LÀNG VIỆT NAM - CỘNG ĐỒNG ĐA CHỨC NĂNG
LIÊN KẾT CHẶT CHẼ
GS. Phan Đại Doãn
1. Về dòng họ
Làng Việt Nam là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội mà trước hết là dòng họ. Các mối liên kết trong làng có nghề nghiệp, tín ngưỡng tôn giáo, địa vực láng giềng, xóm, giáp, đơn vị hành chính làng xã và họ hàng dòng máu, nhưng mối liên kết họ hàng vẫn là bền vững nhất. Có thể coi cộng đồng làng trước tiên là tập hợp của những dòng họ.
Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, tổ chức dòng họ ở nước ta không nặng nề chặt chẽ như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nhân dân ta vẫn lấy gia đình cá thể (một vài thế hệ) làm cơ sở. Cây lúa nước mở rộng từ miền núi xuống đồng bằng đến ven biển đã làm tan quan hệ họ hàng, đã chia nhỏ họ hàng thành kiểu gia đình hạt nhân, người Việt Nam coi trọng cái cá thể gia đình mà ít lưu ý đến cái toàn thể họ hàng, chú trọng cái láng giềng mà ít lưu ý đến dòng máu, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Ý kiến trên có điều hợp lý. Canh tác lúa nước với mặt bằng nhỏ hẹp, diện tích mỗi thửa ở đồng bằng Bắc Bộ phổ biến là hơn một sào (không quá 600m2) công cụ thô sơ nhỏ nhẹ thì cái cá thể là thích hợp, thuận lợi. Trong quan niệm dân gian “trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” là mong muốn, là hình ảnh lý tưởng. Song đó chỉ là một mặt, còn một mặt nữa cũng không kém phần quan trọng là người tiểu nông phải liên kết lại. Địa lý, khí hậu và cả hệ sinh thái ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phức tạp, khắc nghiệt, muốn trồng cây lúa, người tiểu nông đã phải chủ động liên kết trị thuỷ và tạo sinh thái cho cây lúa nước. Trước đây hơn nửa thế kỷ, P. Guru đã có nhận xét xác đáng “nơi mà hầu như duy nhất trên thế giới, vai trò của con người quyết định trong quá trình hình thành, ngày nay ở đồng bằng Bắc Kỳ có một cảnh quan nặng tính nhân tạo hơn tự nhiên”. Có thể cho rằng, sức con người liên kết lại đã tạo nên đồng bằng hơn chính tự nhiên vốn có. Sự liên kết đầu tiên của những gia đình tiểu nông trong làng là dòng họ. Làng ở Việt Nam, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, khác với các làng ở Campuchia, Lào và nhất là ở Thái Lan có mối quan hệ tiểu nông không chặt lắm, quan hệ huyết thống ở đây lỏng lẻo. Các gia đình Thái Lan trong dòng họ không có ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau. Nhiều nhà dân tộc học gọi các làng của Thái Lan là cấu trúc lỏng. Còn ở Việt Nam thì quan hệ dòng họ khá chặt. Trải qua hàng nghìn năm đến những thế kỷ gần đây, dòng họ như càng ngày càng thắt chặt hơn, nó gắn bó các gia đình tiểu nông thành từng khối.
Quá trình hình thành và phát triển của một làng ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, từ khởi đầu cho đến ngày nay là sự chuyển đổi và phát triển từ liên kết hộ gia đình tiến lên là liên kết họ hàng và các dòng họ với nhau. Đó cũng là mối liên kết tự nhiên theo hôn nhân và theo sản xuất.
Những sự kiện lịch sử và hiện tượng dân tộc học thể hiện sự liên kết dòng họ rất phong phú, đa dạng. Đó là hiện tượng đặt ruộng họ, ruộng hậu họ, lập gia phả, xây dựng nhà thờ tổ tiên… Tục ngữ dân gian vẫn thường nói “máu loãng còn hơn nước lã”, “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “họ chín đời còn hơn mười người dưng”. Tín ngưỡng thờ tổ tiên là đặc trưng tín ngưỡng của người Việt đã góp phần không nhỏ trong việc thắt chặt các quan hệ họ hàng.
Từ đời xa xưa, tổ chức cư trú của nhiều làng đã theo dòng họ. Những địa danh làng mang tên họ còn lưu lại đến ngày nay khá nhiều từ Nghệ Tĩnh đến đồng bằng Bắc Bộ như Đỗ Động, Lưu Xá, quan hệ tông tộc này được duy trì, tồn tại phục vụ cho chế độ phong kiến. Có thể là nó ra đời do cơ chế phong kiến này. Cho đến những thế kỷ XVIII - XIX, sự cố kết họ hàng lại có phần chặt hơn. Hiện tượng làm tộc phả, tộc ước, diễn ca tộc phả rất phổ biến ở các vùng Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hoá và Nghệ An. Có thể kể vài trường hợp tiêu biểu như tộc ước họ Nguyễn Văn ở làng Phù Lưu (Tiên Sơn, Bắc Ninh) được bổ sung và chép lại vào đầu thế kỷ này có đến 22 điều quy định về cách đối xử với nhau, về cúng tế tổ tiên; về hôn nhân và gia đình và đặc biệt là về mối đoàn kết trong gia đình và họ hàng “sao cho thành một khối thuận hoà trên dưới”. Họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) cũng có tộc ước được ghi chép vào năm 1905 với 10 điều quy định.
Rất nhiều dòng họ có diễn ca gia phả như họ Hồ ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), tiêu biểu như họ Nguyễn ở làng Xuân Cầu (Châu Giang, Hưng Yên) có cả một bài văn vần Bản tộc tương miễn quốc âm ca gồm 100 câu theo thể song thất lục bát, bắt buộc con cháu trong họ phải học thuộc. Bản quốc âm ca ghi rõ:
“Họ ta gia thế vốn Nho,
Con giai nên nặng công phu học hành.
Ắt lại thấy công danh sự nghiệp,
Hiển vinh này nền nếp còn dai.
Dầu ai sụt sức kém tài,
Vân canh, nhiễm tác sẵn bày tứ dân…”
Quốc âm ca còn quy định khá cụ thể cách ăn ở, đối xử, xưng hô giữa trẻ và già, giữa trai và gái, giữa trên và dưới theo nguyên tắc gia trưởng phụ quyền.
Nhiều nơi ở miền Bắc, dòng họ còn tồn tại như một đơn vị, một thành phần quản lý làng xã. Một tư liệu văn bản ở làng Trang Liệt (Tiên Sơn, Bắc Ninh) lập vào cuối thế kỷ XIX ghi rõ một hiện tượng là phó lý của làng này bất lực hoàn toàn trong việc tuần phòng bảo vệ trị an, làng đã mời 10 họ họp lại cùng thống nhất đề ra 26 điều quy định gọi là Thập tộc tân ước nhằm bảo vệ trật tự trị an xóm làng trong các ngày bình thường, ngày lễ tết, mùa màng. ở đây, một dòng họ không chỉ có quan hệ tương trợ trong nội bộ mà như là tổ chức quản lý hành chính.
