Cấp thôn trong thiết chế chính trị- xã hội nông thôn việt nam
[ 26/08/2014 22:50 PM | Lượt xem: 6037 ]

Cấp thôn trong thiết chế chính trị- xã hội nông thôn việt nam

(qua tư liệu vùng châu thổ sông Hồng)


PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc


I. Cấp thôn: quá trình ra đời và song hành cùng cấp xã


Đồng thời với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ và hình thành xã hội có giai cấp và Nhà nước đầu tiên trên đất nước ta là quá trình ra đời của làng Việt. Làng Việt có lịch sử lâu dài như lịch sử đất nước. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam kể từ buổi đầu thời đại dựng nước cho đến nay, làng Việt lúc nào cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý-láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam. Làng Việt là một loại hình của công xã phương Đông, trong đó nông nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp, làng xóm gắn liền với ruộng đất, nên tự nó mang tính siêu ổn định. Tính siêu ổn định này đã hoá thân thành tinh thần công xã, thành truyền thống xóm làng nên nó trở thành nguồn sức mạnh kỳ diệu của người Việt Nam trong cuộc đọ sức nghìn năm với các mưu đồ nô dịch và đồng hoá của phương Bắc. Người Việt suốt thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc đã không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng xóm làng, biến xóm làng của mình thành những pháo đài chống Bắc thuộc, chống đồng hoá, dựa vào làng và xuất phát từ làng mà đấu tranh giành lại nước.

Đến khi họ Khúc giành quyền tự chủ vào đầu thế kỷ X, một mặt chính quyền họ Khúc bước đầu xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của Nhà nước đối với ruộng đất công xã, mặt khác, tích cực thi hành chính sách cải cách hành chính, biến công xã thành đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước, gọi là “xã”1. Khái niệm ”làng xã” như một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đơn vị hành chính cấp cơ sở như ta hằng quan niệm xưa nay được hình thành trong thời điểm lịch sử này. Đây cũng chính là bước chuyển biến rất quan trọng của nông thôn Việt Nam truyền thống.

Cũng trong buổi đầu của thời kỳ độc lập, khi cấp xã được nhà nước chính thống hoá trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn thì cấp thôn cũng dường như đồng thời xuất hiện. Tư liệu đầu tiên có nói đến thôn là quả chuông đồng đúc vào năm Càn Hoà thứ 6 (948), được lưu giữ tại nhà thờ Đức thánh Trần thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Bài minh trên chuông ghi rõ ngay tại dòng đầu là Giao Chỉ huyện, Hạ Từ Liêm thôn. Tuy rằng thôn ở đây phải được hiểu là đơn vị hành chính cấp cơ sở tương đương với xã, còn trong minh văn có nhắc đến hoạt động của xã, nhưng là một hội hay một tổ chức tôn giáo mang mầu sắc Đạo giáo, chứ hoàn toàn không phải là một đơn vị hành chính1. Điều này dường như là một sự mô phỏng mô hình tổ chức và quản lý nông thôn Trung Quốc lấy thôn làm đơn vị hành chính cấp cơ sở, còn xã chỉ là nơi thờ thần thổ địa mà thôi.

Cần phải nói thêm là Trung Quốc cổ đại cũng đã từng lấy xã làm đơn vị hành chính cơ sở. Theo sách Từ hải thì thời cổ xưa ở Trung Quốc cứ 25 nhà sinh sống trên vùng đất vuông 6 dặm gọi là xã2. Tuy nhiên cách tổ chức này không được duy trì lâu dài. Sau này khi Trung Quốc mở rộng đất đai ra các vùng xung quanh, họ lấy thôn làm đơn vị hành chính cấp cơ sở ở khu vực nội địa Trung Hoa còn xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở tương đương ở khu vực ngoại vi phụ thuộc Trung Hoa. Như vậy về hình thức mà xét thì đã có cấp xã tức là không có cấp thôn và ngược lại.

Hai năm sau bài minh chuông Nhật Tảo, vào năm 950 Ngô Xương Văn là con trai của Ngô Quyền được sai đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình3. Có thể xác định được một cách chính xác hai thôn Đường, Nguyễn là khu vực Đường Lâm, Nam Nguyễn huyện Quảng Oai (nay thuộc thị xã Sơn Tây), nhưng tư liệu quá giản lược không cho phép có một hình dung cụ thể nào về cấp thôn thời kỳ này.

Mãi đến thời Lý, vẫn theo sử cũ, tên thôn mới xuất hiện với tư cách là một đơn vị tụ cư dưới ấp (mà ấp ở đây là hương ấp). Như thế có nghĩa là thôn cũng là làng hay chí ít cũng là đơn vị tụ cư tương đương với làng.

Vấn đề đặt ra là từ khi nông thôn Việt Nam xuất hiện thêm hệ thống quản lý hành chính là xã trong khi hệ thống tự trị vẫn còn rất mạnh và giữ vị trí chi phối thì có nghĩa là cả hai hệ thống hành chính và tự trị cùng tồn tại trong một đơn vị làng xã. Trong quá trình vận hành không phải lúc nào hai hệ thống này cũng thống nhất với nhau, mà nhiều khi chúng mâu thuẫn, thậm chí còn rất trái ngược và đối lập nhau.

