PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH - PHÊ KHẢO SỬ LIỆU TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[ 12/03/2013 00:00 AM | Lượt xem: 11454 ]
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH - PHÊ KHẢO SỬ LIỆU
TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
(Qua trường hợp tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ hiện đại)
TS. NGUYỄN THỊ MAI HOA
GS.TS. NGUYỄN VĂN KHÁNH
Để lịch sử thực sự trở thành khoa học cần phải xây dựng được hệ thống phương pháp nghiên cứu. Lịch sử trở thành khoa học thực sự khi được xây dựng dựa trên những tri thức đầy đủ, toàn diện, hệ thống. Những tri thức này phải được nhà sử học xác định độ tin cậy, tính chân thực, thông qua việc phân tích và kiểm tra một cách kỹ càng tư liệu lịch sử .Phương pháp phân tích - phê khảo sử liệu ra đời là nhằm thực hiện những mục tiêu đó và được coi như một trong những phương pháp mang tính tiền đề trong mọi công trình nghiên cứu lịch sử, mà thiếu nó, tính khách quan, khoa học, cũng như kết quả của công trình không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Phương pháp phân tích - phê khảo sử liệu càng được tiến hành cẩn trọng bao nhiêu, thì tri thức lịch sử thu nhận được càng gần tới chân lý lịch sử bấy nhiêu, đặc biệt đối với những vấn đề còn đang tranh luận, có độ “nhạy cảm”cao.

1. Sử liệu và phương pháp phân tích - phê khảo sử liệu

Sử liệu là một trong các khái niệm quan trọng nhất của khoa học lịch sử. Các nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm rằng, không có nguồn sử liệu, thì lịch sử không thể được viết ra, “không có cái gì có thể thay thế tư liệu - không có chúng thì không có lịch sử" . Sử liệu tồn tại khách quan, độc lập đối với chủ thể nhận thức và trên cơ sở thông tin thu nhận được từ kết quả phân tích sử liệu, nhà sử học phục dựng lịch sử. Vì thế, diện mạo của quá khứ, mức độ khách quan, khoa học của hiện tượng lịch sử được phục dựng phụ thuộc chủ yếu vào việc nhà sử học xác định phạm vi nguồn sử liệu.

Ở các thời kỳ khác nhau, trong sử liệu học có những tiêu chí khác nhau để đánh giá nguồn sử liệu. Trong một thời gian khá dài đã tồn tại quan niệm cho rằng, chỉ có nguồn sử liệu chữ viết (thư tịch) mới có thể coi là nguồn sử liệu và là nguồn sử liệu có giá trị, còn những nguồn sử liệu khác đều không đáng tin cậy. Quan niệm này khá phổ biến đối với trường phái sử học Thực chứng (positivisme), mà đại diện điển hình là nhà sử học người Pháp Numa Denis Pustele De Coulage (1830-1889) – người được mệnh danh là “kẻ sùng bái thư tịch”, khi ông tuân thủ và chỉ hành động theo một phương châm duy nhất: "Văn bản, chỉ có văn bản, không có gì khác ngoài văn bản” . Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu vậy thì lịch sử các dân tộc chưa có chữ viết, hoặc ở thời kỳ chưa có chữ viết sẽ không thể tái tạo? Chính hiện thực lịch sử của các dân tộc tộc này được phục dựng đã là câu trả lời mang tính phủ định đối với quan niệm sùng bái sử liệu viết. Cùng với sự phát triển của khoa học và những biến đổi trong bản thân khoa học lịch sử, phạm vi nguồn sử liệu ngày càng được mở rộng. Nhà sử học người Pháp thế kỷ XX Lucien Fevre (1878-1956), đã gọi “tư liệu thư tịch”là “những bông hoa quen thuộc”cũng xác nhận một cách hình tượng rằng: “Khi không có những bông hoa quen thuộc, nhà sử học vẫn có thể hái mật cho mình từ tất cả những gì mà tuệ của anh ta đưa vào tầm ngắm” và “tất cả những gì”mà Lucien Fevre ám chỉ chính là “những gì thuộc về con người, phụ thuộc con người, phục vụ con người, thể hiện sự hiện hữu, hoạt động, sở thích và các phương thức sinh sống của con người” . Nói cách khác, với tư cách nguồn sử liệu, có thể xem xét bất kỳ tư liệu sử học nào có dấu hiệu văn hóa của thời đại mình, như nhà sử học kiêm triết gia người Anh R. Jh. Collingwood diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu, song không kém phần khoa học: “Mọi thứ trên đời đều là chứng cứ tiềm tàng của cái gì đó” .

