SỰ CHI VIỆN, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ VỚI VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)
[ 27/12/2013 07:00 AM | Lượt xem: 6873 ]

SỰ CHI VIỆN, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ VỚI VIỆT NAM

        TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

(1954-1975)
  PGS.TS. Lê Văn Thịnh[1]
 
1. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô được xây dựng và phát triển trên nền tảng quan hệ về chính trị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1950, sau khi có quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, Chính phủ Liên Xô đã triển khai hoạt động nhiều mặt, nhằm hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của các nước đế quốc phương Tây, bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của mình. Sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam trong lịch sử là vấn đề được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Trên cơ sở nguồn tư liệu tập hợp được chủ yếu từ phía Việt Nam, công trình này tập trung làm rõ một số mặt trong sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam trên hai lĩnh vực chính, viện trợ kinh tế, kỹ thuật và viện trợ quân sự những năm từ 1954 đến năm 1975.

2. Thời kỳ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là thời kỳ diễn ra nhiều biến động phức tạp trong quan hệ quốc tế. Đó là sự bất đồng ngày càng nghiêm trọng giữa các đảng cầm quyền trong các nước xã hội chủ nghĩa về những vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng; sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào không liên kết trong khung cảnh căng thẳng của chiến tranh lạnh Đông - Tây. Bối cảnh quốc tế đó đã tác động khá sâu sắc tới quan hệ Việt Nam - Liên Xô, tới sự chi viện, giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam, đặc biệt là chi viện, giúp đỡ về quân sự. Song nhờ những nỗ lực chung của lãnh đạo hai nước, đặc biệt là phía Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Liên Xô từng bước được xây dựng vững chắc và phát triển ngày càng toàn diện trên cơ sở các hiệp định, hiệp ước và nghị định song phương. Trong khoảng 20 năm, từ tháng 7 năm 1955 đến hết năm 1975, Chính phủ Liên Xô đã ký với Chính phủ Việt Nam 19 Hiệp định, 1 Hiệp ước và 1 Nghị định thư. Trong đó có trên 50% là hiệp định về việc Liên Xô viện trợ, giúp đỡ Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá và khoa học, kỹ thuật[2]… Các hiệp định, hiệp ước và nghị định này là cơ sở pháp lý để Chính phủ Liên Xô xúc tiến các hoạt động chi viện, giúp đỡ Việt Nam thực hiện các kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi.
Viện trợ về kinh tế và kỹ thuật
Tháng 7 năm 1955, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên Xô đã ký với Việt Nam một số hiệp định cho vay và viện trợ không hoàn lại, nhằm giúp Việt Nam khôi phục kinh tế sau kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 18 tháng 7 năm 1955, theo thoả thuận giữa hai chính phủ, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 400 triệu rúp để thực hiện kế hoạch 3 năm (1955-1957). Trong đó có 171 triệu rúp để nhập các thiết bị toàn bộ phục vụ ngành công nghiệp, trước hết là xây dựng các nhà máy điện và hệ thống đường dây điện, trạm biến thế, đài khí tượng…; 229 triệu rúp để nhập các máy móc lẻ và hàng hoá phục vụ nông nghiệp và cải thiện đời sống[3].
Những năm từ 1958-1960, khi Việt Nam thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá, Liên Xô tiếp tục cho Việt Nam vay tín dụng dài hạn 450 triệu rúp, trong đó có 100 triệu rúp (hiệp định ký tháng 3 năm 1959) để thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) và 350 triệu rúp (hiệp định ký ngày 14 tháng 6 năm 1960) để mua trang thiết bị, máy móc xây dựng 46 nông trường quốc doanh, trong đó có 19 nông trường mới và củng cố 27 nông trường khác. Hầu hết các nông trường này đều trồng các loại cây nhiệt đới lâu năm, như: chè, cà phê, cao su và các loại cây ăn quả như: cam, chuối, dứa… phục vụ xuất khẩu. Cũng thời gian này, Liên Xô còn giúp Việt Nam xây dựng 21 đài khí tượng thuỷ văn, 156 trạm thuỷ văn các cấp, chủ yếu phục vụ ngành nông nghiệp[4].
Khi Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Liên Xô đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật, như: Hiệp định về việc Liên Xô giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân những năm từ 1961-1965 (ký ngày 23 tháng 12 năm 1960); Hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ về kinh tế và kỹ thuật, cung cấp thiết bị và vật liệu cho Việt Nam trong việc xây dựng và mở rộng một số xí nghiệp và công trình công nghiệp (ký ngày 15 tháng 9 năm 1962)... Theo tinh thần các hiệp định này, Liên Xô giúp Việt Nam 460 triệu rúp, bao gồm các khoản cho vay tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ Việt Nam các thiết bị kỹ thuật, vật liệu để xây dựng các nhà máy và nhiều công trình dân dụng khác.

