CƠ CẤU VÀ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT
Ở CHÂU THỔ SÔNG HỒNG TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh
Châu thổ sông Hồng (CTSH) bao gồm Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và 9 tỉnh là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình với diện tích tự nhiên là 1.478,9 nghìn ha và 16,83 triệu người ( chiếm 22,05% dân số cả nước)[1]
Là vùng kinh tế trọng yếu của đất nước, Châu thổ sông Hồng có lịch sử phát triển lâu đời và là cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Kể từ sau Khoán 100 (1981) đến nay, năng suất lúa ở khu vực này đã tăng gấp 3 lần so với năng suất lúa của miền Bắc vào năm 1974, đưa sản lượng lúa thu được đạt 6,7 triệu tấn (năm 2002) . Nguyên nhân chủ yếu của những biến đổi đó là do sự thay đổi về diện tích và quan hệ sử dụng ruộng đất. Nhưng diện tích và cơ cấu sử dụng ruộng đất ở châu thổ sông Hồng đã thay đổi như thế nào, và đã có tác động gì đối với những chuyển biến của sản xuất nông nghiệp ở vùng này trong thời kỳ đổi mới? Bài viết của chúng tôi sẽ góp phần tìm hiểu về vấn đề đó.
I. TÌNH HÌNH RUỘNG ĐẤT Ở CHÂU THỔ SÔNG HỒNG THỜI KỲ TRƯỚC KHOÁN 10 (1988)
Từ năm 1958 trên toàn miền Bắc Việt Nam, hầu hết ruộng đất cũng như sản xuất nông nghiệp đều được tập thể hoá và đặt dưới sự quản lý của các hợp tác xã. Với tư cách đại diện cho thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã quản lý hầu hết đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp. Năm 1980, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở miền Bắc thuộc quyền quản lý của hợp tác xã (HTX) là 2.239.776 ha, quy mô đất canh tác bình quân của một hợp tác xã là 202ha/1 HTX và ở châu thổ sông Hồng, con số đó là 729.640 ha và 340 ha/1 HTX[2]
Cho đến giữa những năm 1980, mặc dù chính sách Khoán 100 đã được thực hiện nhưng về cơ bản, cơ cấu ruộng đất ở khu vực châu thổ sông Hồng vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể so với thời kỳ trước đó. Bảng thống kê sau (bảng 1) thể hiện khá rõ điều đó:
Bảng 1. Tình hình ruộng đất ở châu thổ sông Hồng sau Khoán 100 (1981) [3]
STT | Loại đất | Năm 1985 | Năm 1987 | ||
Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Diện tích (ha) | Tỷ Lệ (%) | ||
1 | Đất tự nhiên | 1.153.179 | 100,00 | 1.152.693 | 100,00 |
2 | Đất nông nghiệp | 662.185 | 57,42 | 656.114 | 56,92 |
3 | Đất lâm nghiệp | 37.683 | 57,42 | 37.667 | 3,20 |
4 | Đất chuyên dùng | 138.435 | 12,00 | 134.039 | 11,62 |
5 | Đất thổ cư | 101.665 | 8,80 | 107.659 | 9,33 |
6 | Đất chưa sử dụng | 213.031 | 18,47 | 217.214 | 18,84 |
Qua bảng thống kê trên cho thấy, so với đầu thập niên 1980, diện tích đất canh tác ở châu thổ sông Hồng không những không được mở rộng mà còn giảm đi khá nhiều (6.071ha trong vòng 2 năm). So với các địa phương khác, đây là nơi có bình quân đất canh tác thấp nhất so với cả nước. Năm 1985, bình quân diện tích canh tác của hộ ở khu vực này chỉ đạt 3488m2/hộ, thấp hơn so với mức bình quân hộ của miền Bắc (thời kỳ trước năm 1957) là 360m2[4]. Mức bình quân diện tích đất canh tác tính theo nhân khẩu và lao động nông nghiệp của khu vực này cũng rất thấp so với các khu vực khác. Điều này thể hiện rõ trong bảng thống kê sau:
Bảng 2. Bình quân đất canh tác ở châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long[5]
Khu vực | Hộ nông nghiệp (m2/hộ) | Nhân khẩu nông nghiệp (m2/khẩu) | Lao động nông nghiệp (m2/lđ) |
Cả nước | 8.325 | 1.678 | 4.390 |
Châu thổ sông Hồng | 3.488 | 860 | 2.494 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 12.374 | 2.190 | 5.014 |
Như vậy, trước năm 1988, diện tích, cơ cấu và quan hệ sử dụng ruộng đất ở châu thổ sông Hồng nhìn chung chưa có thay đổi đáng kể: diện tích ruộng đất không tăng, bình quân ruộng đất thấp, hầu hết ruộng đất vẫn thuộc quyền quản lý của hợp tác xã. Đây là lí do chủ yếu khiến cho nền nông nghiệp ở đây chưa có nhiều chuyển biến tích cực, chưa có những thành tựu nổi bật, xứng đáng với tầm vóc của khu vực - một vùng nông thôn giàu tiềm năng phát triển.
II. CƠ CẤU VÀ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở CHÂU THỔ SÔNG HỒNG TỪ SAU KHOÁN 10 (1988)
1. Từ sự biến đổi về diện tích, cơ cấu và quan hệ sử dụng ruộng đất
Từ 1986 trở đi, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung đã từng bước chuyển biến mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm ngày càng tăng. Một trong những yếu tố quyết định bước phát triển của kinh tế nông nghiệp trong những năm qua là chính sách đổi mới trong quan hệ sở hữu và sử dụng ruộng đất.
Trước yêu cầu đổi mới và tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, ngày 5/4/1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI) về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10), và sau đó là Luật đất đai (tháng 7/1993), Luật Hợp tác xã (1/1/1997)...lần lượt ra đời.
Theo đó, ruộng đất vẫn thuộc sở hữu tập thể nhưng người nông dân có quyền sử dụng ổn định lâu dài tuỳ theo loại cây canh tác (10 - 15 năm với cây trồng hàng năm, hay 50 năm đối với cây lâu năm). Bên cạnh quyền chủ động sử dụng ruộng đất vào các mục đích sản xuất kinh tế theo quy định của Nhà nước, người nông dân còn có quyền chuyển đổi, sang nhượng, cho thuê, thế chấp ruộng đất. Như vậy, ruộng đất về thực chất đã được chuyển từ chế độ sở hữu tập thể sang chế độcông hữu tư dụng hay sở hữu tư nhân hạn chế. Với sự thay đổi này, Nhà nước đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp.
Từ sau 1988, dưới tác động của chính sách đổi mới về ruộng đất, cơ cấu và diện tích các loại đất ở châu thổ sông Hồng có khá nhiều thay đổi, thể hiện qua bảng thống kê sau:
Bảng 3. Tình hình sử dụng đất đai ở châu thổ sông Hồng từ 1990 đến nay[6]