ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO TƯ DUY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
[ 02/07/2013 09:16 AM | Lượt xem: 2672 ]

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO TƯ DUY 

LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ


 PGS,TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC*


Mỗi đảng chính trị đều ra đời và hoạt động trên nền tảng của một hệ tư tưởng, một học thuyết lý luận. ĐCS được xây dựng và phát triển, thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng dựa trên nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lênin - lý luận tiền phong của cách mạng. Lênin cho rằng, không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”1.

Khởi đầu sự nghiệp cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thấy rõ cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng: “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2.

Quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng toàn diện các nhân tố về lý luận, chính trị và tổ chức, cán bộ, trước hết là chuẩn bị về tư tưởng lý luận.

Người đã tiếp thu lý luận Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng ấy con đường cứu nước đúng đắn và ra sức truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để dẫn tới thành lập Đảng cách mạng chân chính - ĐCS Việt Nam. Sự kết hợp lý luận Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước là nét độc đáo trong sự hình thành và phát triển ĐCS ở Việt Nam. Yếu tố giai cấp, dân tộc hoà quyện và thống nhất. Các tổ chức cộng sản đều phát triển khởi đầu từ tư tưởng và tinh thần yêu nước hoà cùng sự giác ngộ tư tưởng của giai cấp công nhân (GCCN).

Điều cần nhấn mạnh là Nguyễn Ái Quốc truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam không phải bằng sách vở kinh điển, câu chữ mà bằng nắm vững và giải thích bản chất cách mạng và khoa học, linh hồn và phương pháp nhận thức khoa học của học thuyết ấy. Truyền bá lý luận Mác - Lênin thông qua nhận thức, quan điểm, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - quan điểm, tư tưởng đã được khảo nghiệm, quan sát, suy ngẫm từ hoạt động thực tiễn nghiêm túc, phong phú và không ngừng sáng tạo cho phù hợp với một nước thuộc địa vẫn tồn tại chế độ phong kiến như Việt Nam.

Vấn đề đặt lên hàng đầu trong nhận thức lý luận và định hướng cho hành động là nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”3.

Tư duy lý luận và cũng là công lao nổi bật của Nguyễn Ái Quốc là đã đặt đúng vị trí, vai trò của vấn đề dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa trong quan hệ với vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng con người, làm cơ sở cho Cương lĩnh chính trị đầu tiên của ĐCS Việt Nam (1930) là làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập “để đi tới xã hội cộng sản”4. Tư duy đó phản ánh xu thế và nội dung cách mạng của thời đại được mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và hướng vào giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam khi đó.

Khi Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh vấn đề dân tộc, coi chủ nghĩa dân tộc chân chính là một động lực vĩ đại của cách mạng không có nghĩa là bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc mà chính là Người đã nắm bắt sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, đã phát triển lý luận về vấn đề dân tộc lên một bước mới. Cần nhận thức rõ rằng cả Mác, Ăngghen, Lênin đều đề cao vấn đề dân tộc trong quan điểm cách mạng của giai cấp vô sản (GCVS). Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) Mác - Ăngghen đã nêu rõ: "Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc"5. Mác - Ăngghen nhấn mạnh: "Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc"6. Như vậy, nội dung giai cấp và dân tộc được kết hợp mật thiết trong mục tiêu đấu tranh của GCVS và ĐCS, sứ mệnh lịch sử của GCVS không chỉ đấu tranh giải phóng giai cấp mình mà còn giải phóng dân tộc và toàn nhân loại. Lênin là người rất coi trọng vấn đề dân tộc và thuộc địa và chính những tư tưởng đó của Lênin đã làm cho Nguyễn Ái Quốc sáng tỏ và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn. Bản thân cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1917) do Lênin và ĐCS Nga lãnh đạo không chỉ là cuộc cách mạng vô sản giải phóng GCVS và nhân dân lao động nước Nga mà còn giải phóng các dân tộc vốn là thuộc địa của nước Nga Sa hoàng trước đó.

Thực tiễn đó đã dẫn tới quan điểm của nhiều người kể cả Quốc tế Cộng sản, rằng cách mạng ở thuộc địa không thể giành được thắng lợi nếu cách mạng vô sản không nổ ra và thành công ở chính quốc. Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng ở các thuộc địa như hai cánh của một con chim, có quan hệ mật thiết và phối hợp chặt chẽ với nhau. Người nhấn mạnh, cách mạng ở thuộc địa không ỷ lại vào cách mạng ở chính quốc mà phải chủ động đấu tranh giành thắng lợi với ý chí tự lực tự cường. Người dự báo: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"7.