Tư liệu lịch sử cho phép đoán định rằng ngay từ khi mới thoát ra khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, các chính quyền tự chủ của người Việt lấy làng truyền thống làm đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước (tức là cấp xã) thì cấp thôn cũng xuất hiện ở trong các làng xã đó. Cấp thôn ra đời chính là do nhu cầu quản lý hành chính của bản thân cấp xã. Nhà nước thông qua xã để quản lý dân làng, nhưng xã khó có thể làm tốt chức năng quản lý hành chính của mình nếu như không thông qua một cấp trung gian khác là thôn. Thôn vì thế đã trở thành đầu mối giáp nối, gắn kết và điều hoà hai hệ thống quản lý: hành chính và tự trị, luật pháp và tục lệ, chính trị và xã hội.

Vào đầu đời Trần, năm 1242 Trần Thái Tông tiến hành phân chia ra các xã lớn, xã nhỏ mà đặt các chức đại tư xã, tiểu tư xã là các xã quan thay mặt Nhà nước trực tiếp quản lý từ 1 đến 2, 3, 4 xã1. Có một số học giả nước ngoài vì hoài nghi khả năng thiết lập và điều hành bộ máy Nhà nước trung ương tập quyền, thậm chí cả dưới thời Lý - Trần, nên cũng không tin rằng xã có thể là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở trong thời kỳ này2. Tuy nhiên chính các tác giả đó cũng thừa nhận “chậm nhất là vào cuối thời Trần, hầu hết các làng Việt đã được coi là xã”3. Cùng với sự mở rộng và nâng cao vị trí của cấp xã như vậy, các nguồn tư liệu cũng cho hay vào trước thời Minh thuộc ở trên đất nước ta, chí ít là khu vực phía Bắc, thôn cũng đã trở thành đơn vị định cư phổ biến ở nông thôn. Vẫn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư trước sự hạch sách của nhà Minh, Hồ Quý Ly buộc phải “đem các thôn như Cổ Lâu, gồm cả 59 thôn trả cho nhà Minh”4.

Chiếm được nước ta, nhà Minh muốn áp đặt trọn vẹn mô hình nông thôn Trung Quốc vào nông thôn Việt Nam. Chúng tiến hành chia dân ta ra thành từng “lý”, mỗi lý gồm 110 hộ (tương đương với 1 làng lúc đó) và đứng đầu lý là lý trưởng. Dưới lý là giáp. Cứ 10 hộ họp thành 1 giáp, do giáp thủ đứng đầu. Tổ chức lý, giáp của nhà Minh bắt đầu triển khai ở nước ta từ năm 1419, khi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã phát triển khá nhanh, nên trong thực tế nó chỉ thực hiện được ở một số vùng đồng bằng gần phạm vi kiểm soát của những vệ sở, thành luỹ của quân Minh mà chưa bao giờ được thực hiện trên phạm vi cả nước5.

Ngay sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lập tức tiến hành tổ chức lại làng xã. Ông phân ra làm 3 loại xã theo số đinh: loại nhỏ từ 10 đến 49 đinh, loại trung bình từ 50 đến 99 đinh và loại lớn từ 100 đinh trở lên1. Theo cách phân loại này, những xã loại vừa và nhỏ trong thực tế chỉ là thôn. Thôn cũng được chia ra thành nhiều loại, trong đó có những thôn phụ thuộc xã và những thôn độc lập. Căn cứ vào sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi lúc này trên cả nước có 9728 xã, 294 thôn2. Trên cơ sở phân loại như vậy, ông lại đặt các xã quan tuỳ theo từng loại xã: xã nhỏ chỉ đặt 1 viên, xã trung bình đặt 2 viên và xã lớn đặt 3 viên xã quan. Các xã quan trên nguyên tắc vẫn là các viên chức của Nhà nước, do Nhà nước cử ra để quản lý làng xã, nhưng thực tế vào đầu thời Lê sơ họ đã là người quản lý trực tiếp từng làng xã, thậm chí là từng thôn xóm nhỏ.

Đến năm 1466 Lê Thánh Tông tiến hành cải cách lại bộ máy quản lý hành chính, đổi chức xã quan thành xã trưởng, quy định việc bầu xã trưởng cũng như tư cách, đạo đức, năng lực của xã trưởng rất chặt chẽ3. Về số lượng xã trưởng, luật quy định các xã cứ trên 500 hộ thì bầu 5 xã trưởng, từ 300 đến 500 hộ thì bầu 4 xã trưởng, từ 100 đến 300 hộ thì bầu 2 xã trưởng và không đến 60 hộ thì bầu 1 xã trưởng4. Như vậy, Lê Thánh Tông đã khéo biết khai thác và lợi dụng tục bầu cử người đứng đầu trong các công xã nông thôn trước đây để tuyển chọn người đứng đầu làng xã, bảo đảm họ vừa là đại diện của dân làng, vừa phục vụ một cách có hiệu quả cho yêu cầu quản lý làng xã của Nhà nước trung ương. Xã dưới thời Lê Thánh Tông được tổ chức theo hộ gia đình. Vào giữa năm 1490 Lê Thánh Tông lại ban hành thể lệ tách xã cũ, lập xã mới: nếu tiểu xã dân số tăng lên trên 500 hộ thì gọi là đại xã, nếu đại xã mà dân số tăng lên trên 600 hộ thì tách số hộ này ra lập thành tiểu xã mới và chia tài sản công cộng (chủ yếu là ruộng đất công) dựa theo tỷ lệ số hộ5. Đến đầu năm 1490 cả nước có 6851 xã, 332 thôn6. Lúc này trong xã hội tồn tại phổ biến loại hình một xã có nhiều thôn phụ thuộc và bên cạnh chức danh xã trưởng cũng đã thấy xuất hiện chức danh thôn trưởng.

