CÙNG ĐỐI THOẠI ĐỂ TÌM RA CHÂN LÝ LỊCH SỬ
[ 15/11/2013 07:00 AM | Lượt xem: 1296 ]

CÙNG ĐỐI THOẠI ĐỂ TÌM RA CHÂN LÝ LỊCH SỬ

PGS. TS. Vũ Quang Hiển

Giữa mùa Xuân Bắc Kinh đầy gió và nắng ấm, hoa Đào, hoa Nghinh Xuân nở rộ khắp các nẻo đường, trong hai ngày 19 và 20-4-2004, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Trường Đại học Bắc Kinh) và Viện Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Trịnh Châu, Hà Nam, Cộng hoà Nhân dân Trung hoa), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ) và Đại học Pantéon Sorbon Paris (Cộng hoà Pháp) phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế Kỷ niệm lần thứ 50 chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ. 22 báo cáo khoa học được trình bày tại hội thảo (Việt Nam: 7, Trung Quốc: 11, Pháp: 4), chia thành ba chủ đề: (1) Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa của nó, (2) Trung Quốc và chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam, (3) Hội nghị Giơvevơ.

1. Phiên khai mạc tại phòng họp lớn mở đầu bằng diễn văn của GS. Hắc Bình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bắc Kinh. Ông thể hiện niềm vui được gặp lại những bạn học, học sinh cũ và cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Bùi Hồng Phúc. Ông nhiệt liệt chào mừng các học giả đến từ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hoà Pháp và các trường đại học của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ông nêu rõ mục đích của Hội thảo là kỷ niệm chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ, tăng cường tình hữu nghị hợp tác giữa các nhà khoa học và nhân dân ba nước.

PGS. Phạm Xuân Hằng, trưởng đoàn Việt Nam, nói: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đạo lý Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc".

GS. Jean Chritophe Romer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quốc phòng Pháp, Trường Đại học Strasbourg, nêu rõ Hội thảo này được tổ chức tiếp theo hai hội thảo tại Paris và Hà Nội là một cố gắng rất lớn của cả ba phía Pháp, Trung Quốc và Việt Nam, nhằm tăng cường sự trao đổi học thuật và sự hiểu biết lẫn nhau.

GS. Đới Khả Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam Trường Đại học Trịnh Châu (Hà Nam), nêu rõ sự kiện Điện Biên Phủ đã "viết trang lịch sử vàng chói trong lịch sử giải phóng dân tộc".

GS. Lương Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Trường Đại học Bắc Kinh, khẳng định trong chiến dịch Điện Biên Phủ "chủ nghĩa thực dân và bá quyền bị thất bại". "Trong thời kỳ mới chúng ta cần có quan điểm mới, tư duy mới đối với sự kiện này. Đây là sự kiện rất có giá trị về học thuật".

2. Chủ đề "Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa của nó"

Đây là chủ đề có tới 13 báo cáo, chiếm 59% tổng số báo cáo tại hội thảo, trong đó có 5 báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam: Điện Biên Phủ: lịch sử và hiện trạng của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng; Một thay đổi về cách đánh có ý nghĩa quyết định đối với chiến dịch Điện Biên Phủ của GS. Phan Huy Lê, Chiến thắng Điện Biên Phủ với sức mạnh dân tộc của Thiếu tướng, PGS. Trịnh Vương Hồng, Những hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tá Hoàng Minh Phương và Chiến dịch Điện Biên Phủ - tình hình nghiên cứu ở Việt Nam 50 năm qua của PGS.TS. Vũ Quang Hiển.

Các báo cáo của đoàn Việt Nam dựa trên cơ sở tư liệu lịch sử xác thực, nhất là một số tư liệu mới, trên cơ sở sự phân tích và luận giải khoa học, khẳng định vai trò quyết định của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với chiến thắng, nhất là trong hai vấn đề then chốt về mặt quân sự: xác định phương hướng tiến công chiến lược của ta trong Đông-Xuân 1953-1954 và phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ; nêu rõ sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam kết hợp với sự giúp đỡ quốc tế to lớn và có hiệu quả, nhất là sự giúp đỡ của Trung Quốc đã làm nên thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở thực lực về quân sự để đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam.

PGS. Phạm Xuân Hằng khẳng định "thắng lợi to lớn của quân và dân Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và mở đầu sự thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Đó cũng là khởi đầu cho sự sụp đổ của chế độ thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Như thế, sự kiện Điện Biên Phủ không chỉ tạo ra bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Việt Nam, mà còn tác động mạnh mẽ đến lịch sử thế giới".

