Lịch sử qua lời kể (Vũ Thị Thu Thanh)
[ 14/01/2013 12:32 PM | Lượt xem: 1648 ]

 LỊCH SỬ QUA LỜI KỂ:

ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ VÀ MỘT SỐ PHÊ PHÁN
                                                                            Vũ Thị Thu Thanh
Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ
 
1. Giới thiệu
Trong những năm gần đây, lịch sử qua lời kể [Oral Hisrory] đối với giới nghiên cứu Việt Nam không còn xa lạ lắm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn còn rất ít cuộc hội thảo, sách báo, bài viết nghiên cứu về thể loại lịch sử qua lời kể trong khi thể loại nghiên cứu này đã xuất hiện và phát triển rất mạnh một số nước trên thế giới vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước và đã có ảnh hưởng lan rộng sang các ngành nghiên cứu khác.
Khoảng 50 năm trở lại đây, lịch sử Việt Nam đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng: hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh; cuộc chiến tranh biên giới; công cuộc Đổi mới từ năm 1986; công cuộc cải cách nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế… đã tác động trực tiếp đến toàn bộ đời sống của mỗi một người dân Việt Nam. Nhiệm vụ của các nhà sử học là phải ghi nhận và phản ánh những tác động đó bằng mọi hình thức. Hiện nay, có không ít sách báo, hồi ký, công trình nghiên cứu viết về chủ đề này nhưng dường như nó vẫn chưa lột tả, chưa phản ánh được đầy đủ và sinh động hiện thực lịch sử. Theo nguyên lý chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx, quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng trong lịch sử. Như vậy, vai trò của họ được nhắc đến trong lịch sử như thế nào? Thực tế cho thấy, hiện nay, lịch sử Việt Nam vẫn chỉ là lịch sử chính trị, ngoại giao và của các người hùng, quần chúng nhân dân còn giữ vai trò mờ nhạt trong lịch sử. Tiếng nói của họ, những con người bình thường trong xã hội, còn bị lẫn vào trong “đám đông”. Do đó, để quần chúng thực sự giữ vai trò trung tâm trong lịch sử, chúng ta, những người nghiên cứu, phải thay đổi cách nhìn, cách nghiên cứu, cách viết lịch sử. Điều đó có nghĩa là lịch sử nghiên cứu không chỉ tầng lớp trên [The leaders and upper class] mà còn tầng lớp dưới [The grassroots], tức những con người bình thường trong xã hội, như những công nhân viên chức, những người buôn bán, phụ nữ, nông dân, các dân tộc thiểu số…
Hiện nay, nhiều sử liệu trong từng biến cố còn lưu giữ trong ký ức của những người trong cuộc. Nếu chúng ta không kịp thời khai thác thì nguồn sử liệu sẽ mất đi khi các nhân chứng không còn nữa. Để khai thác nguồn sử liệu này, chúng ta không thể không dựa trên một phương pháp khác với các phương pháp truyền thống. Lịch sử qua lời kể là một phương pháp nghiên cứu sử học có thể giúp chúng ta trong việc sưu tầm, lưu trữ và giải thích tiếng nói và hồi ức của những người đã tham gia hoặc chứng kiến những biến cố lịch sử mà sử liệu thành văn không thể cung cấp được. Do đó, việc tìm hiểu lịch sử qua lời kể rất cần thiết cho các sinh viên, những người nghiên cứu…
2. Định nghĩa
“Lịch sử qua lời kể” có nguyên gốc tiếng Anh là Oral History. Có nhiều định nghĩa khác nhau về lịch sử qua lời kể nhưng có 3 định nghĩa được chúng tôi chú ý đưa ra trình bày trong bài viết này. Chúng tôi quyết định dùng thuật ngữ lịch sử qua lời kể thay cho Oral History từ đây cho đến cuối bài viết.
Trong tài liệu Step-by-step Guide to Oral History (1999), Judith Moyer cho rằng: “Lịch sử qua lời kể là một tập hợp có hệ thống về sự tường thuật lại của những con người còn sống về kinh nghiệm riêng của họ. Lịch sử qua lời kể không phải là những câu chuyện dân gian [folklore], những chuyện tán gẫu [gossip] hay những tin đồn [hearsay]. Những sử gia chuyên nghiên cứu lời kể [oral historians] cố gắng xác minh những điều nghe được, phân tích và đặt chúng trong bối cảnh lịch sử chính xác. Các sử gia này cũng quan tâm đến việc lưu trữ những kết quả phỏng vấn của họ cho các học giả sau sử dụng”[1].
