Rút khỏi Huế là quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của tôi
[ 02/05/2013 16:33 PM | Lượt xem: 2112 ]

Trong thời gian Mậu Thân 1968, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó là chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, đơn vị chủ lực đánh vào thành Huế và giữ Huế 25 ngày, để Huế được tôn vinh là "Stalingrad của Việt Nam"...10 năm sau, tướng Phiêu thẳng thắn nhìn nhận lại sự kiện này.

Chúng ta đã đánh giá địch thấp

Sau 40 năm nhìn lại, ông có thể nói thêm điều gì về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968?Tôi có rất nhiều tư liệu về chiến dịch Mậu thân, vì lúc đó tôi vừa làm Chính uỷ Trung đoàn kiêm Trung đoàn trưởng, ở nội thành Huế 25 ngày. Lúc đó toàn miền Nam tấn công, mà là tấn công ở thành phố, đánh đồng loạt cùng một lúc, lấy giờ G tức là giờ Bác Hồ đọc thư chúc Tết lúc giao thừa để bắt đầu đánh. Hai chiến trường trọng điểm nhất là Sài Gòn và Huế. Nói tới Sài Gòn, Huế tức là người ta muốn nói tới đô thị. Lâu nay ta vẫn đánh ở "vòng ngoài", nhưng lần này ta lại đánh thẳng vào đô thị. Trận ở Huế được ví là "đưa chiến tranh vào trong lòng địch", "đánh địch ngay từ trong nhà"...

Nhưng ý nghĩa của nó lâu nay chúng ta đã nói rồi, và cũng đã viết vào sách giáo khoa. Nhưng diễn biến chiến đấu, gương anh hùng của quân đội và lực lượng chính trị, tức là nhân dân, cũng đã nói nhiều, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chủ yếu chỉ nhấn mạnh tới một bài học, vừa là bài học chiến trường, vừa là bài học chỉ đạo của cấp trên. Bài học đó không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh mà có ý nghĩa cả với bây giờ. Vì có những điều trước đây chưa nói ra, nhưng sau một độ lùi về thời gian, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá thật đúng mực, khách quan.

Thời điểm diễn ra chiến dịch có ý nghĩa như thế nào đối với chiến cuộc chung, thưa ông?

Thời điểm cuối năm 1967 đầu năm 1968, tuy cuộc chiến diễn ra phức tạp nhưng địch ở chiến trường miền Nam thất bại liên tiếp. Địch đã huy động vào chiến trường miềnNam lên tới 9 sư đoàn trong tổng số 22 sư đoàn, 1/4 lực lượng hải quân. Phương tiện máy bay huy động cũng lớn. Chiến tranh phá hoại đánh ra miền Bắc thì không ngừng "leo thang".

Tiềm lực quân sự của địch đã dốc vào miền Nam rất lớn nhưng địch đã bắt đầu thấy khó khăn. Ta nhìn nhận vấn đề như vậy, trong khi ở chiến trường miền Nam ta xen kẽ hình thành thế "cài răng lược".

Nghĩa là ngay trong lòng địch cũng có những vùng giải phóng mà chúng ta vẫn thường gọi là căn cứ "lõm". Căn cứ "lõm" là cơ sở để cho lực lượng "bất hợp pháp" của ta, kể cả lực lượng chính trị, đứng chân, làm bàn đạp đề tấn công. Trong khi đó, lực lượng hợp pháp công khai của ta có thể đấu tranh, biểu tình...

Trước tình hình đó, chúng ta quyết định phải đánh đòn quân sự và khởi nghĩa của quần chúng: tức là một bên quân sự tấn công, một bên nhân dân nổi dậy giành lấy chính quyền. Buộc Mỹ phải khẳng định không thể dùng quân sự để thắng trong chiến tranh ở Việt Nam được.

Như vậy có thể coi năm 1968 là đỉnh cao của chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân không?

Nó là một đỉnh cao. Ta đã đạt được một mục tiêu đề ra là khiến Tổng thống Mỹ Johnson lúng túng và không ra ứng cứ nhiệm kỳ thứ hai nữa. Mỹ buộc phải ngừng đánh phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Paris .

