LIÊN XÔ VỚI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG - HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ 1954
[ 23/02/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1277 ]
LIÊN XÔ VỚI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG 

- HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ 1954

                                                      PGS, TS Lê Văn Thịnh

1. Là một trong những nước đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới II, song Liên Xô đã phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề, trên 30 triệu người bị chết, hàng chục vạn làng xã, đô thị, cơ sở kinh tế bị tàn phá1. Phát huy vai trò trụ cột của mình với cách mạng thế giới, Liên Xô vừa phải ưu tiên khôi phục đất nước, vừa phải thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, chống nguy cơ chiến tranh tái diễn. Với uy tín và ảnh hưởng chính trị rất lớn lúc đó, Liên Xô đã khích lệ, động viên và ủng hộ về tinh thần đối với nhân dân lao động bị áp bức đang vùng lên đấu tranh để tự giải phóng, nhưng Liên Xô cũng chưa có điều kiện để giúp đỡ một cách mạnh mẽ về vật chất cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam.

Do ảnh hưởng to lớn của Liên Xô trên trường quốc tế và lợi dụng tình trạng khó khăn của các nước Tây Âu thời hậu chiến, với tiềm lực kinh tế quân sự hùng mạnh2, Mỹ đã thực hiện kế hoạch Masshall, lôi kéo, tập hợp các nước tư bản chủ nghĩa, thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (năm 1949) để bao vây Liên Xô, ngăn chặn ảnh hưởng của CNCS ở vùng Tây bán cầu. Lợi dụng cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã tăng cường xây dựng quân đội, nâng số quân từ 1.400.000 (năm 1949) lên 3.500.000 quân (năm 1953) và lôi kéo 14 nước cùng tham gia chiến tranh3 cứu nguy cho chế độ Lý Thừa Vãn. Đồng thời phối hơp với các nước đồng minh khôi phục chủ nghĩa phục thù Tây Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, thành lập quân đội Tây Âu và khối ANZUS (1951) ở Thái Bình Dương, xúc tiến thành lập khối SEATO ở Đông Nam Á và khối SENTO tại Trung Đông… để chống lại các nước XHCN và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trước chính sách chạy đua vũ trang của Mỹ, tháng 6-1951, Liên Xô đưa ra sáng kiến giải quyết cuộc chiến tranh Triều Tiên: "Các bên tham chiến cần mở ngay cuộc thương lượng nhằm thực hiện đình chỉ chiến sự và ký kết hiệp định đình chiến, quy định việc hai bên cùng rút khỏi vĩ tuyến 38..."4, mở ra xu hướng giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế bằng thương lượng.

Đầu năm 1953, sau khi Stalin mất, Liên Xô điều chỉnh sâu hơn chính sách đối ngoại hòa bình thông qua thương lượng. Liên Xô đã nhận lời Anh và Pháp điều đình với Chính phủ Triều Tiên giải quyết thành công vấn đề tù binh chiến tranh và ngoại kiều, dẫn đến ký kết Hiệp định đình chiến ngày 27-7-1953 trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng ở vĩ tuyến 38 và không bàn đến vấn đề chính trị. Đồng thời đưa ra dư luận "đình chiến ở Triều Tiên cần thúc đẩy việc kết thúc chiến tranh Đông Dương". Ngày 4-8-1953, Liên Xô gửi công hàm cho Anh, Pháp, Mỹ đề nghị triệu tập hội nghị năm nước lớn (Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc) để nghiên cứu các biện pháp làm giảm bớt căng thẳng ở Viễn Đông.

Tại Hội nghị Béclin (từ ngày 25-1 đến ngày 18-2-1954), Liên Xô đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao giữa Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc "để xem xét các biện pháp khẩn cấp nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế"5. Sáng kiến này được Anh và Pháp ủng hộ, song Mỹ đã kịch liệt phản đối, trước hết là vấn đề tư cách đại biểu của Chính phủ Trung Quốc. Do Liên Xô kiên trì đấu tranh, Anh và Pháp có thái độ thực tế, cuối cùng đại diện Mỹ đã chấp nhận đề nghị của Liên Xô, đồng ý triệu tập hội nghị quốc tế có sự tham gia của Trung Quốc. Ngày 18-2-1954, Hội nghị ra thông báo, ghi nhận sẽ triệu tập Hội nghị Giơnevơ vào ngày 26-4-1954. Tại đó "vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan"6.