Như vậy, theo nghĩa rộng, nguồn sử liệu là tất cả những gì chứa đựng các thông tin về quá khứ hoạt động của con người trong điều kiện tự nhiên - xã hội nhất định, như nhà sử học Ba Lan Topolski đã có một định nghĩa khá đầy đủ rằng: “Nguồn sử liệu là mọi thông tin về đời sống con người trong quá khứ cùng với các kênh thông tin” .

Có nhiều cách phân loại sử liệu khác nhau, song thông thường, các nhà khoa học chia sử liệu ra làm hai loại: Sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp . Sử liệu trực tiếp xuất hiện cùng với sự kiện, thuộc về sự kiện và thường được coi là nguồn tư liệu gốc, có giá trị, ví dụ như văn bản Hội nghị Paris, văn bản ký kết về biên giới Việt – Trung (2000); văn bản đàm phán về biển Đông, hay như chiếc xe tăng T 54 húc đổ cổng Dinh Độc lập (30-4-1975). Còn sử liệu gián tiếp là sử liệu phản ánh sự kiện lịch sử qua thông tin gián tiếp, với mục đích truyền đạt thông tin - qua tác giả sử liệu (chẳng hạn như hồi ký), ở đó, các sự kiện xảy ra không đồng thời với sử liệu (trước thời điểm hồi ký được viết ra). Cũng cần lưu ý rằng, mọi cách phân chia sử liệu đều mang tính ước lệ.

Như đã nói ở trên, bất cứ tư liệu nào liên quan đến một biến cố, sự kiện lịch sử đã xảy ra đều trở thành nguồn tài liệu cho nhà sử học; tuy nhiên, tư liệu đó trở thành tài liệu sử học hữu ích cho nhà khoa học đến mức độ nào là hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm, nhận thức, kinh nghiệm, phương pháp khai thác và xử lý tài liệu.

Khi bắt tay vào tìm hiểu, chọn lọc sử liệu, người nghiên cứu tiến hành giải mã sử liệu, diễn giải các thông số của nó, xác định mức độ tin cậy, tính xác thực của sử liệu trên mọi phương diện. Khi đến với nhà sử học, sử liệu đã trải qua sự sàng lọc mang tính đặc thù và sau mỗi giai đoạn của sự sàng lọc ấy, thông tin còn lại ngày càng ít đi. Lúc này, một phương pháp đúng là hết sức cần thiết. Chính từ yêu cầu này mà phương pháp phân tích - phê khảo sử liệu (analysis-criticizing historical documents method) đã ra đời nhờ công sức, sự cố gắng, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu.

