Quan hệ nhà nước và làng xã trongcông tác trị thuỷ
[ 10/09/2014 14:48 PM | Lượt xem: 1971 ]

Quan hệ nhà nước và làng xã trongcông tác trị thuỷ


TS. Đỗ Đức Hùng


1. Sự củng cố các đơn vị hành chính cơ sở dưới thời Nguyễn

ở nước ta làng xã tồn tại từ lâu đời và trở thành tế bào cơ sở của xã hội. Đến thế kỷ XIX ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng xã không bị giải thể hoàn toàn khỏi kết cấu cũ mà còn được Nhà nước củng cố hơn. Các ông vua triều Nguyễn mỗi lần lên ngôi là lại có các chiếu chỉ và biện pháp nhằm củng cố, ổn định tình hình làng xã. Năm 1804 - hai năm sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã ban hành một loạt chính sách để củng cố cơ sở kinh tế và thiết chế chính trị cùng những sinh hoạt cộng đồng làng xã. Đó là việc quy định lệ quân cấp công điền công thổ, định điều lệ hương đảng ở Bắc Hà và quy định việc làm sổ hộ tịch ở các trấn. Theo quy định trên, vào đầu thời Gia Long, Bắc Thành được chia làm 23 phủ, 100 huyện, 848 tổng, 6.280 xã, thôn, trang, phường, trại, sách… với số đinh thực nạp là 193.389 người1. Mặc dù đơn vị hành chính cấp cơ sở là xã, theo đó một xã có thể tương ứng với một thôn hoặc gồm nhiều thôn, nhưng trong điều lệ hương đảng ở Bắc Thành, vua Gia Long vẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tổ chức làng: “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làm trước…”2.

Dưới thời vua Minh Mệnh, Nhà nước càng tăng cường hơn nữa việc nắm xuống đơn vị cơ sở làng xã. Năm 1828, theo lời tâu của Tả thị lang bộ Binh lãnh binh tào Bắc Thành Nguyễn Đức Nhuận về tình trạng tham nhũng của bọn cường hào ở Bắc Thành, vua Minh Mệnh định lệ cho Bắc Thành chọn đặt lý trưởng: theo quy định này các xã thôn, phường đều đặt một lý trưởng. Xã nào có 50 người trở lên thì đặt thêm 1 phó lý; 150 người trở lên thì đặt thêm 2 phó lý. Phải lấy người nào cần cán cho làm, do cai tổng cùng dân làng đồng lòng bầu cử, phủ huyện xét kỹ lại, bẩm lên trấn để cấp văn bằng và mộc triện. Làm việc trong 3 năm nếu xét thấy giỏi giang thì tâu xin khen thưởng: lý trưởng sẽ bổ làm phó tổng ngoại uỷ hay cai tổng thí sai, phó lý sẽ bổ làm lý trưởng3.

Cũng trong năm 1828, triều đình Minh Mệnh còn định lại lệ đặt cai phó tổng ở Bắc Thành. Theo quy định, các tổng có số đinh từ 5.000 trở lên, số điền từ 1.000 mẫu trở lên, mà công việc bận nhiều, hoặc tổng nào địa thế xã rộng đi 2, 3 ngày hoặc 4, 5 ngày mới khắp, thì mỗi tổng cho đặt một cai tổng, một phó tổng, còn thì chỉ đặt một cai tổng1. Cai tổng được chọn trong hàng lý trưởng lấy người nhanh nhẹn giỏi việc cho làm. Cai tổng được cấp văn bằng mộc triện và sau 3 năm lại khảo xét một lần để phân biệt người giỏi người kém. Trong hạn ấy, nếu thuế khoá xong xuôi, địa phương yên ổn, dân không điêu hào và không có mối tệ gì khác, thì cho là hạng ưu, theo thứ tự cất nhắc: cai tổng thí sai thì cho thực thụ, người đã thực thụ thì thăng tòng bát phẩm bá hộ theo trấn sai phái; phó đốc ngoại uỷ thì cho làm cai tổng thí sai. Nếu các việc thôi đốc tuần phòng chưa được nhất quán nhất thanh thoả cả thì cho làm hạng bình, đều cho lưu làm việc. Ai hèn kém tham ô, cho làm hạng liệt cách đuổi ngay2. Có lẽ quy định trên còn có hiệu lực đến nửa cuối thế kỷ XIX dưới thời vua Tự Đức.