Đi đôi với việc đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị Giơnevơ tìm giải pháp kết thúc chiến tranh Đông Dương, Liên Xô tiếp tục xúc tiến các hoạt động viện trợ Việt Nam một số mặt hàng chiến lược về vũ khí, khí tài quân sự7. Tất cả các mặt hàng này đều được Liên Xô giao cho Trung Quốc, để sau đó chuyển tới Việt Nam. 

2. Ngày 27-4-1954, được sự ủy nhiệm của Anh và Mỹ, Pháp gặp Liên Xô để thoả thuận về thành phần hội nghị khi bàn về vấn đề Đông Dương. Lúc này, các nước Anh, Pháp, Mỹ đã tính đến một cơ cấu hội nghị trên cơ sở loại trừ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà8. Song trong tất cả các cuộc tiếp xúc giữa Liên Xô và Pháp, Liên Xô luôn kiên định lập trường có tính nguyên tắc về sự cần thiết phải có sự tham gia của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị. Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp còn nhấn mạnh rằng, sẽ không chấp nhận sự có mặt của các quốc gia liên kết – Chính phủ Bảo Đại, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia nếu như Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không được chấp nhận dự Hội nghị. Đồng thời đưa ra sáng kiến để Liên Xô và Anh làm đồng Chủ tịch, khi Hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương9. Cuối cùng, ngày 2-5-1954 các nước Anh, Pháp, Mỹ buộc phải chấp nhận đề án của Liên Xô.

Một ngày sau khi thực dân Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương chính thức khai mạc. Khi trình bày lập trường của mình, Pháp chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, không nhắc đến vấn đề chính trị; chỉ muốn giải quyết vấn đề Việt Nam, không nhắc đến vấn đề Lào và Cămpuchia. Ngược lại, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp toàn diện cả về chính trị lẫn quân sự, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả Lào và Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Những lập trường khác nhau của Việt Nam và Pháp đã dẫn đến cuộc đấu tranh căng thẳng, phức tạp giữa một bên là Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với một bên là Mỹ, Anh, Pháp, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và chính quyền Bảo Đại về nhiều vấn đề, trước hết là các vấn đề về phân vùng ranh giới và thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam. Sau bốn phiên họp toàn thể, Anh đã đề nghị họp hẹp - không có sự tham gia của báo giới. Trước tình hình đó, để hội nghị tiến triển thuận lợi, Liên Xô đưa ra sáng kiến lấy cả đề án của Việt Nam và của Pháp làm cơ sở cho đàm phán, vấn đề quân sự và vấn đề chính trị phải được thảo luận song song.

Cho đến ngày khai mạc Hội nghị (ngày 8-5) các nước Anh, Pháp đã tính đến một giải pháp trên cơ sở chia cắt Việt Nam. Mỹ chưa nhất trí vì còn đang vận động Anh, Pháp thành lập khối Cộng đồng phòng thủ châu Âu (EDC) và Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Vào giai đoạn cuối của Hội nghị, Mỹ thấy Anh và Pháp đều muốn kết thúc chiến tranh, nên buộc phải thay đổi thái độ. Ngày 24-6-1954, Mỹ đã cùng Anh thảo luận và đi đến thỏa thuận 7 điểm10 gửi Chính phủ Pháp, trong đó nêu những điều kiện tối thiểu cho một giải pháp, ép Pháp phải lấy đó làm cơ sở lập trường thương lượng tại Hội nghị. Đồng thời Mỹ tuyên bố là sẽ không ký vào Hiệp nghị và không bị ràng buộc bởi Hiệp nghị đó11.