Phương pháp phân tích - phê khảo sử liệu có nguồn gốc từ phương pháp phê phán sử liệu, mà người sáng lập ra phương pháp này là nhà bác học người Đức G.B.Niburu (1776–1831). Ông quan niệm hoạt động của nhà sử học tựa như giải một bài toán hai ẩn số: Thứ nhất, phân tích - phê phán các nguồn sử liệu với mục đích phát hiện thông tin đáng tin cậy; thứ hai, phục dựng lại hiện thực lịch sử trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu nhận được. Phương pháp phê phán sử liệu trở nên thông dụng và được định hình rõ ràng hơn từ giữa thế kỷ XVIII. Nhà sử học Nga Bestyghep-Riumin (1829 – 1897) cho rằng, phê phán sử liệu tương đồng với quá trình nghiên cứu so sánh các sử liệu và bằng cách đó, dùng tư liệu này để kiểm chứng tư liệu khác. Trong những năm 1842-1849, công trình gồm 20 tập “Cours d’ études historiques" của nhà sử học Claude Francois Daunon (1761—1840), được xuất bản , trong đó toàn bộ tập thứ nhất được giành để định nghĩa về phương pháp phê phán sử liệu cùng với cách phân chia sử liệu. Vào năm 1858, với công trình “Grundriss der Historik” , nhà sử học I. G. Droysen (1808-1884) đưa ra phương pháp phê phán từng nhóm sử liệu riêng biệt. Năm 1876, giáo sư sử học Ad. Tardif xuất bản công trình “Notions élémentaires de critique historique" , trong đó, ngoài việc liệt kê hàng loạt phương pháp cơ bản, cần thiết để phê phán sử liệu, còn đưa ra những lời khuyên hữu ích khi làm việc với sử liệu cho những người mới bắt đầu nghiên cứu. Năm 1883, nhà sử học Сh. De Smedt trong tác phẩm Các nguyên tắc phê phán sử liệu (Principes de la critique historique) , đã trình bày những nguyên tắc phê phán đối với sử liệu viết và chỉ ra những phương pháp bổ trợ cơ bản để thực hiện quá trình phê phán sử liệu. Sau đó một thời gian dài, hai nhà sử học Sharle Victor Langlois (1863 - 1929) và Sharle Seniobos (1854 - 1942) trong công trình "Nhập môn nghiên cứu sử học”(1897) đã đưa ra những quy tắc phê phán sử liệu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề tổng hợp các sự vật rời rạc thu được và xây dựng chuỗi các qui tắc cần thiết để nhóm hóa các sự vật rời rạc thành chỉnh thể khoa học. Đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phương pháp phê phán sử liệu phải kể đến nhà sử học lỗi lạc người Nga A.S. Lappo-Danilevxki (1863 - 1919) với cuốn giáo trình “Phương pháp luận sử học”(1910 - 1913), đã xác định cách thức, nguyên tắc phân loại sử liệu, các phương pháp diễn giải và phê phán nguồn sử liệu. Như vậy, trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII-XVIII, phương pháp phê phán sử liệu được hình thành về căn bản.

Thông thường, những nhà nghiên cứu đặt nền móng cho phương pháp phê phán sử liệu, cũng như những người phát triển phương pháp này trong những giai đoạn tiếp theo, đều coi mục đích chính của phê phán sử liệu là xác định mức độ tin cậy của sử liệu trên mọi phương diện, và đã chia quá trình phê-khảo sử liệu thành hai giai đoạn: Phê phán bên ngoài (làm rõ tất cả các dữ liệu bên ngoài của sử liệu, xác định xuất xứ - tác giả, thời gian, địa điểm và mục đích việc sáng tạo, tính xác thực của nguồn sử liệu) và phê phán bên trong (xác định tính đầy đủ, tính xác thực của các thông tin chứa trong nguồn sử liệu - suy đoán kín), mỗi giai đoạn có nhiệm vụ riêng, và vì thế, cần sử dụng những cách thức, phương pháp nghiên cứu riêng. Quan điểm này thịnh hành đến trước những năm 1970 và rất nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của phê phán bên trong, vì cho rằng, đây là giai đoạn quyết định; đồng thời, khi thực hiện thao tác này, dưới ảnh hưởng của cuộc đấu tranh ý thức hệ và Chiến tranh lạnh, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, cách tiếp cận xã hội – giai cấp được coi là quan trọng nhất, chủ chốt nhất. Việc xác định nguồn gốc giai cấp, vị trí xã hội của tác giả sử liệu được xem là quan trọng hàng đầu.

