Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)
[ 30/03/2016 07:00 AM | Lượt xem: 3649 ]

  Một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á trong những thập niên 1950, 1960: tác động từ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954)

                                                                                           Lý Tường Vân

 

Kể từ khi Mỹ bắt đầu kiểm soát cuộc chiến ở Đông Dương qua tay người Pháp đầu năm 1950 đã tác động rất lớn đến tình hình chính trị khu vực Đông Nam Á nếu không muốn nói là làm thay đổi diện mạo chính trị quan hệ quốc tế ở khu vực này. Học thuyết Đôminô của Mỹ là bằng chứng cho thấy mức độ liên quan ngày càng lớn của cách mạng Việt Nam/Đông Dương với cách mạng khu vực và thế giới: Sau cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, Đông Nam Á đã giữ vị trí chiến lược trong chính sách bao vây hệ thống xã hội chủ nghĩa ở sườn phía Nam Trung Quốc. Tiếp đó, Đông Dương do vị trí địa lý tự nhiên của mình đã giữ vai trò tiền tiêu và trở thành khu vực then chốt của Đông Nam Á. “Nếu mất Đông Dương, chắc chắn sẽ mất Đông Nam Á” và “nếu Đông Nam Á bị chủ nghĩa cộng sản kiểm soát thì tác động của nó sẽ lan ra toàn thế giới”… Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ trong những năm 1946-1954 của nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương do đó đã tác động rất lớn đến cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Bài viết sẽ phân tích các khía cạnh mới của quan hệ quốc tế đa chiều ở khu vực được đưa lại bởi những tác động của cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam (1946-1954).
 

1. Trong hệ thống quan hệ quốc tế từ đầu thời cận đại, Đông Nam Á được nói đến trước hết như một khu vực đầy tiềm năng, không chỉ là vùng đất trù phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các nguồn thương phẩm quí hiếm, mà còn là một thị trường tiêu thụ rộng lớn và là một nguồn bổ sung nhân lực dồi dào với dân số đông… Trong bước chuyển mạnh mẽ sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, đối với các nước tư bản phương Tây, vị trí địa lý của Đông Nam Á có ý nghĩa chính trị, quân sự hết sức quan trọng, bởi có được Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma sẽ củng cố sự kỳ vọng của các nước đối với thị trường Trung Quốc; mặt khác Philippin, Inđônêsia, Singapo lại là đầu mối của hai lục địa (châu Á và Ôtxtrâylia) và hai đại dương (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương). Đó là lý do quan trọng khiến hầu như tất cả các nước trong khu vực đều lần lượt trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây từ nửa cuối thế kỉ XIX (trừ Thái Lan). Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung cũng bị thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIX do đó được phản ánh chủ yếu qua quá trình thực dân hóa và quá trình đấu tranh chống thực dân của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong khu vực. Mặc dù vậy, cho đến khi phát xít Nhật đánh bại các thế lực thực dân phương Tây và chiếm đóng toàn bộ khu vực trong những năm 1941-1942, vẫn chưa có một quốc gia Đông Nam Á nào giành được nền độc lập. Trong thời gian Nhật chiếm đóng, rất phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á tư tưởng đánh đuổi cả thực dân phương Tây lẫn quân phiệt Nhật để giành độc lập dân tộc. Hai trong số các quốc gia Đông Nam Á có ý thức độc lập mãnh liệt nhất - Việt Nam và Inđônêsia - đã chớp thời cơ Nhật đầu hàng Đồng minh, tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử và tuyên bố nền độc lập, thành lập nước Cộng hòa Inđônêsia (ngày 17/8/1945) và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945).

Có thể nói, khu vực Đông Nam Á thời gian trong và sau Chiến tranh thế giới II (CTTGII) là nơi biểu hiện rõ nét nhất sự suy yếu của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Một phần bởi chính tại khu vực này, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan đều lần lượt bị đánh bại dưới tay phát xít Nhật. Một phần khác bởi phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở đây đang lên cao mạnh mẽ. Thêm vào đó, CTTGII đã làm suy giảm ảnh hưởng quốc tế của các cường quốc thực dân truyền thống. Quyền lực chuyển từ Anh, Pháp sang hai siêu cường mới là Mĩ và Liên Xô. Do vậy, ngay cả khi đã đánh bại Nhật Bản và tái chiếm trở lại các thuộc địa cũ trước đây, các nước thực dân phương Tây không thể khôi phục lại địa vị cai trị như thời kỳ trước chiến tranh. Trên cơ sở đánh giá lại tình hình các thuộc địa và thực lực của chính mình, các thế lực thực dân đều phải cố gắng xóa bỏ những hình thức bên ngoài của sự thống trị về chính trị để mở đường cho việc duy trì các lợi ích chiến lược ở bên trong các thuộc địa theo kiểu “đi để ở” hay “buông ra để nắm lại” các thuộc địa bằng cách “trao trả độc lập” cho các thuộc địa. Theo đó, Mỹ, Anh, Hà Lan lần lượt tuyên bố trao trả độc lập cho Philippin, Mianma và Inđônêsia. Malaya dù vẫn tiếp tục là thuộc địa của Anh vì tầm quan trọng đặc biệt của Malaya đối với nền kinh tế Anh giai đoạn hậu chiến, nhưng chính quyền Anh đã liên tục phải điều chỉnh chính sách theo chiều hướng tích cực hơn để đáp ứng những đòi hỏi chính trị ngày càng tăng của người Malay. Duy chỉ có Pháp là đế quốc không chịu từ bỏ một thuộc địa nào, dù chỉ là sự nới lỏng về hình thức cai trị. Thậm chí sau khi quay trở lại tái chiếm Đông Dương, với quyết tâm cướp lại thuộc địa bằng bất cứ giá nào đã thúc đẩy thực dân Pháp điên cuồng sử dụng bạo lực để đặt ách thống trị trở lại đối với toàn cõi Đông Dương, biến ba nước Đông Dương thực sự là một chiến trường.