Về quyền hạn và nghĩa vụ của thôn trưởng chúng tôi chưa thấy có những quy định cụ thể riêng, nhưng qua một số quy định liên đới trách nhiệm cũng phần nào có thể hình dung được chức năng của thôn trưởng dưới thời Lê Thánh Tông. Theo quy định năm 1475 “nếu các xứ có trộm cướp nhóm họp thì các phủ, châu, huyện, các xã trưởng, thôn trưởng ở nơi đó đều phải trị tội theo như pháp luật”7 có thể biết được thôn trưởng là người chịu trách nhiệm về vấn đề trị an trong thôn. Năm 1485 Nhà nước quy định việc nộp thuế nhân đinh, điền tô, đầu nguồn nói rõ “nếu người nào đói rét khốn khổ thì thôn trưởng phải làm tờ cam đoan và cùng nhau bảo đảm, theo như lệnh trước mà thi hành”1. Tư liệu này cho hay thôn trưởng cũng có vai trò trong việc tổ chức thu thuế ở thôn quê. Về việc đắp dựng mốc giới ruộng đất công tư, Lê Thánh Tông quy định biện pháp thực hiện: “tập hợp những người già cả và xã, thôn trưởng cùng nhau chỉ dẫn ruộng công và đất thế nghiệp là những chỗ nào...”2. Thậm chí đến cả người làm chúc thư, văn khế cũng phải tìm người cùng thôn ấp tuổi từ 30 trở lên lập văn tự làm chứng thì văn bản mới có giá trị pháp lý để thi hành và việc này cũng không thể thiếu vai trò của thôn trưởng...

Đồng thời với việc cải tổ bộ máy quản lý hành chính là việc thi hành chính sách mới về ruộng đất, thâu tóm toàn bộ ruộng đất của các làng xã trong tay Nhà nước và tiến hành phân chia theo thể lệ, thời gian cũng như quy định mức tô thuế chung cho cả nước, biến làng xã thành người quản lý ruộng đất công cho nhà vua và nông dân cày ruộng đất công làng xã thành tá điền của Nhà nước. Những làng xã tương đối tự trị trước đây bây giờ trở thành một đơn vị kinh tế phụ thuộc Nhà nước, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm, lao dịch, binh dịch cho Nhà nước, vừa cung cấp đất đai để Nhà nước ban cho những viên chức của mình.

Mặc dù là người kiên quyết chủ trương xây dựng chính thể quân chủ tập trung, đề cao luật pháp thống nhất, nhưng chính Lê Thánh Tông lại là người ra điều luật cho phép các làng xã được lập hương ước riêng. Điều luật 260 trong Hồng Đức thiện chính thư khẳng định: nếu làng xã nào có những tục khác lạ thì được phép lập khoán ước nhưng phải nhờ viên chức nho giả là người đứng tuổi, có đức hạnh ngay thẳng giúp cho việc soạn thảo và phải trình lên quan chức các nha môn xem xét rõ các điều để phê chuẩn hay bác bỏ. Nếu ai vi phạm các quy định của nhà nước thì cho phép xã quan tố cáo lên nha môn để trị tội3. Điều luật này được ban hành vào năm 1464 và có thể coi đây là thời điểm xuất hiện của loại hình hương ước với tư cách là một bộ luật thành văn của làng xã, được Nhà nước chính thức cho phép soạn thảo và thừa nhận. Lê Thánh Tông trở thành ông vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã đưa ra được phương án tối ưu để xử lý hài hoà mối quan hệ giữa quyền quản lý của Nhà nước và truyền thống tự trị của xóm làng. Có lẽ cũng vì thế mà tất cả các vương triều phong kiến sau ông kể từ các vua Lê đầu thế kỷ XVI đến nhà Mạc, triều Lê Trung hưng, các chúa Trịnh, chúa Nguyễn....trên đại thể đều lấy mô hình tổ chức quản lý làng xã thời Lê Thánh Tông làm khuôn mẫu.

Từ thế kỷ XVII, tình hình nông thôn đã thay đổi nhiều nên mô hình tổ chức quản lý làng xã của Lê Thánh Tông không còn hiệu lực nữa. Vì thế vào năm 1658 vua Lê Thần Tông đã tiến hành cải cách bộ máy quản lý làng xã nhằm cứu vãn lại tình thế. Nhưng cải cách của Lê Thần Tông không được các làng xã ủng hộ nên chỉ ít năm sau, dưới thời Cảnh Trị (1663-1672) vua Lê Huyền Tông phải định lại việc bầu xã trưởng nhằm kiểm tra chặt chẽ hơn người lãnh đạo làng xã.