Bộ máy quản lý xã thôn từ cấp tổng đến xã có trách nhiệm đôn đốc việc thuế má, sưu dịch, binh dịch và các công việc khác do Nhà nước quy định. ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, hàng năm công việc sưu dịch nặng nề nhất là việc đắp đê, đào sông chống lụt. Bộ máy này là công cụ đắc lực nhất trực tiếp chịu trách nhiệm huy động sức người, sức của từ các làng xã phục vụ cho các công trình trị thuỷ, thuỷ lợi của Nhà nước. Nhà nước đã có hắn quy định về mức khen thưởng hoặc trừng phạt các tổng lý ở Bắc Kỳ trong việc đắp đê và phòng hộ đê. Quy định năm 1857 dưới thời Tự Đức ghi rõ: “Các đê công bản phận phải bồi đắp, bản phận phải canh giữ mà vỡ thì các lý trưởng sở tại và cai tổng phải chịu trách nhiệm: vỡ một lần, lý trưởng sở tại phải phạt đánh 90 trượng; cai, phó tổng giảm tội xuống 1 bậc, đều cho miễn dịch; nếu để vỡ đê luôn 2 năm thì không cứ là vỡ chỗ cũ hay chỗ khác, lý trưởng phải phạt 100 trượng bãi dịch; cai, phó tổng phạt đánh 90 trượng.

Đê tư để vỡ một lần thì lý trưởng sở tại phải phạt đánh ngay 70 trượng; cai, phó tổng giảm kém 1 bậc. Để vỡ 2 năm liền thì không kể là vỡ chỗ cũ hay chỗ khác, lý trưởng phải phạt đánh ngay 80 trượng; cai, phó tổng đều 70 trượng.

Những chỗ đê vỡ nào nếu trong 10 ngày lấp kín lại được thì không kể là đê công hay đê tư đều chiếu theo tội đáng phải chịu mà giảm cho 2 bậc”3.

Qua các bản quy định trên, rõ ràng lý trưởng và cai, phó tổng phải chịu trách nhiệm trực tiếp không chỉ với các công trình đê và cống tư của địa phương mình mà còn cả với các công trình công của Nhà nước.

2. Đê công, cống công - Đê tư, cống tư - một sự phân cấp quản lý giữa Nhà nước và làng xã

Sự phân cấp đê công và đê tư không biết là bắt đầu từ khi nào? Song trong các văn bản ngay từ đầu thời nhà Nguyễn đã thấy có sự phân cấp hai loại công trình trên. Đê công, cống công là loại đê thuộc thượng lưu các sông lớn, sông vừa cần có sự đầu tư sức người sức của lớn mà làng xã không đủ sức đảm đương. Trong bản báo cáo của mình năm 1915, tác giả Hoàng Cao Khải dịch từ “digues publiques” để chỉ đê công1. Theo quy định năm 1809, loại công trình đắp đê mới và sửa đê cũ rộng từ 5 thước trở lên và làm cống mới là những việc thuộc công trình lớn, do Nhà nước bỏ tiền thuê nhân công làm theo lối “phu khoán”. Hàng năm quan lại Đê chính cùng quan Thành đi tuần khám và tâu báo về triều tình trạng các con đê, nếu cần phải tu bổ hoặc đắp mới và làm cống nước mới, tiền công thuê và vật liệu cần dùng bao nhiêu thì làm dự trù cụ thể, biên rõ vào sổ, gửi xuống quan trấn, sai Nha phủ huyện chiêu mộ dân làm khoán. Nha Đê chính chọn uỷ nhân viên tài giỏi hiệp cùng vời các uỷ viên của trấn đến tận nơi chiếu theo cách thức đốc làm. Theo ghi chép của sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục cũng như của Nội các triều Nguyễn trong Đại Nam hội điển sự lệ, kinh phí đó do Nhà nước chi cho các công trình đê công hàng năm là rất lớn, đặc biệt dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mệnh.

Bên cạnh đê và các cống công do Nhà nước trực tiếp quản lý, còn phải kể đến các công trình vừa và nhỏ do các địa phương đáo đắp và quản lý. Đây là các công trình nằm bên bờ các sông nhỏ, sông nhánh và các con đê bối chủ yếu do các làng tự đắp nhắm bảo vệ mùa màng và cuộc sống của từng làng xã. Theo quy định từ thời Gia Long (1809), các đê điều sửa đắp rộng từ 4 thước trở xuống và các công trình tu sửa cống cũ, thuộc loại công trình nhỏ. Đối với các công trình loại này không có tiền công thuê đắp của Nhà nước mà do dân ở nơi thế nước có thể chảy đến ứng dịch2.