2.Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ tháng 12/1946. Song điều đáng nói là cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ là cuộc chiến giữa người Việt Nam nói riêng, nhân dân Đông Dương nói chung với đội quân xâm lược Pháp mà ngày càng được quốc tế hóa cao độ bởi chính sách của các nước lớn trong cục diện chiến tranh lạnh bắt đầu lan sang châu Á và Đông Nam Á trong những năm 1949-1950.
Trước hết, không thể không nói đến ý đồ của Mỹ đối với Đông Dương ngay từ trong CTTGII với Kế hoạch Ủy trị quốc tế ở Đông Dương do Tổng thống Roosevelt đề xuất năm 1943[1]. Đó thực chất là những tính toán nhằm từng bước thế chân Pháp, thiết lập chế độ thực dân mới đối với khu vực rất có giá trị cả về kinh tế, quân sự, lẫn chính trị. Kế hoạch không thể thực hiện vì vấp phải nhiều sự phản đối từ các nước có ít nhiều lợi ích liên quan. Mặc dù vậy, nó cũng đã thể hiện mối quan tâm chiến lược của Mỹ đối với Đông Dương kể từ thời điểm đó, cho dù châu Âu vẫn đang là ưu tiên số 1 của Mỹ từ Thế chiến thứ nhất. Khác với người tiền nhiệm Roosevelt, chính quyền mới do Truman nắm giữ trong thời gian đầu không những ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương mà còn cam kết giúp Pháp khôi phục lại địa vị trước chiến tranh ở khu vực này[2]. Từ năm 1947 trở đi, một trong những chiến lược toàn cầu của Mỹ là “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” trước sự lớn mạnh của Liên Xô và tương lai về sự hình thành hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới từ Âu sang Á với sự xuất hiện của hàng loạt nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu trong những năm 1947-1949, đặc biệt quan trọng là sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày 1/10/1949). Loạt các sự kiện khác cũng có ý nghĩa tác động quan trọng không kém tới chính sách của Mỹ đối với khu vực này, như sự kiện Liên Xô phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mỹ (tháng 9/1949); hay việc Mao Trạch Đông lần đầu tiên công bố chính sách “nghiêng về một phía”[3] với Liên bang Xô Viết trong bài diễn văn đọc ngày 30/6/1949 tức là vào thời điểm trước khi cách mạng Trung Quốc thành công đã trực tiếp đưa tới Hiệp ước hữu nghị và tương trợ Trung - Xô ký ngay sau đó vào tháng 2/1950[4]; cuộc chiến tranh giữa 2 miền Triều Tiên bùng nổ (tháng 6/1950) với sự tham gia của quân tình nguyện Trung Quốc cùng sự ủng hộ của Liên Xô cho chính quyền Bắc Triều Tiên … Tất cả những sự kiện trên đều được người Mỹ liệt kê như là những dấu hiệu của “sự đe dọa của cộng sản”. Học thuyết Đôminô ra đời và không ngừng được củng cố thêm bởi sự gia tăng những thắng lợi của lực lượng cộng sản. 

Thắng lợi đột phá về ngoại giao của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 1950 không thể nói là không tác động đến chính sách Đông Dương của Mỹ. Ngày 14/1/1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố ngoại giao “sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Sau Trung Quốc và Liên Xô - hai nước Xã hội chủ nghĩa lớn nhất trên thế giới - thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay trong tháng 1 và tháng 2/1950, các nhà nước dân chủ nhân dân lần lượt công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[5]. Như vậy là, sau gần 5 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập năm 1945, tình thế “chiến đấu trong vòng vây” của cách mạng Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt. Với thắng lợi ngoại giao này, Việt Nam “không những có một hậu phương kéo dài từ Trung Quốc tới biển Baltic mà còn phá tan vòng vây”[6]. Sự “phá vây" về ngoại giao ngay lập tức đã mở đường cho thắng lợi về quân sự mà Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950 đã nối liền Việt Nam với hậu phương quốc tế là các nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam từ đây bước sang một giai đoạn mới vừa có nhiều thuận lợi mới vì có được sự ủng hộ và chi viện quốc tế, tạo đà để đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, song cũng đầy cam go, thách thức mới vì cuộc chiến tranh Đông Dương giờ đã trở thành một mắt xích quan trọng của chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á và châu Á. 

3.Xem xét vị trí địa lý của Đông Dương sẽ lý giải sâu sắc thêm các nguyên nhân hay mức độ liên quan của các chủ thể bên ngoài khu vực, đồng thời lý giải các liên quan địa-chính trị của Đông Dương với Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Bán đảo Đông Dương có diện tích 717.689km2 nằm ở Đông Nam châu Á trong tọa độ 8 - 23 độ vĩ Bắc và 100 - 107 độ kinh Đông, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp quần đảo Malaysia, phía Đông giáp vùng biển Đông, phía Tây giáp Miến Điện và Thái Lan. Từ vị trí địa lý của Đông Dương có thể thấy các liên quan địa-chính trị, địa-quân sự diễn ra ở Đông Dương không thể tách biệt độc lập với khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, Đông Dương đối với Mỹ không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn nhiều là ý nghĩa về an ninh chính trị. Cách mạng Trung Quốc thành công càng khiến Mỹ khẳng định vị trí chiến lược của khu vực Đông Nam Á nhằm bao vây hệ thống xã hội chủ nghĩa ở sườn phía Nam Trung Quốc, trong khi đó do vị trí tự nhiên (phía Bắc của Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á giáp với phần phía Nam Trung Quốc) nên Đông Dương đã giữ vai trò tiền tiêu ở Đông Nam Á. Như vậy, tầm quan trọng của Đông Dương đối với lợi ích an ninh của Mỹ ở vùng Viễn Đông đã được khẳng định.

Đối với Trung Quốc, từ cách thức can thiệp của Mỹ và các đồng minh vào nước Nga Xô viết năm 1918 nhằm đè bẹp cách mạng Bolshevik non trẻ càng khiến Mao Trạch Đông phải “gộp Đông Dương, Nam Triều Tiên và Đài Loan vào danh sách những vùng đất mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ có thể tung ra những nỗ lực để đè bẹp chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc…”[7]. Nhận định đó càng làm tăng thêm ý thức của Mao về tầm quan trọng của Đông Dương đối với Trung Quốc. Do vậy, hỗ trợ cách mạng Đông Dương chống thực dân Pháp là một lựa chọn nhằm bảo đảm an ninh cho Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh còn nhấn mạnh “nếu việc này thất bại sẽ gây khó khăn cho chính cách mạng Trung Quốc”[8]. Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, cũng giống như cách Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, không thể không nói đến khía cạnh muốn “đóng một vai trò” trên sân khấu chính trị khu vực và quốc tế của Trung Quốc sau khi cách mạng Trung Quốc thành công.

