóa khu vực khó có thể tiếp cận với các nền văn minh lớn một cách tổng thể, thấu hiểu được toàn bộ chiều sâu cùng năng lực sáng tạo của các nền văn minh đó. Nói cách khác, đó chỉ là những tiếp cận bộ phận mà thôi dù rằng, các tiếp cận đó luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia trong khu vực. Mặt khác, ngoại trừ những trường hợp “cưỡng chế văn hóa” cũng phải thấy rằng các xã hội Đông Á đã chủ động tiếp nhận, lựa chọn di sản văn hóa bên ngoài một khi những di sản đó là cần thiết và phù hợp với truyền thống văn hóa, tâm thức xã hội cùng nhu cầu phát triển của mỗi dân tộc[10].
Với quan niệm coi văn hóa luôn là một dòng chảy đa tuyến. Trong quá trình tiếp giao giữa các thời gian và không gian văn hóa, các nền văn minh lớn đã đồng thời tiếp nhận được nhiều di sản văn hóa từ của các quốc gia láng giềng cùng bao dân tộc “nhỏ yếu”, xa xôi khác. Như vậy, cùng với các giá trị chung như là kho tàng, vốn hồn của dân tộc thì các nền văn minh lớn bao giờ cũng có khả năng tích hợp cao các giá trị văn hóa trong nước với quốc tế, giữa vùng trung tâm với các truyền thống văn hóa của khu vực ngoại vi. Do vậy, nó luôn thể hiện tính tiên phong và ưu thế trội vượt so với các nền văn hóa khác. Vì thế, các nền văn hóa, văn minh xuất hiện sớm đã có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển chung của văn hóa khu vực và toàn thể nhân loại.
2. Cường quốc và “Trật tự thế giới”
Trong tiến trình hình thành và xác lập vị thế chính trị, kinh tế... mỗi quốc gia hay trung tâm văn minh luôn cần một không gian (space), môi trường (environment) rộng lớn cho sự phát triển. Nền kinh tế nông nghiệp cũng như du mục hay nói rộng ra là các thể chế nông nghiệp (Agricultural polities), cùng bản chất phát triển của các nền văn minh nông nghiệp đã quy định nên đặc tính đó. Các thể chế nông nghiệp luôn cần những châu thổ rộng lớn để tạo nguồn lương thực, tăng cường quốc khố và phát triển binh lực.
Một số nhà nghiên cứu thường có khuynh hướng trình bày quá trình tiếp giao giữa các nền văn hóa như là một diễn trình tự nhiên giữa các quốc gia. Nhưng cũng có thực tế là, trong khi xem xét đến động lực cùng hệ quả nhiều mặt của sự tiếp giao văn hóa chúng ta không thể không chú ý đến những nhân tố tương tác hợp thành. Những nhân tố đó thậm chí có thể nằm ngoài các mục tiêu truyền tải văn hóa. Do vậy, trong không ít trường hợp, sự hiện diện của những sản phẩm văn hóa này trong nền văn hóa khác hay là những biểu trưng của quá trình tiếp giao đó trên thực tế lại là kết quả của các tác nhân chính trị, quân sự và hoạt động kinh tế. Trong ý nghĩa đó, những người đem các giá trị văn hóa của dân tộc mình hay khu vực đến một dân tộc khác, một cách vô thức, đã để lại cho thế hệ sau những hệ quả văn hóa, xã hội nằm ngoài ý thức hành vi truyền bá văn hóa[11]. Do vậy, trong khi luôn có thái độ trân trọng với tất cả những di sản mà các thế hệ tiền nhân để lại thì trên phương diện học thuật, cần phải có sự nghiên cứu thận trọng, lý giải thấu đáo về những con đường cùng biểu hiện “tiếp giao văn hóa” đã từng diễn ra trong lịch sử.
