BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ CÁC GIỐNG LÚA VÀ NGHỀ TRỒNG LÚA Ở VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII-XIX
[ 25/03/2014 07:00 AM | Lượt xem: 2041 ]

  BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ CÁC GIỐNG LÚA VÀ NGHỀ TRỒNG LÚA Ở VIỆT NAM THẾ KỶ XVIII-XIX
 
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế
 
Trong lịch sử sản xuất nông nghiệp, việc tìm hiểu giống cây trồng nói chung, đặc biệt là các giống lúa với tư cách là loại cây lương thực chủ yếu của nước ta, có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ bao hàm việc làm sáng tỏ sự phát triển kinh tế, chính trị trong tiến trình lịch sử, mà còn góp phần khám phá, tiếp thu kho tàng tri thức khoa học nông nghiệp quý giá được ông cha ta đúc rút trong công thức nổi tiếng: nước-phân-cần-giống.
Mặt khác, trong khi cả nước tập trung cao độ trí tuệ, sức lực để “phát triển vượt bậc về nông nghiệp, giải quyết cho được vấn đề lương thực”[1], công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp có trách nhiệm nặng nề như xây dựng hệ thống quốc gia, phân vùng quy hoạch nông nghiệp... Nhưng cơ sở khoa học của công tác này, ngoài yêu cầu của các yếu tố tự nhiên, hiện đại… còn gắn bó với kinh nghiệm, với truyền thống.
Bước đầu tìm hiểu các giống lúa và kỹ thuật trồng lúa ở Việt Nam chúng tôi mới chỉ đề cập đến trong phạm vi của thế kỷ XVIII-XIX vì lý do sau:
- Với tư cách là một tư liệu sản xuất quan trọng của sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng là sản phẩm lao động trực tiếp, liên tục, lâu dài của con người. Tập đoàn giống lúa ở thế kỷ XVIII-XIX có thể coi là đại diện cao nhất cho sự phát triển về hình thái sinh vật, của kỹ thuật trồng lúa trong thời Cổ - trung đại ở Việt Nam.
- Đến thế kỷ này, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm phát triển, xây dựng, tích lũy được một kho tàng tri thức nông nghiệp phong phú. Bên cạnh dân ca, ca dao, tục ngữ gắn bó với nghề nông, đã xuất hiện những tác phẩm ở nhiều mức độ khác nhau, đề cập đến các khía cạnh của sản xuất nông nghiệp như đất đai, khí hậu, giống lúa, v.v… Những tác phẩm này thông thường là các loại địa phương chí như Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật, Cao Bằng thực lục của Nguyễn Hữu Cung… Song đề cập nhiều và tập trung hơn về lúa và kỹ thuật canh tác là những tác phẩm: Vân Đài loại ngữ, Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Vân Đài loại ngữ[2] là cuốn bách khoa toàn thư đúc kết những tri thức tự nhiên, xã hội Việt Nam cho đến thế kỷ XVIII của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1783). Ông hoàn thành tác phẩm này vào ngày 1 tháng 9 năm 1773 (rằm tháng 7 năm Quý tỵ). Với cách biên soạn “trích lấy các sự tích trong truyện, ký, rồi xếp đặt lại theo ý mình mà bình luận” Lê Quý Đôn đã dành 320 điều Phẩm vật để tìm hiểu về lúa và các loại cây trồng, vật dụng khác.
Lê Quý Đôn đã chú ý miêu tả, nhận xét từ tên gọi, thời vụ, đặc điểm sinh vật đến chỉ tiêu kinh tế của các giống lúa. Ở một số giống, ông còn ghi cụ thể địa phương sản xuất kỹ thuật trồng cấy, bón phân, mức đẻ nhánh. Tuy vậy có một số giống như Sài đường, Bồ lộ…, Lê Quý Đôn chỉ đề cập đến đặc điểm sinh vật mà không nhắc đến đặc điểm sản xuất. Ông cũng chỉ chia ra hai loại vụ hạ, vụ thu mà không ghi rõ tháng cấy, gặt, thậm chí không thấy chép đến một giống nếp chiêm nào.
