Căn cứ địa - Một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong 30 năm chiến tranh giải phóng
[ 08/11/2012 00:56 AM | Lượt xem: 1479 ]
TCCSĐT - Căn cứ địa, với tất cả các hoạt động của nó, đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến tranh chống xâm lược, là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nhân tố không thể thiếu, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc chiến tranh giải phóng do nhân dân Việt Nam tiến hành trong suốt 30 năm của thế kỷ XX.


Nắm vững học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề căn cứ địa cách mạng, hậu phương của chiến tranh cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã chủ động lãnh đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, coi đó là một bộ phận quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Trên phạm vi cả nước, ngay trong kháng chiến chống Pháp, hàng loạt căn cứ địa ra đời và từng bước phát triển, như: Việt Bắc, các chiến khu Thanh - Nghệ - Tĩnh, Nam - Ngãi - Bình - Phú, Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, U Minh, Dương Minh Châu… Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Trên cơ sở các chiến khu cũ, hàng loạt căn cứ địa cách mạng được xây dựng và phát triển trong thế xen kẽ và thông nối toàn bộ chiến trường miền Nam. Đó là những khu vực được chọn làm nơi trú ẩn đứng chân, bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến; để tích lũy, xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội; làm chỗ dựa thực hành phản công, tiến công tiêu diệt địch. Hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát triển tác dụng của các căn cứ địa thực sự trở thành một nội dung quan trọng góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống xâm lược.

1. Các căn cứ địa là những khu vực tập kết các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến; nơi đứng chân và tổ chức chiến đấu, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy; nơi củng cố và huấn luyện các lực lượng vũ trang cách mạng của toàn miền, khu và các địa phương tỉnh, huyện.

Để tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân, chúng ta không những phải có mục đích chính trị đúng đắn, phải sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn phải giải quyết vấn đề xây dựng chỗ đứng chân, vấn đề tiềm lực. Ngay thời điểm cuộc kháng chiến bùng nổ, tại Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố, đô thị khác, hàng trăm nghìn người là cán bộ, nhân viên các cơ quan lãnh đạo các cấp và các đơn vị vũ trang cần có chỗ đứng để bảo vệ, giữ gìn và phát triển lực lượng, tiến hành kháng chiến. Khi cuộc giao tranh của hai bên lan rộng khắp cả nước, con số ấy cũng nhân lên gấp bội. Các cơ quan lãnh đạo Trung ương chuyển dần lên Chiến khu Việt Bắc, các cơ quan lãnh đạo Nam Bộ về Đồng Tháp Mười, U Minh, Chiến khu Đ, Dương Minh Châu. Các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo ở từng địa phương rút về những vị trí thuận lợi cho việc trú ẩn và điều hành kháng chiến. Tại đây, các cơ quan quân, dân, chính, đảng, các đoàn thể cách mạng không ngừng củng cố hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng công tác, tham gia có hiệu quả vào quá trình điều hành công cuộc kháng chiến ở địa phương và khắp cả nước.

Từ những đơn vị nhỏ lẻ ban đầu, cùng với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, phát triển thành chi đội, trung đoàn, liên trung đoàn rồi đến các đại đoàn chủ lực cơ động. Quá trình phát triển của lực lượng vũ trang, đặc biệt các đơn vị vũ trang tập trung, gắn liền với quá trình hình thành phát triển của các căn cứ địa. Đây là nơi lực lượng vũ trang về đứng chân ẩn náu, củng cố và phát triển lực lượng, huấn luyện diễn tập, là nơi các trường quân sự của Trung ương, của từng quân khu và các tỉnh tập hợp, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ quân sự, chính trị của lực lượng vũ trang. 

Địa thế, lòng dân và chiến thuật bố trí phòng thủ hợp lý đã làm cho các căn cứ địa trở thành “mái nhà an toàn” cho các lực lượng kháng chiến. Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, mặc dù đã huy động đến mức cao nhất có thể về lực lượng, phương tiện chiến tranh và thủ đoạn tác chiến nhưng không thể thực hiện được tham vọng xóa sạch căn cứ địa, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng kháng chiến của ta. 

