Tìm hiểu phạm trù sống - chết
[ 28/03/2013 09:35 AM | Lượt xem: 4897 ]

TÌM HIỂU PHẠM TRÙ SỐNG – CHẾT


LÊ THỊ CÚC


Tóm tắt:Bàn về vấn đề liên quan đến sự sống – cái chết, sự tồn tại thế giới hữu hình – vô hình, mối liên hệ giữa người sống và người chết… là những vấn đề cơ bản được đề cập trong nhiều tôn giáo tín ngưỡng. Trong nhiều ngành khoa học như triết học và thần học, những vấn đề này được đặt ra từ xưa đến nay và có rất nhiều quan niệm, kiến giải khác nhau.

Quan niệm về sống và chết, quan niệm về mối liên hệ giữa những người sống và người chết là phạm trù triết lý không chỉ đề cập trong các tôn giáo tín ngưỡng mà còn thấy ở triết học và một số bộ môn khoa học, bởi vì suy cho cùng, điều mà tôn giáo tín ngưỡng và các ngành khoa học hướng đến cũng chỉ để giải quyết vấn đề sống và chết của con người. Đã là con người, chắc chắn ai cũng quan tâm đến sự sống và chết của mình. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói đến sự sống, sự tồn tại của mỗi đời người, mỗi xã hội, trong khi đó lại né tránh không bàn đến cái chết và những điều liên quan đến cái chết.

Vấn đề sự sống – cái chết đã được vô số các học giả khắp thế giới, cả phương Đông, phương Tây, từ xưa đến nay nghiên cứu và đưa ra nhiều kiến giải phong phú. Trong văn học phương Tây, nhà soạn kịch thiên tài Shackespeare đã đưa ra một mệnh đề bất hủ “sống hay chết đó mới là vấn đề”(1); trong triết học phương Tây cổ đại, Platon có tác phẩm nổi tiếng bàn về sự bất tử của linh hồn; ở phương Đông, các nhà tư tưởng thuộc các các tôn giáo như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo cũng đưa ra những kiến giải lý thú về mệnh đề sống – chết…

Do giới hạn về khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ xin đề cập một số cách lý giải của ba tôn giáo khá tiêu biểu là Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo ở phương Đông về vấn đề này và giành một dung lượng nhỏ bàn về sự tồn tại của thế giới vô hình và mối quan hệ giữa người sống và người chết.

1. Các cách lý giải độc đáo về mệnh đề sống – chết của các nhà tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo

Bàn về vấn đề sống- chết là một trong những nội dung được nhắc đến trong các tôn giáo nói chung. Vấn đề này cũng được đề câp trong ba tôn giáo có nguồn gốc phát sinh tại trung Quốc và Ấn độ là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Do đặc thù riêng của mỗi quốc gia mà các nhà tư tưởng thuộc các tôn giáo khác nhau ở Trung Quốc và Ấn độ đều đưa ra những cách kiến giải riêng. Nho giáo ở Trung Quốc có đặc điểm là học thuyết tư tưởng về đạo đức và chính trị hơn là một tôn giáo thông thường kiểu Ấn độ. Các nhà tư tưởng Trung Quốc chú trọng đến mối quan hệ giữa con người với xã hội. Trong khi đó các nhà tư tưởng Ấn độ lại thích tìm hiểu mối quan hệ giữa con người và vũ trụ (mối quan hệ giữa đại ngã và tiểu ngã vì con người vốn được xem là một tiểu vũ trụ).

Các nhà tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc chủ trương “sống chết có số, phú quý ở trời”. Dường như họ chỉ chú trọng đến sự sống, ít quan tâm đến cái chết. Khổng Tử từng nói “chưa biết chuyện sống, sao biết chuyện chết” (2). Nho giáo quan niệm, tuy đời người có hạn nhưng tu dưỡng học vấn đạo đức có thể khiến tinh thần trở nên vĩnh hằng bất tử. Nếu lúc sống biết nỗ lực cố gắng tối đa trong mọi việc thì cuối đời có thể ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản không hối hận điều gì.