Dưới thời Minh Mệnh, năm 1829, theo đề nghị của Đê chính Lê Đại Cương, triều đình cho điều tra và phân loại các loại đê trong các trấn ở Bắc Thành. Mục đích của cuộc tổng điều tra nhằm: “Xét nơi nào gần bờ sông và thân đê vỡ lở rò chảy không thể tu bổ như cũ được, phải chiếu lệ công trình mà từ trước dân xã xin cam kết làm tư, mà nay xét ra là đoạn quan trọng xung yếu thuộc địa phận sông cái, hay sông vừa cần phải Nhà nước đắp, thì tư sức các viên trấn, phủ, huyện đôn đốc, theo lệ công trình sông nhỏ sửa đắp cho vững bền… Nhưng nếu là chỗ quan trọng cần phải chuyển thành đê công do Nhà nước đào đắp tu bổ”1. Với cuộc điều tra và phân loại trên, đến năm 1829 toàn vùng Bắc Bộ có 239.933 trượng đê công, 50 cửa cống công; 174.501 trượng đê tư và 16 cửa cống tư2. Sự trợ giúp của Nhà nước đối với hệ thống đê tư, cống tư là không đáng kể. Nếu có chăng chỉ là việc cho dân địa phương đang phải đắp đê và sửa cống tư được miễn lao dịch trong một thời gian nhất định để làm việc hoặc cho lính người địa phương về cùng làm với dân. Cũng có khi Nhà nước thưởng một số tiền để động viên dân chúng đã hoàn thành tốt công trình. Trong biên niên sử, chúng ta thường thấy chép các sự kiện tương tự: năm 1836 dân xã Mai Xá tỉnh Nam Định muốn đắp con đê ở địa phận xã mình dài 200 trượng. Tỉnh thần đem việc tâu lên, vua khen và thưởng tiền 5.000 quan3.

Tuy nhiên sự phân chia giữa hai loại công trình công và tư cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi vì hai loại công trình này cũng có nơi có lúc có thể chuyển hoá lẫn nhau. Đó là trường hợp khi đắp xong một công trình đê công hoặc xây xong một cái cống, Nhà nước giao cho địa phương quản lý làm đê và cống tư. Ngược lại khi một công trình vốn lúc đầu là của địa phương (đê tư) nhưng vì bị vỡ lở, bị nước xói mạnh, sức dân địa phương không làm nổi thì quan địa phương có thể xin chuyển thành công trình Nhà nước (đê công). Chẳng hạn năm 1828, Nhà nước cho đắp 3 sở đê ở Sơn Nam (huyện Chương Đức một sở dài hơn 2.300 trượng; huyện Yên Sơn một sở 215 trượng và một sở ở xã Chúc Lý (Chương Đức) dài 215 trượng). Các đê này vốn là đê tư thuộc bờ sông Hát và sông Tích nhưng vì bị lụt tràn vỡ, công việc quá nặng, sức dân địa phương không làm được, “xin trả làm đê công”4.

Hoặc trường hợp ngược lại, năm 1854, Nhà nước đổi đê công ở hai thôn Phạm Mỗ, Xuân Dư thuộc huyện Diên Hà, tỉnh Hưng Yên và xã Tam Trang, tổng Thượng Hộ, huyện Thư Trì, tỉnh Nam Định thành đê tư. “Dân sở tại phải coi giữ, tuỳ nghi bồi đắp hay cắt xẻ ra cho nước tiêu tiết”5. Cũng trong năm đó, con đê tư của làng Phú Chử (Nam Định) liền sát bờ sông bị lở một đoạn dài, quan tỉnh xin theo lệ đê công (mỗi đống đất cấp 4 tiền, gạo 6 bát) thuê dân phu đắp ra chỗ khác.

Đặc biệt là năm 1853 triều đình ra hẳn một quy định về đê công và tư ở vùng phía nam Hà Nội:

- Đê ở 4 huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Thanh Oai thuộc thượng lưu các sông lớn, nhỏ, lại gọi là đê công.

- Đê ở 5 huyện: Từ Liêm, Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Thanh Liêm, Bình Lục thuộc trung lưu các sông lớn, nhỏ vẫn gọi là đê công.

- Đê ở 6 huyện: Sơn Minh, Chương Đức, Hoài An, Kim Bảng, Duy Tiên, Nam Xang thuộc hạ lưu các sông lớn, nhỏ đổi làm đê tư.

- Đê tư do phủ, huyện đốc làm, đê công do tỉnh thần đốc làm.