Những dẫn chứng trên ở các làng Phù Lưu, Đình Bảng, Trang Liệt, Xuân Cầu thuộc đất Bắc Ninh xưa, nơi mà có nền kinh tế hàng hoá phát triển vào bậc nhất của nước ta trước đây, cho phép ta suy nghĩ hình như chính nơi đây quan hệ dòng họ lại gắn chặt hơn nhiều so với nơi có nền kinh tế kém phát triển.
Có người cho rằng quan hệ tông tộc trong làng Việt tồn tại trong mấy thế kỷ qua có nguồn gốc trực tiếp từ thị tộc nguyên thuỷ. ý kiến này chỉ đúng một phần, còn một phần nữa là cơ chế xã hội của chế độ phong kiến Việt Nam đã sản sinh ra và duy trì nó. Cần phân biệt thị tộc và tông tộc. Tông tộc và thân tộc ra đời muộn, phục vụ cho chế độ phong kiến trung cổ (không nên coi tổ chức dòng họ như kiểu hiện nay là có từ xa xưa nguyên thuỷ).
Nhà nước phong kiến dựa vào tông tộc để thống trị, lợi dụng tông tộc làm một chỗ dựa vương quyền. Sự kết hợp vương quyền với dòng họ đã tạo ra những “danh hương, vọng tộc”. Cho tới đầu thế kỷ XX, ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) hầu như ai ai cũng biết: “Từ Liêm tứ quý: Mỗ, La, Canh, Cót” hay “Tứ quý danh hương: Mỗ, La, Canh, Cót” (Mỗ là Đại Mỗ, Tây Mỗ; La là La Khê, La Cả; Canh là Hương Canh, Vân Canh; Cót là Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết). Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa nổi tiếng có “Đông: Cổ Am, Nam: Hành Thiện” (Hải Dương có Cổ Am, Nam Định có Hành Thiện là làng có nhiều người đậu đạt và làm quan). ở mỗi làng trên lại có một số dòng họ lớn sản sinh nhiều thế hệ sĩ phu quan lại, khoa bảng. Chẳng hạn như ở Mỗ có họ Nguyễn Đức, Canh có họ Lý Trần, ở Hành Thiện có họ Đặng, ở Cổ Am có họ Hoàng, ở Tả Thanh Oai có họ Ngô Thì, ở Nghệ An có họ Hồ (Quỳnh Đôi), họ Nguyễn Cảnh (Đô Lương). Đó là những vọng tộc (hay còn gọi là cự tộc).
Chính quyền phong kiến thời Nguyễn, cả thực dân Pháp trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX cũng đặc biệt lợi dụng dòng họ để thống trị nhân dân. Luật Gia Long quy định trong họ hàng phải chịu trách nhiệm quản lý dòng họ, bố mẹ phải cùng chịu tội lỗi của con cháu. Chế độ phong kiến Việt Nam đề cao gia tộc, gia trưởng, pháp lý hoá các quan hệ họ hàng, tạo ra một dạng phong kiến mang đậm tông tộc chủ nghĩa. Cái gọi là Hội đồng tộc biểu hay là ban tộc biểu ở các làng xã thời Pháp thuộc chỉ là sự lợi dụng dòng họ của chính quyền thực dân.
Sự cố kết dòng họ đã hỗ trợ cho nền kinh tế tiểu nông khá tốt, giúp cho tiểu nông khắc phục được nhiều trở ngại, khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Trong xã hội, đôi khi quan hệ dòng họ cũng có mặt tích cực nhất định, nhưng chính sự cố kết dòng họ đã tạo ra quan hệ gia trưởng và tông tộc chủ nghĩa hỗ trợ đắc lực cho chính quyền thống trị quan liêu còn để lại hậu quả đến ngày nay. Ngoài ra, chính quan hệ tông tộc len lỏi đan xen vào các quan hệ giai cấp - như nhiều nhà nghiên cứu thường nói, sẽ làm mềm yếu các quan hệ giai cấp, các quan hệ pháp luật, và nếu khống chế không nổi thì thậm chí có nơi, có lúc nó vượt lên đứng trên các quan hệ giai cấp và quan hệ pháp luật. Đó cũng là điều đáng lưu ý trong xã hội hiện đại.
Như vậy quan hệ họ hàng trong cả thế kỷ gần đây lại càng phức tạp, chứ không phải là phân rã dần. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá trong thời phong kiến hậu kỳ đến thời cận đại chưa đủ làm suy yếu quan hệ họ hàng, ngược lại dưới tác dụng của hệ tư tưởng Nho giáo và chính sách thống trị của nhà nước phong kiến (lợi dụng dòng họ) thì mối quan hệ này lại được thắt chặt thêm.
Họ hàng căn bản không đối lập với làng xã, có khác biệt nhưng vẫn thống nhất với làng xã. Họ hàng liên quan với làng thông qua tổ chức giáp. Giáp là đơn vị nhỏ của làng, có giáp tổ chức theo khu vực địa lý, có giáp lại tổ chức theo dòng họ. Có nhiều làng thì giáp là họ. Có thể cho là giáp là khâu trung gian giữa làng và họ, “hành chính hoá” dòng họ, quản lý dòng họ và quản lý bằng dòng họ.
Dòng họ còn có vị trí quan trọng, có nơi là nòng cốt của làng.Có làng do một vài họ chi phối. Trước đây ở huyện Giao Thuỷ (Nam Định) có câu “Hoành Nha họ Vũ, Trà Lũ họ Trần” là để chỉ thế lực và sự chi phối của dòng họ lớn trong làng. Chính những hiện tượng trên đã thể hiện sự hoàn thiên tính tông tộc trong cư dân nông nghiệp, đặc biệt là tính đa nguyên trong kết cấu xã hội của làng, cũng là hiện tượng phổ biến trong cả nước.
2. Cấu trúc xã hội cùng loại hình nông, công, thương
Làng Việt Nam còn có phường hội, một mối dây ràng buộc con người ngoài tổ chức họ.
Phường là tổ chức nghề nghiệp của những người làm nghề thủ công và buôn bán, mà ở nước ta chủ yếu là của nông dân làm thêm các nghề thủ công hay buôn bán. Trên miền Bắc, những làng lớn có kinh tế phát triển thì hầu như đều có phường, có làng có đến hàng chục phường (như phần trên đã trình bày).
Phường thủ công hay buôn bán đều có những quy đinh cụ thể gọi là phường lệ để ràng buộc người cùng nghề, ổn định sản xuất, chống cạnh tranh. Nội dung quy định của phường chủ yếu là tương trợ những điều kiện làm ăn (như cho vay vốn, chịu lãi nhẹ) về giá cả mua bán nguyên liệu và thành phẩm để đảm bảo mối đoàn kết của những người cùng nghề nghiệp.
