Bản lĩnh Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam 1920-1945
[ 11/05/2017 00:00 AM | Lượt xem: 1934 ]

  Bản lĩnh Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc 
Việt Nam 1920-1945

PGS. TS. Vũ Quang Hiển

Người đầu tiên đặt vấn đề “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó”, phê phán Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản ít quan tâm đến cách mạng thuộc địa.

Trong quá trình xây dựng một lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam (1920-1945), nổi lên bản lĩnh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Sau 10 năm nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn ở nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới (1911-1920), trên cơ sở tiếp thu và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại, cả phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh xác định một con đường cứu nước mới và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nếu như C. Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, V. I. Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thì Nguyễn Ái Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nếu như các nhà sáng lập học thuyết về chủ nghĩa cộng sản hết sức nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản, thì Hồ Chí Minh lại tập trung vào cuộc đấu tranh dân tộc ở thuộc địa. Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là khát vọng lớn nhất của các dân tộc thuộc địa. Người nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1].

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tuy hoạt động tích cực trong Đảng cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, nhưng quan điểm của Hồ Chí Minh có nhiều điểm không trùng hợp với quan điểm của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, chẳng hạn như vấn đề dân tộc thuộc địa, quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa…
Nguyễn Ái Quốc trăn trở rất nhiều về sự khác nhau giữa xã hội châu Âu và xã hội Phương Đông. Học thuyết đấu tranh giai cấp có thể áp dụng được ở thuộc địa hay không?

Do kinh tế còn lạc hậu, chưa phát triển, nên sự phân hóa giai cấp ở Đông Dương chưa triệt để, vì thế “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Xã hội Đông Dương, Ấn Độ hay Trung Quốc, xét “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”. “Những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ mà ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ”. “Nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn…, nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiều thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc; người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơ rớt… Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được”. Trái lại, giữa họ vẫn có sự tương đồng lớn: dù là địa chủ hay nông dân, họ đều chịu chung số phận là người nô lệ mất nước.

Trong khi Quốc tế Cộng sản cho rằng chủ nghĩa dân tộc chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản, thì đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Vì thế, “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Người kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế cộng sản là: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa Quốc tế”.

Xuất phát từ sự phân tích quan hệ giai cấp trong xã hội thuộc địa, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, việc phát động chủ nghĩa dân tộc là “một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”[2]. Nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn. Theo Hồ Chí Minh, phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”. Với tinh thần độc lập tự chủ, Người đi đến luận điểm: “Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa – TG), chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[3].

Do nhận thức được vai trò, vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa, đánh giá đúng sức mạnh dân tộc, năm 1921, Hồ Chí Minh dự đoán cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là điểm khác biệt với quan điểm của Quốc tế Cộng sản cho rằng: cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc[4]. Ngày 16-5-1924, trong bài báo nhan đề Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo La Vie oùvrière, Người nêu rõ, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có quan hệ bình đẳng với cách mạng vô sản ở chính quốc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung:
“Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”[5].

Người khẳng định: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[6].
Người thẳng thắn phê bình một số Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chưa biết kết hợp phong trào cách mạng ở chính quốc và cách mạng ở các nước thuộc địa để thành lập một mặt trận đấu tranh chung. Tháng 7-1923, Người viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, phê phán các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa không quan tâm đến phong trào cách mạng thuộc địa, phê bình báo L’Humanité đã bỏ mục Diễn đàn của các thuộc địa, và báo chí của đảng thì đưa tin rất chậm chạp về các nước thuộc địa. Ngày 11-4-1924, trong thư gửi thư Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người nhận xét: “Những thuộc địa của Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì đang xảy ra tại những thuộc địa đó”. Cho nên, “nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó”[7].

Ngày 23-6-1924, phát biểu tại phiên họp thứ 8 Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, Người nói: “Tôi đến đây không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, gợi ra những vấn đề và nếu cần, tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”. “Nọc độc và sức sống của của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”[8]. “Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: hãy chú ý!”. Ngày 1-7-1924, tại phiên họp thứ 22 Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, Người phê phán các Đảng Cộng sản ở Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ và các Đảng Cộng sản ở các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, trong khi giai cấp tư sản các nước đó đã làm tất cả để kìm giữ các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng áp bức[9].

