BIẾN ĐỔI CƠ CẤU XÃ HỘI MIỀN BẮC TRONG GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ 1954 -1975
[ 17/02/2015 07:00 AM | Lượt xem: 7158 ]

  BIẾN ĐỔI CƠ CẤU XÃ HỘI MIỀN BẮC TRONG 
GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ 1954 -1975


TS. NGUYỄN ĐÌNH LÊ

         Lịch sử dân tộc nói chung và của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) nói riêng trong giai đoạn 1954 – 1975, phát triển vô cùng phong phú, sôi động. Trong những năm tháng ấy, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn ra trên miền Bắc làm cho nó biến đổi vô cùng nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Sự biến đổi của kết cấu xã hội miền Bắc được xem là biểu hiện sinh động của sự thay đổi đó. Dựa vào nội dung, đặc điểm của sự biến đổi xã hội miền Bắc (1954 – 1975). Chúng ta có thể phân đoạn tiến trình này thành hai giai đoạn: từ 1954 đến 1960 và từ 1961 đến 1975.

I. TỪ 1954 ĐẾN 1960

Sau tháng 7 năm 1994, dân số miền Bắc có khoảng 13.500.000 người, trong đó 92,6% sống ở vùng nông thôn, 7,4% sống ở khu vực đô thị[1]. Có hàng chục dân tộc khác nhau, đông nhất là người Kinh (chiếm 85% dân số), sau đó đến Tày (3%). Có dân tộc như Lô Lô, Uní, Vân Kiều chỉ có 5 – 6 ngàn người. Ở các thành phố như Hà Nội, hải Phong có hàng vạn người Việt gốc Hoa. Mật đô dân số cao nhất (trừ khu vực thành phố) là ở đồng bằng Bắc Bộ (400 nghìn người/km2). Trong khi đó ở vùng rừng núi Việt Bắc, Tây Bắc, dân cư thưa thớt, như ở vùng khu vực tự trị Thái - Mèo chỉ có 13 người/km2 [2].

Vào giữa năm 1955, miền Bắc có khoảng 2701.000 hộ nông dân, trong đó đa số gia đình có 3 thế hệ. Theo số liệu trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, vào năm 1938 tỷ lệ địa chủ trong dân cư nông thôn chiếm 2,3%, phú nông 1,6%, trung nông 36,5%, bần nông 43%, cố nông 13% và các thành phần khác 3,6% [3]. Mức độ chênh lệch tài sản giữa địa chủ với bần cố nông khá sâu sắc. Thu thập của địa chủ hơn nông dân nghèo 500 lần và hơn 260 lần so với nông dân có mức thu nhập cao[4].

Sau ngày hòa bình lập lai, miền Bắc có 1753 hộ tư bản, trong đó có hơn 700 hộ thuộc tư bản công nghiệp, số tư bản thương nghiệp chiếm 2/3 tổng số hộ tư bản[5]. Do chính sách chèn ép của tư bản đế quốc nên đa số tư bản miền Bắc vốn ít, quy mô kinh doanh nhỏ, có xu hướng kinh doanh nhiều ngành nghề, ít thuê mướn nhân công.

Lực lượng tiểu thương tiểu chủ rất đông, có hàng chục vạn lao động. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng khu vực Hà Nội, sau ngày tiếp quản Thủ đô, trung bình cứ 2 hộ có một tiểu thương[6]. Một năm sau ngày hòa bình lập lại, vào cuối 1955 miền Bắc có 226.200 hộ tiểu thương và số hộ tiểu chủ, thợ thủ công độc lập lên đến 470.000 gia đình[7].

Ở vùng ven biển, hàng chục vạn người sinh sống bằng nghề đánh cá (đông nhất thuộc tỉnh Hà Tĩnh) và nghể làm muối (đông nhất ở Thanh Hóa, Nghệ An).

Vào cuối 1955, số lượng cán bộ công nhân viên chức có 168250 người, trong đó có hơn 7 vạn người trực tiếp sản xuất. Lực lượng công nhân miền Bắc, sau ngày giải phóng có 3 bộ phận:

- Công nhân vùng giải phóng, căn cứ địa: có khoảng 6 vạn người, chủ yếu hoạt động trong các xí nghiệp, xưởng quốc phòng. Sau ngày tiếp quản toàn miền Bắc, họ có vai trò nòng cốt trong công cuộc khôi phục ngành công nghiệp.