Vào những năm 80-90 của thế kỷ XX, cách chia quá trình phê phán sử liệu một cách cứng nhắc thành phê phán bên trong và bên ngoài được xem xét lại. Điều này thể hiện khá rõ nét trong Phương pháp luận sử học Xô viết – lĩnh vực mà Phương pháp luận sử học Việt Nam có mối liên hệ gắn bó, gần gũi, kế thừa. Các nhà sử học Nga và thế giới cùng chung quan điểm: (1) Không phải tất cả mọi nguồn sử liệu phục vụ mục đích nghiên cứu đều có giá trị cao, vì thế, việc sàng lọc sử liệu được coi là công việc quan trọng thứ hai sau khi xác định vấn đề nghiên cứu. tuy rằng, để lựa chọn, sàng lọc đúng đắn sử liệu, nhà sử học đã cùng lúc sử dụng thủ pháp phân tích – phê phán; (2) một khi mục đích và nội dung của cả hai hình thức phê phán sử liệu bên ngoài và bên trong gắn bó logic, chặt chẽ trong một thể thống nhất, và ranh giới giữa chúng rất mờ nhạt, mong manh, thì việc phân chia quá trình làm việc với sử liệu thành hai giai đoạn như vậy đã bộc lộ sự vô lý, mang nặng tính hình thức và không cần thiết. Đặc biệt, trong khi các nhà sử học phân chia rạch ròi hai giai đoạn phê phán sử liệu, coi phê phán bên trong là bước đi có sau, bước đi thứ hai, thì có rất nhiều khía cạnh, nhiều nội dung của phê phán bên ngoài chỉ có thể được xác định sau khi hoàn thành phê phán bên trong. Như vậy, không thể đơn giản coi những thao tác phê phán bên ngoài, bên trong đối với sử liệu như là những chuỗi hoạt động lần lượt, nối tiếp nhau. Quan điểm như thế cần được xem xét lại; cần phải hiểu rằng, phê phán bên ngoài và bên trong là một giai đoạn thống nhất trong phân tích sử liệu thông qua con đường phê phán, nhằm đáp ứng một loạt những yêu cầu riêng lẻ, để đi đến mục tiêu lớn nhất là xác định một cách đầy đủ, chính xác nhất về số lượng, phạm vi, các thông số cơ bản, tính xác thực của nguồn sử liệu và nội dung lịch sử chứa đựng trong nó đối với một vấn đề nghiên cứu lịch sử cụ thể mà nhà khoa học đã lựa chọn. Nhà sử học người Nga E.M. Giukov – Viện sĩ Viện Khoa học Nga đã rất xác đáng cho rằng: “Trên thực tế, rất khó khăn và hầu như không thể chia một cách tuyệt đối, hoàn toàn phê phán sử liệu thành phê phán bên trong và bên ngoài trong một chuỗi các hoạt động nghiên cứu. Giải mã sử liệu và định vị nó – là những nhiệm vụ liên quan vô cùng chặt chẽ và thường diễn ra cùng lúc” . Đồng nhất với ý kiến đó, đa phần các nhà nghiên cứu thời kỳ hiện đại đều tích hợp các bước, các giai đoạn tương tác với sử liệu, tổng quát thành phương pháp phân tích – phê khảo sử liệu. Bên cạnh đó, trong những năm 1990 cũng bắt đầu xem xét lại phương pháp tiếp cận trong phân tích – phê khảo sử liệu, chú trọng cách tiếp cận nguồn gốc văn hóa - xã hội của sử liệu. Một cách tổng quát, phân tích - phê khảo sử liệu là sử dụng các thủ pháp khoa học, nhằm hiểu rõ, tái hiện được một cách tốt nhất ý nghĩa đích thực của sử liệu sau khi phát hiện những khiếm khuyết, những khoảng trống của nó. Điều đó coá nghĩa là để phát hiện đầy đủ các giá trị và định vị sử liệu, cần phải sử dụng các công cụ khoa học phụ trợ khác, nhiều khi còn rộng lớn hơn cả so với phương pháp phê phán sử liệu.

2. Phân tích – phê khảo sử liệu trong nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ hiện đại

Khoa học lịch sử nghiên cứu quá khứ, các hoạt động của con người, giải thích và tìm ra mối liên hệ, những quy luật chi phối những hiện tượng, sự kiện riêng biệt của lịch sử và thực tại khách quan. Quá trình này bị chế định bởi nguồn sử liệu và phương thức tái tạo nguồn sử liệu. Nghiên cứu quan hệ Việt – Trung ở thời kỳ hiện đại, cũng như nghiên cứu về bất kỳ một vấn đề lịch sử nào khác ở Việt Nam cũng cần tuân thủ quy luật ấy.
Nguồn sử liệu phục vụ nghiên cứu quan hệ Việt – Trung thời kỳ hiện đại tương đối phong phú, đa dạng, song không phải mọi sự liệu đều có thể dễ dàng tiếp cận. Cũng như các nguồn sử liệu khác, một cách thông thường nhất, sử liệu về quan hệ Việt – Trung thời kỳ hiện đại có thể phân chia thành sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp. Trong cả hai dạng thức sử liệu này, nguồn sử liệu chữ viết chiếm đa phần, có ý nghĩa quan trọng nhất, vì thế, cũng là nguồn sử liệu được các nhà nghiên cứu chú ý hơn cả.

