Lịch sử là quá khứ hướng tới tương lai
[ 03/02/2013 23:04 PM | Lượt xem: 1189 ]

Lịch sử là quá khứ hướng tới tương lai

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với ông Raymond Aubrac (người đầu tiên bên trái) tại nhà ông Aubrac ở Pháp năm 1946.

Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 là kết quả một quá trình vận động lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là thành quả trực tiếp của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) và trở thành tiền đề cho một bước ngoặc trọng đại trong quá trình vận động tiếp theo của lịch sử mà kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam (1975-1976).

 

Nó là gạch nối giữa hai giai đoạn tất yếu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra như cẩm nang để kết thúc một cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất của một quốc gia, được diễn giải bằng những lời lẽ mộc mạc nhưng sâu sắc “Đánh cho Mỹ cút - Đánh cho Ngụy nhào" trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của mình.

Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris được khởi động như hệ quả của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968 làm lung lay ý chí muốn đè bẹp đối phương bằng sức mạnh quân sự của Mỹ, đã mở ra một hình thái mới của chiến tranh nhìn từ cả hai phía: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và cuộc chiến tranh can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là hình thái "vừa đánh vừa đàm".

Nhà sử học Dương Trung Quốc sinh năm 1947, quê gốc Bến Tre, sống tại Hà Nội. Ông là Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.   

Tiếp cận từ góc độ sử học, câu chuyện ai là người chìa bàn tay đàm phán trước để đi đến chấm dứt chiến tranh có thể còn có những ý kiến khác nhau. Người ta có thể nhắc tới những gợi ý của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ngay từ bài diễn văn ngày 7/4/1965 đã đưa ra và kiên trì theo đuổi việc "hai bên cùng rút quân và cùng đi vào đàm phán không điều kiện" sau khi đã phát động cuộc Chiến tranh phá hoại sử dụng không quân và hải quân bắn phá miền Bắc (từ 5/8/1964). Người ta cũng có thể nhắc tới sứ mệnh của hai nhà thương lượng có thiện chí người Pháp là ông Aubrac (bạn cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và nhà toán học Markovic được Tổng thống Mỹ nhờ chuyển thông điệp tới các nhà lãnh đạo Việt Nam về khả năng đàm phán. Người ta cũng có thể nhắc đến lời "trách" của cựu Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ McNamara tại cuộc hội thảo ở Florida, năm 1990 nhằm trả lời câu hỏi "Có cơ hội nào đã từng bị bỏ lỡ không?", rằng phía Việt Nam đã không đáp ứng những thiện chí của Mỹ muốn sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam nên cơ sự mới phải chờ đến năm 1973 mới ký kết.

Nhưng cũng chính thực tiễn lịch sử đã cho thấy phương thức "vừa đánh vừa đàm" không phải là điều mới mẻ và dường như đã trở thành một truyền thống của cuộc chiến tranh giữ nước, chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam trong trường kỳ lịch sử của mình.

Từ nửa thiên niên kỷ trước đó, Bình Định Vương Lê Lợi cùng người mưu sĩ kiệt xuất của mình là Ức Trai Nguyễn Trãi đã dựng chòi cao bên bến Bồ Đề để hàng ngày ngồi quan sát qua Sông Hồng đạo quân xâm lược của Nhà Minh đang bị vây hãm đến tuyệt vọng trong thành Đông Quan (tên đặt thời giặc Minh chiếm đóng kinh đô Đại Việt). Nhưng vào thời điểm ấy, kế sách của chủ tướng các nghĩa sĩ Lam Sơn không phải chỉ biết dùng sức mạnh để công phá thành quách đối phương mà muốn dùng "tâm công" đánh vào lòng người để kết thúc lâu bền một cuộc chiến tranh theo nguyên lý "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn". Những bức thư trao đổi với chủ tướng giặc Minh sau này được tập hợp lại trong sách "Quân Trung Từ Mệnh Tập" tạo sức mạnh kết thúc chiến tranh bằng một cuộc đình chiến, rồi một hội thề cam kết hoà hiếu để không bao giờ lập lại cảnh binh đao giữa hai nước và việc chủ nhà, người thắng trận "trải thảm" để quân ngoại xâm hồi hương về cố quốc. Đó là chuyện đã xưa.