Với tư duy sáng tạo đó, Nguyễn Ái Quốc và ĐCS do Người sáng lập từ năm 1930 đã từ thực tiễn của các phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931, 1936 - 1939 không ngừng phát triển nhận thức lý luận, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Các hội nghị BCHTƯ Đảng tháng 11 - 1939, 11 - 1940 và nhất là Hội nghị Trung ương tháng 5 - 1941 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhờ đường lối đúng đắn đó và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chí Minh, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng mang tính dân tộc điển hình và tính dân chủ sâu sắc. Cuộc cách mạng đó đã xoá bỏ chế độ thuộc địa kéo dài gần một thế kỷ, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm, thành lập chế độ dân chủ cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường của CNXH. Cần thấy rõ rằng ĐCS và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng tháng Tám đã giải quyết đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu của cuộc cách mạng ấy và cũng là mục đích phấn đấu của suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Lợi ích các giai cấp, các tầng lớp, lực lượng các dân tộc, các tôn giáo thống nhất trong lợi ích chung của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tư duy chiến lược mang tính khoa học đó tạo nên sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tạo tiền đề cho sự phát triển của cách mạng và dân tộc trong các chặng đường tiếp theo.

Công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua ghi nhận bước phát triển mới trong tư duy lý luận, giải quyết đúng đắn trong điều kiện lịch sử mới vấn đề dân tộc và giai cấp, kết hợp đúng đắn lợi ích của GCCN với lợi ích của các giai cấp và tầng lớp khác trong lợi ích chung của toàn dân tộc khi thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần với sự tồn tại và phát triển của nhiều hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

ĐCS Việt Nam đã từng bước khắc phục những khuyết điểm chủ quan, nóng vội, duy ý chí trong quá trình xây dựng CNXH, với đường lối, chính sách thích hợp đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển vững chắc theo con đường XHCN. Đó là kết quả và cũng đánh dấu sự trưởng thành trong tư duy chính trị, tư duy kinh tế. Tư duy lý luận, tư duy chính trị, tư duy kinh tế được đổi mới như thế nào cũng để có luận cứ khoa học quyết định đường lối, chính sách một cách đúng đắn nhằm mang lại lợi ích căn bản và thiết thực cho đất nước, dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, vấn đề trọng tâm của công tác lý luận, tư duy lý luận không thể nào khác là hướng vào phục vụ đường lối và nhiệm vụ chính trị vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu rõ, ngoài lợi ích của dân tộc, của giai cấp và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác.

Bước vào công cuộc đổi mới (12 - 1986), Đại hội VI của Đảng đã nêu ra bài học lấy dân làm gốc. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng (4-2006) cũng đã nêu lên một số bài học trong đó có bài học: "Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới"8. Lấy dân làm gốc, thật sự vì dân, đại đoàn kết toàn dân tộc là quan điểm căn bản trong đường lối chính trị của ĐCS ViệtNam. Mọi vấn đề lý luận và hoạt động thực tiễn đều hướng vào nội dung căn bản đó.

Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: "Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"9. Đại hội nhấn mạnh, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Đó là quan điểm, chủ trương phản ánh tư duy chính trị đúng đắn, khoa học và sáng tạo, hợp lòng dân và mang tính hiện thực. Đó cũng là bước phát triển trong tư duy lý luận chính trị của Đảng.

Năm 1930, khi thành lập ĐCS Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sức mạnh dân tộc là một động lực to lớn của cách mạng. Người và Đảng đã phát huy tối đa nhân tố đó dẫn tới những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Namtrong thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XXI, Đại hội X ĐCS Việt Nam tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đó là tư duy lý luận chính trị đúng đắn phản ánh đường lối chính trị nhất quán và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhân tố trọng tâm, có ý nghĩa quyết định về chính trị đó là xây dựng Đảng và thực hiện sự lãnh đạo đúng đắn của ĐCS Việt Nam. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng nêu rõ sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phong cách và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Nhận thức mới về bản chất, tính chất và diễn đạt mới về Đảng là sự phản ánh tư duy mới về chính trị. Đại hội X khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc"10.

Nhận thức mới về bản chất, tính chất và diễn đạt mới về Đảng là sự phản ánh tư duy mới về chính trị. Đại hội X khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc"10.

Sở dĩ khẳng định bản chất của Đảng như vậy là dựa trên nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn phong phú và sáng tạo của Đảng.

Thứ nhất, khi đề ra cương lĩnh, tuyên ngôn của ĐCS, các nhà kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin đều xác định sự thống nhất trong mục tiêu giải phóng GCCN, giải phóng các dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Các ông không bao giờ đặt GCCN đứng biệt lập với bộ phận còn lại của nhân dân và dân tộc, trái lại còn đặt ra yêu cầu GCVS (công nhân) phải trở thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc. Lợi ích căn bản của GCCN, nhân dân lao động và dân tộc là thống nhất.