- Bộ phận công nhân làm ở cơ sở của Pháp: Một số không có việc làm trong những ngày đầu Pháp rút khỏi miền Bắc. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, bộ phận này cùng với lực lượng công nhân từ chiến khu về trở thành lực lượng công nhân trong các cơ sở quốc doanh (khoảng 10 vạn người).

- Bộ phận công nhân làm thuê trong các cơ sở tư bản tư doanh.

Trong năm 1954 – 1955, lực lượng công nhân ở các nông trường quốc doanh đã lên đến 4 vạn người. Nguồn nhân lực bổ sung chủ yếu lấy từ số cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1955. Trên phạm vi cả nước, có sự biến đổi cơ học do sự di truyền của ta và Pháp. Trong thời gian trên, khoảng 175.000 cán bộ chiến sỹ và 15.000 học sinh từ miền Nam tập kết ra Bắc. Cùng lúc đó, hàng chục vạn quân viễn chính Pháp, ngụy quân, ngụy quyền rút vào Nam. Ở vùng thiên chúa giáo, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ, hàng chục vạn giáo dân di cư vào Nam. Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Nam Ninh, đến tháng 5/1955 đã có 92.571 người bị địch cưỡng ép vào Nam[8].

Có thể nói, chuyển biến kết cấu xã hội sâu sắc đầu tiên của miền Bắc sau tháng 7/1954 xuất phát từ sự kiện chuyển quân tập kết thi hành hiệp định Genève về Việt Nam. Trong quá trình này, miền Bắc thu nhận lực lượng tiêu biểu, nòng cốt của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từ phía Nam ra, mặt khác đào thải về mặt chính trị, xóa bỏ các tổ chức xã hội của những lực lượng từng làm công cụ cho chủ nghĩa thực dân Pháp. Thực chất của sự biến đổi này là giải kết cấu xã hội thực dân hóa, đặt nền tảng cho biến tiến xã hội trong tương lai.

Cuộc cách mạng ruộng đất trong những năm 1955 – 1957 đã đánh đổ giai cấp địa chủ, giải phóng nông dân khỏi quan hệ sản xuất phong kiến. Xét về mặt ruộng đất, sau cải cách, địa chủ trở thành tầng lớp nghèo nhất ở nông thôn (730 m2 một người, trong khi đó bình quân một bần nông có 1370 m2 [9]). Lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp nông dân với tư cách là những người sở hữu ruộng đất nhỏ, khá quân bình, đã xuất hiện và tồn tại như một lực lượng xã hội đông đảo nhất trong phạm vi toàn xã hội. Cải cách ruộng đất đã giải kết cấu xã hội phong kiến ở nông thôn, làm lỏng những quan hệ xã hội bất bình đẳng – cái bất lợi cho tầng lớp nông dân nghèo – trong cộng đồng làng xã.

Từ năm 1958, cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc dẫn đến bước biến đổi rất căn bản trong kết cấu xã hội ở mọi khu vực kinh tế trong phạm vi toàn miền.

Ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và liên khu IV, theo điều tra của Ban công tác nông thôn Trung ương, vào năm 1958 và năm 1959, có hơn 40% hộ nông dân (gồm bần và trung nông) thiếu ăn và nhiều gia đình phải bán ruộng. Như vậy, nếu như cải cách ruộng đất, như đã nêu ở trên, tạo ra một xã hội ở mức độ bình quân tài sản khá cao ở các xóm thôn, thì sau đó mấy vụ, hiện tượng phân hóa giàu nghèo tái xuất hiện.

Để xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, chống chủ nghĩa tư bản phát triển trong nông nghiệp, đưa nông dân đến ấm no, từ năm 1958, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được phát động và trở thành cao trào trong năm 1960. Cuối năm 1960, đã có 2.404.800 hộ, chiếm tỷ lệ 85,83% số hộ nông nghiệp vào làm ăn tập thể.