Chỉ cần ngược thời gian hai thập kỷ trước sự kiện mà chúng ta đang kỷ niệm 40 năm - Hiệp định Paris 1973 - Mỹ đã từng tham gia Hội nghị Genève để kết thúc hai cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam (1953-1954). Mỹ đã chứng kiến nhưng không ký vào những văn kiện cuối cùng về Hiệp định đình chiến ở Việt Nam (20/7/1954) vì ý đồ sẽ tiếp tục can thiệp sâu hơn vào khu vực Đông Dương để tạo điểm đối đầu Đông-Tây trong cục diện Chiến tranh lạnh đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù, phải chịu nhiều áp lực ngay từ phía những đồng minh của mình, Chính phủ VNDCCN đã ký kết Hiệp định Genève với mục tiêu sẽ thực hiện cuộc Tổng tuyển cử để hiệp thương thống nhất giữa hai miền Nam và Bắc vào 2 năm sau ngày ký kết như đã quy định (1956). Nhưng chính Mỹ đã thúc đẩy Chính quyền miền Nam khước từ tổ chức Tổng tuyển cử và công khai phát động "Bắc tiến"(*).

(*) Trong lưu trữ lịch sử về giai đoạn lịch sử này, ngoài nhiều thông điệp ngoại giao, xin đưa ra một dẫn chứng là đề nghị của Hà Nội là đến ngày 2/8/1958, Ban Thể dục Thể thao của Trung ương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn gửi thư cho Nha Thanh niên Thể thao của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà nêu rõ "Phong trào thể dục thể thao Bắc Nam cùng chung một lịch sử, cũng như nhân dân giữa hai miền vốn chung một huyết thống từ ngàn xưa" để đưa ra đề nghị tổ chức các cuộc thi đấu thể thao giữa hai miền, cụ thể là mời ra Hà Nội dự lễ khánh thành Sân vận động Hàng Đẫy. Và ngày 22/12/1958, Hà Nội chính thức có công hàm cấp Chính phủ đề nghị chính quyền Sài Gòn chấp thuận "hai bên cho phép tổ chức thể dục, thể thao được tiếp xúc, gặp gỡ nhau, mở đầu cho việc nối lại quan hệ bình thường giữa hai miền".

Ngược lịch sử gần một thập kỷ trước nữa, để đương đầu với các thế lực nước ngoài muốn tước đoạt lại quyền tự chủ mà nhân dân Việt Nam mới giành được, Nhà nước Việt Nam Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã luôn chủ động tìm kiếm sự thương lượng nhằm tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Việc ký bản Hiệp ước Sơ bộ ngày 6/3/1946, chấp nhận những nhượng bộ cần thiết thể hiện rõ nguyện vọng và năng lực chủ động tránh phải đối đầu quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam Độc lập còn non trẻ.

Nổi bật hơn hết là một sự kiện có thể nói là hi hữu trong lịch sử ngoại giao thế giới, cũng là một điểm son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam là việc Chủ tịch một quốc gia mới giành được độc lập chưa lâu, đang phải đối phó với vô vàn khó khăn đã sẵn sàng thực hiện một cuộc vận động ngoại giao ở nước ngoài kéo dài đến hơn 4 tháng (rời Hà Nội 31/5 đến 21/10 về tới Hải Phòng) khi qua Pháp để vận động mưu cầu cho hai nước tránh được một cuộc chiến tranh nhìn thấy trước là tổn hại đến lợi ích của cả hai quốc gia.

Chuyến thăm chính thức với tư cách là quốc khách của Chính phủ Cộng hoà Pháp chỉ có vài ngày ở Paris, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động lưu lại nước Pháp để theo dõi cuộc đàm phán Pháp-Việt đang diễn ra tại Fontainebleau. Và khi cuộc đàm phán đổ vỡ, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã quyết định nán lại ngay trên nước Pháp cũng đang chia rẽ về chính sách đối với Đông Dương, để thực hiện hàng trăm cuộc tiếp xúc (theo thuật ngữ ngoại giao là "vận động hành lang") không chỉ với các quan chức, các chính khách đang có ảnh hưởng trên chính trường mà cả đông đảo các tầng lớp nhân sĩ, trí thức và nhân dân Pháp, một số khách nước ngoài trong đó có các chiến sĩ giải phóng ở Châu Phi để tranh thủ vận động hoà bình, ngăn chặn chiến tranh và chuẩn bị cho một mặt trận ngoại giao lâu dài.