Phường lệ (có văn bản hay không có văn bản) là kỷ luật bắt buộc đối với tất cả các thành viên, là mối dây ràng buộc khá chặt chẽ đối với những người làm thủ công hoặc buôn bán.
Ở phương Tây, phường là tổ chức nghề nghiệp của cư dân thành thị trung đại. Còn nông thôn là địa bàn cư trú của nông dân và lãnh chúa phong kiến, chính vì vậy nên làng quê thường được gọi là công xã nông nghiệp hay công xã nông thôn, còn thành thị là những công xã thành thị riêng biệt. ở Việt Nam và một số nước châu Á, trong xã hội tiền tư bản chủ nghĩa lại tồn tại rất phổ biến các phường hội thủ công nghiệp hay buôn bán ngay trong làng quê. Hiện tượng phường tồn tại trong làng quê làm cho cơ cấu và cơ chế vận hành của làng nông thôn Việt Nam khác với phương Tây. Như vậy, nông thôn nước ta về kinh tế, bên cạnh nông nghiệp lại đan xen hay gắn liền với thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ; bên cạnh nông dân lại có thương nhân, thợ thủ công hoặc nông dân kiêm thợ thủ công và thương nhân.
Trong xã hội Việt Nam trước đây, kết cấu kinh tế làng xã có ba thành phần[1]: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp là tương đối phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Hầu như huyện nào ít nhất cũng có bốn năm làng. Có thể kể một số làng tiêu biểu như Trang Liệt, Đình Bảng, Phù Lãng ở Bắc Ninh, Vân Chàng, Kiên Lao ở Nam Định, Phương Trung, Bình Đà ở Hà Tây, Trà Đông ở Thanh Hoá, Nho Lâm, Quỳnh Đôi ở Nghệ An, Hiền Lương ở Thừa Thiên…Thậm chí trong từng gia đình ở các làng trên cũng có kết cấu kinh tế nông - công - thương. Trong gia đình có người cày ruộng, có người làm thợ thủ công và có người buôn bán nhỏ.
Kết cấu ba thành phần kinh tế của các làng trên đều hầu hết đã có lịch sử lâu dài. Trang Liệt, Đình Bảng, Nho Lâm đã ra đời cách nay trên 500 năm; Quỳnh Đôi, Hiền Lương có cách ngày nay trên 300 năm. Kết cấu kinh tế này thực sự đã tạo cho làng xã có thể ổn định lâu dài, vững chắc mà những biến động xã hội mấy thế kỷ qua, thậm chí cho đến đầu thế kỷ này tác động vào cũng không làm cho nó thay đổi (hoặc thay đổi không đáng kể).
Mối quan hệ trên không chỉ giản đơn là sự kết hợp về nghề nghiệp và cư dân mà còn là sự kết hợp các tổ chức và quan hệ xã hội; trong làng có hương ước, có tộc ước lại có thêm cả phường lệ. Nếu ta gọi những làng nông nghiệp với các loại hình sở hữu: ruộng công, ruộng nửa công nửa tư, ruộng tư như là công xã nông nghiệp thì những làng nông nghiệp có các phường thủ công nghiệp và thương nghiệp là làng xã nông công thương nghiệp. Về ý nghĩa kinh tế như đã nói, thì sự tồn tại của loại hình “công xã” (có thể không chính xác lắm) này thể hiện sự “khép đóng liên làng”. Về ý nghĩa xã hội mà nói, thì cư dân làng xã có thêm một liên kết, chịu lệ làng, lệ họ, lại chịu thêm lệ phường. Trong làng lại có thêm dây ràng buộc chặt chẽ hơn.
Làng Việt Nam còn có các hội, tổ chức theo giới tính, theo chức nghiệp và theo lứa tuổi. Hội Tư văn xuất hiện rất sớm, có thể đã có từ thế kỷ XV duy trì phát triển vào các thế kỷ XVIII, XIX và đầu XX. Hội Tư văn là của các đồ nho có chữ Hán, trong thời Pháp thuộc có nơi kết nạp thêm người học chữ Tây. Một số làng có thêm hội Tư võ, hội Làng binh của những người đi lính và các quan võ về làng. Hội theo giới tính có hội Chư bà; hội theo lứa tuổi có hội Mục đồng (của trẻ chăn trâu), hội Lão (của những người già cả) và hội Đồng niên. ở miền Bắc trước đây không lâu lắm rất nhiều nơi còn tồn tại các loại hội này.
Sự ràng buộc của các loại hội này không chặt chẽ bằng phường và họ, nhưng cũng thường xuyên một năm vài ba lần họp hành, ăn uống. Hội có ruộng đất như ruộng của hội Tư văn, ruộng của hội Tư võ, ruộng của phường thủ công. Hội có quy ước hoạt động và lễ nghi cúng tế. Sự liên kết này không nặng nề sâu sắc như dòng họ và phường nghề nghiệp, nhưng cũng góp phần ràng buộc các cư dân làng xã theo một định hướng luân lý, đạo đức.
3. Liên kết chặt chẽ
Những phân tích trên cho biết làng Việt là một kết cấu chặt. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, làng Việt Nam chỉ là tổng số giản đơn của những gia đình cá thể, chỉ là khu vực cộng cư của những người tiểu nông làm lúa nước. Họ cho rằng, cây lúa và hệ sinh thái của nó chia ruộng đất thành những mảnh vụn nát, đã tạo nên những tiểu nông đơn lẻ, rời rạc. ý kiến này nói lên được mối quan hệ giữa môi trường sinh thái và kết cấu xã hội. Nhiều nhà Đông phương học cho rằng, cấu trúc làng của các vùng lúa nước ở Thái Lan, Campuchia là lỏng lẻo, vì ở đấy là nơi cấy lúa nước và hệ thống tôn giáo Phật tiểu thừa chi phối. ở Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc Bộ không có tình trạng trên. Làng Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của gia đình tiểu nông mà bản thân nó còn là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, một tổ chức xã hội. Cộng đồng làng là một sự hợp thành của một hệ thống có gia đình cá thể, có họ hàng, có phường, hội, có xóm giáp và những mối liên kết vật chất và tinh thần như tộc ước, phường lệ, hương ước và tín ngưỡng tôn giáo, hội hè, đình đám… Làng là tích hợp của những thành tố trên. ở đây hầu như con người không tồn tại với tư cách cá nhân độc lập, mà phải luôn luôn là thành viên trong một cộng đồng nhất định của họ, của phường, của hội, của làng…
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là cấu trúc của làng Việt ở đồng bằng sông Cửu Long có những nét đặc thù không giống với làng ở châu thổ sông Hồng, kể cả làng ở miền Trung. Các làng ấp ở Nam Bộ mở rộng nhiều hơn, không bị bao vây bởi một luỹ tre dày kín (như các làng ở miền Bắc), trái lại thường kéo dài dọc theo bờ sông hay hai bên đường lớn. Làng Nam Bộ được thành lập do sự quy tụ, tập hợp tự nhiên những con người phiêu tán, cho nên lúc đầu không có quy chế chặt chẽ, không có hương ước, lệ làng và tộc ước như các làng miền Bắc và miền Trung. Các làng ấp Nam Bộ thời kỳ mới lập gần giống như một tổ chức hợp tác tương trợ, rộng mở và phóng khoáng, dân số có thể tăng giảm tuỳ theo tình hình sản xuất và đời sống, nếu dễ thì ở lại, mà có nhiều khó khăn không làm ăn được thì chuyển đi nơi khác. Làng ở đây chưa có sự phân biệt sâu sắc giữa chính hộ và khách hộ, chưa có sự chia cách giữa nội và ngoại cư. Kết cấu làng như trên rõ ràng là có điểm không chặt chẽ như miền Bắc (hẳn do vậy mà cư dân Nam Bộ nhìn chung có lối sống hào hiệp, cởi mở và bình đẳng hơn nhiều nơi khác) .
