ĐẢNG CHỈ ĐẠO KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC (1973-1975)
[ 22/12/2013 07:00 AM | Lượt xem: 2151 ]

ĐẢNG CHỈ ĐẠO KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC (1973-1975)

 (PGS.TS VŨ QUANG HIỂN)

 

1. Kiên trì mục tiêu chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

      Sau ngày Hiệp định Pari được kí kết (27-1-1973), Mĩ phải rút quân khỏi miền Nam với bài học sâu sắc nhất là “không để xảy ra một Việt Nam thứ hai”. Mĩ có sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại, tạm thời hoà hoãn vơí các lực lượng xã hội chủ nghĩa, rêu rao về một “kỉ nguyên hoà bình”, “kỉ nguyên thương lượng”. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, Mĩ tiếp tục theo đuổi mục tiêu Việt Nam hoá chiến tranh, duy trì một lực lượng hải quân và không quân ở Vịnh Bắc Bộ, Thái Lan và Guam, để lại ở miền Nam “những người lính không mặc quân phục” cùng các nhân viên dân sự; đổi tên cơ quan chỉ huy quân sự Mĩ (MACV) thành cơ quan ngoại giao – tuỳ viên quốc phòng (DAO). Trước ngày kí Hiệp định Pari, Mĩ chuyển giao các căn cứ quân sự Mĩ cho chính quyền Sài Gòn cùng với viện trợ khẩn cấp một lượng vật chất khổng lồ(1). Mĩ cùng với chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Pari, nhất là các điều khoản về ngừng bắn, thực hiện các quyền tự do dân chủ và thả tù chính trị. Họ mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, âm mưu xoá “thế da báo”. Đầu tháng 4-1973, Tổng thống Nichxơn gặp Nguyễn Văn Thiệu tại San Klimen, cam kết tiếp tục ủng hộ quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, Mĩ nối lại các chuyến bay do thám trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, đình chỉ các hội nghị của Uỷ ban kinh tế hỗn hợp về việc giúp xây dựng lại miền Bắc. Tháng 7-1974, Quốc hội Mĩ thông qua mức viện trợ kinh tế tài khoá 1974-1975 cho chính quyền Sài Gòn 700 triệu đôla về kinh tế, 400 triệu đô la về quân sự. Từ tháng 2-1973 đến giữa năm 1974 quân đội Sài Gòn đã tổ chức 34 266 cuộc tiến công quy mô lớn nhằm lấn chiếm vùng giải phóng và 216 000 cuộc hành quân bình định trong vùng họ kiểm soát. Nguyễn Văn Thiệu ngang nhiên tuyên bố bắt đầu “cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”. Cuối năm 1973, “ông ta tăng cường các trận đánh trên không và trên bộ vào các căn cứ đối phương, đồng thời mở hàng loạt chiến dịch chiếm lãnh thổ trên vùng đất mà Chính phủ Cách mạng lâm thời chiếm giữ dọc bờ biển phía Đông, trong vùng tam giác sắt và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”2. Tháng 5-1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: “Đế quốc Mĩ vẫn tiếp tục duy trì một sự cam kết nhất định về quân sự và tiếp tục giúp đỡ nguỵ quyền Sài Gòn để cho bọn tay sai đủ sức đứng vững và đối phó với miền Bắc, đồng thời đảm bảo cho Mĩ bám trụ lâu dài ở miền Nam, mà tránh được nguy cơ phải dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh mới ở miền Nam”3. Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là mục tiêu chiến lược của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Với việc kí Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn không có cơ sở pháp lí để tồn tại như một chính quyền và lực lượng chính trị duy nhất, nhưng họ lại muốn “được tồn tại như một quốc gia độc lập”. Chính quyền Nicxơn “vẫn kiên trì ủng hộ Thiệu”. Tồng thống Mĩ bí mật hứa hẹn tiếp tục “viện trợ quân sự và kinh tế đầy đủ” và “phản ứng với toàn bộ sức mạnh nếu Bắc Việt Nam vi phạm hiệp định”. Nicxơn nêu rõ, Mĩ “sẽ tiếp tục công nhận Chính phủ Việt Nam cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Nam Việt Nam”4.

