Những lưu ý vô cùng quan trọng với thí sinh thi THPT quốc gia 2016 môn Lịch sử
Phân tích đề thi Lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 và thi THPT quốc gia 2015, PGS.TS Vũ Quang Hiển - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã rút ra những lưu ý vô cùng quan trọng với học sinh thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Lưu ý ngôn ngữ trong câu hỏi
Theo PGS.TS Vũ Quang Hiển, điều đầu tiên cần lưu ý là đề thi Lịch sử thường nhằm vào đánh giá năng lực tư duy ngôn ngữ. Do đó, từ ngữ dùng trong câu hỏi đòi hỏi học sinh phải hiểu đúng, nếu không học sinh sẽ dễ bị lạc đề.
Ví dụ như các từ “tình hình” và “chuyển biến” là hai từ khác nhau nhưng nhiều thí sinh không phân biệt được.
Ví dụ: Tình hình về kinh tế hay xã hội của quốc gia, tức là một thực trạng, một lát cắt cụ thể, nhưng khi nói tới chuyển biến về mặt kinh tế, xã hội tức là muốn nói đến quá trình có tính lịch đại, có sự chuyển biến từ chỗ như thế này đến chỗ như thế khác.
Trong trường hợp như vậy, nếu hỏi về "chuyển biến", nhưng học sinh chỉ nói được "tình hình", nghĩa là chỉ mới nói được thực trạng thôi, nên chưa đầy đủ và chỉ được một phần điểm nhất định.
Ví dụ khác được PGS.TS Vũ Quang Hiển đưa ra là đề thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2015, trong đó có câu về Nguyễn Ái Quốc. Câu hỏi đưa ra bảng biên niên những hoạt động liên quan đến Nguyễn Ái Quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến đầu năm 1930, yêu cầu căn cứ vào bảng dữ liệu cho sẵn đó, nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc với vai trò của cách mạng Việt Nam.
"Câu hỏi chỉ yêu cầu nêu vai trò chứ không phải phân tích. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thí sinh không suy nghĩ kỹ, vừa nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc, vừa phân tích vai trò đó. Như vậy là thừa, vừa mất thời gian, vừa khiến người chấm biết mình chưa hiểu đúng câu hỏi.
Hoặc vế thứ 2 của câu hỏi yêu cầu: Những sự kiện nào chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở cho mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, tức là một trong các phong trào cách mạng thế giới.
Với ý hỏi này, nếu không đọc kỹ, thí sinh sẽ trình bày mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới nói chung, như vậy là thừa, thể hiện mình không hiểu về mặt ngôn ngữ. Như vậy, sự kiện không bắt buộc học sinh phải thuộc, nhưng khi đề thi cung cấp, người làm bài phải hiểu câu hỏi mới chọn được sự kiện đúng" - PGS.TS Vũ Quang Hiển phân tích.
Lưu ý về tư duy hệ thống trong câu hỏi
Vấn đề quan trọng thứ 2 trong đề thi PGS.TS Vũ Quang Hiển đề cập đến là tư duy hệ thống, thấy được mối liên hệ giữa các sự kiện trong quá trình lịch sử. Đây là một năng lực tư duy hết sức quan trọng trong dạy học Lịch sử.
Đơn cử, nếu câu hỏi cho một hiện tượng A, cần suy luận trước và sau đó là gì trong mối quan hệ logic. Chẳng hạn như giữa bản chất và hiện tượng, người ta cho những hiện tượng cụ thể nhưng cần rút ra được những vấn đề về mặt bản chất.
PGS.TS Vũ Quang Hiển đưa ví dụ: Câu hỏi về lịch sử thế giới trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cho hàng loạt dữ liệu về các nước Đông Nam Á - về chính trị, về kinh tế và mối quan hệ giữa các nước trong khu vực; sau đó yêu cầu nói lên những chuyển biến lớn trong khu vực.
Với đề như trên, toàn bộ các sự kiện cho sẵn chỉ là sự kiện hiện tại, để nói được sự chuyển biến, thí sinh phải nêu được: Trước chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia này là nước thuộc địa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, các quốc gia đó đã trở thành nước độc lập. Vậy sự chuyển biến về chính trị là: Từ những nước thuộc địa, trở thành những quốc gia độc lập, có chủ quyền.
"Dù số điểm không nhiều, nhưng do yêu cầu tư duy bậc cao nên thường học sinh khá giỏi mới làm được" - PGS Vũ Quang Hiển cho hay.
