THẦY DẠY SỬ LÀM NÊN LỊCH SỬ
GS. NGDN Vũ Dương Ninh
Vị thống soái của mọi thời đại
Với những chiến công của hai cuộc kháng chiến cứu nước, Võ Nguyên Giáp được ngưỡng mộ như “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại” (nhà sử học người Anh Peter Mac Donald), “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại” (nhà sử học người Mỹ Cecil Curry). Các bộ sách lớn của nhiều nước xếp Ông vào hàng các danh tướng tài ba của thế giới, từ thời cổ đại tới hiện đại ngày nay.
Nhưng có lẽ, đứng về tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân chống lại một cường quốc đầy tham vọng đã từng chinh phục một phần thế giới, thì có thể thấy ở Ông những phẩm chất và tài năng của một Lão tướng Kutuzov nước Nga cách nay vừa tròn hai thế kỷ. Đạo quân hùng hậu của Napoléon đã từng buộc các vương triều châu Âu đầu thế kỷ XIX phải rạp mình khuất phục nhưng chỉ khi đến nước Nga mới phải dừng chân, quay đầu tháo chạy.
Nguyên soái Kutuzov đã động viên nhân dân Nga bước vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc, chặn đứng đạo quân xâm lược đầy kiêu hãnh ở trận địa Borodino để từ đó, đảo ngược thế cờ, lần lượt giải phóng quê hương. Rồi ở nước Nga hiện đại giữa thế kỷ XX, tài cầm quân của vị tướng nổi danh Zukov đã đẩy lùi hàng quân đoàn phát xít ra khỏi bờ cõi, giải phóng quê hương Xô Viết và một số nước Đông Âu.
Cuộc Thế chiến thứ hai kết thúc lại là lúc bắt đầu một cuộc chiến tranh không cân sức của dân tộc Việt Nam chống hai đế quốc là Pháp và Mỹ. Với đường lối chiến tranh nhân dân, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp cùng các nhà lãnh đạo khác đã thức tỉnh cả một dân tộc đứng lên giành Độc lập – Thống nhất và quyết chiến đấu để bảo vệ nền Độc lập – Thống nhất ấy. Hòa trong tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là nhà quân sự thao lược, đức trọng tài cao và giản dị hơn, được kính yêu như người Anh Cả của quân đội, người con trung hiếu của nhân dân.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng ghi những trang oanh liệt với chiến công của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn trong thế kỷ XIII ba lần đánh thắng quân Nguyên. Và đến nay, trong ba mươi năm, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp cùng đội quân Nhân dân đã lập nên chiến công rực rỡ bảo vệ non sông, tô đậm truyền thống đấu tranh vì Độc lập – Thống nhất, vì Hạnh phúc – Tự do.
Những nhắc nhở về việc dạy – học Lịch sử trong nhà trường
Có lẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không đầy đủ nếu không thấy rằng cả trước và sau khi đảm lãnh trách nhiệm của vị Tổng tư lệnh quân đội, Ông đã là một nhà báo, nhà giáo, nhà sử học và nhà lãnh đạo khoa học. Ông tham gia viết báo Tiếng Dân và trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông trở thành cây bút chủ lực trong các tờ Hồn trẻ, Lao động, Tập hợp, Tiếng nói của chúng tôi …, tờ nọ tiếp tờ kia.
Người thầy dạy Sử ở trường Thăng Long năm xưa đã truyền thụ cho nhiều thế hệ học sinh tinh thần yêu chuộng Tự do của Cách mạng Pháp, tôn trọng Công lý của Cách mạng Mỹ và nhất là tinh thần yêu nước, bất khuất trong đấu tranh giành độc lập của các thế hệ cha ông.
Từ những giờ giảng Sử, Ông đi vào thực tế cuộc sống để nghiên cứu thực trạng của đất nước. Năm 1937 Ông cho xuất bản cuốn Vấn đề Dân cày (viết chung với Trường Chinh), và năm 1939, ra mắt cuốn Vấn đề Dân tộc ở Đông Dương. Những cuốn sách đó trình bày rõ quan điểm tiên tiến về vấn đề nông dân và vấn đề dân tộc ở nước ta dưới thời thuộc địa và phong kiến, từ đó nhìn nhận nguồn gốc sức mạnh của nhân dân.
Ở đây, sự gắn kết giữa sử học và lý luận đã góp phần soi rọi con đường đi của cách mạng Việt Nam. Ông luôn được giới sử học kính trọng và tin cậy, mời làm đồng Chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam (cùng Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu).
Trong những buổi gặp mặt và làm việc với Hội, Ông thường nhắc nhở nhiệm vụ giảng dạy và học tập lịch sử trong nhà trường, hỏi han cặn kẽ từng chi tiết về việc dạy và việc học môn Lịch sử, gợi mở nhiều điều cần khắc phục và làm ngay. Ông rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử - văn hóa, đặc biệt di tích Cố đô Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long, góp ý về việc gìn giữ “ngôi mộ Tổ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, kết tinh lịch sử văn hóa của cả dân tộc”.
Từ những năm 80, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề khoa học kỹ thuật và giáo dục. Tập hợp một lực lượng đông đảo cán bộ khoa học và phát huy tài năng trí tuệ của anh chị em, năm 1985 đã hoàn thành bản Đề cương kiến nghị về chiến lược khoa học và kỹ thuật đến năm 2000, năm 1986 đã xuất bản cuốn Mấy vấn đề về Khoa học và Giáo dục.
Các công trình trên đặt ra nhiều vấn đề cơ bản về mối quan hệ giữa khoa học và kinh tế, giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, giữa giảng dạy và nghiên cứu nhằm đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa đất nước. Ông chỉ ra sự cần thiết phải liên kết, tiến tới nhất thể hóa giáo dục – khoa học – sản xuất, nhất thể hóa khoa học với kinh tế, kinh tế với khoa học.
Ông lưu ý trong khi tiếp nhận kinh nghiệm của các nước tiên tiến, vẫn phải quan tâm đặc biệt việc định hướng nghiên cứu cơ bản vào con người và xã hội Việt Nam, tài nguyên và điều kiện thiên nhiên nhiệt đới của nước nhà.
Viết rằng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, một nhà báo, nhà giáo, nhà sử học và người lãnh đạo khoa học để thấy tài năng toàn diện và tầm nhìn chiến lược của Ông về các vấn đề trọng yếu của đất nước. Song tất cả những điều đó chỉ là một, được tôi luyện trong một con người suốt đời Trung với Nước, Hiếu với Dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con trung thành của Dân tộc. Nhà sử học người Mỹ Stanley Karrnov viết rằng “Võ Nguyên Giáp xứng đáng ở trong ngôi đền thiêng dành cho những nhà cầm quân tài ba nhất”.
Song đối với người Việt Nam, ngôi đền thiêng tưởng nhớ và thờ phụng Ông chính là trái tim của mỗi người dân Việt mãi mãi ghi nhớ đức độ, tài ba và nhân cách của vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ông đi vào lịch sử dân tộc và sống mãi cùng đời đời con cháu.
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 12