Mô tả cuộc hành quân “Vega” vào căn cứ Đồng Tháp Mười năm 1948, “cuộc hành quân quan trọng nhất diễn ra ở Nam Kỳ kể từ ngày mở đầu cuộc chiến tranh”, “nhằm mục đích phá hủy các cơ sở và các đơn vị quân Việt trong vùng đất giồng và nếu có thể, bắt sống Nguyễn Bình”, tướng I-vet-xơ Grat-xơ (Yves Gras) viết: “Cuộc hành quân kết thúc trong khoảng không. Quân Việt đã biến mất. Đại tá De Sairingé đi đến tự hỏi phải chăng họ đã rút khỏi vùng này ngay trước đó do họ đã nghi ngờ về cuộc hành quân sắp xảy ra đến nơi, hoặc do việc xe lội nước “con cua” xuất phát từ Sài Gòn, việc tiếp cận của các đoàn tàu đổ bộ đã báo động cho họ. Thực ra, quân Việt đã tan biến tại chỗ. Trước một sự triển khai lực lượng như vậy, họ đã quyết định không chấp nhận chiến đấu. Họ đã rút vào các hầm bí mật và cùng với nhân dân ẩn náu tại đó…”(1). Trong kháng chiến chống Mỹ, cuộc hành quân Gianxơn - city năm 1967, cuộc hành quân Lam Sơn 719 và Toàn thắng - 71 năm 1971 cùng với hàng ngàn cuộc hành quân khác của Mỹ ngụy vào căn cứ địa ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đều nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và lực lượng Quân giải phóng miền Nam, nhưng cuối cùng đều bị thất bại.

2. Căn cứ địa là đầu mối các hành lang chiến lược, là chỗ dựa tin cậy của các lực lượng kháng chiến với tư cách một hậu phương tại chỗ, nơi bảo đảm một phần quan trọng tiềm lực của cuộc kháng chiến.

Muốn tiến hành chiến tranh một cách thật sự, phải có hậu phương được tổ chức vững chắc. Trong quá trình kháng chiến, quân và dân cả nước đã xây dựng được hậu phương chiến tranh nhân dân tại chỗ, gồm hệ thống các cơ sở chính trị, cơ sở kinh tế, khu vực du kích, căn cứ du kích, các căn cứ địa cách mạng; nhờ vậy đã tạo chỗ dựa và cung cấp một phần tiềm lực quan trọng cho cuộc kháng chiến, bảo đảm kịp thời mọi yêu cầu của chiến trường.

Dựa vào ưu thế tự nhiên của mỗi vùng căn cứ mà quân và dân ở vùng căn cứ đã nỗ lực khai thác phục vụ cho kháng chiến. Đất đai để trồng nông sản, sông suối cho cá tôm, rừng cho thịt động vật, cây lá cho củ quả. Nhiều đơn vị vũ trang trong những ngày bị địch bao vây chia cắt ngặt nghèo, đã hoàn toàn sống dựa vào sản phẩm của rừng. Nam dược trong rừng còn là nguồn thuốc chữa bệnh vô tận cho bộ đội với khẩu hiệu “dùng thuốc nam là yêu nước”. Hàng ngàn toa thuốc đông y gia truyền được sưu tầm và trên thực tế đã góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho lực lượng kháng chiến tại đây. Nguyên liệu có sẵn trong rừng còn tạo điều kiện cho ngành công nghiệp non trẻ phát triển phục vụ kháng chiến; da động vật để may túi, cặp, thắt lưng, bao súng; tre, nứa để làm giấy; đất cao lanh để sản xuất đồ gốm; thác nước để chạy máy thủy điện cho quân giới…

Đồng thời, căn cứ địa còn là nơi thu nhận, tập kết sức người, sức của từ các vùng tạm chiếm. Công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức từ các đô thị và nông thôn sầm uất; lương thực, thực phẩm, hàng hóa văn phòng phẩm, vải vóc, thuốc men, y cụ, nguyên hóa liệu cho binh công xưởng từ khắp nơi đổ về các căn cứ địa, dưới hàng trăm ngàn hình thức vận chuyển phong phú độc đáo, trên hàng trăm ngàn nẻo hành lang khác nhau.

Do đó, mặc dù tại căn cứ địa, đất rộng, người thưa, ít lương thực, thực phẩm lại bị kẻ thù ráo riết thực hiện chiến thuật bao vây chia cắt, nhưng công tác bảo đảm sức người, sức của cho kháng chiến vẫn được thực hiện một cách thường xuyên và có hiệu quả. 

3. Căn cứ địa ở Việt Nam là chỗ dựa, nơi bày thế trận tiêu diệt đối phương tại chỗ, đồng thời làm nơi xuất phát, bàn đạp cho các lực lượng kháng chiến tiến công địch ở bên ngoài căn cứ, tạo điều kiện cho phong trào du kích chiến tranh phát triển ở vùng tạm bị chiếm, góp phần tạo ra cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho cách mạng và kháng chiến.