Đây rõ ràng là quan niệm tích cực trong thời điểm hiện tại của một đời người. Đặc biệt trong xã hội Trung Quốc xưa kia, khi tư tưởng Nho giáo bồi đắp nên tinh thần dân tộc tốt đẹp của người Trung Hoa với việc cho rằng “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử; Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay người ta ai chẳng chết; cần giữ lòng son rạng sử xanh). Trong xã hội hiện đại, quan niệm cổ súy cho cuộc sống trọn vẹn ở hiện tại để không có gì day dứt ân hận khi chết dường như trở thành phương châm sống của rất nhiều người.

Các nhà tư tưởng của Đạo giáo đề ra phương châm “sống chết là do sự biến hóa của khí, thuận theo lẽ tự nhiên”(3), coi sự sống và cái chết đều là những hiện tượng tự nhiên. Trong tác phẩm “Đạo đức kinh”, Lão Tử từng nói nếu con người không quá xem trọng sự sống của mình, sẽ càng dễ bảo toàn được sinh mệnh. Trong tác phẩm “Nam Hoa kinh”, Trang Tử lại cho rằng sống, già, chết (sinh, lão, tử) đều diễn ra theo tự nhiên, chết chính là yên nghỉ, sống hay chết là do khí tụ lại hay tan ra mà thôi. Điều này thấy rõ ở một khía cạnh nào đấy, các nhà tư tưởng Đạo giáo có quan niệm coi là bình thường vấn đề sống – chết của đời người.

Như vậy điểm tương đồng giữa các nhà tư tưởng Trung Hoa thuộc hai trường phái Nho và Đạo chính là quan niệm xem nhẹ cái chết. Nhưng nếu như không hiểu rõ bản chất của sự sống và cái chết, không suy nghĩ thấu đáo về cái chết ngay khi đang sống là thái độ vô trách nhiệm với cái chết của chính mình và đồng loại. Nếu xét ở góc độ này thì quan niệm về vấn đề sống – chết của Phật giáo có vẻ toàn diện hơn.

Phật giáo phát sinh tại Ấn Độ. Các nhà tư tưởng Phật giáo có cách nhìn về vấn đề sống – chết của đời người khác với cách kiến giải của các học giả Trung Hoa. Phật giáo chủ trương “minh tâm kiến tính” (làm rõ cái tâm để thấy được bản tính), “kiến tính thành Phật” (thấy được bản tính sẽ trở thành Phật) và cho rằng cuộc đời là bể khổ, con người do “vô minh” mới chịu dập vùi trong bể khổ đó. Trên thực tế mọi người đều có "tính Phật” chính là bản tâm của mỗi chúng ta. Nếu thấu được bản tâm, tính Phật sẽ được bộc lộ, như vậy có thể hóa thân thành Phật, được siêu việt trong cõi sống chết. Như vậy triết lý Phật giáo không chú trọng đến sự sống hay cái chết riêng rẽ mà quan tâm đến sự vĩnh hằng của sinh mệnh. Đó không phải là quan niệm một chiều coi trọng sự sống xem thường cái chết; cũng không phải quan niệm giản đơn xem thường sống chết mà đó là phương pháp giúp chúng ta siêu việt khỏi sự sống và cái chết. Bởi vì suy cho cùng sợ chết hoặc xem thường cái chết chỉ là cái cớ để lý giải cho sự thiếu hiểu biết của chúng ta về cái chết. Không dám nhìn thẳng vào cái chết thì sẽ không bao giờ hiểu được cuộc sống. Chúng ta không nên quay lưng lại với cái chết mà thậm chí phải đối mặt với nó và tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến nó.

2. Sự tồn tại thế giới hữu hình - vô hình và mối liên hệ giữa người sống và người chết

"Chết có phải là hết không?", "Có đúng không hai phần linh hồn và thể xác cùng tồn tại trong mỗi người?", "Có thật tồn tại thế giới vô hình cho những linh hồn không?", "Nếu có tồn tại linh hồn, thì linh hồn người chết có liên hệ với người sống không?"...Đó là những câu hỏi mà con người hiện đại ở nhiều nơi trên trái đất này thường đặt ra và loay hoay tìm câu trả lời.

Tuy nhiên chúng ta không để ý rằng ngay từ thời cổ đại, con người ở các khu vực cả phương Đông và phương Tây đã đưa ra cách lý giải khá thống nhất.