Song song với hợp tác hóa nông nghiệp, các hợp tác xã thủ công nghiệp, ngành nghề cũng được thành lập nhằm đưa các hộ thủ công cá thể phi nông nghiệp ở nông thôn và thành thị vào làm ăn tập thể. Vào cuối năm 1960, có 263.000 thợ thủ công (chiếm 81% tổng số thợ) vào các HTX thủ công nghiệp. Ở ngành sản xuất muối, có 82,6% số hộ vào HTX. Riêng ở khu vực thương nghiệp, số hộ buôn bán vào HTX ở thời điểm cuối năm 1960 mới đạt 120.000 người (45,1%).

Trong khu vực kinh tế công nghiệp, trước ngày cải tạo tư bản tư doanh, có hai thành phần kinh tế song song tồn tại: công nghiệp quốc doang và công nghiệp cá thể của các nhà tư bản. Trong năm 1959, có 442 hộ tư bản công nghiệp được cải tạo. Đến năm 1960, đã cải tạo 729 hộ (10%)[10].

Kết quả cải tạo tư bản tư doanh làm xuất hiện thành phần kinh tế “công tư hợp doanh”. Các chủ hộ tư bản trở thành thành viên quản lý xí nghiệp. Song trên thực tế, vị trí quản lý ấy do các cán bộ Nhà nước nắm giữ. Đa số nhà tư sản và con em họ trở thành người lao động. Cuối năm 1960, theo số liệu thống kê, ở khu vực thủ công nghiệp - công nghiệp có 515.050 lao động, bao gồm 113.947 lao động ở khu vực kinh tế quốc doanh, 218.055 lao động khác ở khu vực kinh tế tập thể, còn 87728 lao động vẫn sản xuất, kinh doanh cá thể.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có gần 86% số hộ vào làm ăn tập thể. Ở khu vực phi sản xuất vật chất (y tế, giáo dục, hành chính, ngân hàng, nghiên cứu…) có 671.543 cán bộ công nhân viên chức.

Như vậy, 5 năm sau ngày giải phóng, miền Bắc có nhiều thay đổi lớn. Sự biến đổi xã hội miền Bắc trong thời gian trên chính là quá trình giải kết cấu xã hội thực dân – phong kiến sang kết cấu xã hội dân chủ và tiến lên xây dựng CNXH với hai thành phần kinh tế cơ bản: kinh tế toàn dân (hay quốc doanh) và kinh tế tập thể (hay hợp tác xã). Đến 1960, ngoài khoảng 10% dân số còn làm ăn cá thể, với hộ gia đình là đơn vị sản xuất, kinh doanh, còn khoảng 90% dân số đã trở thành xã viên của hợp tác xã hay cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Mặt bằng của kết cấu xã hội lúc này vẫn nghiêng về dân số nông nghiệp (khoảng 90%). Mặt khác, với công cuộc cải cách ruộng đất và phong trào sản xuất tập thể sau đó, đã làm chùng nhiều quan hệ xã hội truyền thống ở nông thôn, hướng cộng đồng thôn xóm vào khuynh hướng phát triển mới.

II. TỪ 1961 ĐẾN 1975

Theo xu thế phát triển đã định hướng, trong khu vực nông thôn, từ năm 1961 đến năm 1965, công tác xây dựng và củng cố hợp tác xã liên tục được đẩy mạnh. Nội dung chính của nó là: tiếp tục đưa nông dân cá thể vào HTX và đưa HTX nông nghiệp từ bậc thấp lên bậc cao.

Đến năm 1965,  có 90,1%  nông dân vào HTX nông nghiệp và số HTX nông nghiệp bậc cao đã đến 72%. Ngoài ra ở khu vực nông nghiệp thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, các nông trường, có khoảng 537.000 lao động.

Trong khu vực công nghiệp, đến cuối 1965 có 653959 công nhân. Về sơ cấu của đội ngũ công nhân, do chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nên ngành này có lực lượng tăng từ 132376 người (1961) lên 220851 người. Công nhân, lao động ở ngành thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ có gần 284.000 người, trong đó gần 13% thuộc diện lao động cá thể.