Bằng những luận cứ khoa học xác đáng, GS. Phan Huy Lê phân tích và khẳng định "phương châm "đánh chắc tiến chắc" đã được xác định khá sớm và rõ ràng trong sự chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Tư tưởng và phương châm chỉ đạo đó là sự kế thừa và phát triển tư tưởng và nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc trong tổ chức chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm của một nước nhỏ chống quân xâm lược của một nước lớn".

Thiếu tướng, PGS. TS. Trịnh Vương Hồng khẳng định "Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX, thể hiện tiêu biểu sự kết tinh sức mạnh tiềm tàng và to lớn của dân tộc Việt Nam". Sức mạnh đó được tạo ra và nhân lên từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; ý chí tự lực, tự cường và truyền thống đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, thể hiện ở tài nghệ chỉ đạo chiến tranh và vận dụng nghệ thuật quân sự. Thiếu tướng kết luận hùng hồn: "Sức mạnh tiềm tàng và to lớn ấy, bản sắc và bản lĩnh ấy của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam từng làm nên bao chiến công huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, sẽ được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới, sẽ là nhân tố nền tảng, là động lực quan trọng đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh giành thắng lợi".

Đại tá Hoàng Minh Phương, vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một người trong cuộc, trực tiếp phiên dịch cho các tướng lĩnh Trung Quốc và Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trình bày báo cáo của mình bằng tiếng Trung Quốc về quá trình hình thành phương hướng tiến công chiến lược của bộ đội Việt Nam trong Đông-Xuân 1953-1954 và chủ trương "đánh chắc tiến chắc". Ông xúc động nhắc lại sự kiện sớm ngày 26-1-1954, ông đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nắm lá ngải cứu buộc trên đầu, chủ động gặp Tướng Vi Quốc Thanh bàn về thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" ở Điện Biên Phủ. Ông cũng nêu rõ: "Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm mới, Đoàn trưởng Vi Quốc Thanh đã trực tiếp giới thiệu cách xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho cán bộ Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc… Phó đoàn trưởng Mai Gia sinh đã hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan học tập. Cố vấn các đơn vị đã hướng dẫn cụ thể cho cán bộ Việt Nam ở thực địa, nên việc làm đường và xây dựng trận địa cho bộ binh, pháo binh, cao xạ được tiến hành thuận lợi". Ông khẳng định "các cố vấn quân sự Trung Quốc đã giúp Việt Nam một cách chân thành, tích cực, tận tình, không nề hà hiểm nguy gian khó".

PGS.TS. Vũ Quang Hiển trình bày tình hình nghiên cứu sự kiện Điện Biên Phủ qua 50 năm ở Việt Nam, nêu rõ sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo giới khoa học, với những thành tựu to lớn; khẳng định cơ sở nghiên cứu của các học giả Việt Nam là những nguồn sử liệu rất phong phú, bao gồm những tài liệu thành văn và những tài liệu được khai thác qua những nhân chứng lịch sử; nhấn mạnh tầm quan trọng của những tài liệu lưu trữ với độ tin cậy cao nhất và sự cần thiết phải xác minh, đối chiếu, so sánh những tài liệu khác với những tài liệu lưu trữ nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Trong chủ đề này các học giả Pháp có 2 báo cáo: Năm 1954: một năm điều chỉnh lại của GS. Jean Chritophe Romer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quốc phòng Pháp Trường Đại học Strasbourg và Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương (1953-1954): một người chứng kiến của tướng Henrri Eyraud. Báo cáo của các học giả Pháp mô tả những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương (1953-1954), sự điều chỉnh lại các quan niệm của các nước lớn về quan hệ quốc tế năm 1954.

Các học giả Trung Quốc trình bày 4 báo cáo, tập trung ca ngợi tình đoàn kết Việt - Trung, khẳng định tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân Việt Nam.

GS. Lương Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Trường Đại học Bắc Kinh có bài "Yếu tố Mỹ trong bối cảnh quốc tế của chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất" phân tích những chính sách của Mỹ trong việc mở đường cho Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, không thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam, tiến hành bao vây Trung Quốc và phản đối một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ông khẳng định "nhân dân Việt Nam giành thắng lợi bằng chính máu của mình".