Phủ Biên tạp lục[3] được Lê Quý Đôn hoàn thành trong thời gian làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa (Bình - Trị - Thiên đến Nghĩa Bình ngày nay) năm 1776.
So với Vân Đài loại ngữ thì Phủ Biên tạp lục ghi chép về lúa cụ thể hơn, từ thời vụ, đặc điểm sản xuất đến chỉ tiêu kinh tế. Trong phạm vi từng phủ, thậm chí từng tổng, như tổng Bái Ân, huyện Minh Linh, ông đã đề cập chi tiết về đất đai, canh tác. Song một số giống như A suốt, Héo trắng… chỉ được đề cập qua, các giống lúa ở Đồng Nai, Gia Định được chép đến ít ỏi, cả vùng Quảng Nam không thấy chép tới.
Với phạm vi thời gian và địa bàn trên, Vân Đài loại ngữ và Phủ Biên tạp lục cho chúng ta một tập hợp các giống lúa ở thế kỷ XVIII.
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (?-1825). Khác với Lê Quý Đôn, ông không nêu từng giống lúa mà chỉ viết: “loại lúa đạo có rất nhiều, đại khái có hai loại Canh và Thuật…”[4].
Về thời vụ, ông chú ý đề cập khá chi tiết khi nhận xét công việc cày cấy ở các trấn, huyện, vùng Đồng Nai - Gia Định.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (đời Tự Đức 1864-1875)[5] đã đề cập đến lúa, thời vụ cấy lúa trong phần khí hậu của các tỉnh, tập trung nhất là mục Thổ sản phủ Thừa Thiên, quyển 2. Tác phẩm này trên cơ sở tham khảo các sách vở của Việt Nam và Trung Quốc có từ thời trước đến bây giờ, đề cập khá cụ thể các đặc điểm sinh vật, chỉ tiêu kinh tế của các giống lúa.
Song Đại Nam chỉ chép có 19 giống nếp, 20 giống tẻ “các tỉnh đều có”, ngoài ra “tục gỏi là lúa Thốc, lúa Vàng, Trĩ…, phẩm loại rất nhiều” không được đề cập đến.
Có thể coi Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí là tập hợp các giống lúa ở thế kỷ XIX.
Cả một quá trình trồng lúa lâu dài, phong phú hàng ngàn năm của nông dân Việt Nam chỉ được phản ánh ít ỏi qua tư liệu xưa, và quan niệm cũng không thống nhất. Mặt khác, do điều kiện sản xuất riêng rẽ của thời phong kiến, tình trạng mùa màng xen kẽ, giống má phức tạp; hơn nữa, do yêu cầu tích cực tất yếu nhằm thay thế các giống lúa xấu bằng những giống lúa mới tốt hơn…, vì thế ngoài những điều chép trong thư tịch, chúng ta không có một sưu tập giống thực tế của đương đại. Tất cả những hạn chế trên làm cho việc tập hợp, phân tích, so sánh nhận xét các giống lúa không được đầy đủ và cụ thể.
Tuy vậy, dựa trên những nét chung được các tài liệu đề cập đến như đặc điểm sản xuất thời vụ, đặc điểm sinh vật…, đối chiếu với khái niệm phổ thông về giống. (“Có những đặc tính hình thái sinh học, di truyền và những đặc tính kinh tế giống nhau trong một khu vực nào đó…”)[6], đồng thời kết hợp với kết quả điều tra dân tộc học ở những vùng Nghệ Tĩnh, Hải Hưng, Hải Phòng, Thái Bình…, chúng tôi tiến hành sắp xếp, phân loại hệ thống bước đầu các giống lúa ở thời kỳ này.
Nhận xét sơ bộ về các giống lúa và kỹ thuật canh tác ở thế kỷ XVIII-XIX
Thành tựu của các khoa sử học, khảo cổ học, nông nghiệp… ngày càng chứng minh rõ rằng: Đông Nam Á - Việt Nam là một quê hương của lúa nước, là nơi có nghề trồng lúa khá sớm.
Từ buổi đầu tiên người Việt cổ biết đến nông nghiệp, biết đến cây lúa nước Oryza - Satyva, hàng ngàn năm đã đi qua. Đến thế kỷ XVIII-XIX, cư dân nông nghiệp Việt Nam với bao nhiêu mồ hôi, trí tuệ đã không ngừng gây dựng, chọn lựa được một tập đoàn giống lúa đông đảo về số lượng, phong phú về loại hình, có nhiều phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội Việt Nam.
Chỉ mới thống kê qua Vân Đài loại ngữ và Phủ Biên tạp lục đã có tới 120 giống lúa nếp, tẻ.
