Về lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
[ 12/11/2012 22:16 PM | Lượt xem: 2631 ]

TCCSĐT - Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong quá trình cải cách, mở cửa đã tạo ra một bước nhảy vọt thần kỳ đưa Trung Quốc phát triển hài hòa và trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là đỉnh cao nhất của lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc hiện nay.



Sự hình thành lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Theo các nhà lý luận Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội đặc sắc (CNXHĐS) Trung Quốc chính là thành tựu quan trọng nhất của sự phát triển lý luận cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình lãnh đạo nhân dân Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội mấy chục năm qua. Đó chính là đỉnh cao của quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay.

Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác là sự vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt lý luận của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác lần thứ nhất đã được Mao Trạch Đông thực hiện thành công trong cách mạng giải phóng đất nước và thực hiện bước chuyển từ chủ nghĩa dân chủ mới sang chủ nghĩa xã hội và đã tạo ra bước nhảy vọt lý luận lịch sử lần thứ nhất. Nó là thành quả của sự kết hợp lý luận giữa tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác.

Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác lần thứ hai do Đặng Tiểu Bình khởi xướng cùng với quá trình cải cách, mở cửa đã tạo ra sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc thời gian qua. Về mặt lý luận, bước nhảy vọt lý luận lần thứ hai này là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong bối cảnh mới của cả Trung Quốc và thế giới. Với những thành tựu lý luận nổi bật là: lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “ba đại diện” do Giang Trạch Dân chủ trương, quan điểm phát triển khoa học và lý luận về xây dựng xã hội hài hòa do Hồ Cẩm Đào chủ trương.

Thực tiễn xây dựng CNXHĐS Trung Quốc diễn ra một cách toàn diện ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc (XHCNĐS) Trung Quốc, dân chủ XHCNĐS Trung Quốc, Nhà nước pháp quyền XHCNĐS Trung Quốc, văn hóa XHCNĐS Trung Quốc, xã hội hài hòa XHCNĐS Trung Quốc…

Đặc điểm nổi bật của lý luận CNXHĐS Trung Quốc là hệ thống lý luận mở, mang trong mình tiềm năng sáng tạo to lớn. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác, nó cơ bản xuất phát từ thực tiễn xây dựng CNXH ở Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hóa. Vì lẽ đó, nó hứa hẹn sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển không ngừng. Có thể khẳng định, lý luận CNXHĐS Trung Quốc được phát triển hết sức linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển gắn liền với thực tiễn cải cách, mở cửa, thực tiễn thực sự trở thành tiêu chuẩn của lý luận CNXHĐS Trung Quốc.

Cơ sở và ý nghĩa của lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Là một hệ thống lý luận đóng vai trò dẫn dắt quá trình xây dựng CNXH ở một quốc gia đông dân nhất thế giới và đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, CNXHĐS Trung Quốc được hình thành và phát triển bởi sự kết hợp sáng tạo giữa chủ nghĩa Mác và những thành tựu lý luận đặc sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo các nhà lý luận Trung Quốc, sự hình thành và phát triển của nó dựa trên các căn cứ sau: căn cứ lý luận đó là những nguyên tắc cơ bản của CNXH  khoa học của chủ nghĩa Mác; căn cứ lịch sử đó là thực tiễn và kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước xây dựng CNXH; căn cứ thực tiễn của sự ra đời và phát triển lý luận CNXHĐS Trung Quốc chính là hiện thực công cuộc cải cách, mở cửa và thực hiện hiện đại hóa XHCN của Trung Quốc; căn cứ thời đại của lý luận CNXHĐS Trung Quốc đó chính là quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.

Lý luận CNXHĐS Trung Quốc đó là sáng tạo lý luận đặc thù của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH đặc thù ở Trung Quốc trong thời đại ngày nay. Đó là lý luận xây dựng CNXH ở Trung Quốc. Nó không phải là lý luận xây dựng chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc hay xây dựng CNXH dân chủ của Trung Quốc. Điều này có nghĩa, trên cơ sở phổ biến của lý luận CNXH khoa học của chủ nghĩa Mác, Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác sáng tạo ra lý luận đặc thù CNXHĐS Trung Quốc.

Lý luận CNXHĐS Trung Quốc chính là hệ thống lý luận khái quát hóa những thành tựu mới nhất của lý luận Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác trên cơ sở thực tiễn cách mạng của nhân dân Trung Quốc; trong đó, đề cao chiến lược quan trọng của quan điểm phát triển khoa học, quan điểm xây dựng xã hội hài hòa trong hệ thống lý luận CNXHĐS Trung Quốc; đồng thời, cũng là sự khái quát quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản, quy luật vận động và phát triển của CNXH, cũng như quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người trong thời đại ngày nay. Với những ý nghĩa như thế, lý luận CNXHĐS Trung Quốc chính là hệ thống lý luận xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia XHCN phồn vinh, giầu mạnh, nhân dân cùng giầu có. Đây cũng là một bước quan trọng phát triển chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông trong thời đại ngày nay.