GS. Đới Khải Lai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Trường Đại học Trịnh Châu, trong bài "Bối cảnh quốc tế của chiến dịch Điện Biên Phủ" khẳng định "Điện Biên Phủ là thắng lợi của tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Việt Nam, nhưng viện trợ của Trung Quốc là không thể thiếu, phù hợp với trào lưu tiến hoá của lịch sử".

GS. Chúc Ngưỡng Tu, Học viện Quan hệ Quốc tế Nam Kinh, trình bày báo cáo "Chiến dịch Điện Biên Phủ trong một truyện ngắn", nêu một số cảm nhận về chiến dịch Điện Biên Phủ qua truyện ngắn "Người thợ sửa chữa đồng hồ trong đường hầm số 1 ở Điện Biên Phủ" của Hữu Mai. Ông cho rằng: "Tinh thần Điện Biên Phủ là một tài sản quý báu của nhân dân Việt Nam".

Vương Đức Luân, nguyên phó giám đốc Viện Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế Quốc tế Bộ Ngoại thương Trung Quốc có bài "Những điều tai nghe mắt thấy ở Điện Biên Phủ". Ông khẳng định điều mà ông thấy, mà ông đã cảm nhận sâu sắc nhất ở Điện Biên Phủ là "một cuộc kháng chiến toàn dân". Ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông là "sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam" đối với cuộc kháng chiến. Trong khi nói chuyện với người Việt Nam, ông thấy "họ thống nhất với nhau ở một từ: kháng chiến toàn dân. Có hàng triệu dân quân du kích hoạt động ở phía sau quân Pháp, họ đã làm hỏng đường giao thông, thu hút, giam chân một lực lượng lớn của quân Pháp, làm Pháp không thể đủ lực lượng cơ động để thực hiện nhiệm vụ của mình". Ông nhắc lại những hình ảnh những đoàn dân công, thanh niên xung phong tưởng như không dứt với những phương tiện thô sơ: đòn gánh, xe thồ… vận chuyển hàng ra mặt trận, "cười cười, nói nói rất vui vẻ, không một chút miễn cưỡng, vẫy tay chào xe bộ đội đi qua".

Ông nói: Trong 50 năm kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, "phong trào giải phóng dân tộc lan toả khắp thế giới. Hệ thống thuộc địa tan rã. Đó là một tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại. Nhưng chiến tranh vẫn đang tồn tại, hòa bình vẫn là nguyện vọng chung của nhân loại. Hiện nay nhân loại đang đứng trước những vấn đề gay go, cần giải quyết thoả đáng". Ông khẳng định: "Hoà bình, hợp tác trên cơ sở quan hệ quốc tế lành mạnh là nguyên tắc giải quyết các vấn đề xung đột và tranh chấp quốc tế".

3. Chủ đề "Trung Quốc và chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam" được đề cập trong 2 phiên họp với 2 báo cáo của các học giả Pháp và 4 báo cáo của các học giả Trung Quốc.

PGS. Hugues Tertrais, Khoa Lịch sử Trường Đại học Paris 1 - Sorbonne, trong báo cáo Nhận thức của Pháp về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương, đã phân tích sự đánh giá, sự nhìn nhận của những nhà lãnh đạo nước Pháp về Trung Quốc như một mối đe doạ khu vực, và từ đó trở thành mối đe doạ toàn cầu. Pháp lo ngại về cuộc họp ba bên Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô tại điện Cremli và sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam.  Ông đặt vấn đề liệu đó có phải là sự giúp đỡ không hoàn lại hay không, bởi vì như Auriol từng nói: "Người Mỹ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều triệu đôla, và chúng tôi đã phải trả cái giá là mất đi một phần độc lập của chúng tôi". "Người Pháp quan tâm việc bỏ dần Đông Dương, trở về châu Âu, còn người Mỹ quan tâm can thiệp vào Đông Dương". "Pháp dùng kế hoạch Navarre là để bán sự can thiệp cho Mỹ".

Pierre Journoud, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quốc phòng Pháp với bài Vị trí của Trung Quốc trong quan hệ Pháp - Mỹ thời kỳ Điện Biên Phủ, trình bày sự đánh giá giống nhau về khả năng can thiệp trên bộ của Trung Quốc vào Việt Nam, nên Pháp và Mỹ đã bàn với nhau về biên pháp xử lý khi khả năng đó sảy ra. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về quan điểm nhìn nhận nên 10 năm sau Điện Biên Phủ, Pháp đã công nhận Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, còn Mỹ đã can thiệp bằng lục quân vào Việt Nam.