Ở Đông Á, các thể chế chính trị khu vực luôn coi trọng nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhưng các thể chế đó cũng luôn có ý thức sâu sắc về các nguồn tài nguyên khác như lực lượng lao động, các mỏ kim loại, khoáng sản hay các trung tâm kinh tế, hệ thống giao thương... Trong một ý nghĩa rộng lớn hơn, vị trí địa lý của một vùng đất, một quốc gia cũng phải được coi là nguồn tài nguyên giá trị. Trên phương diện kinh tế, ngay cả các quốc gia có phạm vi lãnh thổ rộng lớn (đặc biệt là các đế chế) như Trung Hoa ở Đông Á, Ấn Độ ở Nam Á, Lưỡng Hà ở Tây Á hay Ai Cập ở châu Phi… dường như có đầy đủ, phong phú các nguồn tài nguyên nhưng trên thực tế nhu cầu phát triển tự thân của một đế chế luôn phải được bổ sung các nguồn tài nguyên hiếm hoặc bị thiếu hụt từ bên ngoài. Con đường để có được các nguồn tài nguyên đó có nhiều cách khác nhau nhưng thông thường các cường quốc và đế chế thường hay tiến hành chiến tranh để cướp đoạtngoại giao để chinh phục, thâu nạp; và xác lập quan hệ giao thương để trao đổi, mua bán sản phẩm. Các đế chế thường áp dụng chính sách của kẻ mạnh tức là luôn muốn và có thể tương đối dễ dàng thực thi một trong ba hay đồng thời cả ba biện pháp trên. Nhưng, đối với các quốc gia trung bình và nhỏ thì nhìn chung chỉ có thể và có khả năng thực hiện chính sách bang giao hữu nghị đồng thời tìm mọi biện pháp để sinh tồn, phát triển bên cạnh “bóng đen của các đế chế vĩ đại”[12].
Do có khả năng chiếm đoạt, mở rộng phạm vi lãnh thổ, xác lập được quyền lực của mình với các nước láng giềng, quốc gia nhỏ yếu khác nên trong không ít trường hợp nhiều quốc gia đã trở thành cường quốc khu vực. Trong quá trình phát triển, các cường quốc thường thể hiện tư duy “phi biên giới” (borderless) về phạm vi ảnh hưởng và quyền lực nên thường thực thi các chính sách đối ngoại mạnh mẽ để mở rộng lãnh thổ và xác lập quyền uy của mình. Như vậy, bằng nhiều cách và con đường khác nhau, một số cường quốc đã thực sự trở thành các đế chế (empire) khu vực.
Nhưng cũng có một thực tế là, quá trình mở rộng phạm vi ảnh hưởng đó thường dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát của quyền lực trung tâm. Trên các vùng đất và quốc gia lệ thuộc thường có sự đa dạng về nguồn gốc tộc người, truyền thống văn hóa, tôn giáo. Các dân tộc đó có ý thức rất sâu sắc về bản sắc văn hóa, chủ quyền dân tộc. Do vậy, dù muốn ngay cả các đế chế hùng mạnh cũng rất khó có thể quản chế và duy trì ảnh hưởng lâu dài, liên tục trong các khu vực lãnh thổ rộng lớn.
Trong lịch sử bang giao khu vực, từ thời Tần (221-206TCN), chính quyền phương Bắc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng xuống phương Nam. Đến thời Hán (206 TCN - 220 SCN), triều đại này càng muốn khuếch trương ảnh hưởng ra bên ngoài. Nhưng như đã nói ở trên, con đường lan tỏa và truyền bá văn hóa được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người ta vẫn gọi đó là con đường “quan phương” và “phi quan phương”. Điều đó có nghĩa là, cùng với các mối quan hệ, giao lưu chính thức giữa các chính thể còn có nhiều mối liên hệ giữa các địa phương, giới doanh thương cùng các nhóm, cộng đồng cư dân sống dọc theo hay vắt qua các vùng biên giới, lãnh hải… Do vậy, trong lịch sử các đường biên văn hóa hay không gian văn hóa - tộc người luôn có sự không tương thích với các đường biên chính trị. Phải coi đó là các “biên giới mềm” (soft border) hay “water frontier” luôn biến đổi và năng động. Đến thời Đường (618-907), với tư cách là một triều đại, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực và thế giới, kế thừa những cơ sở từ thời Hán, nhà Đường đã thiết lập nên hai con đường tơ lụa trên đất liền (continental silk road) và trên biển (maritime silk road)[13]. Do có tư tưởng khai mở, năng lực sáng tạo cao nên nhiều giá trị văn hóa, thành tựu kinh tế của vương triều này không chỉ có sức lan tỏa mà còn tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các trung tâm kinh tế, văn hóa thế giới.