Kết cấu đa dạng và chặt, vững của làng đã tạo ra một định hướng hành vi hoạt động của cá thể và của toàn thể, của gia đình và xã hội, đã tạo một sự thống nhất tương đối, đồng thời với sự tự điều chỉnh và ổn định. Trong các quan hệ đứng: cấp trên và dưới, già và trẻ, địa phương cơ sở và cấp chính quyền cao hơn cũng như các quan hệ ngang: cùng đẳng cấp, giai cấp, lứa tuổi, làng quê, bè bạn… đều có một cách ứng xử được quy định từ trước, có quy chế, quy tắc áp dụng trong một làng, một vùng. Cá nhân và gia đình không tồn tại riêng biệt mà là một bộ phận hữu cơ gắn chặt với tổ chức làng nên chịu định hướng của làng trong suy nghĩ và hành vi xã hội.
Khuôn mẫu định hướng suy nghĩ và hành động của cá thể, của làng quê và mở rộng ra là cả xã hội cũ có thể lấy ví dụ về sự định hình định tính các nhân vật trong văn học dân gian cổ truyền. Trong truyện Nôm bình dân (như Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa), trong chèo, tuồng, cả nhân vật “trung và nịnh, chính diện và phản diện” như đều có kiểu loại hành vi và cá nhân gần giống nhau. Nhân vật “trung” thì chỗ nào cũng có hoàn cảnh, tính cách giống nhau. Nhân vật “nịnh” thì ở chỗ nào cũng dễ nhận thấy. Người nghèo thì học giỏi hiếu thảo, trung thuận, phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng cuối cùng đã vượt qua và hạnh phúc vẹn toàn. Còn những cô vợ đều là con nhà giàu nhưng trinh thuận, giúp đỡ gia đình, cũng trải qua nhiều khó khăn thử thách rồi lại đạt được hạnh phúc vẹn toàn. Ngay cả cách thể hiện nhân vật trên sân khấu tuồng, chèo, từ trang trí đến điệu bộ, giọng nói đều theo kiểu cách thống nhất. Loại người “trung” có trang phục, có kiểu tô vẽ, dáng đi đứng, giọng hát, điệu cười cũng khác nhiều với loại nhân vật gian nịnh.
Nhân vật văn học dân gian như trên có kích thước quy định và hoạt động trong một khối hình rắn chắc theo “chủng loại tính” chứ không phải là kiểu nhân vật linh hoạt, có cá tính và hành vi hoạt động theo tuyến (có lên, có xuống hoặc kết thúc đột ngột).
Tóm lại, sự đan xen các nghề nghiệp công, nông, thương và các tổ chức sản xuất xã hội như phường hội; sự duy trì các quan hệ họ hàng, xóm giáp; sự chồng xếp các hệ tư tưởng và tôn giáo về mặt nào đó đã tạo cho làng cổ truyền vững mạnh. Sự tồn tại các cá thể không phải với tư cách đơn lẻ riêng biệt mà bao giờ cũng là với tư cách thành viên của cộng đồng làng; và sức sống của làng tồn tại là ở chỗ tái sản xuất ra những thành viên của nó, cũng như người tiểu nông muốn sống ổn định trong làng bao giờ cũng phải với tư cách là thành viên trong tổ chức này (sẽ trình bày ở phần sau). Sức mạnh của làng có quan hệ chặt chẽ đến sức mạnh của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, tất cả các làng xã cùng cả nước có một kẻ thù chung, một mục đích, một nhiệm vụ sẽ tạo sự thống nhất; một mối liên kết theo trục đồng tâm. Đó là sức mạnh vô địch. Vai trò của làng xã rất to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Nhưng trong thời kỳ hoà bình thì mối liên kết làng xã và chính quyền Nhà nước hoặc giữa các làng với nhau có những mặt lỏng lẻo hoặc mâu thuẫn, giảm nhẹ sự tập trung thống nhất, sẽ đưa tới tình trạng “phép vua thua lệ làng”, địa phương chủ nghĩa nặng nề.
Ngày nay kết cấu và cơ chế vận hành của làng xã cổ truyền đã giải thể, nhiều tổ chức như xóm giáp, phường hội đã đi vào quá khứ, song bộ phận họ hàng và hệ tư tưởng tín ngưỡng vẫn còn duy trì và ảnh hưởng sâu đậm. Cho nên khả năng tái sinh bộ phận của kết cấu làng xã vẫn còn tồn tại.
4. Tính tự trị, tự quản của làng xã
Chế độ quân điền thực hiện, ruộng đất của làng nào thì làng ấy sử dụng, nhà nước không trực tiếp phân chia, làng tự phân chia lấy đã làm cho tính tự trị tương đối của làng xã tiếp tục tồn tại.