Trong khi đó về phía Liên Xô, vì những ưu tiên chiến lược ở châu Âu nên những cam kết chính trị và quân sự của Liên Xô ở châu Á và Đông Nam Á không mang tính toàn diện. Điều này được thể hiện qua phân tích của John Lewis Gaddis về sự phân chia ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc của Josef Stalin như sau … Liên Xô không thể đóng một vai trò hay ảnh hưởng ở châu Á như Trung Quốc, vì lẽ ấy Trung Quốc cũng không thể có ảnh hưởng như Liên Xô ở châu Âu… Chúng tôi sẽ có trách nhiệm nhiều hơn ở phương Tây và hoạt động nhiều hơn ở phương Tây… các đồng chí (Trung Quốc- Tg. nhấn mạnh) nên có nhiều trách nhiệm hơn trong hoạt động ở châu Á, ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa…[9]

Từ giữa năm 1949 khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc ngày càng cho thấy rõ thế bất lợi của Quốc Dân Đảng do Mỹ làm hậu thuẫn, Washington bắt đầu tăng cường sự chú ý đến tình hình ở Việt Nam. Nhất là sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Tổng thống Truman đã thông qua Bị vong lục do Hội đồng An ninh Quốc gia soạn thảo vào cuối tháng 12/1949, xác định đường lối, chính sách của Mỹ nhằm ngăn chặn sự bành trướng thêm nữa của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khuyến cáo: Nếu Đông Nam Á bị chủ nghĩa cộng sản kiểm soát, thì tác động của nó sẽ lan ra toàn châu Á và thế giới[10]. Tháng 2/1950, Washington chính thức coi Đông Dương là khu vực then chốt của Đông Nam Á: “Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam, là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á”[11]. Nói một cách khác, Đông Dương chính là “hòn đá tảng” trong việc phòng thủ Đông Nam Á của Mỹ và phương Tây. Hệ quả của chủ nghĩa cộng sản lan ra toàn khu vực Đông Nam Á, đối với Mỹ, sẽ không chỉ làm chênh lệch lực lượng giữa hai khối (Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa), mà nghiêm trọng hơn, những thắng lợi đó sẽ làm rối loạn thêm tình hình ở châu Âu, khi đó có thể sẽ đẩy các quốc gia châu Âu nghiêng về phía Liên Xô. Mất Đông Nam Á, Mỹ còn bị mất đi mảng lợi ích kinh tế rất cần thiết cho sự phục hồi châu Âu với vai trò của Mỹ. Tóm lại, mặc dù an ninh châu Âu vẫn luôn là ưu tiên số 1 của Mỹ nhưng an ninh châu Âu có ổn định hay không lại đòi hỏi phải có một sự ổn định ở châu Á, Đông Nam Á, mà trước hết là sự ổn định ở Đông Dương. Do đó, để bắt đầu chính sách ngăn chặn, ngay sau khi Hạ viện Pháp phê chuẩn Hiệp định Éslysee[12] (29/1/1950) thì ngày 7/2/1950, chính quyền Truman cũng tuyên bố cộng nhận quốc gia Việt Nam.

Thế nhưng, Pháp càng ngày càng sa lầy, bế tắc bởi những thất bại liên tiếp trên chiến trường, cộng thêm những khó khăn chồng chất về kinh tế, tài chính khiến Pháp khó có thể duy trì được cuộc chiến. Vì tầm quan trọng của Đông Dương nên rõ ràng Mỹ không thể thờ ơ với cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp. Mỹ đứng trước hai sự lựa chọn: Nếu Mỹ giúp Pháp - nhờ đó sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra một tâm lý chống Mỹ ở Đông Nam Á, đồng thời sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc và Liên Xô ở khu vực này. Nếu Mỹ không giúp Pháp - chủ nghĩa cộng sản chắc chắn sẽ thắng thế ở châu Á, sau đó sẽ ảnh hưởng xấu đến ổn định ở châu Âu, thậm chí phá hỏng hoàn toàn chiến lược toàn cầu của Mỹ (như đã phân tích ở trên). Cuối cùng thì, người Mỹ với lý do “đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ thế giới tự do, chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản” đã chọn cách thứ nhất: Giúp Pháp. Sau khi công nhận chính quyền Bảo Đại tháng 2/1950, chính quyền Truman thông qua chương trình viện trợ và bắt đầu gửi những hỗ trợ trực tiếp về kinh tế và trang thiết bị quân sự cho các quốc gia liên kết ở Đông Dương và Pháp từ tháng 5/1950. Phái bộ Cố vấn quân sự Mỹ (Military Assistance Advisory Group - MAAG) được thành lập ở Sài Gòn ngày 2/8/1950 đã đánh dấu sự gắn bó ngày càng chặt chẽ của Mỹ với cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương[13].

Về phía Việt Nam, tại Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2/1951), trong Báo cáo Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiệm vụ chính của cuộc kháng chiến của Việt Nam là: “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất, độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới”[14]. Như vậy, bên cạnh Pháp, Mỹ đã được xác định là kẻ thù cần phải đánh bại của cách mạng Việt Nam. Kết quả là, sau gần 4 năm theo đuổi cuộc chiến, Pháp và Mỹ không những không thay đổi được tình thế, thậm chí liên tiếp bị thất bại nặng nề từ Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951 đầu năm 1952 và Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952. Nước Pháp điêu đứng với nền tài chính trống rỗng, kinh tế trì trệ, xã hội Pháp bất ổn định sâu sắc. Nước Mỹ càng tăng viện trợ thì cuộc chiến càng bế tắc hơn. Nhưng, chiến lược của Mỹ lúc này đã rất rõ ràng: hoàn toàn không phải giúp Pháp tiếp tục thống trị Đông Dương nữa mà là hất cẳng Pháp để Mỹ độc chiếm quyền thống trị ở Đông Dương. Nhất là sau thất bại ở Triều Tiên bằng Hiệp định đình chiến năm 1953 - thì Đông Dương đối với Mỹ như một cái phao để cữu vãn danh dự của nước Mỹ. Vì vậy, Mỹ càng mạnh tay viện trợ cho cuộc chiến ở Đông Dương, thậm chí nắm quyền chỉ đạo phương hướng chiến lược chiến tranh, đồng thời đầu tư trực tiếp cho chính quyền Bảo Đại, xây dựng và huấn luyện ngụy quân.   

