Đại đoàn kết dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
[ 18/04/2019 00:00 AM | Lượt xem: 14600 ]

  Đại đoàn kết dân tộc trong kháng chiến
 chống Mỹ, cứu nước

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, mà một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta đã xây dựng và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự tiếp nối đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; mà theo đó, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, vào điều kiện lịch sử mới - điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, cả nước đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng, dưới sự lãnh đạo của một Đảng.
Ở miền Bắc, sau ngày giải phóng, tháng 9-1955, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được thành lập. Mặt trận đã đoàn kết đại bộ phận 17 triệu nhân dân miền Bắc, dựa chắc trên nền tảng của khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức, để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc; đồng thời, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.


Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra mắt tại Đại hội lần thứ nhất (16-2-1962)

Ở miền Nam, những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với niềm tin vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, các tầng lớp nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đoàn kết một lòng, liên tục nổi dậy đấu tranh, mà đỉnh cao là phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 và trong năm 1960, đập tan từng mảng chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi được tạo nên bởi lòng dân, ý Đảng, phản ánh sự thống nhất về ý chí, hành động và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Cũng chính từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đặt ra yêu cầu khách quan phải có một tổ chức đoàn kết thật rộng rãi các lực lượng chống chế độ thực dân mới của Mỹ và bè lũ tay sai. Theo đó, ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sỹ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Dựa chắc vào khối liên minh công - nông, Mặt trận chủ trương tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được, nhằm triệt để phân hóa và cô lập kẻ thù, tập hợp rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân miền Nam chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản động. Thông qua cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, bằng những mục tiêu phù hợp, với những bước đệm: tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập..., Mặt trận đã thu hút không chỉ các tầng lớp nhân dân lao động (công nhân, nông dân, tiểu thương), mà còn lôi cuốn được cả các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc, lớp dưới trong bộ máy chính quyền ngụy Sài Gòn... vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, để thực hiện thống nhất đất nước. Với sự ra đời của MTDTGP miền Nam Việt Nam, phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phát triển rộng khắp, với nhiều hình thức đấu tranh rất phong phú và sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.  

Đứng trước khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt vào ngày 27-3-1964. Với hơn 300 đại biểu gồm những người tiêu biểu cho các ngành, các giới, đại diện cho 31 triệu đồng bào cả hai miền: Nam, Bắc, Hội nghị biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm sắt đá chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Được xem như là một “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới, Hội nghị chính trị đặc biệt đã thôi thúc cao trào hành động cách mạng trong cả nước. Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đổ quân ồ ạt vào miền Nam để tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu thị quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước với ý chí sắt đá: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu hành động: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các phong trào, như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”; hoặc các khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”... đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo hăng hái thi đua vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đồng thời, sẵn sàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Tất cả những hành động đó đã biểu thị tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân miền Bắc xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc đối với nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên chiến trường miền Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, góp phần chia lửa với đồng bào miền Bắc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là sự tiếp nối của những hoạt động đó; đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công không chỉ huy động sức mạnh của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (gồm cả chủ lực và địa phương) tiến công vào các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của Mỹ - ngụy, mà còn huy động được sức mạnh của nhân dân toàn miền Nam, từ các đô thị (nơi cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy đóng), đến  các vùng nông thôn rộng lớn, phối hợp với các đòn tiến công quân sự để nổi dậy giành quyền làm chủ. Trong cao trào tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra đời, tập hợp những người Việt Nam có cảm tình với cuộc đấu tranh của ta, nhưng vì lý do này hay lý do khác mà chưa tham gia vào MTDTGP miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (một hình thức tập hợp “ngoài mặt trận” của Đảng) và việc phối hợp chặt chẽ hoạt động của Liên minh với hoạt động của MTDTGP miền Nam Việt Nam đã góp phần cô lập cao độ kẻ thù, tạo nên sức mạnh mới của khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả những hoạt động của quân và dân 2 miền trong giai đoạn này là những biểu hiện sinh động của sự đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân - dân, đoàn kết nhân dân nông thôn và nhân dân thành thị, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đó cũng chính là sự biểu dương ý chí và lực lượng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc của đế quốc Mỹ trong thời kỳ này.  
Sau sự kiện Tết Mậu Thân, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc lại được thử thách và tiếp tục phát huy trong tình hình mới. Mặc dù có những năm tháng mà cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam gặp khó khăn lớn (giai đoạn giữa 1968 - đầu 1970); ở miền Bắc, quân và dân ta phải đương đầu với cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, nhưng với lòng tin vào Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa, các tầng lớp nhân dân trong cả nước vẫn đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vượt qua bao hy sinh, gian khổ, liên minh chiến đấu với cách mạng Lào và Cam-pu-chia, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.

