Xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến và bài học kinh nghiệm
[ 13/03/2017 00:00 AM | Lượt xem: 2051 ]

  Xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến và bài học kinh nghiệm   

     
Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã chọn Cao Bằng làm căn cứ. Từ Cao Bằng, căn cứ địa cách mạng được mở rộng cùng với sự phát triển của cách mạng. Đến trước cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Việt Bắc đã hình thành khu giải phóng, gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tại đây, chúng ta có chính quyền của nhân dân và thực hiện 10 chính sách mới của Việt Minh. Ngày 13-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cùng ngày, lực lượng Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) được lệnh tiến đánh Thái Nguyên, mở đường tiến về Hà Nội, cùng cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám - 1945, giành độc lập dân tộc.


Tháng 12-1953, tại Chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chất chiến lược: tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.
(ảnh tư liệu)

Sớm nhận rõ âm mưu của thực dân Pháp xâm lược và vai trò quan trọng của Căn cứ địa Việt Bắc, nên trước khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa1. Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, ngày 02-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào cả nước trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Song, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam đã bị thực dân Pháp khước từ với dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Được đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp đã đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, từng bước mở rộng chiến tranh. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, Việt Bắc lại được Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm địa bàn xây dựng Căn cứ địa, nơi đặt An toàn khu - cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử một phái đoàn của Chính phủ, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng dẫn đầu, lên Việt Bắc tiếp tục chuẩn bị căn cứ địa, trước hết là tìm địa điểm cho cơ quan lãnh đạo và di chuyển phương tiện làm việc, lương thực, thực phẩm, vũ khí... dự trữ cho kháng chiến. Vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, bao gồm: huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được chọn để xây dựng An toàn khu của Trung ương. Nằm trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh, An toàn khu có hệ thống đường mòn toả đi các hướng, bảo đảm cho việc tiếp tế, cơ động, cũng như bảo đảm sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tổng chỉ huy tới các vùng miền, địa phương trên cả nước. Đó là những nơi "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh.       

Tháng 11-1946, Đội công tác đặc biệt của Trung ương, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách tiếp tục được cử lên Việt Bắc. Đội đã tiến hành những công việc cần thiết phục vụ cuộc tổng di chuyển; dự kiến và bố trí đường đi, nơi ở, nơi đặt cơ quan, công xưởng, kho tàng, v.v. Thị xã Bắc Kạn và một số địa điểm, như: Điềm Mặc, Phú Bình, Yên Thông (Định Hóa, Thái Nguyên) được chọn làm nơi ở của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, và được xây dựng thành An toàn khu của Trung ương để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cũng từ tháng 11-1946, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kháng chiến. Các công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu và gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi được sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài.

Với sự tin tưởng lựa chọn của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Bắc từ chiến khu cách mạng đã trở thành căn cứ địa cho cuộc kháng chiến. Núi rừng hiểm trở là nơi cất dấu kho tàng, giữ bí mật lực lượng, đồng thời cũng là nơi đánh giặc “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Cùng với đó, Việt Bắc còn là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Đặc biệt là, phát huy thế mạnh của đất đai màu mỡ, tài nguyên khoáng sản phong phú, cùng sự lao động cần cù của đồng bào các dân tộc, Việt Bắc đã cung cấp một phần quan trọng lương thực, thực phẩm cho lực lượng của ta trong kháng chiến. Vốn có truyền thống cách mạng, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Bắc đã sớm giành chính quyền, xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức quần chúng vững chắc, có lực lượng vũ trang, có chính quyền nhân dân các cấp,… trở thành căn cứ địa vững chắc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với sự lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa, được đồng bào Việt Bắc che chở, giúp đỡ, Trung ương Đảng đã xây dựng được chỗ đứng chân vững chắc cho cuộc kháng chiến. Đó cũng là một trong những cơ sở để Đảng ta thực hiện đường lối “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Vì thế, trong tiến trình của cuộc kháng chiến có sự chuyển hóa về so sánh lực lượng: ta dựa vào núi rừng Vệt Bắc càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và từng bước giành quyền chủ động; còn địch ngày càng bị động đối phó và càng thất bại. Nhờ vậy, cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tổ chức xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý. Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta có sự phát triển về nhiều mặt với yêu cầu cao hơn, song những bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng lực lượng, tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Căn cứ địa Việt Bắc,… vẫn còn nguyên giá trị.

Vận dụng bài học kinh nghiệm quý báu đó vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân khu 1 và các địa phương trên địa bàn đã tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; tăng cường quán triệt, vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ. Theo đó, Quân khu 1 và các địa phương trên địa bàn đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần của vùng Căn cứ địa Việt Bắc. Trong đó, các địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng cho nhân dân các dân tộc; xây dựng, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng được khối đoàn kết toàn dân “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở để xây dựng Căn cứ Việt Bắc vững mạnh trong tình hình mới. Trong đó, các địa phương đã tập trung xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu của từng tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng chính quyền các cấp thực sự của dân, do dân, vì dân. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, làm cơ sở nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Cùng với đó, các địa phương còn chăm lo xây dựng tiềm lực kinh tế, phát triển văn hoá, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng Căn cứ địa Việt Bắc. Những năm qua, mặc dù kinh tế của vùng Căn cứ địa Việt Bắc còn nhiều khó khăn, song việc xây dựng tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ các huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều được gắn với quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện theo tư tưởng chỉ đạo “mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng”. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã tập trung phát huy nội lực, tăng cường mở rộng liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế được xây dựng, củng cố, vừa phát huy hiệu quả trong sản xuất và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân sinh, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cấn thiết.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, các địa phương đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận thông tin đại chúng, hiểu rõ tình hình của đất nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tích cực đổi mới các hình thức và nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; tăng cường giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, giúp đồng bào nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của quê hương, của dân tộc, của nhân dân Việt Bắc cách mạng, thủy chung, ân nghĩa “Quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa”; đồng thời, nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và lực lượng vũ trang Quân khu còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào xoá bỏ các hủ tục, không để các lực lượng xấu kích động, xúi dục đi theo các tôn giáo phản động. Đặc biệt là, quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục; xây dựng trường lớp khang trang, nâng cao đời sống giáo viên, không để trẻ em thất học, hoàn thành phổ cập tiểu học, v.v.

Hiện nay, Quân khu đang tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục, huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu,… đảm bảo đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Từ kinh nghiệm xây dựng Căn cứ Việt bắc trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Quân khu còn thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ của “đội quân công tác”, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, như: “xóa đói giảm nghèo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày thêm vững chắc.
Với tầm nhìn chiến lược, dự kiến đúng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ diễn ra lâu dài, gian khổ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động sớm chuẩn bị Căn cứ địa Việt Bắc. Thực tế cho thấy, Căn cứ địa Việt Bắc đã tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để từ đây Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Việc tổ chức, xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, cần phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiếu tướng PHẠM THANH SƠN
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 1


1 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954, Tập 2, Toàn quốc kháng chiến, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 79.

< tapchiqptd.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 9