      Tình hình lúc đó có hai khả năng:

      Một là, Hiệp định Pari được thi hành từng bước, xung đột quân sự giảm dần, hoà bình được lập lại về cơ bản; đấu tranh chính trị ngày càng phát triển, cách mạng ở thế tiến lên mạnh mẽ. Theo phương hướng này, chính quyền Sài Gòn không được phép tồn tại vĩnh viễn. Mĩ mất công cụ để thi hành chính sách thực dân mới.

      Hai là, Mĩ và chính quyền Sài Gòn gây chiến tranh trở lại; nhân dân Việt Nam phải tiến hành chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi.

      Từ sau khi Hiệp định Pari được kí kết, phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam khôi phục kinh tế miền Bắc, đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định, thực hiện hoà bình và hoà hợp dân tộc, thống nhất nước Việt Nam, tuy nhiên cũng có nước muốn duy trì nguyên trạng Đông Dương. Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa không đầy đủ và kịp thời như Việt Nam mong muốn5. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều cắt giảm viện trợ quân sự. Do vẫn còn duy trì được chính quyền Sài Gòn, nên Mĩ vẫn theo đuổi chính sách thực dân mới, nhằm thực hiện âm mưu cơ bản và lâu dài là xoá bỏ sự tồn tại của chính quyền và quân đội cách mạng, chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Mĩ gặp mâu thuẫn giữa lợi ích chiến lược trên thế giới và lợi ích cục bộ ở miền Nam Việt Nam. Mĩ muốn duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, nhưng không muốn bị sa lầy và tổn thất. Dư luận phương Tây ồn ào về một cuộc “nội chiến” giữa những người Việt Nam với nhau6. Phải làm rõ trước dư luận quốc tế việc Mĩ tiếp tục chính sách thực dân mới ở miền Nam là một nhiệm vụ quan trọng của mặt trận ngoại giao lúc đó. Căn cứ vào tình hình thực tế ở miền Nam, tháng 6-1973, Bộ Chính trị khẳng định: “Âm mưu cơ bản và lâu dài của đế quốc Mĩ và tay sai là tìm mọi cách xoá bỏ sự tồn tại của chính quyền và quân đội cách mạng để chúng độc chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành một nước riêng với một chế độ chính trị “quốc gia” thân Mĩ, một nền kinh tế và văn hoá chịu sự chi phối của Mĩ. Đế quốc Mĩ vẫn tiếp tục duy trì một sự cam kết nhất định về quân sự và tiếp tục giúp đỡ nguỵ quyền Sài Gòn để cho bọn tay sai đủ sức đứng vững và đối phó với miền Bắc, đồng thời đảm bảo cho Mĩ bám trụ lâu dài ở miền Nam, mà tránh được nguy cơ phải dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh mới ở miền Nam”7. Do chính sách can thiệp của Mĩ và sự ngoan cố của chính quyền Sài Gòn, mặc dù quy mô và cường độ chiến tranh có giảm bớt, nhưng hoà bình vẫn chưa được lập lại ở miền Nam. Khả năng thực hiện Hiệp định Pari rất mong manh. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ còn diễn ra quyết liệt, mà trực tiếp là đánh vào công cụ của nó là bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn. Bộ Chính trị chỉ rõ đó là “cuộc đấu tranh một mất một còn để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa hoà bình với chiến tranh, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa thực dân mới, giữa dân chủ tự do và độc tài phát xít, giữa hoà hợp dân tộc và thống nhất nước nhà với chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước”8.