Bước sang thế kỷ XVIII họ lại cố gắng hơn nữa để can thiệp một cách trực tiếp vào công việc của làng xã, nhưng xem ra những cố gắng đến mức cao nhất này đã thực sự không còn hiệu quả. Có lẽ đấy chính là lý do giải thích vì sao vào năm Long Đức (1732) và Vĩnh Hựu (1735) nhà Trịnh đã buộc phải đi đến quyết định bãi bỏ phép khảo khoá xã trưởng, phó mặc cho làng xã tự chọn lấy xã trưởng của mình. Đây rõ ràng là sự bất lực hoàn toàn của Nhà nước phong kiến trong nhiệm vụ quản lý người đứng đầu làng xã.

Sự bất lực của Nhà nước phong kiến trong việc quản lý các xã trưởng, phó mặc cho làng xã tự quyết định lấy người lãnh đạo của mình xét về hình thức là sự mở rộng quyền tự trị của làng xã, nhưng trong thực tế đây là sự bỏ mặc cho bọn cường hào hoành hành, gây ra muôn vàn tệ nạn ở thôn quê. Tình hình nông thôn càng ngày càng nặng nề căng thẳng. Người nông dân Việt Nam vốn hết sức gắn bó với làng quê mình thì bây giờ đây bị bần cùng hoá, phá sản, phải rời bỏ đồng ruộng, rời bỏ xóm làng đi lang thang kiếm ăn một cách tuỵêt vọng. Nông thôn Việt Nam thế kỷ XVIII đã thực sự tuột ra khỏi tay của các chính quyền phong kiến Lê- Trịnh- Nguyễn và nhanh chóng trở thành căn cứ xuất phát cho các cuộc khởi nghĩa nông dân rộng lớn và rồi cuối cùng tất cả các chính quyền đó đều bị lật nhào bởi phong trào nông dân Tây Sơn.

Vốn từ một thủ lĩnh phong trào nông dân trở thành người đứng đầu đất nước, ngay từ đầu vua Quang Trung đã kiên quyết và khẩn trương đưa dân phiêu tán trở về quê quán sản xuất và thanh toán tình trạng ruộng đất bỏ hoang. Tiếc rằng chủ trương này vừa mới được triển khai thì Quang Trung đã qua đời và người kế nghiệp ông không có đủ bản lĩnh và tài năng để tổ chức thực hiện chủ trương đó, nên tình hình không những không được cải thiện mà thậm chí lại ngày một xấu đi.

Gia Long khôi phục lại nhà Nguyễn trong bối cảnh như thế, đã đặc biệt đề cao vai trò của làng xã trong quốc sách trị nước của mình. Ông nung nấu một ý chí cải tổ làng xã nhưng vì đây là vấn đề không đơn giản và chưa tìm ra được giải pháp thoả đáng nên xem ra chính sách của vua Gia Long đối với làng xã chưa có gì mới so với trước. Trong thực tế Gia Long vẫn phải thừa nhận tổ chức làng xã cũ, vẫn chấp nhận việc bầu xã trưởng và sự tự trị trong phạm vi nhất định của làng xã. Gia Long vẫn xếp các xã trưởng (thậm chí cả thôn trưởng) vào hàng quan chức (tuy nhiên với hạng phẩm cấp thấp nhất). Điều đáng nói là dưới thời vua Gia Long công việc điều tra ruộng đất, chí ít là trên phạm vi toàn miền Bắc và lập sổ địa bạ để quản lý ruộng đất một cách thống nhất và chặt chẽ đã được tiến hành một cách quy mô và vượt xa bất cứ các triều đại nào trước đó.

Minh Mệnh lên ngôi trong tình hình xã hội rất phức tạp: ở nông thôn nông dân đói khổ phải bỏ đi phiêu tán rất nhiều, làng xã chứa chất đầy rẫy những vấn đề phức tạp, mà phức tạp hơn cả vẫn là làm sao có thể quản lý được bộ máy quản lý làng xã. Chính vì thế mà Minh Mệnh đã đi đến quyết định cải tổ lại bộ máy quản lý xã thôn: bỏ chức xã trưởng và thay vào đó chức lý trưởng, quy định một xã chỉ có 1 lý trưởng và tuỳ theo quy mô làng xã nếu đinh số từ 50 đến 149 thì đặt thêm 1 phó lý, đinh số trên 150 thì đặt thêm 2 phó lý. Lý trưởng và phó lý phải được chọn trong số những người “vật lực cần cán”, phải do dân làng bầu cử ra, được phủ huyện xét kỹ lại và bẩm lên trấn để cấp văn bằng, mộc triện. Trách nhiệm của lý trưởng rất nặng nề nhưng lý trưởng đến lúc này lại không được nằm trong hàng quan chức nữa. Đây xét về hình thức là biện pháp hạn chế quyền hành của lý trưởng, nhưng trong thực tế lại chính là cơ hội tốt để cho bọn cường hào đứng sau lý trưởng mà thao túng làng xã. Thành thử cải cách của Minh Mệnh đã không diệt trừ được cường hào mà lại làm cho cường hào có điều kiện phát triển mạnh thêm.

Suốt thời kỳ tồn tại của mình, nhà Nguyễn đã thực sự bất lực hay chí ít là không thể giải toả nổi sự lộng hành, lũng đoạn của bọn cường hào, làm cho nhà nước trong thực tế không quản lý được làng xã một cách chặt chẽ.