  Tiếp theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam, MTDTGP miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để tiếp tục phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh buộc địch phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri; đồng thời, tranh thủ thời cơ, với quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng. Mùa xuân 1975, chớp lấy thời cơ mới xuất hiện, Đảng ta hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hướng ra tiền tuyến, miền Bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh hiện có và tiềm tàng của mình cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Trên chiến trường miền Nam, các hoạt động tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy tại chỗ của nhân dân các địa phương đã phối hợp, hỗ trợ nhau, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, buộc chính quyền ngụy Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4. Sài Gòn được giải phóng trong trạng thái hầu như nguyên vẹn, tràn ngập cờ, hoa của các tầng lớp nhân dân chào đón Quân giải phóng; không có một cuộc “tắm máu”, hay trả thù nào như kẻ thù tuyên truyền, xuyên tạc là minh chứng hùng hồn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngay trong chiến dịch cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta dày công xây dựng và phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nguồn gốc trước hết từ đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn của Đảng. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, mở đường đưa cả nước đi lên CNXH. Với việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã phản ánh được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của tuyệt đại đa số nhân dân cả nước; nhờ đó, đã động viên và kết hợp được sức mạnh của CNXH với chủ nghĩa yêu nước - truyền thống lâu đời của dân tộc ta; đã tập hợp được một cách vững chắc và rộng rãi nhất mọi lực lượng của cả dân tộc vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Với đường lối ấy, Đảng cũng đã kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp có sức tiến công mạnh mẽ để đánh thắng đế quốc Mỹ.

Bên cạnh đó, việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước của nhân dân ta cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Truyền thống yêu nước ấy bắt gặp đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đã phát huy mạnh mẽ và rộng rãi hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc, thúc đẩy mọi người dân Việt Nam kết thành một khối vững chắc xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh, nhiều cách đánh giặc độc đáo và có hiệu quả. Hình ảnh người mẹ miền Nam khi tiễn con ra Bắc tập kết đã căn dặn: “Con ra thưa với Cụ Hồ, Việt Nam này chỉ một ngọn cờ vàng sao” đã nói lên tấm lòng của 14 triệu đồng bào miền Nam luôn hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ kính yêu với một quyết tâm đoàn kết đấu tranh để thống nhất nước nhà. Và cũng chính từ lòng yêu nước, với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa, nên trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, trước sự khủng bố tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm qua các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, đại bộ phận nhân dân miền Nam vẫn một lòng một dạ theo cách mạng. 12 triệu lượt quần chúng, thuộc các tầng lớp nhân dân miền Nam, được Đảng huy động vào đấu tranh chính trị với các hình thức khác nhau trong giai đoạn 1955 - 1958 nhằm giữ gìn lực lượng và giữ thế đấu tranh đã nói lên điều đó. Cũng từ lòng yêu nước, từ ý thức dân tộc, căm thù sự tàn bạo của Mỹ - ngụy, các giai tầng trong xã hội đều tự nguyện tập hợp lại trong các tổ chức khác nhau, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, để thực hiện hai chiến lược cách mạng của đất nước cho đến ngày toàn thắng.

Không thể bỏ qua một nhân tố quan trọng khác, cho phép xây dựng và phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách rộng rãi và vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là phương thức tập hợp quần chúng vô cùng sáng tạo của Đảng. Với chủ trương “Đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được”, Đảng đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng chiến lược cách mạng ở mỗi miền để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mà không dập khuôn, máy móc. Mặc dù việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân ở mỗi miền vẫn trên cơ sở lấy liên minh công - nông làm nền tảng cho mặt trận dân tộc thống nhất, song mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi miền lại có mục tiêu, cương lĩnh, hình thức tổ chức, cơ cấu thành phần không giống nhau. Ở miền Nam, việc đặt ra mục tiêu của MTDTGP miền Nam Việt Nam là: “thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà” là một chủ trương hết sức mềm dẻo, linh hoạt, có nhiều bước đệm so với cương lĩnh của MTTQ Việt Nam ở miền Bắc, nên đã tập hợp được mọi lực lượng, mọi người dân yêu nước ở miền Nam tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy, thực hiện mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Do vậy, có thể khẳng định   rằng: xây dựng, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất trên cả 2 miền, với hình thức mặt trận khác nhau, nhưng vẫn do một Đảng lãnh đạo, là nét độc đáo của Đảng ta về tổ chức tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với các nhân tố nói trên, chính sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay trong thời điểm đau thương của cả dân tộc, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh qua đời, kẻ thù hy vọng vào sự chia rẽ, mất ổn định trong Đảng, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Chính sự đoàn kết trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tạo ra chất keo gắn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Từ đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn một ý chí, quyết vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cao cả: giành độc lập cho nước nhà, thu non sông về một mối.  
Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tự hào với sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Ngày nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta tiếp tục coi trọng; bởi đó không chỉ là bài học thành công của quá khứ, mà tiếp tục là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để vận dụng thành công bài học đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục bám sát 4 nhân tố tạo nên sức mạnh đại đoàn kết nói trên, để có những giải pháp phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới; trong đó, yếu tố có ý nghĩa quyết định, then chốt là phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, tích cực chăm lo xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” bằng những giải pháp đồng bộ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn thâm độc của các thế lực nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ./.       
 
 NGUYỄN NGỌC HỒI
< tapchiqptd.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 18