Trong nguồn sử liệu trực tiếp dưới dạng chữ viết, nguồn tài liệu lưu trữ (các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, sắc lệnh, thông tư... của Đảng và Nhà nước hai nước về ngoại giao nói chung, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng; các hiệp định, thư, điện, bài phát biểu của các nguyên thủ quốc gia hai nước; các báo cáo, văn bản đối ngoại của các cơ quan, phái đoàn hai nước; các báo cáo của các bộ, ngành hai nước... hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng, Phòng lưu trữ của Bộ Ngoại giao, Vụ Trung Quốc - Bộ Ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng....), vừa nhiều về số lượng, vừa có giá trị cao về thông tin khoa học. Cố Giáo sư sử học Pháp Charles Fourniau đã đánh giá về nguồn tài liệu lưu trữ ở Việt Nam như sau: “Nguồn tài liệu lưu trữ là một kho chứa đựng những thông tin gần như không bao giờ cạn, nếu biết khai thác và đặt chúng dưới một sự phê phán phức tạp, thì những nguồn tài liệu lưu trữ này sẽ cho phép đi khá xa trong sự nhận thức, kể cả vấn đề tranh luận và bị phủ nhận” . Tuy nguồn tài liệu này có giá trị to lớn như vậy, song trong điều kiện nghiên cứu một vấn đề tương đối nhạy cảm như quan hệ Việt – Trung, cần phải lưu ý mấy điểm sau: (1) Không phải khi nào và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, khai thác nguồn sử liệu này; (2) Tuy rất có giá trị, nhưng nguồn sử liệu này không phải luôn luôn có giá trị tuyệt đối. Đối với điểm lưu ý thứ nhất, vấn đề là ở nước ta chưa có luật qui định cụ thể về giải mật và thời hạn giải mật các tài liệu lưu trữ; thậm chí, tiêu chí “mật”hay “không mật”đối với một số tài liệu lưu trữ cũng đều do cá nhân quyết định một cách cảm tính; các quy định khai thác tài liệu còn ít ỏi, không rõ ràng, không được công bố rộng rãi; đối với đa phần tài liệu lưu trữ, quyết định cho phép khai thác hoặc không, thường được quyết định “tại chỗ”của các cấp có thẩm quyền, đi qua nhiều tầng nấc khác nhau. Việc khai thác cùng một tài liệu lưu trữ, đối với nhà nghiên cứu này có thể là “tuyệt mật”– đồng nghĩa với không thể khai thác, còn đối với nhà nghiên cứu khác lại là tài liệu đã “giải mật”. Hiện trạng này dẫn đến hai tình huống: Một là giá trị đích thực của công trình nghiên cứu không nằm ở cách tiếp cận, năng lực tư duy - phân tích, khả năng lập luận của nhà nghiên cứu, để đưa ra kết quả khách quan, khoa học, mà phụ thuộc vào chỗ công bố những tài liệu “chưa khai thác”; hại là có những tư liệu mật, bằng cách này hay cách khác, nhà khoa học tiếp cận và khai thác được, song lại không thể sử dụng để hoàn thành hoặc công bố công trình nghiên cứu của mình, vì thế, không hiếm gặp những công trình nghiên cứu thiếu cái mới, thiếu quan điểm độc lập, thậm chí chỉ mang tính minh chứng một chiều dựa trên tư biện thay cho sử liệu. Đối với điểm lưu ý thứ hai, rất nhiều tài liệu lưu trữ khi công bố (như Văn kiện Đảng toàn tập chẳng hạn) đã bị cắt xén cho phù hợp tình hình chính trị (ví dụ như trong Văn kiện Đại hội lần thứ V (1982) của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khóa V, rất nhiều nội dung về Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã bị lược bớt và thay bằng dấu ba chấm). Những đặc điểm vừa nêu trên, một mặt, cho thấy sự khó khăn, trở ngại của các nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung trong xác định phạm vi nguồn sử liệu; mặt khác, có tác dụng cảnh báo đối với người nghiên cứu khi phân tích – phê khảo nguồn sử liệu này là phải hết sức cẩn trọng, có nghĩa là không chỉ chú ý đến tính xác thực của sự kiện, mà còn phải hết sức chú trọng cả độ tin cậy của thông tin, tránh rơi vào cái bẫy của sự ngụy tạo thông tin. Phê khảo nguồn sử liệu này, cần tăng cường các phương pháp đối chiếu, so sánh, để có những diễn giải và nhận thức đúng giá trị của tư liệu. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn tài liệu lưu trữ từ phía Trung Quốc cũng hết sức khó khăn, nên cũng chỉ có thể tiếp cận được nguồn tài liệu lưu trữ đã công bố trong những chừng mực hạn hẹp.