Hiệp hội Nghiên cứu lịch sử qua lời kể [Oral History Association] đưa ra định nghĩa như sau: “Lịch sử qua lời kể là một lĩnh vực nghiên cứu và là một phương pháp sưu tầm, gìn giữ và giải thích những tiếng nói và ký ức của con người, những cộng đồng và những người đã tham gia vào các sự kiện đã xảy ra [events] trong quá khứ. Lịch sử qua lời kể bao gồm cả kiểu tìm hiểu lịch sử xưa cũ nhất, trước khi có chữ viết, lẫn cách tìm hiểu lịch sử hiện đại nhất, khởi đầu bằng những thiết bị ghi âm ở thập niên 1940 và bây giờ là những thiết bị kỹ thuật số của thế kỷ 21”[2].
Tài liệu hướng dẫn Fundametals of Oral History của Ủy ban Lịch sử Texas [Texas Historical Commission] cho rằng: “Lịch sử qua lời kể là sự thu thập và sự thu âm tiếng nói về ký ức cá nhân như là một tài liệu lịch sử. Lịch sử qua lời kể chứng minh bằng tài liệu những dạng thức của sự tường thuật mà thông thường không được ghi chép lại thành tài liệu và nó nhấn mạnh vào tầm quan trọng kinh nghiệm của con người”[3].
Tuy mỗi định nghĩa nhấn mạnh vào một khía cạnh nhất định nhưng chúng đã toát lên cho chúng ta thấy một số nội dung quan trọng. Thứ nhất, lịch sử qua lời kể là sự nỗ lực của người nghiên cứu nhằm khai thác lời tường thuật của các nhân chứng mà chúng không được ghi chép trong các nguồn sử liệu thành văn. Thứ hai, lịch sử qua lời kể đòi phải có sự có mặt của những thiết bị ghi âm vì mục đích lưu trữ và làm sử liệu cho các nghiên cứu sau. Thứ ba, lịch sử qua lời kể là lời tường thuật của những người còn sống về kinh nghiệm riêng của họ. Thứ tư, lịch sử qua lời kể không phải là những câu chuyện dân gian, những chuyện tán gẫu hay những tin đồn.
Mục đích của việc thực hiện lịch sử qua lời kể là sưu tầm và giữ gìn những tiếng nói của các nhân chứng lịch sử mà chúng có thể sẽ mất đi khi những nhân chứng này không còn nữa. Thông tin thu thập được có thể đưa vào các kho lưu trữ, các thư viện hoặc được trình bày trong các bảo tàng, các báo cáo chuyên đề… hoặc có thể sửa chữa để in thành sách nhằm phổ biến thông tin đến với công chúng.
3. Phân biệt lịch sử qua lời kể với lịch sử truyền miệng
Đối với Việt Nam cũng như một số dân tộc khác, trước khi có chữ viết, lịch sử chủ yếu hiểu qua những câu chuyện truyền khẩu. Những câu chuyện giải thích về nguồn gốc dân tộc, về các nhân vật lịch sử, các sự kiện được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác pha lẫn huyền thoại đã tạo nên một phần bản sắc trong văn hóa của một dân tộc. Tuy nhiên, chúng không phải là lịch sử qua lời kể.
Nhiều người sử dụng thuật ngữ lịch sử qua lời kể thay thế cho lịch sử truyền miệng nhưng hai thuật ngữ này không giống nhau. Lịch sử truyền miệng là những câu chuyện được truyền qua nhiều thế hệ bằng lời nói vượt qua cuộc đời của bất cứ cá nhân nào. Ngược lại, lịch sử qua lời kể là những lời tường thuật về những điều đã chứng kiến, những hồi tưởng về các sự kiện đã qua và những kinh nghiệm xảy ra trong quãng đời của người được phỏng vấn[4].
Mặc dù một sự kiện lịch sử gần đây, chẳng hạn như nạn đói ở Việt Nam 1945, những kinh nghiệm và ký ức của những người đã từng trải qua sự kiện này không được ghi chép lại mà những hiểu biết về sự kiện này chỉ được kể lại gián tiếp bởi một thế hệ sau thì chúng ta không thể gọi chúng là lịch sử qua lời kể. Như vậy, lịch sử qua lời kể chỉ có được thông qua phỏng vấn trực tiếp và nó phải là chính cuộc đời của người được phỏng vấn.