Về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, lâu nay bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa to lớn, thắng lợi to lớn của sự kiện này vẫn tồn tại một luồng ý kiến khác: đó là việc tiến hành Tổng tấn công là có chủ quan, có nóng vội nên những mục tiêu đặt ra không đạt được hết và tổn thất trong cuộc chiến cũng nặng nề. Là người chỉ huy trực tiếp ở chiến trường, quan điểm của ông là thế nào?

Cái đó thì đúng thôi. Chúng ta đã thật sự có thời cơ vào lúc đó như tôi đã phân tích ở trên. Ta thấy thời cơ như thế nên quyết tâm gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi, buộc Mỹ phải chịu thua về quân sự. Ta đã nêu khẩu hiệu là tổng tấn công, tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Thế nên ở dưới "khoái" lắm, ai cũng thấy dứt khoát ta sẽ giành thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, khi đặt ra mục tiêu lớn như thế là chúng ta vẫn còn đánh giá có phần hơi thấp địch. Ta không thấy rằng địch vẫn còn có khả năng nên còn phản ứng quyết liệt như thực tế khó khăn ở chiến trường sau đó cho thấy. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng tôi ở chiến trường lao đao mất 2 năm rưỡi, đến năm 1972 ta mới có được những chuyền biến tích cực. Năm 1973 Mỹ mới rút quân.

Chúng ta cần thiết có một cuộc tấn công và nổi dậy như thế. Nhưng theo ông, chúng ta có nên chuẩn bị kỹ hơn để giảm bớt thiệt hại cho mình và thắng lợi toàn vẹn hơn?

Bài học rút ra không chỉ cho quân sự mà cho cả chính trị nữa. Lúc đó chúng ta hăm hở muốn tấn công giành thắng lợi. Ngày tuyên bố cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào ngày 25/12/1968 . Để có được là một quá trình. Những khi tiếng súng tiến công vang lên, thì chỉ có khí thế hăm hở xông trận, không còn bàn đến quá trình nữa. Nói đến quá trình là phải nói đến thời gian, nó có thể diễn ra 3 tháng, 5 tháng với vài ba chiến dịch, thậm chí một năm với nhiều chiến dịch. Đây là một bài học thật sâu sắc cho chúng ta.

Đánh không phải là liều

Được biết trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công, ông đang là Chính uỷ Trung đoàn 9 ở thành Huế, khi nhận được mệnh lệnh tấn công, ông có tin tưởng là mình sẽ thắng lợi không?

Lúc đó bọn mình đứt khoát tin là thắng lợi. Sau khi có lệnh trên rồi, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lại có lệnh tổng động viên, như một hiệu triệu khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám. Khí thế mọi người hăm hở, nghĩ chỉ có thắng.

Nhưng bước vào chiến dịch, ta bắt đầu gặp phải những khó khăn nhất định và hiểu ra rằng không thể thắng địch được ngay. Sau một thời gian ngắn bị bất ngờ,địch cũng đã chiếm tái lại được nhiều nơi. Khi đó, ông có cảm thấy thất vọng về chiến dịch hay không?

Không thất vọng, nhưng ban đầu cũng có băn khoăn. Ở Trị Thiên-Huế, địch có 10 vạn quân. Ở Khe Sanh, chúng bố trì các sư đoàn chủ lực mạnh như thủy luân lục chiến, sư đoàn dù.... phía Bắc là chủ lực của ta. Ta chỉ có 2 trung đoàn, một trung đoàn có khoảng 2.700- 3.000 quân, tức là khoảng 6.000 người, cộng thêm cả dân quân thì có khoảng 10 vạn. Hoả lực của địch mạnh hơn ta nhiều.

Ta có lo lắng nhưng lại tin ta có yếu tố bất ngờ (đánh vào thành phố của nó và đánh đúng lúc giao thừa. Địch chưa bao giờ nghĩ ta có thể đánh lớn vào thành phố như thế), thêm nữa là toàn miền cùng đánh.