Một trong những cơ sở quan trọng mà bọn cường hào có thể dựa vào đó mà lũng đoạn làng xã chính là sự không đồng nhất của hệ thống quản lý thôn xã. Sự xuất hiện của cấp thôn từ buổi đầu thời kỳ độc lập bên cạnh cấp xã đương nhiên là hết sức cần thiết cho công việc tổ chức quản lý nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình vận hành chính cấp thôn đã gây ra cho công việc tổ chức quản lý làng xã không ít rắc rối.

Vào các thế kỷ XVI, XVII khi mà nhà nước phong kiến trung ương tập quyền suy yếu và sụp đổ, mô hình quản lý tập trung thống nhất không còn hiệu quả, ở nhiều địa phương xu hướng thôn trưởng tự ý đặt ra các luật lệ rồi thông qua đó mà lũng đoạn làng xã, gây bè kéo cánh, tách lập thôn riêng, bất chấp pháp luật của Nhà nước. Tình hình càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào thời kỳ suy yếu của chế độ phong kiến khi Nhà nước hoàn toàn bất lực trong việc quản lý các xã trưởng, bỏ mặc cho bọn cường hào hoành hành gây ra muôn vàn tệ nạn ở hương thôn. Nhà Nguyễn ngay từ khi mới bắt tay vào tổ chức vương triều cho đến khi để đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, luôn luôn tìm cách giải quyết mối quan hệ giữa xã và thôn, cũng như khắc phục những mặt hạn chế tiêu cực của người đứng đầu đại diện cho các xã, thôn ấy. Có thể lấy trường hợp lời tâu của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai vào năm 1843 và cách xử lý của vua Thiệu Trị làm ví dụ tiêu biểu. Nguyễn Đăng Giai muốn tập trung giải quyết mối quan hệ xã - thôn trong trường hợp một xã có nhiều thôn. Nếu chỉ vì một xã lớn mà chia ra thành các thôn nhỏ, nhưng các thôn đó vẫn có quan hệ với nhau về nguồn gốc, trong cùng một khu vực cư trú, vẫn còn gắn bó với nhau về kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng..., nghĩa là các thôn đó chưa phải là làng riêng thì việc thu thuế, bắt lính nên lấy xã làm đơn vị cơ sở. Nhưng trong trường hợp các thôn trong xã đã chia tách ra thành các làng riêng hay vốn là các làng riêng biệt hợp lại thành xã thì nên biệt thu theo thôn, xem thôn như là một đơn vị thu thuế, bắt lính. Cuối cùng phương án mà Nguyễn Đăng Giai đưa ra không được vua Thiệu Trị chấp thuận. Điều này chứng tỏ nhà Nguyễn đã cố gắng tìm mọi cách xoay sở nhưng vẫn không thể nào tìm ra được giải pháp hữu hiệu để xử lý một cách thoả đáng mối quan hệ phức tạp giữa xã và thôn.

Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp đã chọn phương án giữ lại tổ chức xã thôn cổ truyền làm công cụ cho chính sách thống trị và khai thác thuộc địa. Nhưng sự thực lại diễn ra hoàn toàn trái ngược với những tính toán của bọn thực dân. Thôn làng cổ truyền chính là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia dân tộc. Nhiều làng xã đã trở thành những pháo đài, những căn cứ chống Pháp mà chúng không thể đàn áp nổi. Để bảo đảm cho nền thống trị của mình, thực dân Pháp buộc phải tiến hành cải tổ lại tổ chức xã thôn cổ truyền. Chúng đã lợi dụng truyền thống quản lý làng xã của người Việt thông qua hương ước, đưa luật pháp của nhà nước bảo hộ vào lệ làng, lệ làng hoá phép nước, khuôn tất cả các hương ước vào một khuôn mẫu chung có lợi cho thực dân Pháp và buộc các làng phải nghiêm luật thực hiện. Có thể nói với cải lương hương chính và việc tổ chức lại bộ máy hành chính cấp cơ sở, thực dân Pháp đã phần nào xác định được quyền cai quản của mình đối với nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế nhiều làng xã đã chống lại chính sách thống trị của thực dân Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau và đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, các làng xã đó lại trở thành những cơ sở cho Đảng gây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Tám và phong trào cách mạng sau này.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự thành lập chính quyền dân chủ nhân dân về nguyên tắc là sự phủ định hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ của đế quốc phong kiến từ trung ương cho đến cơ sở.

Trong công cuộc cải cách ruộng đất và thời kỳ xây dựng tổ đổi công, Đảng ta cũng dựa vào thôn làng mà phát động phong trào. Đến thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp tuy thôn làng không còn là đối tượng quản lý nữa, nhưng nó đã hoá thân vào hợp tác xã (vì hợp tác xã lúc này chủ yếu được xây dựng theo quy mô thôn) và thôn cũng vẫn còn giữ được các nét truyền thống riêng của mình. Chỉ từ khi hợp tác xã chuyển lên bậc cao với quy mô toàn xã thì thôn làng truyền thống mới hầu như bị giải thể. Việc chia tách hay quy gọn các xã chỉ thuần tuý theo quy mô diện tích và dân số mà hầu như không tính đến cơ sở truyền thống của làng xã. Cơ cấu tổ chức của làng xã cũ bị thủ tiêu, những cơ sở văn hoá, tín ngưỡng cổ truyền của thôn làng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ bị phá bỏ.