Trên bình diện khu vực, cùng với việc củng cố, xác lập mối quan hệ truyền thống, mật thiết với bán đảo Triều Tiên và quốc đảo Nhật Bản, triều đại này cũng đã thiết lập nên các tuyến giao thương liên quốc gia trong đó có mạng lưới hải thương với khu vực Đông Nam Á. Thông qua các thương cảng Đông Nam Á, nhà Đường đã khai mở nhiều mối quan hệ mới với Đông Nam Á, khu vực Nam Á, Tây Á cùng nhiều trung tâm kinh tế xa xôi khác. Do vậy, có thể coi việc hình thành hai tuyến thương mại chạy dọc theo vùng bờ biển phía Đông và phía Tây Đông Nam Á vào thời Tống (960-1279) vừa là sự kế thừa mối quan hệ truyền thống vừa thể hiện những phát triển trội vượt của triều đại này trong việc thúc đẩy mối giao lưu kinh tế, hợp tác khu vực. Trên thực tế, những hoạt động thường xuyên, nhộn nhịp của hai tuyến giao thương này đã góp phần chấn hưng nền kinh tế Trung Quốc, thể hiện tầm nhìn và mức độ ảnh hưởng của nhà Tống, một triều đại lớn trong lịch sử Trung Hoa. Do vậy, cùng với sự hình thành Tống Nho, cuộc “Cách mạng nông nghiệp” (Agricultural revolution), “Cách mạng thương nghiệp” (Commercial revolution) diễn ra vào thời Tống đã mở rộng ảnh hưởng của Trung Hoa đến Đông Á, Nam Á và Tây Á rộng lớn, nơi có nhiều nguồn thương phẩm mà thị trường Trung Quốc cần.
Vào thế kỷ XV, sau bảy chuyến hạ Tây dương (1405-1433) của Trịnh Hòa (Zheng He, 1371-1433) nhà Minh cũng đã xác lập được phạm vi ảnh hưởng rộng lớn với nhiều quốc gia khu vực Đông Á và thế giới. Phạm vi ảnh hưởng đó vẫn tiếp tục được duy trì đến thời Thanh cho đến khi các nước phương Tây đánh bại triều đình phong kiến Mãn Thanh trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện. Sự thất bại của nhà Thanh đã làm thay đổi trật tự Trung Hoa (Chinese world order)[14]. Tiềm năng kinh tế, sức mạnh của thiết chế chính trị và năng lực sáng tạo văn hóa đã tạo nên uy lực của các cường quốc, đế chế và trên thực tế đã tạo được phạm vi ảnh hưởng hay là những trật tự của nó. Lịch sử Đông Á cho thấy, cùng với “Trật tự Trung Hoa”, ở một mức độ khiêm tốn hơn còn có một số trật tự khu vực khác. Trong những ngày phát triển hưng thịnh, bằng chiến tranh, áp lực chính trị và quan hệ thương mại... Phù Nam đã thiết lập nên một hệ thống các nước thần thuộc, chư hầu[15]. Tương tự như vậy, ở Đông Nam Á các cường quốc như Srivijaya, Angkor, Đại Việt... cũng đã tự xác lập nên trật tự của riêng mình trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực với các quốc gia khu vực[16].  
