Về làng văn hóa nhìn qua trường hợp văn Nguyễn Hữu Nhàn
[ 21/02/2013 23:04 PM | Lượt xem: 1463 ]

VỀ VĂN HÓA LÀNG NHÌN QUA TRƯỜNG HỢP VĂN NGUYỄN HỮU NHÀN

NGÔ VĂN GIÁ 

Nguyễn Hữu Nhàn được mệnh danh là nhà văn của làng quê, gắn bó với đất và người làng quê, cụ thể hơn là làng quê vùng trung du đất Tổ. Cây bút này không đi vào những vấn đề tố khổ, hoặc phê phán chống tiêu cực, hoặc làm ăn chuyển đổi kinh tế…mà bằng một cách thật tự nhiên, nhất quán, ông chuyên chú đi vào các tầng vỉa văn hóa của làng quê thời hiện đại. Nói tới văn hóa làng trước hết nói tới người làng, những con người trong mấy tư cách: chủ thể sáng tạo văn hóa làng, hiện thân của văn hóa làng, thụ hưởng văn hóa làng và quảng bá văn hóa làng. Trước Nguyễn Hữu Nhàn, không ít người đã biểu đạt văn hóa làng quê qua các tác phẩm của mình khá xuất sắc. Kể đầu bảng phải là Kim Lân. Nhà văn đã đi vào miêu tả và tôn vinh các “thú phong lưu đồng ruộng”, tức là nhấn vào chủ thể sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa làng. Sau này, khi đọc những trang văn trong Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, hay một số truyện ngắn của Đoàn Lê trong các tập Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa thấy các tác giả này có chú tâm tới vấn đề văn hóa khá sâu. Nhưng những tác giả này lại hướng trọng tâm vào các vấn đề khác. Do đó, văn hóa làng quê được hiện diện như chất liệu chứ không phải là đối tượng miêu tả. Xem văn hóa như một mối quan tâm thường trực và là đối tượng để suy tư và mô tả thì thấy ở Nguyễn Hữu Nhàn thường trực hơn, được quán xuyến hơn qua hầu hết các trang văn của mình. Nhãn thức văn hóa làng quê ở tác giả này đã luôn thường trực và chi phối toàn bộ cách lựa chọn vấn đề, nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ trong mỗi tác phẩm. Có thể thấy, ở Nguyễn Hữu Nhàn trước hết là một không gian văn hóa làng vùng trung du đất Tổ. Ông không đi ra khỏi không gian này. Có đôi truyện ngắn ông nói về những người Mường ở trong các làng bản người Mường. Vẫn là vùng trung du đất Tổ ấy thôi, song ông vẫn chạm đến vấn đề rất sâu của văn hóa Việt ở chỗ: do Việt Mường cùng chung một gốc, nên khi nhìn vào những gì văn hóa người Mường bảo lưu được cho đến ngày hôm nay khiến ta được dịp trở về với văn hóa của người Việt cổ- giai đoạn được giới nghiên cứu gọi là proto Việt-Mường (tiền Việt –Mường). Nguyễn Hữu Nhàn tiến hành khai triển mấy chủ đề sau: Thứ nhất, ông phô diễn một cách thích thú các phong tục của các tộc người, hoặc của không gian địa-văn hóa bằng vốn liếng kiến thức dân tộc học, văn hóa học khá phong phú của mình. Thứ hai, tôn vinh những giá trị tâm hồn và văn hóa đích thực của làng quê và người quê đang được gắng gỏi gìn giữ đến mức đáng cảm động. Và thứ ba, nhà văn thể hiện sự tha hóa của văn hóa làng quê trước sự xâm lăng của đô thị, kinh tế thị trường. Tác giả rất công bằng ở chỗ này. Văn hóa đô thị và kinh tế thị trường có những mặt hay, tích cực không thể phủ nhận. Nhưng mặt trái của nó, những thứ rác của văn hóa đô thị và kinh thế thị trường đang là mối nguy cơ lớn đối với cuộc sống và văn hóa làng quê hiện nay. Trước hết, nhìn vào thế giới nhân vật của Nguyễn Hữu Nhàn, người đọc thấy gần như toàn bộ đó là những người nông dân đang sinh sống, ăn ở hàng ngày tại làng. Những ông già bà cả được được gọi là bủ, những đứa bé gái được gọi là thẽm, những đôi vợ chồng trẻ, những cặp vợ chồng già, những đứa thanh niên mới lớn…Cả những người vốn gốc từ làng quê, đi sinh sống nơi xa hoặc đã trở về làng khi tuổi hưu hoặc vẫn đang con mưu sinh xứ người cũng đi vào trang viết Nguyễn Hữu Nhàn. Nhà văn của đồng ruộng này rất giỏi khi chỉ ra những tâm tính, thói tật của người nhà quê. Đó là tính gia trưởng hách dịch, thói lắm mồm hay chửi, thói quen sống tùy tiện, bệ rạc, tính hiếu thắng, căn bệnh sĩ diện rởm, tính keo bẩn hà tiện…Thôi thì bao nhiêu tật xấu của con người, ở nhà quê đều có cả. Tuy nhiên, nhà văn viết về nó với một giọng điệu hóm hỉnh, hài hước. Ông không căm ghét, thù nghịch với nó. Ông nhìn nó bằng cái nhìn độ lượng, cảm thông, tuy vẫn đứng chắc chắn trên một quan điểm yêu cầu cao về sự tiến bộ.