2. Chỉ đạo cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Pari, tranh thủ khả năng giành thắng lợi bằng phương pháp hoà bình

      Một ngày sau khi Hiệp định Pari được kí tắt (23-1-1973), Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra chỉ thị số 200 (24-1-1973), vạch rõ “cuộc cách mạng ở miền Nam có nhiều thuận lợi mới, nhưng còn gay go phức tạp, có khả năng tiến triển trong điều kiện hoà bình được giữ vững, nhưng phải sẵn sàng đối phó với khả năng địch ngoan cố phá hoại hoà bình”. Bản chỉ thị xác định: “Đấu tranh thi hành Hiệp định và công tác quốc tế trở thành những công tác quan trọng và cấp bách của Đảng và Nhà nước”9. Sau khi Hiệp định Pari được kí kết (27-1-1973), ngày 28-1-1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra lời kêu gọi, long trọng tuyên bố sẽ thi hành nghiêm chỉnh và triệt để mọi điều khoản của Hiệp định Pari, và đòi hỏi các bên tham gia kí kết đều tôn trọng và thực hiện đầy đủ Hiệp định ấy. Sau Hội nghị quốc tế về xác nhận và bảo đảm Hiệp định Pari (3-1973), Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam nhanh chóng cử các đoàn đại biểu tham gia các Ban Liên hợp Quân sự hai bên và bốn bên. Ban Chỉ đạo đấu tranh thi hành Hiệp định Pari được thành lập với nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành Hiệp định về các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế; đôn đốc, hướng dẫn các ngành và các cơ quan hữu quan trong việc đấu tranh thi hành Hiệp định; trực tiếp phụ trách việc đấu tranh thi hành các điều khoản về chính trị nội bộ miền Nam, bao gồm cả việc đấu tranh tại Hội nghị hiệp thương hai bên miền Nam ở La Xen Xanh Clu (La Celle Saint Cloud). Đấu tranh thi hành Hiệp định Pari không phải chỉ là đòi thực hiện các điều khoản của Hiệp định, mặc dù đó cũng là một bộ phận quan trọng của đấu tranh cách mạng, mà vấn đề có ý nghĩa quyết định là làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. Giương cao ngọn cờ hoà bình, thi hành Hiệp định, ngày 10-2-1973, Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định và các nghị định thư, kiên quyết giữ vững hoà bình, đồng thời kiên quyết không tha thứ cho những hành động của chính quyền Sài Gòn cũng như Hoa Kì vi phạm Hiệp định; đòi Mĩ phải hoàn toàn chấm dứt dính líu vào công việc nội bộ của Việt Nam, không được viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Đó cũng là nội dung đấu tranh bao trùm trên mặt trận dư luận quốc tế, phát huy thế mạnh cả về chính trị và pháp lí của nhân dân Việt Nam; góp phần ngăn chặn khả năng Mĩ liều lĩnh trở lại bằng quân sự. Trong cục diện “vừa đánh vừa đàm”, Đảng chỉ đạo đấu tranh trên mọi diễn đàn trong nước và quốc tế, ở các Ban liên hợp Quân sự hai bên, bốn bên tại Tân Sơn Nhất và Hội nghị hiệp thương hai bên miền Nam ở Pari. Ngày 16-4-1973 của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Công hàm tới Bộ Ngoại giao các nước kí Định ước Pari về Việt Nam và Tổng Thư kí Liên hiệp quốc Cuốcvanhem nêu ba vấn đề cấp bách là: ngừng bắn, thực hiện các quyền tự do dân chủ và thả tù chính trị ở miền Nam. Đó là những nội dung cơ bản của Hiệp định Pari, nhưng Mĩ và chính quyền Sài Gòn thường xuyên vi phạm nhằm duy trì chủ nghĩa thực dân mới. Tiến công ngoại giao trên ba vấn đề cấp bách đó là lẽ phải, tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự trừng trị những hành động phá hoại Hiệp định. Nghị quyết số 236 của Bộ Chính trị vạch rõ “phải đánh đổ Nguyễn Văn Thiệu thì mới có hoà bình và hoà giải dân tộc”. “Cần hình thành một mặt trận rộng rãi chống Thiệu, thành lập một chính quyền tán thành thật sự việc thi hành Hiệp định Pari, ban hành các quyền tự do dân chủ trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, trả lại tự do cho các tù chính trị, thực hiện hoà bình và hoà hợp dân tộc”10. Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung mũi nhọn vào Nguyễn Văn Thiệu, làm rõ yêu cầu: phải đánh đổ Nguyễn Văn Thiệu, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành thật sự việc thi hành Hiệp định Pari, ban hành các quyền tự do dân chủ trong vùng họ kiểm soát, trả lại tự do cho các tù chính trị, thực hiện hoà bình và hoà hợp dân tộc. Trước tình hình Mĩ và chính quyền Sài Gòn phá hoại việc ngừng bắn, ngày 28-6-1973, Quân uỷ Trung ương xác định nhiệm vụ trước mắt của các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam là nắm vững chiến lược tiến công, đánh bại mọi hành động lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng và chính quyền cách mạng; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, kiên quyết tiêu diệt lực lượng đối phương mở rộng chiến tranh quy mô lớn.