Trong tác phẩm “Con đường giải phóng” Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Khi du kích đã khá đông thì phải có căn cứ địa, là một vùng khá rộng và hiểm trở, ở đó dân chúng được tổ chức vững vàng, quân lính đế quốc khó vào được. Du kích dùng nơi đó làm chỗ đứng chân, tiến có thế đánh và phát triển lực lượng, lui có thế đứng và giữ gìn lực lượng”(2). Lịch sử xây dựng và phát triển căn cứ địa luôn luôn gắn liền với hoạt động quân sự diễn ra ở bên trong và bên ngoài căn cứ. Đó là nơi giao tranh quyết liệt giữa một bên là kẻ địch mưu toan tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, xóa sạch căn cứ, một bên là lực lượng kháng chiến quyết tâm giữ vững căn cứ, bảo toàn lực lượng, và từ đó làm chỗ dựa mở rộng phạm vi hoạt động quân sự, tiến công vào hậu phương của địch.

Trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược, một trong những nỗ lực lớn nhất của quân đội xâm lược là bao vây, càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến trong các căn cứ. Ví dụ, ở Nam Bộ năm 1948, vẫn theo tướng I-vet-xơ Grat-xơ, “Kế hoạch của tướng De Latour nhằm vào mục tiêu tiêu diệt các lực lượng chính quy của Việt Minh, ông dự định xua đuổi các chi đội ra khỏi các vùng hoạt động của họ bằng một loạt các cuộc hành quân sơ bộ và buộc họ phải về ẩn náu trong căn cứ trung tâm của Đồng Tháp Mười và sau đó tiến công căn cứ này với mọi phương tiện hiện có”(3). Đó cũng là thủ đoạn chiến thuật chung của các tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam từ năm 1965. 

Vì thế, chiến đấu để bảo vệ cơ quan lãnh đạo, bảo vệ sức người, sức của trong căn cứ luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Nhân dân vùng căn cứ ở miền Đông Nam bộ đã thực hiện vũ trang nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân và bố trí hợp lý lực lượng. Mặt khác, các lực lượng đứng chân trong căn cứ đã không ngừng tổ chức lại chiến trường, lợi dụng và cải tạo địa hình để xây dựng làng chiến đấu, đào đắp hầm hào, bố trí mìn chông, bãi cọc chống nhảy dù, làm rào cản trên sông, thiết lập các địa đạo, tạo thành một hệ thống trận địa vừa có tác dụng phòng thủ vừa bày thế trận chia cắt tiêu diệt địch. Các cuộc chiến đấu chống địch càn quét trong căn cứ địa đã góp phần tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng. 

Ngoài ra, căn cứ địa không chỉ là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ mà còn là nơi xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện và làm bàn đạp xuất phát tiến công quân địch ở bên ngoài căn cứ. Có thể thấy, những trận đánh, chiến dịch lớn của ta đều được chuẩn bị kỹ trong căn cứ và lấy căn cứ làm bàn đạp để xuất phát tiến công. Cũng ở Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Pháp, tướng I. Grat-xơ viết: “Các tiểu đoàn 308, 309, 311, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Bình đã hình thành một “mặt trận Đồng Tháp Mười”. Các đơn vị này mở những cuộc tiến công ngày càng mạnh mẽ vào những đồn bót vùng Cái Nứa, Cai Lậy và Cao Lãnh, nhất là khi có các đoàn tàu vận tải đi qua Đồng Tháp, nếu như vai trò của Đồng Tháp Mười ngày càng kém quan trọng đi thì với tính chất là một căn cứ chiến thuật, nó vẫn là bàn đạp quân sự uy hiếp sự vận chuyển của quân Pháp”(4). Khái quát hơn, Thủ tướng Pháp Andre Teulieres viết: “Do một thứ động lực bên trong, các căn cứ cố thủ ấy nhanh chóng vượt xa vai trò ẩn náu của nó để trở thành những bàn đạp từ đó đi quấy rối đối phương. Và đó là chức năng chủ yếu thứ hai của các chiến khu, ngoài lý do bảo toàn lực lượng nói trên. Nói tóm lại, nó vừa là “nơi ẩn náu” vừa là “bàn đạp”; Bộ Chỉ huy Việt Minh thường đặt cho cái tên là “các căn cứ”, còn ở đây chúng tôi gọi là “các chiến khu”(5).Trong chiến tranh, căn cứ địa luôn là nơi thu hút lực lượng lớn quân địch, địa bàn giao tranh và là bàn đạp để lực lượng kháng chiến tiến công ra bên ngoài. Vì thế, mọi hoạt động ở căn cứ địa có ảnh hưởng sâu sắc đến diễn biến cục diện chiến trường toàn miền. Do phải thường xuyên bố trí một lực lượng lớn đóng đồn bót, cứ điểm bao vây xung quanh căn cứ của ta và tập trung những đơn vị cơ động mạnh để hành quân càn quét vào căn cứ, lực lượng của quân địch ở các vùng khác bị dàn mỏng và trong từng lúc bị thiếu hổng. Điều đó đã tạo điều kiện cho phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở vùng tạm bị chiếm, vùng du kích.