Nhà văn cũng trình bày những âu lo về tình trạng suy thoái nghiêm trọng của tâm tính con người, rộng ra là của văn hóa làng quê. Nhà văn để cho người kể chuyện nghĩ ngợi: “Đó là đám người giàu sổi vì may mắn và những anh vơ được tiền chùa dễ như vơ cỏ rác. Họ giàu nhanh đến chóng mặt. Tiền của về nhanh đến mức chà đạp, đẩy lùi văn hóa tụt về phía sau. Thế là đạo lý cương thường bị đảo lộn. Truyền thống bị tiêu diệt. Sự lố lăng láo nháo thay thế cho diện mạo bình dị thanh bình ở mọi ngóc ngách của quê hương. Cái họa chung đang từ đấy mà ra” (Tèo- Vĩ đại). Chủ đề này được thể hiện trong khá nhiều truyện như Đám cưới ở làng, Làng quê yên ả, Làng Phần…Tính hay tự phụ những cái không đâu, thói sĩ diện vụn vặt được nhà văn thể hiện khá sống động trong nhiều nhân vật. Có thể nói rằng cái tính khí tiểu nông gia trưởng với vô vàn biến thái của nó đã được Nguyễn Hữu Nhàn nhận diện và đưa vào tác phẩm với một tinh thần uy-mua (humour) thú vị. Nhờ vậy, không mang màu sắc thù địch, đạt được một tinh thần hòa giải thân thiện, “Nghe trong lẽ phải có người có ta”. Khi thể hiện sự tha hóa của văn hóa làng quê, nhà văn không rơi vào cái nhìn bi quan. Tuy tình trạng đời sống có bi đát đến mấy, dở khóc dở cười đến mấy, kết cục câu chuyện vẫn thấy những tia sáng của sự hy vọng. Điều này rất đúng với sức sống của tinh thần người dân quê đất Việt, văn hóa làng quê Việt. Nhà văn thường hay để cho các nhân vật cổ hủ, xấu tính, gàn dở cuối cùng phải quy thuận, thức tỉnh bởi những sự chống đối tuy nhẹ nhàng nhưng thật quyết liệt của lớp người trẻ tuổi hoặc người tiến bộ. Một đôi vợ chồng xem việc chửi nhau ban sớm như tập thể dục dưỡng sinh, quen mồm, không chửi không chịu được, thế mà phải nghe lời con cái, tự thấy mình chửi mãi cũng vô duyên (Vợ chồng hò hẹn). Một ông bố gàn dở, tham tiền, lắm mồm, sĩ diện, cuối cùng cũng vui vẻ chấp thuận cho con gái lấy người mà nó yêu (Lão Thật). Một ông bạn sống luộm thuộm, đi dép mang cả cứt trâu ngoài đường vào nhà lát gạch hoa, cuối cùng vẫn phải sửa dần cái tính tùy tiện đó (Người quê)…Vả lại thì văn hóa làng quê cũng có cái đáng yêu cảm động của nó. Vẫn trong truyện Người quê, bà vợ của nhân vật Thanh vốn người gốc Hà Nội, khi về quê sinh sống mang theo những cái thói trưởng giả, khinh miệt người nhà quê, cuối cùng cũng nhận ra rằng người nhà quê như ông bạn của chồng là một tấm lòng lương thiện, hào hiệp, chí tình mà nếu không có con người này, bà ta suốt đời sống theo cái thói lạnh lùng, bạc bẽo, sòng phẳng của thứ cặn bã đô thị. Trong tác phẩm này, nhà văn ứng xử một cách thật công bằng và sâu sắc khi nhìn nhận và đánh giá những vênh lệch, những hay dở của văn hóa làng quê và văn hóa đô thị. Văn hóa là một đại lượng không có gì hoàn toàn hay hoặc hoàn toàn dở, hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Hãy nhìn nó một cách chân thực nhất để mà tìm cách cải thiện