4. Diễn biến cuộc kháng chiến chống Pháp kể từ khi Mỹ chính thức kiểm soát cuộc chiến ở Đông Dương qua tay người Pháp đã tác động rất lớn đến tình hình chính trị khu vực Đông Nam Á nếu không muốn nói là làm thay đổi diện mạo quan hệ chính trị quốc tế ở khu vực này. Trong bối cảnh của cục diện chiến tranh lạnh được hình thành sau CTTGII thì khu vực Đông Nam Á chính là điểm hội tụ cao nhất của những xung đột bên ngoài châu Âu. Cùng với Malaya ở phía Nam của khu vực Đông Nam Á, Đông Dương ở phía Bắc được coi là những phòng tuyến quan trọng chống chủ nghĩa cộng sản trong khu vực. Thuyết Đôminô là học thuyết được nói đến nhiều nhất ở khu vực này kể từ năm 1949 với lập luận: việc mất Đông Dương chắc chắn sẽ đưa đến việc mất các quốc gia lục địa Đông Nam Á. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lập luận tương tự rằng Thái Lan và Mianma sẽ mất nếu Đông Dương mất. Đó là lý do ngày 18/5/1951, Ban Tham mưu Mỹ - Anh - Pháp họp ở Singapore bàn kế hoạch xây dựng chiến lược phòng thủ chung ở Đông Nam Á (dự kiến gồm Mỹ, Nhật Bản, Philippin, Ôtxtrâylia, Niu Dilân, Anh và Inđônêsia) không chỉ để chống lại cuộc kháng chiến của cộng sản ở Đông Dương, Malaya, mà ở cả Triều Tiên. Pháp và Mỹ đều cho rằng, Triều Tiên và Đông Dương là hai mặt trận của một cuộc chiến tranh chống lại cộng sản ở châu Á, vì vậy Pháp phải giữ vai trò hàng đầu ở Đông Dương tương tự như vai trò của Mỹ ở Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều bất đồng quan điểm đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn. Năm 1952, Pháp tiếp tục đưa ra ý tưởng về một “Hiến chương Thái Bình Dương” tương tự như “Hiến chương Đại Tây Dương” hồi đầu năm 1941. Đó sẽ là một hiệp ước tương trợ giữa các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp với các nước Đông Nam Á (có cả sự tham gia của Ôtxtrâylia và Niu Dilân) để chống lại “sự đe dọa bên ngoài và bên trong”, đồng thời giúp các nước này xây dựng nền kinh tế. Song, cũng giống như kế hoạch phòng thủ chung, kế hoạch này đã không được xúc tiến. Eisenhower lên nắm quyền Tổng thống Mỹ từ tháng 1/1953 vẫn kiên quyết tuyên bố Mỹ phải chống cộng sản ở Đông Dương vì nếu cộng sản thắng ở đó thì Đông Nam Á sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Chính phủ Pháp mặc dù không muốn tiếp tục cuộc chiến quá tốn kém và vô vọng, nhưng cũng chưa muốn nhường chỗ cho người Mỹ. Họ cho rằng vì quyền lợi chung phải bảo vệ Đông Dương thì người Pháp và người Mỹ phải cùng chiến đấu.

Đến thời điểm này, chính giới Pháp không chỉ chấp nhận sự can thiệp của Mỹ, thậm chí còn đòi hỏi điều đó. “Cuộc chiến về quân sự đối với các nước Đông Nam Á chỉ có thể được tiến hành nếu Mỹ tham gia vào cuộc chiến”, không chỉ bằng đôla mà phải bằng cả những người lính, không chỉ bằng sắt thép mà phải bằng cả máu[15]. Cuối năm 1953, học thuyết Đôminô một lần nữa lại được Mỹ nhấn mạnh trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương: Nếu mất Đông Dương, Thái Lan sẽ bị đặt vào tình trạng không thể đứng vững được. Điều đó cũng đúng với Malaysia. Điều đó cũng sẽ đúng với cả Indonesia, Mianma, có thể là cả Philippin, thậm chí có thể mất cả Ôtxtrâylia, Ấn Độ… Cũng khoảng thời gian đó, “Kế hoạch Nava” được người Pháp phác thảo[16] và người Mỹ tán thành là một kế hoạch chiến lược nhằm giải quyết dứt điểm cuộc chiến tranh ở Đông Dương bằng một thắng lợi quân sự để tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp thông qua đàm phán. Song song với chiến sự ngày càng nóng bỏng bỏng tại Điện Biên Phủ, dự án thiết lập một hiệp ước an ninh tập thể ở Đông Nam Á được Bộ Ngoại giao Mỹ thúc đẩy mạnh hơn từ tháng 4/1954. Lần này Mỹ lấy lý do cần có một liên minh thay vì đơn độc nhảy vào cuộc chiến như ở cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nhưng ngay cả đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh và các đồng minh phương Tây khác vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ vì họ không muốn phải đối đầu trực tiếp với chiến tranh. Mọi nỗ lực của cả Pháp và Mỹ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương trong bối cảnh đó đều bị nhấn chìm tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ một ngày, ngày 8/5/1954, Tổng thống Eisenhower triệu tập khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia bàn về tình hình Đông Nam Á và Đông Dương. Vấn đề then chốt là cần gấp rút tổ chức một hệ thống phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á với tư tưởng bao trùm rằng việc thất thủ của Pháp ở Điện Biên Phủ phải được coi như một tiền đề cho việc mất cả Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cảnh báo: “Cộng sản đã thống trị một phần ba thế giới” và những gì đang diễn ra ở Đông Dương đã cho thấy một “bằng chứng về việc cộng sản đang cố bành trướng hơn nữa”[17]. Vì vậy, cần phải có một hệ thống phòng thủ tập thể để “đảm bảo hòa bình, an ninh và tự do của Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương”. Sau nhiều cuộc thuyết phục và thương lượng, Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á đã được ký kết ngày 8/9/1954 tại Manila. Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Southeast Asian Treaty Organization - SEATO) được thành lập với sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Ôtxtrâylia, Niu Dilân, Thái Lan, Philippin và Pakixtan[18]. Băng Cốc được chọn là nơi đóng trụ sở chính của SEATO và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan là Wan Waithaykon là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên.