4. Trong chiến tranh Việt Nam, căn cứ địa đã tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân; là chỗ dựa về mặt chính trị, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ đồng bào khắp nơi kháng chiến.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản ra hoạt động công khai, chính quyền cách mạng được thành lập từ Trung ương xuống tỉnh, huyện, xã. Đó chẳng những là thành tựu căn bản nhất của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Cuộc kháng chiến bùng nổ. Thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn, Hà Nội, các tỉnh lỵ và vùng nông thôn sầm uất. Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ở miền Nam, tình hình cũng tương tự như thế. Các tổ chức Đảng, chính quyền và toàn thể cách mạng chuyển về đứng chân trong các căn cứ địa để lãnh đạo, điều hành công cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, Căn cứ địa Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến của cả nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh, rồi Tây Ninh trở thành “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam. Các khu, tỉnh, huyện, xã đều có căn cứ địa, “Thủ đô kháng chiến” của riêng mình. Từ các căn cứ địa này, các chủ trương chiến lược, kế hoạch, biện pháp tiến hành kháng chiến được ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện trên tất cả các chiến trường. Mọi an nguy ở căn cứ địa đều có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ phát triển của cuộc kháng chiến ở từng vùng.

Tại các căn cứ địa, công tác xây dựng và củng cố căn cứ địa được tiến hành một cách toàn diện, cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại đây, nhân dân được phát huy quyền tự do dân chủ và khả năng tham gia sản xuất và chiến đấu; các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận được xây dựng, củng cố và hoạt động công khai; các phần tử phản cách mạng bị trấn áp, đè bẹp. Nông dân được giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất và được hỗ trợ vốn, giống, công cụ sản xuất. Các tàn tích văn hóa ngu dân và các tệ nạn xã hội bị loại bỏ trong đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân vùng căn cứ địa. Đồng bào hồ hởi thực hiện “nếp sống mới”, tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, phong trào văn hóa, văn nghệ kháng chiến, phong trào giữ gìn nếp sống hợp vệ sinh, phong trào thể dục, thể thao, phong trào cứu tế xã hội tương trợ những người khó khăn vì thiên tai, địch họa… Đời sống của nhân dân vùng hẻo lánh xa xôi tại các căn cứ được đổi mới, phát triển vượt bậc. Đó thực sự là một “nước Việt Nam độc lập thu nhỏ”, một xã hội mới đối lập hoàn toàn với vùng còn bị địch tạm chiếm.

Với những lý do nêu trên, hình ảnh các căn cứ địa kháng chiến trong thực tế đã trở thành nguồn năng lượng về chính trị, tinh thần cho đồng bào vùng bị tạm chiếm. Chuyện kể về đời sống mọi mặt trong chiến khu, các loại sách, báo kháng chiến, tiền giấy có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân vùng tạm bị chiếm hân hoan đón nhận và giữ gìn, lưu truyền. Hàng vạn công nhân, nông dân, học sinh, trí thức vùng tạm bị chiếm lần lượt tìm vào các chiến khu, các bưng biền để tham gia kháng chiến; tiền của đồng bào vùng tạm bị chiếm gửi về căn cứ địa qua các phong trào “hũ gạo kháng chiến”, “đóng thuế nông nghiệp”, các đường dây tiếp tế là những minh họa sinh động nói lên tấm lòng, niềm tin và sức mạnh chính trị tinh thần của đồng bào còn ở vùng địch chiếm đóng./.

------------------------------------------------
(1) Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb. Plon Paris, 1979, t. 3, tr.94(2) Theo Hoàng Xuân Lâm: Khái niệm của căn cứ địa - nghiên cứu nghệ thuật quân sự, Học viện Quân sự cấp cao, 1993, tr.82(3) Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb. Plon Paris, 1979, t. 3, tr.91(4) Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb. Plon Paris, 1979, t. 3, tr.143(5) Andre Teulieres: Cuộc chiến tranh Việt Nam (1945-1975), Thư viện Quân đội, T/84. 10.690, tr.28.
Thiếu tướng Trần ĐơnỦy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 7