Yếu tố bất ngờ có giữ được đến phút cuối không?

Vì giữ được bí mật đến phút cuối, nên chúng tôi tin tưởng là sẽ giành thắng Nhưng như tôi nói, ta chỉ có 2 trung đoàn, lại không có lực lượng dự bị phía sau, tất cả tập trung đánh, nhưng đằng sau lại không có lực lượng hộ vệ nên khi địch nhảy dù tập kích phía sau lưng ta bị "hở sườn".

So với lực lượng như vậy mà ta vẫn quyết tấn công thì liệu có liều không?

Không phải là "liều". Ta nghĩ, tấn công là toàn miền đều đánh. Ta có 4-5 sư đoàn chủ lực và hoả lực của ta cũng rất mạnh. Đà Nẵng, Sài Gòn, các thành phố lớn đều đồng loạt đánh thì nhất định địch phải chống đỡ vất vả. Nhưng đánh đến ngày thứ 5 rồi thì bắt đầu thấy có chuyện khó khăn. Vì nhiều nơi không đánh nữa, quân ta ở Sài Gòn, Đà Nẵng cũng rút dần...

Tình hình rất phức tạp. Thế nên mới có chuyện Huế xin rút. Nhưng cấp trên ra lệnh không rút, vẫn phải giữ Huế vì cố đô rất quan trọng. Cố đô nhỏ chứ không lớn như Sài Gòn nhưng tiếng vang của nó rất quan trọng, không chỉ cho Huế mà có lợi cho cả chiến trường. Đã có ý kiến bình luận, ví cố đô Huế giống như Stalingrat của Việt Nam.

Xin rút nhưng không được rút, khi đó ông có băn khoăn nhiều không?

Có băn khoăn nhưng vì nằm trong một cục diện chung nên phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên. Nhiệm vụ khi ấy ở Huế là còn phải kéo địch ra, để các nơi có điều kiện tấn công, giành thắng lợi.

Kút khỏi kinh thành

Cuối cùng chúng ta phải rút vì thương vong nhiều và công tác tiếp tế gặp khó khăn?

Trên rừng núi tiếp xuống một phần. Nhưng rất khó khăn. Có một bộ phận chuyên lo việc này. Nhưng khi đó ta đánh giáp lá cà với Mỹ, 7 ngày, rồi 15 ngày, 20 ngày, và đến ngày thứ 25, Bộ chỉ huy vừa báo cáo với cấp trên, vừa cho quân rút ra ngoài thành. Cần nhớ rằng lúc đó địch bỏ các nơi khác, quây vào đánh Huế. Ơ" A Sầu A lưới một số khu hậu cần, đạn dược của ta bị địch phá hoại, chia cắt nên tình thế rất khó khăn. Khi rút quân, trời mưa tầm tã, bộ đội đói, nhưng chúng ta đã đưa được hết thương binh ra ngoài.

Quyết định rút lui trong khi chư có ý kiến phê chuẩn của cấp trên, đó là quyết định rất khó khăn của ông?

Đó là quyết định lớn nhất, khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Như trên ông nói, chúng ta rất cần rút ra bài học lớn sau 40 năm nhìn lại sự kiện này, bài học đó là gì?

Bài học lớn nhất cũng vẫn là đánh giá địch - ta cho thật đúng. Đã đánh giá đủ rồi thì yêu cầu đặt ra cũng phải vừa phải. Nếu yêu cầu đặt ra cao quá thì không đạt yêu cầu Cuộc Tổng tấn công đặt ra 46 mục tiêu thì ta cũng đã chiếm được gần hết nhưng sau đó lại bị địch chiếm lại, trong khi lực ta cũng có hạn thôi. Sau khi rút lui rồi lại có lệnh phải đánh nữa. Địch đã mạnh quá trong khi ta lại yếu, gạo không đủ thậm chí còn đói nữa. Phải ăn cháo, thậm chí ăn rau để đánh giặc. Thế mà vẫn yêu cầu phải đánh nữa, chứng tỏ rằng ta đánh giá địch không hết.