tình hình. Đó là một thông điệp có ý nghĩa tỏa ra từ chính câu chuyện này và được thấm vào trong hầu hết các tác phẩm khác của Nguyễn Hữu Nhàn. Theo cách nói của nhà thơ Lê Đạt, mỗi một nhà nghệ sĩ thực sự có tài bao giờ cũng phải có một vùng chữ và một cách chữ riêng. Với Nguyễn Hữu Nhàn, ông là người nắm bắt và làm chủ một kho ngôn ngữ làng quê, của người nhà quê một cách sống động, thú vị. Đó là lời quê, chữ quê, cách nói quê. Nếu như thống kê theo cách này sẽ được một kết quả khá thú vị. Chỉ xin đơn cử ra một vài trường hợp. Cách gọi nhân vật theo các đại từ: u, bủ, mọ, thẽm, thằng cu, thằng cò, cái đĩ…thể hiện cái thổ ngữ rất riêng. Người nhà quê đay nghiến chồng: “Đi về, anh uống cho lắm vào, nhuốc”, “Các bà bủ có mà nhớ khối”, “Chẳng có nghiêm túc việc gì sất. Việc đến đít rồi”, “Nhẽ chết! Nhẽ chết!”…Những cách nói như vậy cũng rất đặc trưng cho người nhà quê vùng trung du đất Tổ. Hiện nay làng quê và văn hóa làng quê đang bị quăng quật tơi tả bởi những cơn bão của công nghiệp hóa, đô thị hóa, kinh tế thị trường và phương Tây hóa (toàn cầu hóa). Ngần ấy thứ hùa vào ăn thịt, tấn công hàng ngày hàng giờ thực thể văn hóa làng. Những làng cận kề đô thị hầu như đã bị xóa sổ cấu trúc làng. Những làng càng xa đô thị càn có khả năng cứu vãn văn hóa. Ở nước ta hiện nay, không hiểu vì lý do gì đang mặc nhiên tồn tại một quan niệm cho rằng cần phải đô thị hóa nông thôn. Rât nguy hiểm. Tại sao lại phải đô thị hóa nông thôn? Tại sao lại lấy mô hình đô thị để bắt nông thôn phải theo? Tại sao lại cho rằng đô thị là một giá trị, trong khi đó nông thôn không phải là một giá trị? Thế cho nên sinh ra tâm lý mặc cảm nông thôn. Hoặc người đô thị lại có tâm lý khinh thường người nông thôn, mặc dù căn rễ sâu xa văn hóa Việt đều bắt đầu từ nông nghiệp, lúa nước hết. Cái tâm lý “Giầu nhà quê không bằng ngồi lê ở phố”, tâm lý người kẻ chợ người kẻ quê…đã mặc nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay, và xem ra vẫn còn khá nặng nề. Trong khi đó ở những nước tiến tiến phương Tây, ai được sinh sống ở vùng nông thôn được xem là một niềm kiêu hãnh. Nông thôn của họ là một thứ nông thôn chất lượng cao: thưa dân, bảo tồn kiến trúc truyền thống, duy trì sản xuất nông nghiệp với một trình độ kỹ thuật hiện đại, các tiện nghi hiện đại được sử dụng thông minh và thân thiện với môi trường, cảnh quan sinh thái được chăm chút, được kính trọng… Nghĩa là một không gian nông thôn được bảo toàn mang tinh thần hiện đại từ trong cốt lõi và giàu giá trị nhân văn. Tại sao chúng ta không phát triển nông thôn như vậy, mà lại đồng lõa, khuyến khích công cuộc đô thị hóa nông thôn? Tôi cho rằng đô thị hóa nông thôn là cách người ta đang bức tử văn hóa làng truyền thống. Những suy tưởng dằn vặt của tôi một phần được tiếp sức từ những trang văn của Nguyễn Hữu Nhàn.

NVG

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 24