5. Không một nước Đông Nam Á nào khác gia nhập SEATO trừ Thái Lan và Philippin. Dù Mỹ có cố gắng che đậy chiến lược của mình bằng những lời lẽ mĩ miều đến đâu, không nhà lãnh đạo quốc gia nào ở Đông Nam Á không nhận ra âm mưu thôn tính của Mỹ đối với Đông Nam Á. Mianma và Inđônêsia đều phản đối mạnh mẽ SEATO vì các nước này cho rằng một hiệp định quân sự chỉ làm tăng tình trạng mất an ninh tại Đông Nam Á, thậm chí coi SEATO là công cụ của chủ nghĩa đế quốc. Chính quyền Liên bang Malaya thuộc Anh từ chối cùng Anh đàm phán gia nhập SEATO, Campuchia cũng từ chối không đặt nước mình dưới sự bảo trợ của SEATO. Có thể nói, chính việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á đã vô tình đẩy các quốc gia trong khu vực ngả theo một chiều hướng mới. Các nước đều cho rằng tại thời điểm nhạy cảm này, “chính sách trung lập”[19] sẽ có lợi hơn cả để đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực.

Sau sáng kiến tổ chức một Hội nghị các nước Á - Phi được Tổng thống Inđônêsia nêu lên vào tháng 3/1954, ngày 28/4/1954, Inđônêsia, Mianma cùng 3 nước Nam Á là Ấn Độ, Srilanka, Pakixtan đã nhóm họp tại Côlômbô (Srilanka) cùng nhau tán thành các vấn đề đình chiến ở Đông Dương, cấm vũ khí hạt nhân, lên án chủ nghĩa thực dân, đồng thời tuyên bố kế hoạch tổ chức Hội nghị Á - Phi. Tiếp đó, tại cuộc họp ngày 28, 29/12/1954 tại Bogor, 5 nước quyết định sẽ triệu tập Hội nghị đoàn kết các nước Á - Phi tại Băngđung (Inđônêsia) vào năm 1955. Hội nghị Bogor đề xuất mục đích của Hội nghị Á - Phi là nhằm xúc tiến mối quan hệ hữu hảo giữa các nước Á - Phi; thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa; thảo luận các vấn đề có liên quan đến chủ quyền dân tộc, chống chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa thực dân; thảo luận vấn đề địa vị của các quốc gia Á - Phi trong nền chính trị thế giới, cũng như sự đóng góp của các nước này trong việc xúc tiến hợp tác và hòa bình trên thế giới. Toàn bộ kiến nghị của Hội nghị Bogor sau đó được các nước Á - Phi hoan nghênh và ủng hộ, ngoại trừ Liên bang Nam Phi.

Tham dự Hội nghị Băngđung được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 24/4/1955 ngoài 5 nước chủ trì nói trên còn có 25 nước đại diện cho gần 55% dân số thế giới, trong đó có 7 nước Đông Nam Á gồm: Mianma, Inđônêsia, Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippin và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thống Inđônêsia đã tuyên bố “Trong nhiều thế hệ, các dân tộc ta không có tiếng nói. Chúng ta, những người châu Á, châu Phi với dân số 1 tỉ 400 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số thế giới có thể huy động lực lượng đấu tranh cho hòa bình… thể hiện được sức mạnh mãnh liệt của các dân tộc”… “Châu Á và châu Phi chỉ có đoàn kết lại thì mới giành được phồn vinh”[20]. Hội nghị đã thông qua “Tuyên ngôn Xúc tiến hòa bình và hợp tác thế giới” và đề xuất 10 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, sau này được gọi là 10 nguyên tắc Băngđung (trên thực tế là sự mở rộng của 5 nguyên tắc chung sống hòa bình được Ấn Độ và Trung Quốc xây dựng trước đó). Mười nguyên tắc gồm: 1. Tôn trọng các quyền cơ bản của con người, tôn trọng tôn chỉ và các nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc; 2. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; 3. Thừa nhận bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giữa các quốc gia lớn nhỏ; 4. Không can dự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; 5. Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia được tự vệ riêng rẽ hay tập thể theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc; 6. Không sử dụng các dàn xếp phòng thủ tập thể nhằm phục vụ các lợi ích riêng của bất kỳ nước lớn nào. Mỗi quốc gia bất kể là nước nào không được gây sức ép với các nước khác; 7. Không sử dụng hành vi xâm lược hay đe dọa xâm lược hoặc dùng vũ lực để xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất cứ nước nào; 8. Giải quyết mọi xung đột quốc tế bằng phương thức hòa bình theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc; 9. Thúc đẩy hợp tác; 10. Tôn trọng công lý và các nghĩa vụ quốc tế.

Nhận xét về Hội nghị Á - Phi, chuyên gia về Đông Nam Á - học giả D. G. Hall đã viết: “Trong lịch sử thế giới từ trước tới nay chưa từng có một hội nghị nào giống Hội nghị Băngđung của các quốc gia Á - Phi. Nó chứng tỏ cho thế giới một cách rõ ràng nguyện vọng của những nước này muốn tiếng nói của họ được lắng nghe trong các vấn đề quốc tế và đặc biệt khi đề cập các vấn đề sống còn như hòa bình và hợp tác”[21]. Với ý nghĩa đó Hội nghị Băng đung đã đưa tới việc hình thành “lực lượng thứ ba” trên thế giới bên cạnh hai lực lượng là Hệ thống đế quốc chủ nghĩa và Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cũng có thể coi Hội nghị Băngđung là biểu tượng của việc các nước thuộc “thế giới thứ ba bước lên vũ đài quốc tế”[22].