Do đặc tính cơ bản của cây lúa nước là loại cây đầm lầy (Hudro-phyte) “có tổ tiên và họ hàng gần vốn sinh trưởng ở những hồ nước không sâu”[7], ưa nước, ưa nóng, ưa ánh sáng; do điều kiện nhiệt đới gió mùa, vì vậy lúa nước tập trung chủ yếu vào hai vụ hạ và đông (chiêm và mùa, theo cách gọi của cư dân đồng bằng phía Bắc). Điểm này, Dương Phù trong sách Di vật chí, ngay từ thế kỷ I, đã có chép: “Lúa ở Giao Chỉ mỗi năm trồng hai lần vào mùa hè và mùa đông”[8]. Sách Thủy kinh chú còn nói rõ: “Nơi gọi là Bạch điền trồng lúa trắng, tháng bảy làm thì tháng mười chín; nơi gọi là Xích điền thì trồng lúa đỏ, tháng chạp làm thì tháng tư chín”[9].
Vụ mùa bắt đầu cấy vào mùa hè, nóng lắm, mưa nhiều, thích hợp với sinh thái cây lúa hơn là vụ chiêm bắt đầu vào vụ hanh khô.
Vân Đài và Phủ Biên ghi 85 giống lúa mùa, 35 giống lúa chiêm.
Gia Định và Đại Nam chép 31 giống lúa mùa và 15 giống lúa chiêm.
Ở cả hai bảng trên đều cho một tỉ lệ: mùa gần 70%, chiêm khoảng 30%.
Tuy nhiên, do địa hình trải dài trên 15 vĩ tuyến (từ 8 độ 30 bắc, đến 23 độ 22 bắc), nhất là do vị trí đặc biệt của Việt Nam trong châu Á gió mùa, năng lượng bức xạ quanh năm dương, đạt trên 75 kcal/cm2/năm, nhiệt độ trung bình từ 22 độ đến 27 độ C, lượng mưa trung bình gần 2000 mm/năm, bình quân có 0,8-1 km sông hồ trên 1 km vuông đất đai.
Đất nước, nhiệt độ, khí hậu Việt Nam thật thuận lợi cho việc gieo trồng quanh năm[10]. Và, không dừng lại ở mức độ lệ thuộc, mô phỏng thiên nhiên, nông dân Việt Nam đã không ngừng vươn lên khai thác, tranh thủ những lợi thế của thiên nhiên nhiệt đới.
Từ thế kỷ XIII, Trần Phu Sứ của nhà Nguyên, khi sang Đại Việt, đã trầm trồ: “Lúa mỗi năm chín bốn lần, tuy giữa mùa đông mà mạ vẫn mườn mượt”[11]. Đến thế kỷ XVIII-XIX qua tư liệu càng thấy rõ hơn ở Việt Nam quanh năm có cấy cày, gặt hái, ví dụ: “Đinh Châu, Văn Lang, Đại Từ, Phú Lương (Bắc Thái ngày nay) cấy lúa 4 mùa, cứ 3 tháng một lần thu hoạch”[12].
Như thế, các giống lúa có thời gian sinh trưởng trên 100 đến 120 này (theo sự phản ánh của tư liệu, chúng tôi coi những giống lúa có thời gian sinh trưởng như trên là giống lúa ngắn ngày) đã khá phát triển; đặc biệt còn có giống lúa Câu “cấy được 48 ngày thì lúa chín”[13].
Các giống lúa ngắn ngày thường tập trung vào vụ mùa như tám thơm, ba giăng, bát nguyệt… Càng ngày các giống ngắn ngày số lượng càng tăng lên, từ gần 7% (qua Vân Đài và Phủ Biên) đến gần 14% (trong Đại Nam): phải chăng điều đó phản ánh quá trình cố gắng tìm chọn các giống lúa để xen canh tăng vụ của nông dân Việt Nam?
Bên cạnh một số lớn các giống lúa được cấy trồng tập trung ở đồng bằng châu thổ với chế độ nước, đất đai thuận lợi, thì trên dải đất dài 15 vĩ tuyến với nhiều dạng địa hình đất đai khí hậu phức tạp của Việt Nam, người nông dân đã gây trồng được nhiều loại giống thích hợp.
Chân ruộng trũng, úng, có giống lúa cao cây, cứng, đanh dảnh, 100% giống lúa chiêm cấy ruộng sâu chép trong Đại Nam đều cao, cứng, thậm chí có lúa chiêm di “ngập nước một tháng vẫn kết quả”[14].
Ở những vùng nước lợ, nước mặn ven biển có loại chịu mặn tốt như lúa viên, lúa nước mặn.
Những vùng núi cao, hoặc xứ Thuận Hóa (Bình Trị - Thiên ngày nay) được hình thành do phù sa biển, địa hình cồn cát, đầm phá nhiều, nên khó giữ nước, đã gây dựng được các loại lúa không cần nhiều nước, chịu hạn giỏi như lúa vay “không ưa nước, cày đất qua rồi gieo hạt giống…”[15].
