Sinh viên tranh luận công trạng của vương triều Mạc
[ 03/04/2017 00:00 AM | Lượt xem: 3374 ]
Sinh viên tranh luận công trạng của vương triều Mạc


"65 năm đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc tổ chức 22 khoa thi, ghi danh 485 tiến sĩ, 11 trạng nguyên lên bảng vàng", sinh viên nêu dẫn chứng ủng hộ công trạng của nhà Mạc với đất nước.

Chiều 27/3, tranh biện Nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thu hút hàng trăm người mê sử đến tham dự. Với kiến nghị "Nhà Mạc là triều đại có công đối với dân tộc Việt Nam", các sinh viên chia làm hai đội với hai quan điểm trái ngược nhau, một đội ủng hộ và một đội phản đối. TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và PGS.TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học) giữ vai trò giám khảo, diễn giả.

Mở đầu, Đinh Thúy Nga (Học viện Ngoại giao) đưa dẫn chứng ủng hộ nhà Mạc có công với đất nước, thể hiện ở 3 phương diện. Về chính trị - ngoại giao, đây là triều đại xuất hiện trong bối cảnh lịch sử rối ren, nhà Lê sơ mục nát, các phe phái đánh giết liên miên, lòng người ly tán. Thái tổ Mạc Đăng Dung lập ra triều đại mới là thuận theo sự phát triển của tự nhiên. Việc cắt đất cho nhà Minh là kế lấy lùi để tiến, thể hiện sự khôn khéo trong ngoại giao.



Thành tựu kinh tế có thể gói gọn từ những ghi chép của nhà sử học Lê Quý Đôn trong Đại Việt sử ký toàn thư "Người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về... đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to... Đặc biệt về giáo dục, trong khoảng 65 năm đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc tổ chức 22 khoa thi, ghi danh 485 tiến sĩ, 11 hiền tài đỗ trạng nguyên. Dù đất nước rối ren nhưng triều đình này liên tục tổ chức thi cử 3 năm một lần", Nga nhấn mạnh.

Ở phía phản đối, sinh viên Nguyễn Đình Lương đã đưa ra quan điểm bác bỏ: "Nói Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê sơ là điều tất yếu, nhưng sau khi nhà Mạc soán ngôi thì tình hình còn rối ren hơn. Cuộc chiến Nam - Bắc triều, sự chống đối của họ Vũ ở Tuyên Quang. Triều Mạc phải đối mặt với nội chiến, ngoại bang. Nói nhà Mạc có chính sách ngoại giao khôn khéo nhưng sao vẫn phải cắt đất dâng cho nhà Minh?", Lương đặt câu hỏi.

Nguyễn Thanh Hà (ĐH Sư phạm Hà Nội) phản biện thêm, nói rằng giáo dục nhà Mạc có sự phát triển song đó là sự tiếp nối của nhà Lê sơ. Thi cử dưới thời này còn suy giảm hơn trước. Số tiến sĩ ở 22 năm cuối nhà Lê là hơn 500 người. Nhưng khi nhà Mạc cai trị, số nhân tài bị giảm sút. "Triều đại này không có đóng góp đáng kể trong tiến trình lịch sử Việt Nam", Hà đánh giá.

Để bảo vệ quan điểm của mình, các sinh viên không chuyên lịch sử đã đưa ra những kiến nghị, biện giải dựa trên những kiến thức của bản thân. Nhiều câu hỏi được các em đặt ra. "Chiến tranh tại thế kỷ 16 là điều tất yếu hay không tất yếu? Nếu đã là tất yếu thì việc nhà Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê có phải là lẽ thường tình khi triều chính thời kỳ ấy đã mục nát?". "Nói sau khi lên nắm quyền, nhà Mạc ổn định được nền chính trị của đất nước nhưng tại sao nội chiến, chia cắt vẫn xảy ra?". "Nhà Mạc thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng lại phải dâng đất cho nhà Minh. Đó phải chăng là sự bất lực trong chính sách đối ngoại?"...


Cuộc tranh biện thu hút nhiều người yêu thích lịch sử đến xem. Ảnh: P.H.

Nhìn nhận công lao phải đặt vào tiến trình lịch sử

Theo dõi phần tranh biện, PGS.TS Trần Thị Vinh đánh giá dù ủng hộ hay phản đối "triều Mạc có công lớn đối với đất nước" thì các sinh viên đã có những kiến giải thú vị để bảo vệ quan điểm của mình. Để đánh giá công lao của một triều đại, cần đặt triều đại đó trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, chứ không phải so sánh đơn giản triều đại này với triều đại khác, đặc biệt là nhà Mạc với nhà Lê sơ. Hai triều đại này là hiện tượng tiến bộ trong lịch sử, không thể phủ nhận những đóng góp về kinh tế, xã hội, văn hóa dưới triều Mạc. Suốt thời gian dài, giới lịch sử cũng có những nhìn nhận, đánh giá mới về triều đại này qua 4 cuộc hội thảo được tổ chức.