3. Những biến đổi về mô hình và tính chất
Như đã trình bày ở trên, vì nhiều nguyên nhân, ở Đông Á đã sớm xuất hiện một số cường quốc và đế chế. Nếu như lấy quy mô và phạm vi ảnh hưởng làm cơ sở phân lập thì ở Đông Á từng xuất hiện ba loại đế chế. Đó là, “Đế chế thế giới” (World empires), “Đế chế khu vực” hay “Đế chế vùng” (Regional empires) và “Đế chế tiểu vùng” (Sub-regional empires). Theo đó, “Đế chế thế giới” có ảnh hưởng trên một phạm vi rộng lớn. Nhưng loại đế chế này xuất hiện không nhiều. Trong lịch sử Đông Á, vào thế kỷ XIII triều đại Mông - Nguyên (1206-1368) có thể coi là một trong những trường hợp như vậy. Vào thế kỷ XIII, vó ngựa và các chiến hạm Mông - Nguyên đã gây nên những biến động lớn trong đời sống xã hội, văn hóa của nhiều quốc gia Đông Á và thế giới. Ở phương Tây, La Mã cũng đã từng sớm trở thành một “Đế chế thế giới”. Phạm vi quản chế, vòng ảnh hưởng của đế chế La Mã không chỉ ở châu Âu mà còn bao gồm nhiều vùng đất của châu Á, châu Phi. Như vậy, “Không một nhà nước bá chủ nào tự nó là bá chủ theo nghĩa bao phủ toàn trái đất...; Như chúng ta đã thấy, người La Mã và người Trung Hoa quan niệm rằng đế chế của họ bao gồm tất cả các dân tộc trên thế giới mà họ coi là quan trọng”[17]
Sau khi nhà Nguyên sụp đổ, triều Minh thiết lập được quyền lực (1368-1644), với 7 chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa, dường như triều đại này muốn phục hưng vị thế vốn có của một “Đế chế thế giới”. Nhưng, thay vì chinh phục các vùng thảo nguyên, các tuyến giao thương, trung tâm kinh tế nằm dọc theo “Con đường tơ lụa trên đất liền” (Continental silk road) nhà Minh đã lựa chọn cách thức mở rộng ảnh hưởng về phía biển. Các sứ thuyền, chiến thuyền và thương thuyền Trung Hoa đã đến Đông Nam Á, Tây Nam Á, bờ Đông của lục địa châu Phi để thăm dò, thể hiện uy lực, xác lập các mối quan hệ bang giao, quan hệ thần thuộc đồng thời mở rộng mạng lưới kinh tế đối ngoại[18]. Bảy chuyến hạ Tây dương của Trịnh Hòa một lần nữa thể hiện tư duy hướng biển, khả năng khai thác và chinh phục biển khơi của người Hoa. Cuộc chinh phục đó đã tạo nên một hình ảnh và tư duy khác biệt về đặc tính của văn minh Trung Hoa[19]. Rõ ràng là, văn minh Trung Hoa không chỉ mang những đặc điểm của văn minh nông nghiệp - lục địa mà còn đồng thời là nền văn minh biển. Người Trung Hoa nhất là cư dân vùng hải đảo và duyên hải Đông Nam (Phúc Kiến, Quảng Châu, Hải Nam...) vốn có truyền thống khai thác biển và phát triển quan hệ hải thương trên biển.
Mặc dù nuôi dưỡng những tham vọng lớn nhưng dường như nhà Minh đã không thể xác lập được vị thế của một “Đế chế thế giới”. Vì vậy, sau các chuyến “viễn du” ảnh hưởng của nhà Minh đã suy giảm mau chóng. Tuy số lượng các quốc gia thần thuộc và muốn đến triều cống, xác lập quan hệ với triều đình Nam Kinh (1368-1421) rồi Bắc Kinh (1421-1644) có tăng lên nhưng thực tế Trung Quốc đã trở lại với vị trí của một “Đế chế khu vực”. Vị thế này tiếp tục được duy trì đến cuối thời Thanh (1644-1911) và Trung Quốc, về cơ bản, lại trở về với tư duy truyền thống với cách nhìn hướng nội.