Đối với vấn đề nông dân ở các nước thuộc địa, Người chỉ ra rằng: nông dân bị áp bức bóc lột nặng nề, nạn đói luôn luôn xảy ra, sự phẫn uất ngày càng lên cao. “Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng giải phóng”[10].
Một số sự phê phán và yêu cầu nêu trên thể hiện Hồ Chí Minh không giáo điều, rập khuôn máy móc những lý luận có sẵn về đấu tranh giai cấp, mà có sự am hiểu sâu sắc về xã hội thuộc địa và yêu cầu bức thiết của các dân tộc thuộc địa là độc lập tự do. Điều đó cũng cho thấy, không có một con đường cứu nước định sẵn, mà phải tiếp thu và phát triển sáng tạo những giá trị văn hóa và lý luận cách mạng của thời đại để xây dựng một học thuyết cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử của dân tộc. Kính trọng Mác, thấy rõ học thuyết của Mác phù hợp với các xã hội tư bản, nhưng Hồ Chí Minh cho rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó không phải là cả thế giới”. “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được”. Người đặt vấn đề, “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[11]. Đó là một đề xuất táo bạo, vượt lên những quan niệm phổ biến trong Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản ở các nước tư bản và nhiều nhà cách mạng thuộc địa lúc bấy giờ.

Lý luận giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và những thử thách khắc nghiệt

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa mới hình thành trong những năm 1921-1923 không phù hợp với quan điểm của Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản, nên ngay lần đầu tiên khi tới Mátxcơva, Người đã không nhận được sự quan tâm chu đáo. Điều kiện sinh hoạt của Người rất khó khăn[12]. Nhiều lần Người đề nghị gặp Chủ tịch Quốc tế Cộng sản để thảo luận về vấn đề thuộc địa của Pháp, nhưng không được đáp ứng. Trong bức thư ngày 15-3-1924, Người viết: “Đã hơn một tháng nay, tôi xin đồng chí vui lòng tiếp để có thể thảo luận với đồng chí về tình cảnh thuộc địa của Pháp. Cho tới nay, tôi vẫn chưa được trả lời. Hôm nay, tôi xin mạn phép nhắc lại sự thỉnh cầu đó, và xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em”.

Trên thực tế, khi rời nước Pháp đi Liên Xô, Hồ Chí Minh không có ý định ở lại Liên Xô lâu ngày, mà là để tiếp tục cuộc hành trình về Tổ quốc. Lúc tới Mátxcơva (tháng 7-1923), kế hoạch của Người đã được quyết định: sau ba tháng lưu lại ở đây, Người sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với Đông Dương, nhưng không được Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện. Ngày 11-4-1923, trong thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người cho rằng chuyến về Việt Nam qua Trung Quốc của mình “sẽ là một chuyến đi điều tra và nghiên cứu” và đề nghị Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện giúp đỡ. Người tỏ ý không hài lòng về sự chậm trễ: “bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và là tháng thứ sáu tôi chờ đợi”, “việc lên đường của tôi vẫn chưa được quyết định”[13].

Thời gian lưu lại Liên Xô chừng một năm, tiếp tục công việc đã làm ở Pháp, Hồ Chí Minh từng bước phác thảo một chiến lược đấu tranh dân tộc ở thuộc địa. Công việc đó được hoàn thiện dần, nhất là thời gian ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Người đã xây dựng một lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và truyền bá vào Việt Nam[14]. Nội dung lý luận đó được trình bày qua nhiều bài của Người viết cho các báo, những tham luận trình bày tại một số hội nghị và đại hội quốc tế, nhất là Đại hội V của Quốc tế Cộng sản; đặc biệt là qua hai tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp và Đường cách mệnh. Về Trung Quốc (từ cuối năm 1924), Hồ Chí Minh sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925) và tổ chức đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng tại Trường Chính trị Quảng Châu (1925-1927).