Nguồn sử liệu gián tiếp dưới dạng chữ viết về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu bao gồm hai loại chính: Hồi ký của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước; các công trình khoa học của các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc và nước ngoài khác. Đây là nguồn sử liệu đồ sộ, phong phú, nếu được phân tích – nghiên cứu phê khảo tốt, sẽ trở thành sử liệu bổ trợ, bù đắp những thiếu hụt, những khoảng trống trong nguồn sử liệu trực tiếp, giúp cho việc phục dựng hiện thực lịch sử đầy đủ và xác thực hơn.

Về sử liệu – hồi ký, phải khẳng định rằng, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn sử liệu này ngày càng nhiều thêm. Sự xuất hiện của các cuốn hồi ký như “Hồi ức và suy nghĩ”(Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ); “Giọt nước trong biển cả”(Hoàng Văn Hoan); “Hồi ký Dương Công Tố”(Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam); “Hồi ký cố vấn Trung Quốc”(nhiều tác giả, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Lã Quý Ba, Trần Canh, Vương Nghiên Tuyền, Trương Quảng Hoa)…, cho phép mở rộng phạm vi nguồn sử liệu và kiểm chứng thông tin, thâu nhận thêm thông tin mới. Tuy các tác giả của nguồn sử liệu này là người trong cuộc, đã từng chứng kiến hiện thực lịch sử và mô tả lại, nhưng việc mô tả chủ yếu dựa vào ký ức, nhận thức chủ quan nên dễ sai lệch, nhất là đối với những sự việc xảy ra quá lâu. Mặt khác, cách nhìn nhận, đánh giá sự kiện lịch sử (nhất là những sự kiện phức tạp, nhạy cảm chính trị), phụ thuộc rất lớn vào việc tác giả hồi ký đứng ở vị trí nào, thuộc về đâu?

Sử liệu – công trình sử học về quan hệ Việt - Trung có độ phủ khá rộng, bao trùm các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, an ninh – quốc phòng, kinh tế - thương mại, đến văn hóa – giáo dục, khoa học – kỹ thuật, du lịch… Các công trình của các nhà khoa học Việt Nam viết về quan hệ Việt - Trung những năm qua khá phong phú về chủ đề như: "Chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”(Đỗ Tiến Sâm - Furutamotoo); "Việt Nam một tiêu điểm của chiến tranh tư tưởng phản cách mạng”(Nguyễn Thành Lê); “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Những sự kiện 1961-1970”(Nguyễn Đình Liêm)… Phía Trung Quốc công bố ngày càng nhiều những công trình về quan hệ Việt – Trung, trong đó có những công trình tiêu biểu: "Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua”(Quách Minh); “Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc”(Sa Lực, Mân Lực); “Quyết sách của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam”(Bành Mộ Nhân); "Quan hệ Trung - Việt sau bình thường hoá: Nhìn lại thời gian qua và triển vọng”(Hồ Tài); "M¬ười năm chiến tranh Trung - Việt”(Mân Lực)…. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng rất quan tâm tới quan hệ Việt Nam –Trung Quốc; số lượng ấn phẩm công bố ngày gia tăng nhanh: "Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”(Monique Chemillier Gendereau); "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa (Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A); "Chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại”(Leni Stenseth)…

Sử liệu gián tiếp – chữ viết về quan hệ Việt – Trung có ưu điểm là đa diện, các quan điểm nhiều chiều, thông tin phong phú, song cũng có rất nhiều hạn chế, mà hạn chế lớn nhất nằm ở tính chủ quan, mơ hồ của nguồn sử liệu - nó vừa phản ánh hiện thực lịch sử, lại vừa phủ nhận một phần hiện thực ấy. Do tác động của các điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau nên các tác giả không thể lúc nào cũng nắm được trọn vẹn sự kiện, mà nhiều khi còn phản ánh sai lệch, khiến cho việc phân tích – phê khảo sử liệu của nhà nghiên cứu thêm phần nặng nề, phức tạp, đúng như nhà sử học A. Ya. Gurevich đã kết luận: “Nhà nghiên cứu lịch sử luôn luôn đơn độc vật lộn với nguồn sử liệu, bởi vì nguồn sử liệu vừa là công cụ duy nhất của nhận thức, vừa là trở lực” .