4. Phân biệt phỏng vấn thu thập lời kể với phỏng vấn bổ sung tư liệu
Stephen J. Lofgren, trong tài liệu U.S. Army Guide to Oral History (2006), cho rằng “lịch sử qua lời kể” và “phỏng vấn” là không đồng nghĩa. Cuộc phỏng vấn là sự thu thập những lời đáp của cá nhân đối với các câu hỏi của sử gia. Cuộc phỏng vấn, trong bất cứ hình thức thu thập nào, tạo thành một tài liệu chính thức và phải được nghiên cứu (và lưu giữ) theo đúng nghĩa của nó. “Lịch sử qua lời kể” là một mối quan hệ cộng tác phản ánh sự nỗ lực của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn để tạo ra một tài liệu lịch sử duy nhất thông qua việc phê bình và hiệu đính bản chép lại của cuộc phỏng vấn. Bản chép lại của một cuộc phỏng vấn không được hiệu đính không phải là lịch sử qua lời kể cũng không là một thể loại thay thế [a substitute], theo quan điểm của ban quản lý tài liệu quân đội [the perspective of Army records management], đối với phần ghi âm gốc[5].
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, sự phân biệt này chưa chính xác và không đúng với bản chất của lịch sử qua lời kể. Nhưng chúng tôi cũng không đồng ý rằng tất cả các cuộc phỏng vấn về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ đều là lịch sử qua lời kể.
Các sử gia luôn thu thập chứng cớ để giải thích lịch sử. Khi nghiên cứu một vấn đề lịch sử không quá xa với hiện tại, những thông tin thể hiện trong các tài liệu viết không đủ để cho các nhà sử học giải thích vấn đề. Để bổ sung cho những thiếu sót này, nhà sử học tiến hành phỏng vấn người có liên quan để thu thập thêm thông tin nhằm củng cố vững chắc cho sự giải thích của mình. Đây là cuộc phỏng vấn bổ sung tư liệu. Ngược lại, một cuộc phỏng vấn thu thập lời kể là sự sưu tầm những câu chuyện kể về những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của nhân chứng và nó chính là những kinh nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc chứ không đơn thuần là sự tường thuật. Đây là một cuộc phỏng vấn đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía, cả sử gia lẫn người được phỏng vấn, cả hai cùng “khám phá” lẫn nhau. Cuộc phỏng vấn thu thập lời kể chủ yếu dựa vào ký ức và chú trọng khai thác những tác động của lịch sử lên suy nghĩ và hành động của người được phỏng vấn. Người nghiên cứu có thể hiểu được những giá trị và hành động cá nhân đã hình thành trong quá khứ như thế nào và quá khứ đã định hình cho những giá trị và hành động hiện tại như thế nào[6]. Tương tự, thông qua sự dẫn dắt của người phỏng vấn, người được phỏng vấn có cơ hội để tổng hợp những kinh nghiệm và quan điểm của mình đối với một sự kiện xảy ra trong quá khứ. Mặc dù lời kể của họ đã được nhận thức lại và được trình bày cho phù hợp với hiện tại nhưng nó đã giúp cho họ khám phá chính bản thân của mình.
5. Vấn đề sử liệu
Tư liệu được ghi âm từ các cuộc phỏng vấn thu thập lời kể thuộc nguồn tài liệu sơ cấp hay thứ cấp? Những loại sử liệu như hồi ký, tự truyện, nhật ký v.v... có phải là lịch sử qua lời kể không? Đây là những câu hỏi được chúng tôi đặt ra khi tìm hiểu về lịch sử qua lời kể. Theo như một số sách phương pháp nghiên cứu sử học, nguồn sử liệu bằng lời [oral sources], tức những tư liệu ghi âm từ các cuộc phỏng vấn thu thập lời kể, được xem là nguồn tài liệu sơ cấp[7]. Bởi vì, nó là những thông tin trực tiếp được cung cấp bởi những người đã từng tham gia hoặc chứng kiến một sự kiện xảy ra trong quá khứ. Tiếp đến, hồi ký, tự truyện, nhật ký v.v... cùng với lịch sử qua lời kể đều là câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của một người. Chúng đều thuộc nguồn tài liệu sơ cấp. Tuy nhiên, có hai điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh về sự khác nhau giữa chúng. Thứ nhất, lịch sử qua lời kể khác với những cái còn lại ở chỗ kết quả nghiên cứu của nó có được từ sự hợp tác giữa hai nhân vật thông qua phỏng vấn. Thứ hai, trong một công trình lịch sử qua lời kể, hầu hết những người được phỏng vấn đều cho rằng những câu chuyện của họ không quan trọng, không cần phải sưu tầm và phổ biến. Trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Oral History Reviewtập 36 số 1 năm 2009, có nhan đề ““I Didn’t Do Anything Important”: A Pragmatist Analysis of the Oral History Interview”, tác giả của bài viết cho biết rằng một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong hầu hết các cuộc phỏng vấn là “Tôi không làm gì quan trọng cả”. Vì phần lớn các đối tượng của công trình nghiên cứu là những con người bình thường, thậm chí là những người được xếp vào nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Có nghĩa là, những đối tượng trong công trình này không có ý thức kể hay tường thuật lại những kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Ngược lại, hồi ký, tự truyện, nhật ký v.v... xuất phát từ sự tự ý thức về việc ghi chép lại những sự kiện đã xảy ra. Như vậy, lịch sử qua lời kể, hồi ký, nhật ký, tự truyện là tài liệu sơ cấp, nhưng chúng không phải là một.