Khác với chiến lược đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản ở các nước tư bản phương Tây, Hồ Chí Minh khẳng định chiến lược cách mạng ở thuộc địa chưa phải là đấu tranh giai cấp, mà là đấu tranh dân tộc. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người phân biệt ba loại cách mạng: cách mạng tư sản, cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời xác định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc. Lực lượng của cuộc cách mạng đó bao gồm toàn dân tộc, trong dó công nhân và nông dân là “chủ cách mệnh”, “gốc cách mệnh”, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”…

Vì không nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và tác phẩm Đường cách mệnh bị lên án bằng những lời lẽ rất nặng nề từ những chiến sĩ cận vệ của Quốc tế Cộng sản. Theo Giôdép Marát (tức Hà Huy Tập), Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng là “hai đảng cách mạng tiểu tư sản”, “có những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin”, “mắc chủ nghĩa cơ hội trong lý luận và trong thực tiễn, tư tưởng biệt phái, đóng kín”[15]. Cuốn Đường cách mệnh với sự nhấn mạnh “cách mạng dân tộc” và chủ trương tập hợp lực lượng toàn dân tộc bị phê phán là “những điều ngu ngốc về lý luận”. “Không hơn không kém, lý luận đó có nghĩa là sự hợp tác giai cấp (với phong kiến, địa chủ, và giai cấp tư sản tay sai)”. “Lẽ tự nhiên, những quan điểm như vậy giải thích rõ sự thực là “Những người cộng sản tự do chủ nghĩa” không thể xác định các động lực của cách mạng Đông Dương và không thể hiểu đúng sự độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cách mạng”[16].  “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chỉ có những khuynh hướng cộng sản mơ hồ, ít nhiều hỗn độn trái ngược nhau. Trong hàng ngũ của Hội, các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa còn nhiều”[17].
Sau vụ chính biến của Trung hoa Quốc dân đảng (1927), Hồ Chí Minh “chỉ còn cách là phải chọn gấp giữa hai con đường hoặc là để bị bắt hay tiếp tục qua Mátxcơva về công tác ở Xiêm”. Người muốn về công tác ở Xiêm, hoặc Thượng Hải[18], nhưng rốt cuộc lại được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp, từ đó đi dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc (12-1927) ở Bỉ, rồi về Berlin. Người thấy “không thể công tác ở Pháp, ở Đức vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương”, nên đã “xin lên đường về xứ sở này”, cho dù “không được kinh phí công tác”, vì đã một năm “lang thang từ nước này đến nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương”. Nhưng chờ đợi mãi vẫn không có câu trả lời, Người lâm vào “hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi”, “chờ đợi vô thời hạn” và “không có gì để sống”, ở trong tình trạng “biết là có nhiều công việc nhưng không thể làm gì được, ăn không ngồi rồi không có tiền, sống ngày nào hay ngày ấy mà không được phép hoạt động…”[19]. Mãi tới ngày 25-4-1928, Hồ Chí Minh mới được Quốc tế Cộng sản quyết định đồng ý cho trở về Đông Dương theo nguyện vọng.

Đầu năm 1930, Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với quan niệm Đông Dương có ba quốc gia dân tộc, phải thành lập đảng cách mạng trong từng quốc gia dân tộc, Người chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các nhóm cộng sản thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi Quốc tế Cộng sản chủ trương chỉ thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng sản duy nhất[20]. Việc làm ấy bị coi là được thực hiện “bằng một con đường khác mà Quốc tế Cộng sản không lường trước”[21].  “Nội cái tên ấy cũng đủ chứng minh rằng: a) ở các đại biểu còn rơi rớt những tàn dư của chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi; b) các đại biểu chưa nhận thức được vị trí quan trọng của Cao Miên, Ai Lao và và những dân tộc ít người khác trong cuộc đấu tranh phẩn đế và phản phong ở Đông Dương; c) công cuộc thống nhất chưa hoàn toàn thủ tiêu được hẳn tư tưởng nhóm phái của các nhà lãnh đạo các tổ chức cộng sản (những khuynh hướng chia rẽ của một số người lãnh đạo ở Bắc Kỳ năm 1931 là một bằng chứng)”[22]. Hội nghị “đã làm sai chủ nghĩa Lênin, vì khẳng định rằng sách lược quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức không cho phép thành lập một Đảng Cộng sản cho công nhân tất cả các dân tộc ở Đông Dương, mà chỉ riêng cho công nhân của nước Việt Nam, do đó đã lấy tên là “Đảng Cộng sản Việt Nam”…”[23].

Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) do Trần Phú chủ trì (10-1930) cũng nhận định việc đặt tên đảng không đúng, vì gọi là Việt Nam cộng sản đảng thì không bao gồm được Cao Miên và Lào. Xuất phát từ quan điểm cho rằng: vô sản Việt Nam, Cao Miên và Lào tuy tiếng nói, phong tục và nòi giống khác nhau, nhưng về mặt chính trị và kinh tế thì cần phải liên lạc mật thiết với nhau, Ban chấp hành Trung ương quyết định “bỏ tên Việt Nam cộng sản Đảng mà lấy tên Đông Dương cộng sản Đảng”.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng – Cương lĩnh Hồ Chí Minh, một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, đã hoạch định con đường phát triển của dân tộc từ một nước thuộc địa đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn chiến lư­ợc khác nhau: “Làm tư­ sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. “Tư­ sản dân quyền cách mạng” là giai đoạn chiến lược giải phóng dân tộc, hoàn thành nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc (không bao gồm nhiệm vụ ruộng đất). “Thổ địa cách mạng” không nằm trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà là một giai đoạn chiến lược với nhiệm vụ chủ yếu là cách mạng ruộng đất. “Đi tới xã hội cộng sản” lại là giai đoạn phát triển kế tiếp để từng bước đạt mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh chủ trương tập hợp lực lượng rộng rãi, bao gồm toàn dân tộc.

Sự hoạch định con đư­ờng phát triển dân tộc của Hồ Chí Minh là biện chứng và khách quan, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở thuộc địa. Đó cũng là nét độc đáo, khác biệt với cách mạng ở các nước tư bản phương Tây.
Tuy nhiên, sự khác biệt ấy đã không được chấp nhận, mà bị chì trích gay gắt. Với bút danh Hồng Thế Công, Hà Huy Tập viết bài Kỷ niệm ba năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất, đăng trên Tạp chí Cahier du Bolsévisme (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp, số 8, ngày 1-3-1933), kiên quyết khẳng định những “sai lầm chính” của Hội nghị hợp nhất:

– “Trong khi ấn định tính chất cách mạng Đông Dương… đã coi cách mạng ruộng đất không phải là một bộ phận của cách mạng tư sản dân quyền (TG nhấn mạnh)”, “đã đề ra sách lược sai lầm: dựa vào nông dân nghèo đoàn kết với trung nông, tiểu tư sản, trí thức, trung lập phú nông, tiểu và trung địa chủ”. “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất là trái ngược với học thuyết Lêninnít, với đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản”. 

– Nguyễn Ái Quốc là người có sáng kiến lãnh đạo Hội nghị hợp nhất. “Nhưng đồng chí đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian Hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua”. Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất chứng tỏ rằng “đường lối chính trị của Hội nghị hợp nhất và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đều sai lầm trên nhiều phương diện”[24].