Về sự phát triển của các giống lúa, các tài liệu ghi chép không nhiều. Vân Đài chỉ cho biết sức đẻ nhánh của lúa tám sinh, hoa riềng, mít, trung bình là 4 đến 5 nhánh. Nếu so sánh với ghi chép của sách Cổ kim chú “Năm diên quang thứ hai đời vua An đế nhà Hán (123), ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay), lúa tốt quá, 150 gốc được những 768 bông”[16] thì thấy sức đẻ của lúa đại trà thế kỷ XVIII ngang với những khóm lúa tốt quá ở thế kỷ thứ II.
Những giống lúa được trồng phần lớn có giá trị kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán xã hội.
Đến thế kỷ này, những phẩm chất tốt của hột gạo như trắng, thơm, dẻo,… ngày càng chiếm tỉ lệ cao và trở thành phẩm chất thường trực. Nếp củ nâu “thổi cơm thơm ngon, để năm ngày vẫn dẻo”[17].
Đặc biệt là các giống lúa tám, như tám thơm, tám xoan, “gạo trắng trong, mùi ngọt thơm, nấu cơm rất ngon để lâu vẫn mềm”[18]. Bên cạnh đó, cư dân nông nghiệp Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, sống gắn bó với ngôi nhà tranh, mái rạ, trâu bò, bếp núc… do đó, ngoài yêu cầu về năng suất cao, thơm ngon, cần phải có cái để lợp nhà, nấu bếp, làm thức ăn cho trâu bò, phải chăng vì thế tập đoàn giống lúa xưa cây cao, gần gũi với loại hình Inđica chiếm tỉ lệ cao.
Nếp bàu hương, nếp hoa vàng “hạt tròn, to, sắc vàng, gạo trắng thơm, chín vào tháng tám”[19] đúng tiết trung thu của cư dân nông nghiệp, đã trở thành nếp cốm, thơm đậm đà trong cỗ trông trăng, thành cốm vòng nổi tiếng ở vùng Thăng Long… Trở lại, chính phong tục này, lại kích thích quá trình gây chọn các giống trên theo hướng đó.
*
*          *
Có được tập đoàn giống lúa với những phẩm chất trên, nông dân Việt Nam đã trải qua một quá trình chọn lọc bền bỉ và bồi dưỡng giống.
Nông dân ta quan niệm thật giản dị mà khoa học “tốt giống tốt má” trong khâu liên hoàn “nước-phân-cần-giống”.
Qua Vân Đài và Phủ Biên, chúng tôi nhận thấy ở thế kỷ XVIII, tính địa phương của các giống lúa còn khá sâu sắc, thường mỗi giống lúa kèm theo một địa phương sản xuất: “lúa mộ sản ở Thái Nguyên”, “nếp chuối sản ở Nghệ An”…Thậm chí “năm thứ lúa tẻ héo, vàng, nự và trĩ… chỉ ở tổng Bãi Ân là hợp thổ nghi, còn các nơi khác rất ít màu nên trồng cũng không có thóc”[20].
Đến thế kỷ XIX, bên cạnh các giống lúa địa phương còn phổ biến, những giống lúa trên địa bàn toàn quốc khá lớn. Theo Đại Nam, ít nhất cũng có 19 giống nếp, 20 giống tẻ “các tỉnh đều có”. Nhiều giống lúa ở thế kỷ XVIII còn trong phạm vi địa phương, một trăm năm sau đã nhân lên trên địa bàn rộng lớn với những phẩm chất tốt hơn; chẳng hạn “nếp voi thóc to sản ở Nghệ An”, đến thế kỷ XIX “thân lúa cao, bông lúa thưa, hạt thóc tròn lớn, được nhiều rạ sắc trắng, cơm mềm. Bắt đầu ở Nghệ An, hiện nay các tỉnh đều có”[21].
Trong Vân Đài, Lê Quý Đôn còn chép đến “Người Nam Giao tiếp xúc với người Chiêm, nên trồng được nhiều thứ lúa chín về mùa hạ, gọi là lúa chiêm”[22].
Ngày nay, một số ngành nghiên cứu nông nghiệp (dựa trên các tài liệu khảo cứu về đặc tính sinh vật, nhất là phản ứng của lúa đối với các thời vụ gieo khác nhau trong một năm, tính mẫn cảm đối với ánh sáng dài ngắn của một số lúa mùa sớm ở vùng trung Trung bộ, đã phản ứng gần như lúa chiêm ở miền Bắc) cũng cho rằng “có thể giống lúa chiêm của ta bắt nguồn từ giống lúa mùa sớm ở Chiêm Thành đưa lên miền Bắc và được gieo vào vụ hanh khô. Điều kiện khí hậu từ lâu đời đã huấn luyện cho các giống lúa sớm phương Nam được di chuyển lên phía Bắc phải sinh sống qua mùa đông đã xây dựng dần dần những đặc tính của lúa chiêm”[23].
 