Tính tự trị của làng xã vốn có nguồn gốc lịch sử xa xưa, nhưng vịêc thực hiện chế độ quân điền và sự xuất hiện thêm các quan hệ cộng đồng trong làng xã làm cho nó càng được củng cố. Việc chia ruộng đất đòi hỏi phải có tổ chức đại diện các giáp, các họ cùng với hội đồng chức dịch bảo đảm sự phân chia cho hợp lý, tương đối công bằng. Việc phân chia này lại có lệ riêng của làng, có khi không theo đúng thể lệ quân điền của nhà nước. Chế độ quân điền Gia Long đề ra 3 năm một lần chia, nhưng không ít làng xã lại kéo dài đến 4 năm. Ngoài phần ruộng chia cho dân, làng còn để ruộng cho giáp, cho chùa, cho đình, cho hội Tư văn, cho các chức dịch từ xã trưởng cho đến mõ - mà nhà nước trung ương không kiểm soát nổi. Như vậy, tính tự trị của làng xã được duy trì một phần là do chế độ quân điền. Đây không phải là tàn dư dân chủ của công xã nguyên thuỷ còn lại, mà trên cơ sở sử dụng quân điền và cách phân chia ruộng đất công trong thời phong kiến sản sinh ra. Tính tự trị tương đối của làng xã lại được củng cố thêm trong việc lập hương ước, nhưng từ thời Lê sơ về sau thì hương ước ngày càng nhiều. Theo Hồng Đức thiện chính thư thì cuối thế kỷ XV, hương ước thành văn bản đã phổ biến, đôi nơi chính quyền khuyên “không nên lập khoán ước riêng và nếu muốn lập khoán ước thì phải nhờ các bậc nho giả viết và phải trình lên quan chức nha môn xem xét”. Rõ ràng đến thế kỷ XV, hương ước các làng đã được viết thành văn bản. Hương ước có văn bản thì lệ làng được định hình cụ thể thêm và mạnh mẽ thêm. ở các thế kỷ sau thì việc lập hương ước thành văn bản phổ biến hơn. Các hương ước của những làng gọi là “danh hương” như Mộ Trạch ở Hải Dương; Quỳnh Đôi, Nho Lâm ở Nghệ An; Đông Ngạc ở Từ Liêm; Kim Đôi ở Bắc Ninh đều mới được hình thành văn bản từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều làng vẫn tiếp tục bổ sung thêm trong hương ước nhiều luật lệ mới.
Hương ước là luật lệ làng, bắt buộc các thành viên phải tuân thủ. Hương ước gắn bó các thành viên trong một cộng đồng tương đối chặt chẽ và tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau, phục tùng làng xã. Có khi ruộng công không còn mấy, chỉ còn một ít ruộng đình, ruộng chùa, ruộng họ nhưng cộng đồng làng xã vẫn chặt chẽ trong các quan hệ dòng họ, tín ngưỡng, phường hội và trong những quy định của hương ước. Mỗi thành viên trong làng xã từ ăn mặc, nói năng, đi lại, hội họp, thờ cúng, ma chay, cưới xin đến nghĩa vụ đối với gia đình, họ hàng, làng xóm đều quy định trong hương ước. Những quy định trên có ý nghĩa như là hình thức tổ chức xã hội trong làng xã. Tính tự trị và các quan hệ cộng đồng trong làng xã khiến cho con người chỉ tồn tại hợp pháp với tư cách là thành viên chính thức, vì lý do nào đó mà có người không đủ tư cách chính thức như dân ngoại tịch ngụ cư hoặc bị xoá tên trong sổ làng thì không được lệ làng đảm bảo, bị sống ngoài lệ làng. Những tư liệu dân tộc học cho biết từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX không phải số hương ước ngày càng bớt đi, mà trái lại hương ước dần dần nhiều thêm. Rõ ràng thể hiện tính tự trị của làng xã không giảm bớt mà lại tăng dần trong chế độ phong kiến.
Sự phát triển dân số càng tăng, mật độ dân số càng đậm đặc thì mối liên kết càng chặt. Điều này thể hiện trong các hương ước. Những làng có lịch sử lâu đời, có nhiều ngành nghề, dân số đông và nhiều tầng lớp xã hội khác nhau thì hương ước lại càng phức tạp, đa dạng, quy định càng chi tiết, cụ thể. Chẳng hạn như làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là làng lớn, đông dân, làm nhiều nghề nghiệp, nhiều tầng lớp xã hội thì hương ước khá dày, hàng mấy trăm điều khoản, được biên soạn trong nhiều thế hệ, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Hương ước làng Quỳnh Đôi lại chia làm 3 phần: khoán hội, khoán làng, khoán phe. Hoặc như làng Mộ Trạch (Cẩm Bình, Hải Dương) cũng là làng dân đông, lâu đời lại có nhiều quan lại sĩ phu thì hương ước cũng ra đời rất sớm và có trên trăm điều khoản. Còn các làng bé nhỏ, nghề nghiệp không phức tạp (chủ yếu là nông nghiệp), dân thưa thì hương ước ngắn gọn, sơ lược. Hương ước các làng Quỳnh Dương (Diễn Châu, Nghệ An), làng Diệu ốc (Yến Thành, Nghệ An), làng Cổ Linh (Thọ Xuân, Thanh Hoá), làng Thi (Xuân Thuỷ, Nam Định)… lại sơ sài, không quá 50 điều khoản, chủ yếu tập trung vào nghi thức tế lễ và hương ẩm chốn đình trung.
Ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam sở dĩ có hiện tượng hương ước xuất hiện và xuất hiện sớm còn do tác động của dân số. Làng nào dân số đông thì hương ước phức tạp, đa dạng và ngược lại nếu dân thưa ruộng nhiều, nghề ít thì hương ước ít điều khoản, đơn giản. Bởi lẽ, một trong những tính chất của hương ước là tự điều khiển xã hội trong làng, dân càng đông càng nhiều nghề mà lại muốn tạo nên một kết cấu chặt chẽ, ổn định thì hương ước phải phong phú, phức tạp, đề cập nhiều mặt của cuộc sống (bao gồm tư tưởng, tín ngưỡng, hội làng, kinh tế, giáo dục, hương ẩm…)
Dưới đây xin trích mấy điều khoản của hương ước làng Quỳnh Đôi, để có thể thấy được phần nào nội dung của nó:
Điều 21: Lệ hương ước là lệ chung cho cả làng, kẻ trên, kẻ dưới ngừơi lớn, ngừơi nhỏ, đã có lệ đặt ra thứ tự rồi, quan viên nên vui lòng giữ phép để làm gương cho cả làng. Nếu quan viên nào cứ họp riêng một mình, các ông già và người trẻ không được dự vào thời cách ấy là không hợp lệ hương ẩm, các lệ ấy nên thôi, quan viên nên nghĩ lại điều ấy.
…
Điều 30: Năm đầu Vĩnh Thịnh Lê Dụ Tôn (ngày 21-11-1705) làng luận bàn việc đánh xóc đĩa, đánh bài là việc nên răn cấm. Từ nay về sau, người nào gạ xóc đĩa và đánh bài phạt 2 quan, những người đánh phải bắt phạt 2 quan.
…
Điều 63: Người ta phải lấy luân lý làm trọng, nghĩa là làm cha thì tính nết cho lành, làm con thì thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh thì ở với em cho hiền hoà, làm em thì ở với anh cho cung kính, chồng nói thì vợ nghe, làm người cư xử nên như thế. Nếu không như thế chẳng khác gì loài súc vật. Ai có điều lỗi không đợi người nhà trình làng, chỉ cần có người cáo giác với làng, theo tội nặng nhẹ, làng phạt.