Những nội dung cơ bản của lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

CNXHĐS Trung Quốc được hình thành và phát triển trong quá trình Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc cải cách, mở cửa. Cùng với những thành tựu vĩ đại về kinh tế - xã hội của sự nghiệp cải cách, mở cửa, hệ hống lý luận CNXHĐS Trung Quốc cũng từng bước phát triển và hoàn thiện. Mặc dù là một hệ thống lý luận có kết cấu mở, được xây dựng và khái quát hết sức linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo và gắn liền với thực tiễn cải cách, mở cửa của nhân dân Trung Quốc, nhưng theo các nhà lý luận Trung Quốc thì hệ thống lý luận CNXHĐS Trung Quốc có thể khái quát thành một số nội dung cơ bản sau:

- Kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại. Xuất phát từ thực tiễn giai đoạn đầu của CNXH, nắm chắc các mâu thuẫn chủ yếu của giai đoạn đầu của CNXH và biểu hiện cụ thể của nó trong từng giai đoạn.

- Cần quán triệt tư tưởng hòa bình và phát triển là đặc điểm quan trọng nhất của thời đại, nắm chắc cơ hội lịch sử, chủ động kế thừa và tận dụng mọi thành quả của văn minh nhân loại.

- Lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, quán triệt quan điểm phát triển khoa học phát triển toàn diện, nhịp nhàng, bền vững, đi theo con đường công nghiệp hóa kiểu mới, xây dựng nông thôn mới XHCN, xây dựng nhà nước mô hình sáng tạo và mô hình phát triển tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, có những bước đi cụ thể thích hợp để thực hiện hiện đại hóa XHCN.

- Kiên trì quan điểm lấy con người làm gốc, luôn luôn coi thực hiện, bảo vệ, phát triển tốt nhất lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân làm xuất phát điểm và mục tiêu hoạt động của Đảng và Nhà nước.

- Tiếp tục cải cách, mở cửa, thúc đẩy cải cách thể chế một cách toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật; tích cực tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế và cạnh tranh bình đẳng cùng có lợi trên thị trường thế giới.

- Đẩy mạnh xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN, lấy chế độ công hữu làm chủ, thực hiện cùng phát triển nhiều hình thức sở hữu, thực hiện kết hợp chế độ phân phối theo lao động và nhiều hình thức phân phối khác.

- Thực hiện chế độ chính trị thống nhất giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật, mở rộng sự tham gia vào đời sống chính trị của nhân dân, hoàn thiện dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, xây dựng văn minh chính trị XHCN.

- Xây dựng hệ thống giá trị XHCN, làm phồn vinh nền văn hóa hài hòa, tiên tiến XHCN, xây dựng văn minh tinh thần XHCN, xây dựng tư tưởng đạo đức, tố chất văn hóa khoa học và tố chất sức khỏe của dân tộc Trung Hoa.

- Tăng cường xây dựng xã hội lấy dân sinh làm trung tâm, hoàn thiện cơ chế an sinh xã hội, hoàn thiện chế độ phúc lợi, từ thiện xã hội; quản lý tốt xã hội, thúc đẩy công bằng chân chính, xây dựng thành công xã hội hài hòa XHCN.

- Kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, thuận theo trào lưu thời đại hòa bình; thực hiện phát triển, hợp tác, ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, cùng nhân dân thế giới xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh.

- Dựa vào khối đoàn kết công nhân, nông dân, trí thức xây dựng thành công CNXHĐS Trung Quốc; cần khẳng định và coi trọng các tầng lớp mới xuất hiện trong cải cách, mở cửa cũng là chủ nhân xây dựng CNXHĐS Trung Quốc; nhất quán tôn trọng lao động, tôn trọng tri thức, tôn trọng người tài, tôn trọng sáng tạo; chủ động phát huy và chủ động tận dụng mọi nhân tố tích cực để xây dựng thành công CNXHĐS Trung Quốc.

- Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; tăng cường xây dựng Đảng theo tinh thần cải cách sáng tạo, tăng cường ý thức cầm quyền, cải cách phương thức cầm quyền, nâng cao năng lực cầm quyền; kiên quyết cầm quyền theo khoa học, dân chủ, pháp luật, cầm quyền chân chính vì nhân dân./.

Khiếu Linh

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 11