6. Điểm qua một số công trình lịch sử qua lời kể đã xuất bản
Một số công trình lịch sử qua lời kể đã xuất bản và đang được lưu giữ tại Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh: tác phẩm Japan at War: an Oral History của tác giả Haruko Taya Cook and Theodore F. Cook xuất bản năm 1992, Dublin Pub Life and Lore: an Oral History của tác giả Kevin C. Kearns xuất bản năm 1996, From 33rdStreet to Camden Yards: an Oral History of the Baltimore Orioles của tác giả John Eisenberg xuất bản năm 2001,Patriots. The Vietnam War Remembered from all Sides của tác giả Christian G. Appy xuất bản năm 2004, Boots and All: an Oral History of Farming in Victory của tác giả Catherine Watson xuất bản năm 1984, Asian American Experiences in the United States: Oral Histories of First to Fourth Generation Americans from China, the Philippines, Japan, India, the Pacific Islands, Vietnam and Combodia của tác giả Joann Faung Jean Lee xuất bản năm 1991,Chuyện những người làm nên lịch sử - hồi ức Điện Biên Phủ 1954 – 2009 của nhiều tác giả xuất bản năm 2009. Trong tiểu luận này, chúng tôi quyết định chọn 3 tác phẩm có nội dung thích hợp với mối quan tâm của các độc giả Việt Nam.
Trong tác phẩm Asian American Experiences in the United States: Oral Histories of First to Fourth Generation Americans from China, the Philippines, Japan, India, the Pacific Islands, Vietnam and Combodia (1991), Joann Faung Jean Lee đã tiến hành phỏng vấn 44 nhân vật đến từ Trung Quốc, Philippine, Nhật, Ấn Độ, các vùng đảo Thái Bình Dương, Việt Nam và Campuchia, để tìm hiểu kinh nghiệm của họ trên đất Mĩ. Các câu chuyện của nhân vật được chia thành 3 phần: Sống tại Mĩ [Living in America], Những khía cạnh của sự Mĩ hoá [Aspects of Americanization], Những suy nghĩ về hôn nhân giữa các chủng tộc [Reflections on Interracial Marriage]. Các nhân vật lần lượt trình bày kinh nghiệm của họ theo từng khía cạnh khác nhau từ con đường di cư cho đến những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày cũng như là những thách thức, khó khăn mà họ phải đối mặt khi hòa nhập với cuộc sống ở Mĩ. Tuy nhiên, văn hoá là chủ đề chủ yếu được bàn đến trong các câu chuyện. Chính sự khác biệt trong văn hoá đã khu biệt họ với các cộng đồng khác và cũng chính văn hoá đã tạo cho họ một lối sống và lối suy nghĩ riêng. Họ luôn có những vấn đề với những người xung quanh và với chính dân tộc họ. Tuy những người mà Joann Faung Jean Lee phỏng vấn không thể đại diện cho toàn bộ những người Mĩ gốc Á, nhưng đây là một công trình có giá trị và hữu ích vì nó cung cấp một số hiểu biết nhất định về nhóm người yếu thế bị coi là ngoại vi trong dòng chảy văn hoá ở một số nước phương Tây có người Châu Á sinh sống.
Về chủ đề chiến tranh, trong tác phẩm Japan at War: an Oral History (1992), Haruko Taya Cook và Theodore F. Cook đã tiến hành phỏng vấn hàng trăm nhân vật sống vào giai đoạn chiến tranh. Các nhân vật được lựa chọn không chỉ là những người trực tiếp tham chiến mà còn là những người dân bình thường. Mục đích của tác giả là tìm hiểu ký ức của họ tại thời điểm Nhật Bản tham gia chiến tranh. Tác phẩm chia làm 6 phần: Cuộc chiến tranh không tuyên bố [An Undeclared War]; Có “niềm tin chiến thắng” [Have “Faith in Victory”]; Quê hương [Homeland]; Những trận đánh thất bại [Lost Battles]; “Một trăm triệu người chết cùng nhau” [“One Hundred Million Die Together”]; Cuộc chiến tranh chưa quyết định [The Unresolved War]. Mỗi phần được giới thiệu bằng một bài tổng quan về tình hình quân sự và chính trị. Nó có tác dụng như một phông nền cho tất cả những lời kể bên trong. Những lời kể được trình bày chân thật, cảm động, không trốn tránh trách nhiệm, không bào chữa cho những việc mà người Nhật đã gây ra. Tác phẩm đã bổ sung những vấn đề chưa được thảo luận đầy đủ trong các cuộc trao đổi về cuộc chiến tranh thế giới thứ II và tạo ra những hiểu biết cho người Mĩ về cuộc chiến tranh.
