Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
[ 13/03/2017 00:00 AM | Lượt xem: 2182 ]

  Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh áp đảo, quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh đó tiếp tục được toàn Đảng, toàn quân và dân ta gìn giữ, bồi đắp và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bằng ba đòn tiến công chiến lược lớn là: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 04-3 đến ngày 24-3-1975), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21-3 đến ngày 29-3-1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26-4 đến ngày 30-4-1975), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Để làm nên thắng lợi vĩ đại đó, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng ta xây dựng và bồi đắp trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, được phát huy đến đỉnh cao trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.   

Sau khi Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam có hiệu lực, trên cơ sở phân tích thế và lực của ta, của địch, Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7-1973) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Hội nghị đề ra chủ trương tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tiến tới thực hành phản công, tiến công để giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ trương đó của Đảng đã tạo ra một động lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân cả hai miền Nam, Bắc tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu với tinh thần “Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Ở miền Bắc, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự tất thắng của cách mạng miền Nam trước thời cơ, thuận lợi mới do Hiệp định Pa-ri mang lại, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; đồng thời, dốc sức chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam. Các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”,… tiếp tục được đẩy mạnh với khí thế xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đó, chỉ trong 24 giờ sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, toàn bộ cầu phà và tuyến đường bộ 1A từ Hà Nội đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) được khơi thông; 03 ngày sau, tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh đã sẵn sàng cho các phương tiện vận tải chở người, hàng và vũ khí ra tiền tuyến. Theo tiếng gọi của miền Nam thân yêu, thanh niên miền Bắc với đủ thành phần: từ cán bộ, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, đến đồng bào các tôn giáo, các dân tộc ít người…; trong đó, không ít người là con độc nhất hoặc là người con cuối cùng của gia đình đều nô nức lên đường nhập ngũ, sẵn sàng vào Nam chiến đấu với mong muốn đóng góp sức mình vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Chỉ trong hai năm 1973 và 1974, đã có 25 vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ; hàng vạn dân công được huy động cùng các đơn vị bộ đội mở rộng các tuyến vận tải; 15 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội vào Nam chiến đấu; hàng vạn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền Bắc tình nguyện tới các vùng giải phóng công tác; 379.000 tấn vật chất được chuyển tới các mặt trận phía Nam, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho chiến trường miền Nam trong 16 năm trước đó. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, miền Bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh của mình cho tiền tuyến lớn, với việc đưa nhanh vào miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải[1], tạo nên sức mạnh áp đảo về thế và lực so với quân địch, tạo thuận lợi lớn cho quân và dân miền Nam tiến lên giành toàn thắng. Những cố gắng trên của nhân dân miền Bắc không chỉ nói lên vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, mà còn thể hiện sâu đậm sự đại đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc với nhân dân miền Nam. Nếu không có điều này, chúng ta khó có thể huy động được sức mạnh toàn diện của miền Bắc trong thời điểm vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. 