*
*          *
 
Cùng với những ghi nhận về tập đoàn giống lúa, các tài liệu trên còn phản ánh một số mặt của kỹ thuật canh tác nông nghiệp Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX.
Điểm chú ý đầu tiên ở đây là công cụ và phương pháp làm đất. Kỹ thuật cày bừa do trâu bò kéo “con trâu đi trước cái cày đi sau”, mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã phổ biến ở đầu công nguyên, đến thế kỷ này đã hết sức quen thuộc ở vùng đồng bằng.
Ở mỗi vùng, tùy theo tình trạng đất đai, nông dân ta đã sử dụng một biện pháp cày thích hợp. Ở những chân đất thịt, bừa khó nhỏ, khó lên bùn, thường được cày bừa nhiều lần. Với những nơi đất mặn, cần thấm nước hoặc cát dễ tơi như vùng Đông Thành (Yên Thành, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh) hay vùng ven biển Thuận Hóa (Bình - Trị - Thiên), lại chỉ cần “cày đất qua rồi gieo hạt giống”[24].
Nói chung, đối với khâu quan trọng nhất trong quá tình làm đất, vì nó ảnh hưởng đến tính chất của đất nhiều nhất, tốn công nhất, là cơ sở các biện pháp làm đất tiếp sau như bừa, vun xới, công việc cày ruộng đã được nông dân quan niệm thật đúng “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”.
(Rất tiếc là các hình thức làm đất khác như xếp ải, xới đất “hòn đất nỏ bằng giỏ phân” vốn rất phổ biến ở những vùng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương không thấy các tài liệu ghi chép).
Ở miền núi, nhất là vùng các dân tộc ít người, hình thức “đao canh hỏa chủng” (dùng dao chặt cây, đốt lá to), hay “đao canh thủy nậu” (dùng dao phát nhỏ, dẫn nước vào ruộng) còn khá phổ biến. Vân Đài và Đại Nam còn chép nhiều đến hình thức này, chẳng hạn ở miền núi Thanh Hóa: “Làm ruộng thì không dùng cày bừa, mà chỉ cho từng đàn trâu dẫm nát đất”[25]. Hay trong Gia Định thành thông chí: “ruộng núi ban đầu khai thác thì đốn cây chặt củi đợi cho khô, đốt làm phân tro, khi mưa trồng lúa không cần cày bừa”[26].
Về kỹ thuật cấy lúa, ngày nay chúng ta còn thấy trong dân ca, ca dao những hình thức cấy khác nhau ở từng vùng mà nông dân đã đúc kết được. Chẳng hạn ruộng đất cát thì cấy liền tay, đất thịt thì cấy “chày ngày”, cấy “moi” ở Ninh Bình, cấy “húng” ở Hà Nam ( Hà - Nam - Ninh), hoặc “mạ chiêm đào sâu chôn chặt, lúa mùa vừa đặt vừa đi”[27].
Các tài liệu trên không nhắc đến kỹ thuật này, mà chỉ cho biết chắc chắn ở thế kỷ XVIII, XIX, hình thức gieo mạ phổ biến là cấy lúa. Với kỹ thuật trên, cho phép người nông dân chăm sóc được cây con trong thời kỳ mạ, tận dụng được đất đai trong ruộng cấy, để có thể tranh thủ trồng cây khác, hoặc làm đất kỹ hơn, diệt bớt cỏ dại…; sau ngày cấy lúa có điều kiện phát triển nhanh.
Song bên cạnh ấy ta còn thấy hình thức gieo trực tiếp, thường thường ở những vùng núi cao, đất cát. Ở vùng Thuận Hóa có lúa vay “cày đất qua rồi gieo hạt giống, lại bừa qua một lượt là lúa mọc”[28]. Và ở vùng Đông Thành, Nghệ An “đất toàn cát…, khởi công cày bừa, gieo thóc giống rất dày: ngay ngày gieo giống lại bừa luôn một lượt, thóc và cát lẫn lộn…; không bao lâu lúa mọc lên tốt như cỏ”[29].