Cũng về chủ đề chiến tranh, một công trình nghiên cứu về trận Điện Biên Phủ, Chuyện những người làm nên lịch sử - hồi ức Điện Biện Phủ 1954 – 2009 (2009), được thực hiện bởi các nhà báo trẻ: Đào Thanh Huyền, Phạm Thùy Hương, Nguyễn Xuân Mai, Phạm Hoàng Nam, Phạm Hoài Thanh và Đặng Đức Tuệ. Đây là một công trình thực hiện theo thể loại lịch sử qua lời kể. Cuốn sách được chia làm 3 phần sắp xếp theo trình tự thời gian. Trong mỗi phần, tác giả tóm lược bối cảnh và diễn biến lịch sử kèm theo những số liệu thống kê, dòng biên niên sự kiện để dẫn dắt người đọc theo dõi từng lời kể. Để thực hiện công trình này, nhóm tác giả đã phỏng vấn 160 nhân vật ở các vị trí khác nhau: từ những tướng lĩnh cao cấp cho đến những con người bình thường như các chiến sĩ, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, dân quân, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong và người dân các sắc tộc địa phương… Những lời kể của họ là những tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ, kỷ niệm riêng của họ đối với cuộc chiến. Lòng yêu nước, sự dũng cảm, đức hy sinh, lòng nhiệt tình cách mạng không còn là những từ hoa mỹ in trên giấy mà đến từ các lời kể mộc mạc, chân thật và đầy cảm động. Tuy đây là một tác phẩm đầu tiên, một tác phẩm thể nghiệm, nhưng nó đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng mạnh mẽ.
7. Ưu điểm và hạn chế của lịch sử qua lời kể
Người nghiên cứu khi tìm hiểu cũng như chuẩn bị thực hiện một công trình lịch sử qua lời kể nên biết về những ưu điểm và hạn chế của nó. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy lịch sử qua lời kể có 6 ưu điểm lớn. Thứ nhất, lịch sử qua lời kể là một phương pháp khai thác những thông tin có giá trị lịch sử nằm trong trí nhớ của những người quan sát và những người tham gia vào một sự kiện nào đó trong quá khứ mà những tài liệu thành văn không thể viết được. Nó có thể giúp cho các sử gia kiểm tra, thẩm định lại thông tin lịch sử trong các tài liệu thành văn. Thông qua lời kể của nhân chứng, sử gia có thể kiểm chứng thông tin về một sự kiện qua nhiều lời kể và so sánh, đối chiếu với các nguồn tài liệu khác. Thứ hai, lịch sử qua lời kể đưa tiếng nói của những người, những cộng đồng bị coi là yếu thế như phụ nữ, tộc người thiểu số, những người công nhân, người lao động… đến công chúng. Thứ ba, lịch sử qua lời kể là một phương pháp hỗ trợ tốt cho các nghiên cứu lịch sử vi mô. Bên trong những nghiên cứu của lịch sử vi mô, lịch sử qua lời kể có một trọng lượng rất lớn vì nó giúp cho các sử gia hiểu và phân tích những tiếng nói mà họ từng mang trách nhiệm là xây dựng lại lịch sử, từ hiện tại[8]Thứ tư, lịch sử qua lời kể có thể giúp cho sử gia và người đọc có một cách nhìn mới về sự kiện và con người, phát hiện thêm khía cạnh mới mà trước đây không được nghiên cứu, tìm hiểu hay do thành kiến mà có cách nhìn nhận khác. Thứ năm, lịch sử qua lời kể làm bức tranh lịch sử thêm sinh động tác động mạnh đến cảm xúc của người nghe và người đọc vì nó là những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của một cá nhân. Khi chúng ta được nghe họ kể, chúng ta dường như hoá thân vào họ, cùng sống và cùng vui buồn với những kinh nghiêm của họ. Điều đó giúp ích cho việc tái hiện lịch sử và tăng thêm sự hiểu biết về các sự kiện lịch sử trong suy nghĩ của chúng ta. Thứ sáu, lịch sử qua lời kể là một phương pháp giảng dạy tốt, giúp cho học viên tích cực và phấn khởi trong việc học lịch sử.
