Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) và việc vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay
[ 13/03/2017 00:00 AM | Lượt xem: 11166 ]
  Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) và việc vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó là kết tinh của nhiều yếu tố; trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.


Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1945, trước thắng lợi của lực lượng Đồng minh, tình hình thế giới có sự chuyển biến mau lẹ, tạo thuận lợi lớn cho cách mạng Việt Nam. Ở trong nước, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đêm mồng 9-3, Nhật đảo chính Pháp. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị và ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận định: thời cơ giành thắng lợi đã tới! Đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[1].  

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, cả dân tộc muôn người như một, vùng lên, tạo thành ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào các cơ quan đầu não, làm tê liệt mọi sự kháng cự của phát xít Nhật và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công rực rỡ. 

Ngày 02-9-1945, tại Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước đầu tiên ở Đông Nam Á.  

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, Đảng ta đã xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT). Đó là, khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ; về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; về xác định và kết hợp đúng đắn nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc trong từng thời kỳ cách mạng,... và đặc biệt là bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối ĐĐKTDT.

Sức mạnh khối ĐĐKTDT trong Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn. Đường lối đó luôn thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Như vậy, quan điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, một mặt khẳng định sức mạnh nội lực, mặt khác kế thừa, phát triển tư tưởng “lấy dân là gốc” của dân tộc ta. Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám là đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, vì lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; đó là: đánh đổ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân,... Vì thế, trước lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, toàn dân đã nhất tề đứng lên giành chính quyền.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đảng ta chủ trương kêu gọi sự đoàn kết toàn dân; trong đó, Mặt trận Việt Minh là trung tâm quy tụ lực lượng của KĐĐKTD. Công tác vận động quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tính cách mạng triệt để; nó kết tinh giá trị văn hóa, tinh thần, ý chí quật khởi của cả dân tộc anh hùng với truyền thống của hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong nước thì vận động, tổ chức nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngoài nước thì liên minh với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản ở các nước, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Trong quá trình cách mạng, Đảng ta luôn kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn với CNXH, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình.  

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của nhân dân ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Chúng lợi dụng các vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhằm chia rẽ khối ĐĐKTDT, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng khối ĐĐKTD, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc; trong đó, coi trọng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Thấm nhuần sâu sắc bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT trong Cách mạng Tháng Tám, trước hết, chúng ta phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng; nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về yêu cầu, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng khối ĐĐKTDT; thấy rõ đây là vấn đề sống còn của cách mạng. Trên cơ sở đó, nêu cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

 Để xây dựng khối ĐĐKTDT, một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương và hệ thống chính trị; qua đó, không ngừng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lấy đoàn kết trong Đảng làm cơ sở để xây dựng khối ĐĐKTDT, tổ chức đảng các cấp là hạt nhân lãnh đạo, thực hiện. Đảng, Nhà nước lãnh đạo, điều hành việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT bằng các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương và hệ thống chính sách, pháp luật, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu đó là điểm chung của tất cả các giai tầng trong xã hội. Vì thế, công tác vận động quần chúng đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, nhất là tổ chức đảng các cấp đều phải tham gia “...vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...”[2].

Trong tình hình hiện nay, cần kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Dùng chính sách xã hội để điều chỉnh thu nhập, giảm bớt sự phân hóa giàu – nghèo, giải quyết đúng đắn, hợp lý các mối quan hệ, các lợi ích giữa các bộ phận, giai tầng trong xã hội. Cùng với đó, cần phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong các bộ phận dân cư. Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức vận động quần chúng; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn, đáp nghĩa”... Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm xây dựng một cộng đồng ổn định, thành đạt, hòa nhập vào xã hội và đoàn kết tốt với nhân dân nước sở tại; đồng thời, tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với quê hương, đất nước; bởi đó là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

ĐKTDT là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp BVTQ. Vì thế, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: xây dựng khối ĐĐKTDT, tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa,... và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nội lực là chính kết hợp với ngoại lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Các ngành, các địa phương cần coi trọng việc đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao nhận thức của nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nhân dân ta. 

Để thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu đó, vấn đề quan trọng là, phải tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, tập hợp lực lượng của toàn dân tộc để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu, rộng. Theo đó, từng tổ chức đảng, đảng viên phải không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn. Thực tiễn chỉ ra rằng: ở những nơi tình hình bất ổn, mất đoàn kết thì hầu hết là do tổ chức đảng yếu kém, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí thoái hoá, hư hỏng, làm mất niềm tin của quần chúng. Vì thế, các tổ chức đảng, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khắc phục những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng nhân dân. Mỗi đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng,  giữ vững tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học về xây dựng khối ĐĐKTDT từ cuộc Cách mạng vĩ đại đó còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ ngày nay./.
 
HOÀNG CÔNG VŨ
Học viện Chính trị
 

[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.
[2] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.
< tapchiqptd.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 5