Nghĩ về một triều đại
[ 18/01/2013 18:38 PM | Lượt xem: 1294 ]

Lịch sử phổ quát trên thế giới thời quân chủ gắn liền với các triều đại trên lãnh thổ một quốc gia, cho dù lãnh thổ quốc gia thời xưa cũng không định hình, biên giới tách nhập vô lường. Lịch sử nước ta cũng vậy.

Từ cuối thế kỷ 18, nhà Tây Sơn hình thành sau cuộc nổi dậy ở Đàng Trong, đánh bật Chúa Nguyễn khỏi Đàng Trong, rồi đem quân ra Bắc dẹp luôn Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tiếp tục phò Lê đặt nền tảng cho sự nhất thống sơn hà và khẳng định chủ quyền bằng hai cuộc chiến tranh chống xâm lăng (quân Xiêm ở Nam Bộ và quân Thanh ở Bắc Bộ). Đánh bại Trịnh - Nguyễn, từng xưng ngôi Hoàng đế Quang Trung, nhưng Nguyễn Huệ của Tây Sơn vẫn phò vua Lê, lại còn làm rể vua Lê cho thấy ý chí thống nhất quốc gia còn cao hơn cả quyền lực chính trị. Đó là một bản lĩnh đặc sắc của dân tộc ta.

Sau cái chết đột ngột của Vua Quang Trung, nhà Tây Sơn vấp phải trận phục thù của Chúa Nguyễn để rồi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, trong thất bại có cả sự suy thoái của chính triều đại ấy. Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, nội bộ nhà Tây Sơn rơi vào cảnh phân ly, huynh đệ tương tàn. Kể từ đó (1802), Nguyễn Ánh của nhà Nguyễn lên ngôi (Vua Gia Long) đã xác lập chủ quyền cai trị trên toàn bộ lãnh thổ. Năm 1804, triều Nguyễn nhận sắc phong của Hoàng đế nhà Thanh để đặt tên nước ta là Việt Nam.

Nói về nhà Nguyễn sau khi bị đại bại, để mong giành lại quyền lực từ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sẵn sàng gửi con trai cho cố đạo để qua Pháp, qua Xiêm cầu viện quân can thiệp đánh nhà Tây Sơn. Điều đó cho thấy tham vọng muốn giành quyền lực của người đứng đầu thế lực dòng họ này. Cho dù Hiệp ước Versailles không thực thi vì cách mạng đã nổi lên ở Pháp và đại quân xâm lược đại bại ở Rạch Gầm Xoài Mút. Điều đó là một vết nhơ không gột được trong lịch sử của triều đại này. Nhưng cái biện chứng của đời sống là chính lợi ích của triều đại này khi cầm quyền lại góp phần củng cố thành quả của cái triều đại mà nó vừa tiêu diệt, vừa kế vị. Mà thành quả quan trọng nhất là một dải giang sơn đã quy về một mối, nhưng còn rất mỏng manh và chứa đựng những mầm phân liệt mà chính nhà Tây Sơn buổi thoái trào là một điển hình. Giờ đây, biểu tượng chính thống của Vua Lê không còn nữa, trách nhiệm củng cố sức mạnh của quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chấn hưng nền kinh tế đất nước là một tiêu chí để đánh giá một triều đại trong thời bình.

Triều Nguyễn có chừng 6 thập kỷ tồn tại như một quốc gia tự chủ (1802-1858) và chừng 3 thập kỷ thử thách (1858-1888) trong cuộc chiến tranh giữ nước. Không thể phủ nhận vai trò của triều Nguyễn qua các đời Vua từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị và cả một phần Tự Đức cho đến trước khi bị mất nước hoàn toàn. Trong ngót 60 năm, chúng ta không thể không ghi nhận những năng lực đã được kế thừa từ thời các chúa Nguyễn trong việc trị nước và dựng nước… Việc dời đô vào Huế có thể làm tổn thương tới tâm thức nặng lòng với Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhưng đó là một sự lựa chọn có lý do lịch sử khi đất nước đã dài rộng mà nhu cầu phải xây dựng một chế độ tập quyền là cần thiết. Không chỉ Vua Gia Long, mà ngay cả Vua Quang Trung cũng chọn Phú Xuân ở trung độ bản đồ hành chính quốc gia làm kinh đô. Một triều đại đủ năng lực tổ chức kiểm kê và vẽ bản đồ toàn bộ ruộng đất quốc gia, nguồn tư liệu sản xuất hàng đầu thành những pho địa bạ khiến giới thực dân sau này phải nể phục, chứng minh trình độ quản lý đáng khâm phục của người xưa. Một bộ máy quan lại có hiện tượng đời nào cũng có là tham nhũng, nhưng chỉ một Nguyễn Công Trứ trong thời gian rất ngắn có thể khai hoang lập ra 2 huyện Tiền Hải và Kim Sơn đến ngày nay vẫn trù phú và phát triển ra biển cả, một Thoại Ngọc Hầu với con kênh Vĩnh Tế đủ thấy tài năng và tầm nhìn của người xưa. Ý thức đối với chủ quyền ngoài đại dương cũng từ thời các chúa Nguyễn xây dựng các đội Hoàng Sa để xác lập chủ quyền tại những quần đảo xa xôi ấy vẫn được triều Nguyễn phát huy. Các bộ sử do Quốc sử quán chủ biên cho thấy tính chuẩn mực và năng lực tổ chức biên soạn quy củ mà giới sử học hiện đại chưa làm nổi. Ứng xử ngoại giao với Trung Hoa cũng như các lân bang cho thấy triều đại này vẫn đủ sự tỉnh táo để tránh được những sai lầm...

