Tư liệu Hán nôm, nguồn sử liệu quan trọng tại các di tích lịch sử văn hóa
[ 25/04/2013 21:22 PM | Lượt xem: 1910 ]

TƯ LIỆU HÁN NÔM, NGUỒN SỬ LIỆU QUAN TRỌNG TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ


NGUYỄN VĂN TIẾN


Tóm tắt:Tài liệu Hán Nôm ở các di tích lịch sử văn hoá là một nguồn sử liệu chữ viết rất đa dạng và phong phú. Ở chúng còn ẩn chứa nhiều thông tin quan trọng cho bản thân các di tích ấy và những thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau không những của khoa học xã hội nhân văn, mà còn của những lĩnh vực khác như kiến trúc, quân sự và những hoạt động kinh tế khác nữa. Bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu về những thông tin quý giá ấy còn được lưu giữ trên các vật ghi tin hiện còn được bảo lưu ở các di tích lịch sử văn hoá ở miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Như chúng ta đã biết, di tích lịch sử văn hoá là những dấu tích, vết tích hoạt động của con người trong quá trình lịch sử. Ở Việt Nam (hay đúng hơn là ở miền Bắc Việt Nam), các di tích hiện còn, hầu hết có niên đại từ thời Hậu Lê trở lại đây. Các di tích kiến trúc gỗ thuộc thời Lý hiện không còn, chỉ còn lại số ít bộ phận của bộ khung kiến trúc gỗ thời Trần như: Bộ khung gỗ thượng điện chùa Dâu (Bắc Ninh), thượng điện chùa Bối Khê (Hà Nội), thượng điện chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Ở các di tích lịch sử văn hoá, các nhà khoa học đã khai thác được khá nhiều thông tin thông qua nguồn sử liệu trực tiếp từ bản thân các di tích và các di vật hiện còn của chúng. Trong số các nguồn sử liệu quan trọng ấy, nguồn sử liệu có từ các văn bản Hán Nôm là một trong những nguồn sử liệu viết quan trọng góp phần nghiên cứu các di tích và nhiều vấn đề lịch sử có liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau như sử học, dân tộc học, kiến trúc, địa lý, tôn giáo v.v.

Tài liệu Hán Nôm hiện tồn tại ở các di tích lịch sử văn hoá được hiển hiện ở các văn tự trên các vật ghi tin bằng chất liệu khác nhau như: đá, đồng, gỗ, giấy. Ở chất liệu đá ta có các loại văn tự trên bia đá, khánh đá mà văn bản được người xưa khắc trên đó được gọi là văn khắc, hay văn bia. Ở miền Bắc Việt Nam, tấm bia sớm nhất được biết đến là bia "Đại Tuỳ cửu châu quận bảo an đạo tràng chi bi văn" ở Thanh Hoá. Bia có niên đại năm Đại Nghiệp 14 (618), niên hiệu đời Tuỳ. Nội dung văn bia cho biết ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá có ngôi đền thờ Lê Ngọc, hay lê Cốc, Thứ sử quận Cửu Chân đời Tuỳ đã chết và được chôn cất ở đây. Vị Thứ sử này cũng là người tôn sùng phật giáo, nên sau khi mất được người đương thời lập Bảo An đạo tràng và dựng bia kỉ niệm. Từ "đạo tràng" ở đây cũng là từ chỉ ngôi chùa, bởi vào năm Đại Nghiệp thứ 9 (613) Tuỳ Dưỡng Đế xuống chiếu đổi "tự" (chùa) thành "đạo tràng". Có thể hiểu rằng ngôi đền ngày nay mà chúng ta đang nhìn thấy vốn có nguồn gốc từ ngôi chùa có niên đại khởi dựng vào đời Tuỳ năm (618). Như vậy là dựa vào văn khắc Hán Nôm trên bia đá, chúng ta biết được nguồn gốc của ngôi đền trước đây vốn là một ngôi chùa. Ở một khía cạnh khác, dựa vào minh văn còn lại ta biết được ngôi đền này có niên đại khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ 7. Đây là tài tiệu lịch sử quan trọng nói về niên đại xây dựng cho một di tích. Khác với các tài liệu về sau này trong các văn bản Hán Nôm thường chỉ nói đến niên đại trùng tu chứ không nhắc tới niên đại khởi dựng.