Ở phương Tây, Platon - nhà triết học duy tâm xuất sắc của Hy Lạp cổ đại là đại diện tiêu biểu trong việc tìm hiểu vấn đề liên quan đến sự sống - chết của con người.Trong các tác phẩm của mình, Platon đã định nghĩa chết là sự tách bạch phần vô hình còn gọi là phần phi vật thể của một sinh vật (tức phần hồn) ra khỏi phần hữu hình (vật thể) tức là phần xác. Hơn thế nữa, Platon còn cho rằng linh hồn một khi đã lìa khỏi thể xác, có thể gặp lại những linh hồn khác và để họ hướng dẫn đi qua giai đoạn quá độ sang thế giới bên kia (4).

Nói cách khác Platon thể hiện rõ về quan niệm cho rằng trong mỗi con người luôn tồn tại hai phần thể xác và linh hồn, cũng như tồn tại thế giới cho linh hồn sau khi chết. Trong Kinh Thánh của đạo Kitô, có quan niệm về sự tồn tại thể xác - linh hồn và sự tồn tại ba tầng của thế giới linh hồn (Địa ngục - Tĩnh giới -Thiên Đàng). Ở Phương Đông, trong tôn giáo tín ngưỡng của nhiều nước rất phổ biến quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và thế giới sau khi chết.

Người Ai Cập cổ đại quan niệm mỗi con người đều có hai phần: phần thể xác và phần linh hồn. Khi người ta còn sống, thể xác và linh hồn (“Ka”) gắn bó chặt chẽ với nhau như hình với bóng. Khi con người chết đi, linh hồn (“Ka”) rời khỏi thể xác và bắt đầu một cuộc sống độc lập và chỉ khi nào thể xác tan rữa thì linh hồn mới chết theo. Người phương Đông nói chung, điển hình là người Ai Cập cổ đại tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của linh hồn và cuộc sống ở thể giới sau khi chết. Điều này được phản ánh rất rõ trong tục lệ ướp xác nhằm bảo tồn thể xác người chết và nghi lễ thờ cúng linh hồn người chết của nhiều dân tộc phương Đông.

Không chỉ trong tín ngưỡng, phong tục tập quán mà trong nhiều tôn giáo ở phương Đông, điển hình nhất là Phật giáo, có quan niệm rất rõ về luân hồi - tái sinh và quá trình chuyển kiếp vào các cảnh giới khác nhau sau khi chết.

Ở thời hiện đại, sự phát triển của khoa học kỹ thuật chi phối rất nhiều đến lối tư duy của con người. Trước những vấn đề liên quan đến phạm trù sống – chết, có khá nhiều người chủ quan cho rằng những quan niệm của người cổ đại về sự tồn tại thể xác – linh hồn trong một con người và sự tồn tại thế giới song hành âm - dương là điều huyễn hoặc do hạn chế nhận thức trong buổi đầu của lịch sử loài người.

Thế nhưng những kết quả nghiên cứu về cấu tạo thế giới và vạn vật của ngành vật lý hiện đại lại khai mở ra cho chúng ta những nhìn nhận mới về chính bản thân mình và thế giới.

Một trong số những kết quả quan trọng của ngành vât lý hiện đại là đề ra được lý thuyết về vũ trụ đa chiều thực tại. Vũ trụ là đối tượng bao hàm mọi thứ tồn tại. Trong vũ trụ đa chiều đó, nhà bác học thiên tài Anhxtanh với học thuyết Tương đối đã từng kết luận rằng không phải có ba hoặc bốn chiều mà có thể tồn tại đến sáu chiều không gian và thời gian (5).

Trong vũ trụ đa chiều có thế giới vật lý hay thế giới hữu hình là phần nhìn thấy của vũ trụ. Mọi vật hữu hình đều có cấu tạo từ các nguyên tử. Con người nhận biết được thế giới vật lý nhờ có ý thức thông qua các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác…Dưới nhãn quan của con người, thế giới hữu hình tồn tại như một tổng thể có thực với yếu tố nền tảng là các nguyên tử vật lý (nhận biết thông qua mật độ và dải tần số rung động giữa các nguyên tử)

Tuy nhiên ngoài thế giới vật lý hữu hình mà con người có thể nhận biết được qua các nguyên tử vật lý, vũ trụ có thể còn bao gồm nhiều bình diện vật lý khác mà cấu tạo vật chất của nó còn nhỏ hơn nguyên tử rất nhiều nên vật chất cấu tạo sẽ có đặc tính trong suốt và trống rỗng.

