Chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn quốc kháng
chiến (1946)
QĐND - Thứ Hai, 11/12/2006, 18:36 (GMT+7)
Sau khi
giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp muôn vàn khó khăn. Hơn
ai hết và hơn bất cứ lúc nào, Đảng và toàn dân Việt Nam muốn hoà bình để khôi
phục, xây dựng đất nước. Nhưng kẻ thù không cho chúng ta được như vậy.
Ngay sau
khi nước ta tuyên bố độc lập, các thế lực đế quốc, phản động cùng một lúc kéo
vào Việt Nam, tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng. Ở miền Bắc, gần 20
vạn quân Tưởng tiến vào chiếm đóng Thủ đô Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị
xã. Bọn phản động trong hai tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách
mạng đồng minh hội lập chính quyền ở một số thị xã phía Bắc.
Ở miền Nam,
ngày 6-9-1945, quân Anh kéo vào Sài Gòn và theo gót quân Anh là những đơn vị bộ
binh và xe bọc thép của quân đội viễn chinh Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ
súng đánh chiếm Sài Gòn và sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Đất nước
chưa bao giờ cùng một lúc lại có nhiều kẻ thù như vậy. Trong khi đó, chính
quyền cách mạng vừa mới thành lập chưa có kinh nghiệm xây dựng, tổ chức, quản
lý đất nước. Lực lượng vũ trang cách mạng còn quá bé nhỏ, trang bị vũ khí còn
thô sơ, kinh nghiệm chiến đấu còn ít.
Trước tình
hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá
đúng tình hình, thấy rõ những khó khăn, đề ra những chủ trương, giải pháp nhằm
hy vọng đẩy lùi và ngăn chặn chiến tranh hoặc hoà hoãn nhằm kéo dài thời gian
hoà bình để chúng ta có điều kiện chuẩn bị khi chiến tranh xảy ra.
Nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh
Sau khi
thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Nam
Bộ, ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, xác định
nhiệm vụ của “cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc. Cuộc cách mạng ấy vẫn đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành và nước
chưa được hoàn toàn độc lập”.
Nhưng lúc
này nếu cùng một lúc chống cả quân Tưởng và thực dân Pháp, chúng ta sẽ khó đứng
vững. Do vậy, để tránh tình thế bất lợi phải cùng một lúc chiến đấu với nhiều
lực lượng phản động, Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với sách
lược hoà hoãn với quân Tưởng, đàm phán với Pháp nhằm phá vỡ thế bao vây, uy hiếp
của kẻ thù, ngăn chặn chiến tranh.
Từ tháng
9-1945 đến tháng 3-1946, Đảng thực hiện chính sách tạm thời hoà hoãn với Tưởng
trên miền Bắc để tập trung sức chống thực dân Pháp ở miền Nam. Nội dung nhân
nhượng chủ yếu là: Cung cấp lương thực cho quân đội Tưởng và tay sai của chúng;
mở rộng 70 ghế trong Quốc hội cho Việt quốc và Việt cách không qua bầu cử và
đưa một số đại diện của các đảng này vào Chính phủ Liên hiệp lâm thời; các lực
lượng vũ trang được lệnh tránh xung đột với quân Tưởng, không để mắc vào cạm
bẫy khiêu khích, kiếm cớ lật đổ chính quyền cách mạng.
Ngày
28-2-1946, Tưởng và Pháp ký Hiệp ước Hoa – Pháp thoả thuận cho quân Pháp vào
miền Bắc thay thế quân Tưởng để “giữ gìn trật tự” theo “Hiệp ước Quốc tế”. Đây
là sự mua bán chính trị giữa các thế lực đế quốc nhằm hợp pháp hoá hành động
xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Sự liên minh giữa Pháp và Tưởng qua Hiệp ước
Hoa – Pháp đã đẩy cách mạng nước ta trước “sự đã rồi”, buộc Đảng ta phải chọn
con đường tạm thời hoà hoãn với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước, kéo dài
thời gian chuẩn bị kháng chiến.
Thực hiện
chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại
diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946. Theo Hiệp định này, về
mặt pháp lý, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị
viện, quân đội và tài chính riêng. Điều 3 của Hiệp định sơ bộ quy định “hai
bên (Việt Nam và Pháp) đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức và trong khi
đàm phán, quân đội hai bên đóng đâu vẫn cứ đóng đấy”.