Câu thơ mà Vua Gia Long tự tay làm và được khắc trong chính thất của Điện Thái Hòa: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu'' (tạm dịch: Nước ngàn năm văn hiến/ Vạn dặm một sơn hà/ Từ Hồng Bàng mở nước/ Thịnh trị nước Nam ta), đáng được coi là tuyên ngôn cho triều đại vào thời điểm đó có một vị thế đường hoàng trong khu vực và trong giao tiếp với các nước lớn.

Cho dù trong sử viết nhiều đến những năm lụt lội, đói kém dẫn đến những cuộc nổi dậy của nông dân, dẫn đến những cuộc đàn áp của triều đình; và trong sử sách cũng như dân gian đều nói đến những tham quan ô lại trong bộ máy cai trị... nhưng những cái đó là thuộc tính của mọi chế độ khi người dân chưa được làm chủ xã hội và cuộc sống của mình.

Tất cả sự bất cập của triều đại đó là lúc phải đương đầu với một "thế giới ngoài Trung Hoa" chưa từng gặp, lại vào lúc chủ nghĩa thực dân bành trướng, những bất cập của một nền văn hiến chưa khi nào hội nhập với một thế giới mới mẻ như phương Tây, khiến nó bế tắc không giữ vững được quyền tự chủ như Xiêm và cao hơn như Nhật chẳng những duy tân tự cường mà còn vươn tới vị thế một cường quốc ngang ngửa với các quốc gia phát triển phương Tây.

Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hoà, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng...

Trách nhiệm để mất nước là điều được khẳng định mà chính Vua Tự Đức cũng tự phán trong tấm bia trên Khiêm Lăng vì sự bất lực của mình, cách tự chết của Thượng thư Phan Thanh Giản… và sau này sự hy sinh ngai vàng để mưu phục hận của ba triều vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân cũng là cách nhận trách nhiệm của những người đứng đầu triều Nguyễn. Rồi ngay cả ứng xử thức thời dù ngắn ngủi của Vua Bảo Đại trước cao trào Cách mạng mùa Thu 1945, vừa là sự biểu hiện về trách nhiệm, nhưng cũng là sự minh chứng để làm sáng tỏ rằng triều đại ấy có bán nước hay không trong một tấn bi kịch của sự lựa chọn?

Đánh giá triều Nguyễn thường đứng trước hai lựa chọn: quan điểm dân tộc và giai cấp. Trong thời kỳ cả nước phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng vô cùng gian khổ, hai quan điểm này có thể thống nhất với nhau trong mục tiêu "phản đế, phản phong". Chúng ta chứng kiến trong giai đoạn lịch sử đầy máu lửa này, những hậu duệ trong hoàng tộc triều Nguyễn có rất nhiều người sẵn sàng nén nỗi niềm riêng của gia đình, dòng họ để tận tâm phục vụ đại nghĩa.

Nhưng khi đất nước đã độc lập thì đương nhiên phải "đổi mới tư duy", cho nên việc đánh giá những vấn đề lịch sử nói chung, triều Nguyễn nói riêng là nhu cầu của cuộc sống, kể cả của nền chính trị lấy đoàn kết toàn dân là mục tiêu tối thượng. Những gì đang diễn ra trong một quá trình lâu dài đồng hành với quá trình Đổi mới của đất nước mà cao điểm là cuộc hội thảo vừa qua tại Thanh Hoá, nó chỉ là phản ánh của tính biện chứng của đời sống chứ chẳng có gì là đột biến hay "quay ngoắt" như một vài bình luận.

Sử học không thể thoát ly khỏi chính trị, dù tính khách quan là một lợi khí và cũng là khao khát mong đạt tới của những người làm sử học. Mục tiêu đại đoàn kết dân tộc, phát huy những bài học lịch sử để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn của quốc gia, để thúc đẩy hội nhập và phát triển đòi hỏi lịch sử cũng như con tàu, đôi khi phải bẻ "ghi" để nó đến được bến bờ tốt đẹp gắn với tiền đồ quốc gia và lợi ích dân tộc mà ở đó cũng chứa đựng cả lẽ phải và sự công bằng.

Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

http://www.tgvn.com.vn/printContent.aspx?ID=5045

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 15