Đối với các nước XHCN, ngay từ tháng 5-1954, vấn đề phân vùng ranh giới đã được đem ra thảo luận. Trung Quốc đưa ra phương án: “đem Bắc Bộ và Trung Bộ làm thành một khối… trao đổi lấy những khu vực ngang nhau ở Bắc Bộ và Trung Bộ”, đồng thời xác định ba mức phân vùng: “1. từ vĩ tuyến 16 trở ra thuộc về ta, nhưng đánh giá khó có có thể thực hiện được; 2. nếu không được sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do cho Pháp đóng một số quân nhất định; 3. nếu cũng không được nữa thì đem Đường 5, Hà Nội và Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự”12. Liên Xô lại chủ trương "mọi việc sẽ tuỳ ở thái độ của Chính phủ Pháp, mà cũng tuỳ ở thái độ của Chính phủ Mỹ, tùy ở sự thừa nhận của tất cả các đại biểu tham dự hội nghị về sự cần thiết phải giải quyết vấn đề Đông Dương"13. Trên thực tế cho đến ngày 26-6-1954, Liên Xô vẫn không đưa ra phương án cụ thể nào cho vấn đề Đông Dương, chỉ khuyên Việt Nam phải tranh thủ lấy toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, nếu thêm được bao nhiêu nữa càng tốt14.

Phía Việt Nam, bên cạnh việc kiên định lập trường có tính nguyên tắc là đấu tranh cho một giải pháp toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương, Việt Nam cũng luôn luôn có một sách lược mềm dẻo trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể. Ngay từ đầu tháng 6-1954, Việt Nam đã đưa ra ba phương án: “Cố tranh thủ giới tuyến phân chia ở vào vĩ tuyến 16; Nếu đối phương không chịu thì ta có thể dịch giới tuyến đó lên đường số 9 (đường Quảng Trị đi Lào); Nếu đối phương vẫn không chịu thì ta nhân nhượng thêm một chút nữa, coi Hải Phòng như một cửa bể tự do hoặc công quản. Đồng thời ta tiếp tục để cho đối phương có quyền lợi ở vùng Hòn Gay, Cẩm Phả, không nên cho đối phương công quản với ta ở Hà Nội, Hải Phòng và đường 5, vì như vậy, ta không có một trung tâm chính trị nào”15. Ngày 3-7-1954, nắm chắc diễn biến của Hội nghị Giơnevơ và trên cơ sở tình hình chiến trường ở Đông Dương, khi làm việc trực tiếp với Chu Ân Lai - trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Liễu Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị lấy vĩ tuyến 16 làm mục tiêu đấu tranh phân vùng ranh giới.

Ngày 19-7-1954, đại diện ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc đã có cuộc thảo luận tại Giơnevơ và thống nhất đưa ra phương án: vạch giới tuyến tạm thời, chia cắt Việt Nam ở Bắc đường số 9 mười kilômét16.

Về vấn đề tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam các bên cũng có những quan điểm khác nhau. Các nước Anh, Pháp, Mỹ không muốn có tổng tuyển cử ở Việt Nam. Về sau do không ngăn cản được lại cố tình trì hoãn. Ngược lại, với Việt Nam, vấn đề tổng tuyển cử là vấn đề cốt tử, một lập trường có tính nguyên tắc mà Việt Nam phải bảo vệ tại Hội nghị. Phương án của Việt Nam là trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm sau khi đình chiến, sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Tại Giơnevơ, với một tinh thần chủ động, tích cực, Việt Nam đã đưa vấn đề này ra thảo luận với Liên Xô, Trung Quốc từ rất sớm. Sau nhiều lần thảo luận, ngày 16-7-1954, ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc đã đi đến kết luận: phải có thời hạn tổng tuyển cử và đến ngày 19-7 nhất trí đưa ra phương án: sau 2 năm kể từ khi ngừng bắn, sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam.

Đối với vấn đề Lào và Cămpuchia, ngay tại phiên họp đầu tiên, Việt Nam đã yêu cầu Hội nghị mời đại biểu Pathet Lào và Khơme Issarak tham gia và kiên trì lập trường giải quyết vấn đề Lào và Cămpuchia như giải quyết vấn đề Việt Nam, song ý kiến của Việt Nam không nhận được sự ủng hộ của các nước lớn.