      Tháng 10-1973, Hội nghị 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định con đường bạo lực cách mạng; chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; tận dụng các diễn đàn đấu tranh ngoại giao buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Pari; đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn. Ban chấp hành Trung ương Đảng chủ trương: “Nắm vững pháp lí của Hiệp định Pari về Việt Nam, giương cao ngọn cờ hoà bình và lập trường chính nghĩa của ta, kiên quyết và kịp thời vạch trần trước dư luận trong nước và dư luận thế giới mọi âm mưu và hành động của địch vi phạm Hiệp định. Ra sức tranh thủ lực lượng Việt kiều ở nước ngoài tán thành và ủng hộ giải pháp của ta; tranh thủ dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ ta, lên án và gây sức ép đối với Mĩ và chính quyền Sài Gòn, ngăn chặn những âm mưu và hành động ngang ngược của chúng”11. Ngày 15-10-1973, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam ra lệnh: Kiên quyết giáng trả các hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, bất cứ ở đâu bằng các hình thức và lực lượng thích hợp. Chấp hành mệnh lệnh trên, các lực lượng vũ trang giải phóng kiên quyết phản công và tiến công, làm cho quân đội Sài Gòn hao hụt về số lượng, sa sút về tinh thần, lâm vào thế phòng ngự bị động. Trong khi đó, lực lượng cách mạng giữ vững quyền chủ động trên khắp các chiến trường, củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động, cải thiện tình hình nông thôn đồng bằng, phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn, dồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế. Tháng 1-1974, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố cuốn sách Trắng “Một năm thi hành Hiệp định Pari”, tố cáo việc Mĩ và chính quyền Sài Gòn phá hoại có hệ thống Hiệp định, nêu cao thiện chí́ và quyết tâm của nhân dân Việt Nam, làm rõ trước dư luận thế giới tình hình thực tế ở Việt Nam sau Hiệp định Pari do chính sách can thiệp của Mĩ và âm mưu kéo dài chiến tranh, phá hoại Hiệp định của chính quyền Sài Gòn. Đảng chỉ đạo phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và Campuchia, ủng hộ Lào kí hiệp định và nghị định thư có lợi cho bạn, tích cực chi viện Campuchia đấu tranh vũ trang chống Mĩ và chính quyền do Mĩ dựng ra ở Phnômpênh. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Pari đã nêu cao tính chất chính nghĩa vàg thiện chí hoà bình của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và đoàn kết quốc tế. Từ tháng 1-1973 đến tháng 4-1975, có thêm 27 nước công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về mặt ngoại giao. Các nước xã hội chủ nghĩa bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ xây dựng lại miền Bắc Việt Nam. Nhiều nước xoá nợ cho Việt Nam và coi viện trợ của họ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ của Việt Nam là viện trợ không hoàn lại. Hội nghị ngoại trưởng các nước Phong trào Không liên kết đều lên tiếng đòi Mĩ và chính quyền Sài Gòn phải ngừng những hành động chiến tranh, thi hành thoả thuận ngừng bắn. Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam họp tại Xtốckhôm năm 1974 đòi Mĩ và chính quyền Sài Gòn phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định Pari. Dư luận quốc tế luôn cảnh giác với Mĩ. Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh thi hành Hiệp định Pari được hình thành và phát triển. Cả thế giới đều thấy rõ Mĩ và chính quyền Sài Gòn là kẻ phá hoại Hiệp định Pari, là sức cản trở chủ yếu cho việc thực hiện hoà bình và hoà hợp dân tộc ở Việt Nam. Tình hình chiến trường miền Nam, tình hình quốc tế và nước Mĩ ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, cho phép nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