Thực tế, Hiệp
định sơ bộ tạo thời gian hoà hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng
mới giành được. Tiếp theo việc ký Hiệp định sơ bộ, ngày 25-3-1946, Phái đoàn
Quốc hội Việt Nam do Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu
sang thăm nước Pháp. Ngày 29-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử Phạm Văn
Đồng làm Trưởng đoàn thay mặt Chính phủ Việt Nam đàm phán với Pháp. Cuộc đàm
phán chính thức Việt – Pháp được tổ chức tại Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau).
Tuy nhiên, do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, cuộc đàm phán không đi đến kết
quả. Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì con đường đàm phán hoà bình.
Cũng trong
thời gian này, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường
thăm chính thức nước Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan
trọng trong Chính phủ Pháp như Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Ma-ri-ut Mu-tê
(Marius Moutet) cùng các chính khách và đại diện các đảng phái, tổ chức chính
trị ở Pháp. Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Bộ trưởng Pháp quốc
Hải ngoại bản Tạm ước Pháp - Việt quy định một số điều về quan hệ tạm thời kinh
tế, văn hoá giữa hai nước, đình chỉ chiến sự ở miền Nam, quyết định thời gian
tiếp đàm phán Việt – Pháp vào đầu năm 1947.
Cũng với
mục đích tiếp tục đàm phán nhằm đẩy lùi hoặc tạm hoãn chiến tranh, trên đường
về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp Cao uỷ Pháp Đác-giăng-li-ơ
(D’Argenlieu) tại vịnh Cam Ranh vào ngày 18-10-1946 để bàn cách thức thực hiện
Tạm ước ngày 14-9. Trong cuộc gặp gỡ này, Cao uỷ Pháp đồng ý bổ nhiệm một đại
diện của Chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện ngừng bắn, nhưng đòi quân đội
Việt Nam tại miền Nam rút về miền Bắc. Ý đồ này của Pháp không được chấp nhận.
Trong bức điện gửi cho Ma-ri-ut Mu-tê, Đác-giăng-li-ơ phải thừa nhận: “… Dù
sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong một
thời gian, sẽ tìm thấy sự giao hoà với Pháp một sự củng cố lại các kết quả đã
giành được và bước đầu của những tiến bộ mới”.
Cuộc gặp gỡ
của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao uỷ Pháp Đác-giăng-li-ơ tại vịnh Cam Ranh ngày
18-10-1946 là nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Việt Nam cùng với hàng loạt những
hoạt động ngoại giao khác trong những năm 1945 – 1946 nhằm đẩy lùi chiến tranh
hoặc là hoà hoãn kéo dài thời gian hoà bình để chúng ta thực hiện nhiều công
việc cần kíp khác. Nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong Lời kêu gọi Toàn
quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng
chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp
nước ta một lần nữa”.
Nhận rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, chủ trương tích cực
chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến.
Việc các
nước đế quốc đem quân vào nước ta với dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam không
phải là điều bất ngờ. Ngay từ khi chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc,
Đảng ta đã chỉ rõ: “… Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le
khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương”, hay “Sự mâu thuẫn giữa Anh – Pháp - Mỹ
và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để Pháp trở lại Đông
Dương”.
Chỉ 21 ngày
sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố thành lập, ngày 23-9-1945, thực
dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai của Pháp
đối với Việt Nam.
Chỉ thị
“Kháng chiến kiến quốc” ngày 25-11-1945 của Trung ương Đảng đã xác định nhiệm
vụ chiến lược lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khẩu hiệu đấu
tranh lúc này vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”.
Cùng với
chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh, hoà hoãn
với các thế lực đế quốc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh việc
xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị lực lượng để tiến
hành kháng chiến.
Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh tiến hành việc Tổng tuyển cử, thành lập Chính phủ, soạn thảo
Hiến pháp, kiện toàn chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, mở rộng Mặt trận dân
tộc thống nhất, Đảng rút vào hoạt động bí mật để tránh sự công kích của các thế
lực thù địch…
Về kinh tế
- tài chính, Đảng tổ chức lạc quyên cứu đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khôi
phục các nhà máy, hầm mỏ, lập ngân hàng, phát hành giấy bạc, tịch thu ruộng đất
của địa chủ, phản động, chia lại ruộng đất, giảm tô cho nông dân, phát động
nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của thông qua “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”,
thực hiện chế độ đảm phụ Quốc phòng…
Về văn hoá
– xã hội, Đảng vận động toàn dân xây dựng nền văn hoá mới, xoá bỏ tệ nạn xã
hội, thực hiện nền giáo dục mới, phát động phong trào bình dân học vụ để diệt
“giặc dốt”…
Đi đôi với
việc củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, Đảng ta chú trọng xây dựng quân
đội quốc gia và lực lượng công an Việt Nam.
Sau Cách
mạng tháng Tám thành công, Việt Nam giải phóng quân đã phát triển và đổi thành
Vệ quốc đoàn. Đến khi Chính phủ kháng chiến được thành lập, Vệ quốc đoàn được
đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Cuối năm 1946, lực lượng vũ trang tập
trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn, ở Nam Bộ có 25 chi đội. Tổng số
quân gồm khoảng 80 vạn người. Ngoài ra, chúng ta đã tổ chức được gần 1 triệu du
kích và tự vệ.
Đối với
ngành công an, ngày 21-2-1946, theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam
công an vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng. Lực
lượng công an Việt Nam đã lớn mạnh và thực sự trở thành lực lượng nòng cốt,
trung kiên trong cuộc đấu tranh giữ gìn trật tự xã hội, an ninh quốc gia, đập
tan các âm mưu phản loạn của các thế lực thù địch, bảo vệ các cơ quan đầu não
của Đảng và Nhà nước, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân.
Tuy chúng
ta chỉ có một thời gian ngắn hoà bình trong hoà hoãn, dưới sự lãnh đạo của Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã đẩy mạnh củng cố, xây dựng
chính quyền dân chủ nhân dân, tích cực chuẩn bị lực lượng để kháng chiến một
khi khả năng hoà hoãn và hoà bình không còn nữa.
Phát động kháng chiến toàn quốc khi thực dân Pháp bội ước
Từ khi Pháp
nổi súng xâm lược Sài Gòn và Nam Bộ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì
thực hiện đàm phán hoà bình với Chính phủ Pháp. Nhưng thực tế ở Đông Dương cho
thấy, ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Thực dân Pháp đã bội ước
Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, tấn công nhiều nơi ở Nam Bộ, Nam
Trung Bộ, khiêu khích nhiều nơi ở miền Bắc, từng bước leo thang chuẩn bị chiến
tranh. Quân Pháp tổ chức tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn, gây hấn ở Hà Nội, gây ra
vụ tàn sát ở phố Hàng Bún, phố Yên Ninh ngày 17-12-1946. Pháp liên tiếp gửi tối
hậu thư cho Chính phủ Việt Nam đòi để chúng làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội, nếu
không chấp nhận thì ngày 20-12-1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Đứng trước
tình hình thực dân Pháp đang mở rộng chiến tranh ra Thủ đô Hà Nội hòng lật đổ
Chính phủ kháng chiến, tiêu diệt chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh phải có sự lựa chọn lịch sử, một quyết định chiến lược để xoay
chuyển tình thế khi Tổ Quốc lâm nguy. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá
đúng tình hình và quyết định phát động chiến tranh cách mạng chống lại cuộc
chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Đêm
19-12-1946, quân và dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc với tinh
thần “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”.
Đêm 19 rạng
sáng ngày 20-12-1946, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Hà Nội, với
tiếng súng pháo đài Láng đã mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân
ta. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Hà Nội không chỉ đã tiêu diệt,
tiêu hao một phần sinh lực địch, mà đã kìm chân địch trong thành phố để hậu
phương tổ chức triển khai thế trận kháng chiến lâu dài, để bảo vệ cuộc Tổng di
chuyển các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành về căn cứ an
toàn tiếp tục cuộc kháng chiến thần thánh, trường kỳ nhưng kết thúc thắng lợi
vẻ vang của dân tộc ta.
PGS. TS.
Nguyễn Văn Nhật (Viện trưởng Viện Sử học) (Theo VOV news)
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 20