Bên cạnh những ưu điểm, lịch sử qua lời kể cũng có những điểm yếu và hạn chế mà chúng tôi có thể trình bày qua 3 điểm chính như sau. Thứ nhất, thông tin do những người quan sát và những người tham gia cung cấp được xem như là một sử liệu trực tiếp. Nhưng do ảnh hưởng của thời gian, trí nhớ của con người bị suy giảm cộng với sự nhận thức lại sau khi sự việc đã xảy ra. Điều đó làm cho lịch sử qua lời kể có độ tin cậy thấp. Thứ hai, lịch sử là những câu chuyện được diễn đạt chủ yếu bằng lời tường thuật của nhân chứng nên sự việc có thể bị cắt bớt hoặc thêm thắt chi tiết làm cho sự kiện khác đi nhiều so với điều đã xảy ra. Điều này rất dễ hiểu vì ngay chính những người có trình độ học vấn cao cũng ít khi diễn đạt tốt và đầy đủ ý kiến mà họ muốn trình bày huống chi người trả lời xuất phát từ các tầng lớp, giai cấp, địa vị khác nhau. Trong đó, một số người lại không có khả năng diễn đạt bằng lời nói nên thông tin thường bị méo đi rất nhiều. Thứ ba, lịch sử qua lời kể chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan trong quan điểm và kinh nghiệm của người kể. Nó không thể đại diện cho số đông. Vì thế, những thông tin thu thập được từ cuộc phỏng vấn phải được xem xét cẩn thận khi nghiên cứu và tham khảo.
8. Một số phê phán
Như mọi sử liệu khác, lịch sử qua lời kể cũng phải được tiếp nhận với một tinh thần phê phán. Khi sử dụng lời kể của các nhân chứng như là một bằng chứng, chúng ta phải đến các trung tâm nơi lưu trữ nguồn sử liệu này, để tìm các băng ghi âm hoặc ghi hình cuộc phỏng vấn để tận tai nghe, mắt thấy cuộc phỏng vấn diễn ra. Chúng ta không thể sử dụng bản chép lại do những người nghe cuộn băng ghi âm viết lại, cũng như không phải là các tác phẩm được tác giả sửa chữa, hiệu đính để xuất bản nhằm phổ biến đến công chúng. Đối với nguồn sử liệu này, chúng ta có hai bước phê phán: bước thứ nhất phê phán về hình thức, bước thứ hai phê phán về nội dung. Phê phán về hình thức giúp chúng ta xác định chất lượng nội dung thông tin của cuộc phỏng vấn. Phê phán về nội dung giúp chúng ta xác định độ tin cậy của thông tin.
8.1. Phê phán hình thức
Phê phán hình thức hay phê phán bên ngoài là bước phê phán đầu tiên để xem xét những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của cuộc phỏng vấn. Phê phán hình thức bao gồm:
- Xác định đặc điểm xã hội của người phỏng vấn và người trả lời.
- Xác định những điểm khác biệt giữa người phỏng vấn và người trả lời.
- Xác định những yếu tố gây trở ngại cho cuộc phỏng vấn.
8.1.1. Xác định đặc điểm cá nhân và xã hội của người phỏng vấn và người trả lời
Trong bất kì một cuộc phỏng vấn nào, đặc điểm cá nhân và đặc điểm xã hội của người phỏng vấn và người trả lời luôn để lại dấu ấn trong toàn bộ câu chuyện của cuộc phỏng vấn. Xác định đặc điểm cá nhân và xã hội của cả người phỏng vấn và người trả lời chính là hiểu biết căn bản để chúng ta tiến đến phê phán nội dung. Đặc điểm cá nhân bao gồm: tuổi tác, giới tính, nhân cách, lối sống, trình độ học vấn và nhân sinh quan. Đặc điểm xã hội của một người bao gồm: tôn giáo, văn hoá, địa vị xã hội, giai cấp, kinh tế…
8.1.2. Xác định những điểm khác biệt giữa người phỏng vấn và người trả lời
Những điểm khác biệt giữa người phỏng vấn và người trả lời là các yếu tố mà nhà nghiên cứu phải chú ý đến khi phê phán cuộc phỏng vấn thu thập lời kể vì nó có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Sự khác biệt về giới tính có ảnh hưởng lớn đến quan điểm và kinh nghiệm. Cùng một chủ đề và cùng người trả lời nhưng với hai người phỏng vấn khác nhau về giới tính sẽ có kết quả nghiên cứu khác nhau và ngược lại.