“Hội nghị hợp nhất không hiểu rằng tính chất của cách mạng Đông Dương là tư sản dân chủ gồm hai nhiệm vụ (cách mạng phản đế và cách mạng ruộng đất). Hai nhiệm vụ ấy là những bộ phận khăng khít của của cách mạng tư sản dân chủ và gắn bó mật thiết với nhau”. “Hội nghị lại không hiểu rằng cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ”. “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất đề ra vấn đề làm cách mạng điền địa, nhưng không đả động một lời nào đến giai cấp địa chủ. Hội nghị chỉ nói đến việc tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, những không nói gì đến việc tịch thu ruộng đất của địa chủ. Như vậy là cuộc cách mạng ruộng đất mà Hội nghị hợp nhất đề ra chỉ là một cuộc cách mạng bộ phận vì thế nó không có khả năng xóa bỏ các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa ở Đông Dương”[25].

Hà Huy Tập cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người “đã mắc nhiều sai lầm trong cương lĩnh mà đồng chí soạn thảo”. “Lúc mới thống nhất Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có đường lối chính trị đúng đắn”[26]. “Chẳng những Hội nghị hợp nhất không nêu khẩu hiệu đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu hết thảy ruộng đất của chúng, mà còn nêu ra vấn đề sử dụng, hoặc ít ra cũng trung lập bọn tiểu và trung địa chủ. Như thế là Hội nghị không hiểu phải tiêu diệt chúng về mặt giai cấp”. “Hội nghị cũng nêu ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ. Đề ra một sách lược như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc tranh đấu chống lại ảnh hưởng tai hại của giai cấp tư sản bản xứ trong quần chúng lao động Đông Dương”. “Đối với phú nông, Hội nghị cũng đề ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập. Quốc tế Cộng sản không đồng ý ý kiến đó…”. “Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản, Hội nghị cũng nêu ra vấn đề liên minh. Đây cũng là một sách lược sai lầm”.
Hồng Thế Công khẳng định: “Các nhóm cộng sản năm 1929 và Hội nghị thống nhất đã nhiều lần xác định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương, nhưng cứ luẩn quẩn trong trong một mớ lý luận hỗn độn, mơ hồ”. “Ban đầu, khi mới thống nhất Đảng ta đã có một cương lĩnh còn trái với học thuyết Lênin…”[27].

Với quan điểm nhấn mạnh chiến lược đấu tranh giai cấp, Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng (10-1930) đánh giá Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Hội nghị hiệp nhất thông qua đã phạm sai lầm chính trị rất “nguy hiểm”, vì “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”. Ban chấp hành Trung ương quyết định “thủ tiêu Chánh cương, Sách lược của Đảng” và chỉ rõ: phải dựa và nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, chính sách và kế hoạch của Đảng “làm căn bổn mà chỉnh đốn nội bộ, làm cho Đảng bôn-sê-vích”.

Ngày 9-12-1930, trong bức thư gửi cho các đảng bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp, phê phán những “sai lầm của Hội nghị hiệp nhất là sai lầm rất lớn và rất nguy hiểm”, có nhiều điều không đúng với chủ trương của Quốc tế Cộng sản và nêu trách nhiệm “nặng nề” của Ban chấp hành Trung ương là phải “sửa đổi những sự sai lầm trong công việc của Hội nghị hiệp nhất”, “phải thực hành đối với công việc như lúc bắt đầu mới tổ chức ra Đảng vậy”.
Chiến lược đấu tranh dân tộc bị bác bỏ, và thay vào đó là một chiến lược đấu tranh giai cấp, thể hiện trong Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án để thảo luận trong Đảng). Đó là một quyết định không đúng. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về Tổng Bí thư Trần Phú. Hà Huy Tập khẳng định: Trần Phú “đã tiến hành công việc Bônsêvích hóa Đảng về phương diện lý luận”, “là người kiên quyết chống lại bất cứ một sai lầm nhỏ nào đi chệch đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sản”[28].
Những người cộng sản trẻ tuổi Việt Nam lúc đó, như Trần Phú, Hà Huy Tập… được Quốc tế Cộng sản đào tạo, ý chí cách mạng kiên trung, nhưng ít kinh nghiệm thực tiễn, nên chỉ có thể đi theo hướng của Quốc tế Cộng sản. Chiến lược giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh chưa trở thành tư tưởng chủ đạo trong Đảng, chưa được sự đồng thuận của số đông những nhà lãnh đạo của Đảng và của Quốc tế Cộng sản trong suốt những năm 1930-1935[29].