Ở khu vực Đông Bắc Á, vào cuối thế kỷ XVI, trong thế suy yếu của nhà Minh và áp lực ngày càng tăng của phương Tây cũng như hệ thống kinh tế thế giới, Nhật Bản mà cụ thể là chính quyền Toyotomi Hideyoshi (1536-1598) cũng đã muốn vươn lên trở thành một “Đế chế khu vực”[20]. Bằng việc muốn chứng tỏ sức mạnh của mình với các quốc gia Đông Bắc Á và phương Tây, hẳn là Nhật Bản cũng muốn vươn lên, phá bỏ những chi phối của “Trật tự Trung Hoa”. Sau khi Tokugawa Ieyasu (1542-1616) giành được quyền lực năm 1600, thay vì tư duy lục địa bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, bắt cư dân, chiếm đoạt các nguồn tài nguyên vùng bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, người Nhật đã phát triển tư duy hướng biển và thiết lập hệ thống Châu ấn thuyền (Shuin-shen). Đến những năm 30 của thế kỷ XVII, Nhật Bản đã có quan hệ bang giao và thương mại với hầu hết các quốc gia Đông Á. Vì những lợi ích kinh tế, các quốc gia khu vực cũng đều muốn duy trì quan hệ giao thương thường xuyên với nước này. Kết quả là, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, trên cơ sở kinh nghiệm và mạng lưới giao thương truyền thống của thương nhân Lưu Cầu, Trung Hoa..., Nhật Bản đã thiết lập được một hệ thống kinh tế đối ngoại ở Đông Á. Tính chất “đế chế” ở đây được biểu hiện dưới lĩnh vực kinh tế với những phát triển trội vượt trong các hoạt động ngoại thương. Vào cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX, chịu tác động của bối cảnh chính trị thế giới, ở châu Á, Nhật Bản lại nuôi tham vọng trở thành “Đế chế khu vực” nhưng cuối cùng đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Không còn con đường nào khác, nước này phải trở lại với phương cách phát triển truyền thống. Trên thực tế, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn Nhật Bản đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành hiện tượng “phát triển thần kỳ” (miraculous development) của thế giới trên cơ sở phát triển kinh tế và mở rộng tư duy hướng ngoại[21].
Trong khi đó, nếu như có một cái nhìn so sánh, đến thời Choson (1392-1910) để thích ứng với những biến đổi khu vực đồng thời do luôn chịu áp lực mạnh mẽ từ đế chế Trung Hoa, Triều Tiên đã dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa (Chinese model) để tự thiết lập cho mình một mô hình tổ chức, quản lý nhà nước mới. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì xu thế chính trị đó trên thực tế đã “biến đổi Triều Tiên hoàn toàn thành một nư­ớc Trung Quốc hoá (Sinified) do một nhóm xã hội quý tộc đư­ợc gọi là yangban (l­ưỡng ban) thống trị”[22]. Ngoại trừ một số biến động như 2 cuộc xâm lược của Nhật Bản diễn ra vào cuối thế kỷ XVI, hơn 5 thế kỷ tồn tại của triều đại Choson đã diễn ra trong trạng thái “yên bình”. Nói cách khác, triều đại Choson đã không có được những điều kiện cần thiết để có thể vươn lên, thể hiện quyền uy trước vòng kiềm tỏa cùng sức ép của hai đế chế khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản.   
Ở Đông Á, cũng có thể thấy trong mỗi vùng thậm chí tiểu vùng, trong từng thời gian, cũng thường nổi lên vai trò chi phối, vị trí trung tâm của một hay một số cường quốc. Có thể gọi đó là “Đế chế tiểu vùng” (Sub-regional empire). Các quốc gia này thường có khả năng điều tiết, quản chế nhiều hoạt động chính trị, quân sự, bang giao của vùng đó. Nói cách khác, như là sự mô phỏng con đường và cách thức của các “Đế chế thế giới” và “Đế chế khu vực”, các quốc gia có thế lực đều muốn tự mình trở thành “chúa tể” của tiểu vùng. Trong ý nghĩa đó, việc kiểm soát hay chiếm đoạt các tuyến thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng. Để thể hiện uy lực đồng thời cũng là vì sự tồn tại, phát triển của chính mình, các “Đế chế tiểu vùng” thường xuyên gây áp lực với các quốc gia láng giềng thậm chí ép buộc các nước này trở thành chư hầu hay thuộc quốc và phải thực thi chế độ triều cống. So với các “Đế chế thế giới” hay “Đế chế khu vực”, các “Đế chế tiểu vùng” có phạm vi lãnh thổ và mức độ ảnh hưởng hẹp hơn nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế, giao lưu văn hóa… với các quốc gia trong cùng một tiểu vùng bởi những tác động thường xuyên và trực tiếp. Nhận thức rõ vị thế, tầm ảnh h­ưởng của mình, các đế chế đó luôn thực thi những chính sách bành tr­ướng, theo đuổi t­ư duy hư­ớng đại. Tư­ tưởng đó, đã để lại hệ quả nhiều mặt đối với các quốc gia này.