Sự khác biệt về tuổi tác và thế hệ dẫn đến sự khác biệt nhau về quan điểm và kinh nghiệm. Người lớn tuổi thường có xu hướng bảo thủ, ngược lại người trẻ tuổi thường có khuynh hướng cấp tiến, phủ định những tư tưởng lỗi thời. Với cùng một chủ đề nhưng người trả lời thuộc hai thế hệ khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Ngược lại, với cùng một chủ đề và cùng một người trả lời mà người phỏng vấn thuộc hai thế hệ khác nhau cũng sẽ cho ra một kết quả khác nhau.
Sự khác biệt về giáo dục giữa người phỏng vấn và người trả lời cũng gây ra một số khó khăn, đặc biệt là lối diễn đạt câu hỏi, ý kiến, quan điểm… Người phỏng vấn cần phải diễn đạt những điều mà mình muốn nói thật đơn giản đối với đối tượng phỏng vấn có trình độ học vấn thấp hơn mình.
Trong một cuộc phỏng vấn có sự khác nhau về dân tộc, người thuộc dân tộc chiếm ưu thế thường cho dân tộc khác là ngoại vi và mang thành kiến đối với họ. Sự khác biệt về dân tộc giữa người phỏng vấn và người trả lời cũng sẽ có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Tương tự, văn hoá là nét khu biệt giữa dân tộc này với dận tộc khác và nhóm xã hội này với nhóm xã hội khác. Phong tục tập quán được đề cao của dân tộc này nhưng đối với dân tộc khác có thể bị xem thường.
8.1.3. Xác định những yếu tố gây trở ngại cho cuộc phỏng vấn
Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, sự tương tác qua lại giữa người phỏng vấn và người trả lời thường xuyên xảy ra và nó có ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của cuộc phỏng vấn. Sự tương tác đó xảy ra theo chiều hướng có lợi hay có hại là do những chướng ngại do người phỏng vấn hay người trả lời tạo ra. Xác định những chướng ngại xảy ra trong cuộc phỏng vấn là một khâu cần thiết trong phê phán.
Sự thiếu quan tâm và thiếu kiến thức về chủ đề của cuộc phỏng vấn là một trong những chướng ngại quan trọng. Một người phỏng vấn không quan tâm cũng như không có kiến thức nền cho chủ đề mà mình đang phỏng vấn sẽ dẫn đến một kết quả phỏng vấn kém chất lượng. Ngược lại, người trả lời không quan tâm đến chủ đề phỏng vấn sẽ không cung cấp được thông tin cần thiết mà cuộc nghiên cứu muốn tìm hiểu.
Môi trường xung quanh nơi thực hiện cuộc phỏng vấn có tác động lên tiến trình phỏng vấn. Các yếu tố như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ, sự chật chội sẽ ảnh hưởng đến lời kể của người trả lời. Sự có mặt của người khác ngoài người phỏng vấn và người trả lời cũng có tác động tương tự.
Sức khoẻ và tinh thần của người phỏng vấn và người trả lời có ảnh hưởng đến buổi phỏng vấn. Người trả lời đang mệt mỏi hoặc ốm đau thì không thể tập trung hồi tưởng các sự kiện xảy ra để cung cấp thông tin cho người nghiên cứu. Hoặc họ đang nóng giận, buồn bực một việc gì đó thì cũng không thích hợp để phỏng vấn.
Thiếu sự hồi đáp là một yếu tố gây trở ngại cho cuộc phỏng vấn. Để cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, đem lại nhiều thông tin, cuộc nói chuyện phải có người sẵn sàng nói và có người sẵn sàng nghe và đáp lại. Người phỏng vấn phải luôn biểu lộ cho thấy họ rất thích thú với câu chuyện của người trả lời. Điều này tạo nên sự tự tin và sự hài lòng ở người trả lời và sẵn sàng kể thêm nhiều thông tin. Sự thiếu hồi đáp phát ra từ người phỏng vấn làm cho người trả lời phân vân không biết câu chuyện của họ có giúp gì cho chúng ta hay không hoặc họ cho rằng chúng ta xem thường kinh nghiệm của họ. Vì thế, thiếu sự hồi đáp có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
8. 2. Phê phán nội dung
Phê phán nội dung tức là phải xem xét những gì đã được nói trong cuộc phỏng vấn, bao gồm câu hỏi, chủ đề của người phỏng vấn đưa ra và lời đáp của người trả lời. Phê phán nội dung có nghĩa là phải xem câu hỏi và chủ đề mà người phỏng vấn đưa ra có phù hợp với mục đích và mục tiêu của công trình không. Sau đó, người nghiên cứu xem những câu hỏi được đặt ra có thể hiện sự tinh thông, khôn khéo và sắc sảo không. Có nghĩa là câu hỏi phải làm sao khai thác được nhiều thông tin từ người trả lời nhằm tạo ra được một câu chuyện lịch sử đầy đủ và hoàn tất. Nên biết rằng, trí nhớ của con người về một sự kiện không phải đã được tập hợp hoàn chỉnh. Một sự kiện vừa mới xảy ra, khi được hỏi đến thì người quan sát bao giờ cũng phải tổng hợp những quan sát từ các giác quan, sắp xếp chúng lại thành một câu chuyện để trình bày, huống chi một sự việc xảy ra đã lâu. Nhiệm vụ của người phỏng vấn là phải đưa ra những câu hỏi để cho bộ não của người trả lời hoạt động, giúp họ nhớ lại những gì đã xảy ra. Đôi khi, người phỏng vấn phải tìm ra những lỗ hổng, những điều còn mập mờ hoặc những chỗ chưa hợp lý để đưa ra những câu hỏi lấp đầy cho câu chuyện.