Tinh thần Băngđung mà các chính trị gia phương Tây sau này gọi là “Chủ nghĩa Á - Phi” đã trở thành một trào lưu chính trị mới và dần dần phát triển thành Phong trào Không Liên kết được hình thành vào đầu thập niên 1960[23]. Điều đáng nói là, khái niệm “không liên kết” từ giữa thập niên 1950 trở đi đã được các quốc gia độc lập trẻ tuổi phân biệt rõ với khái niệm “trung lập” truyền thống trước đây: “không liên kết” là tích cực và chủ động, trong khi “trung lập” được coi là thụ động và tiêu cực. Phong trào Không liên kết ngày càng phát triển thành một tổ chức chính trị rộng lớn xét về số lượng đông đảo các nước thành viên gia tăng hàng năm, trong đó có sự tham gia của hầu hết các nước Đông Nam Á[24]. Các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Không liên kết là: Các nước thành viên không tham gia khối, nhóm quân sự chính trị nào, có chính sách đối ngoại độc lập dựa trên những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và phải ủng hộ phong trào độc lập dân tộc, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình, các nước Không liên kết phấn đấu vì trật tự thế giới mới, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chạy đua vũ trang, đấu tranh củng cố nền độc lập chính trị và kinh tế bằng sức mạnh tập thể, đòi các quyền lợi chính đáng của mình trong hệ thống kinh tế quốc tế mới và nâng cao vị thế quốc tế. Các nguyên thủ của các quốc gia Không liên kết khẳng định: sự trung thành với các nguyên tắc không liên kết chính là biện pháp xử lý tích cực các vấn đề mà thế giới đang gặp phải, nhưng trước hết cần phải biến khu vực các nước không liên kết thành một nhân tố cơ bản gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Họ mong muốn chứng tỏ đã đến lúc các công việc của thế giới sẽ không thể chỉ do một thiểu số các nước lớn thao túng nữa mà các nước nhỏ, các quốc gia Không liên kết cần phải tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới. Có thể nói, Phong trào Không liên kết đã trở thành một diễn đàn chính trị của các nước đang phát triển hướng đến việc xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng. Bằng việc đi đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc chống chủ nghĩa đế quốc nói chung, góp phần xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển phong trào, đoàn kết với các lực lượng, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phải khẳng định rằng, sẽ không thể phát triển thành Phong trào Không liên kết nếu không có sự ra đời của khoảng 40 quốc gia độc lập từ sau năm 1954, trong đó có tới 32 nước là thuộc địa của Pháp. Thành quả này có được trước hết là do tác động của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Đó là một thực tế của lịch sử! Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ đã dẫn đến sự chấm dứt vĩnh viễn chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, mở ra thời thời kỳ sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân Pháp trên phạm vi thế giới, đặc biệt ở châu Phi thuộc Pháp. Nhìn từ khía cạnh quan hệ quốc tế, có thể nói Điện Biên Phủ là một bài học sâu sắc đối với các nước đế quốc thực dân khác, buộc họ phải xem xét lại thực lực của bản thân, đánh giá lại thuộc địa/hệ thống thuộc địa của chính quốc nói riêng và tình hình hệ thống thuộc địa trên thế giới nói chung. Việc điều chỉnh chính sách đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc trong bối cảnh quốc tế hoàn toàn mới được mở ra từ sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ Pháp và thất bại thảm hại của sự can thiệp của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ. Trong bối cảnh đó, thập niên 1950, như những phân tích ở trên, đã chứng kiến ở Đông Nam Á những thay đổi chính trị lớn hơn bất kỳ thập niên nào khác trong lịch sử của khu vực này. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954 có thêm Malaya giành được độc lập vào tháng 8/1957, Singapore được thực dân Anh trao quyền “Quốc gia Tự trị” vào tháng 6/1959, Anh cũng phải công bố Hiến pháp riêng cho Brunei vào năm 1959 (song phải đến năm 1984 Anh mới trao trả độc lập hoàn toàn cho Brunei). Trong phạm vi bán đảo Đông Dương, cũng phải thừa nhận thực tế là Pháp đã không trao trả độc lập hoàn toàn cho Campuchia vào tháng 11/1953 nếu không có cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam.

6.Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau năm 1954 không chỉ được phản ánh qua quá trình phi thực dân hóa mạnh mẽ mà còn được phản ánh qua việc các quốc gia Đông Nam Á ngày càng thể hiện khả năng hành động độc lập và đóng vai trò ngày càng quan trọng, tích cực trong việc xây dựng một nền chính trị hợp tác trong khu vực. Phải nói rằng, ý tưởng về sự thống nhất khu vực Đông Nam Á thoạt tiên là ý tưởng của các nước lớn ngoài khu vực nhằm phục vụ cho ý đồ thực dân của họ. Nhưng sau khi giành được độc lập, các nước ngày càng làm chủ được tiến trình - từ việc hình thành ý tưởng đến việc xây dựng các hình thức hợp tác khu vực của Đông Nam Á. Những ý tưởng hợp tác đã xuất hiện trong tư duy của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu từ giữa thập niên 1950[25]. Năm 1954, Inđônêsia kêu gọi thành lập Khối đoàn kết Liên Á (Pan-Asian Unity). Cũng trong năm này, Philippin lại nêu sáng kiến thành lập Liên minh Đông Nam Á (Southeast Asia Union). Thái Lan cũng đề nghị thành lập Liên minh các nước theo Phật giáo ở khu vực bao gồm Thái Lan, Lào, Mianma và Campuchia. Mặc dù không có sáng kiến nào trở thành hiện thực cho đến trước thập niên 1960, nhưng ít nhất nó đã phản ánh ý thức/nhu cầu hợp tác và vai trò của các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực trong việc đưa ra những ý tưởng đầu tiên về sự hợp tác khu vực.

Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh nửa cuối những năm 1950, các quốc gia độc lập trẻ tuổi ở Đông Nam Á càng ý thức sâu sắc về tính nhạy cảm và phức tạp của sự tồn tại trong khu vực Đông Nam Á có vị trí địa chiến lược quan trọng đang bị tranh giành bởi các nước lớn. Do đó, các nước đều phải đối diện với nhiều thách thức như làm thế nào để duy trì được nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tránh hoặc hạn chế sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của nước mình, không bị lôi cuốn vào những mưu toan địa chính trị của các nước lớn, đồng thời lại phải nhanh chóng phát triển kinh tế v.v… Song song với sự lựa chọn đường lối đối ngoại không liên kết với các nước lớn, các quốc gia Đông Nam Á cũng nỗ lực tìm kiếm một mô hình hợp tác khu vực. Trên cơ sở đó, trong chuyến thăm Phipippin tháng 1/1959, Thủ tướng Malaya, Tunku Abdul Rahman đã thảo luận với Tổng thống Phipippin, ông Carlos Garcia về dự án thành lập một tổ chức hợp tác khu vực. Dự án này sau đó được phác thảo trong “Kế hoạch của Tunku về một Hiệp ước hữu nghị và liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á trong các vấn đề kinh tế, văn hóa và liên minh”[26] vào tháng 3/1959. Đúng hai năm sau - tháng 3/1961 - tại Băng Cốc, ba nhà lãnh đạo của ba nước Thái Lan, Malaya và Philippin đã kí Tuyên bố thành lập “Hiệp hội hợp tác kinh tế và văn hóa giữa các nước Đông Nam Á”, gọi tắt là Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia -  ASA). Năm 1963 lại tiếp tục có sáng kiến hợp tác khu vực khác được nêu lên giữa Malaya, Philippin và Inđônêsia, Cả ba nước quyết định thành lập tổ chức MAPHILINDO[27] vào tháng 8/1963. Tuy nhiên, do không giải quyết được mâu thuẫn về lợi ích dân tộc giữa các nước thành viên, nhất là những mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ quốc gia giữa Malaya và Philippin, giữa Malaya và Inđônêsia nên chỉ sau một tháng tồn tại, MAPHILINDO đã bị sụp đổ. Điều đó cũng kéo theo sự sụp đổ của ASA khi quan hệ ngoại giao của hai trong số 3 nước là Malaya và Philippin bị đóng băng. Đây có thể coi là những thể nghiệm hợp tác khu vực không thành công trong những năm đầu thập niên 1960.Tuy nhiên, chính từ những thất bại này lại mở đường cho những lựa chọn mới, đưa đến những nhận thức mới, toàn diện hơn về sự cần thiết phải thống nhất và đoàn kết khu vực để đón nhận các cơ hội mới cũng như để đối mặt với nhiều thách thức mới không chỉ về an ninh, chính trị mà rất quan trọng là những thách thức về phát triển kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN) đã ra đời vào năm 1967. Sự tồn tại của ASEAN từ đó đến nay đã gần một nửa thế kỷ, đó là khoảng thời gian đủ để chứng tỏ thành công và sức sống của tổ chức.
 

Kết luận:

Chủ nghĩa thực dân đã đẩy các nước Đông Nam Á vốn rất đa dạng từ trong truyền thống lịch sử trở nên xa nhau hơn, khác biệt nhau hơn qua việc chia Đông Nam Á thành các nhóm thuộc Anh, thuộc Pháp, thuộc Hà Lan, thuộc Mỹ. Tiếp đó, trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các quốc gia dân tộc thuộc địa Đông Nam Á từ những năm 1920 trở đi, với sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lại tiếp tục bị phân chia thành hai con đường đấu tranh (dân chủ tư sản và vô sản) dựa trên hai ý thức hệ (tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa). Do vậy, quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực từ 1945 trở về trước nếu không bị hạn chế hoặc bị ngăn cách bởi các rào cản thực dân, thì cũng bị khác biệt về ý thức hệ. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh bắt đầu lan sang châu Á và Đông Nam Á từ cuối thập niên 1940, do các đặc điểm địa-chính trị, địa-quân sự của vùng Đông Dương đã khiến cuộc chiến tranh Đông Dương, nói theo cách nói của các nhà Sử học Âu-Mĩ, (1946-1954) không thể chỉ là cuộc chiến giữa người Việt Nam/người Đông Dương với đội quân xâm lược Pháp mà bị quốc tế hóa cao độ bởi chính sách của các nước lớn và trở thành tâm điểm của cục diện hai cực ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Mức độ liên quan giữa Việt Nam/Đông Dương với Đông Nam Á, châu Á và thế giới do đó ngày càng trở nên sâu sắc và đa chiều, đa diện. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam kết thúc đã mở ra một lịch sử quan hệ quốc tế mới ở Đông Nam Á từ thập niên 1950 - 1960 với những thay đổi chính trị “lớn hơn bất kỳ thập niên nào khác trong lịch sử của khu vực”. Các quốc gia Đông Nam Á ngay sau khi trở thành các quốc gia độc lập đã thực sự vươn lên trở thành những chủ thể chính trị vừa chủ động kiến tạo hợp tác, vừa tích cực tham gia vào hệ thống quan hệ quốc tế mới ở khu vực do chính mình tạo dựng.
 

 


[1] Tại Hội nghị Teheran (11/1943), trước khi khai mạc phiên họp đầu tiên, trong cuộc hội đàm riêng giữa J. Stalin và F. Roosevelt, Roosevelt đã bày tỏ quan điểm không muốn cho Pháp trở lại Đông Dương và chủ trương đặt khu vực này dưới sự “ủy trị quốc tế” bởi “Người Pháp cai trị Đông Dương đã 100 năm, nhưng cuộc sống của dân chúng ở đây lại tồi tệ hơn 100 năm trước”, do đó “cần chỉ định ba,bốn nước đứng ra bảo trợ Đông Dương và chuẩn bị cho các dân tộc Đông Dương có đủ điều kiện tự trị sau 30-40 năm nữa.” Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, Pháp không còn là cường quốc hạng nhất để có tư cách có được thuộc địa nữa. (Theo Trần Trọng Trung (2005), Nhà Trắng với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 32).  

[2] Trong Approaching Vietnam: From World War II through Dienbienphu, New York, 1988, Lloyd C. Gardner cho rằng, ở bán đảo Đông Dương thuộc Pháp, khi Hồ Chí Minh, một người Cộng sản đã lãnh đạo cuộc kháng chiến dân tộc thì sự nhiệt tình của Washinhton đối với “quyền tự quyết của các dân tộc” đã nhanh chóng tan biến và khi Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam vào tháng 9/1945 (trong đó nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập có trích dẫn trực tiếp từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ) thì ông ấy (Hồ Chí Minh - Tg) đã không  nhận được một sự cổ vũ nào từ đất nước ông lấy làm ví dụ mà ông đang đấu tranh chống lại. (tr. 62-66).