Như vậy, như là những mục tiêu xen cài giữa chính trị và kinh tế, các nước nhỏ luôn phải chịu ít nhất hai mối quan hệ chi phối đó là sự đe dọa, áp lực của “Đế chế tiểu vùng” (trực tiếp) và trên bình diện rộng lớn hơn là “Đế chế khu vực”. Ở Đông Á đã từng có không ít những quốc gia có vai trò chi phối như vậy. Những quốc gia như Phù Nam, Champa, Đại Việt, Angkor, Ayutthaya, Pagan của vùng bán đảo Đông Nam Á hay Srivijaya, Majapahit… ở Đông Nam Á hải đảo từng là những quốc gia cường thịnh một thời. Ở Đông Nam Á, Angkor vẫn được coi là một “Đế chế tiểu vùng” đồng thời là một “Đế chế nông nghiệp” điển hình[23]. Trong khi đó, Phù Nam, Champa, Srivijaya và đến thế kỷ XVI-XVII thì Ayutthaya và mức độ nào đó là Đàng Trong (Cochinchina) đã trở thành các “Thể chế biển” (Maritime polities) với nhiều hoạt động giao thương tích cực trên các tuyến hải thương Đông Á.
Cùng với sự phân lập về quy mô hay mức độ ảnh hưởng, chúng ta cũng thấy mỗi đế chế trong quá trình phát triển đều phải dựa vào tiềm lực kinh tế vững mạnh. Cơ sở kinh tế đã tạo nên nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của các loại hình đế chế này. Mặc dù luôn có sự dự nhập và vai trò tổng hòa của đồng thời nhiều ngành kinh tế nhưng nhìn chung, vào thời cổ trung đại, các cường quốc hay đế chế ở Đông Á đều là các “Đế chế nông nghiệp” (Agricultural empires). Về cơ bản Trung Hoa cũng thuộc về loại hình này. Nhưng sự thâm nhập và vươn lên giành đoạt quyền lực của các tộc người du mục đã khiến triều đại Mông - Nguyên trở thành một “Đế chế du mục” (Nomadic empire). Do vậy, trong quá trình trở thành một “Đế chế thế giới” tư duy lục địa luôn giữ vai trò chi phối trong chính sách bành trướng của triều đại này. Nhưng sau đó, với sự thiết lập triều Minh, dường như Trung Quốc đã trở thành “Đế chế thương mại” (Commercial empire) hay “Đế chế hàng hải” (Maritime empire). Như vậy, trong những thời đại lịch sử nhất định, Trung Quốc đã phần nào từ bỏ những định chế và con đường phát triển truyền thống để chuyển hóa từ “Đế chế nông nghiệp” hay “Đế chế lục địa” (Continental empire) thành “Đế chế biển” hay “Đế chế đại dương” (Ocean empire). Như vậy, trên cùng một lãnh thổ, một không gian địa - chính trị nhất định các đế chế luôn thể hiện tính chất đa dạng. Điều đó cũng có nghĩa là, đế chế đó vừa có thể là “Đế chế lục địa” vừa là “Đế chế nông nghiệp” đồng thời là “Đế chế khu vực”... Trong một cái nhìn phân tích và tư duy phức hợp có thể thấy: sự đan xen, chồng lớp, quá trình chuyển hóa vai trò, tính chất cũng như mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các loại hình đế chế là chủ đề hết sức thú vị trong nghiên cứu.  
Sau các phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, trong quá trình thâm nhập đến các thị trường thế giới trong đó có khu vực Đông Á, các cường quốc thương mại châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... trên thực tế đều đã trở thành các “Đế chế đại dương”. Biển cả không chỉ là con đường giao lưu kinh tế, mạch nối tiếp giao giữa các nền văn hóa, văn minh, trung tâm kinh tế mà còn nuôi dưỡng các thể chế, làm thay đổi diện mạo thế giới. Có thể nói, với việc thiết lập các tuyến giao thương trên biển, thời đại của các “Đế chế lục địa”, “Đế chế nông nghiệp” đã cơ bản chấm dứt để thay vào đó là sự xuất hiện các tuyến buôn bán trên biển và xác lập quyền lực của các cường quốc thương nghiệp hay “Đế chế đại dương” và “Văn minh công nghiệp”[24].  