Ngoại giao với nhà Minh dưới thời Mạc là vấn đề nan giải nhất của các nhà nghiên cứu lịch sử. Việc chính sử nhà Lê sau này ghi chép chuyện vua Mạc Đăng Dung xin hàng, dâng đất cho nhà Minh. Nhưng chính sử nhà Minh cũng ghi nhận rằng Mạc Đăng Dung đã dâng những tên đất không có thực, hoặc là đất vốn có của họ rồi chứ không phải là đất Đại Việt cắt sang. Như vậy, trên thực tế là trả lại những phần đất khống ấy mà thôi. "Từ năm 1990, GS Trần Quốc Vượng qua nghiên cứu đã kết luận rằng sự thần phục của nhà Mạc khi ấy là thần phục giả vờ để có được sự độc lập thực sự cho đất nước", bà Vinh thông tin.

Thành tựu nổi bật của nhà Mạc đó là khoa cử. Nếu nói về khoa thi và số tiến sĩ thì nhà Mạc ít hơn nhà Lê sơ, nhưng nhà Mạc chỉ tồn tại chính thức 65 năm, còn nhà Lê sơ thì có hơn 100 năm lịch sử. Dù thời gian tồn tại ngắn nhưng các khoa thi được tổ chức quy củ, sản sinh ra nhiều vị trí thức lớn thời kỳ đó như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải...

"Trong số 485 người đậu tiến sĩ qua các kỳ thi, nhà Mạc đã bổ dụng gần hết, lên tới 87%. Chỉ một số trường hợp không rõ thông tin. Có thể nói, khoa cử thời Mạc và việc trọng dụng nhân tài, bổ nhiệm tiến sĩ chỉ đứng sau thời vua Lê Thánh Tông mà thôi", bà nói.


TS Phạm Quốc Quân "Nhà Mạc là triều đại đầu tiên có tư duy hướng biển 
rõ rệt".

TS Phạm Quốc Quân bổ sung, tiến bộ nhất của nhà Mạc thời kỳ này là tư duy hướng ra biển rõ rệt. Thể hiện ở việc sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi (1527), ông chỉ làm vua 3 năm rồi nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình về Cổ Trai (Hải Phòng) làm Thái thượng hoàng và cho xây dựng kinh đô thứ hai là Dương Kinh. Nơi này có thể nhìn ra vịnh Bắc Bộ, xa hơn là biển Đông.

Qua nhiều lần khảo sát, TS Quân đánh giá "đây là sự lựa chọn địa hình dũng cảm khi kinh đô của vương triều nhìn ra biển". Dưới thời Trần, chiến lược hướng biển đã manh nha nhưng là để bảo vệ đất nước. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập thái ấp ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Nơi đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy, bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long, là nơi hiểm yếu về quân sự chống quân xâm lược Nguyên Mông. Phật hoàng Trần Nhân Tông đi tu trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) nhưng không đơn giản là tu. Đứng ở Yên Tử có thể thu vào tầm mắt cả vùng biển Quảng Ninh.

Dưới thời Mạc, chiến lược hướng biển thể hiện rõ rệt, vừa phát triển, vừa bảo vệ giang sơn lâu bền. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn thấu Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình. "Dám dựng kinh đô ven biển là một điều táo bạo, thể hiện tư duy của một triều đại phóng khoáng muốn vươn ra biển lớn. Nếu nhà Mạc còn tồn tại lâu hơn thì có lẽ kinh tế, thương mại của Đại Việt thời kỳ ấy còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là kinh tế biển", TS Quân đánh giá. Ông cũng cho rằng, nói đến thành tựu của nhà Mạc không thể bỏ qua sự phát triển về tôn giáo, nghệ thuật, đặc biệt là gốm sứ. Hiện nay, đồ gốm sứ thời Mạc còn có mặt ở bảo tàng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Triều Mạc (1527-1592) bắt đầu từ khi Thái tổ Mạc Đăng Dung dẹp các bè phái cung đình, ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, chấm dứt 100 năm trị vì của triều Lê sơ. Nhà Mạc ra đời trong thời kỳ chính trị - xã hội phong kiến đầy biến động, rối ren, Nam - Bắc phân tranh, thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi. Năm 1592, Mạc Mậu Hợp bị quân đội Lê - Trịnh đánh bại, chấm dứt 65 năm tồn tại chính thức của triều đại này. Sau đó, hậu duệ nhà Mạc xây dựng thế lực tiếp tục chống lại triều Lê Trung Hưng, trấn giữ một vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Ở Lạng Sơn nay vẫn còn dấu tích thành nhà Mạc. Năm 1677, chúa Trịnh đem quân dẹp họ Mạc thì việc trấn giữ này mới chấm dứt hoàn toàn.

Phương Hòa
< http://vnexpress.net >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 7