Tiền Giang, phóng viên Nhân dân Nhật báo, trình bày Hiện trạng về những tấm ảnh lịch sử phản ánh chiến tranh chống Pháp giúp Việt. Ông cho biết nhiều tấm ảnh quý đã bị mất trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc và bày tỏ nguyện vọng được sự giúp đỡ của các giới nghiên cứu Việt Nam để có điều kiện tập hợp đầy đủ và xác định nội dung của các tấm ảnh về chủ đề mà ông quan tâm.

GS. Dương Phú Triệu, Học viện Ngoại ngữ Quân đội Lạc Dương, với bài "Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam và mối tình hữu nghị giữa hai nước Trung - Việt", nêu rõ quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam có lịch sử lâu dài, được biểu hiện cụ thể trong kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ "chứng tỏ chiến tranh phi nghĩa cho dù đế quốc thực dân mạnh cũng sẽ thất bại. Chiến tranh chính nghĩa, cho dù các nước nhỏ bé cũng sẽ thắng lợi".

Một số ít học giả Trung Quốc có những quan điểm khác biệt với các nhà nghiên cứu Việt Nam. Dựa vào nguồn tài liệu hồi ký, họ khẳng định vai trò quyết định của Trung Quốc, nhất là về trí tuệ, đối với thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Quách Chí Cương (Phòng Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Viện Nghiên cứu Khoa học Quân sự Trung Quốc) có bài "Trung Quốc và chiến dịch Điện Biên Phủ". Sau đây là một số luận điểm của ông:

+ Tư tưởng quân sự Mao Trạch Đông và kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc có vai trò rất lớn đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam. "Nhờ học tập tư tưởng quân sự Mao Trạch Đông và kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc nên Võ Nguyên Giáp đã trở thành một vị tướng khá nổi tiếng".

+ Tháng 9-1952, trong chuyến thăm Trung Quốc, Hồ Chí Minh chấp nhận đề nghị của Trung ương và Quân uỷ Trung Quốc về phương hướng chiến lược "giành thắng lợi ở Tây Bắc và Thượng Lào, rồi tiến vào miền Nam, cuối cùng là giành châu thổ sông Hồng". Quách Chí Cương khẳng định "nếu không có sự xác định này thì không có Điện Biên Phủ".

+ Ngày 13-8-1953 Trung ương Việt Nam điện cho Trung ương Trung Quốc về tình hình và và phương hướng tác chiến, trưng cầu ý kiến của Trung Quốc. Ngày 27 và 29-8-1953 hai lần Trung ương Trung Quốc điện cho La Quý Ba và Trung ương Việt Nam, phân tích và nêu chính sách: trước hết phải tiêu diệt được Lai Châu, miền bắc, trung và hạ Lào, tiến xuống nam Lào và Campuchia, uy hiếp Sài Gòn. Tháng 9-1953, tại Hội nghị Bộ Chính trị, Hồ Chí Minh đọc kết luận không thay đổi phương hướng chiến lược. Kết luận đó là điều kiện quyết định đến Điện Biên Phủ sau này.

+ Về sự thay đổi chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" thành "đánh chắc tiến chắc", Quách Chí Cương nói: "Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng. Hai học giả Phan Huy Lê và Hoàng Minh Phương đã nêu ý kiến riêng của hai vị, tôi cảm thấy rất khó nghĩ". "Giáo sư Lê nói ngày 24-1-1954 Vi Quốc Thanh báo cáo Quân uỷ Trung Quốc đề nghị thay đổi chiến lược. Ngày 27-1 Quân uỷ Trung Quốc mới có ý kiến trả lời, nhưng đồng chí Việt Nam nói ngày 26-1 Võ Nguyên Giáp đã có quyết định, nên tôi nói là quyết định của cả hai bên" (đây là đoạn văn duy nhất mà Quách chí Cương có thay đổi nội dung so với bài viết của mình).

+ "Trung Quốc là nước duy nhất viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, là một hậu phương lớn, một nhân tố rất quan trọng với Điện Biên Phủ và toàn bộ chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Đó là sự giúp đỡ toàn diện, toàn sức".