 4. Di sản và dấu ấn văn hóa
Trong quá trình hình thành và phát triển, dường như có một định đề mang tính quy luật là, các nền văn minh bao giờ cũng sản sinh ra các tôn giáo hay hệ tư tưởng lớn. Nhưng sau khi ra đời, các tôn giáo và hệ tư tưởng đó đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa, dẫn dắt sự tiến triển của các nền văn minh. Tư tưởng, tôn giáo còn là nền tảng văn hóa, chính trị và tạo nên đặc tính tiêu biểu của mỗi nền văn minh. Dưới những tác động kinh tế - xã hội, các tôn giáo và hệ tư tưởng dù luôn nắm giữ những sức mạnh thần thánh nhưng cũng phải không ngừng thích ứng với những biến đổi chung của lịch sử, hòa nhập với những bước chuyển của lịch sử và là một bộ phận hợp thành của lịch sử, văn hóa - văn minh. Ở khu vực Đông Á, trên thực tế đã từng xuất hiện hai khu vực địa - văn hóa đồng thời là hai thế giới. “Thế giới Trung Hoa” chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo trong khi đó khu vực Đông Nam Á, vốn vẫn được coi là “Thế giới Ấn Độ hóa” luôn chịu ảnh hưởng và thực tế cũng được thừa hưởng những di sản văn hóa của nền Văn minh Phật giáo, Hindu giáo truyền đến từ Nam Á. Hiển nhiên, đó chỉ là cách phân lập tương đối, bởi lẽ trong lịch sử các quốc gia Đông Bắc Á cũng từng chịu nhiều ảnh hưởng của nền Văn minh Phật giáo. Tương tự như vậy, trong đời sống của các dân tộc Đông Nam Á, cũng luôn có sự hiện diện của các truyền thống và đặc tính văn hóa Trung Hoa.
Trở về với “Thế giới Đông Nam Á” chúng ta thấy, cùng với sự trư­ởng thành của ngành Đông Nam Á học, một số học giả khu vực và quốc tế thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến những giá trị sáng tạo bản địa được biểu đạt như là những “yếu tố cội nguồn”, “thuần chất Đông Nam Á”. Từ đó, cũng có khuynh hướng coi nhẹ, thậm chí phủ nhận những tác động, ảnh hư­ởng của môi trư­ờng văn hoá bên ngoài như Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Á và cả văn minh phương Tây đối với sự hình thành, phát triển của các quốc gia khu vực. Dù sự tranh luận gay gắt giữa một bên là những ngư­ời theo thuyết “Truyền bá luận” (Diffusionism) chủ trương văn hoá Đông Nam Á là do bên ngoài truyền tới và “Thuyết bản địa luận” (Autochtonism) nhấn mạnh đến những nhân tố nội tại và năng lực sáng tạo của Đông Nam Á thì với những thành tựu nghiên cứu hiện nay, có thể cho rằng, một cái nhìn cực đoan về xã hội Đông Nam Á qua những biểu hiện cũng như bản chất của nó, đều xa lạ và không phù hợp với thực tế lịch sử.