Cho đến cuối năm 1964, Liên Xô đã giúp Việt Nam cải tạo và xây dựng 90 xí nghiệp và công trình dân dụng, bao gồm 43 công trình công nghiệp, 46 nông trường quốc doanh và một số trường đại học, bệnh viện. Trong số các công trình công nghiệp được Liên Xô hỗ trợ 100% vốn và vật tư, kỹ thuật, đáng chú ý nhất là 7 nhà máy điện (Vinh, Thanh Hoá, Lào Cai, Phú Thọ, Phả Lại, Tà Sa, Nà Ngần) với tổng công suất là 71.300 ki -lô-oát và 8 đường dây tải điện dài 130 kilômét. Nhiều công trình khai khoáng và xí nghiệp chế biến thực phẩm khác, như: mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, mỏ apatít Lào Cai, nhà máy cá hộp Hải Phòng[5]… cũng được Liên Xô hỗ trợ, đầu tư xây dựng trong thời kỳ này.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Chính phủ Liên Xô lên án mạnh mẽ hành động leo thang chiến tranh của Mỹ và công khai viện trợ nhiều mặt cho Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1975, Liên Xô đã ký với Việt Nam 12 Hiệp định, trong đó có tới 7 Hiệp định về việc Liên Xô cam kết “giúp đỡ thêm”, “viện trợ thêm không hoàn lại” cho Việt Nam, như: Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ thêm không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ký ngày 10 tháng 7 năm 1965); Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc giúp đỡ thêm về kỹ thuật cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ký ngày 21 tháng 12 năm 1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong năm 1966 (ký ngày 21 tháng 12 năm 1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ký ngày 25 tháng 11 năm 1968)[6]…

Đầu tháng 7 năm 1973, để giúp nhân dân Việt Nam nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ, Uỷ ban trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua quyết định: coi tất cả các khoản tín dụng cho Việt Nam vay trong những năm trước đó nhằm phát triển kinh tế là viện trợ không hoàn lại. Theo tinh thần đó, ngày 12 tháng 7 năm 1973, Chính phủ Liên Xô đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định miễn cho Việt Nam trả các khoản nợ đã vay[7]. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đây là quyết định rất quan trọng, thể hiện tình hữu nghị, sự cảm thông, chia sẻ và quan tâm to lớn của Đảng và Chính phủ Liên Xô với nhân dân Việt Nam. Các khoản tín dụng không phải hoàn lại đó đã góp phần cổ vũ và trợ giúp nhân dân Việt Nam trong việc khôi phục nền kinh tế miền Bắc sau chiến tranh phá hoại và đẩy nhanh các chiến lược quân sự, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam vào đầu năm 1975.