Trong quá trình xử lý nguồn sử liệu gián tiếp về quan hệ Việt - Trung, việc nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích – phê khảo, nhằm làm rõ tính xác thực của nguồn sử liệu này và độ tin cậy của thông tin, được truyền tải qua lăng kính chủ quan của người thông tin là hết sức cần thiết, vì “chân lý bên này dãy núi Pyrénées thì không giống với chân lý bên kia dãy núi ấy” . Cần hết sức chú ý đến quan điểm, góc độ tiếp cận của tác giả sử liệu, đặt sử liệu vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà nó được sinh ra; tìm hiểu sự tác động, chi phối của hoàn cảnh ấy đối với nội dung và hình thức của sử liệu. Quá trình này đòi hỏi sự cẩn trọng, kiên nhẫn và sự sàng lọc tỉ mỉ, kết hợp chặt chẽ các nguyên tắc phê khảo sử liệu với hệ thống phương pháp bổ trợ phê khảo sử liệu được sử dụng phù hợp, không lạm dụng các kết luận của các tác giả sử liệu gián tiếp, bởi "một khoa học phức tạp như sử học, nơi trước khi lập luận, một kết luận thường phải tích luỹ hàng triệu sự vật, không thể dựa trên cái đã được viết ra vĩnh hằng. Phục dựng lịch sử không được làm trực tiếp theo các sử liệu gián tiếp, cần phải tổ hợp các kết luận đã đạt được bằng hàng ngàn các công trình bộ phận" . Chỉ có sự cẩn trọng như thế, cùng với năng lực tư duy tiếp cận, phân tích, lý giải các nguồn sử liệu, mới có thể góp phần phục dựng quan hệ Việt - Trung gần đúng với hiện thực lịch sử.

*

Tiến hành công trình nghiên cứu của mình, nhà sử học hướng tới việc dựng lại một cách tương đối chân thực, khoa học bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của quá trình lịch sử, để cuối cùng tìm kiếm mối liên quan hệ thống nhất giữa các sự kiện, từ đó tìm ra những yếu tố tác động và chi phối cũng như khám phá quy luật vận động của quá trình lịch sử. Trong quá trình ấy, sử liệu là “nguyên vật liệu thô cứng đầu tiên”, không thể thiếu, trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh một phần hoặc toàn bộ hiện thực lịch sử. Tuy nhiên, để tiếp cận và phục dựng lịch sử tiệm cận chân lý hiện thực, thì phương pháp tập hợp và xử lý nguồn sử liệu đóng vai trò quyết định. Phương pháp phân tích – phê khảo sử liệu ra đời là một thành tựu của ngành sử liệu học. Tiếp nhận và ứng dụng sang tạo chuyển phương pháp phân tích – phê khảo sử liệu và các phương pháp nghiên cứu khác của sử học sẽ giúp nhà sử học gia tăng khả năng tiệm cận tới tính khách quan của nhận thức lịch sử. Tuy nhiên, thật khó mà đạt tới tri thức lịch sử khách quan, toàn diện, vì đối với một con người hay nhóm người, trong một không gian hay thời gian nhất định, nhận thức lịch sử chỉ là hữu hạn, có tính tương đối. Do quá trình xử lý và nhận thức các nguồn sử liệu là không có giới hạn, có thể kéo dài vô tận theo khả năng phát hiện, nhận thức của con người, đặc biệt là nguồn sử liệu liên quan đến những vấn đề chính trị, quân sư phức tạp, nhạy cảm, nên lịch sử được viết ra rồi được viết lại, và cứ thế..., hết thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù vậy, để có công trình nghiên cứu mang tính khoa học cao, đến gần với hiện thực lịch sử, nhà sử học cần phải thể hiện tính chuyên nghiệp, tính khách quan và cẩn trọng trong phân tích - phê khảo nguồn sử liệu, trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy tắc khoa học trong nghiên cứu. Chỉ bằng cách đó cộng với tài năng cá nhân của nhà sử học, các kết quả nghiên cứu mới được xây dựng trên một nền tảng thông tin vững chãi, khoa học, tin cậy .

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 6