3. Vạch kế hoạch và chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam

      Đối với cách mạng Việt Nam, điều quan trọng của Hiệp định Pari là quân Mĩ phải rút, còn lực lượng cách mạng tiếp tục ở lại miền Nam, giữ nguyên thế và lực của cách mạng ở miền Nam để tiến lên hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước. Bộ Chính trị Trung ương Đảng khẳng định: “Quyết tâm của chúng ta là tiến lên giành thắng lợi cuối cùng chứ không bao giờ dừng lại”12. Sau 18 tháng đấu tranh thi hành Hiệp định Pari, bản chất của chế độ chính trị Sài Gòn với nhãn hiệu “quốc gia” ngày càng lộ rõ. Khả năng thi hành Hiệp định Pari không còn nữa. Phải xoá bỏ chế độ tay sai đế quốc Mĩ ở miền Nam là tất yếu. Đã đến lúc phải chấm dứt cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Ngày 22-6-1974, xét thấy không thể giải quyết được vấn đề gì tại bàn hội nghị, Đoàn dại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên bố đình chỉ không thời hạn việc tham dự hội nghị các Ban Liên hợp Quân sự hai bên và Tổ Liên hợp Quân sự bốn bên. Ngày 23-6-1974, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố ủng hộ quyết định đúng đắn của Cộng hoà miền Nam Việt Nam và đình chỉ tham dự các phiên họp của hai cơ quan liên hợp quân sự này. Các trưởng đoàn và một bộ phận nhân viên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt nam trong các Ban Liên hợp Quân sự rời Tân Sơn Nhất. Bộ phận còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ đấu tranh dư luận. Tại diễn đàn hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mĩ ở Pari, ngày 25-8-1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi cho Mĩ một bức thông điệp cuối cùng phê phán Mĩ không có thiện chí, gây trở ngại và có ý đồ phá hoại Hiệp định Pari. Đàm phán tại diễn đàn này cũng chấm dứt. Tại diễn đàn hai bên miền Nam Việt Nam ở Pari, sau một thời gian đấu tranh gay gắt, từ tháng 8-1974 bị ngừng trệ, đến đầu năm 1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đơn phương cắt hẳn việc tham gia diễn đàn này. Để tiến lên dùng chiến tranh cách mạng xoá bỏ công cụ thực dân mới của đế quốc Mĩ, ba vấn đề cấp bách cũ (ngừng bắn, thực hiện các quyền tự do dân chủ và thả tù chính trị) không còn thích hợp nữa, cần phải rút bỏ. Ngày 8-10-1974 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam, nêu hai vấn đề cấp bách mới:

      1. Chính phủ Hoa Kì chấm dứt hoàn toàn và triệt để mọi dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

      2. Đánh đổ Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh, trở ngại chính cho việc giải quyết các vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hoà bình, hoà hợp dân tộc, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam.