Dũng cảm và khéo léo vượt qua thử thách, khẳng định lại chiến lược giải phóng dân tộc, đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thành công

  Trong những năm 1931-1935, Hồ Chí Minh gặp nhiều trắc trở. Tháng 6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam trái phép tại Hồng Kông. Nhờ sự giúp đỡ của Luật sư Lôdơbi, Người thoát khỏi ngục tù, đến Mátxcơva (6-1934), nhưng bị ngờ vực về lý do “dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp”, lâm vào tình cảnh “đau khổ” vì không hiểu tại sao “không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”[30]. Người nhiều lần để nghị được tạo điều kiện để về công tác tại Đông Dương, nhưng luôn bị trì hoãn[31].

Tháng 6-1938, trải qua 8 năm trong “tình trạng không hoạt động”, Hồ Chí Minh yêu cầu với Quốc tế Cộng sản “đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và như­ là sống ở bên cạnh, ở ngoài của Đảng”[32]. Rời Mátxcơva, sau một thời gian tham gia cách mạng Trung Quốc, Người bắt được liên lạc với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi về nước (từ tháng 2-1941). Vấn đề đặt ra đối với cách mạng Việt Nam lúc đó là: tiếp tục chiến lược đấu tranh giai cấp được xác định trong Luận cương chính trị tháng 10-1930 hay trở lại với chiến lược đấu tranh dân tộc như trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng?

Với bản lĩnh kiên cường, bám sát thực tiễn Việt Nam, kiên quyết chống giáo điều, tháng 5-1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định “thay đổi chiến lược”, từ chiến lược đấu tranh giai cấp, sang chiến lược đấu tranh dân tộc: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là một cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Hội nghị chủ trương tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, chỉ chia lại công điền và ruộng đất “tịch thu của Việt gian phản quốc” cho dân cày nghèo, tức là ruộng đất đang nằm trong tay kẻ thù của dân tộc, chứ không phải là của giai cấp địa chủ nói chung, nhằm đánh lại kẻ thù của dân tộc cả về chính trị và kinh tế.

Về vấn đề dân tộc ở Đông Dương, Hội nghị khẳng định: “đã nói đến vấn đề dân tộc tức là sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau lúc đánh đuổi Pháp – Nhật, ta phải thi hành chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý”[33].

Hồ Chí Minh viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Người chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, ra báo Việt Nam độc lập, thảo Mười chính sách của Việt Minh, trong đó mục tiêu đầu tiên là: “Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”. Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong câu nói bất hủ: “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
 
Chặng đường lịch sử Việt Nam từ năm 1920 đến năm 1945 cho thấy: trong những năm cách mạng Việt Nam chịu sự chi phối chặt chẽ của Quốc tế cộng sản, nên phạm sai lầm giáo điều, tả khuynh. Những năm cách mạng Việt Nam tiến lên dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc, tự lực giành chính quyền, rồi đi vào kháng chiến chống Pháp. Hồ Chí Minh có bản lĩnh độc lập tự chủ, không chịu giáo điều, kiên định chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng phải trải qua nhiều gian truân, nhất là khi quan điểm của Người chưa được Quốc tế Cộng sản và đa số những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam tán thành. Là người đã vận dụng có phê phán và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào phong trào giải phóng dân tộc, nhưng Hồ Chí Minh bị quy kết là người “dân tộc chủ nghĩa”. Trong những năm 1923-1924, 1927-1928, 1934-1938, Người không được Quốc tế Cộng sản đồng tình, nên bị kiềm chế, bị phê phán, thậm chí có lúc bị “bỏ rơi”. Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình. Bằng dũng khí và trí tuệ, với sự tế nhị, khéo léo, với ý thức tổ chức kỷ luật, Người đã phấn đấu quyết liệt và bền bỉ để vượt qua thử thách và giành thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thực tiễn lịch sử đó để lại một bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: phải nêu cao ngọn cờ Tư tưởng Hồ Chí Minh, bám chắc thực tiễn Việt Nam, giữ vững tính độc lập về tư duy, vận dụng và phát triển lý luận một cách sáng tạo, không rập khuôn máy móc, chống giáo điều, để xác định đường lối chính trị đúng đắn, phục vụ sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc.