II. Sự trở lại vị trí của thôn làng truyền thống trong nông thôn Việt nam hiện nay


Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, các gia đình tiểu nông bị thu hẹp, biến dạng, không còn vị trí độc lập trong sản xuất và trở thành một bộ phận phụ thuộc vào hợp tác xã. Nó không chỉ mất đi tính tích cực chủ động vốn có, mà còn làm cho sức sản xuất sa sút nhanh chóng, xã hội đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Tình hình đó đặt ra nhu cầu bức thiết phải đổi mới mô hình tổ chức, quản lý nông thôn, nông nghiệp và quá trình thực hiện chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (năm 1981) rồi khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ (năm 1988) và việc khẳng định hộ gia đình là một đơn vị kinh tế tự chủ (năm 1989), rồi tiếp đó là luật đất đai (năm 1993) là quá trình từng bước trả lại vị trí vốn có của hộ gia đình, đưa nó trở về với quỹ đạo của sự phát triển. Những thành tựu mới của nông nghiệp Việt Nam kể từ sau khoán 10 một lần nữa khẳng định vị trí chưa thể thay thế được của hộ gia đình trong công cuộc phục hưng đất nước hiện nay.

Mỗi gia đình tuy là một đơn vị kinh tế, một đơn vị xã hội, nhưng các đơn vị kinh tế xã hội ấy không bao giờ tồn tại độc lập mà luôn luôn phụ thuộc vào làng. Cộng đồng làng vừa là tập hợp của các gia đình (chủ yếu là gia đình nhỏ, hay gia đình hạt nhân bao gồm vợ, chồng và con cái của họ), vừa là nhu cầu tồn tại và phát triển của mỗi gia đình nông dân. Vì thế sự trở lại vị trí của hộ gia đình về khách quan đòi hỏi sự trở lại của các mối quan hệ truyền thống ở nông thôn.

Gia đình được củng cố thì đương nhiên dòng họ và các mối quan hệ thân tộc có cơ sở trỗi dậy. Đó là hiện tượng tìm lại họ hàng, lập lại gia phả, xây mồ mả, nhà thờ họ, định lại lệ họ, tổ chức giỗ tổ, hội họ... đã trở thành phổ biến trong phạm vi toàn quốc. Điều đáng lưu ý chính là quan hệ thân tộc ở nhiều nơi không chỉ chi phối các hoạt động của nội bộ dòng họ, mà nó đang có xu hướng vươn ra chi phối một số mặt của hoạt động làng xã. Không ít những nơi dòng họ có thế lực đã lũng đoạn chính quyền, lũng đoạn cả tổ chức Đảng và mặt trận ở cơ sở.

Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, khi cơ chế thôn làng bị giải thể thì gia đình chính là nơi duy nhất còn cất giữ, bảo lưu, trao truyền những gì còn lại của làng xã. Vì thế đến khi gia đình được tự chủ thì các phong tục tập quán, hội hè tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng... vốn được cất kín trong mỗi gia đình lại có điều kiện được bung ra.

Bình thường trong mỗi làng xã đều có các mối quan hệ quan phương là quan hệ chính thức từ phía Nhà nước và quan hệ phi quan phương là các mối quan hệ dân sự, tự trị của nội bộ làng xã. Làng nào cũng có đầy đủ các kiểu tập hợp theo khu vực như các chòm tre, xóm ngõ; theo các mục tiêu chính trị, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng... Cũng có không ít các tập hợp theo các mục tiêu kinh tế như các hội buôn bán hay cày cấy, các phường thủ công, hay các tập hợp theo giới, theo lứa tuổi, thậm chí theo cả sở thích giải trí... Các tập hợp này tuy có những mục tiêu và nội dung riêng, nhưng trong thực tế đã hoà quyện vào nhau, chồng xếp lên nhau, tạo thành muôn vàn những sợi dây níu kéo, ràng buộc người nông dân trong trong tổ chức làng xã. Làng Việt truyền thống phải được xem như là một địa vực xã hội đã được hoàn chỉnh và ổn định. Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao ở nông thôn Việt Nam các mối quan hệ quan phương được đặc biệt quan tâm tổ chức như các tổ chức đoàn thể quần chúng, các hội, các ban trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, trong khi các mối quan hệ phi quan phương hoặc bị hạn chế, ngăn cản và bị thu hẹp đến mức tưởng như không còn cơ sở tồn tại nữa.

Nhìn một cách đại thể kể từ khi xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa đến nay thiết chế chính trị xã hội nông thôn cũng từng bước có những thay đổi: Hệ thống quan phương, chính thống gồm các tổ chức Đảng, chính quyền, hợp tác xã (nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ...), mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các hội (thanh niên, thiếu niện, phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh...) ở xã thôn cũng từng bước được đổi mới, dần dần trở về với đúng vị trí và chức năng của nó trong hệ thống chính trị ở nông thôn. Hệ thống bán quan phương, phi quan phương, các hội dân sự lại được tái lập một cách ào ạt ở hầu khắp các làng quê như hội nghề nghiệp, hội dịch vụ, hội giáo dục, hội có tính xã hội, hội vui chơi, giải trí, hội theo lứa tuổi, các loại hội hiếu, hỷ, các hình thức bảo hiểm và tương trợ tự nguyện... Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều các kiểu tập hợp khác theo chòm tre xóm ngõ, theo dòng tộc, theo sở thích và mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cá nhân. Có những hội được tổ chức đàng hoàng, công khai, có nguyên tắc và quy chế hoạt động rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất, nhưng cũng có không ít hội chỉ là sự cam kết không thành văn bản và hoạt động theo kiểu tuỳ hứng. Tuy tại các hội này nội dung và phương thức hoạt động có nhiều điểm mới so với trước, nhưng theo chúng tôi, nó vẫn chưa vượt ra khỏi cách thức tổ chức và tập hợp của thôn làng cổ truyền.

