Bản Tuyên ngôn độc lập và trí tuệ lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[ 12/11/2012 20:51 PM | Lượt xem: 1447 ]

TCCSĐT - Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945) là sự kết hợp khéo léo, tài tình, sáng tạo, mang tầm vóc thời đại giữa văn hóa Việt Nam, ý chí độc lập của dân tộc với sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến thiết nên.

Công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Tuyên ngôn

Sáng ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong cuộc họp này, Người nhất trí với Thường vụ Trung ương Đảng về những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời. Người đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ Lâm thời để tạo ra một mặt trận lớn hơn nhằm quy tụ, tập hợp đông đảo và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Người tiến hành soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị để nước Việt Nam chính thức tuyên bố độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa trước toàn thể nhân dân trong nước và toàn thế giới.

Ngày 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số đồng chí lãnh đạo đến trao đổi, góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo.

Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội tại vườn hoa Ba Đình, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ý nghĩa lịch sử bản Tuyên ngôn

Tuyên ngôn độc lập khẳng định trước hết và trên hết một chân lý lịch sử: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Do đó, sẽ không có và không một dân tộc nào có quyền áp bức, bóc lột, đè đầu, cưỡi cổ dân tộc khác và cũng không được dân tộc nào coi dân tộc khác là hạ đẳng so với dân tộc mình. Dân tộc Pháp, Nhật, Mỹ hay dân tộc Việt Nam đều bình đẳng như nhau. Người Việt Nam đứng lên đấu tranh để giành độc lập cũng chỉ để nhằm giành lấy quyền bình đẳng như mọi dân tộc, quốc gia khác. Đó là quyền chính đáng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu xâm lược, áp bức, bóc lột và nô dịch dân tộc Việt Nam là thế lực đó đã chà đạp lên những nguyên tắc sơ đẳng nhất của quyền dân tộc tự quyết, vi phạm luật pháp quốc tế và chắc chắn thế lực đó sẽ bị sự phản kháng đến cùng của dân tộc Việt Nam và cùng chung số phận của những kẻ từng xâm lược Việt Nam trong lịch sử.

Tuyên ngôn độc lập là bản khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là tác phẩm bất hủ và hoành tráng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bản Thiên cổ hùng văn, kết tinh rực rỡ và thể hiện sáng ngời truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm kiên cường, bất khuất, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đánh dấu một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bản Tuyên ngôn góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam - quyền tự do, độc lập.

Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân và dân tộc Việt Nam với toàn thế giới. Văn kiện pháp lý này thay thế cho tất cả các văn kiện pháp lý của các chế độ cũ trước đó và khẳng định rõ ràng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đã tuyên bố chính thức một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và sẽ trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và của cả quốc gia, dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn còn là bản cáo trạng tuyên bố kết liễu sự tồn tại các chính quyền của các triều đại phong kiến và chế độ thực dân nửa phong kiến đã suy tàn. Chính quyền cách mạng mới được thành lập là chính quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, và là chính quyền tồn tại và phát triển bền vững mãi mãi đúng với ý nguyện của quần chúng nhân dân.

Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam nguyện đem hết mọi trí tuệ và sức lực, tính mạng và của cải để bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ của chính mình. Đó là ý chí không gì lay chuyển và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Bản Tuyên ngôn độc lập tạo dựng nên nền tảng, tiêu thức và hạt nhân thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam để thuyết phục, tập hợp, động viên, quy tụ và đoàn kết mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng kề vai sát cánh xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng bảo vệ nền độc lập và tự do đã được chính thức khai sinh từ bản Tuyên ngôn trọng đại này.

Tuyên ngôn độc lập còn là tác phẩm bất hủ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam hội tụ được các trào lưu lịch sử Việt Nam với trào lưu lịch sử nhân loại, làm xích lại gần nhau những quan niệm về quyền sống của con người và cao hơn là quyền dân tộc tự quyết của Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới. Bản Tuyên ngôn đã lấy những khẳng định trong Tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ và Tuyên ngôn dân quyền của Pháp làm căn cứ để đưa ra những tuyên bố hợp lô-gích về quyền của dân tộc Việt Nam và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo và phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Điều đó đã khẳng định dân tộc Việt Nam sẽ cùng kề vai sát cánh với các dân tộc khác trên thế giới trong cuộc đấu tranh bảo vệ những quyền thiêng liêng và cao cả của dân tộc mình. Nó còn là sự kết hợp hữu cơ giữa những tinh hoa về trí tuệ và văn hóa của nhân loại với những giá trị bền vững của trí tuệ và nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Mối quan hệ biện chứng này còn thể hiện năng lực sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào xử lý các vấn đề cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Trí tuệ lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngoài những giá trị to lớn đã nêu, Bản Tuyên ngôn độc lập còn thể hiện trí tuệ lỗi lạc và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã góp phần hình thành phương pháp luận và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh tạo nền tảng thống nhất triệt để và nền tảng tư tưởng, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam. Trong Tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ có câu: “All men are created equal”. Câu này được dịch ra tiếng Việt Nam là “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Mệnh đề này được coi như là một điều hiển nhiên và nó đánh giá là sự khám phá vĩ đại và đóng góp có ý nghĩa trọng đại của nước Mỹ đối với nhân loại. Tuy nhiên, mệnh đề này mới chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh con người. Không dừng lại ở khẳng định có tính triết lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiến một bước xa hơn và cao hơn về tầm tư duy là khẳng định điều này ở phạm vi rộng hơn với ý nghĩa sâu sắc hơn là “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng” (All people are created equal) để từ đó khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc (cộng đồng người) chứ không chỉ đơn thuần là quyền bình đẳng giữa người với người (cá nhân). Ở đây, Người đã thay thế từ mọi người thành từ mọi dân tộc - sự thể hiện những giá trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây được thay thế bằng những giá trị mang tính tập thể là đặc trưng của văn hóa phương Đông. Sự chuyển hóa giá trị được thực hiện thông qua một bước tiến tưởng chừng rất đơn giản này lại là sự khẳng định khả năng trí tuệ lỗi lạc và thiên tài của Hồ Chí Minh trong lịch sử. Đồng thời, bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng, về quá trình hội nhập của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Điều đó đã được khẳng định tiếp trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”, bằng quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong 67 năm qua được khẳng định trong đường lối đối ngoại chủ động và tích cực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẵn sàng “là bạn, đối tác đáng tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(1), vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Bản Tuyên ngôn độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản Việt Nam. Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận của giai cấp vô sản thế giới. Bản Tuyên ngôn độc lập còn thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư tưởng Mác - Lê-nin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”./.

________________

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 83-84 

PGS.TS. Nguyễn Thường LạngĐại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8