Kissinger bắt tay các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris (Ảnh tư liệu) |
Làm nên chiến thắng trên bàn đàm phán Paris ngày 27/1/1973 không thể không nhắc đến sức mạnh của ngoại giao nhân dân. Cuộc đàm phán ở Paris là sự kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, bao gồm đấu tranh trong các phiên họp công khai, đàm phán trong các cuộc gặp riêng, đấu tranh trong các cuộc họp báo và đấu tranh bằng cách vận động và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, các đoàn thể, nhân dân thế giới.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại, nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên truyền đối ngoại được vận dụng và phát triển lên trình độ mới, đạt tới đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ và đàm phán Paris là bước phát triển độc đáo và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
PGS. TS. Vũ Dương Huân, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: “Chúng ta đã hoạch định một cách tuyệt đối đúng đắn và sáng tạo đường lối ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ta đã xây dựng, hoàn chỉnh được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế. Không thể bỏ được vế nào trong hai vế này. Không có độc lập tự chủ thì không có đoàn kết quốc tế. Chúng ta đã cân bằng được hai vế này. Đây là sợi chỉ đỏ, là tinh thần sống để chỉ đạo toàn bộ đường lối hoạt động ngoại giao lúc bấy giờ”.
Kissinger bắt tay các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris (Ảnh tư liệu) |
Từ năm 1960, với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã xuất hiện một mũi tấn công vô cùng lợi hại của ngoại giao miền Nam, mà ngoại giao nhân dân là nòng cốt.
Mặt trận đã xây dựng mạng lưới các hệ thống cơ quan đại diện và phòng thông tin tại các châu lục và triển khai những hoạt động ngoại giao nhân dân sâu rộng, rất có hiệu quả. Các đoàn thể Mặt trận đều tranh thủ mở rộng tiếp xúc, tham gia rộng rãi các sinh hoạt quốc tế lớn, các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế để cung cấp thông tin, đưa ra nhân chứng, giới thiệu tư liệu về tội ác của Mỹ, đồng thời làm sáng tỏ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta. Những việc làm này đã góp phần đắc lực thúc đẩy hình thành phong trào đoàn kết với Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết: “Lúc Việt Nam bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dư luận thế giới chưa hiểu gì về cuộc chiến đấu này. Dần dần, thế giới đã hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến đấu của chúng ta và nhất là cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân ta trên chiến trường. Cuộc chiến đấu đó càng ngày càng giành thắng lợi, thì càng làm cho nhân dân thế giới hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến, đồng thời hiểu được tính chiến đấu anh hùng và kiên cường của dân tộc ta. Tất cả những điều đó làm cho thế giới không những hiểu về lập trường của chúng ta, mà còn khâm phục và yêu mến nhân dân Việt Nam-một dân tộc nhỏ mà dám đứng lên chống lại một đế quốc sừng sỏ là Mỹ”.
Các phong trào và tổ chức đoàn kết ủng hộ Việt Nam lần lượt ra đời tại các nước, từng bước hình thành Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Phong trào này đã trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, thường xuyên gây áp lực và có tác động ngày càng sâu sắc đến chính sách và thái độ của nhiều chính phủ trên thế giới đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
PGS. TS. Vũ Dương Huân cho biết, đây là hiện tượng mới trong quan hệ lịch sử quốc tế. Chưa bao giờ hình thành Mặt trận nhân dân thế giới cùng Việt Nam chống Mỹ và kháng Mỹ. Đó là nhân tố Đảng ta đã xác định rõ, mình là nước nhỏ - muốn đánh thắng nước lớn thì phải kết hợp sáng tạo sức mạnh dân tộc và thời đại - đây là sáng tạo rất lớn của chúng ta.
Trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán tại Paris, có thể nói không có tuần nào, tháng nào mà không có các cuộc mít tinh, biểu tình hay các hoạt động khác đoàn kết với Việt Nam diễn ra tại các nước châu Âu. Phong trào ủng hộ Việt Nam nở rộ và dâng cao với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Những “Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam”; những ngày, tuần, lễ, tháng hành động vì hòa bình ở Việt Nam, “Con tàu cho Việt Nam”… được tổ chức khắp nơi từ Pháp, Italy, Đức, Thụy Sĩ, Anh. Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng được thành lập và đi vào hoạt động.
Tại Thụy Điển, Thủ tướng Olof Palme tham gia đi đầu đoàn biểu tình phản đối chiến tranh và đích thân lấy chữ ký người dân phản đối Mỹ ném bom Việt Nam. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hãy đem chiến tranh về trong nước” diễn ra trên quy mô lớn, quy tụ mọi tầng lớn nhân dân tham gia, có lúc đã làm tê liệt cả bộ máy chính quyền và các hoạt động bình thường trong xã hội.
Báo chí Mỹ mô tả: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ, mà cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Phong trào chống chiến tranh phát triển ngay trong Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thông qua nghị quyết cắt giảm chi phí chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết: Khi chúng ta ký kết Hiệp định Paris, nhân dân tiến bộ trên thế giới đứng về phía Việt Nam và coi Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi của họ; không những của ta mà của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.
Khi bắt đầu cuộc chiến tranh, nhiều người Mỹ trước khi sang Việt Nam còn phải tìm trên bản đồ xem Việt Nam ở đâu, để rồi khi chiến tranh kết thúc, là lúc cả thế giới sát cánh bên nước Việt Nam bé nhỏ mà kiên cường, nơi đánh thức trái tim nhân loại, lương tri thế giới.
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 18