- Lấy việc trả tiền công đắp đê, thay cho việc phát chẩn, lại cấp thêm tiền đắp thổ đôi (đắp đống đất dự trữ), để làm ơn cho dân nghèo1.

Bản điều lệ này được ra đời theo lời xin của Khâm sai Trần Văn Trung. Nhưng có một điều cần giải đáp là tại sao chỉ quy định đê công hoặc đê tư cho vùng phía nam Hà Nội thôi? Chúng ta có thể hiểu rằng, trước đó, dưới thời Minh Mệnh vùng này đã từng là nơi thử nghiệm bỏ đê. Có lẽ đến năm 1853 công việc phục hồi, tu bổ lại đê ở vùng này trở thành trọng điểm khiến triều đình Nguyễn phải ra bản quy định này.

Tuy có sự phân biệt hai loại công trình trên, suy cho cùng thì người trực tiếp đào đất, gánh đất xây đắp và tu bổ những con đê trên cả đồng bằng rộng lớn này vẫn là nông dân các làng xã. Trong điều kiện nền kinh tế nông nghiệp, nếu kinh phí Nhà nước chi cho đắp đê bằng tiền hay bằng thóc thì cũng vẫn là do tiền thuế của nông dân đóng góp. Tuy vậy ở đây không thể phủ nhận vai trò tổ chức, điều hành và giám sát của Nhà nước, người đại diện cao hơn các làng xã để có thể khắc phục tình trạng phân tán của các làng mà thực hiện các công trình quy mô lớn.

3. Làng xã và việc quản lý các công trình trị thuỷ trong nội bộ làng xã

Dưới sự quản lý của Nhà nước, nông dân các làng xã có nhiệm vụ tham gia đắp đê xây cống thuộc loại công trình Nhà nước hoặc của địa phương (đê công và đê tư). Song, bên trong làng xã lại có một cấp quản lý nhỏ hơn nữa, đó là các tổ chức của làng xã và liên làng. Có thể nhận thấy một điều, nếu các hệ thống trị thuỷ lớn (đê điều sông ngòi) do Nhà nước đảm trách thì trong phạm vi làng xã vấn đề thuỷ lợi (thuỷ nông) - dẫn thuỷ nhập điền là công việc chính do làng xã đảm nhiệm.

Các quy định về đê điều, thuỷ lợi ở các làng xã thường được phản ánh trong các bản khoản ước, hương ước của các làng. Đó là các bộ luật của riêng làng xã. Là các làng xã nông nghiệp, thuỷ lợi là vấn đề hàng đầu của sản xuất nông nghiệp, vì thế hàng năm các làng đều quy định kỳ hạn đắp đê. Các làng có đê chạy qua đều cử người phụ trách đắp đê gọi là “Khán thủ đê”, “Thủ nậu” hay “Xã khán”. Hương lệ hai xã La Nội và ỷ La (huyện Hoài Đức - Hà Nội) quy định: từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, các thôn trưởng đi khám đê, nếu có chỗ nào rò rỉ, người phụ trách ở đoạn ấy phải phạt 3 mạch tiền cổ, nếu có vết vỡ thì bị phạt 3 quan tiền cổ. Ai cố ý xâm phạm vào đê điều đều bị nghiêm trị: ai lén xắn đê để lấy nước bị phạt 1 quan tiền cổ, ai bị bắt mà còn chống lại thì phạt gấp đôi. Người coi giữ đê mà để cho người ta lấy nước qua đê không biết thì bị phạt 1 quan tiền cổ1.

ở làng xã người ta rất chú ý tới việc khai thác và sử dụng các nguồn nước. Thông thường các làng đều có đội tuần phiên canh gác coi giữ công việc đồng áng và hệ thống kênh mương, cửa cống. Nhiều làng cắt cử tuần phiên theo các hộ (gọi là “Hộ phiên”), hoặc chia ra cho từng giáp thay nhau trông coi.

Cơ chế này phản ánh vào trong chế độ công cử ở các làng xã. Người ta thường cử những “chuyên viên” trị thuỷ - thuỷ lợi vào bộ máy quản lý xã thôn. Những thủ lộ, khán thủ, thủ nậu, xeo trưởng… đại diện cho xã dân chỉ huy cả làng xã thực hiện các công trình trị thuỷ, thuỷ lợi.

Theo khoán ước của nhiều làng ở miền Bắc, công việc trị thuỷ được coi là nghĩa vụ chung của một thành viên trong làng xã, đặc biệt là của các suất đinh từ 18 đến 50 tuổi.