Trong khoảng 20 năm (1955-1974), tổng giá trị các vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ mà Liên Xô đưa vào Việt Nam để xây dựng và phát triển kinh tế, chủ yếu bằng con đường viện trợ và cho vay là 2.176.051.000 rúp. Với số vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ này, Liên Xô đã xây dựng 135 xí nghiệp công nghiệp và công trình dân dụng ở Việt Nam, bao gồm 46 công trình cho ngành điện lực; 5 công trình cho ngành khai thác khoáng sản; 19 công trình cho ngành cơ khí, luyện kim; 41 công trình cho ngành giao thông vận tải; 1 công trình cho ngành hoá chất; 3 công trình cho ngành vật liệu xây dựng và 20 công trình cho ngành nông nghiệp[8]. Các công trình công nghiệp do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, như: các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, mỏ than Vàng Danh, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy Super phốt phát Lâm Thao, nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy cá hộp Hải Phòng… đã góp phần xây dựng mới một số ngành công nghiệp ở Việt Nam. Đến cuối những năm 60, các nhà máy, xí nghiệp do Liên Xô xây dựng ở miền Bắc Việt Nam đã sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, trên 80% máy cắt kim loại và 100% sản lượng khai thác các loại quặng apatít, thiếc và super phốt phát.
Cùng với việc hỗ trợ các máy móc, thiết bị toàn bộ, các khoản tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại để xây dựng, phát triển kinh tế, Chính phủ Liên Xô còn giúp Việt Nam phát triển ngành giáo dục, đào tạo và trực tiếp đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Từ năm 1955 và nhiều năm sau đó, các hiệp định về hợp tác, trao đổi trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô đã được ký kết và thường xuyên được bổ sung. Theo hướng đó, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng mới một số trường đại học, như: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp I, đồng thời hỗ trợ tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới một số trường dạy nghề khác. Đến đầu những năm 70 đã có trên 7.000 nam, nữ thanh niên Việt Nam được đưa sang học tập và công tác tại Liên Xô. Trong số đó có 4.500 người được đào tạo trong các trường đại học tại 35 thành phố của Liên Xô lúc bấy giờ. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học đầu ngành, những chuyên gia, nhà quản lý trên rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Cũng thời gian đó, nhiều chuyên gia kinh tế và kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Liên Xô cũng được Chính phủ Xô Viết đưa sang công tác tại Việt Nam. Chỉ trong 5 năm, từ 1955 đến 1960, Liên Xô đã cử sang Việt Nam 1.547 chuyên gia trên hầu hết các lĩnh vực giúp nhân dân Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, giúp Việt Nam đào tạo tại chỗ 7.000 công nhân cho các ngành nghề khác nhau[9].
Viện trợ về quân sự
Đi đôi với viện trợ về kinh tế và kỹ thuật, Chính phủ Liên Xô còn viên trợ Việt Nam các mặt hàng chiến lược về quân sự, giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc. Theo một nguồn tài liệu của Việt Nam, tổng trọng lượng các mặt hàng quân sự, bao gồm cả hậu cần quân sự và kỹ thuật quân sự mà Chính phủ Liên Xô viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là 513.582 tấn. Các mặt hàng quân sự này được Chính phủ Liên Xô thực hiện qua nhiều giai đoạn với số lượng khác nhau, cao nhất là giai đoạn 1965-1968: 226.969 tấn; tiếp đến là giai đoạn 1969-1972: 143.793 tấn; giai đoạn 1973-1975: 65.601 tấn; giai đoạn 1961-1964: 47.223 tấn và cuối cùng, thấp nhất là giai đoạn 1955-1960: 29.996 tấn.
Riêng về các mặt hàng kỹ thuật, chủng loại các vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ khá phong phú. Đem so với viện trợ chung về quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa, chúng tôi thấy:

Về súng: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 439.198 khẩu súng bộ binh, chiếm 12,17%; 5.630 khẩu súng chống tăng, chiếm 8,6% và 1.076 khẩu súng cối các loại, chiếm 3,8% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.
Về pháo và đạn pháo: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 1.877 khẩu pháo hoả tiễn, chiếm 86,6%; 789 khẩu pháo mặt đất, chiếm 32,5% và 480 quả đạn tên lửa K681, chiếm 50% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.