Chú thích:
[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, HN, 1994, tr. 44.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Nxb CTQG, HN, 2000, tr. 464, 466 và 467.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Nxb CTQG, HN, 2000, tr. 124 và 129.
[4] Trong Tuyên ngôn thành lập của Quốc tế cộng sản (1919), có viết: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân chính quốc…”, “công nhân và nông dân không chỉ ở Angiêri, Bănggan, mà cả ở Batư hay ácmêni chỉ có thể giành được độc lập khi nào công nhân ở Anh và ở Pháp lật đổ chính phủ “Lôiít Gioócgiơ” và “Clêmăngxô” giành chính quyền về tay mình”  Điều đó có nghĩa là: khi nào cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi thì các dân tộc thuộc địa mới được giải phóng. (xem V.I. Lênin và Quốc tế cộng sản (bản Tiếng Nga), Nxb Tiến bộ, M. 1970, tr.143).
Những Luận cương về phong trào cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được thông qua tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1-9-1928) cho rằng: “Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến” Quan điểm này, vô hình chung đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa. (xem Những luận cương về Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế cộng sản (bản Tiếng Pháp), Pari, 1928, tr.174.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Sđd, tr. 298.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Sđd, tr. 36.
[7] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T1, Nxb CTQG, HN, 2006, tr. 238, 239 và 266.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T1, tr. 273.
[9] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T1, Sđd, tr 277, 278 và 279.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Sđd, 2000, tr. 289.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, Sđd, tr. 465.
[12] Trong bức thư gửi Pêtơrốp (3-1924), Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong những tháng, tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây lúc nào cũng có 4 và 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục, ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi. Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp tiền thuê nhà để tỏ sự phản đối.
Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi gánh 13 rúp 74 cho tháng ba và 11 rúp 61 cho những tháng sau”. So sánh diện tích, trang bị nội thất và giá cả với các phòng khác thì “giá mà người ta buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn” (xem Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T1, Sđd, tr. 264).
[13] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T1, Sđd, tr. 261-262.
[14] “Lý luận giải phóng dân tộc” là thuật ngữ dùng theo Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn nghệ, HN, 1994, tr. 71.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T4, Nxb CTQG, HN, 1999, tr. 385.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T4, Sđd, tr. 367.
[17] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Nxb CTQG, HN, 2006, tr 190.
[18] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T1, Sđd, tr 374.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T2, Sđd, tr. 324-326.
[20] Trong văn kiện Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, Quốc tế Cộng sản nêu rõ: “Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương” (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, T1, Sđd, tr. 614).
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T4, Sđd, tr. 384.
[22] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, tr. 263-264.
[23] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, tr. 151.
[24] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, tr. 151 và 266.
[25] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, tr. 261, 262, 271, 272 và 273.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T4, Sđd, tr. 385.
[27] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, 274, 275, 396, 476 và 477.
[28] Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Sđd, tr. 76-77.
[29] Từ tháng 10-1930, Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt không được coi là một cương lĩnh của Đảng nữa. Đến năm 1991 Tạp chí Lịch sử Đảng mới công bố một bài nghiên cứu, khẳng định lại đó là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng.
[30] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T2, Nxb CTQG, HN, 2006, tr. 59-60.
[31] Mùa Hè năm 1936, Nguyễn Ái Quốc được Vụ tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường… Song, chuyến đi này phải hủy bỏ vì “tình hình thay đổi” (Xem Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, T2, Sđd, tr. 65).
[32] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T3, Sđd, tr. 90.
[33] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN, 2000, tr. 118, 119 và 113.
< khoalichsu.edu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 11