ở làng Ngoại xã Cổ Linh, “lúc có tin hộ đê, nghe đánh 5 hồi trống người làng họp lại để chống lụt” hoặc “khi có việc đắp đường sửa đê, thủ khán trưởng dịch phải đi đo chia phần đất cho từng suất đinh. Nếu ai ương ngạnh trốn tránh để trễ việc công thì làng bắt phạt 3 tiền để răn đe kẻ khác. Nếu có lý do chính đáng vắng mặt mà không báo trước cũng vẫn cứ phạt”2.

ở xã Đồng Lư, huyện Quốc Oai (Hà Tây), khoán ước quy định năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) như sau: “Tuần phiên từ năm thứ 4 trở xuống, theo lượt cứ mỗi năm cử 16 người làm tuần phiên. Đội tuần phiên phải theo xã tuần, khán thủ tuần phòng trong xóm làng, ngoài đồng ruộng, bờ bãi, đất núi, đìa khuyến nông, đê điều các đoạn… Hàng năm đến tháng Giêng đổi tuần, trả khoán, giao cho đội khác. Trong mỗi đợt đổi tuần này đều có tổ chức ăn uống có đủ trên dưới tất cả là 14 mâm trở lên. Quy định này không ai được thay đổi”1. Công việc của đội tuần phiên là xem xét các đìa khuyến nông chảy vào các ruộng mùa thu, mùa hạ; khám xét đê điều. Nếu đìa, đê nào bị hư hỏng phải báo cả làng cùng đi đắp; nếu chỉ khuyết liệt nhỏ thì tuần phiên cùng người thủ đê phải tự đắp. Khi công việc đắp đê lớn, cần huy động sức cả làng thì xã trưởng có trách nhiệm chính. Xã trưởng mỗi khi cần huy động người đi đắp đê thường đóng cổng làng từ sáng sớm, mỗi già đình đều phải đóng góp 1 người đi làm việc đê. Gia đình nào có người đóng góp rồi thì làng mở cổng cho đi làm đồng. Đắp đê xong xuôi thì cả làng lại trở về làm việc bình thường. Làng lấy kinh phí ở đâu để nuôi đội tuần phiên? Tất nhiên đội tuần phiên cũng là các trai đinh trong làng nên việc của họ là luân phiên và là nghĩa vụ. Song trong thời gian làm việc họ cũng được làng bồi dưỡng công lao thức khuya dậy sớm đi tuần giữ yên trật tự và an ninh thôn xã. Vì thế mỗi đầu nha, đầu liếp phải nộp 36 đồng tiền cổ, 1 đấu gạo để làm lương lộc cho đội tuần phiên và thủ đê. Đến vụ gặt chiêm và mùa, mỗi sào ruộng phải nộp 1 lượm lúa (gọi là lúa phiên), ruộng xâm canh thì phải nộp gấp đôi, tức là phải nộp 2 lượm. Ruộng lớn 6 sào phải nộp 2 lượm, ruộng xâm canh có diện tích 6 sào phải nộp 4 lượm2. Những năm nào tuần phiên vất vả giữ gìn đê điều, tháo nước, đắp cống… thì được khuyến khích, ngược lại nếu khán thủ, tuần phiên làm việc không tốt thì bị làng phạt. Mức phạt được quy định như sau: Nếu trong thời gian đội tuần phiên làm việc mà trời ít mưa, các xã bốn bên đều khô cạn, duy đồng ruộng của bản xã chứa nhiều nước, cày bừa kịp thời vụ, đó là do công của tuần phiên chăm chỉ, làm việc có trách nhiệm. Đến mùa gặt vụ ấy, người có ruộng thưởng thêm mỗi sào mỗi thửa 1 lượm lúa nữa. Ngược lại, nếu làng bên đều chứa nhiều nước, cày cấy kịp thời, duy xã mình ruộng khô nẻ, mất việc cày cấy thì xã bắt phạt tuần phiên 10 quan để uống rượu và đánh khán thủ, chương tuần trở xuống mỗi người 4 roi. Người ta cũng quy định lệ nghiêm cấm sự xâm phạm đến các công trình đê điều kênh mương; người nào đơm cá, tháo nước đê, đìa, ruộng của người khác bị khô cạn, tuần phiên bắt được sẽ phạt 3 tiền, đem tên ấy nộp cho hương trưởng, tuỳ lỗi nặng nhẹ mà phát lạc3.