Về máy bay và tàu chiến: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 316 chiếc máy bay (bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự), chiếm 69%; 52 chiếc tàu chiến hải quân, chiếm 63,4% và 21 chiếc tàu vận tải hải quân, chiếm 14,1% viện trợ cùng loại của các nước xã hội chủ nghĩa.
Về các loại xe và các thiết bị kỹ thuật quân sự phục vụ thông tin liên lạc, phục vụ công tác hậu cần, giao thông vận tải, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 687 chiếc xe tăng các loại, chiếm 55%; 601 chiếc xe vỏ thép, chiếm 62,5%; 1.332 chiếc xe xích kéo pháo, chiếm 55,2%; 498 chiếc xe chuyên dùng (xe đặc chủng), chiếm 5,2%; 100 chiếc xe máy công trình, chiếm 2,4%; 12 bộ phao cầu, chiếm 30%; 56 bộ ống dẫn dầu, chiếm 50%; 4.500 km đường ống dẫn dầu dã chiến, chiếm 90% và 37 bộ thiết bị toàn bộ về kỹ thuật quân sự chiếm 58,7% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.

Là quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, Liên Xô còn là nước duy nhất đã viện trợ Việt Nam 647 bộ điều khiển; 1.357 bệ phóng tên lửa; 10.169 quả đạn tên lửa; 23 quả tên lửa SA 75M; 8.686 quả đạn tên lửa VT 50v và 2 trung đoàn tên lửa S125[10].