Hạ Tân Thành (Trưởng phòng Nghiên cứu Quân đội nước ngoài, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc) trình bày bài "Trung Quốc và chiến tranh chống Pháp của Việt Nam" nhấn mạnh vai trò của đoàn cố vấn Trung Quốc trong việc xác định phương hướng tiến công chiến lược và cách đánh tập đoàn cứ điểm. Tại Hội nghị Trung ương Đảng họp tháng 4-1952, báo cáo của cố vấn Trung Quốc "chỉ rõ khả năng cơ động nhanh và ưu thế về không quân và pháo binh của Pháp ở đồng bằng. Nếu không giải quyết được kỹ thuật công kiên chiến và phương hướng tấn công đồng bằng thì không giải quyết được cuộc chiến tranh. Vì thế phải thay đổi, chuyển lên Tây Bắc". "Chiến dịch Tây Bắc thành công, nhưng chưa giải quyết được tập đoàn cứ điểm. Pháp tập trung vào Nà Sản, hình thành một tập đoàn cứ điểm. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giải quyết hai vấn đề: phương hướng chiến lược và đánh tập đoàn cứ điểm", "phá vỡ thế bế tắc cục diện chiến dịch". Tác giả cho rằng khi nói đến vai trò của Trung Quốc "nên đặc biệt chú ý về những mặt lớn. (Trong chuyến thăm Liên Xô của Mao Chủ tịch và Lưu Thiếu Kỳ có sự phân công chiến lược: Liên Xô phụ trách Tây phương, Trung Quốc phụ trách Đông phương). Nên coi trọng đại cục. So với viện trợ vật chất thì nó quan trọng hơn".

4. Chủ đề "Hội nghị Giơnevơ và ý nghĩa của nó" được thảo luận trong một phiên họp với 5 báo cáo của 2 học giả Việt Nam và 3 học giả Trung Quốc.

PGS. Bùi Đình Thanh với báo cáo Một số vấn đề về Hội nghị Giơnevơ, cho rằng: "Lợi ích của Liên Xô và đặc biệt là Trung Quốc không hoàn toàn đồng nhất với lợi ích của Việt Nam, nên sự dàn xếp, thoả hiệp giữa các nước lớn làm phương hại đến lợi ích của dân tộc Việt Nam cũng như của nhân dân hai nước Lào và Campuchia là điều khó tránh". "Kết quả của Hội nghị Giơnevơ chưa phản ánh đúng, đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, mà đã có những sự nhân nhượng. Nhưng đấu tranh ngoại giao là thế. Việt Nam từ rừng núi đi thẳng tới Giơnevơ, rất thiếu kinh nghiệm, mất quyền chủ động". Ông kết luận: "Đấu tranh ngoại giao là nghệ thuật của cái có thể và giúp ta bài học để tìm cách khắc phục".

PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh có bài Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, phân tích tình hình quốc tế, thái độ của các nước lớn trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương; sự phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Việt Nam; khẳng định thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ.

GS. Văn Trang, Khoa Á Phi, Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nguyên là một nhân viên công tác bên cạnh đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ. Ông từng sinh hoạt trong một chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947 khi bị quân Tưởng Giới Thạch truy đuổi, phải chạy sang Việt Nam. Trong báo cáo "Hội nghị Giơnevơ: nhìn lại và suy ngẫm", ông xúc động kể bằng tiếng Việt những ấn tượng về nỗi vui mừng của đồng chí Phạm Văn Đồng, của anh em trong các đoàn đại biểu Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc khi nghe tin Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Mọi người chạy ra khách sảnh, chúc mừng thắng lợi, chúc Hồ Chủ tịch sức khoẻ. Miệng ông cười mà mắt ông rớm lệ: "Chúng tôi làm việc ở Việt Nam trong bao năm, chỉ mong Việt Nam chiến thắng. Vui và sung sướng quá". Giọng ông nghẹn ngào: "Đó là lúc vui nhất trong đời tôi". Theo ông, kết quả của Hội nghị Giơnevơ đã tạo cho Việt Nam cơ sở để sau này giải phóng miền Nam; Pháp thoát ra khỏi chiến tranh, trút được một gánh nặng, và lớn lên thành một cường quốc ở châu Âu. Việt Nam bị thiệt vì phải bỏ khu V và một số vùng rộng lớn. Pháp thiệt vì mất hết quyền lợi ở Đông Dương. Mỹ vào Việt Nam rồi cũng thua, nhưng lái buôn vũ khí lại có lợi. Hội nghị Giơnevơ đã "phá khung chiến tranh lạnh, phá được khuôn mẫu hai phe đối lập nhau".  Nó có ý nghĩa hiện thực là "đem lại một tinh thần, một kinh nghiệm giải quyết tranh chấp giữa nước với nước, dân tộc với dân tộc, nhân dân với nhân dân trong điều kiện ngày nay". Đó là "sự lựa chọn tốt nhất". "Những thế lực khủng bố, đùng một cái là dùng vũ lực, đem lại nhiều hậu quả xấu, và sự trả thù càng nhiều hơn, đó là kiểu dã man không thể chấp nhận ở thế kỷ XXI".