Ngày 20-7-1954, sau nhiều cuộc đấu tranh căng thẳng và sự nhân nhượng lẫn nhau giữa các nước, tại phiên họp cuối cùng gồm các trưởng đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Anh và Pháp, các bên đã thoả thuận được hai vấn đề then chốt là phân vùng ranh giới và thời hạn tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam qua ý kiến cuối cùng của Trưởng phái đoàn Liên Xô Môlôtốp.

Về vấn đề phân vùng ranh giới, trong cuộc tiếp xúc giữa Liên Xô và Pháp (ngày 15-7), Liên Xô ủng hộ phương án của Việt Nam: lấy vĩ tuyến 16 và nói rõ rằng, vấn đề Huế và Đường số 9 có thể thu xếp được, song Pháp không đồng ý17. Tiếp đó, ngày 17-7, khi tiếp xúc với Pháp, Việt Nam đề nghị lấy vĩ tuyến 16, Pháp đưa ra vĩ tuyến 18. Ngày 19-7-1954, trong buổi tiếp xúc với Anh, và Pháp, đại diện Trung quốc đưa ra vĩ tuyến 17, nhưng vấn đề chưa được giải quyết. Ngày 20-7-1954 vào lúc 17 giờ 15 phút, trong cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Anh, Liên Xô và các Trưởng đoàn Việt Nam, Pháp, Trung Quốc, Trưởng đoàn Liên Xô Môlôtốp đưa ra đề nghị lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Các bên đều thoả thuận.

Về vấn đề thời hạn tổ chức tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam: ngày 13-7-1954, trong buổi gặp đại diện Chính phủ Bảo Đại, Việt Nam đề nghị thời hạn tổng tuyển cử là 6 tháng, song không được. Ngày 15-7-1954, trong buổi gặp mặt giữa Liên Xô và Pháp, Liên Xô đưa ra thời hạn Tổng tuyển cử là một năm, Pháp không đồng ý. Chiều ngày 20-7-1954, trong phiên họp cuối cùng, Liên Xô đưa ra đề nghị thời hạn Tổng tuyền cử thống nhất Việt Nam sau hai năm (từ tháng 7-1954 đến tháng 7-1956) và trong vòng một năm sau đình chiến, hai bên hiệp thương bàn về tổng tuyến cử. Các bên đều thoả thuận18.

Cuối cùng, vào lúc 3 giờ 20 phút ngày 21-7-1954, Hiệp nghị Giơnevơ về kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông dương được ký kết. Ngoài ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết giữa Việt Nam và Pháp có sự chứng kiến của các thành viên, các văn kiện khác được Hội nghị thông qua bằng biểu quyết mà không ký kết. Mỹ không cam kết trách nhiệm trước bản tuyên bố cuối cùng, chỉ đơn giản "ghi nhận" bằng một tuyên bố riêng. Nội dung các văn kiện khẳng định: mỗi nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campucchia; đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương, Pháp rút quân về nước; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự, tạm thời chia Việt Nam làm hai miền, sau hai năm Việt Nam sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

3. Như vậy, sau gần một năm, kể từ khi Chính phủ Xô viết gửi công hàm cho Chính phủ Anh, Pháp, Mỹ (4-8-1953) gợi ý triệu tập hội nghị quốc tế để giải quyết tình hình căng thẳng ở Viễn Đông, ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơnevơ về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Ngày 22-7-1954, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng to”19.

Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương đã mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, một nửa nước được giải phóng gắn liền với các nước xã hội chủ nghĩa, hậu phương quốc tế của cách mạng Việt Nam. Với Hiệp định này, lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn đã phải công nhận Việt Nam, một nước nhỏ, vốn là thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây thực sự là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, một cam kết chính trị có tính pháp lý quốc tế rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương trước hết, là thắng lợi của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Bằng cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh là chính, nhân dân Việt Nam đã từng bước đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, giành thắng lợi có tính quyết định tại chiến trường Điện Biên Phủ, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của bọn thực dân Pháp, buộc Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định, chấp nhận đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương, cam kết rút hết quân đội, tôn trọng và không dính líu vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Thắng lợi đó còn giáng một đòn đau vào thế lực hiếu chiến Mỹ, làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ. Bởi “Chính phủ Mỹ chưa bao giờ mong muốn một giải pháp thương lượng”20 như vậy và chủ trương: “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể đàm phán với Việt Minh”21.

Thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương còn là thắng lợi của sự hợp tác Xô – Việt trong đấu tranh ngoại giao. Nắm bắt được ý đồ của Liên Xô là muốn giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng thương lượng, chống âm mưu gây chiến của Mỹ, tại Hội nghị Giơnevơ, với thiện chí hòa bình muốn kết thúc chiến tranh để tránh đổ máu cho nhân dân Việt Nam, Lào, Cămpuchia và nhân dân Pháp, Việt Nam đã đưa ra lập trường giải quyết chiến tranh Đông Dương mang tính hiện thực, được dư luận các nước đế quốc đánh giá là khá ôn hòa và không thể bác bỏ. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy rằng, trong tiến trình hội nghị, do nhiều nguyên nhân, cả Việt Nam và Liên Xô đã không khai thác hết được thế mạnh của nhau. Việt Nam không đánh giá hết khả năng răn đe, kiềm chế Mỹ của Liên Xô và dư luận tiến bộ trên thế giới, không thấy hết những khó khăn của Pháp và âm mưu của Mỹ sau đại bại tại Điện Biên Phủ; Liên Xô lại chưa thấu hiểu tình hình Việt Nam, có phần coi nhẹ, đánh giá thấp lực lượng cách mạng Việt Nam, không thấy hết tầm mức ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động tới tình hình chiến trường Đông Dương và nước Pháp như thế nào, lại muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh Đông Dương để thúc đẩy hòa hoãn toàn cầu, nên sự hợp tác Xô – Việt có phần hạn chế.
Thắng lợi đó cũng là thắng lợi của chính sách đối ngoại hòa bình của Chính phủ Liên Xô nhằm mục tiêu hòa dịu quốc tế trong khung cảnh rất căng thẳng của chiến tranh lạnh Đông – Tây, đồng thời cũng là thắng lợi của nghệ thuật đối thoại của nền ngoại giao Xô viết. Để chống âm mưu gây chiến và mở rộng chiến tranh của Mỹ, Liên Xô đã đưa ra chủ trương đối thoại hòa bình đi đến kết thúc chiến tranh Đông Dương đúng vào lúc phong trào đòi kết thúc cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Pháp đang phát triển mạnh, Anh và Trung Quốc cũng không muốn kéo dài cuộc chiến tranh này dễ dẫn đến nguy cơ quốc tế hóa, nên chủ trương của Liên Xô đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình dân chủ và nhiều quốc gia trên thế giới. Để đi đến hội nghị, một mặt Liên Xô tiếp tục tăng cường viện trợ Việt Nam một số vũ khí, khi tài chiến lược, góp phần nâng cao năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; mặt khác, đấu tranh để Trung Quốc và Việt Nam được tham gia hội nghị. Việc Liên Xô đấu tranh để Việt Nam tham gia hội nghị với tư cách là thành viên chính thức đã có ý nghĩa hết sức to lớn với cách mạng Việt Nam. Nó giúp Việt Nam nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của mình tại hội nghị quốc tế đa phương, một trong những tâm điểm của hoạt động quốc tế quan trọng nhất trong suốt những năm 50 của thế kỷ XX, giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ trên thế giới, góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đối thoại trong đàm phán, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nắm được ý đồ của đối phương, biết cách tạo thế và lực, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, các quyết sách phải dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích qua thương lượng và phải được đưa ra đúng lúc, kịp thời. Tại Giơnevơ, với tư cách là đồng Chủ tịch Hội nghị, trên cơ sở kiên định mục tiêu đối thoại để đi đến kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, Liên Xô đã giữ vững lập trường có tính nguyên tắc là ủng hộ đề nghị 8 điểm của Việt Nam, liên kết chặt chẽ với Trung Quốc để tạo đối trọng trong đàm phán; đồng thời phối hợp cùng các phái đoàn khác trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp trên cơ sở tính đến lợi ích của các bên, nhằm nhanh chóng kết thúc hội nghị. Việc Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam, giúp Việt Nam bảo vệ thành công lập trường của mình tại Hội nghị Giơnevơ đã đem lại một sắc thái mới cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương có lợi cho Việt Nam khác căn bản so với việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, chỉ đơn thuần là giải pháp về quân sự, không bàn về chính trị. Mặc dù vẫn còn một vài điều chưa được như Việt Nam mong muốn, song các văn kiện của Hội nghị: ba bản hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị về việc giải quyết vấn đề Đông Dương đã thể hiện đúng lập trường 8 điểm của Việt Nam, được Trưởng phái đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng trình bày trước Hội nghị ngày 10-5 1954.