Thêm vào đó, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8 năm 1964 và khi bất đồng Xô - Trung đã bộc lộ công khai, nguyên tắc “giúp đỡ chung”[11] giữa Liên Xô và Trung Quốc với Việt Nam không còn hiệu lực, việc quá cảnh hàng hóa viện trợ của Liên Xô qua Trung Quốc gặp khó khăn, hầu hết các trang thiết bị kỹ thuật, khí tài quân sự và các loại vật tư, hàng hoá khác mà Liên Xô viện trợ Việt Nam đều được các hải đoàn Xô Viết trực tiếp vận chuyển tới Việt Nam bằng đường biển, bất chấp mọi nguy hiểm bởi sự phong toả gắt gao và đánh phá rất ác liệt của lực lượng không quân Mỹ trên vùng biển miền Bắc Việt Nam. Một số tàu của Liên Xô như tàu Polock, tàu Turkestan… đã bị máy bay Mỹ bắn phá khi đang làm nhiệm vụ quốc tế trên các cảng biển miền Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, theo thoả thuận giữa hai nhà nước, Chính phủ Xô Viết đã cử nhiều chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm sang công tác tại Việt Nam. Số lượng các chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam ngày càng đông khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Theo một nguồn tài liệu từ Liên Xô, chỉ tính từ ngày 11 tháng 7 năm 1965 đến ngày 31 tháng 12 năm 1974, Liên Xô đã cử 10.859 lượt chuyên gia quân sự, từ chiến sĩ đến cấp tướng sang giúp Việt Nam xây dựng lực lượng phòng không - không quân, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong quá trình công tác tại Việt Nam, 13 người trong số đó đã hy sinh (4 người hy sinh trong chiến đấu)[12].
3. Từ những cứ liệu về việc Liên Xô chi viện, giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ cứu nước, có thể rút ra một số nhận xét:
Một là, cần phải khẳng định rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở tất cả mọi giai đoạn, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ cả về kinh tế, kỹ thuật lẫn quân sự của Liên Xô. Điều đó đã chứng tỏ, việc chi viện, giúp đỡ nhân dân Việt Nam thời kỳ này là một chủ trương nhất quán trong đường lối đối ngoại và chính sách đối ngoại của Chính phủ Xô Viết. Mặc dù sự giúp đỡ đó, nhất là giúp đỡ về quân sự, luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: tình hình quốc tế và tương quan lực lượng trên thế giới; chính sách đối ngoại hoà bình của Liên Xô và chủ trương, giải pháp cụ thể của giới lãnh đạo Xô Viết trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cũng như khả năng tiếp nhận và sử dụng của Việt Nam… song nhìn chung, động thái viện trợ Việt Nam của Liên Xô là thường xuyên, liên tục và phát triển theo chiều hướng tích cực. Liên Xô từ chỗ là “quan sát viên”, người đứng ngoài, gián tiếp tác động vào tình hình Việt Nam trong những năm 1954-1964, tiến tới công khai, trực tiếp viện trợ Việt Nam từ năm 1965 về sau. Sự giúp đỡ đó đã có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam, góp phần hỗ trợ Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển thế và lực, thực hiện chính sách tập hợp lực lượng trong và ngoài nước, hình thành sức mạnh tổng hợp cho cách mạng. Chính vì vậy, khi đánh giá vai trò của tình hữu nghị Xô - Việt, ngay từ năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam là một vấn đề hết sức quan trọng về phương diện quốc tế. Tình hữu nghị đó là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc”[13]. Mặc dù vậy, xuất phát phương châm tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các lực lượng cách mạng Việt Nam là: “Tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà sinh ra ỷ lại”[14].
Hai là, trong lĩnh vực quân sự, cũng như­ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam thời chống Mỹ không nhiều lắm, chỉ chiếm 25,76% viện trợ chung của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa[15] - Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hunggari, CHDC Đức, CHND Triều Tiên và Cu Ba. Song điều quan trọng là những mặt hàng quân sự mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam lúc bấy giờ phần lớn là những vũ khí, khí tài chiến lược, có tính dã chiến, tiến công cao, uy lực mạnh, như­ pháo hoả tiễn, xe tăng, xe bọc thép... đặc biệt là tàu chiến, máy bay, tên lửa, cùng nhiều vật tư­, khí tài khác phục vụ cho công tác chỉ huy và tham mưu. Đó là những vật tư, khí tài thiết yếu để Việt Nam phát triển các binh chủng phòng không, không quân và hải quân, đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang chính quy hiện đại. Cùng với sự giúp đỡ hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, viện trợ quân sự của Liên Xô đã góp phần hỗ trợ Việt Nam tăng cư­ờng sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân, giáng trả có hiệu quả các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân của Mỹ trên vùng biển, vùng trời miền Bắc và đánh bại các chiến lư­ợc quân sự của chúng ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ba là, đi đôi với viện trợ vật chất, Liên Xô còn hỗ trợ Việt Nam nguồn lực trí tuệ thông qua công tác đào tạo cán bộ và đội ngũ chuyên gia, cố vấn Xô Viết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và quân sự; vừa giúp Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; vừa giúp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy hiện đại. Theo đó, các tư tưởng về kinh tế, văn hoá; về khoa học và nghệ thuật quân sự Xô Viết cũng được truyền vào Việt Nam, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ mới trên tất cả các lĩnh vực và gia tăng thêm sức hấp dẫn của “con đường Xô Viết”, cũng như “mô hình Xô Viết’ ở Việt Nam. Cùng với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ Liên Xô, máu đào của các chiến sĩ - chuyên gia quân sự Xô Viết đổ xuống miền Bắc Việt Nam trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã tô thắm thêm tình hữu nghị Xô - Việt.