Sự nghiệp cách mạng vô sản, cách mạng XHCN không thể giành thắng lợi nếu GCCN và ĐCS không tập hợp và lãnh đạo được toàn thể nhân dân lao động và dân tộc. Nhiệm vụ đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc cũng như xây dựng xã hội mới, XHCN không chỉ do GCCN hoàn thành mà là sự nghiệp chung của toàn dân, toàn dân tộc. Đảng ta ngay khi ra đời đã tập hợp xung quanh mình lực lượng của toàn dân, gương cao ngọn cờ dân tộc và do đó thật sự là lãnh tụ chính trị của toàn dân, toàn dân tộc.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nêu rõ bản chất giai cấp được hoà quyện với bản chất nhân dân và bản chất dân tộc của Đảng. Tại Đại hội II của Đảng (2 - 1951) Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trong giai đoạn này quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam"11. Trong bài nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm (1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại: "Đảng ta Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị"12. Tháng 1 - 1965, nói chuyện tại Hội nghị chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc"13. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐCS là nhất quán về sự thống nhất bản chất giai cấp, nhân dân và dân tộc. Tư tưởng đó thể hiện nổi bật trong hoạt động thực tiễn của Đảng. Đảng phát triển và được tôi luyện trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của GCCN, của nhân dân lao động và toàn dân tộc.

Thứ ba, ngay từ khi ra đời Đảng đã là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Ngay từ đầu Đảng đã là người lãnh đạo trên thực tế và thống nhất cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Phong trào công nhân cũng đã hàm chứa trong nội dung hoạt động của nó tinh thần yêu nước, kết hợp cả mục tiêu đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Phong trào yêu nước cũng không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn được dẫn dắt bởi lý luận, lý tưởng cách mạng của GCCN. Mục tiêu đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc hoà quyện nhau, thống nhất với nhau trong cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH được nêu cao và chi phối toàn bộ sự nghiệp lãnh đạo và phấn đấu của ĐCS Việt Nam. Ngày nay, Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, nhân tố giai cấp, nhân dân, dân tộc càng hoà quyện và thống nhất trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tư duy chính trị của Đảng còn thể hiện trong việc xử lý đúng đắn quan hệ giữa chiến lược và sách lược, giữa mục tiêu và phương pháp cách mạng. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước giành thắng lợi, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc tới phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", lấy cái bất biến để ứng với cái vạn biến, giữ vững nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, phương pháp, chủ động nắm bắt cái mới. Nguyên tắc chiến lược của cách mạng là thực hiện cho kỳ được mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nhưng làm thế nào để đạt được điều đó đòi hỏi không chỉ quyết tâm, lòng dũng cảm, bản lĩnh chính trị mà cả sự khôn khéo và sáng tạo.

Trong công cuộc đổi mới, tháng 3 - 1989, tại Hội nghị lần thứ sáu (Khoá VI), Trung ương Đảng đã đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo tiến trình đổi mới. Kiên định mục tiêu và con đường XHCN, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện tốt dân chủ, dân chủ gắn liền với kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Những nguyên tắc đó đến nay vẫn tiếp tục chỉ đạo quá trình đổi mới. Trong khi kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng nhạy bén nắm bắt cái mới do sự biến đổi của tình hình thế giới để chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ 1930 đến nay còn là kết quả của sự phát triển tư duy chính trị đối ngoại trong từng giai đoạn lịch sử. Trong thời kỳ lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, Đảng và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chú trọng quan hệ quốc tế, tranh thủ sức mạnh của nhân tố thời đại. Trong chiến tranh thế giới thứ II, Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì chính sách ngoại giao, hoà bình, hữu nghị, mong muốn quan hệ tốt đẹp về mọi mặt với các quốc gia, dân tộc trên thế giới, kể cả nước Pháp và nước Mỹ. Rất tiếc mong muốn chân thành đó đã không được đáp lại. Khi buộc phải cầm súng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc, Đảng, Nhà nước cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tha thiết với hoà bình và hữu nghị. Tháng 8 - 1947, trả lời nhà báo Mỹ S.Êli Mâysi (S.Elie Maissie), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ Việt Nam mong muốn "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"14.

Bước sang thời kỳ mới của đất nước - thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, tư duy chính trị đối ngoại đã được thể hiện từ Đại hội VI (1986) trong chủ trương bước đầu chủ động mở rộng hợp tác, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài để phát triển kinh tế. Đại hội VII (1991) chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam muốn là bạn với các nước trên thế giới. Tiếp tục tư duy chính trị đối ngoại đúng đắn, Đại hội X (4 - 2006) chủ trương : "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực"15.

Tư duy lý luận chính trị đúng đắn là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc trong lãnh đạo chính trị và cầm quyền của Đảng, cần được nghiên cứu tổng kết toàn diện, có hệ thống. Đó là điều cần thiết làm rõ khoa học lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.

1. V.I. Lênin Toàn tập, NXB Tiến bộ, M, 1975, T. 6, tr. 32

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 2000, T. 2, tr. 267-268

3. Sđd, T. 10, tr. 128

4. Văn kiện Đảng Toàn tập, CTQG, H, 2002, T. 2, tr. 2

5, 6. C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, CTQG, H, 1995, T. 4, tr. 611, 611

7. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 2000, T. 1, tr. 36

8, 9, 10, 15. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, CTQG, H, 2006, tr. 71, 116, 130, 112

11. Văn kiện Đảng Toàn tập, CTQG, H, 2001, T. 12, tr. 38

12. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 2000, T. 10, tr. 467

13. Sđd, T. 11, tr. 372

14. Sđd, T. 5, tr. 220.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 18