      Mũi nhọn của cuộc đấu tranh không chỉ nhằm vào cá nhân Nguyễn văn Thiệu như trước, mà nhằm vào toàn bộ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu. Tuyên bố đó đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đó là một đòn tiến công ngoại giao sắc bén, ngăn chặn khả năng Mĩ thay Nguyễn Văn Thiệu và yêu cầu ngừng bắn để tháo gỡ tình thế. Ngày 30-9-1974, Bộ Chính trị họp Hội nghị bàn nhiệm vụ chống Mĩ cứu nước trong hai năm 1975-1976. Đợt một họp đến ngày 8-10-1974. Trong đợt họp này, Bộ Chính trị tập trung phân tích tình hình quốc tế của chiến tranh Việt Nam, đánh giá thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ở thời điểm này, Việt Nam không chỉ là vấn đề đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, mà về khách quan còn là đối thủ quan trọng phải khuất phục trong sự tính toán chiến lược của những thế lực khác nhau muốn tranh giành Đông Nam Á. Bộ Chính trị nhận định: “Âm mưu của họ rất nguy hiểm, nhưng lúc này chưa ai sẵn sàng, chưa ai làm nổi”13. So sánh lực lượng trên chiến trường đang có lợi cho cách mạng Việt Nam đang ở thế thắng, thế tiến lên, trong khi địch bị thất bại liên tiếp cả về chính trị và quân sự, nên thế và lực đang xuống dốc. Bộ Chính trị đánh giá “Mĩ không có khả năng quay lại miền Nam”, đồng thời khẳng định “dù Mĩ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng”.

      Trên cơ sở phân tích toàn diện, Bộ Chính trị chỉ rõ quân và dân Việt Nam đang có thời cơ, đây là thời cơ thuận lợi nhất để hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”14.

      Từ ngày 8-12-1974 đến ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp đợt hai, tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc họp sắp kết thúc thì các lực lượng cách mạng giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975), nhưng địch không có phản ứng gì. Trận trinh sát chiến lược Phước Long cho thấy khả năng đối phó hạn chế của Mĩ. Bộ Chính trị đi sâu phân tích so sánh lực lượng giữa trên chiến trường, khẳng định “thế của địch ngày càng xấu, lực của địch ngày càng suy”. Bộ Chính trị quyết định “phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”, và nêu rõ “phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”. Để đảm bảo thắng lợi, phải làm hết sức mình để tăng cường lực lượng, đảm bảo đầy đủ về nhu cầu vật chất, kĩ thuật cho chiến trường; làm thật tốt công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội, trong nhân dân, động viên toàn quân, toàn dân nêu cao ý chí “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”; sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc nhằm cô lập bọn tay sai ngoan cố; làm sáng tỏ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới; ngăn chặn âm mưu và thủ đoạn can thiệp, phá hoại của đế quốc Mĩ và bọn phản động quốc tế. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Trận quyết chiến chiến lược này là một sự nghiệp trọng đại. Nó sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần làm thay đổi cục diện ở Đông Dương, Đông Nam Á, mở ra bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới. Đảng ta quyết làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả… Chúng ta nhất định thắng”15. Những hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong mùa Xuân 1975 tập trung thực hiện quyết tâm chiến lược tổng tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng giải phóng hoàn toàn miền Nam với ba đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định. Phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự nhằm tranh thủ thời cơ thuận lợi, mà về mặt đối ngoại, việc thực hiện phương châm này có tác dụng ngăn chặn triệt để khả năng can thiệp bằng mọi biện pháp từ bên ngoài trong bối cảnh quốc tế phức tạp lúc bấy giờ. Ngày 21-4-1975, khi các binh đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung tới mức áp đảo, hình thành thế bao vây và ngày càng xiết chặt quanh Sài Gòn, Mĩ ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đưa Trần Văn Hương lên thay, đề nghị ngừng bắn và thương lượng. Ngày 22-4-1975, Tổng thống Pháp kêu gọi các bên ở Việt Nam ngừng bắn, mở rộng các cuộc thương thuyết để chấm dứt chiến tranh.