Hình thức gieo trực tiếp mà nông dân ở thời kỳ này áp dụng, không phải chủ yếu là các biện pháp kỹ thuật để xen vào các cây trồng, tranh thủ thời gian sinh trưởng hay để dư thêm sức lao động, mà áp dụng vào những nơi đất cao, thiếu nước, hoặc đất cát pha, dễ mất nước.
Phân, yếu tố quan trọng của kỹ thuật trồng lúa, cơ sở vật chất để cấu tạo nên cây trồng, điều kiện quyết định năng suất và sản phẩm, đã được ông cha ta nhấn mạnh “người đẹp về lụa, lúa tốt về phân”. Khí hậu nước ta thuận lợi cho quá trình phân hủy mùn trong đất, và nguồn phân hữu cơ người nông dân Việt Nam thường dùng là phân xanh, phân rác. Nguồn phân đó có thể mang lại do chính biện pháp “đao canh thủy nậu” hay “đao canh hỏa chủng”: đó vừa là một cách làm đất, vừa kết hợp với bón phân, được người trồng lúa thời nguyên thủy áp dụng[30].
Đến thế kỷ này, biện pháp đó còn phổ biến đối với các ruộng đồi núi hoặc vùng đầm lầy mới khai thác. Người ta không chỉ sử dụng những quần thể sinh vật trên ruộng, mà còn dùng chính “lúa còn lại không cắt đi để cho nó thối thành phân bón ruộng càng tốt”[31]. Ngày nay, hình thức vận rạ vẫn còn áp dụng phổ biến trong nông nghiệp, nhất là đối với các loại ruộng trũng.
Các tài liệu trên không thấy chép đến một loại cây phân xanh khá phổ biến, vốn phân bố rộng rãi ở vùng Đông Nam Á, là bèo dâu (Azôba punnata). La Vân, Thái Bình nghề ươm bèo làm phân từ lâu đã trở thành truyền thống, thành quê hương của bèo dâu Việt Nam. Không biết ở thế kỷ này, việc sử dụng bèo hoa dâu đã phổ biến đến mức độ nào? Hay vì bí mật của nghề mà kỹ thuật làm bèo dâu không được truyền bá.
Một hình thức bón phân khác mà Lê Quý Đôn trích lại tác phẩm Tề dân yếu thuật “phép làm cho tốt ruộng thì nên trồng đậu xanh trước, thứ đến đậu nhỏ và vừng. Các thứ cây trồng ấy trồng vào tháng năm tháng sáu đến tháng bảy, tháng tám thu hoạch xong, cày bừa lật úp xuống làm ruộng trồng lúa…; những cây đậu và vừng mà cày, bừa lên như thế sẽ bón cho ruộng tốt ngang với bón phân tằm hay phân bắc”[32]. Chúng ta không biết đến thế kỷ này, kỹ thuật dùng phân bắc, phân chuồng và các loại phân xanh họ đậu đã phổ biến đến mức độ nào, song Trịnh Hoài Đức có nhắc đến một loại phân bằng xác đậu ở vùng Đồng Nai - Gia Định thế kỷ XIX: “xác đậu làm bánh bán cho người ta bón ruộng, mỗi năm sản xuất hơn 400 nghìn cân”[33].
Nông dân còn biết sử dụng một hình thức bồi dưỡng đất trồng khác bằng cách đổi giống lúa cấy trên ruộng là luân canh. Đại Nam nhất thống chí có chép đến một chế độ luân canh vùng ruộng vụ thu tỉnh Quảng Bình và Quảng Ngãi. Chẳng hạn, “tháng 5, tháng 6 cấy, tháng 9, tháng 10 gặt; tháng 2 trồng dưa, tháng 3 trồng đậu, tháng 4, tháng 5, tháng 6 hái quả…”[34].
Sự thay đổi cây trồng trong một năm, trên một mảnh ruộng, nhất là các loại cây họ đậu, vừng, không chỉ có ý nghĩa làm tăng sản phẩm mà còn góp phần nâng cao độ phì cho đất, khắc phục tình trạng sử dụng đất đai mất cân đối, phòng ngừa cỏ dại, sâu bệnh.
*
*          *
 