…
Điều 69: Học trò cốt giữ nết na làm đầu, gần đây học trò chỉ biết chuyện tập văn bài, về mặt tu luyện tính nết cho tốt thì còn thiếu, làng có bàn bạc làm việc gì thì tụ họp gièm pha, phỉ báng này nọ, lấy lời bậy bạ viết vào giấy. Cái tệ ấy nên bỏ, từ nay về sau ai còn giữ thói ấy có người phát giác, làng bắt phạt một con lợn đáng giá là 3 quan tiền.
…
Điều 72: Phàm ai uống rượu thì phải có điều độ, không nên uống nhiều, nếu ai uống quá say nói ầm ĩ huyên náo, nói cạnh khoé người ta, khen chê chính quyền trong làng, chửi bóng chửi gió hàng xóm láng giềng, trêu ghẹo đàn bà, con gái đều là vì rượu làm, nên cả làng bắt phạt: lợn một con đáng giá là 1 quan 5 tiền.
Điều 73: Trong làng cốt lấy sự không kiện nhau là quý, phàm ai có sự gì uất ức thì phải trình làng để làng xét xử, không được đưa nhau đi kiện ở quan. Nếu làng xét xử không được rõ ràng công bằng thì mới đưa nhau đến quan xử, quan xử y như làng xử thì làng phạt lợn 1 con đáng giá là 3 quan. Nếu không trình làng đi kiện ở quan, làng cũng phạt như vậy.
Điều 74: Người nào mà lại không có việc lợp nhà và việc đưa ma. Vì vậy, từ nay hễ ai có việc làm nhà, lợp nhà thì phải đến ngay nhà ấy để làm giùm, không phải đợi nhà ấy mời mượn. Người có việc đưa ma thì tuỳ người ta kính biếu, không được đòi hỏi, ai trái lệ này phải phạt.
…
Điều 84: Khi đi chợ gặp người già, có mang xách gì, mình là người trẻ tuổi, sức mạnh bạo nên mang xách hộ cho người già, nếu cứ lững thững đi làm lơ như thể không biết, thời phải phạt.
Điều 85: Làng họp ở đình đã có chỗ bên tả, bên hữu, trên dưới, bàn một việc gì đã có quan viên tôn trưởng bàn định. Nếu kẻ nào thấy một việc gì bàn chưa được thoả đáng thời nên trình lại với quan viên để bàn cho được hay hơn, không được nói năng to tiếng, ra dáng không giữ lễ phép, ai làm trái điều ấy thời phải phạt.
…
Điều 87: Hễ làng có bàn một việc gì đúng hay không đúng thì phải bàn lại ngay khi làng đương đông đủ ở đình. Khi ở đình thì không nói gì, khi gặp nhà ai ăn cỗ bàn, đem ra bàn bạc để phỉ báng người đương sự thì phải phạt.
Điều 88: Người trong một xóm với nhau nên lấy sự hoà thuận mà ăn ở với nhau. Nếu có kẻ cậy mình có sức khoẻ mà hà hiếp người nghèo, người hèn hạ, lấn lướt người quý, đến nỗi đập xé lẫn nhau, làm hại đến phong hoá thì phải phạt.
…
Điều 90: Người cùng một làng đi ra phương xa, hoặc gặp người ngộ bệnh hay có việc gì thì nên lưu lại nơi ấy để giúp đỡ, nếu ích kỷ bỏ đi nơi khác, bỏ bạn lại, coi như người đi đường thì phải phạt.
…
Điều 95: Người ở với nhau cùng xóm nên thương nhau, giúp đỡ nhau là lẽ thường. Các nhà giàu làng ta thường có lúa gạo bán ở chợ, tháng bảy tháng tám gặp mưa gió, có người đến vay thì nói hết rồi, cầm tiền đến mua thì họ bán cao giá như thế thật đáng ghét. Từ nay về sau, các nhà ấy phải nên chừa cái tệ ấy. Người nào còn giữ thói xấu ấy, có người phát giác thì không cho người làm thuê đến nhà ấy làm công.
Điều 96: Chợ Quỳnh Thiện là nơi trong làng ta ai cũng đến đó họp để mua bán thuận tình, để trao đổi nơi có vật này cho nơi có vật khác. Nếu có kẻ cậy thế mà ức hiếp người ta, có tiếng đồn, cáo giác ra là có lỗi, phải phạt.
Điều 97: Đàn bà con gái cốt việc canh cửi và cầy bừa cho siêng năng, nếu nhớn nhác, chụm ba chụm bốn cứ bàn việc người này qua người nọ lăng nhăng; người ta đến chửi bới vang la làm vang động láng giềng, làng nghe, bắt ra đình làng phạt và bắt gia trưởng người ấy không biết dạy bảo[2].
Trên đây là mấy điều khoản trong 115 điều khoản của Hương ước làng Quỳnh Đôi. Nội dung của các điều khoản trên đã phản ánh sự khác biệt giữa lệ làng và phép nước. Điểm nổi bật ở đây là bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ những điều kiện của sản xuất và an ninh thôn xóm… Khoán ước đó được nâng lên thành nguyên tắc, quy ước và trở thành sức mạnh của làng xã.
5. Các mô thức chồng xếp và đa chức năng
Làng Việt được một số nhà nghiên cứu cho là một dạng hình công xã. Cách nói như thế theo tôi có chỗ không hoàn toàn chính xác. Gọi làng là công xã chung chung thì có thể gây lẫn lộn là công xã thị tộc hay công xã gia tộc hay công xã nông thôn. Cần phân biệt rõ làng Việt và các loại hình công xã, không nên gọi làng, nhất là làng hiện đại, bằng một từ công xã. Làng Việt (ở Bắc Bộ và Nam Bộ) không phải là một trong ba loại hình công xã. Trước hết nó không còn là công xã thị tộc và cũng không hoàn toàn là công xã gia tộc hay công xã nông thôn. Nhưng làng Việt vẫn còn lưu giữ những yếu tố của các loại hình trên. Trong bản thảo thư gửi Vêra Dátxulitx, Mác gọi hình thái công xã nguyên thuỷ, tức công xã thị tộc, là nguyên sinh. Tiếp theo đó, những hình thái sau Mác gọi là thứ sinh. Bóng dáng của công xã thị tộc trong làng Việt theo chúng tôi đã mờ nhạt lắm, còn công xã gia tộc gia trưởng và công xã nông thôn thì dấu vết để lại đến ngày nay còn đậm. Các nhà nghiên cứu thường gọi những công xã này là chạ, chiềng.