Sự trở lại của phương thức tổ chức và quản lý nông thôn truyền thống trước hết được thể hiện ở sự tái lập cấp thôn. Trên địa bàn tỉnh Hà Bắc (bây giờ là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) do có sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh mà cấp thôn được phục hồi và kiện toàn sớm. Đến cuối năm 1992, toàn tỉnh đã có gần 500 thôn, làng, bản xây dựng được quy chế hoạt động và chọn ra được các thôn trưởng, bản trưởng. Chỉ tính riêng huyện Tiên Sơn năm 1990 đã có 144 thôn trưởng, nghĩa là đủ 100% thôn trong huyện đã có chức vụ thôn trưởng (110 do bầu cử còn 34 do bổ nhiệm). Đến cuối năm 1992, toàn bộ số thôn trưởng ở đây đều do bầu cử, trong đó 99 không kiêm thêm các chức vụ khác, 112 là đảng viên, 12 kiêm bí thư chi bộ, 44 kiêm chức vụ ở Uỷ ban Nhân dân xã, 33 kiêm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, 32 người không phải là đảng viên.

Tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy ở Hà Tây, khi còn thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể về việc bầu thôn trưởng và định ra 10 nhiệm vụ của thôn trưởng. ở huyện Phú Xuyên, chức thôn trưởng bắt đầu được đặt lại từ năm 1989 và đến năm 1992 trong toàn huyện có 138 thôn cũng đã có đủ 138 thôn trưởng. Hầu hết các thôn trưởng đều là đảng viên, trong đó có nhiều người là bí thư chi bộ, đội trưởng sản xuất, bộ đội phục viên, xuất ngũ. Một số ít thôn trưởng được dân bầu trực tiếp, còn lại phần nhiều là trên cơ sở dân bầu ra Hội đồng rồi sau đó Hội đồng mới họp để cử ra thôn trưởng. ở các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên), chức danh thôn trưởng cũng được đặt ra từ sớm và tỉnh đã từng tổng kết kinh nghiệm xây dựng thành giáo trình giảng dạy cho các lớp quản lý ở địa phương.

Đảng ta sớm nhận ra khuynh hướng phát triển này của nông thôn, trên cơ sở tổng kết tình hình thực tiễn ở các địa phương đã khẳng định quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII): “Nhà nước cần sớm nghiên cứu đề ra quy ước thích hợp về chức năng và vai trò cấp thôn, ấp, bản phù hợp với tình hình từng vùng”. Quyết định này vừa đáp ứng được ý nguyện của nông dân, vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông thôn, nhưng dường như hiệu quả thực hiện không cao.

Có địa phương đã đi quá xa, muốn nâng cấp thôn lên như một đơn vị hành chính cấp cơ sở, xem thôn trưởng là người có đầy đủ thẩm quyền quyết định mọi công việc trong thôn, xây dựng Hội đồng quản lý thôn mang dáng dấp của một Hội đồng kỳ mục hay một Hội đồng tộc biểu. Cũng có địa phương lại tỏ ra quá dè dặt, hoặc chưa chính thức triển khai, hoặc triển khai theo kiểu chia hợp tác xã ra theo quy mô thôn ấp, rồi giao thêm cho Ban quản trị hợp tác xã chức năng quản lý thôn ấp đó. Có những địa phương thôn trưởng được mệnh danh là “lý trưởng thời nay” đã bao sân làm trọn cả chức vụ của Đảng, chính quyền, trong khi đó có những nơi thôn trưởng chỉ được đặt ra để làm vì, còn mọi việc quyết định trong thôn vẫn do Đảng uỷ, Uỷ ban Nhân dân xã quyết định. Có những thôn chức vụ thôn trưởng do dân bầu ra, nhưng cũng có thôn chức vụ này do Hội đồng quân dân chính đảng hay do Đảng uỷ, Uỷ ban Nhân dân xã cử ra.

Những hiện tượng phức tạp kể trên theo chúng tôi không phải là hiện tượng đặc biệt mà chỉ là quá trình phát triển bình thường của thời kỳ quá độ chuyển sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên nếu không có biện pháp chỉ đạo thống nhất, uốn nắn kịp thời thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Vấn đề có ý nghĩa then chốt ở đây là Nhà nước cần phải định rõ vị trí của cấp thôn trong hệ thống tổ chức, quản lý nông thôn, đặc biệt là đặt cấp thôn trong mối quan hệ với cấp xã như thế nào. Thôn là đơn vị “á hành chính” hay là đơn vị hành chính cấp cơ sở?. Thôn là “điểm dừng chân” hay chỉ là phần kéo dài của cấp xã ?. Quản lý cấp thôn là quản lý toàn diện hay chỉ là quản lý về mặt văn hoá xã hội?. Chức năng và quyền hạn của thôn trưởng đến đâu và mối quan hệ giữa thôn trưởng với chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã như thế nào?...