Sự thay đổi về tên gọi của các di tích kiến trúc tôn giáo như đền biến thành đình cũng được tư liệu Hán Nôm ở đình Xuân Đỗ Hạ, phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội làm sáng tỏ. Ở trước mặt đình Xuân Đỗ Hạ hiện còn lưu giữ được một tấm bia cổ. Bia do không được bảo quản tốt nên hiện nay đã bị mờ gần hết, nhưng may thay tên bia vẫn còn đọc được như sau "Hưng tạo thần từ công đức bi" (tạm dịch là "Bia ghi công đức tôn tạo đền thờ thần"), bia có niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1626). Từ những dòng chữ tên bia trên, có thể nghĩ rằng, trước đây trên mảnh đất này mà ngày nay tồn tại đình Xuân Đỗ Hạ, ngày trước đã từng tồn tại một ngôi đền cổ thờ thần như tên gọi của bia đã ghi lại. Thế rồi qua biến đổi của thời gian, ngôi đền ngày trước, nay đã được nhân dân gọi là đình. Bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá do Bộ trưởng Trần Hoàn ký năm 1994 cũng gọi là đình Xuân Đỗ Hạ. Nhìn vào những đơn nguyên kiến trúc hiện nay, người ta cũng dễ ràng nhận ra đây vốn không phải là một ngôi đình có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

Tại cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, có một ngôi chùa tên gọi là chùa Bà Ngô. Tương truyền, chùa Bà Ngô được xây dựng từ thời Đinh. Đáng chú ý hơn là ở chùa Bà Ngô có một tấm bia đá. Bia có niên đại thời Nguyễn, minh văn trên tấm bia này có ghi "Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam ở cố đô cũ nước Cồ Việt" Cồ Việt tức Đại Cồ Việt, quốc hiệu của Việt Nam thời Đinh. Chùa này thờ Bà Ngô là một nữ thần. Có thể tín ngưỡng thờ nữ thần nông nghiệp là thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp của tín ngưỡng tứ pháp ở trung tâm Luy lâu đã phát triển và vào thế kỷ thứ X đã kịp lan toả, giao lưu, tiếp xúc và gắn với tín ngưỡng Phật giáo ở kinh đô cũ Ninh Bình.

Cũng ở cố đô Hoa Lư, từ năm 1963, người ta đã liên tiếp tìm được những cột đá có khắc minh văn liên quan đến Phật giáo. Các cột đá này có chiều dài từ 0,5m đến 0,7m và có 8 mặt. Ở các mặt đều có khắc bài thần chú mà nhà nghiên cứu phật học, GS. Hà Văn Tấn, cho rằng đó là bài thần chú "Phật đỉnh tôn thắng đà la ni" bằng chữ Hán ghi âm chữ Phạn của Mật giáo. Đặc biệt hơn, trên một cột kinh được tìm thấy năm 1964, ngoài bài chú "Phật đỉnh tôn thắng đà la ni", còn có một bài kệ chữ Hán khá dài. Thông qua bài kệ này chúng ta còn thấy một thần điện Phật giáo đại thừa với rất nhiều Phật, nhiều Bồ tát và nhiều các thiên thần Phật giáo khác nữa.

Như vậy, tư liệu Hán Nôm ở chùa Bà Ngô và những cột kinh ở kinh đô Hoa Lư đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Dựa vào những thông tin đã dẫn ở trên, có thể không sai khi cho rằng, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam những năm đầu Công nguyên đã là Phật giáo Đại thừa và nó tiếp tục phát triển trên mảnh đất này cho đến thế kỷ thứ X vẫn là Đại thừa giáo. Mặc dù vào thế kỷ X, dòng Mật tông đã rất phát triển, nhưng cũng vẫn hoà nhập, đan xen với những tông phái khác. Bởi vì Phật giáo Việt Nam ở mọi thời điểm luôn hội đủ 3 yếu tố chính là Thiền- Tịnh- Mật.

Liên quan đến những thông tin về vấn đề tôn giáo còn có minh văn trên bia chùa Báo Ân. Chùa Báo Ân trước thuộc hương Siêu Loại, xứ Kinh Bắc nay thuộc xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa Báo Ân hiện nay còn lưu giữ khá nhiều bia đá. Minh văn trên bia đá mà chúng tôi muốn giới thiệu là ở dạng bia bảo tháp (bia mộ). Bia có 4 mặt, trong đó 3 mặt không có chữ, mặt trước lõm vào trong còn 4 chữ Hán có thể đọc được là Nam thiên trúc quốc, bia có niên đại thời Nguyễn. Đây là bia mộ của một nhà sư người Ấn Độ. Những thông tin trên bia mộ gợi cho chúng ta nhớ lại một sự kiện lịch sử, rằng vào năm 1318, nhà sư Pháp Loa vâng chiếu của vua Trần Anh Tông đi tìm một nhà sư Ấn Độ có tên là Ban Đề Đa Ô Tha Thất Lợi để dịch một bộ kinh Phật giáo có tên là "Bạch tấn cái thần chú". Nhà sư Ấn Độ đã đến chùa Báo Ân cùng với Pháp Loa để dịch kinh Phật giáo, có thể sư đã lưu lại và qua đời ở đây. Cho nên người đời sau mới lập bia mộ để ghi nhớ sự đóng góp của sư cho Phật giáo Việt Nam. Như vậy, trong thời Trần, ngoài ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam vẫn còn tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của phật giáo Ấn Độ do các nhà sư Ấn Độ bằng nhiều lý do khác nhau đã đến Việt Nam dịch kinh và trực tiếp truyền bá đạo Phật.