Trên chiến trường miền Nam, sau khi đẩy lùi những hành động lấn chiếm vùng giải phóng của Quân đội Sài Gòn, Quân giải phóng miền Nam liên tục đẩy mạnh tiến công, tăng cường thế trận chiến tranh nhân dân, mở rộng thêm địa bàn, tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ra sức chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tiếp tục có nhiều hình thức tập hợp lực lượng, phân hóa và cô lập kẻ thù, đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, buộc chúng phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri, đồng thời ráo riết chuẩn bị mọi mặt để vùng lên giải phóng khi thời cơ đến. Phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, học sinh, sinh viên, các tổ chức hòa bình, dân chủ và tiến bộ đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Thiệu từ chức,… nổ ra dồn dập, mạnh mẽ ở tất cả các thành phố lớn, diễn ra dưới nhiều hình thức, kết hợp bí mật với công khai và bán công khai, hợp pháp và bán hợp pháp,… đã tập hợp ngày càng nhiều quần chúng ủng hộ cách mạng, đẩy địch vào thế lúng túng, hoang mang, bị động. Các “lõm” chính trị ở vùng ven và nội đô các thành phố được tích cực xây dựng, với hàng chục vạn quần chúng có tổ chức sẵn sàng nổi dậy. Từ vùng rừng núi đến nông thôn đồng bằng và đô thị; trong nông dân, công nhân, tín đồ các tôn giáo, lực lượng trí thức, sinh viên, học sinh,… đều thành lập cơ quan chỉ huy kháng chiến và nổi dậy, tổ chức học tập chính trị, phân công nhiệm vụ theo phương án kết hợp tổng tiến công và nổi dậy, như: biểu tình đấu tranh, trinh sát, dẫn đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm, may cờ giải phóng, làm công tác binh vận và xuống đường phối hợp với các mũi tiến công quân sự giải phóng địa bàn. Cùng với đẩy mạnh hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương nhằm diệt ác, phá kềm, khỗng chế và phá rã phòng vệ dân sự, công tác binh vận cũng được tăng cường, nhằm tranh thủ lôi kéo binh lính, nhân viên ngụy quyền, các phe phái trong lòng địch, mở rộng mặt trận đoàn kết, cô lập kẻ thù chính, góp phần đánh sập ý chí chiến đấu, sức phản kháng của Quân đội Sài Gòn, tạo thêm thế và lực cho quân và dân ta tiến hành tổng công kích, hạn chế bớt đổ máu. Sự chuẩn bị trên cùng sự kết hợp tuyệt đẹp giữa các đòn tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy tại chỗ của quần chúng nhân dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra và giành toàn thắng vào ngày 30-4-1975. Sự kết hợp đó làm nổi bật bức tranh muôn màu về sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh không chỉ làm cho quân địch nhanh chóng tan rã, sụp đổ, mà còn tạo điều kiện để chúng ta giải phóng và tiếp quản Sài Gòn trong trạng thái gần như nguyên vẹn.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu hiện sinh động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự tiếp nối tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” của lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Đảng ta dày công xây dựng, bồi đắp và phát huy trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng. Sức mạnh đó có nguồn gốc trước hết từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước sau Hiệp định Pa-ri có nhiều thay đổi, các nước lớn có những động thái thỏa hiệp lẫn nhau, viện trợ của các nước XHCN cho Việt Nam giảm dần và ngừng hẳn vào năm 1975, nhưng Đảng ta vẫn kiên trì đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; trong đó, con đường giải phóng miền Nam tiếp tục là con đường cách mạng bạo lực. Sự kiên định chủ trương giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực được tiếp tục khẳng định tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương, đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng cả nước; xóa tan những ảo tưởng về thiện chí của địch trong thực hiện Hiệp định Pa-ri, củng cố quyết tâm xiết chặt đội ngũ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở hai miền đất nước, động viên được tối đa sức mạnh của cả dân tộc vào trận quyết chiến chiến lược; tạo nên sức mạnh như “trào dâng, thác đổ” đập tan những cố gắng cuối cùng của địch, giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Sự kiên định đường lối cách mạng miền Nam mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thời kỳ sau Hiệp định Pa-ri, khi mà Bác Hồ kính yêu đã đi xa, có nền tảng vững chắc từ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương. Nhờ có sự đoàn kết, thống nhất ấy, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới sau Hiệp định Pa-ri, Đảng ta đã có chủ trương chính xác về con đường cách mạng miền Nam thời kỳ này; trên cơ sở đó, chủ động đẩy mạnh chuẩn bị thế và lực, tập trung sức mạnh của cả nước cho đòn tiến công chiến lược cuối cùng. Khi thời cơ lịch sử đến, ta hạ quyết tâm chiến lược chính xác, nhạy bén, mở các đòn tiến công chiến lược, kết thúc chiến tranh sớm hơn dự định ban đầu, từ kế hoạch 2 năm (1975 –1976), xuống còn thực hiện trong gần 2 tháng. Có thể khẳng định rằng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng chính là hạt nhân tạo nên sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà còn cả trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975 còn bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. Truyền thống ấy bắt gặp đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và ngọn cờ đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh nên đã phát huy mạnh mẽ, rộng rãi hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc, thúc đẩy mọi người dân Việt Nam kết thành một khối vững chắc xung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh, nhiều cách đánh giặc độc đáo và hiệu quả. Cũng từ lòng yêu nước, từ ý thức dân tộc, căm thù sự bạo tàn của Mỹ - ngụy, các giai tầng trong xã hội được giác ngộ, đã tự nguyện tập hợp trong các tổ chức khác nhau, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, để thực hiện hai chiến lược cách mạng của cách mạng Việt Nam cho đến ngày toàn thắng.
Không thể bỏ qua một nhân tố quan trọng khác, cho phép tạo nên sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng, là phương thức tập hợp quần chúng vô cùng sáng tạo của Đảng. Với chủ trương “Đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được”, Đảng ta đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng chiến lược cách mạng ở mỗi miền để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mà không dập khuôn, máy móc. Thực hiện nhất quán lấy liên minh công - nông làm nền tảng cho mặt trận dân tộc thống nhất, song việc xây dựng khối đại đoàn kết ở mỗi miền lại có mục tiêu, cương lĩnh, hình thức tổ chức, cơ cấu thành phần không giống nhau. Ở miền Nam, Đảng ta chủ trương lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và sau đó “Thành lập một mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận dân tộc giải phóng”[2] là Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam với cương lĩnh chính trị rất mềm dẻo, linh hoạt và mục tiêu có nhiều bước đệm so với Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc, nên đã tập hợp được mọi lực lượng, mọi người dân yêu nước, những người có ý thức dân tộc ở miền Nam tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy, thực hiện mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chính sự hoạt động tích cực, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp của các tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã góp phần quan trọng vào việc cô lập cao độ kẻ thù, tạo thuận lợi cho các lực lượng của ta kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, nhanh chóng làm tan rã hàng ngũ kẻ thù, sớm mang lại toàn thắng, hạn chế bớt thương vong cho cả hai phía. Có thể nói, xây dựng và phát triển mặt trận dân tộc thống nhất ở cả hai miền với các hình thức mặt trận khác nhau, nhưng vẫn do một Đảng lãnh đạo là nét độc đáo của Đảng ta về tổ chức tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là bài học của quá khứ, mà tiếp tục là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Trên cơ sở đó, tích cực chăm lo xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” bằng những chủ trương, chính sách đồng bộ, hợp lòng dân cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn thâm độc của các thế lực nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện một cách kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa quyết định đến việc củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới; bởi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.  
 
  NGUYỄN NGỌC HỒI   
 

[1] - Đại thắng mùa Xuân 1975 -  Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 2011, tr.1138.
[2] - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 60.
< tapchiqptd.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 12