Ông có phản đối lệnh này không?

Lúc đó tôi có viết thư đề xuất ta cần đánh địch vòng ngoài. Nếu ta càng đưa lực lượng vào nội thành thì càng làm mồi cho nó diệt, vì lúc này đã hết yếu tố bất ngờ rồi. Địch dùng B52, đại bác dưới tàu dội y, chúng ta. Mặt khác, các cuộc tiến công không đồng loạt như ban đầu, một số nơi không đánh được như Đà Nẵng, Sài Gòn gần như chỉ còn lại mỗi Huế. Vinh quang có thật, tinh thần chiến đấu thì anh dũng tuyệt vời, nhưng đúng là có khó khăn. Giữ được Huế 25 ngày như thế đã là "ghê" lắm rồi. Khi rút ra ngoài, cả trung đoàn chỉ còn đúng 5 cân gạo.

Theo ông thì lúc đó địch có ý đồ san phẳng kinh thành Huế không?

Địch chưa có ý định san phẳng. San phẳng thì Huế biến thành bình địa, như vậy cũng không ăn thua và không có lợi ích địch. Địch muốn làm sao chiếm lại được Huế, tức là giành lại vùng đất chúng quản lý đã bị mất Nếu chúng không chiếm lại đưược mà phải buộc san phẳng đi thì chính chúng nó "nhục nhã".

Hãy giữ gìn di sản

Ông vừa được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vì những cống hiến cho cách mạng, lúc này ông nhớ tới đoạn đời nào nhất?

Phần lớn thời gian tôi ở chiến trường Năm 1949, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi được kế nạp Đảng. Sau đó tôi vào chiến trường, đi liên miên, đi cả chiến trường Lào Campuchia. Năm 1977, hoà bình lập lại, tôi lại sang Lào. Sau đó là sang Campuchia Năm 1990, tôi mới ở Campuchia về. Năm 60 tuổi, tôi mới vào TƯ, trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Người lính cần có những tố chất gì, thưa ông?

Luôn tận tâm vì Tổ quốc, vì nhân dân. Có những tình huống phải sẵn sàng xả thân vì đất đất nước. Phải đặt cái đó lên trên hết, một cách vô điều kiện

Sau 40 năm kể từ Tết Mậu Thân 1968, ông muốn nói gì với người dân Trị Thiên - Huế?

Năm nào tôi cũng vào đó. Huế bây giò đã trở thành một di sản văn hoá của cả nước, của quốc tế. Trong thời gian chiến tranh, sự hy sinh của quân và dân Huế không phải ít. Ai mà không nghe đến câu Bình Trị Thiên khói lửa, đó là Huế năm 1968, là Thành cổ Quảng trị 1972. Bao giờ quân và dân Trị Thiên- Huế cũng hoàn thành nhiệm vụ của bình một cách xuất sắc.

Tôi nhớ mãi, khi chúng tôi khi đánh Mậu Thân xong rồi, lúc rút ra thì hết cả lương thực. Lên rừng, anh em thấy các nương rẫy, có người đói quá đã lấy sắn của dân, có người vướng bẫy của đồng bào Pa cô, hy sinh. Mình giáo dục bộ đội không được lấy sắn của dân, nhưng thực ra lúc đó rừng không còn gì, rau không còn. Thương lắm! Đồng bào cũng không giận bộ đội, họ nói rằng " bộ đội miền Bắc" đẹp như , chúng tao không có gạo nuôi chúng mày, nên chúng mày không được thi hành kỷ luật mấy đứa lấy sắn của chúng tao". Cảm động lắm! Tôi muốn kể lại câu chuyện này, một câu chuyện đẹp giữa vô vàn những câu chuyện đẹp thời chiến tranh, để tạ ơn với đồng bào Trị Thiên-Huế, những người đã cưu mang bộ đội, cũng là để nhắc nhở các bạn trẻ hôm nay nhớ lấy di sản quý báu đó của Tổ Quốc, dân tộc.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16