Như chúng ta đã biết, đạo Phật được truyền vào Việt Nam ngay từ những năm đầu công nguyên. Nhưng phải đợi đến thời Lý, đạo Phật mới phát triển có thể nói là thịnh vượng nhất tính đến thời điểm này. Ở thời Lý, Nhà nước đã trực tiếp quản lý các ngôi chùa nổi tiếng. Những ngôi chùa này, phần lớn do Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng. Có thể chia chúng thành ba loại là: đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam . Nhưng bước sang thế kỷ 16, quyền sở hữu các ngôi chùa của tầng lớp quý tộc thời Lý - Trần dần dần được chuyển sang sở hữu của cộng đồng làng xã. Vì vậy, tín ngưỡng Phật giáo từ thế kỷ 16 trở đi có pha trộn nhiều yếu tố dân gian, do đó hệ thống tượng thờ trong các chùa cũng ngày càng đa dạng hơn. Một lần nữa minh văn trên bia đá có niên đại 1556 thuộc thời Mạc ở chùa Phúc Giao thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình lại chứng tỏ điều đó. Theo minh văn thì chùa này ở thế kỷ 16 có 10 pho tượng thờ là: Thích ca, Kim thân, Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu nhan, Kim đồng, Ngọc nữ, cùng 2 pho tượng Hộ pháp. Rõ ràng là ở phật điện này chỉ có Thích ca, Kim thân, Hộ pháp là tượng thờ của chùa Phật, số còn lại là tượng thờ của Quán đạo. Trong khi đó ở chùa Sổ (Hà Nội), số lượng tượng còn lại khá đầy đủ nhưng lại không có tài liệu nào nhắc tới cách gọi tên cụ thể các loại tượng đó, làm cho nhiều nhà khoa học lúng túng trong nghiên cứu. Như vậy tên gọi các loại tượng thông qua minh văn của bia chùa Phúc Giao sẽ bổ sung cho tên gọi của những pho tượng còn chưa được gọi tên ở chùa Sổ và những ngôi chùa khác trên miền Bắc Việt Nam cũng ở tình trạng tương tự.

Trước đây, khi nghiên cứu về chùa Thầy (Quốc Oai- Hà Tây), một số tác giả như Hà Kỉnh (1985) cho rằng: Vào thời Lý có bà chúa Nành đã đứng ra hưng công sửa chữa chùa Thầy và làm to như bây giờ. Nhưng theo minh văn của bia có niên đại 1673 hiện còn trên núi Thầy cho biết : Cung tần Lê Thị Ngọc Trác quê ở phủ Thường Tín, huyện Thượng Phú, xã Thượng Dực đã cúng số ruộng của mình cho xã Thụy Khuê, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai. Ngoài ra, bia "Hưng tạo sự công" niên đại năm Dương Đức thứ 7(1673), hiện ở nhà tổ chùa Thầy cũng nói về người cúng ruộng công đức là bà Lê Thị Ngọc Trác.

Những tư liệu ít ỏi của minh văn 2 bia có cùng niên đại 1673 và cùng nói về việc cúng ruộng công đức của bà Lê Thị Ngọc Trác để hưng công sửa chữa chùa Thầy càng làm cho chúng ta tin rằng: bà chúa Nành, hay là bà Lê Thị Ngọc Trác đã góp tiền của để sửa chữa chùa Thầy, về thời gian, vào thời Hậu Lê chứ không phải là vào thời Lý như một số người đã nghĩ.

Tư liệu Hán Nôm ở các di tích lịch sử văn hoá còn để lại rất nhiều thông tin có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: quân sự, địa danh, nhân danh, địa lý hành chính. Chúng được hiển hiện ở những vật ghi tin bền vững không thua kém gì chất liệu đá, đó là vật liệu đồng. Trên các chuông đồng thời Tây Sơn ở chùa Chúc Thánh thôn Nhân Trạch, xã Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội có ghi về cấp bậc và tước hiệu trong quân đội: Đại đô đốc Quảng Uy Hầu, đại đô đốc Phong Thức Hầu, Đại đô đốc Đông Lĩnh Hầu, Tham lĩnh Thái Hoà Hầu, Phó đề lĩnh Nhật Đức Hầu, Chưởng cơ Trần Võ Hầu.