Trong tổng số công nhân – thợ thủ công, có gần một nửa (132.380 người) làm ở các HTX thủ công nghiệp chuyên nghiệp, hơn 30.000 người làm ở các tổ sản xuất chuyên nghiệp, 56.500 người làm việc trong các HTX nông nghiệp. Số thợ thủ công làm ở các HTX nông nghiệp đông nhất thuộc tỉnh thái Bình (6000 thợ), ít nhất ở vùng Nghĩa Lộ (119 thợ), nơi có thợ thủ công làm ăn cá thể nhiều nhất thuộc tỉnh Hà Tây (7867 thợ).

Trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), như đã nêu phần trước, lực lượng công nhân được chia làm 2 bộ phận: bộ phận do trung ương và bộ phận do địa phương quản lý. Trước ngày Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, tính trong 13 ngành công nghiệp mũi nhọn, lực lượng nhân công do tưng ương quản lý có 136411 người, do địa phương quản lý có 84440 người. Tỷ lệ này sẽ thay đổi trong thời gian sau.

Trong những năm 1965 – 1975, dù giặc Mỹ ném bom ác liệt khu vực kinh tế công nghiệp, nhưng lực lượng công nhân vẫn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính đến 1974, toàn miền Bắc có gần 883500 công nhân viên chức. Nếu không kể quy mô xí nghiệp, thì số đơn vị sản xuất công nghiệp nhiều nhất ở Hà Nội, Vĩnh Phú và Nam Hà. Riêng lực lượng công nhân công nghiệp đã tăng từ 200.000 (1965) lên 285.200 (1970) và 337.700 (1974). Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, theo chủ trương chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế (Hội nghị lần thứ XI Ban chấp hành TW Đảng (3 – 1965) nhằm chú trọng phát triển công nghiệp địa phương, nên tỷ lệ công nhân viên chức ở khu vực này phát triển khá nhanh, từ 84.400 người (1965) lên 132.300 người (1970) và lên 135.128 vào (1974)[11].

Về chất lượng, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã đào tạo cho đội ngũ công nhân miền Bắc nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý có trình độ ngày càng cao. Nếu tính bình quân 1000 công nhân, vào thời điểm 1965 có 75,3 người cán bộ kỹ thuật, trong đó có 10,5 người tôt nghiệp đại học, thì đến 1969 tỷ lệ này là 95, 7 và 11,3. Đến 1975, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ chiếm 19,5% tổng số cán bộ công nhân viên chức, trong đó số cán bộ đại học và trên đại học chiếm 19,5% tổng số cán bộ công nhân viên chức, trong đó số cán bộ đại học và trên đại học chiếm 6,4%, trung học chuyên nghiệp 13,1% và số công nhân kỹ thuật có tay nghề cao lên đến 53,4%.

Trong đội ngũ công nhân miền Bắc, sự kết hợp giữa đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao của lớp thợ già (bậc 7/7) cùng với lớp tri thức kỹ thuật mới của các kỹ sư trẻ, đã giải quyết thành công những vấn đề kỹ thuật phức tạp để phục vụ sản xuất và chiến đấu. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn về vật chất, điều kiện kỹ thuật yếu và thiếu, sự kết hợp của hai lực lượng trên đã phản ánh sự trưởng thành của giai cấp công nhân miền Bắc. Mặt khác, xét về sự phân bố của đội ngũ công nhân, có lực lượng thuộc trung ương, có lực lượng thuộc địa phương, có công nghiệp nặng, có công nghiệp nhẹ, có công nhân cơ khí, bán cơ khí, thợ thủ công, vừa tập trung ở các khu vực kinh tế trọng điểm, vừa có phân tán về các địa phương, đến tận các HTX nông nghiệp, vì thế đã giải quyết kịp thời những yêu cầu xây dựng và bảo vệ cho các địa phương và toàn miền trong thời kỳ lịch sử vô cùng sôi động.

Ở địa bàn nông thôn, nông dân, nông nghiệp, từ năm 1965 trở đi, số hộ nông dân tham gia HTX ngày càng cao. Đến năm 1970, tỷ lệ nông dân vào làm ăn tập thể lên 95,5%. Đến năm 1975, có 96,4% số hộ xã viên tham gia HTX nông nghiệp bậc cao[12]. Ở các xóm thôn, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên đỉnh cao, đã có hàng triệu thanh niên rời quê hương tham gia lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong hay dân công hỏa tuyến. Nhiều đơn vị dân quân trực chiến thu hút hàng chục vạn người khác tham gia bảo vệ quê hương. Vì vậy, có hiện tượng trong các HTX sản xuất nông nghiệp, phần lớn công việc sản xuất đề phụ thuộc vào phụ nữ và những người ở ngoài độ tuổi lao động.