Theo đánh giá của những người cộng sản Việt Nam, giải pháp Giơnevơ 1954 về Đông Dương "phản ánh xu thế chung của những nước lớn trong tình hình quốc tế lúc đó" và cũng là kết quả tích cực của "tinh thần chủ động và cố gắng"22 của phái đoàn Việt Nam. Nhờ đó, nội dung cơ bản của Hiệp nghị như nhận định của Đại hội III (tháng 9 năm 1960) Đảng Lao động Việt Nam, "phản ánh tình hình so sánh lực lượng ở Đông Dương lúc bấy giờ"23.



 1. Tổn thất của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới II: trên 30 triệu người bị chết, 70.000 làng xã, 1.700 đô thị, 320.000 nhà máy, xí nghiệp, hệ thống thủy điện, 98.000 nông trang tập thể, 1.800 nông trường quốc doanh, 2.890 trạm máy nông nghiệp, 65.000 kilômét đường sắt, 6 triệu nhà cửa bị tàn phá, 25 triệu người không có nhà ở

2. Trong chiến tranh thế giới II, kinh tế Mỹ không những không bị tàn phá mà còn thu được món lợi 114 tỷ đôla nhờ buôn bán vũ khí. Mỹ cũng là chủ nợ của nhiều nước lúc bấy giờ. Anh nợ 24 tỷ đôla, Liên Xô 11,141 tỷ đôla, Pháp nợ 1,6 tỷ đôla…Mỹ còn là trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới: sản lượng công nghiệp hằng năm chiếm ½ của cả thế giới, riêng năm 1949 chiếm 56,4%; sản lượng nông nghiệp gấp đôi của Anh, Pháp, CHLB Đức, Ytalia và Nhật cộng lại, năm 1949, số vàng dự trữ của Mỹ chiếm ¾  số vàng của thế giới

3. Đó là các nước: Australia, Bỉ, Canada, Colombia, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh

4. Phạm Giảng: Lịch sử quan hệ quốc tế (từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1954), Nxb Sử học, H, 1962, tr. 497

5, 6, 8. Ô.P. Gioay: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Giơnevơ 1954, Nxb Thông tin lý luận, H, 1981, tr. 335, 336, 168.

7. Theo nguồn tài liệu của Liên Xô và Việt Nam, thực hiện chương trình viện trợ Việt Nam năm 1953, Bộ Quốc Phòng Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 144 pháo cao xạ 37 ly và 72 pháo cao xạ 76 ly với 194.400 viên đạn, trong đó có 50.400 viên đạn cao xạ 76 ly, 144.000 viên 37 ly. Ngoài hai loại pháo cao xạ trên, Liên Xô còn viện trợ Việt Nam 200 súng liên thanh DSK 12,7 ly cùng 2.000.000 viên đạn và 5 tấn thuốc chữa sốt rét. Tiếp đó, trong năm 1954, Liên Xô tiếp tục viện trợ Việt Nam 500 xe quân sự, trong đó 200 xe dự kiến sẽ giao cho Việt Nam vào tháng 3-1954 và 300 xe vào tháng 6-1954, cùng với một tiểu đoàn Kachiusa – 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6. Xem, Anatoli Xokolov: Điện Biên Phủ trong những bước đầu trên con đường chung: Liên Xô và Việt Nam (1945-1954), trong “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước”, Nxb KHXH, H, 2004, tr. 195, cũng xem: Hồ sơ viện trợ quốc tế của Tổng cục hậu cần, cặp số 20,21; Lê Văn Thịnh: Tư liệu về 500 xe ô tô của Liên Xô viện trợ Việt Nam năm 1953-1954, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 3, tháng 5-6/1997; xem thêm: http://vietnamese.ruvr.ru/2013_10_07/122488761