Việc đảm bảo nguồn nước trong vụ cày cấy và trong thời gian sinh trưởng của cây lúa được đặc biệt chú ý. Nhưng những việc làm của mỗi nhà, mỗi hộ đều phải chú ý đến ảnh hưởng của công việc chung của cả làng xã. Cơ chế làng xã về thuỷ lợi không cho phép mạnh ai nấy làm. Đọc 24 điều trong bản “Khoán lệ xã Vĩnh Lại”, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (Hải Dương), chúng ta thấy có điều quy định: “Việc giữ nước lại, mở nước ra, nhà nông coi là việc rất quan trọng. Nếu có liên quan đến ruộng của nhà nào, nếu ruộng của họ bị ngập, người chủ ruộng nên làm đơn trình cho xã thôn trưởng xem. Nếu đúng sự thực thì sẽ cho tháo nước ra. Nếu người nào tự ý giữ nước lại hoặc mở nước ra để đến nỗi có hại cho việc nhà nông thì sẽ phạt lợn và rượu trị giá 1 quan 2 mạch tiền cổ”1. Bản khoán lệ này được lập vào năm Gia Long 6 (1807).

Khoán ước thôn Kiêu Trì, xã Phù Diễn, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (Hà Nội) quy định vào năm Minh Mệnh 13 (1832) có những điều khoản sau:

- Bản thôn có một đoạn mương nhỏ để thông nước ruộng 1 trượng 2 xích. Tuần phiên đi khám thấy người nào chiếm đất làm của riêng, dù không đầy 1 trượng thì (tuần phiên) được phép thu 3 mạch tiền kẽm và phá hết cây cối hoa màu trên đất xâm chiếm để cho nước khỏi bị tắc.

- Bờ đê tiếp giáp với mạch nước, thuộc địa phận của thôn, giao cho tuần phiên canh giữ, tháo nước ra hoặc giữ nước lại là tuỳ tình hình. Nếu nước đầy mà không tháo ra, nước cạn mà không đắp giữ lại thì tuần phiên sẽ bị cắt, hương lão trong thông phạt gà và rượu trị giá 8 mạch tiền kẽm. Tuần phiên phải đắp giữ nước lại hoặc tháo nước ra cho hợp lý.

- Ruộng đồng, các đường mương máng của làng đều giao cho trưởng phiên canh giữ, xử lý. Nếu người nào trong thôn không phải đến phiên của mình trông giữ mà tự ý đặt đó đơm cá, tuần phiên bắt được sẽ phạt thịt lợn và rượu trị giá 3 quan 6 mạch và lại đánh thêm 30 roi. Nếu ruộng đã cạn hết nước, các bờ ven đê và mương máng đã đắp lại cẩn thận chắc chắn rồi mà bản thân những người tuần phiên vi phạm (đem đó đơm cá), bất kỳ ai trong thôn trông thấy đều được phép dẫn trình lý trưởng và hương lão của bản thôn. Nếu sự việc đúng như đã tâu báo thì phạt tuần phiên rượu và thịt lợn trị giá 3 quan 6 mạch; Người bắt được thì thưởng 1 quan 6 mạch. Người trưởng phiên không ngăn ngừa để xảy ra việc đó cũng bị phạt gà và rượu trị giá 3 mạch để nghiêm dân ước2.

Từ các bản khoản ước tiêu biểu trên, chúng ta có thể hình dung các làng xã dưới thời Nguyễn vẫn thực hiện việc xây dựng và quản lý các công trình thuỷ lợi của Nhà nước và của làng xã rất chặt chẽ. Trong phạm vi làng xã, ngoài các mối quan hệ thứ bậc trên dưới theo tuổi tác, chức sắc, trong họ ngoài làng còn phải kể đến biện pháp thưởng phạt bằng kinh tế: thưởng phạt bằng thóc, bằng tiền và bằng rượu, thịt. Qua các bản khoán ước, cách thưởng phạt đều quy thành rượu thịt để ăn uống ở chốn đình trung. Theo tâm lý của người dân làng quê, miếng ăn không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà hơn thế nó còn có ý nghĩa giáo dục nữa. Bởi vì người ta vẫn có câu nói cửa miệng ở các làng quê: “Một miếng giữa làng còn hơn một sàng sau bếp”. Các quy định của làng xã được thực hiện khá nghiêm chỉnh