GS. Vu Hướng Đông, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Trường Đại học Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) với báo cáo "Từ Hội nghị Giơnevơ đến Hội nghị Á - Âu" vạch rõ: các nước Châu Á, kể cả Trung Quốc, tại Hội nghị Giơnevơ không có vai trò bình đẳng với các nước phương Tây. Họ mời được dự Hội nghị này "không mang ý nghĩa là được sự thừa nhận của các nước khác". Nhưng cuối cùng những nguyên tắc về chủ quyền quốc gia dân tộc đã được Hội nghị này thừa nhận. Hội nghị Á - Âu (ASEM) xuất hiện từ những năm 90 với thể chế quan hệ bạn bè, đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ hai châu lục. Đối thoại và hợp tác là một trào lưu quốc tế mạnh. Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEM, đang chuẩn bị đăng cai Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ hợp tác với Trung Quốc, EU và các nước khác để bảo vệ hòa bình thế giới. Từ Hội nghị Giơnevơ đến Hội nghị Á - Âu, nửa thế kỷ đã trôi qua. Thực tiễn gợi cho ông suy nghĩ: chiến tranh và vũ lực không thể giải quyết được mọi tranh chấp quốc tế. Những vấn đề quốc tế quan trọng chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Hoà bình và phát triển là trào lưu thế giới không thể đi ngược lại, nhưng cả hai vấn đề này đều chưa được giải quyết trong bối cảnh sau chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế đã thay đổi lớn, quan hệ địa lý cũng thay đổi cùng với toàn cầu hoá, đa cực hoá và sự phát triển của công nghệ thông tin. Tính tuỳ thuộc vào nhau tăng lên. nhưng dân tộc và quốc gia vẫn là chủ thể của quan hệ quốc tế. Chủ quyền quốc gia là nguyên tắc trong quan hệ quốc tế.

GS. Dương Bảo Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Bắc Kinh, trong báo cáo "Hội nghị Giơnevơ và quan hệ quốc tế sau chiến tranh: về Trung Quốc, Việt Nam và Pháp", cho rằng việc ký Hiệp định Giơnevơ tạo ra cục diện mới cho sự phát triển của ba nước.

Đối với Trung quốc: Hiệp định này làm tan vỡ ý đồ của Mỹ bao vây Trung Quốc từ ba phía (Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương), có biên giới an toàn để tập trung sức người sức của phát triển kinh tế, thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, có điều kiện cùng Liên Xô viện trợ Việt Nam và các nước khác, tham gia đời sống chính trị quốc tế với tư cách một nước lớn, làm cho Trung Quốc có điều kiện ngày càng phát triển, cải thiện quan hệ với Pháp và phương Tây.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được công nhận, được cải thiện địa vị quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Pháp được đánh giá cao ở các nước. Quan hệ của Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác ngày càng phát triển.

Đối với Pháp, chiến tranh là một gánh nặng. Từ đây, Pháp thoát dần khỏi ảnh hưởng của hệ thống thực dân, ngày càng phát triển mạnh. 10 năm sau Hiệp định Giơnevơ, Pháp trở thành một nước chủ nợ, điều chỉnh chính sách ngoại giao, phát triển lực lượng hạt nhân, thi hành chính sách độc lập với Mỹ, xây dựng quan hệ mật thiết với các nước châu Âu, xây dựng châu Âu của người châu Âu. Việc chấm dứt chính sách thực dân ở hải ngoại giúp Pháp cải thiện quan hệ với các nước trong thế giới thứ ba và làm cho hình ảnh nước Pháp được cải thiện.