Đối với người trả lời, lời đáp của họ chính là sản phẩm của cuộc nghiên cứu. Để xác định độ tin cậy của sản phẩm, người nghiên cứu phải tiến hành phê phán. Trước hết, phải xem mối quan hệ giữa người trả lời với sự kiện. Họ là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp, mức độ liên hệ của họ với sự kiện, họ giữ vai trò chủ chốt hay thừa hành, vị trí quan sát của họ… Sau đó, người nghiên cứu tự hỏi tại sao họ kể một câu chuyện như vậy, mục đích của họ là gì. Trong quá trình nghe, cần chỉ ra những vấn đề nào, những câu hỏi nào mà người trả lời né tránh cũng như những vấn đề nào mà người trả lời nói nhiệt tình. Đặt ra những câu hỏi: Tại sao như vậy? Điều đó nói cho chúng ta biết điều gì? Chúng ta luôn đặt ra những câu hỏi như thế để xác định độ tin cậy trong những câu chuyện mà người trả lời cung cấp.
Phê phán nội dung không những đòi hỏi phải có tư duy phê phán mà còn phải có kiến thức về lĩnh vực mà người nghiên cứu muốn phê phán.
Trên đây là những nội dung và phương pháp cơ bản dùng để phê phán nguồn sử liệu bằng lời kể của các nhân chứng. Phê phán hình thức đi vào xem xét các yếu tố bên ngoài trong sự kết hợp giữa người phỏng vấn và người trả lời. Phê phán nội dung đi vào xem xét độ tin cậy của thông tin. Đây là hai bước phê phán căn bản mà nhà nghiên cứu phải chú ý khi thực hiện công tác phê phán sử liệu.
9. Kết luận
Ngày nay, nhiều sử liệu truyền thống như thư từ và nhật ký dần bị khan hiếm do sự phát triển của công nghệ thông tin. Hai người ở cách xa nhau nửa vòng Trái đất vẫn có thể liên lạc với nhau qua điện thoại, hoặc email. Với tiện ích của internet, con người có thể có đủ các hình thức giải trí từ nghe nhạc, xem phim, mua sắm thậm chí trò chuyện với những người ở một đất nước khác. Điều đó làm cho nguồn sử liệu liên quan đến cá nhân ngày càng hạn chế. Vì thế, lịch sử qua lời kể có thể là một nguồn sử liệu bổ sung cho những khiếm khuyết đó. Bên cạnh đó, nó còn là một công cụ giúp cho các sử gia thẩm định lại quá khứ và làm cho lịch sử ngày càng có ý nghĩa hơn với mọi người. Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài công trình Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-1975 (2009) và một số câu chuyện kể của những nhân chứng lịch sử được thu thập và trình bày trong tác phẩm của Văn Tạo, Đặng Phong… thì còn nhiều mảng lịch sử chưa được sưu tầm, lưu trữ và giải thích. Trong thời gian tới, nên chăng cần đẩy mạnh các dự án, công trình nghiên cứu theo thể loại lịch sử qua lời kể vì nguồn tư liệu về ký ức của những người đã từng tham gia hay chứng kiến các sự kiện lịch sử đang dần bị mất đi do một thời gian dài không được chú ý khai thác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:
1.      Châu Long, Lê Kim Ngân, Sử học nhập môn, Nxb. Văn Hào, Sài Gòn, 1970.
2.      Nhiều tác giả, Chuyện những người làm nên lịch sử - hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.
3.      Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Nhập môn sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4.      Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Phương pháp luận sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004.
5.      Trần Thị Bích Ngọc, Lịch sử và phương pháp lịch sử, Tạp chí Khoa học Xã hội, Số 9 + 10, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
6.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 31