4. Sự liên kết giữa các làng xã vì nhu cầu trị thuỷ

Có những khi tranh chấp giữa làng này làng khác hoặc phá hoại các công trình đê điều kênh mương dẫn đến án mạng, vượt ra khỏi quyền hạn của làng thì lý trưởng phải tâu báo lên chính quyền cấp huyện, tỉnh giải quyết. Chúng tôi đã đọc hơn 50 bản tâu kiện dưới thời Minh Mệnh ở tỉnh Nam Định, gặp rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp về đê điều và trị thuỷ. Điển hình là vụ Phạm Hữu Thiềm, lý trưởng xã Cổ Nông, huyện Nam Châu, tỉnh Nam Định kiện một số người ở trang Thượng Nông, trong đó chủ mưu là Hà Đình Điềm đến phá đập giữ nước của xã cổ Nông để đơm cá và đánh chết Võ Vơi (người được giao nhiệm vụ canh giữ đập). Tri huyện sở tại là Nguyễn Trần thụ lý vụ án và trình lên tỉnh. án xử bọn Hà Đình Điềm 15 năm tù, tòng phạm 5 năm tù và phải bồi mạng cho Võ Vơi.

Chúng ta biết rằng các xã ở dưới thời Nguyễn gồm hai loại: loại xã tương đương với một làng và loại xã gồm nhiều thôn. Đặc điểm này đã được thự Tổng đốc Ninh Thái Nguyễn Đăng Giai nhận xét vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) như sau: “Dân các xã thôn trong hạt phần nhiều tiếng gọi là cùng xã, nhưng dân cư, đình chùa, ruộng đất đều riêng biệt, không có tình thân về dòng giống, họ hàng; cũng có những nơi một xã mà chia làm hai thôn hoặc ba bốn năm thôn, từ trước đến nay thường vì ruộng đất nhiều, ít, dân đinh đông, thưa, phần ra lính nặng nhẹ, lệ nộp thuế thêm hay bớt, tranh kiện lẫn nhau. Khi xét đến dân tục thì chia ra từng nhóm, tra đến sổ sách lại là cùng một tên xã…”1. Đặc điểm này thường dẫn đến tính cục bộ giữa các thôn trong một xã. Vấn đề này cũng là một khó khăn của triều Nguyễn trong việc quản lý các đơn vị hành chính cơ sở. Tuy vậy đứng trước yêu cầu khách quan của công cuộc trị thuỷ, thuỷ lợi - công việc đòi hỏi sự hiệp tác, liên kết giữa các làng, thậm chí nhiều làng xã - để cùng nhau thực hiện các công trình mang lại lợi ích chung. ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hồi đằu thế kỷ XIX, có thể thấy rất nhiều công trình trị thuỷ, thuỷ lợi do hai ba hoặc nhiều làng xã tự đứng ra xây đắp. Có thể lấy dẫn chứng từ chính sử của triều Nguyễn cũng như tư liệu của các địa phương.

Vào đầu thế kỷ XIX, dân 6 tổng ở Nam Định là Trà Lũ, Cát Xuyên, Kiên Lao, Hoàng Nha, Thuỷ Nhai và Hành Thiện cũng hợp sức đắp một con đê biển từ sông Ngô Đồng (huyện Giao Thuỷ) đến cửa Hà Lạn để chống nước mặn tràn vào ruộng1.

Một ví dụ khác, năm 1834, sau khi Nhà nước bác bỏ Nha Đê chính, dân xã Cổ Quán (huyện Thần Khê), An Liêm (huyện Thư Trì), La Khê, Mỗi Lãng, Hương Cáp, Hải An (huyện Quỳnh Côi) tình nguyện người giầu xuất của, người nghèo xuất công để đào dòng sông nhỏ nhằm khai thông nước lụt2. Hoặc hai xã cạnh đầm Bích La (huyện Giao Thuỷ) đồng lòng đắp một con đê dài 134 trượng 9 thước và làm cống thoát nước, khai phá được hàng trăm mẫu ruộng…

