HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 128 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2018) TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN
[ 15/05/2018 00:00 AM | Lượt xem: 1757 ]



HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 128 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2018)

TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến vấn đề thanh niên. Người coi thanh niên là lực lượng có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước.

                     (Bác Hồ dự Đại hội Giáo viên miền Bắc năm 1958)


Ngay từ năm 1925 trong bài “Gửi thanh niên An Nam” Hồ Chí Minh đã nhắc nhỏ: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh". Khi truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước, Hồ Chí Minh đã chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên và tập hợp họ trong tổ chức "Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên" nhằm tập hợp thanh niên yêu nước giác ngộ cách mạng tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã nói với thanh niên: người ta thường nói thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên.


Từ quan điểm và nhận thức đó nên trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh đã phát huy được các phong trào thi đua của thanh niên, xứng đáng với khẩu hiệu “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Khi bàn về nhiệm vụ của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Nhiệm vụ vẻ vang nhất của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Song muốn làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang ấy, trước hết Người yêu cầu mỗi thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trao dồi đạo đức của người cách mạng.


Theo Người, mỗi người thanh niên trước hết cần phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người nói: "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của dân tộc, của Đảng của cách mạng mà không ngần ngại hy sinh lợi ích cá nhân. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cũng không thương tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng". Nhưng muốn có được đạo đức cách mạng thì đòi hỏi mỗi thanh niên phải có sự phấn đấu không ngừng trong mọi hoạt động thực tiễn cách mạng. Người nói: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Tuy nhiên, theo theo Người chỉ có đạo đức cách mạng thì chưa đủ mà cần phải có sự nỗ lực học tập không ngừng. Người nói: Thanh niên muốn làm người chủ trong lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Người đã căn dặn thế hệ trẻ: "Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Người khuyên thanh niên phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn hệ mà số đông thanh niên ta ít được học và nay chúng ta muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Lê nin nói: Không học thì không thể trở thành người cộng sản". Thanh niên ta hiện nay cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật, cần phải học lý luận Mác-Lênin, kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày, học phải đi đôi với hành. Từ đó, Người căn dặn thanh niên: “Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật và văn hóa, nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà, nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi".

                   (Bác Hồ nói chuyện với sinh viên tại Hà Nội năm 1958)


Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đoàn thanh niên có chức năng, nhiệm vụ như sau: "Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dắt dìu các cháu nhi đồng". Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thì tổ chức Đoàn thanh niên cần phải thường xuyên củng cố tổ chức, nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Người nói: "Tổ chức của đoàn phải rộng hơn Đảng". Phải được tổ chức một cách chặt chẽ từ Trung ương xuống các cơ sở. Đoàn muốn củng cố và phát triển thì phải liên hệ rộng rãi với các tầng lớp thanh niên, phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên. Đồng thời, mọi đoàn viên phải gương mẫu giữ vững đạo đức cách mạng (khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, không mắc tư tưởng kiêu ngạo, tư lợi…), phải xung phong trong mọi công tác, cố gắng học tập chính trị văn hóa, nghề nghiệp để lôi cuốn quần chúng và để trở thành người cán bộ tốt.


Theo Người muốn tổ chức Đoàn phát triển mạnh thì phải đi sâu, đi sát điều tra nghiên cứu, cần phải bổ sung những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng. Cần một chương trình hoạt động cụ thể thiết thực, lãnh đạo Đoàn phải đi sâu vào đời sống để hiểu rõ tâm lý của các tầng lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách cụ thể. Người luôn nhắc nhở Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: "Nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ". Vì theo Người, các phong trào thi đua yêu nước to lớn đó là điều kiện để nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến, đó chính là tiền đề cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời huy động được tất cả trí tuệ và lực lượng của tuổi trẻ góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với Đoàn thanh niên, Người nhắc nhở các cấp ủy Đảng phải coi “xây dựng Đoàn là bộ phận trọng yếu của xây dựng Đảng" và “Đảng cần phải giúp đỡ Đoàn thanh niên lao động phát triển tốt, đồng thời cần phải chọn những đồng chí đoàn viên đã kinh qua thử thách và đã đủ điều kiện đưa họ vào Đảng". Chính vì vậy, trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.


Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là sự tổng kết lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng, cho đến này vẫn còn mang tính thời sự và có giá trị to lớn, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác vận động thanh niên. Nhớ lời căn dạy của Người, trong những năm qua Đoàn trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên luôn tích cực đẩy mạnh công tác đoàn và phong trào thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng và tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của Nhà trường, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của trường Đại học Khoa học ở khu vực trung du miền núi phía Bắc và cả nước thông qua các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Sinh viên 5 tốt”… Các hoạt động tiếp sức mùa thi, sinh viên tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo, tham gia thực hiện an toàn giao thông, các cuộc vận động quyên góp từ thiện thông qua ngôi nhà tình nghĩa... Các hoạt động thiết thực trên đã góp phần hun đúc, bồi dưỡng ý thức đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, thông qua đó giúp đoàn viên thanh niên tích lũy tri thức, có sức khỏe, có ý chí, chủ động, tự tin vươn lên lập thân, lập nghiệp, đồng thời đây là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, phấn đấu, để đứng trong hành ngũ của Đảng. Những đoàn viên khi trở thành đảng viên đều khẳng định được vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, tác động tích cực đến quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

                                                             

 


< Lê Văn Hiếu – Ngô Ngọc Linh >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 14