Bản Tạm ước ký vào lúc nửa đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/9/1946 với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet có điều khoản cuối cùng: "Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ VNDCCH cùng tìm cách ký kết những bản thoả thuận riêng về bất cứ vấn đề nào có thể thắt chặt dây liên lạc thân thiện và dọn đường cho một hiệp ước chung dứt khoát. Theo mục đích ấy, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1/1947".

Nhưng chưa đến thời điểm chậm nhất như đã thoả thuận thì cuộc chiến tranh đã bùng nổ. Nguyên nhân trực tiếp bùng nổ cuộc chiến có thể còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng những gì mà người đứng đầu Nhà nước Việt Nam làm đã tỏ rõ nỗ lực và thiện chí hoà hiếu mong muốn chiến tranh không nổ ra là một bằng chứng sống động về tinh thần sẵn sàng thương lượng để tìm những giải pháp tốt nhất nếu không phải là ít xấu nhất.

Vì thế, khi buộc lòng phải kêu gọi "Toàn quốc Kháng chiến" thì Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể dõng dạc mở đầu văn kiện lịch sử này bằng câu: "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa... Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ...".

Vì thế, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, thiện chí sẵn sàng đối thoại cho những cuộc đàm phán nhằm thay thế cho những xung đột vũ lực được thể hiện rất rõ ràng nhưng có điều kiện. Cuối năm 1965, giữa lúc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, Nghị quyết Trung ương đã dự kiến "đánh đến một lúc nào đó sẽ vừa đánh vừa đàm" (12/1965). Và cùng với việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, Nghị quyết Trung ương 13 (tháng 1/1967) đã khởi động một chiến dịch ngoại giao rộng lớn để buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán sau một cuộc đối đầu không phải chỉ bằng vũ khí mà quan trọng hơn là bằng ý chí.

Có một chi tiết đáng ghi nhận là văn kiện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (cũng là văn kiện kết thúc trong bộ sách "Hồ Chí Minh tuyển tập") ký trước ngày từ trần chỉ một tuần (25/8/1969) lại là bức thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Bức thư đã thể hiện rất rõ thiện chí và những nguyên tắc chỉ đạo cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán kết hợp với cuộc chiến đấu không khoan nhượng vì mục tiêu cuối cùng của mình. Bức thư có đoạn viết: "Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, một nền hoà bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình... Trong thư, Ngài bày tỏ mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài... Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự...".

Hiện thực sống động của hình thái "vừa đánh vừa đàm" đã diễn ra trong lịch sử, cũng như nội dung của bản Hiệp định Paris ký kết năm 1973 và hiện thực 40 năm qua đã khẳng định quan điểm đó là giải pháp tốt nhất. Bản Hiệp định này đã giúp Mỹ thoát ra khỏi vũng lầy của một cuộc chiến tranh hao người tốn của và gây sự chia rẽ sâu sắc ngay trong lòng nước Mỹ. Bản Hiệp định này đã giúp nhân dân Việt Nam hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất đất nước của mình để bước vào những thử thách mới. Cho dù tầm vóc của sự kiện Việt Nam thu hút mối quan tâm của toàn thế giới trong thời kỳ bị phân liệt thành hai cực của Chiến tranh lạnh thì cuộc đấu tranh ngoại giao dẫn đến kết quả của Hội nghị và Hiệp định Paris cũng là cuộc tiếp xúc trực tiếp nhất, có quy mô nhất, ít bị các nước lớn khác chi phối của nền ngoại giao Việt Nam với một trong những nước lớn nhất là Mỹ.

Cho dù còn phải trải qua một chặng đường hơn hai thập kỷ thử thách gian khổ nữa thì cuối cùng Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ (1995) để từng bước phát triển sự hợp tác và xây dựng mối tin cậy vì những lợi ích chung của hai quốc gia cũng như nền hoà bình, ổn định của thế giới. Nó chính là minh chứng cho thành quả mà Hội nghị Paris đã đạt được.

Vì thế mà những bài học rút ra từ sự kiện lịch sử cách đây bốn thập kỷ liên quan đến một cuộc đàm phán ngoại giao trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ, đến nay nếu nhận thức cho đúng thì vẫn có những giá trị tích cực cho những chặng đường sắp tới. Cũng vì thế, lịch sử là quá khứ luôn hướng tới tương lai.

Xuân 2013

Dương Trung Quốc

 

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 6