[3] Về sự lựa chọn này, Mao Trạch Đông nói: sự nghiêng này là sáng kiến của chúng ta và nó sẽ tốt hơn là bị buộc phải nghiêng về một bên nào đó trong tương lai. Theo Bo Yibo, “The Making of the ‘Learning to One Side’ Decision”, Bản dịch của Zhai Qiang, Chinese Historians.

[4] Bản Hiệp ước hữu nghị và tương trợ này mang ý nghĩa của một liên minh quân sự khi nó quy định Liên Xô và Trung Quốc phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công bởi một bên thứ ba.

[5] Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Tiều Tiên (tháng 1/1950); Cộng hòa Nhân dân Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Nhân dân Hunggari, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Nhân dân Bungari, Cộng hòa Nhân dân Albani (tháng 2/1950).

[6] Xem Lưu Văn Lợi (2004), Ngoại giao Việt Nam, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.136.

[7] Xem John Lewis Gaddis, Giờ chúng ta mới biết – Suy nghĩa lại về lịch sử chiến tranh lạnh, Sách do Khoa Quốc tế học, trường ĐHKHXH & NV dịch, Hà Nội, 2009, tr.237.

[8] Như trên, tr.238.

[9] Như trên, tr.103.

[10] Russell H. Fifield, Americans in Southeast Asia: The Root of Commitment, New York, 1973, p.71

[11] George Hering, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb.CTQG, Hà Nội. 1998, tr.18.

[12] Hiệp định Éslysee được ký giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol ngày 8/3/1949 với nội dung Pháp cộng nhận Việt Nam là nước độc lập với tư cách là quốc gia liên kết trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp; Việt Nam thống nhất gồm cả ba kỳ; Việt Nam có tổ chức hành chính, tư pháp, tài chính, quân đội riêng, nhưng Liên hiệp Pháp sẽ có căn cứ, trại lính và quyền tư do đi lại trên lãnh thổ Việt Nam… Hiệp định Éslysee là khúc dạo đầu cho âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chính quyền Pháp bởi bước đi tiếp theo là việc sử dụng con bài Bảo Đại nhằm xây dựng một chính quyền bù nhìn ở Việt Nam. Theo đó, Pháp đưa Bảo Đại trở thành Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam được tuyên bố thành lập Tại Sài gòn ngày 1/9/1949. Ngày 30/12/1949, Chính phủ Pháp ký các văn kiện chuyển giao quyền thực hiện công việc đối nội ở Việt Nam cho chính quyền Bảo Đại.

[13] William J. Duiker, U.S. Containment Policy and the Conflict in Indochina, University of Standford, 1994, p.90-95.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6. Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr.35.

[15] Xem Alain Ruscio “Điện Biên Phủ nhìn từ nước Pháp: từ lạc quan cuồng nhiệt đến chấn thương vì thất bại”, in trong 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb. KHXH, Hà Nội,2004.

[16] Tác giả của Kế hoạch này là Tướng Henri Navarre - người được cử làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương từ tháng 5/1953. Kế hoạch Navarre chủ trương xây dựng ưu thế quân sự dựa trên sự viện trợ của Mỹ nhằm kiềm chế Việt Minh bằng chiến lược phòng thủ cho đến khi có thể tiến công vào năm 1955. Tuy nhiên, sự thất bại của các chiến dịch quân của Pháp đã làm hỏng hoàn toàn toàn Kế hoạch.

[17] Theo John Lewis Gaddis, Sđd, tr.248.

[18] SEATO có ít thành viên hơn là Washington đã hy vọng: Ấn Độ không muốn tham gia. Anh phản đối đưa Đài Loan vào SEATO. Pháp không chấp nhận Nam Việt Nam vào tổ chức. Vì mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Mỹ trong việc thành lập SEATO nên đẩy quan hệ giữa Mỹ và đối thủ của Ấn Độ là Pakixtan trở nên gần gũi hơn. Đó là lý do Pakixtan có mặt trong SEATO.

[19] Chính sách “trung lập” được Ấn Độ và Trung Quốc xác định trong “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” mà hai nước đã thỏa thuận từ tháng 12/1953 trong việc xử lý mối quan hệ giữa hai nước và được công khai hóa vào tháng 4/1954. “Năm nguyên tắc” gồm: 1. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 2. Không xâm lược lẫn nhau; 3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4. Bình đẳng và cùng có lợi; 5 Cùng tồn tại hòa bình.  

[20] Diễn văn khai mạc Hội nghị Băngđung của Tổng thống Xucacno

[21] D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1997, tr. 1230.

[22] Theo Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 675.

[23] Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Phong trào Không Liên kết được tổ chức tại Bêoograt, Nam Tư vào tháng 9/1961. Hội nghị này đã thông qua 5 tiêu chuẩn thành viên của Phong trào: Là nước có chính sách độc lập; Kiên định ủng hộ các phong trào độc lập dân tộc; Không là thành viên của bất cứ một liên minh quân sự đa phương nào được thành lập trong bối cảnh có các cuộc xung đột giữa các cường quốc; Nếu một nước có hiệp định quân sự đa phương với một cường quốc, hoặc là thành viên của một hiệp định phòng thủ khu vực thì hiệp định hoặc hiệp ước đó không được ký kết trong bối cảnh có những cuộc tranh chấp giữa các cường quốc; Nếu một nước đã nhượng căn cứ quân sự cho nước ngoài, thì sự chuyển nhượng đó không được tiến hành trong bối cảnh có những cuộc tranh chấp giữa các cường quốc.

[24] Nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào tại Hội nghị cấp cao lần thứ V tại Xrilanca năm 1976.

[25] Cố gắng xây dựng sự hợp tác giữa các nước trong khu vực được cho là đã bắt đầu từ năm 1947 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Liên minh Đông Nam Á với mục đích đoàn kết các dân tộc Đông Nam Á trong cuôc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân phương Tây. Sau đó, lãnh tụ Mianma - Aung San - đã đưa ra ý tưởng thành lập một Liên bang giữa các nước Mianma, Thái Lan, Đông Dương, Inđônêsia, Philippine và Malaya để cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế.

[26] “Tunku’s Plan for a friendship treaty and closer socio-economic and cultural alignment among the Southeast Asian nations”.

[27] MAPHILINDO là chữ viết tắt của Malaya, Philippin và Inđônêsia.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 7