Ngoài những năm 1970, song song với tiến trình xây dựng HTX nông nghiệp ở quy mô liên làng, quy mô xã, các đội sản xuất chuyên môn, ngành nghề được hình thành. Mỗi hợp tác xã có đội kỹ thuật chuyên - chăm lo giống và trừ sâu bệnh, đội thủy lợi, đội chăn nuôi và các tổ, đội ngành nghề khác. Dù có sự phân công lao động theo hướng sản xuất lớn như vậy, nhưng ở rất nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp, có thực tế là nhiều thợ thủ công (mộc, rèn, dệt tơ lụa v.v…) có xu hướng bỏ nghề, trở thành người sản xuất nông nghiệp thuần túy. Càng thiếu ăn, cây lúa càng lên ngôi, trong khi đó các cây rau màu khác bị mai một. Hiện tượng này được đánh giá là “nông dân hóa nông thôn, lúa hóa cây trồng” ở thập kỷ 1970 và 1980.

Về cán bộ kỹ thuật tính từ trung cấp trở lên phục vụ sản xuất ở khu vực nông, lâm nghiệp, nếu so với 1965, năm 1975 tăng 2,9 lần (gồm 17886 người), trong đó số cán bộ tốt nghiệp đại học tăng lên 7 lần[13]. Ngoài ra, mạng lưới cán bộ sơ cấp và nhân viên kỹ thuật đông đảo đã góp phần quan trọng trong việc cải tạo đồng ruộng, áp dụng giống cây mới, có năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp.

Về y tế - giáo dục: Lực lượng của hai ngành liên tục phát triển trong những năm 1965 – 1975. Có thể nói đây là một trong những thành công lớn của công cuộc xây dựng miền Bắc XHCN ở thời gian trên.

Đến năm 1975, dù hàng nghìn y bác sĩ đi phục vụ chiến đấu ở phía Nam, ở miền Bắc vẫn có 93500 y – bác sỹ (tăng hơn 25000 người so với 1965).

Số người đi học vào năm 1975 – 1976 là 6.796.900 người, tăng gần 150.000 người so với năm học 1965 – 1966, trung bình 1.000.000 dân có 200.000 người đi học[14]. Trẻ em sinh ra ở thời kỳ chống Mỹ cứu nước nhập học sớm hơn thế hệ trước 2 tuổi.

Trong 15 năm xây dựng CNXH (1960 – 1975), ở miền Bắc có hiện tượng chuyển động cơ học khá sâu sắc. Hiện tượng này thể hiện ở hai vấn đề. Một là, hàng chục vạn dân ở vùng đồng bằng di dân lên vùng rừng núi (Việt Bắc, Tây Bắc). Người Kinh lên miền ngược, định cư lập nghiệp, con cháu họ lấy đồng bào thiểu số, tạo nên quan hệ xã hội chằng chéo. Hai là, có hàng chục vạn cán bộ, nhân viên, học sinh từ vùng đô thị về sơ tán ở các làng quê, trong khi đó, hàng triệu thanh niên trai tráng từ vùng nông thôn ra thành phố làm cán bộ, công nhân viên chức hoặc tòng quân nhập ngũ. Gia đình vợ con, bố mẹ của họ vẫn ở các xóm thôn. Những biến đổi cơ học kể trên đã tạo nên một khoảng cách gần giữa nông thôn và thành phố, giữa thị dân, công nhân viên chức và giai cấp nông dân. Khoảng cách đo không xa biệt như thời hậu chiến và thời hiện tại.

