QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH HỒ CHÍ MINH
[ 14/01/2014 07:00 AM | Lượt xem: 65535 ]


QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 05 năm 1890 (năm Canh Dần) tại quê ngoại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ (từ 1 đến 10 tuổi) Hồ Chí Minh có tên gọi là Nguyễn Sinh Cung, sau đó đổi tên là Nguyễn Tất Thành.
Quê hương của Người là một vùng đất nghèo của huyện Nam Đàn - Nghệ An. Người dân ở đây luôn phải sống trong cảnh nghèo khổ, thường xuyên phải chèo chống với thiên tai khắc nghiệt, quanh năm ruộng đất khô cằn, mới nắng đã hạn, mới mưa đã lũ, mất mùa thường xuyên, cuộc sống vất vả, lam lũ đã in đậm trong tiềm thức của người dân Nam Đàn nói riêng, xứ Nghệ nói chung. Những khó khăn vất vả ấy đọng lại trong câu ca dao:
                                   Làng Sen đóng khố thay quần
                              Ít cơm, nhiều cháo tảo tần quanh năm.
Mặc dù, điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt nhưng người dân xứ Nghệ rất giàu truyền thống văn hoá và đánh giặc, giữ nước. Nơi đây hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hoá gắn với tên tuổi chiến công của các bậc anh hùng dân tộc, nêu cao chí khí chống ngoại xâm từ bao đời nay.
Hai làng Kim Liên và Hoàng Trù là một miền quê giàu cảnh sắc, với một nền văn hoá dân gian đa dạng và phong phú. Biết bao làn điệu dân ca nơi đây đã đi vào lòng người , đậm đà bản sắc dân tộc như: hát ví dặm, đò đưa, hát phường vải... Trải qua biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử, truyền thống văn hoá đặc sắc của miền quê Kim Liên vẫn không ngừng toả sáng, tự hào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thân phụ của Người là ông Nguyễn Sinh Sắc, còn gọi là Huy (1862-1929), con của một gia đình nông dân nghèo, chất phác. Cha, mẹ mất sớm, tuổi thơ chịu cảnh mồ côi, phải vất vả lao động kiếm sống và có ý chí học hành. Là một cậu bé hiền lành, thông minh, ham học. Nguyễn Sinh Huy được nhà nho Hoàng Xuân Đường cảm cảnh nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Chẳng bao lâu chàng thanh niên Nguyễn Sinh Sắc đã tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An (1894) và được người cha nuôi cũng là thầy giáo gả con gái của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Được gia đình và người vợ trẻ động viên, cùng với ý chí của mình, ông cử Sắc đã tiếp tục tham dự các kỳ thi Hội của Triều đình nhưng không đỗ, đến kỳ thi Hội lần thứ 3 ông mới đỗ Phó Bảng (1901). Với phẩm chất liêm khiết của một nhà nho, trong cuộc sống cụ Sắc luôn dạy dỗ con cái luôn có ý thức lao động, học tập để hiểu “đạo lý làm người”. Sau khi đỗ Phó Bảng (1901), bị Triều đình phong kiến thúc ép nhiều lần, buộc cụ phải ra làm quan, nhưng bất hợp tác với bọn tay sai đế quốc. Với quan điểm của mình cụ Sắc thường nói “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (nghĩa là: Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Vốn có lòng yêu nước, khẳng khái, cụ thường chống đối bọn quan trường và thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, sau một thời gian làm quan rất ngắn, cụ bị chúng cách chức. Cụ vào Nam Bộ làm thầy thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời (1929), được nhân dân mến mộ và thương tiếc. Thi hài và lăng mộ yên nghỉ của cụ hiện nằm tại tỉnh Đồng Tháp
Thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901), một người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, yêu chồng thương con hết mực, chịu khó lao động, bà làm ruộng và dệt vải để nuôi dạy con cái. Bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, bà Hoàng Thị Loan đã hy sinh tất cả vì chồng con và chính bà đã vun đắp nên cuộc đời sự nghiệp đẹp đẽ cho cả gia đình. Nhưng cũng vì cuộc sống cơ cực, lao động vất vả, quá sức, ngặt nghèo, thiếu thốn... Bà đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày ảm đạm trên Kinh thành Huế ở cái tuổi 33 (10/02/1901) để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân, bà con lối xóm. Khi Bà qua đời, không có người thân bên cạnh, chỉ có cậu Cung (Bác Hồ) tuổi mới lên 10 và em bé Xin đang khát sữa. Được bà con, bạn bè đùm bọc, giúp đỡ, thi hài Bà Loan được đưa lên an táng tại núi Tam Tầng, xứ Huế.
Đến năm 1922, hài cốt của bà được bà Thanh (con gái của Bà ) đưa về an táng tại quê nhà (làng Kim Liên - Nam Đàn) và năm 1942, hài cốt Bà được đưa lên núi Đại Huệ. Năm 1984, lăng mộ Bà Loan được xây dựng khang trang, đẹp đẽ tương xứng với công lao của người mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chị cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954) còn gọi là Bạch Liên và anh cả của Người là Nguyễn Sinh Khiêm, tức Nguyễn Tất Đạt (1888 - 1950). Cả hai người đều có chí hướng tiến bộ, yêu nước, thương người và tích cực tham gia các phong trào chống Pháp, đã nhiều lần bị thực dân Pháp kết án tù đày.
Nhưng nhờ sự giáo dục của gia đình, cả bà Thanh và ông Cả Khiêm đều không màng danh lợi, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước, trở thành tấm gương đáng kính cho bà con nhân dân về sự cao cả, nghĩa khí và lòng vị tha.
 
Theo website "Bác cùng chúng cháu hành quân" của Bảo tàng Hồ Chí Minh


Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 11