Có thể nói, sự hình thành và phát triển của văn hoá Đông Nam Á đã diễn ra trong những mối quan hệ, giao l­ưu, tư­ơng tác đa chiều. Các xã hội Đông Nam Á đã phát triển dựa trên những giá trị bản địa nhưng đồng thời cũng tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của các nền văn minh lớn. Không chỉ dừng lại ở đó, Đông Nam Á còn đóng vai trò truyền nối và chuyển giao văn hoá giữa nội vùng với ngoại vi
Dựa trên những thành tựu nghiên cứu mới đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học, nhân học..., có thể khẳng định rằng Đông Nam Á, với những giá trị sáng tạo riêng biệt và truyền thống lịch sử văn hoá..., phải đư­ợc coi là một trong những Trung tâm văn hóa quan trọng của châu Á. Trên ph­ương diện kinh tế, với tiềm năng phong phú và hoạt động kinh tế đa dạng, Đông Nam Á là một Trung tâm kinh tế của Đông Á. Trong nhiều thế kỷ, Đông Nam Á là một khu vực kinh tế năng động, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế phư­ơng Đông và thế giới[25]. Về xã hội và văn hóa, khi những ảnh h­ưởng của các nền văn minh bên ngoài thâm nhập đến khu vực thì Đông Nam Á đã là những xã hội có tổ chức, có truyền thống văn hóa lâu đời. Đó chính là những điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận các thành tựu, di sản văn hóa từ bên ngoài. Về điều kiện tự nhiên, do có chỉ số duyên hải cao, tự trong bản chất, văn hóa và xã hội Đông Nam Á luôn thể hiện tính năng động, khả năng thích ứng cao với những thách đố văn hóa, chính trị từ bên ngoài. Trong tâm thế đó, “ngay từ thời tiền sử, nhất là từ thời đại kim khí, với tính chất đại dương của địa hình và với sự phát triển khá cao của nghề đi biển, ng­ười Đông Nam Á đã truyền bá văn minh của mình về phía Tây tới tận Magadasca, về phía Bắc tới tận Nhật Bản và về phía Đông tới tận vùng đảo Thái Bình D­ương”[26].
Một số nhà khoa học cũng cho rằng từ thời tiền sử, sơ sử văn hoá Đông Nam Á đã có những liên hệ với Ấn Độ. Điều có thể thấy đư­ợc là, trong những hiện vật thuỷ tinh, mã não và hạt chuỗi của văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh đã có những hoạ tiết trang trí vẽ màu giống như­ phong cách Ấn Độ[27]. Huyền thoại về nguồn gốc, về nghĩa đồng bào và mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, đẻ ra trăm ng­ười con..., theo nhà nghiên cứu Manomohan Ghosh thì rất tương đồng với những ghi chép trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ[28]. Mặt khác, ảnh hưởng của văn hóa Đông Nam Á đã sớm được mở rộng đến nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á. Trên cơ sở các cứ liệu khảo cổ học, nhân học GS. Hà Văn Tấn từng cho rằng: “ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn lên phía Bắc, theo l­ưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng”[29]. Vào thời kỳ đầu của giai đoạn này, văn hoá Đông Nam Á đã đạt đến độ phát triển rực rỡ và chính nhà Đông Ph­ương học nổi tiếng ngư­ời Nga D.V.Deopik đã gọi thế kỷ V trước Công nguyên là “Thế kỷ của phư­ơng Nam”. Trên nhiều phư­ơng diện, văn hóa Đông Nam Á đã có những ảnh hưởng rộng lớn, vư­ợt rất xa ra ngoài những quốc gia láng giềng[30].      
Đánh giá về vị thế của văn hoá Đông Nam Á, trong công trình: “Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới”, học giả nổi tiếng Nhật Bản Tadao Umesao cho rằng: Đông Nam Á là một khu vực văn minh. T­ương tự như­ vậy, với cách nhìn khách quan, trong tác phẩm “Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải”, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nổi tiếng thế giới Arnold Toynbee cũng đư­a ra một nhận xét rất đáng chú ý về vị thế của “văn minh Việt Nam” trong mối liên hệ và tương tác với văn minh Trung Hoa và khu vực. Tác giả cho rằng: “Có một mối liên hệ gần gũi hơn nhiều giữa một bên là văn minh Trung Hoa với một bên là các nền văn minh Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ba nền văn minh này mô phỏng văn minh Trung Hoa nh­ưng đã vay mư­ợn văn minh Trung Hoa theo những con đ­ường riêng biệt khá đặc trư­ng, khiến cho ng­ười ta có quyền coi chúng là những nền văn minh riêng biệt - thuộc vào một phân loại (sous-classe) mà chúng ta có thể gọi là những “Văn minh vệ tinh” (Civilisations satellites), đối lập với những

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8