a. Công xã gia tộc, tông tộc thực sự đã tồn tại một thời kỳ dài trên đất nước ta, mà vết tích của nó tồn tại chủ yếu ở vùng Thanh, Nghệ trở ra. Có người cho rằng công xã tông tộc có nguồn gốc trực tiếp từ thị tộc. Điều này chỉ đúng một phần nhỏ. Công xã gia tộc tông tộc được hình thành và phát triển chủ yếu ở thời kỳ sau. Các tập đoàn thống trị (kiểu châu á) đã sử dụng hình thức dòng họ sẵn có rồi tiếp tục mở rộng, củng cố thành một mô thức cộng đồng. Mô thức loại công xã này là họ và làng chồng xếp lên nhau, quan hệ huyết thống và quan hệ địa vực hoà lẫn nhau. Kiểu họ - làng có từ thời Bắc thuộc, chẳng hạn như Mai Phụ là làng của họ Mai (Mai Thúc Loan) ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), Dương Xá là làng của họ Dương (Dương Đình Nghệ) ở ái Châu, Đỗ Động là làng của họ Đỗ ở vùng Thanh Oai (Hà Tây). Sang thời Lý, Trần, kiểu họ - làng này còn phổ biến nhiều. Lưu Xá nằm bên sông Luộc với bến đò “Lưu Gia độ” là làng của họ Lưu, có Lưu Ngự làm quan thời Lê Đại Hành, có Lưu Khánh Đàm làm Thái uý thời Lý. Sang thời Trần, địa danh bến đò Lưu Gia vẫn còn. Man Xá là làng của họ Man ở Bắc Giang xưa (nay đổi thành Mãn Xá thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh). Hiện nay ở Mãn Xá vẫn còn hai họ Man Huy và Man Văn, chiếm 2/3 dân số của làng. Nhiều tài liệu cho biết các làng như Mịn Xá (tên chữ là Mận Xá) của họ Mận (Yên Phong, Bắc Ninh), Cao Xá của họ Cao (Diễn Châu, Nghệ An), Lý Trai làng của họ Lý (Diễn Châu, Nghệ An) và có thể có nhiều làng mang tên xá đã có từ thời này.
Những loại làng “họ là làng” như trên (thường thì một họ là một làng) đó là loại mang cấu trúc công xã gia tộc phụ hệ. Mối ràng buộc bằng huyết thống rất sâu sắc. Cho đến cuối thế kỷ trước, ai muốn nhập tịch vào làng Dương Xá (Thanh Hoá) phải đổi là họ Dương, hoặc vào thế kỷ XIX, ai muốn là dân nội tịch làng Cao Xá (Nghệ An) phải làm con nuôi họ Cao. Vậy dòng họ ở đây tồn tại như một kiểu tổ chức xã hội. Làng lấy họ làm cơ sở mà các quan hệ họ hàng cũng là cơ sở của quản lý làng xã.
Thành hoàng làng Dương Xá, đến đầu thế kỷ XX, là tổ tiên của họ Dương, ruộng đình để tế thành hoàng của làng cũng như là tộc điền. Từ thế kỷ XV về sau và nhất là vào thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, thì quan hệ họ hàng lại được củng cố chặt chẽ hơn nữa. Và vào thời Nguyễn thì Thọ Mai gia lễ[3] được lưu hành rộng rãi làm quy định cho tang ma và xuất hiện nhiều tộc ước, tộc lễ. Đó là một hệ thống tông pháp góp phần không nhỏ trong việc điều khiển xã hội, điều khiển con người. Hệ thống tông pháp này tạo ra những quy định rất chặt chẽ hình thành nhân cách, quản lý con người và những quy phạm ứng xử, là hệ thống luân lý mang màu sắc tôn giáo, “thần hoá tư tưởng triết học và pháp luật”. Công xã như Dương Xá, Trần Xá… đã giải thể từ lâu (chỉ còn tên gọi) nhưng ảnh hưởng của nó qua hệ thống luân lý gia đình - họ hàng thì ngày nay vẫn còn sâu sắc, vẫn còn chi phối từng mặt trong sinh hoạt con người, trong gia đình, trong cơ quan nhà nước, trong đoàn thể, trong xí nghiệp, đặc biệt khá sâu sắc ở nông thôn. Quan hệ họ hàng còn ảnh hưởng khá đậm đà ở làng quê ngay cả trong các tổ chức chính quyền và Đảng. Tuy nhiên, không nên quá cường điệu quan hệ dòng họ, mà ở làng quê Việt Nam, gia đình nhỏ vẫn là cơ sở chính, vẫn là đơn vị xã hội chủ yếu. Có người cho rằng quan hệ hàng hoá - tiền tệ sẽ làm giải thể quan hệ huyết thống. Có lẽ không phải như vậy. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, quan hệ họ hàng hình như lại nặng nề hơn những thập kỷ 50 - 60 mà ở thành thị cũng chẳng kém nông thôn.
b. Công xã nông thôn (còn gọi là công xã láng giềng) “là tập đoàn xã hội đầu tiên của những người tự do” như C.Mác nói, cũng đã từng tồn tại khá phổ biến và kéo dài trong lịch sử nứơc ta. Hình ảnh của nó là những làng sử dụng ruộng công (sở hữu của làng hay sở hữu của nhà nước). Chế độ quân điền chia ruộng đất công làng xã theo định kỳ 6 năm thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) hay 3 năm thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX) là một kiểu áp đặt quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng công xã nông thôn và cũng là kiểu thức “cố định hoá”, “nhà nước hoá” loại công xã này.
Ở miền Bắc và miền Trung, những kiểu làng quân điền này được tái sinh và tái lập cho đến thế kỷ XIX đầu XX. Những nhà khẩn hoang ở đồng bằng sông Hồng như Nguyễn Công Trứ, Đỗ Tông Phát và Phạm Văn Nghị trong công việc của mình cũng dành ra bộ phận ruộng công, tái lập quân điền. Tất nhiên tái lập quân điền không phải là tái lập hoàn toàn công xã nông thôn, nhưng tồn tại công điền là tồn tại hình ảnh của loại công xã này. Ruộng quân điền làng xã còn hiện diện, khi từng mảng công xã nông thôn còn được duy trì ở mức độ khác nhau. Nếu chúng ta gọi công xã tông tộc như trên là thứ sinh, thì loại hình công xã nông thôn này là á thứ sinh. Loại á thứ sinh này không phủ định loại thứ sinh, mà nó vẫn lưu giữ nhiều yếu tố của tông tộc. Bên cạnh cái gọi là quan viên kỳ mục thì các tộc trưởng, gia trưởng vẫn có vai trò trong làng.
c. Sự phát triển của kinh tế hàng hoá, tư hữu tài sản và ruộng đất mở rộng lại tạo nên loại làng tiểu nông. Làng tiểu nông tăng lên theo sự suy giảm của công xã nông thôn. ở đồng bằng sông Cửu Long, do đặc điểm của tình hình khai hoang, do quá trình tập hợp dân cư cho nên làng tiểu nông có vị trí chi phối và có vẻ “thuần túy” hơn. Hơn nữa, tại đây tư hữu ruộng đất chi phối nên khó trở lại “tái lập” công xã nông thôn kiểu quân điền (như ở đồng bằng Bắc Bộ).