Hình thức liên minh điển hình nhất trong việc thực hiện công trình trị thuỷ ở đồng bằng Bắc Bộ phải kể đến công trình đê và cống Thập Cửu thuộc địa phận hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai (Hà Tây). Đây là một công trình tập hợp sự đồng lòng hiệp sức của 19 xã, bao gồm 50 km đê bao và một cống tưới tiêu. Cái tên “Thập Cửu” để chỉ sự chung sức của 19 xã: Yên Nội, Đồng Lư, Thạch Phán, Phú Mỹ, Văn Khê, Thế Thu, Cấn Xá, Tân Trượng, Dương Cốc, Đông Trữ, Đại Ân, Nghĩa Lộ, Tiên Kiện, Dĩnh Tú, Lương Sơn. Công trình này được làm từ năm Gia Long thứ 6 đến năm Gia Long thứ 10 (1807 - 1811). Vậy người ta cùng quyền lực nào để tổ chức được số xã cùng làm việc như vậy? ở đây không hề có sự can thiệp của chính quyền cấp trên. Họ hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện và tôn trọng một bản khoán ước chung do họ tự bàn bạc thảo ra. Một ban “Chỉ đạo công trình” trong đó mỗi xã có một đại biểu của mình làm thành viên do đại diện xã Yên Nội làm trưởng ban. Một lễ ăn thề được tổ chức tại ngôi đền Thất Lụt do ông trưởng ban người xã Yên Nội đứng đầu và bản khoán ước chung cho cả 19 xã thảo ra. Nội dung bản khoán ước rất tỷ mỷ và chi tiết, xin được tóm lược như sau:

1. Toàn dân 19 xã phải ra sức bảo vệ tu bổ, gìn giữ đê và cống này. Đê chạy qua địa phận xã nào thì xã ấy có trách nhiệm quản lý. Đến mùa khô các xã phải huy động xã dân bồi đắp, tu sửa những chỗ sạt lở. Nếu chỗ nào sạt lở to quá thì toàn xã phải huy động người đến đắp, đắp không nổi thì ban phụ trách đê điều sẽ huy động người các xã khác tới đắp.

Vào mùa nước lụt, các xã phải cử người canh phòng cẩn mật, thân đê bị núng thì đánh trống ngũ liên báo cho dân xã mình biết để hộ đê. Nếu thấy đê bị núng to thì báo cho ban phụ trách đê điều người các xã bạn đến hộ đê.

2. Cấm trâu bò gặm cỏ, thuyền bè qua lại và đỗ ở sườn đê. Xã nào để cho đê xã mình bị sạt lở thì phải phạt vạ…

3. Có một khúc đê sung yếu ở cửa sông Bùi Trao đã cử một họ trong xã Tấn Trượng trông coi. Họ này có nhiệm vụ coi sóc đê một cách cẩn thận. Cống đê phải có người canh giữ thường xuyên. Hàng tháng theo thời vụ người của họ này có nhiệm vụ điều chỉnh đóng mở cống cho đồng ruộng đủ nước cày cấy. Vào mùa lũ lụt, xã trưởng xã này phải tăng cường thêm 50 người phu để thay nhau túc trực. Khi có sự cố thì thổi tù và, đánh trống ngũ liên gọi cả 19 xã đến hộ đê. Xã nào trễ nải công việc, nghe thấy hiệu tù và, trống mà không tới cứu đê sẽ bị phạt 50 quan tiền và 5 con trâu mộng.

4. Các xã cùng góp tiền tậu ruộng trao cho người trong họ của xã Tân Trượng cày cấy và trông coi ruộng ấy. Mùa màng thu trên ruộng ấy thuộc về họ, họ phải hoàn thành các nhiệm vụ:

- Trông nom đê cẩn thận

- Theo thời vụ đóng mở cống đê điều tiết nước

- Hàng năm chuẩn bị cho lý trưởng và những người phục vụ đê chè thuốc và các đồ lễ vật cúng hà bá, thần cống và thổ thần…1.

Chúng ta biết rằng công trình này về sau được Nhà nước công nhận, đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Dân địa phương 19 xã trên được tha miễn việc đắp đê ở các địa phương khác (trước năm 1829 dân 19 xã vẫn có nghĩa vụ như mọi nơi khác). Đặc biệt có năm đê vỡ to quá, Nhà nước sai thành thần cùng Đê chính thần trù tính nhân công đắp theo lệ đê công2.

Qua sự trình bày trên, có thể rút ra nhận xét rất quan trọng sau:

- Đến thế kỷ XIX làng xã vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và quản lý các công trình trị thuỷ thuỷ lợi. Từ nhu cầu của công tác trị thuỷ mà các làng xã vượt qua được tính cục bộ của mình để liên kết lại vì một công trình chung bảo đảm lợi ích chung.

- Cũng từ nhu cầu trị thuỷ, thuỷ lợi mà đến thế kỷ XIX các làng xã vẫn duy trì một số ruộng đất công nhằm phục vụ cho công việc quan trọng này.


(Trích luận án Tiến sĩ Sử học “Vấn đề trị thuỷ ở đồng bằng Bắc Bộ dưới thời Nguyễn thế kỷ XIX” do Giáo sư Phan Đại Doãn hướng dẫn).

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 11