Thôn làng chỉ là một bộ phận tạo thành của xã, nó có trách nhiệm giải quyết tất cả những vấn đề của đời sống dân sự nẩy sinh hàng ngày trong thôn làng thông qua truyền thống, đạo lý, những quy định dưới luật, trên tinh thần hoà giải, đoàn kết, cảm thông và không trái với luật nước. Người trưởng thôn vì thế phải là người vừa đại diện cho dân thôn vừa đại diện cho chính quyền xã đứng ra tổ chức, quản lý mọi việc trong thôn làng mình. Sự giao quyền ồ ạt cho thôn có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, có thể khắc phục phần nào tính xơ cứng của tổ chức hợp tác xã trước đây, nhưng về lâu dài chắc chắn nó sẽ củng cố tính cục bộ địa phương, củng cố tính tự trị khép kín của thôn làng cũ, mâu thuẫn với nhu cầu mở rộng hoà nhập của cơ chế thị trường, gây trở ngại cho bước phát triển của chính thôn làng đó.

Vì thế, việc xây dựng quy chế về vai trò, chức năng, quyền hạn của cấp thôn và thôn trưởng đã trở thành đặc biệt cần thiết cho cuộc sống hôm nay và tương lai của mỗi thôn làng nói riêng và nông thôn nước ta nói chung. Ngày 11 tháng 5 năm 1988 Chính phủ đã ra Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, khẳng định: “Thôn, làng, ấp, bản không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống mới; tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao”1. Trên cơ sở đó, Quy chế xác định rõ chức danh trưởng thôn (làng, ấp, bản) phải do dân thôn bầu ra và chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã công nhận, phải là người đại diện cho cộng đồng dân cư thôn làng và Uỷ ban Nhân dân xã và chịu sự quản lý và chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân xã.

Đi liền với quá trình tái lập cấp thôn là vấn đề xây dựng quy ước, hương ước mới ở các thôn làng. Nhiều tỉnh như Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh), Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên)... nắm bắt nhu cầu của cuộc sống thực tiễn đã chủ động tổ chức xây dựng hương ước dưới dạng quy ước làng văn hoá ở địa phương mình. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm này của các địa phương đã đưa ra chủ trương “Khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh thôn xã”.

Hương ước hay các quy ước làng văn hoá hiện nay đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống kinh tế, chính trị nông thôn, nhưng nổi bật hơn cả cũng vẫn là những điều khoản liên quan đến văn hoá xã hội và bảo vệ trật tự trị an thôn xóm. Nhìn chung hương ước mới đang tỏ ra là một công cụ có hiệu quả để quản lý nông thôn, nhưng do cách quan niệm và tổ chức thực hiện chưa thống nhất mà nó đã bộc lộ những mặt bất cập và tiêu cực cần phải kịp thời uốn nắn. Theo Quy chế thực hiện dân chủ ở xã thì hương ước phải: “kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục của cộng đồng, phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh. Hương ước, quy ước do nhân dân xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã đề nghị và Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt hương ước, quy ước đó”.

Thôn cùng ra đời và song hành với xã, tuy số phận của nó có lúc nổi, có lúc chìm, có lúc tưởng như không còn tồn tại nữa, nhưng ngày nay nó đang trở về và đã được khẳng định lại vị trí vốn có của nó trong xã hội nông thôn truyền thống. Thôn vừa đại diện cho xã vừa đại diện cho làng và vì thế nó có vai trò rất linh hoạt. Trong lịch sử, thôn thường đóng vai trò kết dính làng với xã trong hệ thống chính trị xã hội nông thôn, nhưng cũng nhiều khi nó bị lợi dụng và trở thành công cụ của cường hào lũng đoạn nông thôn. Chủ trương trao quyền tự quản cho thôn là một chủ trương đúng và trên cơ bản đã phát huy tốt được tính tự chủ, năng động của các thôn làng, chắp nối lại những đứt đoạn trong phát triển nông thôn thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, đưa nông thôn Việt Nam trở về với quỹ đạo của sự phát triển bình thường, tự nhiên của nó. Tuy nhiên giao quyền tự quản cho thôn đến mức nào để thôn làng có thể khai thác hết tiềm năng vốn có mà không biến thành một cấp chính quyền riêng là một vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

Chúng ta đã từng có bài học đắt giá về việc gạt hẳn thôn làng ra khỏi hệ thống chính trị xã hội nông thôn. Hậu quả của tính toán không đúng này vẫn còn nặng nề và chưa dễ khắc phục ngay được. Nhưng chắc chắn sẽ là sai lầm lớn hơn và hậu quả sẽ nặng nề hơn nếu chúng ta lại một lần nữa chủ quan nóng vội hay vô trách nhiệm muốn quay trở lại nguyên mẫu mô hình thôn làng Việt Nam truyền thống. Giải quyết một cách hợp lý hài hoà mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới chính là chìa khoá của sự phát triển bền vững.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8