Điều đáng lưu ý là không nên đối lập công xã tông tộc, công xã nông thôn và làng tiểu nông. Trên thực tế nhiều làng ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ đã có sự chồng xếp tầng thứ của cả ba loại hình trên. Chúng bổ sung cho nhau dưới nhiều hình thức tín ngưỡng, luật lệ và cả kinh tế, chính trị. Một đơn vị dân cư mới lập cũng sẽ tái sinh ra các quan hệ họ hàng, cũng sẽ có bộ phận ruộng đất công làng xã. Trong một qúa trình lịch sử lâu dài ở nước ta, quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng hầu như không thay đổi. Có thể có lúc lên, lúc xuống, có lúc lỏng lẻo, lúc chặt chẽ hơn tuỳ theo tình huống lịch sử, nhưng nhìn chung là tồn tại ổn định đến ngày nay và cả sau này. Chính dòng họ là nhân tố có khả năng dung nạp, dung hoà các quan hệ xã hội khác nhau. Các chế độ chính trị, kinh tế - xã hội có thay đổi, nhưng gia đình, tông tộc thì vẫn lưu tồn.
Trên đây cũng là một trong nhiều điểm làng Việt khác với làng tiểu nông phương Tây thế kỷ XIX mà trong tác phẩm Ngày 18 tháng sương mù của Lui Bônapáctơ, Mác viết: “Một nhóm các đơn vị ấy hợp thành một làng… bằng cách giản đơn cộng những đại lượng cùng tên lại, đại khái cũng giống như một cái bao tải đựng những củ khoai tây hình thành một bao tải khoai tây vậy”[4]. Điểm khác biệt ở đây là làng Việt Nam vốn có liên kết chặt. Từ mô thức xã hội kết hợp với cấu trúc kinh tế cho thấy làng Việt Nam mang nhiều tính chất, là lưỡng tính hay đa tính, rất đa dạng và phức tạp. Nguyên nhân trước hết và tương đối phổ biến là sự tồn tại lâu dài của chế độ sở hữu ruộng đất công hữu (trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long) của nhà nước, của làng hay của tập thể nhỏ (phường hội, dòng họ) và hình thức canh tác chi phối là hộ gia đình tiểu nông. Nói gọn lại là kiểu sở hữu công cộng mà tư nhân canh tác.
d. Sự kết hợp giữa cư trú theo dòng họ (gia tộc, tông tộc) với cư trú theo địa vực (quan hệ láng giềng). ở nhiều nơi trên miền Bắc, mỗi xóm, ngõ trong làng là một họ, thậm chí có nơi phần lớn dân cư trong làng cùng chung một họ. Nhưng phổ biến vẫn là kết hợp hai kiểu thức dòng họ và địa vực. Trong kiểu cư trú này thì dòng họ lớn vẫn có vị trí cao hơn. Thậm chí có khi quan hệ láng giềng bị phụ thuộc vào quan hệ dòng họ. ở một số làng, người dân ngoại tịch (ngụ cư) muốn nhập thành dân nội tịch (chính cư) phải làm “con nuôi” (huyết thống hoá) cho dòng họ có thế lực. Chẳng hạn như ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có dòng họ Hà Chu vốn xưa là họ Chu làm nghề đúc đồng ở vùng Diễn Châu (Nghệ An) chuyển vào trú ngụ. Họ Chu này muốn thành dân nội tịch của Tiên Điền đã phải làm con nuôi họ Hà - dòng họ có thế lực tại đây. Mặt khác, trong cư trú, người sản xuất nhỏ cũng có ý thức ở gần họ hàng để tìm chỗ dựa về kinh tế và tình cảm, tâm lý. Sau đây là một dẫn chứng về kiểu cư trú kết hợp dòng họ và địa vực, chẳng hạn ở Chế Nhuệ, xã Tình Cương nằm trên con đường tỉnh lộ của Phú Thọ cách thị xã Phú Thọ 5km (đường chim bay). Tại đây, cư dân ở thành 11 cụm là: cụm họ Tạ, cụm họ Nguyễn Văn, 3 cụm họ Trần Văn, cụm họ Phạm, 2 cụm họ Nguyễn Khắc, cụm họ Đỗ, cụm họ Vũ, và cụm họ Nguyễn Văn. Một ví dụ khác như làng Huỳnh Dương (huyện Diễn Châu, Nghệ An) có 4 xóm thì xóm Tây và xóm Chùa chủ yếu là họ Phan, xóm Trung chủ yếu họ Trần, còn xóm Đông thì phần lớn là họ Lê. Kiểu cư trú láng giềng kết hợp với tông tộc cũng phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Sự kết hợp trên còn thể hiện trong cách thức quản lý làng xã ngày trước mà ảnh hưởng còn sâu đậm đến ngày nay, cụ thể là:
- Sự tồn tại đồng thời hai hình thức lao động gia đình cá thể và tập thể làng xã. Bên cạnh lao động của các cá nhân làm ăn là chính còn có lao động công ích (không trả công) như thuỷ lợi, kiến trúc, giao thông… Hầu như làng nào trong những ngày nông nhàn cũng có hiện tượng điều động làm các công trình công cộng hay sửa chữa, bảo dưỡng đình chùa, giếng nước…
- Sự tồn tại đồng thời hai kiểu tổ chức: lý dịch của chính quyền và hội đồng kỳ mục quan viên của riêng làng xã. Những chức vụ như lý trưởng (xã trưởng), vừa do dân định công cử lại phải được chính quyền cấp trên chấp nhận. Nói cách khác quyền lực của làng là sự kết hợp, sự tập trung của nhà nước và tính tự trị của làng xã. Hai mặt đối lập chế ước lẫn nhau. Tính tập trung phần lớn vẫn cao hơn tính tự trị, nhưng nhiều khi tính tự trị cũng khá mạnh, có khi “phép vua thua lệ làng”.
- Lưỡng tính hay đa tính trên trong một thể thống nhất, nương tựa lẫn nhau, lại chế ngự lẫn nhau, khiến cho làng Việt phát triển thành thục, trọn vẹn. Làng không chỉ là một đơn vị hành chính mà còn là một cộng đồng đa chức năng. Nó vừa là tổ chức sản xuất, tổ chức tôn giáo, tổ chức an ninh và quân sự mở rộng ra, có thể nói đây là đơn vị tự cấp nhiều mặt. Tuy nhỏ nhưng nó là một tổ chức hoàn thiện thích hợp với yêu cầu của cuộc sống người nông dân cá thể ngày trước. Nó vừa đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống mà cũng đủ khả năng ứng phó với những tình huống khó khăn trở ngại xảy ra như thiên tai, giặc giã, ngoại xâm. Nó vừa đóng vừa mở. Thế giới riêng của làng có mặt mâu thuẫn với nước mà vẫn có thể hoà hợp, thống nhất với nước, đặc biệt trong chống ngoại xâm thì nước và làng là một.
Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng Việt Nam, đa nguyên và chặt, Nxb ĐHQGHN, 2006, tr.7-24