Có thể nói biến đổi cơ cấu xã hội miền Bắc trong giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 diễn ra khá sôi nổi, phong phú. Động thái biến đổi của nó, đi từ giải kết cấu xã hội thực dân  -  phong kiến sang chế độ dân chủ, sau đó tiến lên một xã hội quá độ đi lên CNXH. Tiến trình trên diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt: miền Bắc vừa xây dựng, vừa chiến đấu, với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả vì giải phóng miền Nam. Vì thế, biến đổi xã hội miền Bắc không diễn ra trong thời bình, mà nó bị quy luật chiến tranh chi phối. Chính vì lẽ đó, nên một mặt nó tác động đến xu thế, nhịp điệu biến đổi của xã hội – cái mà có thể ở thời bình không đạt tới, mặt khác cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước thiêng liêng đã cho phép xã hội vượt lên, bằng ý chí và tình cảm trong sáng của mình, khắc phục và hạn chế những khiếm khuyết trong quá trình xây dựng chế độ mới, với kết cấu xã hội mới.

Hơn thế nữa, miền Bắc xây dựng con người mới, chế độ mới trong điều kiện hệ thống XHCN vững mạnh. Điều này tạo ra khả năng cho phép miền Bắc vừa tranh thủ sự ủng hộ vật chất của các nước anh em, vừa học hỏi mô hình kiến trúc xã hội, mô hình XHCN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, miền Bắc không thể tách rời kinh nghiệm của các nước anh em đang đi trước trong công cuộc xây dựng CNXH ở thời kỳ ấy.

Sau ngày đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta, trong đó kết cấu xã hội xã hội thể hiện qua bố trí lực lượng – con người – cho kiến trúc đó tỏ ra không hợp lý ở nhiều vấn đề. Vì thế, công cuộc đổi mới hiện tại nhằm chỉnh đốn những thiếu sót ấy. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận vai trò các giai cấp trong xã hội miền Bắc trong 21 năm xây dựng và chiến đấu vẻ vang. Vì thực chất, xét về mặt xã hội, đấy là những nhân sự cụ thể, họ từng làm vẻ vang cho đất nước, cho dân tộc và thời đại ở một thời kỳ lịch sử sôi động. Vấn đề là ở chỗ sắp xếp lại, bồi dưỡng nó như thế nào để thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, với nhiều thành phần kinh tế - xã hội, có định hướng XHCN ở giai đoạn hiện nay.

(Bài in trong Tạp chí Khoa học tháng 1-1995)

Tài liệu tham khảo

[1] Tổng cục Thống kê – Số liệu thống kê (3 năm vải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa của nước VNDCCH. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, Tr. 25-26.

[2] Tổng cục Thống kê – Số liệu thống kê… (sách đã dẫn), Tr. 28-29.

[3] Tổng cục Thống kê – Việt Nam con số sự kiện 1945 – 1989. NXB Sự thật, Hà Nội, 1990, Tr. 63-81.

[4] Tổng cục Thống kê – Việt Nam con số sự kiện… (sách đã dẫn), Tr. 53 và 25 năm trước VNDCCH. NXB Sự thật, Hà Nội, 1970, Tr. 193-194.

[5] Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện kinh tế học – 45 năm kinh tế Việt Nam (1945 – 1990). NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, Tr. 162.

[6] Tổng cục Thống kê – 25 năm trước VNDCCH (sách đã dẫn), Tr. 159.

[7] Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện kinh tế học – 45 năm kinh tế Việt Nam… (sách đã dẫn), Tr. 40.

[8] Viện Mác-Lê nin, Viện Lịch sử Đảng – Bước mở đầu thời kỳ lịch sử vẻ vang, Tr. 68-69

[9] Tổng cục Thống kê – Việt Nam con số sự kiện… (sách đã dẫn), Tr. 82-100.

[10] Tổng cục Thống kê – 25 năm trước VNDCCH, (sách đã dẫn), Tr. 46, 47, 112.

[11] Tổng cục Thống kê – 20 năm xây dựng và phát triển công nghiệp Việt Nam, Hà Nội, 1975, Tr. 50-58.

[12] Tổng cục Thống kê – Việt Nam con số sự kiện (sách đã dẫn), Tr. 82-100.

[13] Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Kinh tế học – 35 năm kinh tế Việt Nam 1945 – 1980, Hà Nội, Tr. 153.

[14] Tổng cục Thống kê – Việt Nam con số sự kiện (sách đã dẫn), Tr. 124.

 

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 4