Sau sự kiện ngày 19 tháng 8 năm 1991, Liên Xô đi vào tan rã. Nh­­ưng những giúp đỡ hiệu quả, giàu tình nghĩa quốc tế vô sản mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã in một dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Sự giúp đỡ đó, như lời Hồ Chí Minh nhận định, là “thiên kinh, địa nghĩa” mà các thế hệ người Việt Nam, với tình cảm thủy chung luôn ghi nhớ. Cho dù thời thế có đổi thay, song sự chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô trong quá khứ là vô giá và không gì có thể so sánh đư­­ợc.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, những thành tựu đạt được và những kinh nghiệm quý báu từ sự hợp tác Việt Nam - Liên Xô trong lịch sử và đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế đã và đang là điểm xuất phát quan trọng để Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt phù hợp với yêu cầu của đối tác chiến lược, phấn đấu vì mục tiêu hoà bình, độc lập và phát triển trên một cơ sở mới, lâu dài và cùng có lợi.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: “Xây dựng và thống nhất đất nước ở Việt Nam và Đức, giai đoạn 1500-2000”, ĐHQG Hà Nội, 11/2009, tr.149-157 - có sửa chữa, bổ xung.
[2] Xem, Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao Hà Nội, 1983.
[3] Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã giúp chúng ta từ năm 1955 đến nay, tr.1. Phòng lưu trữ Bộ Thương mại.

[4] Tham khảo, Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, tr.281; xem thêm, Phạm Quang Minh, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.16.

[5] Nguồn: Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã giúp chúng ta từ năm 1955 đến nay, tlđd, tr.1. Xem thêm: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại. Nxb. ST, Hà Nội, 1987, tr.309; cũng xem: Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội, 1983, tr.57-60; Bùi Công Trừng: Ý nghĩa viện trợ vô tư của Liên Xô và cái gọi là “viện trợ Mỹ”, in trong: Cách mạng tháng Mười và sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Nxb. ST, Hà Nội, 1957.

[6] Xem: Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Sđd.
[7] Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Sđd, tr.324. Xem thêm, Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Sđd, tr.474.

[8] Tham khảo: Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, tr.483.
[9] Dẫn theo Phạm Quang Minh, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.16. Cũng xem: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Sđd, tr.310.
[10] Xem: Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng: Nguồn chi viện to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, Báo QĐND số 15791, thứ 4 ngày 13 thág 4 năm 2005, tr.2.

[11] Để tránh đối đầu với Mỹ, từ năm 1950, ngay sau khi xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đã đi tới thoả thuận: tất cả mọi viện trợ về quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đều được tiến hành thông qua Trung Quốc, do Trung Quốc điều phối, với danh nghĩa là “sự giúp đỡ chung”. Tham khảo: Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr.20. Gần đây, nhà sử học Nga, TS. Anatoli Xocolov, thông qua nguồn tài liệu lưu trữ của Bộ ngoại giao Nga cũng đề cập và xác nhận xu hướng này. Xem Điện Biên Phủ trong những bước đầu trên con đường chung: Liên Xô và Việt Nam (1945-1954) - “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước”, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.195.

[12] Xem Cao Đắc Trung, Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.45. Nguồn tài liệu mà tác giả sử dụng còn cho biết, trong thời gian từ 1965-1973, Liên Xô đã đào tạo, huấn luyện, viện trợ cho Việt Nam 10 trung đoàn tên lửa Phòng không, 2 trung đoàn Không quân tiêm kích và 3 trung đoàn ra đa cảnh giới.

[13] Dẫn theo: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Nxb. ST, Hà Nội, 1987, tr.333.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.30.

[15] Sách Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H., 2000, tr.601 cho biết, viện trợ quân sự của các nước XHCN cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như sau: giai đoạn 1955-1960: 49.585 tấn, bao gồm 4.105 tấn hàng hậu cần và 45.480 tấn kỹ thuật (vũ khí, khí tài, vật tư, đạn dược); tương tự vậy, giai đoạn 1961-1964: 300.065 tấn, bao gồm 230 tấn hậu cần, 70.065 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1965-1968: 517.493 tấn, bao gồm 105.614 tấn hậu cần, 411.879 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1969-1972: 1.000.796 tấn, bao gồm 316.130 tấn hậu cần và 684.666 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1973-1975: 124.513 tấn, bao gồm 75.267 tấn hậu cần và 49.246 tấn kỹ thuật. Như vậy, tổng trọng lượng các mặt hàng quân sự mà các nước XHCN viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là 1.992.452 tấn.


Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 19