Về bộ máy hành chính ở địa phương, minh văn chuông quán Thiền Vương hiện lưu giữ tại đền Sóc (quận Tây Hồ, Hà Nội) thời Tây Sơn có ghi: Quan viên hương lão, sắc mục, cai trưởng xã, khám, thôn trưởng.

Về địa danh hành chính ở, minh văn trên chuông đồng thời Tây Sơn ở một số ngôi chùa ở Hà Nội cũng cho chúng ta hiểu biết thêm về tên các địa danh cũ, vùng đất cũ trước kia thuộc vùng đất nào của nước Đại Việt. Ví dụ như minh văn chùa Hộ Quốc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ghi: Lương y Hoàng Công Huấn ở thôn Đông, xã Yên Lý, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (Nghệ An); Hội chủ Lưu Bá Thực tự Chiêu Bảo quê ở thôn Quan Nhân, xã Nhân Mục Môn, cư trú tại giáp Thượng Môn hạ, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long; Hội chủ Trần Văn Nghiên, quê ở xã Phú Đường, huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường cư trú tại châu Hộ Quốc, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long.

Như vậy, thông qua tư liệu được ghi trên các bài minh văn của các chuông đã dẫn ở trên. Chúng ta có thể rút ra phiên chế hành chính của triều đại Tây Sơn từ triều đình trung ương xuống đến các địa phương là: Nước (Quốc gia)- đạo- phủ- huyện- xã- thôn. Nếu ở kinh thành thì phiên chế sẽ là: Nước- đạo- phủ- huyện- phường- giáp. Nếu tổng hợp địa chỉ của các di tích, địa chỉ quê quán, nơi cư trú của những người công đức ở minh văn của chuông đồng riêng ở thời Tây Sơn thôi, chúng ta sẽ có một nguồn tài liệu về một số mặt ở một số nơi không những ở khu vực Hà Nội mà còn có cả một số địa phương khác nữa.

Tư liệu Hán Nôm hiện còn tại các di tích lịch sử văn hoá hiện nay đang là những nguồn tư liệu quý giá bổ sung cho nguồn sử liệu chữ viết hiện vắng mặt trên các cuốn sử biên niên còn lưu giữ được của nước ta hiện nay. Những cuốn sử biên niên của chúng ta hiện nay vốn đã ít ỏi và những sự kiện được ghi chép trong những trang dòng của những cuốn sử ấy vẫn còn thiếu rất nhiều thông tin về các lĩnh vực khác nhau của nhiều mặt hoạt động xã hội. Khai thác và sử dụng triệt để những thông tin từ các văn bản Hán Nôm tại các di tích lịch sử văn hoá là việc làm không phải chỉ riêng của các nhà hoạt động Bảo tàng, mà nó còn là lĩnh vực nghiên cứu của nhiều nhà khoa học của nhiều lĩnh vực khác nữa như sử học, dân tộc học, hán nôm học, văn học, văn bản học, lưu trữ học v. v. Ngày nay tại các di tích lịch sử văn hoá, nguồn sử liệu quý gía này vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của các nhà quản lý, thậm chí kể cả các ban quản lý di tích trên khắp cả nước. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới chúng ta sẽ có ý thức nhiều hơn, cao hơn nữa coi những tài sản trên như những tài sản của chính nhà mình, để bảo quản, giữ gìn, thu thập và dịch ra Việt văn nhiều hơn nữa để sử dụng và khai thác triệt để nguồn tư liệu vô cùng phong phú hiện đang ở trong tay chúng ta, không phải đi tìm đâu xa để khai thác và đặc biệt không phải mất tiền để mua tài liệu và trả tiền cho việc sử dụng bản quyền .

Tài liệu tham khảo

1. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Chùa Việt Nam NXB. KHXH, Hà Nội ,1993.

2. Hà Kỉnh, Chùa Thầy núi sông một dải kỳ quan, trong sách: Hà Sơn Bình di tích và danh thắng, Hà Sơn Bình, 1985.

3. Trần Thu - Thanh Bình, Di tích lịch sử và thắng cảnh tỉnh Sơn Tây, Ty Văn hoá Sơn Tây xuất bản, 1959.

4. Một con đường tiếp cận di sản văn hoá, Tập 2, Cục di sản văn hoá xuất bản, Hà Nội,2005.

5. Trịnh Minh Đức (chủ biên), Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá (giáo trình dành cho sinh viên đại học và cao đẳng ngành bảo tàng), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

6. Nguyễn Thị Minh Lý, Chuông đồng thời Tây Sơn ở Hà Nội và các vùng phụ cận (luận án tiến sĩ lịch sử), Hà Nội, 1997.

7. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB, KHXH Hà Nội, 1988.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 10