Trong trường hợp đó, có thể nói vũ trụ là đa chiều thực tại và các chiều đó tồn tại song song với nhau. Nếu đúng như lý thuyết lượng tử của vật lý hiện đại thì con người hiện nay với phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng khó phát hiện ra một bình diện vật chất vô hình nào nếu quả thật chúng tồn tại.

Ngoài định đề về vũ trụ đa chiều thực tại, các nhà vật lý hiện đại còn nêu ra được định đề vũ trụ có vô số bình diện vật chất. Định đề này khẳng định rằng, ngoài bình diện vật chất còn có vô số bình diện vật chất vô hình mà nhiều người đã trải nghiệm bằng cách riêng của mình.

Và có lẽ hiện nay, nếu chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới vô hình nhưng lại không biết bám vào cơ sở nào thì lý thuyết vật lý hiện đại (qua nội dung hai định đề: vũ trụ đa chiều và vũ trụ có vô số bình diện vật chất) sẽ củng cố hơn niềm tin này.

Như vậy rõ ràng bàn về sự sống - cái chết, bàn về sự tồn tại của linh hồn người chết và thế giới sau khi chết là vấn đề quá quen thuộc trong tôn giáo, tín ngưỡng và các bộ môn khoa học. Vấn đề này chúng ta có lẽ không cần tranh luận thêm nhiều. Tuy nhiên có một vấn đề mà tác giả bài viết rất muốn bàn thêm là sự liên hệ giữa người sống và người chết trong đời sống tâm linh của con người hiện nay.

Một luận đề được đặt ra: nếu không tồn tại thế giới tâm linh – thế giới vô hình – thế giới của linh hồn sau khi chết thì chắc chắn sẽ không có chuyện liên hệ giữa người sống và người chết. Hiện nay, ở Việt Nam có một loạt hiện tượng khá phổ biến như hiện tượng vong nhập vào người sống và hiện tượng những người có khả năng đặc biệt có thể tiếp cận với vong linh (nói chuyện, nhìn thấy, nghe thấy)… Trong số những hiện tượng trên, có một số trường hợp đã được các cơ quan chuyên trách sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại để kiểm tra đối chứng. Điều đáng nói thêm, bản thân một số người có khả năng đặc biệt (tạm gọi là các nhà ngoại cảm) đã dần được cộng đồng thừa nhận những khả năng đó. Không những thế, những khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm còn ảnh hưởng rất lớn giúp ích cho đời sống tâm linh của cộng đồng xã hội (tìm được các hài cốt liệt sĩ thất lạc, làm cầu nối thông tin cho những người thân còn sống và đã chết…).

Có thể không phải mọi thông tin liên quan đến các hiện tượng ngoại cảm là chính xác hoàn toàn. Nhưng có rất nhiều thông tin liên quan đến thế giới tâm linh giữa các nhà ngoại cảm khác nhau, trong các thời điểm, địa điểm khác nhau trùng hợp ngẫu nhiên. Vậy nếu hiện nay, khi con người đang còn bị hạn chế bởi số lượng hữu hạn các giác quan để nhận biết trọn vẹn về thế giới, thì có lẽ hãy cứ tuân theo phương pháp khoa học định lượng để định tính trong việc nghiên cứu khoa học tâm linh.

Tài liệu tham khảo

1. WWW. Tu sach van hoc nuoc ngoai/ sechxpia/hamlet 

2. Lý Tường Hải, Khổng Tử (bản dịch), NXB Văn hóa thông tin, H,2005, tr145.

 3. Lão Tử, Đạo đức kinh (bản dịch), NXB Trẻ, H,2003, tr.89. 

4. Raymond A.Moody Jr, Sự sống sau khi chết, NXB Lao động, H, 2008, tr236. 

5. Stephen Hawking, Vũ trụ trong hạt dẻ (bản dịch), NXB Trẻ, H, 2007, tr230.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 12