Trong phạm vi chi phối của quan hệ sản xuất phong kiến chật hẹp, tình trạng sở hữu ruộng đất cá thể vụn vặt, sức sản xuất thấp kém…, tập đoàn giống lúa và kỹ thuật canh tác của Việt Nam đến thế kỷ XVIII-XIX còn bộc lộ rõ những hạn chế sau:
- Tính địa phương sâu sắc, nhỏ hẹp, phức tạp.
- Còn mang tính dã sinh: khả năng đẻ chết, thóc có râu, gạo đỏ cứng… Thế kỷ XVIII gần 30%, đến thế kỷ XIX còn khoảng 20%.
- Phần lớn các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài (từ 150 đến 120 ngày), sức đẻ nhánh thấp…, hạn chế rất nhiều khả năng thâm canh tăng vụ, hệ số sử dụng đất đai và năng suất thấp.
- Quá trình chọn, nhân giống còn mang nặng tính kinh nghiệm, tuyển lựa giản đơn.
- Chu kỳ luân canh mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi thứ tự cây trồng trong một năm trên một đơn vị diện tích rất hạn chế. Và, càng chưa phải là sự thay đổi về không gian.
Trong chừng mực nhất định, nghề trồng lúa ở Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX vẫn chưa vượt khỏi nghề trồng trọt thô sơ.
Tuy nhiên, với sức vươn lên bền bỉ, với tri thức nông nghiệp bao đời gắn chặt, nông dân Việt Nam đã cố gắng tìm cách in dấu lao động của mình vào giới tự nhiên (qua quá trình xây dựng giống cây trồng, trước hết là giống lúa và hàng loạt các biện pháp kỹ thuật canh tác liên hoàn) nhằm đạt tới những thành quả tốt đẹp trong sản xuất nông nghiệp, để ứng đối, hài hòa với thiên nhiên và xã hội. Phương thức đã kinh qua thực tiễn của thời gian đó, chính là thành quả to lớn của cư dân nông nghiệp Việt Nam mà ngày nay chúng ta đang kế thừa phát huy có chọn lọc.
 
Tài Liệu Tham Khảo
[1] Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ II, khóa IV.

[2] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại ngữ, Bản dịch của Trần Văn Giáp, hiệu đính Cao Xuân Huy, Nxb. Văn học, H., 1962, viết tắt là Vân Đài.

[3] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, Bản dịch của Ngô Lập Chi, in rônêô, Tư liệu Khoa Sử, ĐHTH, R.567, viết tắt là Phủ Biên.

[4] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1972, viết tắt là Gia Định.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch của Phan Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1917, viết tắt là Đại Nam.

[6] Phạm Đức Cường, Chọn giống cây trồng, Nxb. Nông thôn, H., 1965, tr.9.