5. Phiên họp bế mạc diễn ra trong bối cảnh còn nhiều ý kiến muốn bàn luận, nhưng dù có bàn thêm chăng nữa, các ý kiến khác nhau trên cùng một vấn đề là điều không thể tránh khỏi. Kết quả lớn nhất là các học giả của ba nước đã trao đổi thẳng thắn với nhau các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, và nhận thức sâu sắc hơn sự cần thiết phải mở rộng giao lưu trong nghiên cứu khoa học.

Tổng kết của phía tổ chức hội thảo, GS. Dương Bảo Duân tóm tắt 4 điểm: (1) Coi trọng học thuật, (2) Coi trọng giao lưu và trao đổi tư liệu lịch sử, (3) Thông cảm với nhau, mặc dù trong trao đổi xuất phát từ những suy nghĩ riêng, nhưng cùng chia sẻ cảm nghĩ, (4) Coi trọng tình hữu nghị. Ông mong muốn "giữ được liên lạc và tình hữu nghị có được qua cuộc hội thảo lần này".

GS. Tertrais, đại biểu Pháp cho rằng ba hội thảo về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ ở Paris, Hà Nội và Bắc Kinh là sự kiện có một không hai. Cái hấp dẫn là có hai loại đối tượng tham gia hội thảo: những người làm ra sự kiện và những người nghiên cứu sự kiện đó. Ông khẳng định: "Phải đặt sự kiện trong thời gian của nó để nghiên cứu học thuật. Một kết quả hài lòng, khách quan là không xuất phát từ tâm lý có sẵn, mà từ tài liệu mà chúng ta cùng nhau chia sẻ". "Chúng ta cố gắng tìm cách trả lời các câu hỏi cho quá khứ và hiện tại, nhưng không phải là trả lời tất cả được". "Sự kiện Điện Biên Phủ có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân ưu thế. Nó thể hiện tính phức tạp của sự kiện và phức tạp trong cách giải quyết. Càng ngày càng có nhiều yếu tố cho thấy rõ về mặt học thuật".

PGS. Phạm Xuân Hằng nhận xét hội thảo "về đại cục đã đặt Điện Biên Phủ trong bối cảnh chiến tranh lạnh để xem xét và nêu rõ tác động của Điện Biên Phủ với Hội nghị Giơnevơ. Bản thân Hiệp định Giơnevơ cũng được xem xét trong tương quan lực lượng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa". "Về tiểu cục còn có những chỗ khác nhau. Đó là hiện tượng bình thường, nguyên nhân là do cơ sở sử liệu có khác nhau". Sau khi nêu ví dụ những ý kiến khác nhau giữa các học giả Việt Nam và Trung Quốc về sự thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ, ông nói: "Các nhà khoa học Việt Nam nói chung và nhà nghiên cứu Quách Chí Cương có thể cùng đối thoại để tìm ra chân lý". "Cái quan trọng nhất là sử liệu, và chúng ta cung cấp sử liệu cho nhau". "Kết quả mà ta thu được là cơ hội gặp gỡ và thảo luận với nhau. Nhiệm vụ của chúng ta là gặp gỡ, trao đổi nhiều hơn để trả sự thật lịch sử về đúng vị trí của nó. Đó là sự hợp tác hữu hiệu của các học giả các nước".

GS. Đới Khả Lai phát biểu: "GS. Phạm Xuân Hằng đã nêu ra cách giải quyết những cái bất đồng, tôi thấy như thế là rất đúng".

GS. Vu Hướng Đông phát biểu cuối cùng, khẳng định "cái quan trọng hơn là tình hữu nghị và giao lưu giữa học giả các nước". Ông cảm ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bài cho hội thảo; nêu rõ thành công của hội thảo là các học giả đã tích cực trao đổi, bàn luận, cung cấp cho nhau những tài liệu quý báu. Ông lưu luyến nói lời tạm biệt và kết thúc bằng những câu thơ đầy cảm xúc:

Dương Xuân thời tiết hoa chính hồng.

Tam quốc học giả tụ Vị Danh,

Cùng thoại Điện Biên, Giơnevơ,

Tương phùng hữu tình biệt cành hồng.

Tạm dịch:

Mùa Xuân ấm áp hoa đua nở.

Học giả ba nước họp bên hồ Vị Danh.

Cùng bàn Điện Biên Phủ, Giơnevơ.

Gặp nhau vì tình bạn, chia tay tình càng nồng.

Le Hieu

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 7