      Ngày 26-4-1975, Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố, vạch rõ âm mưu của Mĩ muốn duy trì một chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không có Thiệu, đòi phải xoá bỏ chính quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ, xoá bỏ bộ máy chiến tranh, bộ máy kìm kẹp và đàn áp nhân dân ở miền Nam. Bản tuyên bố kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước yêu chuộng hoà bình và công lí trên thế giới, kể cả nhân dân Mĩ, hãy ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam. Cùng ngày, các binh đoàn chủ lực của Việt Nam bắt đầu vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài để tiến vào nội đô Sài Gòn, chính quyền và quân đội Sài Gòn lâm vào nguy kịch.

      Ngày 28-4-1975, Dương Văn Minh được đưa ra thay cho Trần Văn Hương với yêu cầu hoà bình thương lượng. Nhưng đã quá muộn. Mọi nỗ lực cứu vãn chế độ chính trị Sài Gòn đều không còn thích hợp. Quân đội và nhân dân Việt Nam kiên quyết “đánh cho nguỵ nhào”, tiêu diệt những hi vọng cuối cùng của những thế lực muốn giữ chính quyền Sài Gòn để vớt vát quyền lợi. Trong tình thế tuyệt vọng, 10 giờ 15 phút ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh thông báo cho quân đội Sài Gòn ngừng bắn và đồng thời cũng muốn phía cộng sản làm như vậy để chuyển giao chính quyền có trật tự. Theo nhà sử học Mĩ Gabriel Kolko thì đó là “một cuộc đầu hàng, nhưng chắc chắn không phải là đầu hàng không có điều kiện”16. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục tiến quân theo kế hoạch “với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”17. Tuy nhiên khi các binh đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khoá chặt mọi cửa ngõ ra vào Sài Gòn, thông qua Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, sớm ngày 28-4-1975, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông báo chấp thuận đề nghị của Mĩ, hoãn cuộc tiến công trong hai ngày 28 và 29-4-1975, để trực thăng Mĩ chở nốt những người “di tản” và những người Mĩ còn sót lại trong Sài Gòn mà không bị tiến công. Thực hiện sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, linh hoạt và kiên quyết, quân đội và nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, quét sạch cơ đồ thực dân mới của đế quốc Mĩ, rửa sạch nỗi nhục mất nước, thu non sông về một mối, mở ra kỉ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

__________
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1 Viện trợ Mĩ cho chính quyền Sài Gòn lúc đó trị giá khoảng 750 triệu đôla, bao gồm 700 máy bay, 400 xe tăng, 2 triệu tấn vật tư kĩ thuật. Từ sau ngày kí Hiệp định đến cuối năm 1973, Mĩ đưa vào miền Nam 90 máy bay, 100 khẩu pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

2 George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mĩ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 331 và 333.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 147.

4 George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mĩ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 331 và 333.

5 Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 35, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nộ, 2004, tr. 176.

6 Thậm chí, đến năm 1998, Ilya V. Gaiđuk, một nhà nghiên cứu của Viện Lịch sử Thế giới Mátxcơva, một chuyên gia về quan hệ Xô – Mĩ, vẫn cho rằng: việc kí hiệp định Paris năm 1973 đã “chấm dứt sự dính líu trực tiếp của Mĩ vào cuộc chiến và mở ra một giai đoạn mới của cuộc xung đột là giai đoạn đối đầu giữa hai thế lực thù địch người Việt Nam mà không có sự can thiệp nước ngoài”. Xem Ilya V. Gaiduk. Liên bang xô viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 15.

7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, Sđd, tr. 147.

8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, Sđd, tr. 177.

9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, Sđd, tr. 5 và 8.

10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 35, Sđd, tr. 122.

11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, Sđd, tr. 243 và 256.

12 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 35, Sđd, tr. 177.

13 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 35, Sđd, tr. 184.

14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 35, Sđd, tr. 185.

15 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 35, Sđd, tr. 192, 195 và 197.

16 Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, tập 2, Nxb QĐND, Hà Nội, 1991, tr. 239.

17 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 176.

 Nguồn: http://ussh.vnu.edu.vn


Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16