Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga trong thời đại ngày nay
[ 08/11/2012 00:45 AM | Lượt xem: 1537 ]
TCCSĐT - Ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) do V. I. Lê-nin đứng đầu, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới. Chín mươi lăm năm qua, mặc cho mọi kẻ thù ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bôi đen nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống và giá trị thời đại.

Phạm Văn NhuậnĐại tá, PGS, TS, Viện Khoa học xã hội nhân văn Quân sự,Bộ Quốc phòng

1. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi mở đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công

Lịch sử tồn tại, phát triển của nhân loại với biết bao sự kiện, biến cố, thăng trầm nhưng thế kỷ XX vẫn được ghi nhận là thế kỷ của những dấu ấn sâu sắc nhất, mà Cách mạng Tháng Mười là mốc son không bao giờ có thể phai mờ. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi không chỉ làm rung chuyển, mà còn làm đảo lộn trật tự thế giới, “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(1). Đó là sự khởi đầu một sự nghiệp vĩ đại cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới XHCN. Sau Cách mạng Tháng Mười, CNXH được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi ách áp bức, bóc lột của CNTB và chế độ Nga Sa hoàng, đã làm thay đổi hoàn toàn địa vị xã hội của họ, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới.

Những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại thế kỷ XX đều có cội nguồn từ sức mạnh sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng nhân dân là sự khẳng định sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Mười. Nước Nga Xô - viết sau này là Liên Xô, chỉ sau mấy chục năm xây dựng CNXH đã từ một nước tư bản phát triển trung bình trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; xác lập một kiểu tổ chức xã hội mới mang lại nhiều quyền lợi cho quảng đại quần chúng lao động. Sức sống, triển vọng và xu thế phát triển của CNXH hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những chân giá trị của Cách mạng Tháng Mười. Liên Xô không ngừng tăng cường sức mạnh về mọi mặt, trong nhiều thập niên đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống họa phát xít, vì hòa bình, dân chủ, CNXH và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lê-nin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”(2). Nhưng để đi tới thắng lợi cuối cùng, luôn cần có những con người có niềm tin vững chắc, quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đi tới thắng lợi cuối cùng.

2. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi vạch ra con đường cách mạng hoàn toàn mới, độc lập dân tộc gắn với CNXH, kiên trì cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi không những đưa nước Nga bước vào thời kỳ lịch sử mới, mà còn tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng thế giới, khơi dậy khát vọng của giai cấp cần lao trên toàn thế giới hướng về một xã hội mới tốt đẹp, công bằng, con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công. Đánh giá về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(3).

Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra con đường cách mạng hoàn toàn mới cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Dưới ảnh hưởng và tác động của Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới đã vùng lên đấu tranh để giành lấy độc lập dân tộc và nhiều nước lựa chọn xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước quá độ gián tiếp lên CNXH, thực hiện “sự phát triển rút ngắn” thời kỳ quá độ lên CNXH là những sáng tạo cách mạng gắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tiễn sinh động của mỗi nước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng của Cách mạng Tháng Mười, khả năng của cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa, chậm phát triển lựa chọn con đường xây dựng đất nước gắn độc lập dân tộc với CNXH.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, CNXH hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã mở rộng ra nhiều nước trên thế giới, cách mạng thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới. Cách mạng XHCN gắn kết chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, CNXH và tiến bộ xã hội, tạo thành sức mạnh vô địch của ba dòng thác cách mạng. Thế kỷ XX đã đi qua với những bước tiến vĩ đại và cả những bước lùi tạm thời với những thất bại nặng nề của CNXH hiện thực. Nhưng tất cả những điều đó không hề làm thay đổi xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay, mà chỉ nói lên những bước quanh co, khúc khuỷu, thăng trầm nhưng tất thắng của CNXH. Bởi lẽ, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười phù hợp với quy luật vận động của xã hội. V. I. Lê-nin đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”(4).

3. Sức sống của Cách mạng Tháng Mười gắn liền với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận làm thất bại mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, những người Bôn-sê-vích Nga đã phải kiên cường đấu tranh chống lại các thế lực tư sản, phản động. Kẻ thù luôn lớn tiếng vu cáo những người Bôn-sê-vích “đảo chính”, “tiếm quyền”. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Mười là “sự đi chệch” khỏi con đường phát triển chính thống của nhân loại; không tính đến các tiền đề kinh tế - xã hội cho sự thắng lợi của CNXH ở nước Nga (!). Các phần tử cơ hội, xét lại cũng tìm đủ mọi cách xuyên tạc rằng, Cách mạng Tháng Mười là “diễn ra không theo Mác”, là “từ bỏ chủ nghĩa Mác”,... Đáp lại, V. I. Lê-nin đã kịch liệt phê phán, bác bỏ các luận điệu thù địch xuyên tạc chủ nghĩa Mác, qua đó làm sâu sắc tư tưởng kinh điển về cách mạng XHCN.

Sau khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, sự chống phá của các thế lực thù địch lại càng quyết liệt hơn. Chúng lớn tiếng bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, tuyên bố về “hồi kết thúc”, “sự cáo chung” của CNXH hiện thực; sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sai lầm của Cách mạng Tháng Mười. Chúng đưa ra nhiều lý thuyết về “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”...; ca ngợi “tính đúng đắn” của chủ nghĩa cải lương tư sản; phủ nhận vai trò Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng”,...

Cả lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng CNXH trên thế giới những năm qua đã bác bỏ những luận điệu thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự “cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng” của một cá nhân nào đó như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng XHCN. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dẫu rằng có nhiều quanh co, phức tạp, thăng trầm, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch ra không hề thay đổi. Sự chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực của đời sống xã hội khi công khai, lúc ngấm ngầm; với các phương thức, thủ đoạn rất thâm độc, để xâm nhập trận địa tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào Đảng Cộng sản, chế độ XHCN. Những tổn thất do kẻ thù gây ra là vô cùng to lớn, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch ra không hề thay đổi và tính tất yếu thắng lợi của CNXH là không thể đảo ngược. Hiện nay, giá trị, sức sống của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước đang kiên trì con đường XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba,... Những thành tựu to lớn ở các nước XHCN còn lại đang là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới. Các phong trào cánh tả ở Tây Âu và Mỹ La-tinh, chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”,...

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, hơn 80 năm qua, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn hơn. Hiện nay, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn con đường phát triển đất nước ta hiện nay. “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(5). Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới là tiếp tục khẳng định sức sống bền vững, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười./.

---------------------------------------------

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 12, tr. 301

 (2) Hồ Chí Minh: Sđd, tr. 300-301

 (3) Hồ Chí Minh: Sđd, tr. 300-301

 (4) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t. 30, tr.160

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 69


< Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Nhuận >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 6