[7] P. X. Erygin, Cơ sở sinh lý của việc tưới nước cho lúa, Matxcơva, 1950, tr.165.

[8] Lê Quý Đôn, trong "Phẩm vật 159", Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.178.

[9] Lịch Đạo Nguyên, Thủy kinh chú, quyển 36. Thủy kinh chú sớ, Bắc Kinh, 1955, tr.64-65.

[10] Xem thêm: Nguyễn Đức Chinh, Vũ Tự Lập, Địa lý tự nhiên Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., 1970; Phạm Ngọc Toàn, Khí hậu Việt Nam, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, H., 1976.

[11] Trích: Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1969.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển XX, tập 4, sđd, tr.154.

[13] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.175.

[14] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.174.

[15] Đồng bằng ven biển Bình - Trị - Thiên (từ nam đèo Ngang trở vào) được chuẩn bị bằng một quá trình biển tiến bào mòn chân dải Trường Sơn, và sau đó được bồi lấp bằng trầm tích phù sa đệ tứ sau vận động nâng lên gần đây của bờ biển Việt Nam. Trong quá trình bào mòn và bồi tụ, tùy tính chất của từng khu vực, tùy hình dạng của đường bờ biển cổ mà đồng bằng có nơi rộng, nơi hẹp, nơi nhiều đụn cát, nơi nhiều đầm phá trong lòng đồng bằng có đồi cát…

Xem thêm: Nguyễn Đức Chính, Vũ Tự Lập, Địa lý tự nhiên Việt Nam, sđd.

[16] Lê Quý Đôn, "Phẩm vật 158", Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.173.

[17] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.178.

[18] Theo Bùi Huy Đáp, Cây lúa miền Bắc Việt Nam, Nxb. Nông thôn, H., 1964; cho đến những năm 1954-1964, các loại lúa tám thơm với rất nhiều tên gọi khác nhau như tám lùn, tám nhỡ, tám nhỏ, tám trắng, tám đen… vẫn chiếm một tỉ lệ diện tích khá lớn, nhất là vùng trung du và bắc đồng bằng Bắc bộ trên những chân ruộng trung bình hoặc nhiều màu.

Dân gian có câu:

“Thú quê rau cá đã từng

Gạo thơm cơm trắng, chi bằng tám thơm…”

[19] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.177.

[20] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, sđd, tr.189.

[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr.230.

[22] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.178.

[23] Bùi Huy Đáp, Cây lúa miền Bắc Việt Nam, sđd, tr.25.

[24] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, sđd, tr.190.

[25] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, sđd, tr.214.

[26] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, sđd, tr.30.

[27] Mạ chiêm vì cấy vào cuối năm gặp rét, lâu bén rễ và dễ bị chết, vì vậy cần phải cấy sâu. Ngược lại, vào vụ mùa cấy vào hè, thời tiết khí hậu thuận tiện hơn, lúa dễ bén, cấy nông mau đẻ, lúa dễ phát triển nhanh. Ruộng cát, khi bừa xong, cát chưa kịp lắng, cấy ngay dễ cắm mạ hơn. Còn đất thịt phải chờ ngày cho đất hơi nhũn mới cấy.

[28] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, sđd, tr.168.

[29] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.181.

[30] Về cách sử dụng phân ở trên thế giới, ngay từ thời cổ đại đã khá phổ biến về cách sử dụng phân theo hình thức này. Trong lịch sử của cư dân nông nghiệp Sumerơ có nhắc đến việc cày để cho cỏ lẫn với đất, lật úp cỏ xuống dưới lớp đất, trồng các loại cây đậu, thu hoạch rồi mới cấy lúa. Ở Ấn Độ, thế kỷ thứ V đã biết sử dụng đến cây Thái dương đại (tithomadiversifolia) có tác dụng như cây phân xanh họ đậu.

 Xem thêm: Sêmênốp, Nguồn gốc nông nghiệp, Nxb. Khoa học, Lêningrát, 1974, tr.175-180.

[31] Lê Quý Đôn, "Phẩm vật 151", Vân Đài loại ngữ, sđd, tr.181.

[32] Như trên, tr.170.

[33] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tr.29.

[34] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, q.3, tỉnh Quảng Bình, sđd, tr.12.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 18