9. Ô.P. Gioay Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Giơnevơ 1954, Sđd, tr 111-112; xem thêm, L.A Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb Đà Nẵng, 1995, tr. 448

10. Bảy điểm đó là: 1. Giữ Lào và Miên; 2. Giữ ít nhất một nửa Việt Nam cho phương Tây, giới tuyến phân vùng chạy ngang qua Đồng Hới, cố gắng giữ một vùng ở Bắc Bộ; 3) Lào, Miên và phần còn lại của Việt Nam không bị hạn chế về chủ quyền, đặc biệt là quyền nhập vũ khí và thuê cố vấn nước ngoài; 4. không có điều khoản nào có thể làm mất phần còn lại của ba nước Đông Dương; 5. không loại trừ khả năng thống nhất Việt Nam; 6. tự do lựa chọn vùng cho dân; 7. có kiểm soát quốc tế có hiệu lực. Xem thêm: Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945 – 1995), Nxb Công an Nhân dân, H, 2004, tr. 162 - 163

11. Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr. 148

12, 14, 15, 16. Bộ phận tổng kết, Bộ Ngoại giao: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân,  Sđd, T.2, tr.126, 126, 127, 130

13. Môlôtốp: Tổng kết hội nghị Bá Linh, Nxb ST, H, 1954, tr. 38

17. Philippe devillers et jean lacouture: vietnam de la guerre francaise à la guerre américaine - editions du seuil, pari 1969, tr. 302

18. Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1975), Nxb Công an Nhân dân, H, 1996, tr 186-187; cũng xem, Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, T. 2 , Sđd, tr. 136-140.

19. Báo Nhân Dân, số 207, từ ngày 22 đến 24-7-1954

20. Giames Cable, The Geneve Conference of 1954 on Indochina. St. Martins Press, New york 1986, p.127

21. Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945 – 1995), , Sđd, tr 148

22. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lơi và bài học. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr 212

     23. Sau cuộc đọ sức chiến lược tại Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng tại Đông Dương có thay đổi, song chưa thay đổi căn bản có lợi cho Việt Nam. Phía Pháp mất 16.200 quân, song mới chỉ chiếm 4% tổng binh lực tại Đông Dương – 16.200/444.900 quân. Nếu tính riêng lính Âu Phi thì lực lượng Pháp bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ cũng chỉ chiếm một số lượng không lớn, chỉ 13% – 16.200/124.600 quân. Phía Việt Nam đã dốc gần như toàn bộ lực lượng cho trận đánh có tính quyết định này, với 5/6 đại đoàn chủ lực tham chiến – Đại đoàn 304 (thiếu E 66), 308, 312, 316, và Đại đoàn công pháo 351. Cuộc chiến lại rất khốc liệt trong một thời gian dài, nên binh lực Việt Nam cũng bị tổn thất và mệt mỏi, cần phải có thời gian để chỉnh đốn, củng cố mới có thể tác chiến. Tại chiến trường Lào, cămpuchia so sánh lực lượng còn quá chênh lệch:  Tại Lào, lực lượng Lào Ixala chỉ bằng 1/3 lực lượng địa phương của đối phương (9.5000/28.000 quân); tại Campuchia, lực lương khơme Iaxarac cũng chỉ bằng 1/6 lực lượng địa phương của đối phương, (3.500/22.000 quân), đơn vị lớn nhất của lực lượng khơme Iaxarac chỉ đạt cấp đại đội. Vùng tự do ở Lào cũng như ở Cămpuchia chủ yếu nằm ở địa bàn miền núi, nên ít dân và nghèo.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 6