Tư duy phản biện trong đề thi
Nội dung quan trọng thứ ba PGS Vũ Quang Hiển đề cập tới trong đề thi Lịch sử liên quan tới năng lực tư duy phản biện, điều này xuất hiện ở đề thi THPT quốc gia năm 2015.
Trong đề thi có câu hỏi: Có ý kiến cho rằng, hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17. Căn cứ vào nội dung Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, hãy nhận xét ý kiến trên.
Với câu hỏi này, PGS Vũ Quang Hiển cho rằng thí sinh phải nắm chắc nội dung Hiệp định, dựa vào đó mà so sánh để đi tới khẳng định ý kiến trên là không đúng. Hiệp định Giơnevơ 1954 công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam là độc lập, chủ quyền , thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Việc chia cắt thành hai miền ở Vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời, để thực hiện tập kết, chuyển quân. Sau hai năm, quân Pháp sẽ rút hết về nước và nhân dân Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, hoàn toàn không phải chia Việt Nam thành hai quốc gia.
Do đó, đường vĩ tuyến 17 không phải là đường biên giới về chính trị lãnh thổ, không phải đường biên giới quốc gia, chỉ là đường giới tuyến quân sự tạm thời.
Từ sự so sánh với Hiệp định Giơnevơ 1954, cần chỉ ra ý kiến đã nêu là không chính xác, không đúng với nội dung Hiệp định Giơnevơ 1954. Thí sinh có quyền bày tỏ quan điểm, phát biểu ý kiến cá nhân của mình; chẳng hạn như phê phán ý kiến đã nêu là sự xuyên tạc, là nhận thức sai lệch. Đó chính là phần kích thích tư duy phản biện, khả năng sáng tạo mà đề thi dánh cho học sinh.
Đề thi có sự đổi mới - giáo viên phải thay đổi cách dạy
Xu hướng đổi mới về thi cử hai năm vừa qua, đặc biệt là năm 2015 hướng mạnh đến đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh. Năng lực này được hình thành trên nền tảng tri thức khoa học lịch sử, phải hiểu một cách tường tận chứ không phải chỉ thuộc vẹt.
Nhấn mạnh điều này, PGS Vũ Quang Hiển cho rằng, giáo viên cần phải thay đổi cách dạy học Lịch sử.
Chẳng hạn, khi dạy nội dung hiệp định Giơnevơ, giáo viên không nhất thiết phải tóm tắt nội dung Hiệp định, cũng không bắt buộc học sinh phải tóm tắt lại nội dung đó rồi ghi lên trên bảng, rồi từ trên bảng lại ghi vào trong vở. Việc làm đó mất nhiều thời gian và không cần thiết, vì nội dung Hiệp định đã được tóm tắt sẵn trong SGK.
Giáo viên nên yêu cầu học sinh sử dụng SGK, yêu cầu học sinh căn cứ vào nội dung Hiệp định cho ý kiến về câu nói được viết lên bảng: "Hiệp định Giơnevơ chia Việt Nam thành hai quốc gia với đường biên giới là vĩ tuyến 17", rồi các em tự phát biểu. Sau đó, giáo viên chốt lại nội dung.
Cách dạy như vậy không chỉ kích thích tư duy sáng tạo của học sinh, tạo không khí mới trong lớp học. Ngưòi học sẽ có nhiều trí tuệ hơn. Ý tưởng của Bộ chiỏnh là dùng cách thi để tác động trở lại cách dạy và học.
"Khi dạy học Lịch sử, thầy cô nên hướng học sinh phát triển phẩm chất, năng lực bằng cách đặt ra những câu hỏi để các em tự suy nghĩ, tự tranh luận, thảo luận; từ đó đưa ra ý kiến của mình.
Thầy cô không có trách nhiệm đưa ra câu trả lời thay cho học sinh, không phải đưa ra đáp án có sẵn để học sinh học thuộc lòng phục vụ cho thi cử...
Cách dạy mới này sẽ hình thành một thói quen, giúp học sinh luôn nhìn nhận sự kiện trong sự nhận xét, đánh giá, so sánh, từ đó sẽ hình thành năng lực phản xạ nhanh khi gặp những câu hỏi có yêu cầu phát biểu ý kiến cá nhân, trình bày suy nghĩ, hay bày tỏ quan điểm” - PGS Vũ Quang Hiển lưu ý.
"Từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 đã xuất hiện dạng câu hỏi mở trong đề thi Lịch sử. Đây là xu hướng được Bộ GD&ĐT khuyến khích và chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Cách ra đề như vậy đang tác động tích cực trở lại cách dạy, cách học Lịch sử trong trường phổ thông".
PGS Vũ Quang Hiển